Những nội dung chủ yếu của Luật Thuế thu nhập cá - TopicsExpress



          

Những nội dung chủ yếu của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 A + A - Nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung 6/35 Điều của Luật năm 2007, gồm 3 nhóm vấn đề với 7 nội dung, cụ thể như sau: Những nội dung chủ yếu của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 Ảnh minh họa. Nguồn: internet 1. Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2007 quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 04 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009. So với các nước trong khu vực, mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam tuy có tỷ lệ cao hơn (bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011) nhưng do thu nhập bình quân đầu ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh về số tuyệt đối còn thấp. (Trung Quốc từ ngày 01/9/2011 quy định mức giảm trừ gia cảnh (không có quy định mức riêng cho bản thân người nộp thuế và mức cho người phụ thuộc) là 42.000 NDT/năm (tương đương 6.404 USD/năm và bằng 1,23 lần GDP bình quân đầu người năm 2011); Indonesia quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 15,84 triệu rupi/năm (tương đương 1.830 USD/năm và bằng khoảng 0,527 GDP bình quân đầu người năm 2011); Ma-lai-xi-a quy định mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 9.000 RM/năm (tương đương 2.687 USD/năm và bằng khoảng 0,312 lần GDP bình quân đầu người năm 2011). Từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Do vậy, ngay từ khi Luật có hiệu lực năm 2009 và trong các năm 2011, 2012, để chia sẻ và giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết cho miễn thuế TNCN đối với những người có thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 (Nghị quyết số 32/2009/QH12 cho miễn thuế 6 tháng đầu năm 2009, Nghị quyết 08/2011/QH13 cho miễn thuế 5 tháng cuối năm 2011, Nghị quyết số 29/2012/QH13 cho miễn thuế 6 tháng cuối năm 2012 cho những cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh đến mức phải nộp thuế ở bậc 1 của biểu thuế). Để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014 và để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Luật điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, đồng thời bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Mức giảm trừ gia cảnh này cũng tương đương khoảng 2,5 lần GDP dự tính tại thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực. Với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc và dự kiến khi Luật có hiệu lực từ 01/7/2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. 2. Về phạm vi, đối tượng chịu thuế a) Về sửa đổi quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công Để đảm bảo nguyên tắc chỉ các khoản trợ cấp mang tính bù đắp những rủi ro, giải quyết khó khăn tạm thời cho người lao động, hoặc phụ cấp, trợ cấp mang tính chất bảo trợ, an sinh xã hội mới được trừ khỏi thu nhập chịu thuế, Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNCN theo hướng bỏ các khoản trợ cấp, phụ cấp đến nay không còn nữa; đồng thời bổ sung quy định thêm nội dung “quét”: “trợ cấp mang tính bảo trợ xã hội và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ” để đảm bảo Luật không bị lạc hậu khi có phát sinh các khoản phụ cấp mới. b) Về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản Để đảm bảo bao quát hết các trường hợp thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 3 Luật thuế TNCN như sau: “d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức” (bao gồm cả trường hợp người có bất động sản làm hợp đồng uỷ quyền mà người được uỷ quyền có cả quyền cho, tặng, chuyển nhượng bất động sản... phát sinh thu nhập). c) Về miễn thuế đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả và khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện Hiện nay đã hình thành và sẽ phát triển mạnh mô hình quỹ đầu tư là quỹ hưu trí tự nguyện, góp phần phát triển thị trường vốn, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội. Để đảm bảo công bằng giữa người có lương hưu do Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả đang được miễn thuế TNCN với người có lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả, đồng thời khuyến khích cá nhân tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện, Luật sửa đổi, bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng và bổ sung quy định không tính vào thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện. Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, bổ sung nội dung Chính phủ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện quy định tại khoản này. d) Về khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp Theo Luật BHXH thì bảo hiểm thất nghiệp cũng là loại bảo hiểm bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng (doanh nghiệp đóng 1%, người lao động đóng 1%) và đóng cùng với BHXH, bảo hiểm y tế. Để chính sách rõ ràng và thống nhất với các luật chuyên ngành được ban hành trong thời gian gần đây, Luật sửa đổi khoản 1 Điều 21 theo hướng bổ sung thêm khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cũng được loại trừ khi tính thuế TNCN. 3. Về kỳ tính thuế và quyết toán thuế a) Về kỳ tính thuế Kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo Luật hiện hành là theo lần chuyển nhượng hoặc theo năm, trường hợp áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm. Quy định này dẫn đến trường hợp nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ nhưng do không đăng ký phương pháp tính thuế từ đầu năm nên vẫn phải nộp thuế theo mức 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được lựa chọn phương pháp tính thuế, Luật sửa đổi theo hướng bỏ cụm từ “trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế”. b) Về quyết toán thuế Để thuận lợi cho người nộp thuế và giảm khối lượng quyết toán thuế không cần thiết, Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 24 Luật thuế TNCN theo hướng bỏ quy định cá nhân phải quyết toán đối với mọi khoản thu nhập, cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết về việc quyết toán thuế đối với trường hợp số thuế đã tạm nộp, tạm khấu trừ còn thấp hơn số thuế phải nộp theo Luật, bỏ quy định việc quyết toán thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán hoặc cá nhân có số thuế nộp thừa không có yêu cầu hoàn lại.
Posted on: Thu, 04 Jul 2013 20:03:44 +0000

Trending Topics



WIN

Recently Viewed Topics




© 2015