Chúa Nhật Lễ Chúa Ky[-tô Vua Đức Kitô là một vị - TopicsExpress



          

Chúa Nhật Lễ Chúa Ky[-tô Vua Đức Kitô là một vị Vua rất khác lạ, Người làm tất cả chỉ vì muốn cứu độ muôn người: Người tự hiến cúi xuống với con người; Người tận hiến mạng sống cho con người, và Người thánh hiến để con người được sống muôn đời với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Vấn đề còn lại là hãy tôn vương Chúa Kitô ngay trong cuộc sống hôm nay. Chúa Nhật Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 23, 35-43) Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu? Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi. Chúa Giêsu đáp: Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta. Đó là lời Chúa. Vương quốc Đức Kitô Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không? Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu. Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian. Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô. Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49). Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời. Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính. Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ. Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3). “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”. Rất tự do, Người đã đi vào cái chết. Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người. Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người. Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người. Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa. Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1) Đã bao giờ bạn cảm nghiệm được sự tự do hoàn toàn, không còn ham hố tiền tài, danh vọng, lạc thú chưa? Nếu có, bạn cảm thấy thế nào? 2) Hình ảnh về Vua Giêsu nghèo hèn, khiêm nhường, chịu thiệt thòi, luôn tha thứ gợi lên trong bạn tâm tình nào? 3) Tuần này bạn sẽ làm gì để Vương quốc Chúa Giêsu lan rộng tới những người chung quanh? ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Chúa Kitô Vua (Trích từ ‘Nút Vòng Xoay’) Trên báo Tuổi Trẻ cách đây khá lâu, tôi gặp một chuyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mang tựa đề “Tôi thích làm vua”, truyện kể về một đội kịch khi đã dàn dựng xong một vở xoay quanh vai chính là một ông vua. Nhưng đến lúc trình diễn, người thủ vai ông vua đã không có mặt. Đang còn lúng túng thì may sao tác giả chuyện ngắn lù lù dẫn xác tới. Bằng sức ép của tình thân người ta xếp ngay ông vào vai ông vua với lời trấn an: “Làm vua dễ lắm! Chỉ cần áo mão cân đai, trong ngai bệ vệ thị oai xong liền”. Tác giả đã làm như thế và buổi diễn được xem là thành công. Truyện chỉ có thế, nhưng qua mạch kể, dẫn tới kết luận: làm vua quá dễ và xét cho cùng, làm vua cũng có nghĩa là chẳng phải làm gì cả. Phụng vụ hôm nay cũng đặt tín hữu đối diện với một vị vua: Đức Kitô. Nhưng Người là vị Vua thế nào? Đường lối làm vua của Người có nhàn hạ không? 1. Đức Kitô khởi đầu sự nghiệp bằng việc tự hiến. Ngay từ đời đời, Đức Kitô đã là vua trên cả tạo thành, nhưng vì không muốn cho con người chỉ thấy nơi Người tự bản tính đã là vua, mà còn muốn tỏ bài cho họ hiểu để “là vua” Người phải “làm vua” nữa. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã trở thành Vua muôn vua. Dẫu là Vua Trời, Người đã chấp nhận từ bỏ tất cả để bước xuống với đời sống con người. Sự bước xuống ấy chẳng phải là một chuyến vi hành như kiểu những ông vua trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”, ban ngày thì thét ra lửa, nhưng ban đêm lại cải trang giả dạng thường dân len lỏi vào những ngõ ngách cuộc sống để nắm bắt tình hình dân chúng, rồi bước sang ngày mới, lại áo mão nghênh ngang ra dáng đức vua oai vệ. Sự bước xuống ấy cũng chẳng phải là những chuyến du hành như những chuyến đi lại của những ông vua hiện đại luôn được bao vây bởi những vệ sĩ cận kề hoặc những fan hâm mộ cuồng nhiệt, có muốn quan sát sự tình cũng khó mà thấy sự thật. Nhưng sự bước xuống ấy là một chuyến đồng hành theo nghĩa mạnh nhất của từ ngữ này, nghĩa là Vua Trời đã làm người thực thụ giữa muôn người trần gian để đồng hành với con người trong cuộc phiêu lưu cứu độ. Từ trời cao hạ cố bước xuống với con người, chưa đủ; từ Thiên Chúa tự nguyện bước xuống làm người vì chúng ta, cũng chưa đủ; từ con người vô danh tiểu tốt lại khiêm nhường bước xuống làm một tội nhân dẫu chẳng mang tội gì, cũng chưa đủ. Qua Phúc Âm hôm nay, người ta còn thấy Người bước xuống nữa, từ một tội nhân lại nhận vào mình cái án của tên tử tội. 2. Đức Kitô xưng vương bằng việc tận hiến. Đọc kỹ trang Tin Mừng hôm nay, người ta sẽ vô cùng sửng sốt, bởi vì hình ảnh vị vua thì quá nhạt nhòa trong khi hình ảnh của người tử tội lại thật đậm nét, đến nỗi cái chết của người ấy cũng không thể gọi là một cái chết bình thường nếu không muốn nói là “cái chết dữ”, theo ngôn ngữ Việt Nam. Thay vì triều thiên là một vòng gai, thay vì long ngai là một Thánh Giá, thay vì xa giá oai phong lẫm liệt lại chỉ là những tiếng nhục mạ thách thức của đủ mọi thành phần dân chúng. Kỳ mục ghen ghét nên nhục mạ đã đành, lính tráng liên quan gì mà phải lên tiếng, đến như anh trộm dữ chết đến nơi rồi mà vẫn không hết cay xè cà cuống độc mồm độc miệng. Nhưng người ta càng sửng sốt hơn nữa khi biết rằng người tử tội ấy là Chúa Kitô, và cái chết của Người chính là đỉnh cao tận hiến, đi đến cùng trong lựa chọn hiến thân cho loài người. Nếu sinh thời Người đã nói “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến thân vì bạn hữu” thì câu nói đó trước hết đã ứng nghiệm nơi Người. Người chết thay cho nhân loại mà Người hằng yêu mến, Người chết cho họ được sống. Nhưng chính lúc Người chết lại là lúc Người tỏ mình là Vua như hàng chữ trên Thánh Giá đã ghi rõ. Người làm Vua bằng con đường tận hiến. Như hạt lúa phải thối đi mới sinh nhiều bông hạt; như cỗ máy phải chấp nhận hao mòn đi mới phát sinh công suất; như bông hoa phải chịu ngắt đi mới trang hoàng đẹp bàn thờ; và cũng như cây nến phải chấp nhận hao mòn đi mới có thể đem cho ngày lễ ánh sáng lung linh. 3. Chúa Kitô cai trị bằng thánh hiến. Nếu toàn cảnh Phúc Âm hôm nay là một bầu khí ảm đạm thì câu kết thúc lại là một cảnh hoàn toàn khác. Từ đỉnh cao Thập Giá, Chúa Kitô hứa Thiên Đàng cho anh trộm lành. Trong lời hứa, người ta đã thấy tỏ hiện vương quyền trời cao; trong cách hứa, người ta đã thấy vinh quang rạng ngời vương quốc; và vượt trên tất cả, trong tương quan của người trao và người nhận lời hứa, là sáng lên dung mạo của vị Vua bao dung thánh hiến tất cả để đặt vào tình trạnh sống mới. “Hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”. Trong bảy lời Chúa Giêsu phán ra từ Thập Giá, đây là lời oai phong nhất, không là lời của người tử tội, mà là lời của một vị Vua quyền uy trong Vương quốc của Người là Thiên đàng. Đây cũng là lời đậm màu cứu độ nhất vì anh trộm khi chẳng còn hy vọng nào khác đã biết bám víu vào Chúa Giêsu, nên anh đã nhận được ơn cứu rỗi, tức là được thánh hiến để sẵn sàng tháp tùng Người bay thẳng vào chốn Thiên Đàng không cần qua một trạm trung chuyển nào. Sướng thật. Rõ trộm chuyên nghiệp nên phút cuối cùng còn trộm được cả Thiên Chúa. Có lẽ cũng nên nói một chút về hai chữ “hôm nay” của lời hứa đặc biệt này, một chữ nhiều gợi ý, nhưng gắn liền với việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá, nên chữ ấy cũng liên quan đến việc thánh hiến của vì Vua cứu độ. Ngay từ lúc Chúa Giêsu chịu chết, Vương quốc Thiên Đàng của Người đã tỏ hiện, vương quyền thánh hiến của Người đã phát huy, để chữ “hôm nay” trở thành chữ hiện thực muôn đời của tấm lòng vị Vua Cứu Thế. Qua việc thánh hiến lòng cậy trông của ông trộm lành, Đức Kitô đã khẳng định đường lối làm vua của Người mãi mãi. Người thánh hiến trọn vẹn mỗi người và mọi người, như kiểu nói của thánh Phaolô: “Người thâu họp tất cả trong một đầu mối chính là Người, để mà dâng lên Chúa Cha”. Tóm lại, Đức Kitô là một vị Vua rất khác lạ, Người làm tất cả chỉ vì muốn cứu độ muôn người: Người tự hiến cúi xuống với con người; Người tận hiến mạng sống cho con người, và Người thánh hiến để con người được sống muôn đời với Người trong vương quốc vĩnh cửu. Vấn đề còn lại là hãy tôn vương Chúa Kitô ngay trong cuộc sống hôm nay. Có lần đến một xứ đạo vùng Hố Nai dâng Thánh Lễ, tôi không xác định được phương hướng, phải nhờ một bác tài xế chỉ cho. Bác bảo: tới ngã ba thấy tượng Chúa Kitô giang tay, hãy đi về phía tay phải, sẽ gặp địa chỉ muốn tìm. Rõ ràng chỉ là một câu nói, nhưng đầy gợi ý: hãy đi về phía tay phải Chúa Kitô bằng một cuộc sống tốt lành, người ta sẽ gặp được địa chỉ mong ước, đó là Nước Chúa Kitô, là quê hương hạnh phúc. ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống Người công dân đầu tiên trong Vương Quốc Vua Kitô (Lễ Đức Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ) Trên thập giá, ngay trước khi tắt thở, Đức Giêsu đã hé mở cho thấy một điều vĩ đại vượt quá sức hiểu biết của tất cả mọi người: thiên đàng là vương quốc không chỉ dành riêng cho các kẻ đạo đức thánh thiện, mà trước hết là gia nghiệp của các tội nhân cầu mong được xót thương tha thứ. Quả thực điều này làm nhiều người chúng ta ngạc nhiên tới độ có thể bị sốc, bị xúc phạm. Ta vẫn thường nghĩ công dân thiên đàng phải là các bậc đạo đức thánh thiện, hoặc nếu không xuất chúng trổi vượt như các bậc đại thánh được tuyên phong thì chí ít cũng phải là lương thiện tốt lành tới một mức độ nào đó. Ấy vậy mà công dân đầu tiên và tiêu biểu của vương quốc Vua Kitô, công dân được chính Vua Giêsu long trọng kết nạp ngay trên thập giá, lại là một tên đại gian đại ác tới độ xã hội phải loại bỏ bằng cách lên án tử. Ngay cả Giêsu đang bị bị đóng đinh trên thập giá, cũng đang bị thiên hạ bên dưới bêu rếu nhạo cười: nhạo cười vì chính tước hiệu ‘Vua’ được cho là ông đã tự gán cho mình. ‘Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái”. Do Thái lúc đó đồng nghĩa với một dân tộc nhược tiểu, bị trị. Ngay cả các người Do Thái cũng cảm thấy bị nhục mạ vì cách nhạo cười bêu rếu này… và họ đã cực lực phản đối. Thế nhưng người duy nhất đã nghiêm túc xác nhận lời bêu rếu trên là chính đáng lại là chính người đang bị nhạo cười. ‘Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Do Thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó!” Thế thì quả thật Đức Giêsu đã khảng định cách công khải Người là Vua, và cùng với lời khảng định đó một Vương Quốc mới bắt đầu lộ diện, một dân riêng, một Do Thái mới. Nhưng vương quốc đó là gì, và sẽ dành cho những ai? Ai mới đáng gia nhập vương quốc của vị Vua bị đóng đinh này? Đó là những câu hỏi cần tìm lời giải đáp. Trong vương quốc Do Thái của Cựu Ước, công dân là những người như tổ phụ Abraham đặt trọn niềm tin vào lời hứa của Đức Chúa. Họ sẽ cụ thể hóa niềm tin đó qua việc nắm giữ trọn vẹn các lề luật do Mô-sê truyền dạy. Thế còn vương quốc Do Thái mới, công dân của vương quốc này phải làm gì, và phải hội đủ các điều kiện nào để được gia nhập? Chỉ cần nhìn vào người công dân đầu tiên của Vương Quốc này là ta hiểu ngay được bản chất vương quốc đó và điều kiện để gia nhập. Trong trình thuật thương khó của Phúc Âm Luca, diện mạo người công dân đó đã được phác họa cách rõ nét. Luca đã mô tả tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Người trên thập giá là công dân đầu tiên của vương quốc Vua Giêsu mới thiết lập. Sẽ không ai gọi hắn là ‘lành’, vì cả đời tên này đã sống gian hùng và từng phạm nhiều trọng tội tới độ xã hội phải tuyên án tử. Một tên đại gian đại ác như thế mà lại được chính Đức Giêsu trực tiếp công bố được kể như người thứ nhất được nhận vào Vương Quốc mình đang thiết lập: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Tại sao vậy? Hắn đã làm được gì? - Điều duy nhất mà tên gian phi này đã may mắn làm được trước khi chết là kêu nài tới lòng xót thương của Tân Vương. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi!” Đơn giản chỉ có thế, và thế là anh ta đã được nhận vào Vương Quốc, được trở thành công dân đầu tiên của Nước Trời! Tín hữu của mọi tôn giáo đều có chung một tư duy: ‘thiên đàng hay thiên cung’ là nơi chỉ dành cho những con người tốt lành thánh thiện. Riêng Tin Mừng của Đức Giêsu mới cho thấy ngược lại: trên thiên đàng của Cha Người xuất hiện một hạng người ‘lành thánh mới’, phù hợp hơn với Vương Quốc được thập giá tình yêu cứu độ thiết lập. Nếu ‘lành thánh cổ điển’ là tu thân tích đức, là đạo đức khôn ngoan…, chí ít cũng phải ăn ngay ở lành, thì ‘lành thánh mới’ chỉ đơn giản là đón lấy lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho mọi người trong Đức Kitô Giêsu. Tên trộm trở thành ‘lành’ hay tên tướng cướp trở thành ‘thánh’ chỉ là vì hắn đã nại tới lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa. Quan trọng hơn nữa là chúng ta không được coi người công dân đầu tiên này chỉ như một biệt lệ, một luật trừ hiếm hoi. Đúng hơn anh ta phải được nhìn nhận như một nguyên mẫu (prototype) của mọi công dân trong Vương Quốc mới của Vua Kitô. Điều này đã được chứng minh qua thị kiến Tông Đồ Gioan ghi lại trong sách Khải Huyền: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?” “Họ là những người… giặt sạch và tẩy áo mình trong máu Con Chiên… Và Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ” (Kh 7,13-14. 17). Thiên đàng mới hầu như gồm toàn những con người như thế cả, hay nói cách khác, mọi công dân Nước Trời đều phải là như thế. Vương quốc của Vua Kitô không phải là một thiêng đàng đầy khoái lạc được dùng để ân thưởng cho những thần dân trung tín tốt lành. Vương Quốc của Vua Kitô Giêsu thập giá chan hòa tình yêu tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa. Vương quốc này sẽ đón nhận hết thảy mọi người, kể cả những kẻ gian hùng tội lỗi nhất, miễn là họ biết khiêm tốn đưa tay ra lãnh lấy tấm thẻ công dân được lòng thương xót Chúa ban tặng cho cách nhưng không. Đúng hơn, càng những ai nhận biết thân phận bất xứng tội lỗi của mình, thì lại càng dễ dàng mau mắn hơn đưa tay ra đón nhận lấy nó. Như thế công việc và điều kiện duy nhất cần chu toàn để gia nhập Vương Quốc của Vua Kitô chỉ có thể là: khiêm tốn đón lấy ơn cứu độ đầy xót thương mà Thiên Chúa không ngừng trao ban! Trong Vương Quốc này có một công dân rất tiêu biểu và uy tín: công dân Maria, người nữ đã từng khiêm tốn thốt lên tự đáy lòng mình: “Thiên Chúa đấng cứu độ tôi, đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn này!” (Lc 1,48) Chính vì khiêm tốn tột độ chân nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ của mình mà Maria mới thật sự xứng đáng trở thành Nữ Hoàng trong Vương Quốc của Vua Giêsu Kitô. Ngay cả một linh mục như tôi cũng không có cách nào khác để trở thành công dân Nước Trời. Còn nếu muốn trở thành một công dân cao cấp hơn trong Vương Quốc đó, tôi sẽ phải nỗ lực như thế nào đây? Trả lời được câu hỏi này sẽ làm cho con đường thánh thiện của tôi rộng mở, và công tác mục vụ tôi đảm trách minh bạch hơn nhiều. Lạy Vua Kitô của vương quốc tình yêu cứu độ, xin hãy tiếp nhận con vào vương quốc của Người. Xin cũng hãy nói với con như Chúa đã từng công bố với tên gian phi: “ngay hôm nay con sẽ ở với Cha trong vương quốc”. Xin hãy ban cho con ơn trọng đại nhất là, khi giờ chết đến, biết ném mình vào lòng nhân hậu vô biên của Chúa. Xin cho con sở đắc vĩnh viễn được cái cảm giác tuyệt vời mà đã một lần con được nếm cảm trong giờ chết lâm sàng…, là được tan biến vòng tay nhân ái thứ tha, và được vòng tay này ôm ấp đến muôn đời. A-men Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Thiên Chúa đã trở nên giống như bạn và tôi Có một câu chuyện cổ tích kể rằng: ở một vương quốc nọ. Có một vị vua cao sang quyền qúy, thế mà lại yêu say đắm một cô thôn nữ miền sơn cước. Nhà vua định cưới nàng làm hoàng hậu nhưng có quá nhiều trở ngại, khiến nhà vua phải nhiều đêm đắn đo suy nghĩ. Vì tục lệ chỉ cho phép nhà vua cưới các công nương vương triều. Tuy rằng ngài có đầy quyền lực để xem thường truyền thống nhưng ngài vẫn không dám quyết định. Hơn nữa, một ý nghĩ khác nảy sinh khiến nhà vua càng khó quyết định, vì nhà vua sợ sự khác biệt về địa vị khiến tương quan giữa hai người sẽ khó mà tự nhiên với nhau, cô gái có thể thán phục đức vua nhưng không thực sự yêu ngài. Vua vẫn là vua, nàng vẫn là thôn nữ chốn hồng hoang. Vua liền nảy sinh một sáng kiến, ngài từ bỏ ngôi vua để sống như một nông dân, để gần gũi và hoà đồng với nàng, nhưng nhà vua lại sợ, với cương vị một chàng nông dân liệu rằng cô thôn nữ còn yêu mình nữa hay không? Cuối cùng, vì quá yêu nàng, nhà vua vẫn đánh liều bỏ mọi sự để ngỏ lời yêu thương với nàng. Câu chuyện bỏ ngỏ ở đây. Câu chuyện không dẫn thính giả đến lời đáp trả của nàng thôn nữ, có đón nhận tình yêu của nhà vua hay từ chối tình yêu. Nhà vua đã rời bỏ ngai vàng, đã chấp nhận trắng tay vì nàng, nhưng liệu rằng nàng có dám yêu anh “khố rách áo ôm”, khi địa vị, danh vọng, tiền bạc của nhà vua đã không còn? Câu chuyện cũng không dẫn độc giả tới tuyệt đỉnh của một tình yêu là “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Câu chuyện không có đoạn kết, vì đoạn kết tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi người đều có quyền điền vào cho hợp với ý của mình. Câu chuyện chỉ muốn gợi lên cho độc giả về một tình yêu cao cả mà nhà vua đã dành cho cô thôn nữ hèn kém này. Một tình yêu thật lớn lao đến độ dám từ bỏ ngai vàng vì một cô thôn nữ xa lạ chỉ một lần thấy thoáng qua trong đời. Vâng, câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn. Đây là một câu chuyện có thực về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa hằng yêu thương bạn, yêu thương tôi. Ngài là một vị vua đã tự bỏ ngai vàng, cung điện và cả cung cách của một vì Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi như chúng ta. Ngài quá yêu chúng ta đến nỗi đã trở nên “đồng hình đồng dạng vì chúng ta”. Ngài đã trở thành một “Emmanuel vì chúng ta”. Nhưng tiếc thay nhân loại hôm qua cũng như hôm nay đã không nhận ra Ngài. Họ cần một vì Thiên Chúa đánh đông dẹp tây, quyền uy sang trọng. Họ cần một vì Thiên Chúa để họ điều khiển theo ý của họ. Họ đòi Thiên Chúa đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng của họ hơn là chính họ phải hành động theo ý của Thiên Chúa. Năm xưa dân Do Thái đã không nhận ra Chúa khi Ngài mang thân phận của một con người như họ. Họ còn xem thường về nguồn gốc của Ngài. Cho dù họ đã chứng kiến biết bao phép lạ phi thường mà chỉ có bàn tay Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Thế mà, họ lại xuyên tạc là nhờ tướng quỷ mà làm được những việc này việc nọ. Từ việc xem thường gốc gác về Ngài, họ đã đẩy Ngài đến án tử trên đồi Golgotha. Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ, ngài vẫn tiếp tục yêu thương và yêu thương cho đến cùng, vì Ngài là tình yêu. Vâng, câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn. Thiên Chúa vẫn đang gõ cửa từng cuộc đời chúng ta. Ngài hằng mong chúng ta đón nhận Ngài qua những con người túng thiếu cơ hàn, qua những mảnh đời tha phương cầu thực, qua những bất hạnh của những anh em đang ở bên cạnh chúng ta. Thiên Chúa đã trở nên đồng hình đồng dạng vì chúng ta, Ngài vẫn cần chúng ta trao ban cho Ngài những nghĩa cử yêu thương. Ngài vẫn đang cần chúng ta săn sóc Ngài trong tôn trọng và vị tha. Ngài vẫn cần chúng ta dâng hiến cuộc đời để phục vụ Ngài một cách quảng đại và bao dung. Ngài là một vì Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người, nhưng liệu rằng, bạn còn yêu Ngài hay không? Chúng ta yêu một vì Thiên Chúa quyền uy thì dễ nhưng liệu rằng chúng ta có dễ dàng yêu một vì Thiên Chúa đã hoá thân làm người trong thân phận hài nhi yếu đuối, bị truy đuổi, bị loại trừ hay không? Chúng ta sẵn lòng cúi mình làm tôi cho những ai mang lại cho ta tiền bạc, danh vọng, niềm vui, nhưng liệu rằng chúng ta có muốn cùng Chúa đi trên con đường thập giá, đường hy sinh bản thân để trở nên nguồn hạnh phúc cho anh chị em mình không? Hôm nay, là ngày lễ Chúa Giêsu là Vua, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy sống đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì yêu thương ta Ngài đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài, chúng ta hãy phục vụ Ngài qua anh em của chúng ta. Vì yêu thương ta, Ngài đã chấp nhận chết để cứu độ chúng ta, chúng ta hãy biết chết đi bản tính ích kỷ của mình, chết đi những toan tính tội lỗi của mình để sống xứng đáng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nguyện xin Chúa Giêsu là Vua cai trị và dẫn dắt chúng ta đi trong đường chính nẻo ngay, và xin Ngài ngự trị thánh hoá cuộc đời chúng ta trong hồng ân và tình thương của Ngài. Amen Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Vâng phục đến hơi thở cuối cùng Ngay từ thuở khai sinh nhân loại, Nguyên Tổ loài người là A-đam và E-va đã bị Sa-tan cám dỗ từ bỏ đường lối Thiên Chúa để theo đường lối Sa-tan. Hai ông bà đã nghe theo lời ma quỷ xúi giục, không vâng phục Thiên Chúa, không đi theo đường lối của Ngài. Thế là một khi “đầu tàu” đã đi trật đường rầy thì sẽ lôi kéo các “toa tàu”, tức là vô vàn con cháu về sau lao vào cõi đau khổ trầm luân. Để cứu nhân loại thoát cảnh lầm than do Nguyên Tổ gây ra, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, trở thành Nguyên Tổ mới, tác sinh ra một nhân loại mới, đồng thời trở nên “đầu tàu” thứ hai dẫn đưa nhân loại vào chốn hồng phúc. Sa-tan đã hạ đo ván Nguyên Tổ A-đam E-va ngay từ thử thách đầu tiên, nay lại thừa thắng xông lên với quyết tâm lôi kéo “đầu tàu” thứ hai là Đức Giê-su Ki-tô đi trệch đường lối Thiên Chúa, nhằm nhận chìm nhân loại vào trong cõi trầm luân muôn đời muôn kiếp. Mặc dầu Chúa Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philipphê 2, 7), do đó, Ngài có thể “bị thử thách (cám dỗ) về mọi phương diện cũng như ta” (Do thái 4, 15). Chính vì thế, Sa-tan không ngừng cám dỗ Chúa Giê-su đi trệch đường của Thiên Chúa Cha với hy vọng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người. *** Lúc khởi đầu sứ vụ, Chúa Giê-su bị cám dỗ ba lần trong hoang địa khi mới chuẩn bị bước vào đời sống công khai. Chúa Giê-su anh dũng chống lại và đã chiến thắng. Ma quỷ đành rút lui để chờ dịp khác. Trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su từng bị cám dỗ lên làm vua (Gioan 6, 14), bị cám dỗ đừng lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ nạn (Mt 16, 22-23) và đặc biệt, bị cám dỗ hết sức khốc liệt nơi vườn Dầu (Lc 22, 41-44). Nơi đây, Chúa Giê-su bị giằng co giữa hai chọn lựa đau đớn: uống chén đắng hay khước từ chén đắng? Chấp nhận làm theo ý Chúa Cha để rồi phải chết trong tủi nhục đau thương hay là làm theo ý mình để được sống an bình? Cuộc giằng co trong nội tâm đã khiến Chúa Giê-su phải toát mồ hôi máu, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng. Ngài cương quyết vâng theo ý Chúa Cha, anh dũng bước vào cuộc khổ nạn đau thương để cứu độ muôn người. (Lc 22, 42) Lần nầy, Sa-tan ra sức đánh trận cuối cùng, may ra giành được chiến thắng vào phút chót. Chiến lược của Sa-tan là tìm cách cám dỗ Chúa Giê-su xuống khỏi thập giá nhằm phá vỡ hoàn toàn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trước hết, qua miệng các thủ lãnh, Sa-tan khiêu khích: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! Đây là một cám dỗ hấp dẫn, vì nếu Chúa Giê-su tự xuống khỏi thập giá, thì chắc chắn sẽ có nhiều người tin Ngài là Đấng Ki-tô. Tiếp theo, Sa-tan dùng lời binh lính để dụ dỗ Chúa Giê-su: “Hãy xuống khỏi thập giá đi.” Lý do được đưa ra là: “Ông là vua dân Do-Thái”. Đúng vậy, là vua thì phải xuống khỏi thập giá để lãnh đạo toàn dân thần phục Thiên Chúa, hẳn sẽ có lợi hơn nhiều. Ngay cả tên tử tội cùng bị đóng đinh với Chúa Giê-su cũng được Sa-tan sử dụng để cám dỗ Ngài: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không chịu lùi bước trước bất kỳ cám dỗ nào. Ngài quyết vâng phục Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã chiến đấu kiên cường và đã hoàn toàn chiến thắng. Lời thánh Phao-lô trong thư Philipphê (chương 2, 6-11) sau đây như khúc khải hoàn ca tán dương Chúa Giê-su đã vẻ vang chiến thắng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.” Ngợi ca Vua Giê-su Ki-tô toàn thắng vinh hiển muôn đời. Amen. Lm. Inhaxiô Trần Ngà Đức Giêsu “Vua vũ trụ” Vào thời Chiến quốc, hiền triết Trang Chu (369 – 298 trước C.N) có nói: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất ”: Trời đất với ta cùng sinh, vạn vật với ta là một. Như thế, Ông Trang Chu đã có cái nhìn về con người trong thời của ông. Con người không nhỏ nhoi, vô vị, tầm thường. Thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô 1, 9 – 10, ngài nói rằng: “ Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” Lời của một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá ngõ với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi”. Chắc chắn chỉ là một lời cầu may. Chưa chắc gì ông ta xác quyết với bản án đã được viết phía trên đầu Đức Giêsu: “Đây là Vua người Do Thái” Các vua trần gian thì cai trị dân chúng. Họ được hưởng sự tôn kính của toàn dân và được hưởng biết bao lợi lộc do dân cung phụng. Còn vị “Vua người Do Thái” (Lc 23, 38) này thì sao. Sự tôn kính của dân chúng đối với vị Vua này là những lời la ó: “Đóng đinh nó vào thập giá” ( Ga 19, 15 ), kèm theo những lời nhục mạ, sỉ vả, kết án một cách nhục nhã như thế sao? Quyền lợi mà vị Vua này được dân chúng cung phụng là cây thập giá, vòng gai, những cái đinh và những nhát búa đó ư ? Tất cả đều nói lên một sự thất bại trong ngôi Vua kiểu trần gian. Còn Đức Giêsu đã nhìn thấy trước những điều mà con người sẽ làm cho Ngài, nên Ngài đã nói rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12, 23) và “…chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12, 27). Đó là giây phút mà Đức Giêsu Kitô thực hiện để đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. Quả thật, điều đó đã được thực hiện như chính lời đã được phán từ trời: “Ta đã tôn vinh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh Ta nữa!” (Ga 12, 28). Và Lời đó đã được ứng nghiệm “Đức Kitô trổi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.” ( Eph 1, 20 ) “Như thế là Đức Kitô đã được tôn lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai”. (Eph 1, 21) Như thế, lời cầu xin của một trong hai tên gian phi đã được thành toại và được bảo đảm bằng chính lời hứa của Đức Giêsu Kitô: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23, 43) Cũng chính từ lời hứa này làm cho ta trở nên mạnh mẽ hơn trong giây phút hiện tại khi nhận Đức Giêsu Kitô là Vua. Nhất là cùng với Giáo Hội nhắc lại tước hiệu của Đức Giêsu “Vua vũ trụ”. Vì Nước Trời không bị chi phối bởi không gian – thời gian. Cho nên Đức Giêsu vừa là Vua trên trời, vừa là Vua trên các vua ở trần gian, nghĩa là Ngài vẫn hiện diện ở trần gian mãi cho đến tận thế. Vì thế, con người cần phải thanh lọc tâm hồn luôn mãi, đừng để lòng trí của mình quá lệ thuộc vào thế giới vật chất hữu hình mới có thể cảm nghiệm được vai trò làm Vua của Đức Giêsu nơi tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là giây phút ta hưởng hạnh phúc trên thiên đàng với Ngài. Lm. Mặc Nhân Đức Vua quyền lực nhất Đương kim Tổng thống Uruguay, Jose Mujica Cordano được giới truyền thống Tây Ban Nha gọi là “Tổng thống nghèo nhất thế giới.” Ông Cordano năm nay 76 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân. Sau khi lên nắm quyền, ông Cordano từ chối dọn vào Dinh Tổng thống, bởi vì “Dinh Tổng thống rộng hơn quá nhiều so với nhà tù từng giam giữ ông 14 năm”. Ông cũng từ chối bố trí nhân viên tháp tùng và xe ô tô chống đạn đưa đón, để hàng ngày tự lái chiếc xe Fuchs Beetle đã có tuổi thọ 20 năm đi làm. Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Cordano đã tuyên bố: Quyên góp 90% tiền lương cho Qũy Cứu Trợ những người vô gia cư. Khi được gọi là Tổng thống nghèo nhất thế giới, ông Cordano chỉ nói: Tôi không nghèo chút nào cả, những người nói tôi nghèo mới thật sự nghèo. Nói tôi chỉ có một vài thứ quả là không sai, tằn tiện, chất phác khiến tôi cảm thấy đầy đủ và sung túc. (Theo Dân Việt) Tuy Tổng thống Jose Mujica Cordano sống đạm bạc, yêu dân, nhưng chua thể nào sánh với Đức Vua Giêsu. Trích thuật Tin Mừng hôm nay phác họa chân dung Vua Người Do Thái thật thảm hại. Tuy nhiên phản ảnh khá chính xác một vài đức tính nổi trội của Đức Vua Giêsu. Người chính là Đức Vua Quyền Lực nhất thế gian, chí ái, phục vụ và nghèo khó tột cùng. Đức Vua uy quyền vô song Chẳng bao giờ có vị vua thế gian nào có thể ban thưởng Thiên Đàng cho thần dân. Cũng chẳng có vua nào có thể xóa sạch hết các vết nhơ của tội nhân. Cùng lắm chỉ tha thứ một vài tội lỗi nào đó, chứ không thể nào thanh tẩy cả linh hồn thần dân, trở nên trong sạch. Thế mà, Đức Vua Giêsu đã quả quyết với phạm nhân sám hối: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Thật lòng sám hối, bao nhiêu tội lỗi tôi vấp phạm, cũng được Người tẩy sạch qua bí tích Hòa Giải. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi lại thường dại dột chạy đến các vua chúa thể gian, để xin khoan hồng dung tha, để khỏi bị tử hình. Tôi đâu nhớ đến Đức Vua Uy Quyền vô song, có thể cho tôi được sống đời đời. Tôi dửng dưng, vô ơn, bất kính với Người trong sinh hoạt thường ngày. Đâu cần biết tất cả hồng ân đều phát xuất từ Người. Đức Vua Chí ái Người không những uy quyền, mà còn chí ái nhất. Chẳng có vị vua nào toàn tâm, toàn ý, quan tâm, tận tụy chăm sóc những thần dân thấp cổ bé miệng, bé nhỏ, tật nguyền, bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời. Người tìm đến, mời gọi không nguôi: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng. (Mt 11, 28-30). Những khi sa cơ thất thế, khi thất bại trắng tay, khi hoạn nạn tai ương, khi bị hành hạ, ức hiếp vì đức tin, tôi có lắng tai nghe thấy tiếng nói an ủi của Người chăng? Hay tôi lại ta thán, thất vọng, đâm ra chán nản, buông trôi theo dòng đời bon chen, lọc lừa, gian lận, tranh sống, thù hận, oán hờn? Đâu cần biết Người đang lo lắng, đôn đáo đi tìm con chiên lạc, tìm đồng xu rơi mất, tìm đứa con đi hoang, đang tan nát cõi lòng vì thói đời đen bạc? Đức Vua Thanh bần Cũng chẳng có vị vua nào nghèo khó hơn Đức Vua Giêsu. Nghèo hèn ngay từ khi hạ thế làm người ở Bêlem, cho đến khi tử nạn nhục nhã trên thập giá ở Đồi Sọ. Một cuộc đời thanh bần, không tiền bạc, tiện nghi, không chốn nương thân, vô gia cư, vô tài sản đích thực: “Con cáo có hnag, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu” (Mt 8, 20). Người chẳng hề tư hữu, tích lũy của cải, nhưng Người giài lòng thương xót. Người chúc phúc cho người nghèo và cả những người có tinh thần khó nghèo: Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi” (Lc 6,20) ”Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo”(Mt 5,3). Vì với tâm hồn nghèo khó, không vướng bận của cải giàu sang, mới có thể sống Lời Chúa tích cực. Tôi lại cố gắng thoát cảnh nghèo, muốn tận hưởng tiện nghi vật chất, muốn vinh thân phì gia, để khỏi thua kém thiên hạ. Tôi không muốn những ánh mắt rẻ rúng vì nghèo túng. Tôi thích thú những tia mắt ngưỡng mộ sự thành đạt, giàu sang. Tham sân si quá độ, làm sao tôi được vào Nước Thiên Chúa? Đức Vua Phục vụ Chẳng có vị vua nào thương yêu, tận tụy phục vụ đệ tử, thần dân như Đức Vua Giêsu. Từ bỏ vương quyền cao sang, Người quên mình, khiêm tốn, quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Người tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là dể phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.” (Mt 20, 28). Người trở nên chiên hiến tế, gánh tội trần gian, phục vụ cho sự cứu rỗi nhân loại, chịu mọi khốn khó, bị khinh ghét, bị vu oan, chịu khổ nạn và chịu đóng đinh, hầu cứu chuộc loài người khỏi án phạt trầm luân. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Tôi lại muốn được phục vụ, kính nể, ngợi khen, thậm chí còn coi tha nhân như phuong tiện cho tôi tiến thân. Tôi luôn tự ái, bất bình khi có ai nhận xét phê bình, cho dù rất chính xác, rất tishc cực, rất thiện chí xây dựng sửa chữa lỗi làm của tôi. Thế mà tôi vãn vênh váo, vẫn mạo nhận mình trrung thành thoe Đức Vua Phục vụ. Lạy Chúa, Đức Vua cao cả của thần dân chúng con, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau, biết sống tinh thần nghèo khó, biết phục vụ tha nhân, cũng như chính Chúa đang hiện diện, để chúng con được cứu rỗi. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là hiền mẫu của chúng con, xin luôn nhắc nhở chúng con là con cái thân thương của Thiên Chúa, luôn biết tuyên xưng danh Chúa, luôn biết khiêm nhường, yêu thương, giúp đỡ mọi người, mọi lúc, để chúng con luôn sống trong ân sủng Ngài. Amen. AM Trần Bình An Cơn cám dỗ cuối cùng (Trích từ ‘Như Thầy Đã Yêu’) Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt tiếc thương. Đoàn tùy tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có Án Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi: - Tại sao người ta ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười Án Tử trả lời: - Nếu các vua đời trước mà sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi đội nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được? Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan. Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách Vương Quyền ấy của Người. Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, đã nói lên vương quyền của Chúa Giêsu: “Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn”. “Đấng Kitô” chính là người được xức dầu, là tước hiệu của vua. “Người Thiên Chúa tuyển chọn” chính là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi”. Tuy nhiên, Nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người. Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người. Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh thánh rằng: “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân”. Người đã hòa mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người: “Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi”. Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng “khối” tình yêu thương. Chính vì thế mà Người đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, là lời thách thức xuống khỏi thập giá, để sẵn lòng chịu chết hầu cứu chuộc con người tội lỗi, chính là thần dân của Người. Thần dân đầu tiên mà vị vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực Người: Anh mắng người trộm dữ: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái!” Anh tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Hơn nữa giữa lúc chương trình của Chúa Giêsu dường như thất bại, không còn hy vọng cứu vãn; giữa lúc thập tử nhất sinh, gần kề cái chết, thì chỉ mình anh, người trộm lành, đã tin vào Chúa, tin vào sự sống đời sau, và tin vào vương quyền của Người. Anh cầu nguyện: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Người nhận lời tức khắc: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. - Một lời hứa mà Người chưa hề ban cho ai dù đó là người thân tín và yêu quí nhất của Người. - Một lời hứa được thực hiện ngay tức thì, không đợi đến sáng Phục sinh hay ngày thế mạt. - Một lời hứa đi vào vương quốc của những người công chính, qui tụ quanh vua Giêsu vinh hiển. - Lời hứa ban hạnh phúc cho anh trộm lành chính là cuộc sống thân mật với vua Giêsu, mà anh đã chia sẻ số phận của Người trên thập giá. Cuộc đời của anh tưởng chừng như vĩnh viễn khép lại, nhưng chỉ với một chút niềm tin trong anh bừng sáng, một lòng sám hối chân thành, đã khiến cửa trời rộng mở, đón tiếp anh thênh thang bước vào. Chính từ khi anh trộm lành nhận ra người tử tù bị đóng đinh là vua trời, nhận ra sự sống trong cõi chết, phục sinh trong tử nạn, thì vua Giêsu tiếp tục lan rộng cuộc chinh phục đến viên đại đội trưởng khiến ông cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính”. Và trong suốt 2000 năm qua, Người vẫn luôn đón nhận vào trong vương quốc tình yêu của Người; những thần dân biết duy trì tinh thần hiệp nhất, phục vụ và yêu thương. Chỉ những ai biết sám hối ăn năn, tin nhận vào quyền năng và tình thương của Chúa như anh trộm lành, mới được vào trong vương quốc của Người. Chỉ những người biết kính sợ Thiên Chúa và tin tưởng vào sự sống đời sau mới được ban cho Nước Trời. Lạy Chúa, xin cho đức tin chúng con đủ mạnh để thấy Chúa không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Người. Xin dạy chúng con luôn cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống này, nhờ biết đẩy lui sự dữ trên địa cầu, trong khi kiến tạo an bình và yêu thương. Amen. Thiên Phúc Vương Quốc Tình Yêu Chúa Nhật 34TNC – (Lc 25, 35 – 43) Lên ngôi giữa lúc thật tang thương, Thập giá khổ đau nếm đoạn trường. Chế diễu, chê cười, quân nhạo báng, Khinh thường, nhục mạ, kẻ vô lương. Tim nồng rộng mở, tim nồng cháy, Vương quốc khai màn, vương quốc hương Vương miện vòng gai tuôn máu đổ, Tình yêu thắm nở khắp muôn phương. Hạt Nắng Vương Quốc Tình Yêu Chúa Nhật 34TNC – (Lc 25, 35 – 43) Con bất xứng, cuộc đời con bất xứng, bởi chạy theo phù phiếm, kiếm lợi danh. Mê bạc tiền, sống đốp chát, đua tranh, ham địa vị, sống luồn sau, cúi trước. Lo thu góp những gì con kiếm được, bị buộc ràng bởi vật chất hư vô. Sống vô tâm, cũng bởi quá tôn thờ, xem vật chất, thế quyền là cứu cánh. Sống xa Chúa, đời rơi vào bất hạnh, mất tự do, bị xiềng xích cùm gông. Dạ mê lầm, sống ích kỷ, bất công, nô lệ chức quyền, lệ thuộc bóng đêm, hồn rên xiết trong vòng trầm luân tội lỗi. Chúa đã chết, đem lại nguồn cứu rỗi, cho đời con được sống lại vui tươi. Được đổi thay, được hồi sinh kiếp người, được làm con Chúa, nhờ ánh sáng Phục Sinh ban tặng. Trên thập giá, Chúa giương cao chiến thắng, bước lên ngôi trong giông bão cuộc đời. Mở cửa Nước Trời, giới thiệu khắp muôn nơi, Vương Quốc Tình Yêu, nơi không còn sự chết. Chúa là Vua, Vua Tình Yêu bất diệt, Vua của mọi tâm hồn sống trọn vẹn chữ “Yêu”. Được hưởng nhờ một sự sống phong nhiêu, nhân loại tuyên xưng, Chúa là Vua Vũ Trụ. Thật hạnh phúc, Chúa ơi! tâm hồn con no đủ. Chúa là gia nghiệp muôn đời, là Vua của cõi lòng con. Bâng Khuâng Chiều Tím Tình Long Lanh Chúa Nhật 34TNC – (Lc 25, 35 – 43) Con tìm Chúa, giữa đêm đen cuộc đời, con gọi Ngài, trong tiếng nấc, lệ rơi. Như chim lạc bầy, chơi vơi, buồn tê tái, hồn lặng thầm, cất tiếng gọi Chúa ơi! Bao giọt đắng, trong đam mê dục tình, Bao nhục nhằn, trong ánh mắt rẻ khinh. Ăn năn gục đầu, van xin, lòng thống hối, Chúa lặng thầm, giải thoát, hồn hồi sinh. Chúa là Tình Yêu, là Ánh Sáng đời con, Chúa là Vua, ngự trị giữa cõi lòng con. Con tôn vinh, con kính tin, con tôn thờ, Đức Vua đầy nhân ái. Chúa là Vua, trên khắp cõi trời xanh, Chúa vì yêu, Ngài đã chết cho trần gian. Đem yêu thương, cho nhân gian, ơn Cứu Độ, chan chứa tình khoan dung. Bên lòng Chúa, con hân hoan đồng hành, con vào đời, ôm ấp, kiếp mong manh. Nhân sinh khổ sầu, tha phương, hồn cay đắng, yêu thương người, mến Chúa, tình long lanh. M. Madalena Hoa Ngâu. Vua Tình Yêu Chúa Nhật 34TNC – (Lc 25, 35 – 43) Có một vị vua rất khiêm nhu, yêu thương nhân thế kiếp ngục tù. Trút bỏ vinh quang, hồn tự hạ, bằng lòng chịu chết, tình thiên thu. Thập tự, đồi cao một buổi chiều, lặng thầm gánh chịu bước chân xiêu. Vâng phục hiến thân làm hy tế, tâm tình của lễ trái tim yêu. Phục vụ mọi người trong yêu thương, tình yêu dâng hiến thật khiêm nhường. Chính lúc được treo trên thập giá, Chúa Cha khứng nhận được tôn vương. Trong cảnh âu sầu thật thê lương, cơn đau giằng xé vẫn kiên cường. Trộm lành can đảm lời bênh vực, Ngài có tội gì chịu đau thương? Nhìn nhận ra Ngài một Quân Vương, lời anh mạnh mẽ rất tỏ tường. Nước Ngài hiển trị xin nhớ đến, một kẻ tội đồ chút tình thương. Tình yêu gặp gỡ một tình yêu, Chúa ngước nhìn anh xót thương nhiều. Chấp nhận lời anh vừa xác tín, ân tình rộng mở ngát hương yêu. Chúa tỏ vương quyền thật bao dung, hôm nay anh sẽ được ở cùng. Hạnh phúc cùng Ngài trên thiên quốc, phần thưởng muôn đời các tôi trung. Nước Ngài chẳng thuộc cõi trần gian, Vương Quốc Tình Yêu sống yên hàn. Thần dân của Ngài lòng thiện chí, yêu thương giới luật khắc tâm can. Chúa đã tỏ mình Đấng Minh Quân, ngay trên thập giá với nhân trần. Mở rộng tim nồng, khai ơn phước suối tình thánh sủng, nguồn phúc ân Trọn đời suy tôn Chúa tình thương, thương xót đời con lắm đoạn trường. Thứ tha lầm lỗi con sa ngã, giũ sạch bụi đời kiếp tha phương. Sấp mình, con thờ lạy tôn vinh, chúc tụng ngợi khen khúc ân tình. Vua của tình yêu - Vua vũ trụ, thống trị vương quyền - Vua Uy Linh. AP. Mặc Trầm Cung
Posted on: Sun, 24 Nov 2013 13:12:17 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015