Trong nhà còn có một góc vườn nhỏ trồng những cây - TopicsExpress



          

Trong nhà còn có một góc vườn nhỏ trồng những cây hoa lan chuông cách một cái sân rộng tới cổng ra vào. Và trước cái cổng ấy là tôi, một sinh viên sắp tốt nghiệp Nhạc viện đến đây theo yêu cầu dạy thêm cho một người mà tôi đoán là con trai của chủ nhà. Cánh cửa từ đằng xa mở hẹp chỉ vừa đủ cho một người đi qua, một người phụ nữ đứng tuổi. Những cánh cửa không khóa (Phần 1). Những cánh cửa không khóa. Cô ăn mặc giản dị, nhưng lại hết sức phù hợp với vóc dáng nhỏ nhắn. Cách tôi một cánh cổng sắt màu xanh, cô nhìn tôi mỉm cười, hỏi bằng một giọng hết sức lịch thiệp: “Cô đến đây tìm ai?” “Dạ, cô cho cháu hỏi đây có phải là nhà Phan Anh không ạ? Cháu tới dạy piano cho Phan Anh như lịch hẹn”. Người phụ nữ nhìn tôi thoáng cười nghi ngờ, rồi cũng mở cửa cho tôi vào. Tôi đi theo những bước chân trước, tuyệt nhiên không nói thêm gì. Vào đến phòng khách, tôi nhìn thấy ngay cây đàn dương cầm ngay sảnh phòng khách, nhưng được đặt riêng biệt ở trên một vài bậc thang. Cứ để tôi ở đó, người phụ nữ đi lên cầu thang một cách nhẹ nhàng nhất nhưng tự nhiên như từ trước đến nay vẫn luôn bước đi không tiếng động. Tôi tiến lại gần chiếc piano kiểu fold-up, không giấu khỏi sự ngưỡng mộ. Cây đàn được làm bằng chất liệu gỗ chuyên biệt, những chi tiết thủ công chạm trổ khéo léo trên cánh đàn, những phím ngà đen trắng xếp đều tăm tắp, tựa như chạm vào có thể cảm ngay độ âm vang của những âm thanh êm ái. Nghe tiếng bước chân sau lưng, tôi quay lại và thấy người phụ nữ đó đi xuống, nở một nụ cười trong im lặng rồi đi vào phòng trong. Tôi ngẩn người ra một lúc thì thấy một cậu thanh niên đi xuống. Cậu mặc một bộ đồ màu trắng bằng vải mỏng, loại thanh và nhìn qua cũng biết là đồ đắt tiền. Tôi nhìn vào khuôn mặt ấy, và thấy đôi mắt màu nâu sâu thẳm. Cậu thanh niên với nếp tóc để thẳng, làn da trắng trẻo, khuôn mặt mà tôi nhìn lần đầu thoáng tưởng của thiếu nữ. Cậu tiến đến gần tôi, tôi chợt nhận ra cậu cao hơn tôi hẳn một cái đầu. “Tôi là Phan Anh, cô cứ gọi tôi là Phan.” “Tôi là Linh. Qua điện thoại tôi cứ ngỡ cậu là trẻ con. Cậu học piano lâu rồi đúng không?”. Phan lắc đầu, rồi ngồi xuống bên cây đàn, quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt nâu ấy: “Linh dạy tôi bản Arabesque của Debussy được không?” rồi đặt lên giá bản nhạc đã được in sẵn. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu rồi nhìn bản nhạc. Tôi chưa bao giờ chơi nhạc của Debussy cả. Tôi ngồi xuống bên cạnh Phan, lướt qua thử khúc dạo đầu. Tiết tấu nhanh, những hợp âm xen kẽ khiến tôi chóng cả mặt. Lần đầu tiên tôi chơi sai trên dưới chục lỗi. Bản nhạc mang một giai điệu như ẩn giấu một điều gì đó. Tôi chợt nhận ra điều đó sau khi đã chơi đi chơi lại như một nỗi ám ảnh từ sau buổi dạy đầu tiên. Phan Anh chơi đàn không tốt như tôi tưởng. Tôi không biết tại sao đôi lúc tôi cảm giác như Phan có thể chơi bài này một cách trơn tru, nhưng rồi sẽ bị gạt đi nhanh chóng bởi những câu hỏi phơi lỗ hổng kiến thức kĩ năng của cậu ta. Hết giờ học, tôi và Phan thường có trò chuyện đôi chút. Phan ít nói, nhưng lại biết cách lắng nghe, và có thể đưa ra lời khuyên tốt. Tôi đã bắt đầu kể cho cậu nghe về những khó khăn mình gặp trong ngày như một sự tin cẩn hiếm có. Nhưng tuyệt nhiên, tôi vẫn luôn có ý nghĩ vì cậu ít tuổi hơn tôi nên có những chuyện cậu không nên biết. Đó là lí do tôi không kể với cậu ấy về Đăng. Đăng cho tôi một thứ tình yêu đúng nghĩa. Lãng mạn, yên ổn, đôi khi gây bất ngờ nhưng luôn tạo cho tôi một cảm giác an toàn. Đôi khi, nhìn vào mắt anh, tôi biết anh dành cho tôi bằng một thứ tình cảm cả đời tôi cũng không thể trả hết được. Nhưng một khi niềm tin càng chắc chắn bao nhiêu thì sự bất an sẽ càng lớn bấy nhiêu. Tôi luôn tự dựng cho mình một sự xác tín giữa tôi và Đăng như một mối liên hệ to lớn không bao giờ có thể tách rời. Dù Đăng có bận túi bụi cả ngày, dù không nhắn tin cho tôi vào cuối tuần, dù đi công tác cả tháng trời, tôi vẫn luôn tin tình yêu của anh là một thứ bất di bất dịch. Nhưng sự lo lắng vô cớ không dành cho anh, mà dành cho chính bản thân tôi. Nhiều lúc tôi phải tự hỏi chính mình là nếu phải chọn giữa anh và thứ âm nhạc đã gắn với tôi từ khi sinh ra đến bây giờ, tôi sẽ bỏ mặc tình yêu nào. Thời gian gần đây, Đăng ở trong lịch công tác dày đặc, tôi tranh thủ đi làm thêm bằng cách đệm đàn cho những sinh viên bên Thanh nhạc ở một phòng thu gần trường. Tôi hi vọng một ngày nào đó có thể kiếm đủ tiền để có thể mua được một cây piano cho riêng mình. Tôi không thể sống cùng Đăng ở một thì tương lai không xa mà không có âm thanh của tiếng dương cầm. Chiếc đàn ở nhà tôi đã quá cũ kĩ, dường như các phím đàn đã chịu không nổi sức nặng của thời gian. Trong khi đó, tôi lại đang sắp tốt nghiệp, những giờ phút ngồi bên cây đàn ngòai giờ học như cơ hội hiếm hoi cho tôi luyện tập. Vì đối với tôi, nếu không có piano, tôi có thể không là gì cả… Minuet Linh hôm nay không đến dạy. Chính xác là tôi không được nhận một lời báo trước, nhưng tôi biết hôm nay cô không đến. Tôi đứng giữa sân, nhìn ngắm những bông hoa như những đốm trắng li ti thỉnh thoảng sáng bừng trong đêm một cách kì lạ khi có ánh sáng từ những góc dội bên ngòai vào. Trong nhà, đĩa nhạc đã chuyển sang bài Star-crossed lovers, một bài jazz của Duke Ellington tôi mới bắt đầu nghe gần đây sau khi đọc từ một quyển sách của Haruki Murakami. Bản nhạc không lời nói về Romeo và Juliet, cặp tình nhân sinh ra dưới những vì sao xấu. Tôi ngước lên nhìn bầu trời, chỉ duy có trăng và ngôi sao Bắc Đẩu. Nếu tôi yêu Linh, có thể tôi sẽ là sao Bắc Đẩu. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết tới người con gái này, hoặc dù biết sẽ không bao giờ để ý tới cô nếu như không có buổi tối khi tôi tới phòng thu gần Nhạc viện, và bắt gặp chỉ có một người con gái duy nhất đang chơi bản một bản Sonata của Haydn trong vô thức nhưng hoàn hảo một cách đáng ngạc nhiên. Dù đứng ngòai, cách một cánh cửa, tôi đứng trong hành lang tối om, nhìn vào qua ô cửa vuông nhỏ, vẫn cảm thấy nỗi buồn từ cái ánh sáng bên trong, bằng những âm thanh qua những ô cửa lọt ra ngòai. Tôi không biết đến nỗi buồn đó, nhưng tôi nhận ra tình yêu của cô gái với chính cây đàn piano này. Sau hơn một tuần, tôi kiếm được thông tin về Linh qua Chi, một cô bạn học cũ. Tôi bắt đầu tiếp cận Linh bằng một vẻ ngòai chính tôi cũng còn thấy ngớ ngẩn khi phải đánh bản nhạc một cách chậm chạp và sai nhịp be bét. Nhưng nhờ đó, mà tôi có thể nhìn ngắm đôi tay thon ngón dài, mỗi khi lướt trên phím đàn lại nổi lên những đường gân xanh mờ trên mu bàn tay trắng muốt. Thảng hoặc, tôi ước mình có thể ở bên đôi tay ấy, được nhìn ngắm những ngón tay ấy lướt trên phím đàn mỗi ngày. Tôi gần Linh, Linh và cây grand piano đã hòa vào làm một. Điều đó làm tôi dễ chịu một cách rõ ràng. Linh hơn tôi ba tuổi, điều đó đôi khi tạo khoảng cách. Với tôi thì không có vấn đề gì, nhưng Linh luôn có một nhánh ý nghĩ tôi không thể nào hiểu cô ấy. Tôi biết, nhưng không thể nói ra. Chỉ biết ở bên cô ấy mỗi khi cô ấy cần… Chiếc điện thoại trong túi quần khẽ rung nhè nhẹ, tôi nhìn thấy số của Linh. Qua giọng nói, tôi biết cô đang cần tôi ghê gớm. Tôi để nguyên bộ dàn hi-end tiếp tục những bản Preludes của Chopin, lao ra khỏi cổng, lấy chiếc xe mà phóng vội đến nhà thờ. Linh luôn ở đó mỗi khi gặp chuyện không vui. Không phải ở bên trong, mà là ở đằng sau, nơi khuôn viên nhà thờ vắng vẻ, chỉ có những bức tranh lớn được vẽ trên tường, những ghế đá lác đác, và ánh đèn màu trắng từng góc đường. Linh ngồi ở đó, một mình. Nhìn thấy tôi, cô mỉm cười. Tự nhiên ập vào tôi một ý nghĩ rằng Linh không cần tôi, đơn giản là chỉ cần một ai đó, và cô ấy chọn tôi như một sự ngẫu nhiên. Tôi lại gần, ngồi bên cạnh Linh, nghe tiếng thở đều đều, nhưng nhanh và phảng phất một nỗi lo lắng nặng trĩu. Linh bắt đầu nói, nhưng không bao giờ nhìn hẳn vào mắt tôi cả, cô nói như tự trấn an chính mình. Chi, người đã giúp tôi, đã chơi bản Fugues của Bach vào sáng nay. Cô ấy chơi hòan hảo, không một sai sót, dĩ nhiên, vì cô ấy là sinh viên ưu tú nhất của khoa năm nay. Vấn đề là Linh đã chọn bản nhạc đó như bài làm tốt nghiệp, và đã luyện tập rất nhiều. Nhưng sáng nay, khi nghe Chi đàn, cô cảm thấy mình có cố gắng đến mức nào, nhưng nếu chơi bản đó một lần nữa, thì chỉ có phá hỏng âm thanh đẹp đẽ đó mà thôi. Nếu như đó là một pianist nổi danh, cô sẽ không ngần ngại mà phấn đấu, nhưng đây là một cô bạn cùng khóa. Tôi im lặng, nghe Linh nói những câu sợ hãi và đầy mặc cảm. Tôi có thể đưa ra một câu an ủi xác đáng, nhưng chính câu nói đó có thể lộ ra việc tôi đã lừa dối Linh như một cậu thanh niên ngốc nghếch đang bập bẹ tập đàn. Chi học nhạc cùng với tôi ở bên Đức. Nhưng do có việc đột xuất, mà cô phải ngưng học để về Việt Nam. Cô tiếp tục học ở Nhạc viện như một sinh viên bình thường, nhưng trong mắt thầy cô chuyên môn, cô có thể vượt xa các giáo sinh trong trường. Tôi đưa ra gợi ý Linh có thể tập một bản nhạc khác, và có thể đến nhà tôi để tập bất kì lúc nào cô muốn. Vì có mỗi tôi và bà giúp việc ở nhà. Tôi đi vắng, bà giúp việc sẽ cho cô vào. Linh nhìn tôi, như không tin vào sự giúp đỡ quá nhiệt tình, rồi cô mỉm cười, vẫn cái nụ cười hiền lành ấy. Tôi không nói gì thêm nữa, ngước nhìn lên bầu trời hình vòm cung được chắn bởi nhà thờ và những ngôi nhà cách bờ tường song song. Tôi chỉ nhìn thấy sao Bắc Đẩu, không còn thấy ánh trăng đâu nữa. Tôi quay sang, nói với cô về bài “Star-crossed lovers” tôi vừa nghe lúc nãy. Linh nhìn thẳng vào tôi, và tôi bắt gặp đôi mắt thật buồn. Có lẽ tôi chỉ có thể giải quyết lo lắng cho cô chứ không bao giờ có thể được nghe về nỗi buồn. “Đôi khi tôi nghĩ dù là những vì sao xấu, thì cũng có lúc nó phải gặp được nhau. Linh có biết tại sao người ta biết đến sao Bắc Đẩu nhiều nhất không? Vì tên nó dễ nhớ, và vị trí của nó dễ nhìn. Trong khi các ngôi sao khác, có thể sẽ cùng xuất hiện và cùng biến mất trên bầu trời, sao Bắc Đẩu chẳng bao giờ biến mất cả. Nó ở đấy, nhìn các ngôi sao đến và đi, trăng dù ở gần nó đêm nay nhưng rồi cũng bỏ nó đi vào đêm khác. Dù có ánh sáng mạnh mẽ đến mấy, nhưng cuối cùng chẳng có ai ở bên nó, cô đơn vì mang ánh sáng hay do mang ánh sáng đó mà cô đơn?” Tôi chợt thấy, Linh nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng, nhưng lấp lánh chút gì đó tin yêu. Linh bỗng nắm tay tôi thật chặt. Và tôi có cảm giác yên bình. Ngồi ở hàng ghế đá một lúc, tôi dắt Linh đi dọc những con phố cổ. Vẳng bên tai tôi là tiếng piano khẽ êm như một khúc lullaby. Nếu Linh dành tình yêu cho piano, tôi sẽ dành cho cô tình yêu của tôi. Còn nếu cô dành tình yêu cho một thứ khác, hay một người nào khác, tôi sẽ tước đoạt đi tình yêu piano trong cô. Trong tôi luôn ngập tràn chữ “nếu”, và tôi hi vọng có một số cái sẽ không xảy ra… (Còn nữa...)
Posted on: Tue, 13 Aug 2013 01:08:20 +0000

Trending Topics




© 2015