Khoảng trời cho em - Chập tối trời chợt đổ mưa - TopicsExpress



          

Khoảng trời cho em - Chập tối trời chợt đổ mưa tầm tã, dòng nước ứ không chảy kịp ra cống cùng với đống rác mùn tung bành hòa làm một cuồn cuộn xoáy trên khúc đường rồi nằm gọn trong ổ gà. Dòng xe hối hả lướt qua nhanh trong màn mưa, chợt chiếc Honda của một thanh niên vút qua, nhấn còi inh ỏi rồi đánh võng lên trước vượt chiếc xe tải đang chạy ngược chiều, rẽ dòng nước tung tóe khắp hai bên đường, tạt lên mấy người đi bộ trên hè, đoạn ngoái đầu lại cười hả hê rồi phóng xe đi thẳng mặc mấy bà cô đang loay hoay vuốt lại tóc tai, áo quần tiện thể ném cho tên vô hậu kia một cái nhìn không mấy thiện cảm. Thanh niên thời nay thật không thể hiểu nổi họ nghĩ gì và làm gì, có cái đáng khen nhưng cũng có nhiều cái đáng lên án, như hành xử của cậu con trai kia chẳng hạn. Bóng mấy người đi bộ đã khuất dần cùng một vài lời than phiền cũng đã chìm vào màn đêm chạng vạng. Đường phố giờ này đã thưa dần bóng người và xe cộ, hãy còn sớm nhưng thường những đêm mưa giông thế này người ta ít khi lặn lội ra khỏi nhà trừ phi bất đắc dĩ có công việc gì cần thiết. Có tiếng rao đêm, lúc đầu nho nhỏ, thưa, đứt quãng, rồi rõ dần: - Bao nóng… bánh bao đây!... Bao nóng… bánh bao đây! Ông bán bánh bao chạy chiếc xe cũ rích, tiếng ống bô ịch ịch, khó chịu xả vào đêm vắng những thanh âm khô khốc, tẻ nhạt. Hoàng đưa tay lên vuốt vội khuôn mặt ướt đẫm nước mưa, đi mãi từ chiều tới giờ mà chỉ cập nhật được vài tin tức lèo tèo, vài mẩu chuyện chẳng đâu vào đâu, anh vịn tay vào thành ghế trạm đợi xe bus, ngả đầu ra sau thở dài. Dường như áp lực công việc quá nặng nề khiến anh ngộp thở, chạy “sô” suốt ngày đôi khi anh phân vân tự hỏi liệu anh đang tìm kiếm thứ gì mà sao mãi vẫn thấy mịt mờ. Là một phóng viên tài năng của tập san Tuổi Trẻ chuyên viết về mục “Cuộc sống bên lề”, gia đình khá giả nhưng chẳng mấy hạnh phúc, tuổi thơ anh sống trong nhung gấm lụa là biết bao đứa trẻ thèm khát nhưng đổi lại anh luôn khao khát một mái ấm tình thương từ cha mẹ, những con người hối hả cuốn theo vòng xoáy đồng tiền mà bỏ mặc sau lưng những hạnh phúc giản đơn và những điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống. Chính những mất mát, thiệt thòi ấy đã thôi thúc anh theo nghiệp báo chí, anh muốn thông qua từng trang viết của mình, từng tác phẩm của mình nói lên nhưng suy tư, trăn trở về cuộc đời, về tình người và giá trị đích thực của những hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống xô bồ này. Ánh đèn đường hiu hắt, dưới màn mưa bụi lại càng nhạt nhòa, một cơn gió lạnh chợt thoảng qua, thốc ngược vào khuôn mặt gầy của Hoàng, tự nhiên sống mắt cay xè, anh đứa tay lên dụi mắt. Sức nặng của chiếc ba lô cùng cái máy ảnh vác trên vai nãy giờ khiến anh mỏi tê dại, anh cúi xuống nhẹ nhàng đặt chúng lên băng ghế thở phào nhẹ nhõm rồi tự dưng thiếp đi. - Ê mày, tạt vô đây trú mưa tí đã, ướt nhẹp cả mớ lạc của tao rồi! Giọng nói lanh lảnh, ấm ấm kia làm Hoàng bừng tỉnh. Hai chú bé con con mặt lấm lem, quần áo ướt sũng nước như chuột lột, mái tóc xù lên không mũ nón gì cả, tay cắp rổ lạc rang vẻ khó nhọc, một cậu bé trạc 9, 10 tuổi chạy ù vào ngồi thở hổn hền, theo sau là một cậu nhỏ khác với đôi chân khập khiễng bước những bước khó nhọc. Chúng ngồi lên băng ghế, sát lại với nhau-một bên-và-Hoàng-một bên-ở giữa là chiếc ba lô của Hoàng và rổ lạc của chúng nằm thản nhiên không đụng chạm gì nhau, cũng chẳng có sự liên hệ nào với nhau, cứ như chúng và Hoàng ở hai thế giới hoàn toàn tách biệt. Hoàng nhìn đăm đăm vào bọn trẻ, thằng bé lớn hơn có cái mặt lầm lì, nước da ngăm đen, nhưng đôi mắt nó rất trong, sâu thẳm, nó ngồi gần Hoàng, đôi chân trần ngọ nguậy, bàn tay gầy gầy và dài loằng ngoằng, những ngón tay xương xẩu đan chặt vào nhau như để kháng cự lại cái lạnh vô cớ của đêm mưa. Thằng nhỏ ngồi bên cạnh có vẻ nhanh nhẹn hơn, bộ dạng chúng chẳng khác gì nhau, nó huơ huơ cái tay lên không trung đoạn vẽ vời cái gì đó vô định mà Hoàng không nhận ra được, có thể là hình bong bóng hay đại để là củ lạc rang chẳng hạn… Trong lúc Hoàng nhìn chúng, thằng nhỏ kéo nhẹ áo thằng lớn thì thầm, mặt vẫn ngước lên giả bộ như chúng đang nói chuyện mà người khách lạ kia không hay biết gì: - Mày ạ! Khách “ộp” đấy! Tao mời nhé! Thằng lớn kéo thằng nhỏ xuống cốc một phát lên đầu: - Dốt! ai bảo mày kêu “ộp”, những người ăn mặc lịch sự như thế này ta gọi là khách “sộp”, hiểu chưa? Thằng lớn vênh cái mặt lên tự đắc như thể nó vừa giải thích cho thằng nhỏ một cái gì đó rất ư là quan trọng và thiết thực. Thằng nhỏ mặt xị xuống, miệng làu bàu: - Ai biết đâu, ngày nào thằng Tồ chả nói thế, tao nghe ra thế nên tao mới nói thế chứ tao nào có biết đâu… - Mày nói nhiều quá đấy, giờ mày nghe tao hay là nghe thằng Tồ. Thằng lớn cao giọng. - Dĩ nhiên là tao nghe mày rồi. Thằng lớn cười ha hả: - Giỏi! Cuộc trò chuyện của chúng dường như sắp chệch ra khỏi mục đích mời Hoàng mua lạc làm Hoàng phì cười. Nụ cười mệt mỏi, thằng lớn khẽ liếc nhìn trộm Hoàng một cái như để xác minh xem cái mác “khách sộp” có đúng hay không, nó thì thầm với thằng nhỏ: - Mày nghĩ sao? Nói đại ý tao nghe. Bởi nói cho cùng tao với mày đi miết từ hồi chiều tới giờ mà có ai thèm đếm xỉa đâu. Thằng nhỏ rướn người lên ngó con mắt nhìn Hoàng rồi cụp xuống: - Mày nói phải, người này chắc chả thích ăn lạc đâu, mời như không. Thôi mày canh để tao chợp mắt tí nhé, mệt lử rồi mày. - Thiên mộng nhé! Thằng lớn tinh tướng. - Gì mày? - Thiên mộng thấy tao với mày bán hết rổ lạc này. Thằng lớn chép miệng. - Ừ! Mày nói phải! Thằng nhỏ lầm bẩm rồi chớp con mắt, nằm phịch xuống băng ghế lạnh ngủ thản nhiên. Hoàng cũng gà gật, đã muộn rồi nhưng anh chưa muốn về nhà, về giờ này nhà cửa lạnh tanh chả có ai ngoài cô giúp việc, về rồi lại đóng phòng dán mắt vào laptop biên cái này soạn cái kia hết cả buổi tối. Vả lại về giờ này trời hãy còn mưa, gió cứ rít lên từng hồi buốt lạnh, dẫu vậy anh vẫn muốn nán lại thêm chút nữa, chả có lý do gì, đôi khi chỉ là anh muốn đợi hai thằng nhóc kia đi về rồi lúc đó anh cũng xách ba lô về luôn. - Tao đói quá mày ạ, ngủ không được, cả ngày hôm nay tao chưa có miếng gì vào bụng sất. Thằng nhỏ choàng tỉnh dậy thì thào. Thằng lớn cúi nhìn thằng nhỏ vẻ cảm thông. - Ừ! Tao cũng thế huống gì mày. Giá có miếng bánh bao nóng mà ăn nhỉ. Điều ước thằng lớn vừa thốt ra làm Hoàng chạnh lòng, Hoàng nghĩ đến mâm cơm đang bày biện ở nhà và bóng dáng cô giúp việc lầm lũi đi vào đi ra đợi cậu chủ về. Hoàng cũng đang đói, nhưng không có cảm giác muốn ăn gì cả, cái mệt mỏi xen lẫn với cái bức bối vì chưa hoàn thành nhiệm vụ sếp giao cứ làm Hoàng muốn trầm mình trong mưa và hét thật to cho cái ngột ngạt khó thở ấy tan biến, nhạt nhòa theo dòng nước mưa lạnh lẽo.Cuộc đời Hoàng chưa bao giờ phải ước một điều gì đó cả chứ đừng nói đến miếng bánh bao mà hai đứa nhỏ kia đang thèm thuồng, anh không thiếu thốn thứ gì cho nên lúc nghe thằng lớn buột miệng nói vậy anh buông một câu tỉnh khô: - Hai đứa mua mà ăn đi chứ, nhịn đói không tốt đâu. Hai thằng bé quay ngoắt lại nhìn Hoàng ngạc nhiên, chúng nhìn rổ lạc còn ăm ắp, rồi chả ai bảo ai chúng cúi mặt xuống không nói gì. Hoàng ái ngại, anh chợt nhận ra mình đã nói sai điều gì đó, hai thằng bé khốn khổ kia không có một đồng xu dính túi, một cái bánh bao dường như thật quá xa xỉ với chúng ngay lúc này. Chúng đâu phải như anh hay như ai kia tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh trong bọc, thích thì lôi ra không thích thì nhét vô lại. Thằng nhỏ chợt nảy ra ý tưởng, nó quay sang nói với thằng lớn: - Tũn! (tên thằng lớn), hay ta đổi lạc lấy bánh bao nhỉ, được không mày? Ý tưởng của tao hay chứ? Tũn nhìn thằng nhỏ vẻ thương hại: - Mày nghĩ ông bán bánh bao sẽ thích lạc rang chắc, ví thử ông có đổi nhé, thì mày nghĩ hết bao nhiêu lạc rang cho một cái bánh bao? Thằng Tũn nói đúng, ông bán bánh bao chẳng bao giờ chịu đổi bánh bao lấy lạc rang cho chúng. Không phải ông không thích ăn lạc rang mà vì nếu đổi lấy lạc rang thì đàn con nheo nhóc ở nhà đợi ông có lẽ nào lại ăn lạc rang thay cơm đêm nay? Cuộc sống là vậy, đâu phải ta nghèo khổ là có người sung sướng hơn ta, đâu đó trong một góc xóm nghèo cuối phố, nơi người ta vẫn thấy lúp xúp mấy mái nhà liêu xiêu, đèn điện hiu hắt, những con người lao động đói khổ vẫn từng ngày mưu sinh, bươn chải lo từng miếng cơm manh áo giữa chốn phố thị tấp nập. Chưa ai biết tương lai thế nào nhưng họ vẫn nhen nhóm hi vọng đổi đời từng ngày, từng giờ vì đơn giản họ cũng là những con người làm ăn lao động chân chính. Tũn ngước đôi mắt tròn xoe nhìn xa xăm, thằng nhỏ ghé đầu vào vai Tũn ngủ tiếp, chẳng có ý tưởng mới hay ho nào được đưa ra nữa. Vài con muỗi vo ve cạnh tai rồi lượn lờ chích vào chân Hoàng, thằng Tũn cũng bị muỗi chích nhưng nó không cúi xuống xoa xoa vết cắn như Hoàng, nó cứ ngồi yên như thể không có chuyện gì cả, lâu lâu đưa tay xua đuổi lũ muỗi vây quanh thằng nhỏ chực ăn tươi nuốt sống thằng bé tội nghiệp. - “Hình như bóng tối nhiều khi giăng lối đời ta, để trong sâu thẳm lòng thấy cay đắng phũ phàng.” Tũn bỗng xé tan sự tĩnh mịch đến đáng sợ của đêm vắng bằng một câu hát vu vơ. Chất giọng trầm trầm, khàn khàn, nhưng có vẻ gì đó rất ấm áp của một cậu bé đường phố khiến Hoàng khựng lại, anh đang cầm điện thoại trên tay, mở nhạc nghe nhưng có cái gì đó thôi thúc, anh tắt media và ngồi im lặng dõi theo từng động thái của Tũn. Thằng bé hình như không để ý đến vị khách lạ đang ngồi kế bên săm soi nó thế nào, nó điềm nhiên hát tiếp: - “Chạy vào màn đêm ở nơi cơn mưa vừa rơi…” đoạn thằng bé nhấn giọng, luyến láy y hệt như ca sỹ, khuôn mặt nó cũng giả bộ nhăn lại đến đoạn lời bài hát hơi cao, nhìn nó lúc đó rất biểu cảm, rất có hồn, một thằng nhóc con con hát một bài hát đậm chất người lớn với một phong thái rất “trải đời” làm Hoàng không khỏi sửng sốt. Thằng nhỏ tỉnh từ lúc nào không biết, có lẽ từ lúc thằng Tũn cất giọng hát làm nó giật mình tỉnh giấc, nó nhìn Tũn hào hứng vỗ tay rồi nhịp nhịp bè theo: - “Khóc trong mưa chứ không ai hay ta đang mắt ướt lệ, lúc cơn mưa rơi trên đôi mi đã xóa nhòa. Khóc trong mưa chứ không ai hay thật ra ta yếu đuối sau nụ cười, tiếng mưa nhắc lại những nỗi nhớ ngỡ quên...”. Tiếng hát đã ngừng nhưng Hoàng vẫn còn say sưa mường tượng, cảnh tượng anh đứng khóc trong mưa như thế nào, anh xích lại gần hai đứa nhỏ: - Gói cho chú một ít lạc, đứa nào bán cho chú đây? Hai thằng bé quay lại nhìn Hoàng nghi ngại. - Chú ấy bảo mua lạc đấy Tũn, gói nhanh cho chú kìa. Thằng nhỏ nhanh nhảu lay lay người Tũn. Thằng bé nhìn Hoàng nhoẻn miệng cười, nụ cười rạng rỡ ánh lên trên khuôn mặt bé nhỏ với hai gò má cao hóp lại. Tũn nhanh tay gói lạc tiện thể thì thầm vào tai thằng nhỏ: “ Tít (tên thằng nhỏ). Sắp có bánh bao ăn rồi” rồi hai đứa tủm tỉm cười. Hoàng đứa tiền cho Tũn, nó đưa tay ra cầm rồi đột nhiên rụt lại, nó bối rối: - Cháu không có tiền thối đâu ạ! Hoàng mỉm cười: - Cháu không phải thối đâu. Tiền thừa chẳng bao nhiêu, mấy đồng bạc lẻ… Tũn run run cứ thò tay ra chực cầm rồi lại nghĩ gì lại rụt tay vào. Thằng Tít ngồi bên hớn hở giục: “Cầm đi mày, cầm đi kìa!”.Tũn quay sang Tít mặt nghiêm nghị, ánh mắt dè chừng khiến Tít ngồi im re không ngọ nguậy nữa. Nó nhìn Hoàng ái ngại. Biết ý thằng nhỏ Hoàng dúi vào tay nó tờ bạc 50 nghìn: - Chú cho hai anh em cháu, cứ cầm lấy đi. Hai anh em mua chút gì đó ăn tạm, trời lạnh thế này không ăn gì sẽ đổ bệnh đó. Hoàng đứng dậy cầm túi lạc trên tay, xốc ba lô lên vai, nhìn hai đứa nhỏ trìu mến rồi bước ra khỏi trạm xe bus, đi một đoạn anh ngoái đầu lại vẫy tay chào tạm biệt bọn trẻ, hai đứa nó ngồi vân tê tờ bạc vẫn chưa hết mừng rỡ. Hoàng khẽ mỉm cười lắc nhẹ đầu vẻ thương cảm. Anh lang thang trên đường phố khuya thấy lòng nhẹ nhõm, thư thái. Mọi lần anh ngồi quán uống cà phê hay ăn uống gì đó có mấy đứa nhỏ hay lui tới ngả mũ xin tiền anh đều tỏ thái độ hằn học, khó chịu thế mà hôm nay anh đã cho chúng tiền, anh tặc lưỡi tự thấy mình hào phóng biết mấy. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng, Hoàng xoay nhẹ chiếc ghế để nó xoay một vòng, anh tăng độ điều hòa căn phòng ấm hẳn lên, vòng quay chiếc ghế chạm đến bàn, tập nhật ký đầy ắp những công việc cần phải làm đập vào mắt anh, anh thở dài chống chân vào bàn đẩy cho chiếc ghế xoay tít. Bỗng anh khựng lại, nhớ đến chuyện hồi tối, anh vùng dậy khỏi ghế mở máy tính ra nghe bài hát lúc nãy thằng bé kia đã hát. Giai điệu bài hát khiến anh lâng lâng, nó không vui không buồn, không chậm rãi cũng không mấy dồn dập, nó có cái gì đó khó tả, cảm xúc rất đồng điệu với tâm trạng của anh, mọi bức bối dường như gác sang một bên, có thể anh trả tiền cho bọn trẻ không phải vì túi lạc rang anh không mấy thích thú kia mà vì bài hát. Đúng rồi! Rất có thể là vì bài hát đó. “Cuốn trôi đi xin mưa đi xa ta những thất vọng và khi dứt cơn mưa xin chỉ còn đây chút lắng đọng, để nước mắt thôi rơi ta trở lại ta như vẫn thế chút ngông cuồng, ngẩng đầu nhìn lên trời sáng”. Một buổi sáng trên đường tới cơ quan Hoàng ghé qua hiệu sách mua vài cây viết, tình cờ anh bắt gặp cậu bé hôm đó. Tuy khuôn mặt có thể anh không nhớ nhưng anh nhanh chóng nhận ra nó vì đôi mắt, nó ngồi thu lu trong một con hẻm nhỏ, tay vẫn cắp rổ lạc, mặt mũi tèm lem đất bụi, áo quần bẩn thỉu, bộ dạng nhếch nhác, nhưng đôi mắt vẫn sáng, long lanh nước mắt chực trào. Hoàng gọi thằng bé như thể hai người thân thiết nhau lắm: - Tũn sao cháu ngồi đây? Mặt mũi cháu sao thế này? Đánh nhau à? Tũn ngước mắt nhìn Hoàng Ngơ ngác: - Chú biết tên cháu ạ? - Không nhớ chú sao? Hoàng xoa đầu Tũn rồi dắt nó đứng dậy, rút khăn mùi soa lau mặt mũi cho nó, cúi xuống nhìn nó cảm thương. Không biết trong trí nhớ của Tũn còn lưu giữ hình ảnh chú thanh niên vai mang ba lô ngồi thẫn thờ nghe nó hát tại trạm xe bus đêm hôm đó không, nhưng khi bàn tay Hoàng nắm lấy đôi bàn tay gầy gầy xương xương của Tũn, nó cảm nhận được một làn hơi ấm tỏa sang rất gần gũi, rất quen thân. Hoàng dõi theo ánh mắt Tũn trừng trừng nhìn một đám con nít có đứa lớn đứa nhỏ đằng xa xa đang rối rít bám vào mấy ông khách “sộp” mời mọc, chợt anh hiểu chuyện gì đã xảy ra với cậu bé. Hôm đó Hoàng mua hết rổ lạc của Tũn, thằng bé mừng ra mặt cảm ơn Hoàng, anh muốn về thăm nhà Tũn, nó lắc đầu quầy quậy rồi vùng chạy đi nhanh như một con sóc. Hoàng đứng đó nhìn theo bóng nó nhỏ dần rồi lẫn vào đám đông người và xe cộ. Anh ngước nhìn đồng hồ hốt hoảng, đã muộn giờ làm chừng mười lăm phút, anh ngồi lên xe nhấn ga và hòa mình vào dòng người tấp nập, nhịp sống vẫn hối hả trôi từng giây từng phút và con người vẫn cứ mãi bị cuốn vào dòng chảy vô định đó. Có những phút giây muốn dứt ra khỏi vòng xoáy vô hình ấy, muốn thử làm điều gì đó mới mẻ cho cuộc sống bớt đơn điệu, nhưng rồi bỗng chững lại, vì một lý do nào đó ta lại tặc lưỡi bỏ qua, và lâu dần ta cũng quên bẵng nó đi. Đôi khi ngoái đầu nhìn lại những tháng ngày đã qua lòng vẫn thấy âm thầm tiếc nuối, nhưng thôi kệ-cuộc sống-bon chen-con người-nhiều khi-thật ích kỉ-chỉ biết sống cho riêng mình. Trời sáng nay chợt đổ cơn mưa, Hoàng xách vội ba lô ngồi lên xe chạy thẳng tới cơ quan mà không kịp ăn sáng, tối qua anh thức trắng đêm để biên tập lại nội dung cho tập san sẽ ra mắt bạn đọc ngày tới. Nhiều lúc anh muốn buông xuôi tất cả, muốn đi dạo một mình trong công viên hay một chỗ tĩnh lặng nào đó để hưởng chút khí trong lành của trời đất, nhưng công việc lu bu cùng với lịch làm việc kín mít đã choán hết phần lớn khoảng thời gian riêng tư của anh. Ước muốn nhỏ nhoi ấy chưa lần nào anh thực hiện được, có đôi khi anh muốn dừng lại chút thôi đủ để có thời gian làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống của mình nhưng rồi trách nhiệm với công việc buộc anh phải gác sang một bên mọi dự định và lao vào vòng xoáy mưu sinh. Đang chạy xe trên đường đoạn qua ngã tư chợt thấy đám người đông tụ tập, có vài tiếng ồn ào la lối gọi xe cấp cứu, Hoàng tự nhủ “chắc lại có vụ tai nạn gì đó” chuyện này như cơm bữa, mấy khi anh quan tâm dừng lại xem thế nào, định nhấn ga đi tiếp thì anh bỗng thấy bóng thằng Tũn lao nhanh như mũi tên xé đám đông chui vào trong, nó quẳng cả rổ lạc xuống đường, mớ lạc rang văng tung tóe. Hoàng vội vàng dựng xe bên lề đường rồi cũng chen vào giữa đám đông đang huyên náo ấy. Là thằng Tít, nó bị tai nạn, máu rỉ ra thấm ướt hết một khoảng áo, nó nằm sóng soài trên đất, thở hổn hển, những củ lạc văng đầy đường, có củ dính máu của nó: - Tít! Mày tỉnh lại đi! Mày đừng làm tao sợ! Mày sao thế này Tít ơi? Tũn quờ quạng tay khắp người Tít, nó ôm Tít vào lòng rồi khóc, nó sợ, phải rồi nó sợ điều gì đó rất ghê gớm. Mắt nó đảo quanh mọi người. - Có ai… có ai… có ai… cứu thằng Tít với… nó… nó… bị làm sao thế này… hư hư… hư! Thì ra thằng Tít vì cứu con bé bán vé số dạo suýt nữa bị xe tải tông, lúc nó quay lại thì xe tới sát nó choáng quá không kịp né sang bên… và hậu quả thương tâm thế này đây. Mọi người lắc đầu thương cảm, có người bảo kêu xe ôm chở tới bệnh viện, nhưng xem chừng ai cũng dè dặt. Hoàng lao tới nhận ra Tít, anh bế thốc thằng bé trên tay chạy như bay gọi taxi tới bệnh viện. Đau lòng thay, do chấn thương quá nặng nên Tít đã tắt thở ngay khi đến cổng bệnh viện thành phố. Tội nghiệp thằng bé, ngay cả lúc không còn trên cõi đời này nữa nhưng người ta vẫn thấy khuôn mặt em ửng hồng, đôi môi nhợt nhạt, và đôi mắt đen lay láy không còn mở to rạng rỡ như trước, nó đã ra đi như thế. Thằng Tũn ngồi chết lặng trên băng ghế bệnh viện, hai tay nó siết chặt vào nhau, nó im lặng. Hoàng ngồi kế bên liếc qua thấy giọt nước mắt Tũn lăn dài trên khuôn mặt gầy nhom, nó khóc nức lên, anh không biết làm gì cả đành quay người qua ôm nó vào lòng, xoa xoa nhè nhẹ sống lưng thằng bé, thì thầm vào tai Tũn: “Tít là một em bé ngoan, đừng khóc nữa Tít sẽ buồn lắm đó. Hãy để cho em ấy ra đi thanh thản”. Tũn ngước mắt lên nhìn Hoàng: “Chú nói thật chứ!”. Hoàng mỉm cười ôm nó vào lòng, tự dưng anh thấy mình thật lớn lao, vòng tay anh lúc này rộng biết bao nên có thể ôm trọn người thằng bé, ôm trọn những mất mát, đau thương của nó. Chiều hôm đó người ta thấy lác đác vài người từ nghĩa địa lầm lũi trở về, xóm nhỏ đìu hiu nằm núp dưới bóng cây si già, cuộc sống ở đây khác xa với khung cảnh phố phường tấp nập ngoài kia, ở đây người ta sống với nhau bằng tình người, dù ai cũng nghèo khổ nhưng vẫn ấm áp chứ không lạnh lẽo như nếp sống của những con người vô cảm, ở đây người ta cũng không hề biết đến “cái lạnh đô thị” là như thế nào. Tũn cứ ngồi mãi bên nấm mộ mới đắp của Tít, nó thì thầm gì đó, chắc nó nói chuyện với Tít, rồi nó cất tiếng hát: “Khóc trong mưa chứ không ai hay thật ra ta yếu đuối sau nụ cười…” rồi nó khóc, nước mắt nó nhạt nhòa. Giờ đây nó biết nó đã mãi mất đi một người bạn, một người em, một “chiến hữu” luôn đồng cam cộng khổ suốt những chặng đường đời khó nhọc. Hai đứa nó đều là trẻ mồ côi, chúng chẳng biết bố mẹ chúng như thế nào, họ đã chết hay họ bỏ rơi chúng? Chúng chưa một lần được nếm trọn vị ngon của kem hay vị thanh mát của một quả lê mùa thu, thậm chí chưa một lần được đi học,được nô đùa cùng chúng bạn thỏa thích trong công viên, hay vòi vĩnh người thân một món đồ hàng nào đó bày trên phố. Hoàng đứng chết lặng trước khung cảnh ấy, hai tay anh run run nắm lấy bờ vai nhỏ bé của Tũn, anh không biết phải làm gì để xoa dịu nỗi đau của thằng bé ngay lúc này. Hai người cứ đứng như thế cho tới khi màn đêm buông xuống, gió lạnh và sương phủ kín đầu… Đêm hôm đó Hoàng suy nghĩ rất nhiều, mắt anh thâm quầng và trũng hoáy, anh không tập trung làm được việc, mọi trăn trở của anh lúc này là làm thế nào để giúp Tũn, thằng bé tội nghiệp tật nguyền, nhưng giàu nghị lực và sống rất tình nghĩa. Hôm sau khi mặt trời vừa lóe lên, cả thành phố sáng bừng, tiết trời hơi se lạnh và có chút bụi hồng vương trong không trung, ánh bình minh chiếu rọi trên khuôn mặt mệt mỏi của Hoàng. Sáng nay anh xin nghỉ làm, anh đến xóm nhỏ tìm Tũn, nó đang ngồi co ro trên giường, may quá nó không đi bán lạc như mọi hôm. Hoàng kéo nó ra chum nước, múc từng gáo rửa mặt mũi cho nó, cái mặt nó nhăn nhó khi anh lấy khăn lau hơi mạnh, đôi mắt nó sưng húp lên, chắc tối qua nó nằm khóc thương bạn. Anh mặc bộ đồ mới mua cho nó, trong cái nhìn đầy ngạc nhiên và những cử chỉ luống cuống, vụng về của thằng bé. - Đi theo chú, chúng ta đến nơi này hay lắm. Hoàng dường như chẳng bận tâm gì đến trạng thái của Tũn lúc đó, nó ngoan ngoãn để anh lôi đi. Hoàng xuống xe, tắt máy, anh để thằng bé ngồi nguyên trên yên và nhẹ nhàng đẩy xe vào cổng. Tiếng trẻ con vui đùa náo nhiệt, Tũn ngơ ngác đứa cặp mắt trong veo nhìn ngắm mọi thứ xung quanh đầy thích thú. Anh để nó ngồi xuống ghế và đi đâu đó, Tũn ngồi yên ngoan ngoãn, nó thấy có rất nhiều đứa trẻ đang đuổi nhau vui chơi, có đứa bằng nó có đứa lớn hơn tí, cũng có đứa cô giáo còn ẵm trên tay, rồi cơ man nào là đồ chơi, tay chân nó ngọ nguậy, nó muốn xuống hòa vào đám trẻ kia cùng nô đùa nhưng có cái gì đó vô hình ngăn nó lại, thằng bé đảo mắt tìm Hoàng. Một lúc sau anh đi ra cùng một cô giáo trẻ, anh chỉ tay vào thằng bé, cô giáo trẻ bước tới xoa đầu Tũn rồi quay sang Hoàng nói: - Anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ chăm sóc cháu cẩn thận. Đoạn cô cúi xuống vuốt ve khuôn mặt Tũn nói: - Từ nay đây sẽ là nhà của con, con sẽ được học chữ và vui chơi cùng các bạn, con phải ngoan và nghe lời các cô nhé. - Tũn nghe thấy cô giáo nói gì chưa? Anh cúi xuống nắm lấy tay Tũn thủ thỉ: -Từ nay Tũn sẽ không phải đi bán lạc rang nữa nhé. Ở đây Tũn sẽ được học chữ này, làm toán này và cả học hát nữa, Tũn hát rất hay đấy cô giáo ạ! Cô dắt Tũn ra cổng tiễn Hoàng về, anh ôm Tũn một lần nữa ghé vào tai thằng bé thì thầm: “ Nhớ lời chú dặn nhé, chú sẽ đến đây chơi với Tũn nếu chú rảnh, chúng ta sẽ thi hát với nhau, đồng ý chứ cậu nhóc!”. Tũn quàng tay vào cổ Hoàng “Dạ” một tiếng rõ to. Bóng Hoàng xa dần, xa dần về phía đường lớn, lòng anh nhẹ nhõm như trút được một mối âu lo vẫn đau đáu trong lòng bấy lâu, anh đã làm được điều anh mong muốn và tự thưởng cho mình một buổi chiều dạo trong công viên uống trà đá, ngắm hoàng hôn buông xuống bên bờ sông. Từ dạo ấy thi thoảng cứ mỗi chủ nhật nào anh cũng dành một buổi chiều ghé qua trại thăm Tũn và các cháu ở đó, đôi khi anh chỉ đứng nhìn qua song cửa sổ, thất Tũn đang hí hoáy tập tô, trong lòng anh chực dâng lên thứ cảm xúc khó tả. Có khi đi tác nghiệp anh vẫn thường ghé qua xem tình hình Tũn như thế nào, nó có khỏe không và chơi với các bạn có ngoan không, anh không để cho nó thấy vì một khi đã thấy được anh nó nhất định không cho anh về. Tự dưng Hoàng mỉm cười tự hỏi lòng mình, kỳ lạ thay nó và anh đâu có mối quan hệ gì mà sao gần gũi nhau đến thế. Điện thoại rung, sếp gọi, anh buông tay ra khỏi song sắt hối hả chạy theo công việc nhưng vẫn không quên mỉm cười cúi chào các cô giáo đang tất bật với các cháu nhỏ. Tập san số XX ấn tượng nhất với bạn đọc bởi hình bìa bắt mắt, hình ảnh một chú bé con cười rạng rỡ tay cầm cuốn sách và đàn bồ câu bay ngang trời, hẳn đó là Tũn, một khoảng trời bình yên ánh lên trong đôi mắt trong veo của cậu bé. Bài viết về trại trẻ mồ côi của Hoàng được “sếp” tuyên dương rất nhiều và được trang trọng in trên trang nhất số báo đặc biệt. Hoàng phóng xe đến gặp Tũn không quên mang theo cuốn tập san tặng các cô ở trại trẻ. Vừa thấy Hoàng dựng xe ngoài cổng Tũn đã chạy ra ôm chầm lấy chân anh, cái dáng đi khập khiễng của nó khiến anh bùi ngùi: - Chú! Hôm qua cháu được điểm 10 làm toán đó. - Thật không? Hoàng cúi xuống xoa đầu nó. - Tũn của chú giỏi quá! Thế có ngoan không? Các cô nuôi thế nào mà giờ mặt phúng phính ra đấy nhé.Xem ai đây nào? Hoàng vừa nói vừa giơ hình bìa tập san cho Tũn xem, thằng bé mừng quýnh lên, nhoẻn miệng cười ngượng ngùng: - A..a..a ... là Tũn đây mà! Nó nháy mắt, cười tít: - Tũn bảnh trai chú Hoàng nhỉ nhưng chưa bằng chú? Hoàng vòng tay lên ngực lắc lắc cái đầu: - Thẳng nhỏ này thật là… Hoàng chậm rãi bước những bước nhỏ trên thảm cỏ xanh nơi sân chơi của bọn trẻ, anh ngồi yên trên chiếc xích đu và cảm thấy bỗng dưng muốn làm trẻ con. Tuổi thơ anh không có bạn bè nhiều, nó trôi qua lặng lẽ và tẻ nhạt biết mấy, anh tiếc rẻ những năm tháng qua đã không biết đến nơi này, có thể anh đã vui lên rất nhiều kể từ khi anh đặt chân đến đây, từ khi Tũn bước ngang qua cuộc đời anh mọi thứ dường như đã thay đổi. Thằng bé vẫn say sưa nô đùa với chúng bạn, nó chỉ cho lũ bạn thấy hình nó đăng trên báo, mấy đứa nhỏ nhìn nhau cười râm ran. Dưới ánh nắng chan hòa buổi sáng nụ cười những đứa trẻ giòn tan rồi vỡ ra trong không trung tựa những hạt bụi hồng tinh khiết, bất giác Hoàng nghĩ, trong một chừng mực nào đó có lẽ cu Tũn may mắn và hạnh phúc hơn anh gấp bội phần… ...4V...
Posted on: Tue, 02 Jul 2013 20:21:21 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015