KHÔNG AI CÓ THỂ TRÈO THANG MÀ BƯỚC 1 LẦN 3 NẤC ( - TopicsExpress



          

KHÔNG AI CÓ THỂ TRÈO THANG MÀ BƯỚC 1 LẦN 3 NẤC ( Tôi vẫn nghĩ là bạn sẽ nhận được nhiều điều hơn thay vì đã mất thời gian để đọc, ít nhất là tôi đã thức xuyên đêm để viết. Khi bạn đọc được bài viết này là lúc tôi đã đi ngủ. Tôi luôn cảm ơn những ai thích đọc những gì tôi viết, nhưng luôn trân trọng nhất những ai luôn đọc đến dòng cuối cùng, Khá dài – không dành cho những bạn thiếu kiên nhẫn trước sự chia sẻ kinh nghiệm dẫn đến thành công của tôi, à, với tôi là tạm coi như thành công thôi. ) Tôi viết những dòng này khi đã 3 rưỡi sáng, không phải là do trằn trọc suy nghĩ hay mất ngủ. Chỉ là vì vài hôm nay, thói quen cũ và xấu là ngủ muộn bỗng nhiên trở lại. Đêm hôm nay giống đêm hôm qua, thật khó sửa. Có những thói quen nhất thiết phải cần đến sự dứt khoát từ bỏ mới có thể quên đi được. Nhiều người cứ lầm tưởng, tình yêu là một thói quen, thực ra, tình yêu là cảm xúc, chỉ có nỗi nhớ mới là thói quen thôi. Tôi đã định viết bài này đã vài lần, đầu rất phân vân, nửa muốn chia sẻ, nửa muốn giấu kín, nghĩ đi nghĩ lại, đặt hết chữ này lên đặt từ kia xuống, cuối cùng hôm nay quyết định thành thật. Tôi là kẻ theo chủ nghĩa sống thật, tôi rất thành thật, nhưng không phải thật thà, nghĩa là thành thật có chọn lọc, không phải chuyện gì cũng kể, hoặc kể hết, không phải điều gì cũng sẵn sàng nói ra. Tôi quyết định viết bài này, như một lời khuyên dài dòng, nhân tiện sáng hôm qua có một em gái inbox hỏi tôi: Làm thế nào để có thể tìm một công việc part-time khi đang là sinh viên mà lương từ 8 đến 15 triệu. Em than thở với tôi đang là cộng tác viên viết bài cho một trang tin, nhuận bút không đủ tiêu, muốn tìm việc nhưng ở đâu cũng chỉ tuyển full-time, tôi bật cười trả lời “Chị cũng đang làm việc part-time mà em ơi, làm sao mà dám bỏ học đi làm được”, em bảo rất muốn tìm một công việc lương cao. Thực ra với thời buổi kinh tế khó khăn, sinh viên thì nhiều nhưng công việc khan hiếm, tìm việc đã là một bài toán nhức não, nữa là tìm việc lương cao. Đó là thực tế xã hội, chúng ta có chấp nhận hay không thì thực tế vẫn là thế. Nói chuyện với em vài câu, thực tình tôi thấy rất buồn cười. Tất nhiên là buồn cười theo nghĩa đen, tôi không có tính nết tuỳ tiện coi thường, mỉa mai ai. Nhưng rồi tôi nhớ ra tôi phải buồn cười với chính mình trước, vì tôi cũng đã từng có một thời hồn nhiên như thế, thậm chí mơ mộng hơn thế. Và bây giờ tôi sẽ kể ra quãng thời gian của cái thời đó – cái thời mà tôi đoán, ai cũng phải trải qua, để trưởng thành. 1. Câu chuyện thứ 1. Công việc part-time đầu tiên của tôi là bồi bàn cho một quán ăn nhanh vào mùa hè năm tôi học lớp 10. Công việc này tôi đã chia sẻ vài lần và cũng nhiều người đã nhớ. Nói thực, điều kiện gia đình của tôi không thừa mứa vật chất, nhưng ít nhất không để tôi phải trằn mình lăn lộn nghĩ kế tính cách kiếm ăn mưu sinh vào thời điểm đó, kể cả bây giờ, thậm chí là khi ra trường. Bố mẹ có thể lo cho tôi một cuộc sống đầy đủ những thứ tôi cần, dĩ nhiên những thứ tôi muốn thì cho chẳng bao giờ là hết. Nên hồi đó, đi làm thêm, lý do chính là vì tò mò xem mình có làm được trò gì không, hai là trải nghiệm mới, cho mùa hè đỡ nhạt, bớt chán như những mùa hè khác. Ba là muốn thử kiếm tiền. Bốn cũng là lý do chính, muốn ra oai ta đây tỏ vẻ với bố mẹ. Vì đi làm như đi chơi nên tôi rất vui, mùa hè thú vị hẳn. Kết quả thu về là gần 300 nghìn tiền lương/ 2 tuần sau khi đã trừ đi tiền ăn, tôi bỏ việc với lý do rất chính đáng là đi du lịch. 300 nghìn vào thời điểm đó, đối với tôi tiêu một tý là hết, không tiếc gì cả. 2. Câu chuyện thứ 2. Năm tôi học lớp 11 và lớp 12, tôi vào đội tuyển HSG Quốc Gia môn Văn, hồi đó nghênh ngang hống hách lắm, tưởng thế là phong cách, nghĩ như mình Văn hay viết tốt, mỗi tháng được Sở Giáo Dục Tỉnh phát học bổng khoảng 500 đến hơn 600 nghìn gì đó, (sướng nhất là không phải đi học chính khoá trên lớp, bỏ qua mấy môn khác không cần học ) chưa kể tiền thưởng của cơ quan bố, cơ quan mẹ, của hội phụ huynh lớp, của trường, của Sở, của Tỉnh, của hội khuyến học dòng họ, của tổ dân phố khi đỗ… Nói chung cộng dồn lại thì khá nhiều. Mà nhiều là đúng, vì chỉ một mình tôi tiêu, mà toàn tiêu mấy thứ vớ vẩn, mua quần áo, ăn quà vặt, mua quà cho giai… Đến bây giờ, tôi cũng chưa có thói quen tích luỹ, tiết kiệm hay là mang tiền về nhà. Nói chung khá ích kỉ, chỉ nghĩ cho nhu cầu của bản thân. Chả mua gì được cho bố mẹ với Rạm, à thực ra là có mấy thứ nhỏ nhỏ, không nhớ nữa cho Rạm, một lọ nước hoa từ mùa hè năm ngoái cho mẹ với vài thứ nhỏ nhỏ cũng đã quên, một cái điện thoại mới cho bố hồi Tết ( nài mãi bố mới chịu dùng, nhưng nhận xong vẫn mang đi khoe khắp nơi. Bố tôi là một người rất giản dị, không phải ưa xa xỉ như tôi, hay là người trưởng thành nào cũng như thế nhỉ, khi không còn ở độ tuổi ham nông nổi? ). May mà tôi còn ý thức tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình, tự đóng tiền học phí ( bắt đầu từ học kì thứ 2 của năm thứ 1, thực ra lỡ tiêu vào tiền học phí nên thời điểm đó phải tự nghĩ ra cách mà xoay xở, cụ thể là mang túi xách với mỹ phẩm ra bán lại, haha), tự đóng tiền nhà... Hồi có tiền học bổng, tôi cứ nghĩ kiếm tiền sao mà dễ thế, đi học không phải đóng học phí rồi còn được người ta cho tiền. Sau này, khi thực sự kiếm ra những đồng tiền đầu tiên, tôi mới thấy mình ngộ nhận sai lầm. Càng mơ mộng, ra đời bị quăng quật va đập càng vỡ mộng. Tiền kiếm khó lắm, thực sự khó lắm! 3. Câu chuyện thứ 3. Tôi đã từng đi dạy gia sư. Sau khi thi Đại học, ở nhà rảnh rỗi máu me đi làm thêm lắm, được cô bạn giới thiệu cho một gia đình nọ, có đứa con trai lúc đó học lớp 7 lên lớp 8 ( bằng Rạm bây giờ ). Thế là tôi hăm hở đi làm cô giáo dạy Văn. Cô giáo này bố láo lắm, đi tay không đi dạy, nghĩ kiểu gì chém mà gió chả ra. Thế là đến nhà học sinh mới lôi sách giáo khoa ra đọc lại. Thấy gia đình học sinh cũng có điều kiện, mơ mộng về tiền lương nên dạy xong 5 buổi cứ dạy cố 5 buổi nữa cho lương được nhiều. Trong quá trình dạy, thi thoảng phun vài câu triết lý về cuộc đời tặng cho học sinh, học sinh ngoan, bố mẹ học sinh mừng, suốt ngày cảm ơn, cô giáo càng mừng vì nghĩ rằng quả này trúng đậm, chắc lãi lời đây. Nhà học sinh cách nhà cô giáo khoảng 500m, những chiều nắng, lười đạp xe ( hồi đó bố mẹ chưa dám cho đi xe máy, hè năm 1 Đại Học mới tập rồi thi lấy bằng ) thế là nhờ ô tô bố đi làm rồi chở đi. Vì đường quốc lộ ngược chiều, nên bố phải mất công lái xe thành một vòng tròn, chỉ để chở cô giáo nhỏ đi dạy, chưa kể còn khoe hết làng trên xóm dưới. Ai ngờ đâu cuộc đời, gia đình học sinh vì quá quý mến cô giáo, đã trả lương bằng quà. Cô giáo mếu mặt, còn cả nhà cô giáo thì cứ cười ha ha trêu chọc cô giáo. 4. Câu chuyện thứ 4. Tôi đã suýt gia nhập vào gia đình bán hàng đa cấp. Hồi biết điểm thi Đại học là thời khao khát đi làm nhất, tôi chưa thi đã biết chắc chắn đỗ - được xét tuyển theo hệ HSG Quốc Gia ( đó là lý do mà giờ tôi được quyền ngồi đây, tại khoa cao điểm nhất trường Báo, vì tôi được chọn mà ), chứ không thì học còn lâu mới đậu. Tôi bắt đầu lò dò trên mạng để tìm việc, chẳng hiểu sao mò ra một quảng cáo tuyển dụng nhân viên kinh doanh, bán hàng vô vô cùng hấp dẫn của hãng mỹ phẩm Oriflame. Đến giờ, ngẫm lại, tôi vẫn công nhận Oriflame làm truyền thông thương hiệu tốt, mà PR nội bộ cũng tốt luôn, các nhân viên làm trong hệ thống đa cấp ai cũng thuộc lòng bài ca tung hô ca ngợi doanh nghiệp, sản phẩm, bộ máy… Sinh viên, mấy bạn chưa từng một lần được nghe đến Oriflame? Những bạn sinh viên càng ngơ ngác càng bị nghe nhiều, thậm chí được thuộc luôn từng công dụng của từng dòng mỹ phẩm. Thời đó, tôi liên hệ với một chị, hình như tên Vân, chị chăm sóc và quan tâm tôi kỹ lắm. Chị giới thiệu là trưởng phòng kinh doanh, thẻ vàng thẻ bạc cấp bậc gì đó, lương vài chục triệu, tôi nghe choáng lắm, ham lắm, mê mẩn lắm, ù cả tai, ong cả não. Tôi thề với các bạn, năm chúng ta học xong lớp 12, đó là cái tuổi mà chúng ta mơ mộng nhất cả cuộc đời, khi sắp sửa bước sang một giai đoạn mới, chuyển biến từ học sinh thành sinh viên. Đậu Đại Học dường như là đổi đời, là có cả bầu trời tự do. Nhưng đậu Đại Học mới là đứng trước cửa cuộc đời thôi. Đời không đơn giản như ta tưởng. Thật xin lỗi mấy em vừa thi xong Đại Học, đang lo lắng đợi điểm hay tung tăng nghỉ xả hơi, nhưng cái câu “cuộc sống không phải màu hồng” chị đã nói với 2 lứa em út 93 và 94 rồi, nhưng các em đều không tin, cho đến khi các em là sinh viên thật thì mới vỡ mật thất vọng ra. Tôi còn nhớ chi phí tham gia hệ thống bán hàng là 90 nghìn, tôi thấy quá rẻ nên đã vào ngân hàng chuyển luôn 100 nghìn, vì khác ngân hàng với tỉnh thành nên tổng thiệt hại là gần 130 nghìn. Vài ngày sau tôi nhận được bưu kiện, 1 quyển hoá đơn, vài tờ hướng dẫn sử dụng với catalogue tháng mới nhất. Tôi đem khoe mơ ước làm giàu từ Oriflame với mẹ, thế là bị mẹ mắng cho là tôi bị lừa đảo. Tôi cay cú ấm ức lắm, càng quyết tâm làm giàu cho mẹ ân hận. Tôi sẽ không thể nào quên quyển catalogue đó, thơm nức mùi giấy và mùi nước hoa, người mẫu đẹp, mỹ phẩm nhiều chức năng. Tôi đã tự hứa tặng cho mình một bộ khi kinh doanh đắt khách, may mà sau này không mua. Câu chuyện kết thúc lãng xẹt khi tôt bắt đầu ra Hà Nội nhập học, vì khám phá Hà Nội và những thứ rất mới, môi trường sống mới mà tôi quên xừ Oriflame, làm chị Vân liên tục gọi điện giục. Bây giờ, tôi vẫn không hối hận vì 130 nghìn đã bỏ ra để thử cho mình một cơ hội tìm hiểu một thể loại kinh doanh đó. Đa cấp vốn không xấu, chẳng qua bị biến tướng nên méo mó thôi. 5. Câu chuyện thứ 5. Tôi đã từng đi nài nỉ thiên hạ lắp modem với chả kết nối internet. Chả là hồi đầu năm 1, tôi nhiều cũng lục nát các diễn đàn từ rao vặt, tìm việc đến website các doanh nghiệp lớn… với từ khoá như “làm việc online”, “part-time lương cao”, “sinh viên làm thêm lương cao”, “việc đơn giản nhưng nhiều tiền”… Ở các mục tuyển nhân sự, tôi chỉ liếc mắt đến cái ô lương mà từ 5 triệu đến 15 triệu thôi, 20 triệu thì càng sáng mắt. Cuối cùng tôi cũng tìm được một công việc mà nghe quảng cáo rất hoành tráng, lương cao, có nhiều kỹ năng giá trị. Đó là làm sale cho FPT Telecom chi nhánh, nói thẳng luôn là ở Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Ban đầu cũng phỏng vấn trực tiếp mới được tuyển dụng, cũng làm việc theo team, chạy đua doanh số, đấu đá chỉ tiêu. Cứ mỗi cái hợp đồng lắp mạng lại được bao nhiêu % đó, đội trưởng càng nhiều % cộng dồn từ tay chân chạy vặt phía dưới thì thưởng càng cao ( cái này giống mô hình đa cấp nhá ). Đối với tôi, thời đó tìm được nhà ai chưa lắp mạng để cò mồi dụ dỗ là sướng lắm. Sale là chèo kéo có nghệ thuật, tung đòn tâm lý trúng chỗ hiểm của khách hàng mục tiêu và xoa bóp chăm sóc khách hàng tiềm năng. Tôi đã từng ôm cả xập bảng hỏi, phiếu điều tra giữa trưa nắng, đứng trước cổng trường đại học Tài Chính, cứ thấy ai đi qua là kéo lại nhờ điền hộ cái phiếu khảo sát, sau phát tặng cho người ta một cái phiếu giảm giá của hãng thời trang Chic-land mặt phải ( thời trang công sở, cũng đắt đỏ bỏ cha, phát cho sinh viên, đúng là đểu, à tôi chỉ phát theo chỉ đạo cấp trên, nên tôi không có đểu ), mặt trái là phiếu miễn phí cắt tóc, gội đầu của một cửa hàng mà cách cái trường đại học Tài Chính như kiểu 30 km í ( nói chung phiếu giảm giá vô giá trị ). Thế mà nhiều bạn sinh viên hồ hởi nhiệt tình xin thêm vài phiếu, tôi cũng hào phóng rút ngay. Sau đó tôi còn đến mấy lớp đại học trong trường Báo, nhờ các bạn điền cho, sau vẫn chiêu trò tặng phiếu giảm giá. Điền mệt quá mà chả được nghìn phiếu thế là tôi mở danh bạ ra tra và tự điền khai khống. Tuy nhiên, vì không biết nhập dữ liệu vào bảng thống kê ( giờ vẫn đếch biết ) nên công sức mấy ngày bỏ ra không được tính xu nào cả. Lương từ mấy cái hợp đồng được 1 triệu 2 thì phải/2 tuần ( vẫn làm được có 2 tuần rồi chán và nghỉ ) 6. Câu chuyện thứ 6. Tôi đã suýt đi phát tờ rơi. Nhiều bạn sinh viên chắc biết cái trò, thi thoảng thấy cảnh tờ rơi bay tá lả như lá rụng mùa thu, dưới chân bạn, hoặc thậm chí có người dúi vào tận tay bạn một mẩu tờ rơi bé xíu với nội dung đại loại nhãn hàng Omo hay Comfort hay là dầu gội sữa tắm gì đó nữa ( đa dạng lắm ) đang cần tuyển một số bạn nam thanh nữ tú đứng phát sản phẩm quà tặng cho khách hàng trước cổng siêu thị hoặc các nơi công cộng… Tiền công thì mẹ của nhiều, hình như 1 tiếng 280 nghìn, mỗi ca 4 tiếng, được làm 2 ca 1 ngày, nhân lên thì một tháng cha mẹ ơi là tiền. Tôi nhận được mẩu tờ rơi như thế, yêu cầu phải mang chứng minh nhân dân đến một nơi ghi rõ trong tờ rơi đó. Tôi nói thật khi đó nhẩm ra tiền công một tháng cũng hoa mắt, nhờ một cậu bạn chở đến văn phòng tuyển dụng. Hai đứa è cổ cong mông đạp trên một cái xe đạp ọc ạch, đi từ Cầu Giấy đến Kim Ngưu, mà còn không biết đường, vừa đi vừa hỏi nên chắc cả đi cả về 50km mất. Tôi sẽ phân tích mô hình lừa đảo nhưng lừa đảo có tính toán này với tư cách của một người đã tìm hiểu và trải qua. Khi bạn đến văn phòng bạn sẽ được hỏi han những câu như thể bạn đi xin việc trong một công ty lớn vậy, ví dụ như nếu chúng tôi từ chối bạn, bạn có vui vẻ chấp nhận và quay lại lần sau không. Sau khi moi hết thông tin và lòng tin của bạn, người ta sẽ yêu cầu bạn nộp một đống phí, ví dụ như phí thành viên, phí gia nhập của nợ chết dẫm gì đó, phí vệ sinh, phí in áo đồng phục, phí làm hồ sơ… Tổng tổn thất khoảng gần 300 nghìn, có quyền nộp trước 2/3 vì nhiều đăng ký lắm nếu không sẽ mất lượt ( lúc tôi đến cũng phải chờ vì cũng có những bạn ngây thơ như tôi ). Công việc thử thách ban đầu vô cùng đơn giản, bạn phát tờ rơi y hệt nội dung như tờ bạn được nhận, mỗi tờ rơi bạn sẽ ký tên hoặc ghi kí hiệu vào phía sau, chỉ cần có 5 phiếu có chữ ký, đánh dấu của bạn quay lại văn phòng thì bạn được nhận. Đòn này tâm lý hơi thâm, bạn sẽ có tâm lý tự photo cái đống tờ rơi kia ra càng nhiều càng tốt, vì xác suất quay lại của 5 phiếu có chữ ký của bạn kia càng cao. Thế là bạn tham lam như tôi đã từng nên in ra một đống rồi đến khi chuẩn bị phát hoặc bắt đầu phát thì nản. Vì bạn nản nên bạn bỏ cuộc, người ta đâu có mang tiếng lừa tiền. Trong trường hợp bạn phát hết, ai đảm bảo và làm chứng có bạn có đứa ngu ngơ khác cầm tờ rơi có chữ ký của bạn và quay lại. Mà kể cả có người quay lại thật thì cũng do bạn gián tiếp bẫy họ vào một vòng luẩn quẩn thôi. Giờ tôi không tiếc hơn 200 nghìn đã mất, vì nếu không làm gì còn chuyện hay ho nhớ đời mà kể thế này. Thời đó tôi gặp một chị cùng đi xin phát tờ rơi, hai chị em đồng cảnh làm quen rồi thân nhau. Đôi khi có những cuộc gặp gỡ cơ duyên hoàn cảnh vậy đấy. Bạn có thể trầm trồ về tôi, có thể bạn từng, đang, sẽ ca ngợi tôi, hoặc không. Dù cho có ít nhất 10 em học sinh đã thừa nhận là nhắc đến tên tôi trong bài văn tuyển sinh Đại Học của các em ấy như dẫn chứng tích cực cho sự tiên phong dẫn đường của một thế hệ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và muốn khẳng định năng lực bản thân. Có thể tôi tạm thành công, cũng có chút thành tích, được nhiều người yêu quý và cổ vũ. Nhưng tôi đâu phải một tượng đài, tôi cũng chỉ là một con người có sai đúng, dại, khôn. Bạn nghĩ chúng ta khác biệt? Tôi chỉ xuất phát trước bạn một quãng mà thôi, tại sao lại phải mất công ghen tỵ đố kị với tôi trong khi bạn rất có thể làm được nhiều việc hiệu quả, xuất sắc hơn? Nếu bạn chỉ mới bắt đầu con đường riêng, hành trình riêng của mình, xin đừng vội chán nản hay dễ dàng bỏ cuộc. Bởi không qua thất bại, thành công của bạn nếu có cũng chỉ là nhỏ mà thôi. Ai mà ăn may mãi được? Nếu không có khó khăn, cuộc sống đã không còn là cuộc sống nữa rồi. Quay lại câu hỏi của em gái trên cùng, muốn tìm kiếm một công việc lương từ 8 đến 15 triệu, hãy bắt đầu với những công việc lương là 800 nghìn, rồi đến 1 triệu rưỡi. Đốt cháy giai đoạn, quả chín ép thì ăn cũng sống sượng thôi. Không ai có thể trèo thang mà bước một lần 3 nấc, sẽ ngã đau đấy. Như tôi, tháng 6 vừa qua tự hào lần đầu tiên tổng thu nhập từ ký hợp đồng của các dự án truyền thông, marketing chạm mốc 68 triệu, tất nhiên là tái đầu tư xoay vòng chứ chẳng kịp giữ lại mấy. Tôi tự hào vì đã thấm thía và thấu hiểu giá trị của những trăm nghìn kiếm được đầu tiên. Đây là những điều mà với một kẻ sỹ diện như tôi, rất ngại chia sẻ, tôi đã từng kể những kỉ niệm công việc trên cho một cậu bạn đến Holiday Coffee xin làm bồi bàn nhưng khi đó tôi đã tuyển xong nhân viên, vì ngại cậu bạn đi xe bus đường xa nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại nên tôi lịch sự tiếp chuyện cậu bạn một lúc khá lâu. Hôm nay, cuối cùng sau những trăn trở tôi đã viết ra cho nhiều người đọc được, hy vọng có người thấm được chân thành mà tôi muốn gửi. Đó là tôi mong các bạn có thể tiết kiệm được 6 năm cuộc đời, từ 6 năm tuổi trẻ này của tôi. Còn nếu không thì cứ trải qua 6 năm đáng quý, có ý nghĩa riêng và không hề thừa thãi như tôi đã từng đi qua, nhé♥ Ngoài 6 câu chuyện trên, thì còn nhiều câu chuyện, bài học kinh nghiệm thất bại nữa cơ. Nhưng để dành kể sau, nếu bạn còn muốn nghe. Nhật Linh, 12/7/13. Tranh thủ chợp mắt một chút để hơn 10h đi gặp trưởng ban nội dung thuộc một bộ phận trong một tập đoàn tầm cỡ, vừa có lời đặt hàng tôi viết chuỗi bài phân tích, bình luận trong thời gian tới.
Posted on: Thu, 11 Jul 2013 23:52:38 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015