(Bài trên tạp chí Người Đẹp, chuyên san báo Tiền - TopicsExpress



          

(Bài trên tạp chí Người Đẹp, chuyên san báo Tiền Phong, số 366) PRAHA, DỆT TỪ GIẤC MƠ CỔ TÍCH Có một nơi chỉ cần thả bước dạo quanh hay ngồi nhởn nhơ trong góc quán nhỏ bên đường, bạn tưởng như nghe được tiếng thì thầm kể những câu chuyện bi hùng vang vọng. Một nơi như dệt từ giấc mơ cổ tích, có nhấp nhô mái tháp gác chuông, có dòng sông uốn mình thần thoại. Nơi đó là thành phố vàng Praha. 1. Giấc mơ của nàng Libuse Nhớ có những ngày tôi mê say xót thương và ngỡ ngàng chìm theo thực ảo của gã đạc điền K. trong tác phẩm “Lâu đài” đầy ám ảnh. Đó là lần đầu tôi biết đến Praha qua ngòi bút Kafka, có lâu đài, có không gian cổ kính và thiên nhiên mê hoặc. Ông vẽ ra một khung cảnh siêu thực tưởng chừng như mơ hồ. Tôi có dịp đến thành phố quê hương của Kafka vào một ngày đầu đông lạnh buốt. Từ trên máy bay, Praha chào đón khách phương xa với rất nhiều ngọn tháp hắt ánh nắng vàng óng, lấp lánh. Từ sân bay Vaclav Havel bề thế về khách sạn ở khu phố cổ, xe lăn bánh dằn xóc từng nhịp trên con đường đá cổ ngàn năm tuổi như gợi lên niềm háo hức cho những ngày thú vị ở đây. Truyền thuyết kể rằng, có một ngày, nàng công chúa kiều diễm Libuse của vương triều Bohemia mơ giấc mơ kỳ lạ về một thành phố lộng lẫy uốn quanh theo dòng Vltava. Chiều lòng nàng, hoàng gia cho xây dựng thành phố theo mô tả của nàng. Những nhà thờ mái vòm, những ngọn tháp mạ vàng lộng lẫy mang phong cách Roman, Gothic, được xây dựng trải dài trên chín ngọn đồi bao quanh. Pháo đài Vysehrad và Hradcany nổi bật và to lớn nhất. Những khu phố thẳng tắp mọc lên từ hướng bờ sông. Và trên dòng sông đó, ngay tại ngưỡng chặn nước (gọi là prah) sẽ mọc lên cây cầu đá vững chắc, tô điểm nên nét duyên dáng cho thành phố. Giấc mơ của nàng Libuse đã thành sự thật, thành phố từ giấc mơ được đặt tên là Praha. Praha được thành lập trên giao lộ của những tuyến đường thương mại cổ xưa, là nơi giao thoa của các nền văn hóa và tâm linh. Nếu xem Praha như một bức tranh, thì bức tranh đó được các nghệ nhân chuyền tay nhau tô vẽ, hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm. Thật may mắn khi Praha là một trong những nơi hiếm hoi ở Châu Âu không bị tàn phá bởi thời gian, nhất là sau hai cuộc Thế chiến. Những đường nét cổ kính trên những công trình kiến trúc ngàn năm gần như còn nguyên vẹn. Ngày nay, Praha là thủ đô của Cộng Hòa Czech, được thế giới biết đến như là trái tim của châu Âu. 2. Thành phố cổ tích Tôi bước thảnh thơi trên con đường đá nhỏ quanh co dẫn ra quảng trường Old Town (Staromestke). Những con đường đá hẹp ở khu phố cổ có tuổi đời vài trăm năm, đều hướng về khu quảng trường trung tâm. Ngày đầu đông nhiều gió, lạnh buốt. Tôi chọn cho mình góc ngồi ấm cúng ở một quán cà-phê nhỏ bên đường, nhìn ra toàn cảnh Old Town. Quảng trường là trung tâm hành chính của Praha từ thế kỷ thứ 10. Nơi đây đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của Praha suốt ngàn năm, từ vương triều Bohemia đến đế chế La Mã, cho đến giai đoạn tăm tối dưới ách Phát-xít. Khu quảng trường chính của phố cổ được bao quanh bởi nhà thờ Đức bà Tyn xây bằng đá xám với hai ngọn tháp cao vút và tháp đồng hồ thiên văn Oloj (the Astronomical clock) cổ nhất còn hoạt động từ thế kỷ thứ 15. Trong suốt hơn 500 năm qua, mỗi khi chuông Skeleton ngân vang báo giờ, 12 vị thánh tông đồ lần lượt dạo quanh một vòng như để giám sát trần thế dưới kia. Lại sắp tròn một vòng quay, du khách đổ về trước tháp đồng hồ ngày càng đông hơn. Tương truyền, ai nghe được tiếng chuông ngân vang đón vị thánh tông đồ sẽ gặp may mắn cho chuyến đi của mình. Ai cũng thành kính dõi theo, rồi rạng rỡ hò reo khi kết thúc một vòng quay. Đám đông nhanh chóng tan lẫn theo cơn gió lạnh. Có lẽ họ tìm đến cây cầu đã trở thành biểu tượng của Praha. Dòng Vltava uốn lượn mềm mại chia đôi thành phố, một bên là phố cổ, một bên là những lâu đài nằm trên đồi cao, sừng sững, quyền uy nhưng tỏa nét đẹp nao lòng. Nối liền hai bờ có hàng chục chiếc cầu, nhưng 500 năm trước, cây cầu đá Charles là chiếc cầu duy nhất. Cầu Charles cổ nhất Châu Âu, mang tên người khai sinh ra nó, là vua Charles IV lừng lẫy bậc nhất lịch sử vùng Bohemian. Cầu Charles là một kỳ quan thời Trung cổ, được xây hoàn toàn bằng đá, gồm 16 nhịp, 3 tháp trụ, dài 516m, rộng 10m. Hai bên thành cầu điểm tô bằng 30 pho tượng thánh gắn liền với những câu chuyện trải dài suốt lịch sử văn hóa, tôn giáo của Praha. Trời càng lạnh hơn, nhưng dòng người lên cầu ngày một đông. Tựa lên thành cầu phóng tầm mắt ra xa mờ mờ bọt nước li ti, tôi đang chiêm ngưỡng bức tranh êm đềm, lộng lẫy sắc màu. Mãi mê với những mái ngói, những gam màu và những đường nét kiến trúc gothic sắc gọn, tôi không nhận ra người nghệ sĩ già bên cạnh đang say sưa với cây kèn. Giai điệu jazz cổ điển giữa khung cảnh mùa đông nơi đây đủ sức níu chân khách bộ hành, ngẩn ngơ, say sưa như lạc lối về miền cổ tích. Những người nghệ sĩ đường phố chơi đủ các thể loại nhạc từ pop, rock, rap cho đến jazz hay nhạc cổ điển, cầu Charles như một nhà hát giữa trời, phô diễn cho bằng hết cái hay đẹp của nơi đây. Hãy thử ngồi lại vài phút, người họa sĩ đường phố sẽ làm bạn thích thú với bức chân dung biếm họa của mình chỉ bằng vài nét vẽ. Chỉ cần dạo bước, Praha luôn biết cách khiến ta phải lòng. Những đôi lứa yêu nhau tìm đến đây, tâm hồn như trải rộng ra, để yêu và khao khát được yêu. Ba mươi pho tượng thánh điềm nhiên, vững chãi là chứng nhân muôn thuở của bao đôi lứa yêu nhau. Cầu Charles có lẽ vì vậy là cây cầu của Tình Yêu. Không xa cầu Charles là con đường đá cổ uốn lượn dẫn lên lâu đài Hradcany (còn gọi là lâu đài Praha). Lâu đài cổ kính và nguy nga nằm trên triền đồi, mang đậm phong cách Bohemia phóng khoáng. Sách kỷ lục Guinness ghi nhận Hradcany là lâu đài cổ rộng lớn nhất thế giới, chiều dài 570m, chiều rộng 130m, diện tích gần 7 ha. Hoàng tử Borivoj cho xây lâu đài từ thế kỷ thứ 9, là quần thể gồm bốn cung điện, bốn nhà thờ lớn, nhiều tòa nhà, tháp canh và các khu vườn rộng lớn. Có thể nói không quá lời khi gọi lâu dài Praha là “thành phố trong thành phố”. Nổi bật trong quần thể là đại thánh đường St.Vitus tráng lệ nhất Châu Âu. Các vương triều thay nhau hoàn thiện thánh đường St. Vitus trong suốt 6 thế kỷ, để tạo nên sự kỳ vĩ và hoàn thiện lung linh như ngày nay. Bước vào lâu đài Praha là bạn đang giở từng trang sử ngàn năm bi hùng của các vương triều xứ Bohemia, đang chạm vào từng ngõ ngách của lịch sử kiến trúc Châu Âu. Nơi đây hội tụ tất cả các phong cách kiến trúc từ Roman, Gothic, Baroque rồi Phục hưng, Rococo và Neo-clasical. Lâu đài cũng là bảo tàng lưu giữ vương miện Bohemia, bộ lễ phục dát vàng, thánh giá, thanh gươm nạm đá quý và các báu vật quốc gia. Hiện nay, lâu đài vẫn được sử dụng làm trụ sở của Chính phủ Cộng hòa Czech. Tôi thích thú dành nhiều thời gian đến thăm Golden Lane. Một con hẻm nhỏ băng ngang 30 ngôi nhà hình thành nên khu phố cổ ngay trong lòng lâu đài. Các ngôi nhà nhỏ, thấp nhưng xinh xắn. Khu vực này xưa kia là nơi ở của lính gác, những người thợ kim hoàn và những người cùng đinh. Gọi là “hẻm vàng” nhưng là nơi khắc họa rõ sự phân biệt khắc nghiệt trong xã hội Trung cổ. Đặc biệt nhất là nhà số 12 ở cuối con đường. Franz Kafka, nhà văn lớn nhất của thế kỷ 20, cha đẻ của trường phái siêu thực hiện đại, đã từng ở đây. Có lẽ mái nhọn lâu đài Praha lộng lẫy, phong cảnh thơ mộng ngoài khung cửa là cảm hứng ông mang vào trong tác phẩm “Lâu đài”. Gã đạc điền K. chắc hẳn mang hình ảnh của những thợ thuyền ngày ngày qua lại trong con hẻm vàng này. Cuộc đời và tác phẩm của Franz Kafka luôn day dứt. Nỗi day dứt ấy như đối nghịch và ẩn chứa khắc sâu trong từng viên đá lát đường, trong hơi thở đầy khói lạnh mùa đông Praha. Chiều mùa đông không ánh hoàng hôn, bầu trời chuyển sắc tím thẫm làm nền cho những cành cây khẳng khiu lác đác vài chiếc lá khô như níu kéo mùa sang. Dưới kia phố đã lên đèn, những chiếc cầu hắt ánh vàng loang loáng làm duyên với dòng sông. Tôi cứ bước ra triền đồi, đu mình lên mỏm đá đứng lặng yên, vẻ đẹp như thế được gặp vài lần trong đời đã là diễm phúc. Tiếng chuông thánh đường ngân vang giục giã, nhắc tôi phải quay về. 3. Ngoại ô yên bình Đến thăm Praha, sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ qua khu vực ngoại ô thành phố. Vùng ngoại ô luôn biết cách bổ sung cho khách phương xa những câu chuyện, như đường viền cho bức tranh hoàn hảo. Chỉ cách chưa tới nửa giờ xe có một ngôi làng êm đềm dường như vô danh nép mình trong khu rừng nhỏ. Phía cuối con đường làng, tòa lâu đài Karlstejn sừng sững, uy nghi trên vách đá. Lâu đài được xây dựng trong thời kỳ huy hoàng của vua Charles IV. Đây là pháo đài phòng thủ, được xem như viên ngọc quý ẩn mình của đế chế Roman, nơi bí mật tài trợ và huấn luyện cho các hiệp sĩ đảm bảo chi viện cho thủ đô Praha. Tiếc là Karlstejn không mở cửa vào mùa đông. Ngôi làng nhỏ đáng yêu đón tôi bằng những bông tuyết rơi hờ hững. Trời đã chuyển hẳn sang đông. Tuyết chỉ rơi nhẹ, vừa đủ lạnh tê bàn tay hứng lấy, vừa đủ nên thơ. Trung tâm ngôi làng có một quãng sân rộng, vài bức tượng nhỏ và đài phun nước. Vài người hóa trang thành “thiên thần thiện” áo trắng và “quỷ ác” áo đen đi phát kẹo cho trẻ em quanh làng. Hỏi ra tôi mới biết đó là ngày lễ thánh Nicholas (ngày 6 tháng 12), một lễ trọng của người Czech trước lễ Giáng sinh. Trời lạnh căm, làng nhỏ vắng người nhưng không khí lễ thánh ấm cúng và bình yên. 4. Những ngón tay trên phím đàn Trở lại Praha, tôi chọn cho mình một góc ngồi quen thuộc bên phố cổ, thưởng cho mình một ly bia Plzen, quốc hồn quốc túy của người Praha. Ngoài kia, giữa quảng trường, chợ Giáng sinh đã nhóm từ khi nào. Tuyết đang rơi nhưng cả không gian phố cổ ấm áp. Mùa thánh, mùa yêu thương, ai mà không nao lòng. Rồi chỉ nay mai, cả thành phố sẽ phủ một màu tuyết trắng, Praha hẳn phải đẹp hơn khi đông về. Mỗi năm Praha đón hơn 5 triệu lượt du khách, trong khi dân số chỉ hơn 1 triệu. Không phải một công trình cụ thể nào, mà là cả Thành phố Praha được UNESCO công nhận di tích văn hóa năm 1992. Có người ví Praha đẹp như bài thơ khắc trên đá, nhưng với tôi Praha thánh thót như những nốt nhạc tuyệt đẹp. Chẳng phải cũng từ nơi này mà Mozart đã viết nên bản giao hưởng số 38 như hòa âm cùng tiếng chuông vang vọng nơi tháp giáo đường xa xa. Lâu đài Hradcany, dòng Vltava và những cây cầu đá như những ngón tay trên phím đàn tạo nên bản hòa ca ngân vang cổ tích. Truyền thuyết nói rằng nếu ai xoa tay vào chân tượng thánh trên cầu Charles, chắc chắn sẽ được trở lại Praha một ngày nào đó. Cũng như vô số du khách, tôi xoa tay vào chân tượng thánh mong ngày trở lại. Tôi hít căng đầy ngực một bầu không khí cổ tích, tôi phải lòng Praha mất rồi! trinhkhoi.wordpress/2014/12/09/praha-det-tu-giac-mo-co-tich/
Posted on: Fri, 19 Dec 2014 04:10:36 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015