Khuê Đoàn TÙY BÚT - ĐẤT NƯỚC TÔI. Hắn là một - TopicsExpress



          

Khuê Đoàn TÙY BÚT - ĐẤT NƯỚC TÔI. Hắn là một người Việt như 80 triệu người Việt khác. Hắn cũng có cái quyền riêng khi nghĩ về Tổ quốc của hắn. Không ai có thể áp đặt bắt hắn phải nghĩ về Tổ quốc như thế nào. Hắn cũng thường mon men đi theo những con đường mòn mà người ta hay nói là có Tổ quốc rùm beng, phất phới bay ở trên đó; hắn không thấy. Lâu lâu, giữa bàn tiệc nhậu, có người học cao hiểu rộng nghe hắn nói cái kiểu ngông quá, người ấy hỏi hắn: Thế ông hiểu Tổ quốc là cái gì nào, ông hãy định nghĩa Tổ quốc cho tôi nghe xem nào? Thiệt ra hắn đâu cần phải trả lời cho ông ấy, hắn chỉ cần bình thản nhìn ông mà mỉm cười: Thế ông là hiểu đúng, thật không? Mà hiểu đúng như ông để làm gì cơ? Sao ông không về Việt Nam mà hỏi thử 80 triệu người Việt Nam, coi có mấy người mà trả lời được cho ông vừa ý! Một anh lính bộ đội cộng sản ngày nào cầm súng xông Nam, bịn rịn chia tay bóng dáng người mẹ già tay run run, mắt rưng rưng mờ lệ tiễn con trên con đường quê ảm đạm ngày ấy là cái hình ảnh cuối cùng anh xót xa nhớ tới trước khi anh bỏ xác trên một khúc rừng Trường sơn heo hút nào đó. Tổ quốc gì còn lại ở cái giây phút cuối đời anh hay chỉ còn lại là cái bóng dáng người mẹ già đau khổ? Một anh Sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hòa trước khi bị cộng sản bắt sống, anh kê đầu súng kia vào đầu mình, ngón tay trỏ anh cong lại rồi ngưng một, hai giây ngắn ngủi, dứt khoát,...và anh khảy gọn ngón tay kêu cái cắc. Có ai biết nổi anh đã nghĩ gì trong vài giây cuối cùng ấy? Anh có còn kịp nghĩ gì đến Tổ quốc của anh đang ở đâu hay không? Nếu có ai về Việt Nam, thử ghé hỏi anh thương phế binh ăn mày đang lê hai cái chân què, đang lếch thếch cái thân bệnh hoạn ốm đói ngoài mấy cái chợ hay ngoài mấy cái trạm xe buýt dập dìu người qua kẻ lại mà hỏi Tổ quốc anh ở đâu, Tổ quốc có thật sự ghi công anh không? Chắc anh sẽ ngồi thẳng lại mà... giận lắm! Anh sẽ chỏ ngón tay vô miệng anh mà nói lớn: Hỏi nó đi, nó cần cái gì, cần một ổ bánh mì thịt hay cần một cái bàn thờ “Tổ Quốc Ghi Công” cho thiệt lớn? Thì ra Tổ quốc thì... từ từ thủng thẳn rồi tính, anh cần một ổ bánh mì thịt trước cái đã! Nếu có ai ngon, chịu khó bịt mũi mà mò vô cái xó xóm rác ở Việt Nam ( là cái xóm có mấy chục người đang bươi bươi, xới xới, ăn ăn, nằm nằm trên mấy cái đống rác ) mà hỏ họ: “ Tổ quốc của các ông, các bà đang ở đâu vậy?” chắc người ta sẽ cười khì, ngưng lại cái tay đang móc móc mấy cái bao ny lông ươn ướt bầy nhầy giòi nhọng mà hô hố: “ Tổ quốc tui là cái bao ny lông nì nì, mỗi ngày cho tui kiếm chừng vài ký ny lông như thế thì... Tổ quốc muôn năm!”... Trở lại cái bàn nhậu hồi nãy, hắn nhìn cái hàm râu lún phún của cái ông học cao hiểu rộng khi nãy đang rung rung theo cái miệng còn bóng mỡ đang nhai nhai cái miếng vịt quay rồi, chốc chốc ông ngưng ngưng lại dò chừng coi cái que xương vịt trong miệng nó tới đâu..., rồi từ từ, ông lười biếng cúi cái đầu tới trước cái dĩa đựng xương phun ra cái phụt, tay dói lấy cái ly rượu Whisky ngửa miệng ực một cái, miệng ông hơ ra kêu cái khà....Rồi ông quay đầu lại định thần, trợn mắt nhìn hắn như muốn tra vấn cái vụ...Tổ quốc tiếp. Ông không nói nhưng hắn thấy được ông rõ mà: Tổ quốc của ông lúc nì cái chai rượu và cái dĩa thịt vịt kia cái đã! Thôi! hắn thấy chán mấy cái ông đó quá rồi, chán ê ẩm, hắn không muốn nghĩ gì tới mấy cái ông học sĩ phòng khách say sưa hay thích ra oai đó nữa. Hắn lang thang đi kiếm Tổ quốc ở những nơi chốn khác... Đối với hắn, hai chữ “Tổ Quốc” là hai chữ của thiêng liêng, hai chữ của danh dự, là Giang san, là nguồn cội tổ tiên, chớ có ai mà gặn hỏi thêm là hắn... mù mờ liền. Nhưng với hắn, Tổ quốc là một sự thật. Cho dù là người ta có biết đến Tổ quốc hay không hề biết đến, Tổ quốc của người ta vẫn còn đó mà chờ ngày người ấy nhận ra cái sự thật ấy. Giờ này đây, chắc cũng có hàng triệu thanh, thiếu niên Việt Nam trong hay ngoài nước chưa hề nghe qua cái khái niệm Tổ Quốc. Chắc cũng có hàng triệu người Việt Nam có cuộc đời gian nan, khốn khó, quanh năm lo kiếm miếng ăn, họ cũng có bao giờ rảnh mà phải tìm hiểu coi Tổ quốc là cái giống gì. Ngay cả trong hàng triệu người Việt Nam có dư ăn, dư để, đang ngày đêm bận rộn làm giàu, họ cũng không cần bận tâm tới cái gì được gọi làTổ quốc. Tổ quốc phải chăng giờ đây chỉ còn được nhắc tới trong vài ba cuốn video ca nhạc chủ đề. Chỉ được nhắc tới mổi năm một hai lần trong những ngày Quốc hận hay trong một vài bài diễn văn nẫy lửa ở đâu đó trong mấy cái hội trường ấm áp. Hay chỉ được người ta nhắc tới khi có ai đó tranh đấu cho Hoàng sa, choTrường sa vừa mới bị cộng sản cầm tù... Cũng có khi, nếu không có chiến tranh, nếu không ai xa quê hương thì cũng không có ai cần có Tổ quốc. (Thử hỏi coi dân Canada này có ai biết Tổ quốc là gì mà sao đất nước họ vẫn giàu mạnh!) Nhớ, cái Tổ quốc ngày nào trên những con tàu liều chết vượt đại dương cũng chỉ còn là những mơ ước có đủ cơm, đủ nước, được bước lên bến bờ tự do mà làm lại cuộc đời. Người ta không mấy ai cần nhắc tới Tổ quốc khi họ đang ưu tư lo lắng chuyện sống còn. Rồi ngày nào người ta ăn nên làm ra, người ta an cư lạc nghiệp ở xứ người, người ta lúc ấy mới nghĩ tới Tổ quốc, mới cần nhìn ra một cội nguồn. Tổ quốc phải chăng là một ý niệm xa xí, khi ẩn khi hiện như một căn nhà đắt tiền mà một ngày nào đó khi có đủ thì người ta sẽ ...sắm nó! Nói đến Tổ quốc, theo hắn, là người ta phải nói đến những sự hy sinh ít nhiều xương máu mình, hy sinh ít nhiều xương máu của cha ông mình, của chính con cháu mình, hy sinh ít nhiều tài sản mình, hy sinh ít nhiều quyền lợi gia đình mình. Là nói tới, những sự chịu đựng kiên cường trong tù ngục, trong tủi nhục đọa đày. Là nói tới những con người Việt Nam hằng đêm nguyện cầu, hằng đêm suy tư cho thân phận của quê hương, cho quê cha cho đất tổ dù người đó đang ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này. Cầu nguyện, suy tư, hay sẵn sàng hy sinh ít nhiều cho Tổ quốc mới là những con người đang thật sự sống có Tổ quốc. Như những người con Do Thái oai hùng ngày nào, dẫu có phiêu bạc nơi nao cũng không bao giờ nguôi ngoai đi cái lý tưởng, cái mảnh đất của Tổ quốc họ. Họ kỷ luật cho nhau, họ đôn đốc cho nhau, họ không cần ồn ào, không vung vít ai thương Tổ quốc hơn ai, họ luôn luôn là những người anh em cùng nhau chiến đấu cho mái nhà chung của họ: Họ là hình ảnh của Tổ quốc cho muôn người soi rọi. Nhìn hàng hàng lớp lớp người Việt xa xứ, con số lên tới hàng triệu, hăm hở về “xây dựng” lại quê hương, hắn muốn hỏi họ: Không biết họ có còn biết Tổ quốc của họ bây giờ là gì, đang ở đâu hay không? Là Tổ quốc Quốc gia hay Tổ quốc thiên đường Cộng sản? Có lẽ người ta sẽ trả lời rằng: Chỉ một Tổ quốc Việt Nam thôi, không có Bắc, không có Nam, không có Quốc gia hay Cộng sản gì hết. Cộng sản đến rồi đi như những triều đại khác trong lịch sử ngàn năm. Anh lính bộ đội hôm nào nằm bỏ xác giữa rừng Trường sơn và anh Sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tự sát khi thất trận kia cũng chỉ có cùng một thứ Tổ quốc. Và ấy là một câu trả lời tuyệt vời hay. Hay và dễ dãi, chịu buông tay. Nói, người Việt Nam, tất cả chỉ có chung một Tổ quốc, là một điều đã khắc sâu vào đá, vào lòng của lịch sử. Có như vậy thì hắn mới có thể giải thích được cái hiện tượng là càng ngày càng có nhiều người về nước vui chơi hoặc làm ăn sinh sống ở luôn bên đó mà họ không cần thấy gì là hổ thẹn hay phản bội Tổ quốc hết. Chuyện họ ham vui hay không ham vui thì cũng không có ăn nhập gì tới chuyện Tổ quốc (hay vì Tổ quốc). Họ chỉ là những luồng người lẻ tẻ, lạc loài hốc hác bình thường như những cơn mưa vụt qua nhanh rồi tan đi mất dấu. Trốn nước đi không là phản, thì chui ngược về hưởng thụ cũng không. Xin nhắc lại, người cộng sản vốn là những kẻ vô thần, khoái thờ phượng lãnh tụ, họ đâu có khái niệm gì về Tổ quốc. Họ chỉ cần có Đảng, có Bác. Hồi đó Bác lỡ lời dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” có một lần đó thôi chớ có sách vở cộng sản nào mà muốn dạy cho dân coi trọng Tổ quốc hơn coi trọng Đảng đâu kìa. Bám lấy Tổ quốc chỉ là một chiêu bài của cộng sản, ai mà không biết tẩy của giờ này. Giọng điệu cộng sản không hề là đại diện cho tiếng nói của toàn dân, họ không hề là gì để có thể mang ra mà sánh vai cùng với Tổ quốc. Mấy đời bánh đúc có xương; Mấy đời cộng sản chúng thương dân mình. Có một câu hỏi khó mà dễ trả lời là: Người Việt Nam ta thích sống cho đầy đủ tiện nghi vật chất, có nhà, có xe, có việc làm lương bổng tốt, sống đề huề sum họp bên gia đình, bè bạn của riêng mình hay lúc nào sống cũng đặt lý tưởng vì tiền đồ của Tổ quốc lên trên hết? Ai cũng ham vui, ham hưởng, cũng trần tục thôi mà, có chi là đắc tội. Đất nước hắn đã từng bị cộng sản cưỡng chiếm, một phần cũng là vì có nhiều người Việt Nam dân hắn quá hiền hậu nhẹ dạ mà đã bị dụ dỗ để phụng sự cho chúng. Hãy nhìn lại chính ta, ta đã góp phần giúp cho giặc mang độc tài xiềng xích, mang chủ nghĩa bá quyền ngoại lai, phản nhân loại về dày xéo quê hương... Nhưng, thôi. Giờ này mà còn gay gắt chi cộng sản nữa e có nhiều người Việt ở hải ngoại này bảo rằng tôi cực đoan, e có nhiều người trong nước đang ăn nên làm ra kia chau mày. Với họ, hình như cộng sản bây giờ đã tốt lắm rồi, đâu còn cộng sản gì nữa, nói xấu chúng lỡ chúng không còn cho về nước hưởng thụ nữa, không cho làm giàu nữa thì... khốn! Thử hỏi, nhìn đấy, tại ai, vì sao... nên nỗi! Thì ai thích làm gì thì cứ việc, hắn làm chuyện hắn thích làm. Cứ lâu lâu muốn kiếm lại chút hương vị Việt Nam, người ta thì bay về tận bên đó vui chơi, còn hắn thì mò ra… thư viện. Mò tới mấy cái kệ sách tiếng Việt lèo tèo, nhỏ bé, nằm ở một cái góc khiêm tốn nào đó, mà cũng có khi chỉ có vài cuốn đìu hiu. Trong cái thế giới sách vở mênh mông của người ta, quê hương hắn coi ra nhỏ thiệt. Nhỏ tới…tội nghiệp! Mà kệ, vài hàng hay vài cuốn sách leo queo này cũng đủ cho hắn một cái thế giới đầy giẫy vui buồn, đầy giẫy thương ghét, đầy giẫy những kỷ niệm, đầy giẫy những nghi ngờ…và còn có cả một cái Tổ quốc vất vưởng từng mảnh trong từng trang sách im thin thít đấy nữa… Hắn là một người hay nghi ngờ nhất trần gian. Mà chắc hắn cũng còn nghi thua ông Phật một tí xíu, vì ông là người đã từng dạy cho hắn là đừng bao giờ tin bất kỳ ai. Đừng bao giờ tin bất cứ mọi đấng cao siêu nào, hoặc bất cứ mọi thế lực nào mà hãy chứng nghiệm lại cho chính bản thân mình trước rồi hãy tin sau! Hắn có thiện cảm với ông Phật ngay từ cái câu ấy. Còn có cái gì tự do, cái gì là dân chủ hơn lời ông Phật dạy? Thế là hắn cứ vô tư mà…nghi ngờ tới! Rồi hắn nghi ngờ nghĩ tới cả cái câu mẹ hắn dạy về công cha nghĩa mẹ. Hắn nghĩ sao mẹ ham có hắn cho vui đời mẹ, rồi nuôi hắn cho khôn lớn là chuyện nhỏ mà, có gì đâu mà phải kể lể công lao khó nhọc. Sao con gà nó không kể công lao nuôi con của nó mà mẹ kể! Mà cũng không phải một mình mẹ, mà cả hàng triệu cha mẹ Việt Nam cũng đều rập khuôn như thế. Sao Tây phương người ta không khoái kể cái công kiểu đó nhỉ? Rồi hắn nghi cả cái vụ “quê hương ta giàu đẹp”. Giàu đẹp sao có hàng trăm ngàn cô gái Việt phải sướt mướt chia tay cha mẹ già, chia tay quê hương mà đi làm dâu biệt xứ. Hắn cũng không tin cái màn quê hương ta “bốn ngàn năm văn hiến”. Văn hiến cỡ đó sao hàng triệu người Việt đã hăng máu cầm súng giết nhau tá lả mới mấy chục năm trước, rồi ngay cả giờ này cũng còn bắt bớ, tù đày nhau tùy tiện như thế; Văn hiến cỡ đó sao có cái cảnh người giàu thì thừa mứa ăn xài trong khi người nghèo thì phải đi moi rác mà sống; Văn hiến cỡ đó sao tuổi trẻ chỉ thích nhắm mắt, nhắm mũi chạy theo bắt chướt mốt Tây, mốt Mỹ, mốt Hàn; Văn hiến cỡ đó sao người Việt dân hắn lại để cho đồng đô la nó đứng ngang hàng với bàn thờ Tổ quốc như thế! Rồi bây giờ hắn nghĩ tới cộng sản... Nói tới cái vụ Tổ quốc này làm hắn nhớ tới cái câu Bác ta dạy dân ta năm nào: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào…”. Thì ra cộng sản cũng khoái yêu linh tinh đủ thứ như ai đó chứ ai bảo không! Yêu thương lẩm cẩm cái kiểu “tiểu tư sản” như vậy rồi ai yêu Bác yêu Đảng đây? Nói tới cộng sản mà nói tới yêu tới thương thì chắc tổ tiên ta phải đội mồ dậy mà…trợn mắt! Mà phải công nhận là cộng sản ngày nay có nhiều tài thật. Muốn thu hút cộng đồng hải ngoại về nước vui chơi, muốn triệt tiêu tinh thần chống cộng của dân, chúng làm xong cái một. Ngày nay nhan nhản khắp nơi ai cũng đòi nhân quyền, cũng xin tự do, cũng ra rả đòi dân chủ chớ còn mấy ai dám kêu gọi, dám mơ ước cái ngày lật đổ chúng xuống như cái thuở sau 75. Nhìn mấy nước Ả rập, Trung đông mà hàng triệu người lao nhau xuống đường, sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ mà hắn thấy giờ này dân người ta can trường hơn dân hắn xa. Hắn nghĩ chắc tại dân người ta có nhiều năm văn hiến hơn dân hắn là cái cẳng! Nói chi xa, cộng sản chỉ cần ưu đãi, mời mọc vài anh văn nghệ sĩ hàng đầu ở hải ngoại, như cho in ấn vài cuốn sách, hoặc cho phổ biến một số bài ca…là trí thức cao của ta bị qui phục ngay, đi đâu cũng rêu rao kể lể coi như đó là những vinh hạnh lớn lao, và theo sau đó sẽ có nhiều anh, nhiều chị ta dọt về nước ở luôn liền. Kế đó là hàng hàng lớp lớp văn nghệ sĩ khác qui nạp theo ngay coi như đã có kẻ tài cao hơn mình dẫn đường đưa lối! Cộng sản đã biết lợi dụng đúng mức cái tâm lý ham danh, ham lợi của hàng ngũ văn nghệ sĩ muốn có tiền và có tiếng vang lớn hơn trong nước và chúng giáng xuống những đòn chiêu dụ rất chính xác. Cộng sản hiểu cái tầm quan trọng của hàng ngũ văn nghệ sĩ hải ngoại vì đây là một cộng đồng rất khắn khít, lời qua tiếng lại rất nhạy, rất nhanh. Một anh về nước chơi vui quá, gặp gỡ được nhiều văn nghệ sĩ trong nước, hoặc ca hát kiếm được bộn tiền quá, về hải ngoại mà kể lể lại là có cả trăm anh khác mò về theo liền. Rồi họ cùng nhau kể lể, rỉ tai nhau nghe, họ viết ra sách, họ thu hút biết bao người khác cũng ham theo mà về vui hưởng. Nhìn các nhà trí thức hải ngoại hớn hở về nước, tiệc tùng đã đời rồi đem trở lại hải ngoại những bữa tiệc tùng linh đình đó mà kể lể, ai nghe cũng thèm. Có ai có dịp tới nhậu với mấy anh văn nghệ sĩ ấy thì cứ rượu anh rượu chú, cứ chuyện vui ăn uống bên nhà, cứ chuyện hãnh diện đã gặp ông này bà nọ ở Việt nam là các anh vung vít huyên thuyên nói tới nói lui cả đêm không hết. Nói xong thì các anh nhảy qua lớn tiếng bàn chuyện nóng: chuyện nhân quyền, chuyện tự do, chuyện dân chủ y khuôn mười lần như một. Nói chung, văn nghệ sĩ hải ngoại đã rơi vô đúng cái quỹ đạo tâm lý mà cộng sản muốn thao túng họ: Miễn đừng ai còn muốn lật đổ chúng! Thật ra, hàng ngũ văn nghệ sĩ có thể được coi là một hàng ngũ quan trọng như một công cụ truyền bá nhiều hơn là cái khả năng ảnh hưởng chính trị trực tiếp của họ. Văn nghệ sĩ vốn là những con người đa sầu, đa cảm, thích tự do, thích yêu đương sướt mướt, thích kỷ niệm, thích nhậu nhẹt, thích bè bạn giao lưu, thích kể lể miên man, thích than vãn, thích phanh phui ký ức, thích ôm ấp khổ đau…, tức là họ không có những đức tánh của những nhà làm chính trị vốn ai cũng mưu mô, thủ đoạn. Chính vì cái ít hiểu về chính trị đó mà nhiều người đã bị thủ tiêu hay bị cộng sản đày đọa biệt xứ ngay khi chỉ vì một bài văn, một bài thơ, một vỡ kịch hớ hênh chống đối. Ngay cả ở hải ngoại bây giờ cũng tương tự, họ rất dễ bị cộng sản len vô mà lèo lái tinh thần họ một cách thật dễ dàng. Có thể nói, thời nào cũng vậy, hàng ngũ văn nghệ sĩ là hàng ngũ thiếu tổ chức, dễ bị thao túng nhất. Cũng như, khi muốn vô hiệu quả một nhà đối kháng, cộng sản chỉ cần cho anh hay chị ấy ra nước ngoài là …xong chuyện, họ sẽ trở nên như một con cá bị rứt ra khỏi chậu nước mà họ nào có biết trước! Nhớ cái thời đầu 90 khi phong trào văn chương phản kháng lên cao, đi đâu cũng nghe thiên hạ nói chuyện phản kháng. Nhưng đùng một cái, phong trào đó chết queo, chết mất dấu. Hàng chục nhà văn, lớp thì xuất ngoại, lớp thì lặng im, lớp thì biết mất khỏi văn đàn. Chúng ta có thể thấy dễ dàng rằng, tất cả phải là một màn đồng diễn nhịp nhàng có trước có sau, có lớp có lang, tức có bàn tay của cộng sản nhúng vào đấy. Điều ấy thì có gì là khó làm dưới chế độ cộng sản nếu ta nhìn lại cái quá khứ tàn bạo của chúng. Văn nghệ sĩ trong nước thì như cá nằm trên thớt thì sao chúng tha đuợc? Tha được thì đâu còn là cộng sản nữa, có nước nào mà có nhiều nhà tù hơn mấy nước cộng sản! Rồi ngày nay cũng thế, theo một chiêu bài khác, càng ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ kêu gào đòi tự do, dân chủ, kêu gọi nhân quyền là đảng lập tức mời ngay lên hàng đầu danh dự mà phát biểu miễn là đừng ai kêu gọi ai…lật đổ chúng! Cứ nhìn thử tác giả cuốn Bên Thắng Cuộc thì sẽ rõ như ban ngày. Nếu tác giả cố tình phơi bày bí mật cộng sản mà có hại cho chúng thì tại sao chúng cho tác giả đi Mỹ chơi tà tà như bây giờ thế? Bộ Việt Nam bây giờ tự do, dân chủ hơn Mỹ rồi thiệt sao? (Nhớ cái vụ Wikileaks mà cái thế giới tư bản tự do, dân chủ này nước nào cũng đòi đem ông Julian Assange về mà …xử tội!) Lạ một điều, sau khi sang Mỹ rong chơi đây đó, tác giả đã được hàng hàng lớp lớp văn nghệ sĩ theo tháp tùng để “chia sẻ” chút hào quang! Phải nói là hàng ngũ trí thức hải ngoại chúng ta quá ngây thơ, quá thích dựa chút hơi sĩ diện đi chứ. Văn nghệ sĩ, lớp lớp trí thức ta tiếp tục bị cộng sản thao túng. Đấy là một sự thật, chẳng nghi ngờ gì hết! Chúng tài, lại càng tài... Tổ quốc Việt Nam hắn cứ mãi còn đâu đâu, vẫn còn đang bị treo chênh vênh trên những ngọn cây, hay những đầu gió nào đó sâu hút trong những chốn rừng thiêng nước độc bên đám xương tàn của những người con Việt đã bỏ mình oan nghiệt hay đang vất vưởng lênh đênh lạnh lẽo sâu tận đáy biển Đông bên xác những oan hồn dân Việt....Vẫn mãi lênh đênh... Tổ quốc Việt sẽ luôn luôn ôm ấp linh hồn của những người con Việt bất hạnh ấy. Những oan hồn ấy, bất kể Nam, Trung, Bắc. Tổ quốc là linh hồn, quê hương là mảnh đất san hà, tuy hai là một. Quê hương hắn và quê hương tôi là một. Hắn là tôi, chúng tôi cùng ôm ấp trong tim cùng một thứ quê hương. Và trên quê hương ấy.... Hoa Hồng dại mọc dại rải rác khắp nơi, mọc sâu trong những nơi không hề có dấu chân người đến. Hồng dại mọc lên làm dịu đi cảnh núi rừng khốn khổ, chúng nở theo nắng trời rồi tàn, rồi rơi rụng thường theo những cơn mưa hoang, hay những con gió độc. Rồi chết khô, rồi bay bay những tàn hồng tứ phương. Màu hồng đỏ lợt ấy tàn ra thành thứ màu trắng úa nhưng phơn phớt mịn chút phấn hồng. Xác Hồng dại lâu ngày trở thành những thứ bụi rừng, những thứ bụi mới có chút hương thơm hoang dại nhưng ít ai biết. Chúng hòa vào đất, tan theo thời gian, nhưng chúng không biến đi mất hẳn dấu tích ngày nào chúng từng sống, chúng từng thở, từng biết biết khoe sắc với muôn cây ở quanh đấy. Chúng cam lòng nằm im theo thân phận đất rừng mãi muôn đời... Những cánh hồng dại ấy là những đứa con Việt đã bỏ mình trong rừng sâu vì chiến tranh, vì tù đày ác nghiệt. Những cánh hồng dại ấy là những anh chiến sĩ trong phút giây cuối cùng thua trận nhưng không hàng, đã kê ngược mũi súng thép lạnh vào đầu xin tự gửi trả xác mình lại như một cử chỉ cuối cùng để đền đáp vì không bảo vệ được quê hương. Ôi! Bà mẹ Việt Nam nào mà không biết rơi hai dòng nước mắt dài đau đớn khi nhìn những núm ruột của mình mới ngày nào còn đỏ hỏn cựa quậy rỉ những búm máu hồng được cực khổ kéo lọt ra từng chút từ chính cái cửa mình của mình mà bây giờ cứ nằng nặc đòi trở lại theo hồn Mẹ... Thôi,... Mẹ cũng đừng quá đau đớn Mẹ ạ. Chuyện đã mấy mươi năm rồi mà Mẹ, tôi tưởng Mẹ đã quen cái cảnh Mẹ hiện ra chờ nhận xác con này đã biết bao lần rồi trong đời Mẹ. Cho tôi khuyên Mẹ để giúp Mẹ chút tinh thần mà còn sức để cố gắng bảo bọc cho nhiều đứa con ngoan khác của Mẹ nữa. Chúng nó có nhiều đứa tuổi còn trẻ măng chỉ đáng tuổi con tuổi cháu của tôi thôi, chúng đang ở trong tù cộng sản, đang bị đói khát, bị hành hạ, bị cùm kẹp ngày đêm đấy Mẹ ơi. Còn có cả những đứa vô danh đang bị đày đọa biệt tăm nữa, tội lắm, mà chắc là Mẹ đã biết rõ. Không có ai biết hết là chúng đang bị giam cầm ở đâu mà cứu chẳng qua vì chúng dám nghe theo lời Mẹ mà tranh đấu cho tự do, cho dân chủ, cho nhân quyền, cho toàn vẹn lãnh thổ...đấy Mẹ ơi! Mẹ phải làm ơn nhanh chân đi tìm cho ra hết những đứa con liều mạng ấy của Mẹ đi. Sẵn tay, nếu còn sức, Mẹ làm ơn phủi chút phép thần thông mà đập cho tan bọn giặc cường quyền cho con cháu Mẹ nhờ. Tay Mẹ có mỏi, có mệt vì tuổi già sức yếu thì Mẹ hãy nhớ ngày đêm cầu nguyện cho giặc kia phải sớm có cái ngày bị hồn thiêng sông núi trỗi quật lên mà bắt chúng quỳ gục đầu xuống đền tội. Vận mệnh đất nước phải được nằm trong tay của những con người chân chính, xứng đáng theo tiến trình người dân Việt làm chủ đất nước Việt một cách thực thụ do dân bầu.... Dù chắc chắn rằng ngày ấy cũng còn xa. Rất xa. Xa như cái cảm giác lờ mờ của tôi mỗi khi chân bước tới dự lễ chào cờ Quốc hận 30 tháng Tư. Ôi, lá cờ vàng quen thuộc giờ chỉ còn bay bay một cách tan thương, vô định. Biết nó sẽ bay về đâu. Nhìn nó bay bay ngoài City Hall với hàng ngàn người Việt ấy, nhưng biết đâu, trong đó, có hàng trăm người chỉ mong chào cờ cho sớm để tối về còn kịp ra phi trường sắp hàng dài về Việt Nam vui hưởng tự do mới, hạnh phúc mới bên đó. Không vui thì ai về? Họ tới City Hall chào cờ nữa chi vậy, điều ấy tôi lấy làm khó hiểu. Chắc là để... cho vui! Năm trước, tôi có ra City Hall ngắm cờ Quốc hận. Tới ôm ly cà phê một mình rồi lủi thủi về một mình. Nhớ bữa đó có gió cuối đông lạnh buốt. Tôi không xin lá cờ cầm tay mà vẫy vẫy háo hức như người ta, cũng không bước tới thăm hỏi ai, chỉ đứng đứng tần ngần trong chút tâm trạng riêng mà nhìn lá cờ. Tôi không dám nhìn lâu những bác, những chú trong nhiều bộ quân phục còn mới toanh, chắc mới cắt chỉ, tay cầm những cây súng trường bóng nhoáng đầy vẻ kiêu hùng. Một kiểu kiêu hùng hơi vô tư. Rồi nhìn nhiều khuôn mặt ưu tư, xa xăm im lặng của những người già đang ngồi ở những hàng ghế đầu chắc là đang tưởng nhớ lại những mất mát, những nỗi khổ đau ngày nào đang được gợi sống lại trong lòng họ... Nhìn những màu áo lính ngày nào ấy, không biết người ta thấy kiêu hùng gì. Tôi chỉ thấy máu, thấy tan thương, thấy nhục nhằn, thấy xác chết, thấy những sanh linh đang gục ngã bên những bờ rừng thiêng nước độc nào xa xôi, tôi thấy hình ảnh những con người ốm đói nhục nhằn mà phía sau là những mũi súng của quản giáo trong những trại tù khắc nghiệt vùng Việt Bắc. Tôi thấy biển to, thấy sóng dữ, thấy những chiếc áo manh phất phơ gió biển như chỉ đắp hờ những tấm thân đen đuổi gầy gò đang kêu gào sợ hãi chỉ còn kịp hốc hác trợn nhìn cái chết vây bủa một cách tuyệt vọng... Tôi thấy mình bối rối khi đứng ngắm lá cờ là phải khi nghĩ đêm nay nhiều người họ sẽ về bên đó vui vầy an hưởng “tự do, hạnh phúc, sum vầy”. Tôi chỉ không hiểu những người họ còn chịu lạnh mà ra đây nữa để làm gì? Để chọc giận cho linh hồn của lá cờ vàng ứa rỉ mãi ba giòng máu tươi đã mang quá nhiều uất nhục kia chăng? Ôi! Lá cờ vàng khổ ải chịu đựng ấy vẫn bay bay, bay lơ lửng như đã tới giữa những tầng mây cao của lạc loài, ảm đạm... Một lá cờ nho nhỏ ẩn hiện một Tổ quốc, một quê hương. Quê hương hình như chỉ hiện ra đối với những người xa quê hương. Quê hương gì, ở đâu trong những con người đang sống hưởng thụ quyền lực, đang sống trên đầu, trên cổ của người khác ngay cũng trên quê hương. Mà cũng còn có quê hương gì trong lòng những người nghèo khổ đang kiếm ăn từng ngày cũng trên chính cái quê hương ấy... Sao người ta hay thích nói, hay thích lôi quê hương ra mà làm trò, mà lợi dụng cái gì đó ở cái đẹp mê hồn của hai chữ Quê Hương thì phải. Sợ thay cho cái cảnh nhìn người ta kéo xốc tóc, người ta cười khì khà dùng cái bàn tay đen đuổi thô bạo kia mà lôi áo dài quê hương xinh đẹp mỹ miều kia ra mà làm cảnh, mà làm ô nhục mà đánh lừa sanh mạng của biết bao nhiêu con người hiền lành khờ dại... Nhưng cái quê hương trong lòng tôi thì chỉ cứ là nguyên vẹn của riêng tôi. Nhiều khi tôi thấy nhớ quê tôi lạ. Mà, quê thì đâu mà chẳng...quê, cũng có khi ấy chỉ toàn là một cái thứ sản phẩm quái đản gì đó do người ta giàu tưởng tượng, giàu lãng mạn mà tùy tiện nặn ra cho phù hợp với cái nhu cầu gì đó của họ chăng. Không biết quê hương có trách kẻ xa quê như tôi hơn 30 năm, sao nói nhớ quê mà chưa bao giờ trở về thăm quê? Tôi sẽ biết trả lời sao. Mà có quê nào lại lên tiếng trách cứ gì ai xưa nay chứ! Tôi chỉ biết quê tôi lúc nào cũng còn đó, cũng sẽ nhận ra tôi ngay khi có ngày nào đó, hồn tôi sẽ theo gió, theo mây mà trở lại. Buổi trùng phùng kia rồi sẽ đến, tôi sẽ âm thầm mà chờ đợi cái ngày về đó... Viết bài này tôi thấy nhớ nắng quê lắm. Nắng chiều thì êm mà buồn, nắng trưa thì khắc khổ, nắng sáng ban mai thì xoa dịu, thì hòa bình. Tôi thấy nhớ quê cha, quê mẹ. Quê cha thì khó khăn, trách móc, lễ giáo, giàu nghèo hơn thua; quê mẹ thì hiền hòa, quê mùa lúc nào cũng như cái cảnh nửa nồi cơm nguội còn trên cái bếp tro lặng tanh với mớ cá nhét, cá trê đồng kho lá gừng trong cái nồi mẻ nho nhỏ để vùi bên cạnh; và còn có một bên là bức tường đất sườn tre xiêu vẹo, nhìn xa xa có mấy bụi chuối mà quanh năm không thấy chuối đâu, thấy cái lu nước quê, thấy có gát cái gáo dừa mát lạnh... Tôi được sanh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ ven biển miền Trung. Thuở 4,5 tuổi tôi về vùng quê gần đó sống với bà nội. Ngày ngày bà dắt tay tôi đi học lớp Mẫu giáo trường làng trên những con đường quê có nhiều bóng tre, bụi chuối…Có những buổi sáng thật sớm còn nghe tiếng gà gáy, tôi sung sướng được chuẩn bị áo quần theo bà ra chợ. Cái chợ nhỏ chỉ lèo tèo có mấy sạp xụp xệ, ai cũng tươi cười chào nhau. Gọi là chợ chắc để cho dễ nhớ chứ nó chỉ như cái ngã ba nhỏ thuận tiện nằm cuối làng chỗ người ta hay lên xuống xe bò hay xe ngựa, còn xe Lam ba bánh hồi đó chưa vào được cái ngõ này. Chợ làng quê ai cũng quen mặt, ai cũng biết tánh nhau cả đời ở đây hết. Khi thì mua con cá, khi thì chút dầu đậu phộng, chút đường, hay chút bột ngọt…, nhưng tôi nhớ thứ gì trong những buổi sáng ấy cũng đẹp, cũng quí, cũng được gói cẩn thận, cũng được để nằm trong cái giỏ nhựa đan thưa. Bà hay để tôi xách cái giỏ ấy, hai tay tôi vừa giơ giơ lên cao cho khỏi đụng đất, tung tăng đi đi chạy chạy theo bước bà trên con đường cũ trở lại… Đó là quê nội. Sau đó nhiều năm tôi dọn đi xa sống. Có lần tôi từ Sài gòn về thẳng thăm quê ngoại. Muốn tới quê ngoại, chiếc xe ngựa cục kịch trên con đường cái quan phải đi ngang qua cái ngõ quẹo xuống dốc ruộng, vô quê nội tôi trước. Con ngựa hì hục kéo lướt qua, lòng tôi như thắt lại nhớ chút kỷ niệm xưa, mắt cứ dán chặt phía ấy, phía có mấy rặng cây xa xa, và đằng sau ấy là làng Phú Ân quê nội. Càng lúc mấy rặng cây ấy càng nhỏ lại xa tít, tới khi chỉ còn là cái vệt ngang nho nhỏ cuối tầm mắt. Ngày đi ngang quê nội ấy tôi chỉ thấy buồn buồn, rồi thôi. Trước mắt tôi, con đường cái quan lặng lẽ ngày ấy cứ mở ra, cứ trải dài tiếp tận chân trời. Con đường cái quan buồn buồn ấy theo tôi mãi sau này sâu trong ký ức. Quê ngoại đang từ từ hiện ra... Tôi xuống xe ngựa, đi bộ theo những lối mòn trơn trợt quanh co dọc theo mấy bờ ruộng hướng tới những lùm cây tre cao nhất đó là đã tới gần nhà bà ngoại, làng Phú Lộc. Bà ở một mình trong căn nhà nhỏ, nằm xéo bên hông phía sau nhà ông cậu ( con trái lớn nhất của bà), cách nhau cái vườn rộng lưa thưa cây lá. Tôi còn nhớ, bà ngoại tôi lúc nào cũng quê mùa, cũng dễ tủi thân, hay hờn giỗi. Theo lời má dặn, tôi mang về cho bà nửa chục xoài, vài trái vú sữa, mấy lon trái cây, bà đón lấy tươi cười trân quí, bà hạnh phúc cười mãi. Ngủ với bà chừng 2 đêm, ăn chung với bà mấy bữa, mà bà hay ngồi kể chuyện hay nhìn tôi ăn thì nhiều hơn. Những bữa cơm quê khi thì với nồi canh mướp, khi thì nồi cá đồng kho lá gừng, có cái nồi cơm nguội (hình như lúc nào cũng là cơm nguội) bầu bầu tròn phía dưới đen thủi khói mà ăn lúc nào cũng…còn cơm! Những bữa cơm chiều ngày xưa ấy tuy còn nhỏ nhưng tôi đã thấy biết buồn man mác trước cảnh chiều tàn còn phơn phớt nắng trên mấy đọt cây tre cao gần đó…(Tôi viết ở đây chắc chắn là còn thiếu hoặc chưa chính xác. Tôi có ông anh họ bên Hoà lan, hồi nhỏ anh sống ở ngay đây, nếu anh đang đọc mấy giòng này, chắc ảnh đang cười tôi!) Và đó là những ký ức về tuổi thơ của tôi bên bờ ruộng, bên lũy tre quê ngoại. Sau này lớn lên, đi đây đó nhiều nơi, có lúc nhìn nắng chiều yếu ớt phất phơ trên những đọt cây cao cũng mang tôi trở lại những hình ảnh xa xưa ấy. Bao giờ cũng vậy, nó cứ buồn buồn mỗi lần như thế. Hình như màu thời gian lúc nào cũng buồn thì phải! Cứ lâu lâu đi cắm trại hay tình cờ đến những nơi xa lạ có cảnh những lùm cây, có vài căn nhà nhỏ lưa thưa, có cảnh cánh đồng vắng ngắt tận chân trời là lòng tôi cứ lắng xuống bâng khuâng. Có khi chỉ nhìn một tấm ảnh nhỏ đâu đó trên một tờ báo, hay trên cái máy vi tính tôi đều cũng vậy, hình ảnh quê hương xưa cứ ùn về... Có lần tình cờ đi vô một xóm nghèo bên Cuba, nhìn mấy con ngựa còm cõi, nhìn mấy ông lão gầy nhom đứng hút thuốc, nhe răng cười, nhìn mấy căn nhà xụp xệ tả tơi, tôi cứ ngẩn người ra mà liên tưởng: Đây là quê hương của những ai? Chắc có những người con Cuba đang lạc loài đâu đó trên trái đất này và đang ôm ấp ngay cái cảnh xơ xát này đây trong ký ức mà mong được có ngày trở lại... Nơi nào, dù tiêu điều, dù có khỉ ho cò gáy tới đâu thì cũng đang là quê hương yêu dấu của ai đó. Cái ý nghĩ này làm tôi chợt thấy, ôi nơi nào cũng đẹp, mảnh đất nào cũng có một linh hồn, quê hương ai cũng đẹp. Còn có gì ướp thắm được lòng người như những hình ảnh thân thuộc của quê hương, nhất là nơi ấy lúc nào cũng còn đầy dấu vết của kỷ niệm, có bóng dáng những người thân thương đang lúc nào cũng sẵn sàng chào đón mình trở lại. Nhắc tới hai tiếng quê hương là lòng tôi tự tự nhiên dâng lên nhiều thứ bối rối. Lần nào cũng thế… Có lần nhìn một gã đàn ông Việt quê mùa đang lủi thủi, lặng lẽ đứng đón chiếc xe bus giữa cảnh sáng sớm lạnh lẽo để tới hãng làm kiếm tiền nuôi gia đình. Cái hình ảnh âm u, lam lũ đó làm cho tôi chạnh nghĩ tới quê hương của gã. Quê hương nào, sao có những người con đang lưu lạc tới phương đất xa lạ này? Đứng len lén nhìn gã, tôi thấy có quê hương tôi trong cái dáng đứng chịu đựng ấy. Tôi tìm cách bước tới gật đầu cười … chào gã một cái. Gã ngượng ngùng bẽn lẽn gật đầu chào lại. Tôi quay sang hướng khác. Lòng bàng hoàng thơ thẫn ngỡ như mắt mình mới được nhìn thấy, được gật đầu chào cái quê hương mộc mạc, quê mùa kia của mình! Nhìn cái cảnh chợ chiều giữa mùa đông lành lạnh mỗi thứ Năm ở cái thành phố nhỏ London, Ontario mà tôi ở mấy năm trước (hay ở nhiều thành phố nhỏ khác cũng vậy). Khoảng 5 giờ chiều lúc sắp tối, chiếc xe van khá lớn lấy hàng tạp hóa, thịt thà từ Toronto quẹo vô parking, mấy chục người đứng sẵn hầu hết là những bà nội trợ tụm lại xôn xao như cái chợ. Người ta kêu réo, tiếng vui cười, tiếng hỏi han hàng hóa, hỏi han giá cả, mấy chục cánh tay nhanh nhẩu tranh nhau lựa, chụp, … Sau chỉ chừng vài chục phút, xe vơi đi phân nửa. Giọng nói, tiếng cười vang cả một vùng. Quê hương lại hiện ra trong tôi qua những bộ áo quần mùa đông cũ kỹ, lôi thôi, khăn quấn, tay xách lao xao đó giữa cái thành phố nhỏ êm đềm thường ngày của họ. Tôi tưởng tượng tới những bữa ăn ngon lành, những nụ cười rôm rả hạnh phúc đâu đó tối nay trong những căn hộ chung cư nhỏ rải rác quanh đây…Quê hương tôi mới hiện ra chốc chốc rồi chợt biến đi mất. Rồi tôi lại bối rối bước tới, bước vô ngay cái tiệm tạp hóa ấy, tới phiên mình lựa, chụp, lấy…y như họ mà hồn thì đang ở mãi đâu đâu... Lâu lâu bước chân tới một cái chùa nhỏ ở tỉnh lẻ, nhìn vài bà bác già chắc cũng trên 80 được con cháu đưa tới chùa cuối tuần. Từ lúc mới bước xuống xe nhìn thấy vài người quen chào hỏi là mặt bà mừng rỡ, sáng hẳn lên liền. Vừa bước vào, mặt bà hân hoan như cá được trở về nước sau cả tuần cô đơn lủi thủi ở nhà lo nấu ăn, giữ cháu... trước cảnh chùa đầy hoa quả, linh thiêng ngập mùi hương khói. Nhìn bà bước tới chánh điện, bà lum khum quỳ xuống, hay tay chắp, hai mắt nhắm nghiền... Giữa cái phút gửi lòng thành của mình bên ánh Phật, khuôn mặt nghiêm trang nhăn nheo xơ cứng của bà bỗng rung rung lên trầm ngâm theo từng cử chỉ sùng kính của bà... Đứng nhìn bà, hình ảnh quê hương xa xôi, hiền từ thuở nào của tôi tưởng như lại hiện ra thật gần gũi thân thương, gần như tôi có thể dói tay tới mà sờ vào nó được... Rồi lại có những lúc, tôi được nhìn cái cảnh hàng trăm người đang hấp tấp, đang hớn hở sắp hàng, nói cười rôm rả ì xèo tay mang tay xách, áo quần tươm tất, miệng ơi ới gọi nhau ngoài phi trường đứng chờ máy bay về Việt Nam mỗi đêm đó thì lại không bao giờ cho tôi chút cảm giác gì là có quê hương đâu đó trên những khuôn mặt, trên những bộ áo quần chỉnh tề cái mác Việt kiều, trên những cái va li đầy ắp đồ ấy của họ… Ôi sao lòng tôi lại chỉ thấy ngỡ ngàng xa lạ! Quê hương chắc có một ý nghĩa khác trong lòng của một gã đàn ông Việt Nam, 35 năm chưa về và không biết có ngày nào về như tôi... Tư nhiên tôi thấy vui vui. Vui vui vì biết mình cũng có quê như người ta. Tôi có quê, chút ý nghĩ ấy làm tôi thấy vui. Quê tôi là cái chỗ tôi đã được ươm ra, ra và có mặt với cõi đời này. Rồi tôi đó đây mấy mươi năm, rồi chắc chắn ngày kia hồn tôi sẽ trở lại cái nguyên quán ấp áp gốc rễ của nó. Nó sẽ lựa một chỗ nào có bóng mát gần mấy bụi tre, mấy bụi chuối, dưới bóng mấy cây ổi... và nó nằm xuống, nằm yên tâm với định mệng. Nó dói tay sờ..., sờ bên này là thân ba, sờ bên kia là xác má... và nó sẽ chịu nằm im đó bình thản mãi ngàn thu... Chút suy nghĩ thoáng qua ấy làm cho tôi tự nhiên thấy an lòng mà “chờ” cái ngày ấy! Nói tới quê hương sao người ta hay vô tình, ít khi nói tới một quê hương “thứ hai” gần gũi bên này nhỉ, mảnh đất nào mà nếu có ngày mình ra đi bỏ lại, nó lại không có một linh hồn chứ. Quê hương mà cũng đã cưu mang, cũng đã nâng đỡ, cũng đã nuôi dưỡng, cũng đã cho người ta uống những nguồn sữa tự do trắng ngần, nhân hậu. Quê hương mà chưa có một ngày nào, có ai hù dọa nửa đêm tới coi xét giấy tờ hộ khẩu, quê hương mà không có ai tự nhiên bị quẵng vô tù, bị hò hét, bị ra lệnh, bị bỏ đói dù chỉ một ngày... Mấy mươi năm ròng tình nghĩa như thế, sao ấy lại không là quê hương hỡi những con người tự cho mình là những con người biết trọng tình quý nghĩa, biết ôm ấp yêu thương? Có phải mảnh đất nào đã nuôi lớn mình cũng đều là những thứ quê hương nào đó của tâm linh mình hết. Không có quê hương nào hờn ghét người đi hay mỉa mai người đến. Quê hương nào cũng vốn bao dung, cũng vốn êm đềm như những dòng suối mát rỉ rách mãi đêm ngày mà chờ đợi lúc ru lòng, đợi lúc tắm mát tâm tưởng những kẻ nhớ thương quê . Quê hương có lẽ, luôn luôn có mặt trong tiềm thức của mỗi con người. Chắc ai chỉ cần nghĩ tới quê hương thì quê hương sẽ chợt hiện đến ngay với họ. Người có quê hương, phải chăng đi đâu cũng có quê hương. Quên đi những người thân xác thì ngay trên môi, trên mắt của quê hương mà quanh năm không hề thấy quê hương đâu, hoặc lâu lâu có chút hứng tình “văn hóa vận”, cũng bày trò dựng xác quê hương lên mà ôm hun nham nhở chùn chụt cho ra vẻ có “văn hóa” với người ta, nhưng ấy lại là một thứ quê hương tuyên truyền lạ hoắc nào khác...Chắc quê hương cũng đã biết bao nhiêu lần biết... trợn mắt với chúng! Những người nghèo khổ, rách rưới, ngày ngày chỉ lo cho no bụng đang xin ngồi ké, đang ngủ gà ngủ gật ở một cái sạp xụp xệ ngoài cái chợ chiều hết khách nào đó ngay trên quê hương họ, ai dám nói họ đang nhờ có quê hương mà no bụng, mà hạnh phúc? Mỉa mai thay, quê hương có khi chỉ dành cho mấy người đang ăn nên làm ra, có của ăn của để, đang no ấm, đang rảnh rang, đang vẽ vời thơ văn, đang tô phết cho ý nghĩa cuộc sống, đang làm dáng trí thức với đời... Dẫu thế. Buồn thay. Ngày tôi ra đi, xin gửi lại cát bụi thân này trên cả... hai quê hương yêu dấu. Hết
Posted on: Sun, 03 Nov 2013 12:00:40 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015