Chuyên đề 40 năm thành lập WTA Làn sóng - TopicsExpress



          

Chuyên đề 40 năm thành lập WTA Làn sóng “OVA” Thục Hiền/ Thế giới Tennis số 36, tháng 10.2013 Một trong những điểm nổi bật của tennis nữ trong 40 năm qua là sự dịch chuyển từ tây qua đông. Những cái tên kết thúc bằng đuôi “ova”, “ina”, “eva”... ngày càng xuất hiện nhiều trong tennis: Sharapova, Kuznetsova, Hantuchova... Nếu như các nước cùng hệ ngôn ngữ Slav khác như Serbia, Croatia cũng dùng “ova” làm đuôi thì những cái tên đó còn nhiều nữa: Ivanovicova, Jankovicova... Tay vợt nữ Đông Âu nổi tiếng đầu tiên là Martina Navratilova sinh ra ở Tiệp Khắc, “đào tẩu” sang Mỹ năm 1975. Cùng thế hệ với bà có một số tay vợt hàng đầu khác: Olga Mozogova (Nga), Hana Mandlikova, Renata Tomanova (Tiệp Khắc), Virginia Rucizi (Romania), Mima Jausovec (Nam Tư). Lứa tiếp theo trong thập niên 1980 có Natalia Zvereva (Liên Xô), Helena Sukova, Jana Novotna (Tiệp Khắc), Monica Seles... nhưng có ít tay vợt giữ vai chính trên sân khấu tennis nữ. Navratilova và Seles trưởng thành và nhanh chóng thành công dân Mỹ. Năm 1980, có 37 tay vợt Mỹ và 6 tay vợt Đông Âu trong tốp 50 nữ thế giới. Năm 1990, cũng chỉ có 6 tay vợt Đông Âu trong tốp 50. Năm 2000 thì có 9 tay vợt trong tốp 50. Nhưng hiện tại, có 25 tay vợt Đông Âu trong tốp 50, đó là chưa kể các tay vợt có gốc Đông Âu như: Caroline Wozniacki (Đan Mạch), Angelique Kerber, Sabine Lisicki, Andrea Petkovic (Đức), Marina Erakovic (New Zealand), Varvara Lepchenko (Mỹ), Julia Glushko (Israel), Kristina Mladenovic (Pháp), Alesandra Wozniak (Canada). Yuri Yudkin, HLV đầu tiên của Maria Sharapova cho biết, không lâu sau khi cô học trò nhỏ của mình vô địch Wimbledon 2004, ông thấy xếp hàng dài dọc theo sân tập câu lạc bộ tennis của ông ở Sochi (Nga), có khoảng 100 cô gái nhỏ cùng các bậc cha mẹ muốn theo học tennis, để trở thành Sharapova trong tương lai. Sự quan tâm đặc biệt của cố tổng thống Boris Yeltsin ở nước Nga đầu thập niên 1990 khiến tennis phát triển rất mạnh. Sự phân tách ở các nước Đông Âu và sự giải phóng khỏi “tấm màn sắt” khiến xã hội biến chuyển, những môn chơi “phương Tây” như tennis có cơ hội phát triển hơn ở Đông Âu. Năm 1996, Anna Kournikova xuất hiện rồi sau đó trở nên giàu có nhờ tennis thúc giục các bậc cha mẹ ở Đông Âu đầu tư thời gian và tiền bạc nhiều hơn cho con cái với hy vọng đổi đời bằng tennis. Với tennis, nếu không thành ngôi sao thì họ cũng kiếm được khá tiền, được chuyển sang quốc tịch khác như Jarmila Gajdosova (từ Slovakia sang Úc), Anastasia Rodionova (Nga sang Úc), Tatiana Golovin (Nga sang Pháp)... hay lấy được tấm chồng giàu có. Lý do khiến các tay vợt phía Đông tiến nhanh hơn các đồng nghiệp phía Tây? Thứ nhất là thể hình và kéo theo là thể lực. Theo tạp chí Pháp Le Figaro, chiều cao trung bình của các tay vợt nữ Đông Âu là 1m75, trong khi của các tay vợt nữ phương Tây là 1m71. Tennis thời hiện đại cần nhiều thể lực hơn. Thứ hai là động lực thi đấu. “Sự khác biệt dễ nhận thấy là khao khát thành công. Các bậc cha mẹ của chúng tôi không được làm nhiều thứ. Thể thao là cách tốt để chúng tôi giành được sự tự do và thịnh vượng”, tay vợt người Slovakia Dominika Cibulkova nhận xét. Trẻ em ở phương Tây có nhiều sự lựa chọn khác và không chấp nhận hy sinh tuổi thơ để theo đuổi môn thể thao khắc nghiệt như trẻ em ở Đông Âu. Hiện tại, tốp 10 thế giới là 10 tay vợt đến từ 10 quốc gia khác nhau. “Thật tuyệt vời khi chúng tôi có các ngôi sao ở mọi thị trường”, bà Stacey Allaster, giám đốc điều hành WTA nhận xét, “Không thiếu những nhà tổ chức muốn tổ chức giải đấu WTA ở châu Á Thái Bình Dương và Đông Âu”. Nga, Ba Lan, Hungary, Azerbaijan, Kazakhstan, Bulgary, Slovenia, New Zealand, Malaysia, Thái Lan, Brazil, Colombia, Qatar, UAE, Morocco... đều có các giải đấu WTA Tour. Nghĩa là WTA đã “phủ sóng” khắp thế giới. Vấn đề đối với WTA hiện nay là tìm kiếm những nhà tài trợ lớn từ các nước Đông Âu, khu vực này mới sẵn sàng sản sinh ra các tay vợt, chưa sẵn sàng bước vào lĩnh vực thương mại. Các nhà tài trợ chính của WTA đều từ nơi khác: Xerox, Dubai Duty Free, SAP, Oriflame, Usana. Và chính các tay vợt Đông Âu cũng khó kiếm các hợp đồng tài trợ ở quê nhà, ví dụ như Yaroslava Shvedova, sinh ra ở Nga, nhập quốc tịch Kazakhstan, đeo kính của hãng Oakley và dùng trang phục của hãng Lacoste. Ngày trước, khán giả Mỹ và các nước Tây Âu còn khó khăn khi phân biệt các tay vợt Đông Âu. “Họ hỏi xin chữ ký của tôi, rồi họ hỏi tôi tên gì, họ đề nghị tôi ghi tên đầy đủ vào tờ giấy”, Elena Vesnina nhớ lại. Nhưng bây giờ, những cái tên Đông Âu đã trở nên quen thuộc.
Posted on: Thu, 31 Oct 2013 12:54:40 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015