BÀ NỘI BÀ NGOẠI Ngày 31/07/2013 Hoàng Nga Nhà bà nội - TopicsExpress



          

BÀ NỘI BÀ NGOẠI Ngày 31/07/2013 Hoàng Nga Nhà bà nội có khu vườn rất lớn, trồng đủ loại cây ăn trái, đủ loại hoa kiểng và nuôi nhiều loại gia cầm hiếm thấy ở thành phố. Ai cũng nói ở thành phố mà có đất như vậy là giàu lắm. Có người nói bà là đại gia. Và ai cũng bảo bà ngồi không ăn cho đến cuối đời cũng không thể hết của. Vy không biết thật sự bà giàu đến đâu. Cũng không biết bà có là đại gia hay không, lại càng chẳng quan tâm đến những chuyện bà giàu có hay nhiều của ấy. Những điều Vy thích ở nhà bà đơn giản chỉ là những hôm trời nóng cháy da ở khi đang đi ở ngoài đường mà vừa bước chân vào đến trong sân là đã nghe mát đến lạnh người. Cái mát lạnh mẹ Vy gọi là da thịt được hồi sinh, bởi vì đó là cái mát lạnh tự nhiên, không cần máy điều hòa không khí, nhưng bố bảo đó là cái lạnh lịm người. Vy chẳng biết bố đúng hay mẹ đúng, mà bao giờ cũng vậy, dù có gấp gáp đến đâu đi chăng nữa, dù biết sắp sửa có thể bị nghe mắng đi chăng nữa, Vy cũng sẽ dừng chân đứng im một lúc khá lâu ở ngay trên lối đi để nghe cái cảm giác thư thái, nhẹ nhàng tuyệt diệu ấy thấm vào từng lỗ chân lông, rồi mới bước những bước rất chậm dưới tàn cây sakê, dưới tàn dừa, tàn cau kiểng xanh mướt lá. Vy còn thích con đường từ cổng vào đến cửa nhà bà. Vy hay thẩn tha ngắm nghía những hòn sỏi màu nâu thẫm được lót trên lối đi rất công phu. Hai bên lề nhà bà trồng những loại hoa dân dã nhưng được bà gọi bằng những cái tên rất mỹ miều, như hàng thủy tiên là hoa móng tay có màu hồng thật dịu mắt, chen lẫn với những đám hoa cúc tím rực mắt bà gọi là thạch thảo, cùng với những bụi dã yến thảo được mang giống ở Úc về. Vườn nhà bà, từ ngọn cỏ cho đến thậm chí một đóa hoa dại, bao giờ nở rộ cũng khoe cái mượt mà, vẻ tươi tốt, có lẽ do sự công phu chăm sóc rất kỹ lưỡng và do mặt đất trên sân luôn ẩm mát một cách rất lạ kỳ. Trong vườn bà có nhiều loại gia cầm quý. Trừ hai con ngỗng rất khôn và biết giữ nhà như chó, bà thả ở đàng trước, còn lại tất cả đều được nuôi ở vườn sau. Đó là nơi thứ hai hấp dẫn Vy mỗi bận đến thăm bà. Suốt cả một buổi, thậm chí cả ngày, Vy có thể đi tới đi lui ngắm nghía và chơi với những con vật được thả trên sân, hoặc được nhốt trong lồng. Vy mê hai chim hoàng yến treo dưới bóng cây bằng lăng tím, cạnh những chậu phong lan trắng. Cái màu vàng ngọt ngào, rực rỡ của chúng nổi bật lên giữa đám lá hoa như những chiếc áo nhũ kim của hoàng hậu, công nương trên truyền hình khiến Vy cứ muốn nhìn mãi mà không chán mắt. Bố kể đó là quà biếu của một người bạn rất thân với bà từ Hồng Kông mang sang. Bà quý chúng lắm. Thức ăn của chúng được bà đặt mua từ ngoại quốc về, có nhiều khi còn đắt hơn cả tuần tiền ăn của gia đình Vy. Vườn của bà muôn sắc muôn màu, từ cây đến cảnh, từ hoa đến cỏ, từ thú đến đồ dùng. Bà còn nuôi nhiều con vật lạ khác nữa. Như đôi chim trĩ đỏ, đuôi dài và óng mượt, sống trong cái chuồng bằng gỗ trắc bá đặt gần cây đào Nhật. Ông cụ làm vườn cho nhà bà nói loại gỗ ấy không những đẹp, có thể dùng như một vật trang trí cho vườn của bà mà còn rất nặng, trộm có đột nhập vào nhà cũng khó di chuyển nó đi. Nhưng hệt như chuyện giàu sang của bà, Vy không quan tâm đến cái chuồng, không cần biết nó giá trị đến đâu, Vy lẩn quẩn với chúng không chỉ vì yêu thích mà còn vì thấy tội nghiệp. Vy thương đôi con chim trĩ bị nhốt trong khoảng không gian chật hẹp, tù túng, cái cảm giác của Vy mỗi bận nhìn thấy chúng là lao xao xót dạ bởi nghĩ như chúng đang sống trong một cung điện tráng lệ mà thật chẳng khác nào ở trong một nhà tù. Hai con chim trĩ, một trống một mái, thì Vy thích con chim trống có bộ lông màu màu đồng thau chen kẽ chút xanh lá cây và tím sáng. Trông nó đẹp như một bức họa với hai màu sắc tương phản rõ ràng. Từ lưng trở lên đến đầu, màu lông của nó rất sẫm, rất đậm nhưng từ đấy xuống đến đuôi thì nhạt dần, nhạt dần thành màu hạt dẻ, bên trên có những chấm đen và trắng rất nhỏ lẫn vào nhau như được chấm phá, rảy mực, và cuối cùng thì ngừng lại ở những chòm lông đuôi nâu sáng với những vệt ngang song song, đều đặn, hệt như những đường nét ấy đã được tô kẽ một cách rất cẩn thận và tài tình. Vy nói với mẹ, cái đầu con chim trống nhìn giống như lính La Mã trong sách với lông màu xanh thẫm, mượt mà như nhung, hai bên má phủ mào đỏ và điểm thêm một vòng lông trắng toát dưới cổ tựa phần trên của áo giáp. Mẹ trêu lại Vy lính La Mã có cái ngù màu đỏ nằm trên mũ giáp, còn con chim trĩ thì chỉ có màu đỏ ở hai bên, nên có lẽ nó chỉ là lính... Mông Cổ. Nói chung lại, gần như con vật nào bà nuôi, kể cả hai con ngan, mà mẹ gọi là vịt xiêm thường hay chạy lạch bạch đuổi theo Vy như thể cùng chơi trò đuổi bắt với Vy đều làm Vy thích. Lần nào chia tay với chúng, Vy cũng bịn rịn rất lâu. * Vy ít khi có dịp về nhà ngoại. Nhà bà ngoại Vy ở tận miền đông, một cái xã nhỏ nằm dọc quốc lộ một. Nhà bà ngoại cũng nhỏ. Chỉ có hai gian be bé vách gỗ, lợp tôn, nhưng có đến hai gia đình ở chung. Bà và cậu Út một gian, gia đình cậu Cường một gian. Ngăn giữa hai bên gia đình là một chiếc bàn hình chữ nhật để bà, các cậu, mợ và bé Thoa dùng làm nơi gia đình lễ bái, học Kinh Thánh, cầu nguyện mỗi tối. Phía trên vách cậu Út làm một cây thánh giá bằng gỗ nâu đen rất đẹp. Cạnh đó có những câu Kinh Thánh chép từ sách Giô Suê “ta và nhà ta sẽ phụng sự Đức Giê Hô Va”, hay sách Sử Ký “nguyện mắt Chúa ngày và đêm đoái xem nhà này”. Có thể nói đó là chỗ đẹp nhất và trang trọng nhất trong nhà của bà. Mỗi bận được về nhà bà, Vy sẽ ngủ với bà ở chiếc phản nhỏ gần nhà bếp để tối nghe bà kể chuyện Kinh Thánh cho nghe. Bà thuộc vanh vách từng câu chuyện một. Và thuộc rất nhiều câu gốc. Vy hay ước nếu được ở gần bà, chắc thế nào cũng nhận được giải đố Kinh Thánh của trường Chúa Nhật vì bà sẽ giúp cho Vy nhớ “địa chỉ”, hoặc tóm tắt được nội dung câu chuyện. Về nhà bà có nhiều điều không giống với thường ngày ở nhà Vy. Buổi tối bố mẹ Vy sẽ ngủ trên giường cậu Út và cậu Út thì bị di chuyển qua nhà bạn. Nhưng thường trước khi cậu ôm chăn gối đi, cả nhà sẽ cùng nói chuyện rôm rả với nhau. Có khi vui quá, cậu Út sẽ treo võng tòng teng ở ngưỡng cửa, nằm cong queo như con tôm suốt đêm để được tán chuyện với bố mẹ và cả nhà. Những lúc như vậy, Vy và con bé Thoa cứ đòi nhảy ra khỏi màn để chơi với nhau vì cũng khó mà ngủ được. Đã vậy, thỉnh thoảng hứng chí, cậu Cường còn hát lên khe khẽ một bài thánh ca chúc tụng nào đó. Giọng cậu thật ấm, thật hay. Mợ kể nếu không yêu mến Chúa, không muốn ở lại lo công việc cho Hội Thánh, chắc có lẽ cậu Cường đã theo bạn để thành ca sĩ từ lúc trẻ, từ lúc còn chưa cưới mợ. Nhà bà ngoại về hình thức thì dường như chẳng có gì để hấp dẫn Vy. Nhất là thời gian sau Giáng Sinh, khi ba mẹ mang quà về biếu bà và các cậu, trời thường nắng và nóng như lửa đốt, chung quanh nhà bà ngoại trừ những cây điều đã rụng lá già từ tháng mười một, đang cho ra những mầm hoặc lá non mỏng mảnh, và một cây mít bà trồng gần chỗ rửa bát rửa rau, gần như chẳng còn một nhành cây nào có thể tỏa râm làm dịu bớt không khí khô hạn. Bao giờ cũng vậy, mẹ Vy hay từ chối không cho Vy đi theo, nhưng bố phản đối ngay tức khắc. Bố bảo: - Từ nhà ra bến xe đã có tắc xi, chỉ việc lên xe đò ngồi một vài tiếng là con bé có thể thăm được bà, tại sao lại không cho nó đi cùng? Vy nhớ thường mẹ sẽ tìm một câu trả lời nào đó để giữ ý kiến của mình, chẳng hạn bà ngoại thì sao cũng được, đâu có bắt buộc con bé phải về thăm, hoặc khi nào đi thăm bà lại chả được. Thì bố sẽ gắt lên: - Em cứ nói cái kiểu xuội lơ như vậy, thảo nào... Nói qua nói lại vài câu, mẹ ậm ừ vài câu, bố cằn nhằn vài câu như vẫn từng, rồi sang hôm sau là Vy lại được đi cùng. Ngày càng lớn, Vy càng buồn cười vì không hiểu sao mẹ biết chắc bố sẽ không chịu để cho Vy ở nhà những khi có dịp đi thăm ngoại và các cậu như thế, nhưng mẹ vẫn không đồng ý ngay từ lúc đầu. Hoặc bố biết mẹ nói vậy, mà ý kiến sau cùng, quyết định sau cùng vẫn là của bố mà bố vẫn cất công càu nhàu mẹ. Đi thăm bà, như bố nói là đi tắc xi ra bến xe, ngồi xe đò vài tiếng, đến ngã ba về miền trung, xe chưa kịp dừng đã thấy hai cậu ngồi đợi sẵn cạnh một cái quán nước, trên hai chiếc xe máy rất cũ. Bố nói như thế là đã đến nhà bà, nhưng thật sự mọi người còn phải cọc cạch với các cậu thêm một đoạn, băng qua những con đường đất đỏ gồ ghề, hai bên đường có những hàng rào bằng tre sơ sài, thỉnh thoảng lắm mới thấy vài giậu hoa dâu bụt lá già cỗi, xanh ngắt, với những bông hoa tai tái hoặc nhàn nhạt đỏ. Lần nào cũng vậy, vừa thấy gia đình Vy từ trên xe bước xuống là mặt hai cậu rạng rỡ như gương. Bố vẫn bảo chỉ cần nhìn thấy những gương mặt bừng sáng của các cậu, là đã không còn cảm thấy đường xá xa xôi cách trở huống gì thấy sự mừng rỡ vui sướng của bà. Bước xuống xe, bố sẽ tay bắt mặt mừng với các cậu, giúp các cậu cột đồ đạc mang theo đàng sau xe, rồi ngồi lên yên sau cho cậu Cường chở. Còn cậu Út sẽ đèo mẹ và Vy. Cậu hay đùa mai mốt Vy lớn hơn chút nữa cậu phải mua xe hơi mới có chỗ đón Vy. Về nhà bà ngoại, có khi Vy sẽ gặp mợ, có khi không. Vì phải tùy lúc mợ có được nghỉ hay không nữa. Mợ làm công nhân cho một hãng giày cách nhà một, hai cây số, nhưng nếu đi thăm bà dịp cận Tết như vậy, hàng họ phải sản xuất nhiều thì chẳng mấy khi mợ được chạy về nhà. Và bao giờ cũng vậy, mợ nấu xôi gấc hoặc xôi vò, luộc sẵn gà và bắc thêm một nồi nước lèo để mẹ làm miến cho bố. Mợ nói bố người Bắc nên mợ hay nấu món Bắc để đãi bố. Khi mợ có nhà, Vy còn được ăn cả bún riêu nấu cua đồng. Mợ thì vậy, còn con bé Thoa thì có năm ở nhà chơi với Vy, có năm không. Nó trong ban múa của thiếu nhi Hội Thánh, sau lễ Giáng Sinh hay được ban thanh niên cho đi cắm trại một hai hôm. Năm nào bố không phải làm việc nhiều, đợi đến Tết Tây mới đi luôn một thể thì cả nhà Vy sẽ ở lại chơi với bà một hai hôm, và như thế, Vy mới được gặp con bé. Về nhà bà ngoại, trừ dịp hè, nhất là lúc không có con bé Thoa chơi cùng, Vy thường hay bị ngồi chầu rìa ở ngưỡng cửa ngó ra ngoài nắng cháy gắt gay trên sân nhà bà. Thỉnh thoảng bà ra ngồi với Vy một tí, hỏi han chuyện học hành, chuyện Hội Thánh, nhưng rồi lại bận bịu tâm sự với mẹ và bố vì biết những bận như vậy, cả nhà Vy sẽ quay về thành phố trước khi chuyến xe đò cuối cùng rời bến. Có nhiều khi những câu chuyện trao đổi giữa bố mẹ và các cậu rất xôm tụ, nhưng cũng có đôi khi người lớn chỉ thì thầm trao đổi gì đó với nhau rồi cùng cầu nguyện. Nên có thể nói, về nhà bà ngoại rất dễ chán, rất dễ cảm thấy buồn bã, nhưng không hiểu sao Vy chưa bao giờ thấy chán, chưa bao giờ thấy buồn. Thể như có điều gì đó vô cùng gần gũi, vô cùng thân thương khiến Vy không còn quan tâm đến những điều trẻ con vụn vặt ấy. Và cũng thể như có một cái gạch nối rất lạ kỳ đã ngọt ngào nối kết Vy với bà, với các cậu, với mợ, với Thoa, khi ra về, Vy sẽ bịn rịn rất lâu, chia tay rất khó. Tuy nhiên đó không phải là cái bịn rịn ở nhà bà nội với con ngan, con ngỗng, con chim trĩ hay con hoàng yến mà cái bịn rịn nồng cay hai đầu cánh mũi, cái bịn rịn phải quay mặt đi để quệt những giọt nước mắt rưng rưng ở bờ mi... * Mẹ bảo tính Vy thương súc vật, đa cảm đa sầu giống hệt như mẹ lúc nhỏ. Nhưng có một lần ở nhà bà nội về, Vy nói với mẹ: - Con không thích con chim anh vũ bà treo cạnh cửa sổ đâu. Mẹ hỏi tại sao. Vy nói khẽ vào tai mẹ: - Tại nó có giọng mắng giống hệt như bà. Mẹ nắm chặt tay Vy, tay kia đặt lên môi Vy: - Con không được phép nói về bà như vậy. Vy đáp Vy chỉ nói với mẹ mà thôi. Mẹ Vy ôm vai Vy: - Con chim anh vũ ấy cũng chỉ là một loại sáo nên nó bắt chước tiếng người mà nó không biết nó nói gì. Có nhiều con chim sáo nói được tiếng Anh, tiếng Pháp vì ở trong nhà người Anh, người Pháp nữa con ạ, nhưng đâu có phải vì vậy mà nó được xem là biết ngoại ngữ. Mẹ xoa xoa lưng Vy, đùa, để Vy dịu xuống: - Mẹ còn biết có con sáo nhái được tiếng rao hàng, bánh giò bánh đậu và rao mua ve chai nữa kìa... -Và mẹ thì thầm- Con chim anh vũ được bà cưng nhất, gần gũi nhất, nên giọng nó cao như giọng bà thôi. Vy xịu mặt làm thinh. Nhưng trong bụng vẫn thấy bực bội vì con chim anh vũ. Bởi Vy thấy nó không chỉ có cái giọng cao vút khó chịu mà mấy chữ nó bắt chước là những chữ Vy không thích nghe bao giờ. Nó hay nói “khốn nạn”, y hệt như khi bà giận. Nó còn có thêm những chữ khác, “cái quân”, “thật là khó chịu”, hoặc cả “cái ngữ này!” giống như bà những lúc bà lớn tiếng, không bằng lòng người nào hoặc chuyện gì đó. Vy còn nhớ Vy đã từng nghe bà mắng mẹ như thế từ những năm Vy còn rất bé. Và cũng đã rất nhiều lần Vy hỏi mẹ, tại sao bà là tín đồ mà không hiền lành, tiết độ như Vy được học trong sách Ga-la-ti. Mẹ thở dài không trả lời. Vy nghĩ có lẽ bà là người mà trong Hội Thánh ai cũng thấy sờ sợ. Không biết có ai ghét bà không, nhưng khi nói về bà, nhắc đến bà, Vy để ý thấy có nhiều người cau mặt. Và có người còn nói “cây đắng sinh trái ngọt” để chỉ về bố. Có nhiều người cười, nhưng mắt thì dường như không cười khi cố ý nói cho Vy nghe “lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn nhà giàu vào nước thiên đường”. Cái hoàn cảnh khác thường của gia đình Vy khiến Vy có những suy tư như người lớn. Lời nói bình thường của Vy bao giờ cũng có vẻ chỉnh chu, gãy gọn hơn rất nhiều so với trẻ con cùng tuổi. Ngay từ lúc vừa lên ba, lên bốn, Vy đã biết bà nội không chấp nhận cho bố mẹ Vy cưới nhau, vì nhà mẹ Vy vừa nghèo, vừa không có địa vị trong xã hội. Vy còn nghe kể bố yêu mẹ không chỉ vì mẹ xinh đẹp, tính tình hiền lành nhu mì mà bố còn bảo hơn hết mọi sự là vì mẹ yêu mến Chúa. Lúc Vy bắt đầu biết đọc Kinh Thánh, bố vẫn thường cùng Vy đọc đi đọc lại sách Châm Ngôn, đoạn nói về người nữ tài đức, “duyên là giả dối sắc là hư không, nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê Hô Va sẽ được khen ngợi”. Khi Vy lớn hơn, bố bảo Vy phải sống giống như mẹ để được phước. Bố Vy đã cưới mẹ trong sự giận dỗi của bà nội. Và bố tuyên bố nếu bà không bằng lòng bố vẫn nhờ Mục Sư tiến hành hôn sự. Vy nghe kể lại Mục Sư và Hội Thánh phải cầu nguyện rất nhiều cho bà, vì bà lẫy, không đi nhóm cả mấy tháng. Mục Sư cũng phải cầu nguyện cho bố mẹ, và phải tìm đủ mọi cách để giảng hòa, tìm ra một giải pháp êm thấm nhất cho cả đôi bên. Về sau, bà trở lại nhà thờ, nhưng bà làm như không có sự hiện diện của bố ở chung quanh. Bố mẹ Vy đã cưới nhau rất vất vả. Ra ở riêng càng vất vả hơn. Vì bố không muốn nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ bà. Bố bảo bố có Chúa, bố không sợ thiếu thốn. Còn bà thì bảo đã nuôi bố trưởng thành, cho ăn học thành tài, chữ nghĩa kiến thức nhiều nên bố đâu còn cần đến bà nữa. Sinh hoạt nơi đông người, cho dẫu là Hội Thánh đi chăng nữa, cũng có người nọ người kia, người có đức tin mạnh, người đức tin yếu, người hiểu chuyện người không, nên những điều phức tạp bố mẹ Vy không muốn kể cho con cái nghe, phía sau lưng bố mẹ, người lớn vẫn xầm xì một cách rất kém tế nhị. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng Vy vẫn nghe đi nghe lại những lời nhận xét, phê phán của nhiều người, rằng lời bố Vy nói hoàn toàn đúng với Kinh Thánh, chỉ khác với sự thật bên trong là bà đã buộc bố nếu cưới mẹ thì phải ra đi với hai bàn tay trắng. Có người còn bảo bà thêm một điều kiện khác nữa là bố không được tranh dành gia tài với chú Hải. Vy không biết câu chuyện gay cấn ấy giữa bà và bố có bao nhiêu phần trăm sự thật, cũng không hiểu tại sao người ngoài cuộc lại có thể biết hết chuyện nhà của Vy như thế. Tuy nhiên một lần, dẫu khi ấy còn rất bé, Vy vẫn không thể nào quên được buổi chiều bà đã đến tận nhà, nói chuyện với mẹ Vy. Vy bị đuổi vào nhà sau, nên chỉ nhìn thấy được thấp thoáng bà và mẹ sau một khuôn hoa thông gió mà Vy đã nấp và nhón chân trên giường để xem. Vy hoàn toàn không nghe được câu nào vì cả bà và mẹ đều nói rất nhỏ, gần như thì thầm với nhau. Nhưng mặt bà vô cùng nghiêm trang, và mẹ thì chảy nước mắt. trước khi ra về, bà đứng lên và lại nhắn một câu khá lớn với một vẻ mặt đanh lại, lạnh lùng: - Tôi nói hết rồi đấy, chị liệu về mà tính chuyện với nó. Và khi bà ra về rồi, mẹ Vy vẫn còn ngồi thẫn thờ trên ghế rất lâu. Trông mẹ có vẻ bàng hoàng và sợ hãi. Lâu sau, Vy thấy mẹ Vy thấy mẹ gục đầu giữa hai bàn tay chắp vào với nhau trong tư thế cầu nguyện và nước mắt mẹ thì chảy dài. Thỉnh thoảng Vy còn thấy mẹ nấc lên khe khẽ. Vy không biết mẹ đã cầu nguyện với Chúa điều gì, nhưng nhớ thời gian như đã ngừng lại với mẹ. Mẹ ngồi như hóa đá. Đến lúc chịu không được nữa, Vy chạy ra lay vai mẹ, hỏi mẹ câu nào, nói mẹ câu gì, mẹ cũng không nghe thấy. Cho đến khi bố về đến nhà, mắt mẹ vẫn còn đỏ hoe. Lần nữa Vy lại không nghe được câu chuyện của bố mẹ, nhưng bố có vẻ giận. Bố nói hơi lớn tiếng: - Không nhân nhượng gì cả. Hôn nhân của anh và em đã được Chúa ấn dấu, mẹ không có quyền chen vào. Phải mất đến mấy năm sau, Vy mới được đến nhà bà lần đầu tiên. Và phải mất hết một buổi cũng như nhiều ngày sau đó, mẹ dành thì giờ ra để giải thích cho Vy nghe rằng vì xưa nay bà không được vui, nên bố mẹ đã không đưa Vy đến thăm bà. Mẹ cũng cẩn thận căn dặn Vy khi đến nơi, nếu có điều gì đó bà nói ra mà không thấy thích, hoặc không vui, thì cũng chỉ nên im lặng mà cầu nguyện cho bà. Vy vâng với mẹ, nhưng mẹ không biết mẹ đã dặn dò những điều rất thừa, vì Vy đã định bụng sẽ không bao giờ chuyện trò với bà. Khi đến nhà bà, Vy sẽ xin phép được ở bên ngoài vườn. Và quả thật vậy, hôm ấy chỉ có bố mẹ vào ngồi trong phòng khách, còn Vy thì thẩn tha ngoài vườn với con ngan con gà, với đám cây bụi cỏ cho đến lúc ra về. Cả sau này cũng rất hiếm khi Vy lại gần bên bà. Rất hiếm khi Vy đặt chân vào bên trong ngưỡng cửa nếu không vì bắt buộc. Cứ thể như Vy là một người khách, một khách lạ thật sự khi đến nhà bà. Cái cảm giác ngột ngạt, lạnh lùng lúc nào cũng như phủ quanh Vy. Bầu không khí ở khuôn viên vườn nhà bà thoáng đãng, tươi mát bao nhiêu thì bên trong lại khiến Vy càng ngộp thở bấy nhiêu. Vy chưa bao giờ tìm ra được chút ấm áp từ phía bà. Và điều làm Vy sợ nhất là lúc phải ngồi ăn cơm cùng với bà. Vy thấy khó chịu khi nghe bà cầu nguyện xin Chúa cho đồ ăn đủ ngày. Những lời cầu nguyện như thói quen, như thuộc lòng, và sáo rỗng đến độ chỉ làm Vy tưởng như bà chưa nói ra câu nào. Nhưng đến lời xin Chúa tha tội cho bà như bà tha thứ cho kẻ nghịch thù mới khiến Vy phải chau mày. Năm tuổi, mười tuổi, Vy đã thấy có điều gì đó không ổn giữa lời cầu nguyện và hành động của bà. Năm tuổi, mười tuổi, Vy đã nhận ra có điều gì đó sai trật giữa lời nói ở miệng môi với tấm lòng của người chân thật. Lớn lên hơn chút nữa, khi suy nghĩ và tâm lý bắt đầu trở nên phức tạp của tuổi mới lớn, Vy càng trở nên xa lạ với bà. * Bà nội và bà ngoại cùng tuổi. Cả hai bà cùng sinh hoạt trong môi trường tương đối giống nhau. Nhưng đời sống thuộc linh và thuộc thể của hai người hoàn toàn khác hẳn nhau. Nhiều lúc Vy nghĩ mà không dám nói ra với ai, rằng bà ngoại hiền lành, yêu mến Chúa, thương con cháu và thương người chung quanh như vậy, lẽ ra bà phải giàu có mới đúng. Lẽ ra bà phải được hưởng vật chất thật đầy đủ mới phải. Nhưng ngược lại thì bà sống nghèo từ nhỏ. Lớn lên lấy chồng cũng không khá hơn gì. Và về già, thời cuộc đổi thay, bà lại càng cơ cực hơn, thiếu thốn hơn. Quanh năm suốt tháng với ruộng vườn, đến lứa tuổi lẽ ra bà được nghỉ ngơi, thì các cậu không khá, nên bà cũng còn phải làm lụng. Thật ra thì bà chỉ nấu cơm, quét tước phụ cho cậu mợ Cường và cậu Út, và bà bảo tính bà hay lam hay làm, ở không bà chịu không được, tuy nhiên Vy cứ thấy nao lòng khi nhìn bà lom khom trong bếp, lui cui dọn dẹp ngoài vườn. Cuộc sống bình thường vốn đã không dư giả, mà Hội Thánh bà đi nhóm ở thôn quê cũng thiếu thốn và lại ở khá xa. Nhưng đi thăm bà, buổi sáng khi hai mắt vẫn còn cay xè, ngái ngủ, ngoài trời thì ướt đẫm sương và tối nhờ nhờ, Vy đã thấy bà khăn áo chỉnh tề để đi nhóm vào sáng Chúa Nhật. Mặt bà bao giờ cũng hân hoan, tươi tắn vì bà bảo bà chờ đợi từng ngày để được hòa lòng với anh em trong không khí thờ phượng. Cậu Út kể lúc bà bị bịnh, là lúc các cậu khổ nhất, vì bà vẫn cứ muốn được đi nhóm, vẫn muốn được ngồi ở chỗ của bà, vui vẻ ca hát và halelulla tạ ơn Chúa. Các cậu khuyên cách gì bà cũng không chịu ở nhà. Cậu còn kể, có hôm đèo bà đi, một tay lái xe, còn tay kia phải vòng ra phía sau ôm bà vì sợ bà ngã. Đời một người từ thanh xuân cho đến khi trưởng thành, cả lúc về già vẫn chưa được thảnh thơi về mặt vật chất, nhưng chẳng bao giờ có người nghe bà than vãn, cũng chẳng bao giờ nghe bà hỏi tại sao Chúa để bà sống trong hoàn cảnh như vậy. Bà nói bà tin rằng Chúa cho mỗi người một cảnh sống để tạo nên bức tranh cuộc đời, mà qua đó, nhân loại sẽ nhìn thấy ý muốn và sự cứu chuộc của Chúa dành cho con người. Bà còn nói thêm nhiều điều với những ý tưởng và lý lẽ hơi vượt quá sự hiểu biết của Vy, nhưng có một điều mà Vy biết chắc chắn, là bà yêu mến Chúa và tin cậy hoàn toàn nơi Ngài. Như người đàn bà goá chỉ dâng hai đồng nhưng được Chúa Giê su nhắc đến trong sách Lu ca vì “mọi người đều lấy của dư mà làm của dâng, trong khi người đàn bà nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”, mẹ Vy bảo đời sống bà là đời sống tin cậy, đời sống bà là đời sống dâng hiến. Bà dâng hiến tất cả những gì mình có, và Hội Thánh cần bất cứ điều gì nơi bà, bà cũng sẵn sàng. Bố mẹ Vy vẫn thường nói không cần phải học gương tin kính và hầu việc Chúa ở đâu xa, mà có thể học ở ngay chính bà. Bà nội và bà ngoại Vy có nhiều điểm khác nhau như thế, đến lúc đau ốm mới càng thấy sự khác biệt ấy rõ ràng hơn. Khi nghe bà ngoại bịnh nặng nằm bịnh ở huyện, bố mẹ Vy hối hả đưa Vy về thăm. Từ đàng xa, chỉ vừa mới trông thấy những bức tường vôi loang lổ, vàng xỉn và cánh cổng tróc sơn lỗ chỗ của bịnh viện, Vy đã bật òa lên khóc. Bởi chẳng cần ai nói, hoặc phải bước vào đến tận bên trong, Vy đã có thể hình dung ra cảnh phòng ốc nghèo nàn với những chiếc giường chật hẹp dành cho bịnh nhân, những lôi thôi lếch thếch khác, từ những dụng cụ y tế cũ kỹ đến sự đối xử thiếu lương tâm của các nhân viên y tế ở những trạm xá, nhà thương xa thành phố lớn mà hằng ngày báo chí, truyền hình vẫn chỉ trích, phê phán nhưng đâu rồi cũng vào đó... Vy đã bước theo bố mẹ bằng những giọt nước mắt, và bằng tâm trạng đau đớn như vậy khi vào thăm bà. Đến lúc nhìn thấy bà, Vy lại càng thương bà nhiều hơn. Bà ốm yếu, gầy nhom nên nằm trên chiếc giường bịnh cá nhân nhỏ xíu vậy mà cũng thấy còn rộng thênh thang. Trên đầu giường của bà lại thêm chai nước biển treo tòng teng trên chiếc giá đóng bằng gỗ một cách rất sơ sài và cũ kỹ nên trông bà càng tội nghiệp hơn. Nhưng điều kỳ lạ nơi bà là cả một cái trở mình cũng khó khăn đến vậy, mà khi nhìn thấy Vy, mặt bà lại rạng rỡ như mùa xuân. Hai mắt bà thật long lanh và môi cười rất ấm áp. Bàn tay với những ngón xương gầy đưa ra cầm lấy tay Vy, âu yếm sờ lên từng đốt ngón tay như thể bà đang nâng niu báu vật qúy nhất đời mình khiến Vy lại mủi lòng đến bật khóc. Bà mỉm cười, nói rất khẽ nhưng giọng dường như vui vẻ lắm: - Vy phải mừng là bà đang được mọi người quan tâm chăm sóc hơn hàng ngày chứ. Mà nếu như bà có ra đi, thì phải vui vì bà sắp được gặp Chúa, sắp được Chúa ban cho đôi cánh để bay như chim ưng, chạy mà không biết mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi... Vy khóc nấc lên. Bà lại cười: - Khóc quá làm ngoại tưởng mình không được phước Chúa bây giờ. Đi thăm ngoại, thấy ngoại ốm yếu, khóc thương ngoại thì bị ngoại trêu, và ngược lại còn nhận được thêm những lời an ủi, khích lệ, Vy đã dùng dằng mãi không chịu về. Nhưng đến lúc bà nội bịnh, đi thăm bà về, lòng Vy lại bực dọc, chán nản. Vy mang mặc cảm phạm tội vì dẫu cố lắm nhưng Vy vẫn không thể thấy thương bà. Trái tim Vy như đóng băng, lạnh lẽo. Có rất nhiều lần ở nhà bà hoặc ở nhà thương về, Vy đã phải quỳ gối cầu nguyện rất lâu. Cũng lắm khi đi nhóm, Vy còn phải nhờ cô giáo trường Chúa Nhật cầu thay để Vy thoát khỏi những điều khó chịu trong lòng. Vy không hề muốn khi đứng trước giường bịnh, mà nhất là giường bịnh của người thân Vy là bà nội như thế, mà Vy cứ trơ ra những cảm xúc thật kỳ quặc. Nếu không muốn nói là vô cảm, vì Vy chẳng mảy may xao động trước bịnh tình của bà, mà còn phải nói là Vy khó chịu trăm điều. Vy đã gắng lắm để không so sánh bà với bà ngoại, càng không muốn thấy mình trong tâm trạng bực bội, buồn phiền. Nhưng mỗi bận bà không khỏe trong người, hay bà phải nằm ốm vài hôm, đi thăm bà là thế nào cũng nghe bà than thân trách phận, nghe bà đặt câu hỏi bà “có làm gì đâu” mà Chúa nỡ lòng nào lại “bắt” bà đớn đau, bắt bà nhức nhối đến vậy. Gần như chẳng bao giờ có một câu nói hay một vài từ ngữ lạc quan phát ra từ miệng môi bà. Hết trách cứ Chúa, bà lại trách qua con cháu. Bà thở than mình bạc phần bạc phước, lúc ốm đau không được một lời an ủi, hỏi han. Rất khó làm điều gì để bà hài lòng. Lúc nghe bà khó ở trong người, Mục Sư và Hội Thánh muốn đến thăm và cầu nguyện cho bà thì bà sợ. Bà gọi đi khắp nơi hỏi không lẽ bà bịnh nặng, không lẽ bà sắp chết đến nơi rồi hay sao. Vy nghe chuyện, lòng nặng nề như đeo đá tảng. Cũng chẳng biết làm sao để thấy thương nội hơn. Mãi cho đến một ngày đi thăm ngoại, nước mắt vắn dài nhìn ngoại nắm tay Vy như trăn trối. Ngoại nói: - Mai mốt tiễn ngoại đi, con nhớ mặc áo màu rực rỡ nha con. Đừng mặc màu trắng tang tóc như người ta vẫn hay mặc, bởi vì ngoại không muốn thấy con trong cái dáng điệu buồn bã đó. Con phải vui vì ngoại đã xong cuộc chạy, sắp tới đích như thánh Phao lô viết. Và con cũng nên biết là Chúa đang giang tay chờ đón ngoại ở cuối đường... Nhưng trên hết mọi thứ, là nên biết rằng trong niềm tin của ngoại và con, thì mình còn niềm hy vọng sẽ gặp lại nhau ở thiên đàng. Ngoại nói với nụ cười dẫu giọng của ngoại rất yếu. Vy đã ngồi với ngoại như thế, nắm bàn tay ngoại như thế, rất muốn nở nụ cười như ngoại muốn, mà không được. Tối về đến nhà thì Vy khóc ngất. Vy biết Vy cũng tin sẽ gặp lại ngoại ở thiên đàng, nhưng nghĩ đến sắp không còn gặp ngoại, Vy đau lòng khôn xiết. Và trong nỗi đau ấy, Vy bắt đầu chợt nhận ra niềm thương yêu lóe lên trong lòng, với bà nội. Vy nghĩ đến một ngày nào đó rồi bà cũng sẽ ra đi. Sớm hoặc muộn sau bà ngoại mà thôi. Nhưng nếu như cứ như hiện tại, cứ như bà đang sống trong tình trạng cat đắng và than trách như vậy, có lẽ là bà sẽ ra đi không yên lòng. Sẽ sợ hãi nhiều hơn, và Vy ở lại sẽ buồn nhiều hơn. Vy quỳ gối xuống nói chuyện với Chúa. Vy tự hứa với Ngài và quyết định bắt đầu từ tối hôm đó, Vy sẽ cầu nguyện nhiều hơn cho bà, và sẽ ghé thăm bà thường xuyên hơn, sẽ an ủi và làm chứng cho bà về tinh thần lạc quan của bà ngoại. Vy định bụng sẽ đề nghị cùng bà đọc Kinh Thánh, hát Thánh Ca với bà để hâm nóng lời Chúa trong lòng bà. Và Vy cũng sẽ nói điều này ra với bố mẹ, xin bố mẹ cho Vy tự đạp xe đến thăm bà những lúc thuận tiện và những lúc bà cần có người ở cạnh bà. Chắc chắn, Vy sẽ không bao giờ đến nhà bà như một người khách lạ. HOÀNG NGA (Trích “Giòng Đời”, sắp xuất bản)
Posted on: Sun, 11 Aug 2013 16:10:05 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015