Mùa Nắng Tắt Chúng tôi đứng chật cả một dãy hành - TopicsExpress



          

Mùa Nắng Tắt Chúng tôi đứng chật cả một dãy hành lang, lặng lẽ nhìn Khả Du được đưa vào trong phòng cấp cứu và cánh cửa lớn nặng nề khép lại. Gương mặt mấy vị bác sĩ nhăn nhó và khẩn trương đến lạ kì. Tôi vẫn như còn thấy chiếc váy xanh đọng những giọt nước mắt thấp thoáng quanh đây. Bác sĩ nói, bệnh của Du đã nghiêm trọng lắm rồi. Và rằng đáng lẽ ra cậu ấy phải đến đây sớm hơn. Biểu hiện của bệnh giống như ung thư phổi. Phải, chính nó. Ung. Thư. Phổi. Tôi phải lấy cả hai bàn tay để kiềm tiếng kêu hốt hoảng bật ra, đầu gối gần như khuỵu xuống, và phải tựa vào người Nguyên cho khỏi ngã. Những vệt máu ấy, những lần ho ấy, những cơn đau ngực quay quắt ấy, tất cả là biểu hiện của bệnh ung thư ư? Ung thư phổi, căn bệnh ấy vốn đã chẳng xa lạ gì đối với lũ nghiền phim Hàn hay Đài Loan Trung Quốc… Chuyện này có thật sao? Nó đang xảy ra thật sao? Với chúng tôi? Ở đây? Vào khoảnh khắc này? Tôi tự bật cười, tự muốn vả vào mặt mình. Tất cả những sự đau đớn và khó chịu kia của Khả Du, tôi đã thấy hết. Nhưng tôi đã làm gì? Chẳng gì cả. Tôi đã gần như biết, tôi đã lờ mờ đoán được, tôi đã nghi ngờ, nhưng cái lờ mờ không chắc chắn ấy đã góp phần gián tiếp làm bệnh của bạn tôi nặng hơn. Chính sự vô tâm đến vô tình, sự thờ ơ, coi như đó chỉ là chuyện của người dưng và chẳng làm gì cả, đôi khi còn làm ta dằn vặt và khổ tâm hơn cả khi không hoàn toàn không hay biết. - Cậu ấy sẽ không sao, không sao mà, phải không? – Thu Linh nhìn tôi, lắp bắp trong nghẹn ngào, ánh mắt hoảng sợ đến khôn cùng. Cả người cậu ấy run lên bần bật – Các bác sĩ cũng có thể chuẩn đoán sai mà, cũng có thể đấy chỉ là bệnh gì đấy nhẹ thôi nhưng biểu hiện giống ung thư chẳng hạn. Đúng rồi, đúng thế rồi, phải không, phải không An? – Cậu ấy giật giật tay áo tôi, những câu nói lặp đi lặp lại. Nguyên thở dài, nhắm nghiền mắt lại. Tôi cầm chặt lấy tay cậu ấy. Thằng bạn thân nhất của tôi là đứa hiểu rõ về ung thư phổi hơn ai hết, căn bệnh ấy đã cướp đi người bác mà cậu ấy yêu quý nhất. Cậu ấy biết rõ căn bệnh ấy di căn nhanh đến nhường nào. - Tại sao cậu ấy có thể giấu chúng ta trong một quãng thời gian dài đến thế, hả An? – Thắng hỏi tôi, mà như hỏi tất cả mọi người. Câu hỏi rơi tõm vào một quãng thinh lặng. Không, câu hỏi không phải vậy. Nó phải sửa thành “Tại sao chúng ta lại có thể không biết trong một quãng thời gian dài đến thế?” Bẵng đi một lúc lâu sau đó, không ai nói với ai câu nào, tất cả chỉ còn biết lặng lẽ nắm tay nhau mà cầu nguyện. Cầu nguyện như những gì Thu Linh đã nói. Cầu nguyện cho các bác sĩ chuẩn đoán sai, cầu nguyện cho cậu ấy chỉ bị một căn bệnh nhẹ nhàng. Hay nói cách khác, chúng tôi cầu nguyện cho một phép màu. Chỉ khi người mà ta vẫn chì chiết, vẫn cay nghiệt vì một lý do không chính đáng bấy lâu nay đã đi tới lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thì ta mới thấy những hành động của mình khi xưa là ngu ngốc, là lỗ mãng, là ích kỉ, là thiếu tình người đến nhường nào. Và khi ấy, ta chỉ mong cho thời gian được dài ra để mà bù đắp, mong cho thời gian được quay lại để sửa những lỗi lầm. Như chúng tôi bây giờ, tất cả, không chừa một ai đều đang đứng lặng ở nơi đây, cùng trông đợi đến khoảnh khắc cánh cửa cót két mở ra. Những bàn tay chợt buông, còn đôi mắt thì ngước lên đầy hy vọng. - Bạn của các cháu còn hai tháng. Chỉ bảy chữ, nhưng cũng đủ làm chúng tôi chết lặng. Sững sờ. Chưa bao giờ tôi muốn vứt đôi tai mình đi đến thế. - Theo chuẩn đoán của chúng tôi thì ung thư đã đến giai đoạn cuối rồi. Bệnh viện sẽ chuyển bạn ấy lên tuyến trên. – Người mặc áo trắng lắc đầu nhè nhẹ – Còn bây giờ, tốt nhất là đừng vào, để cho bạn ấy ngủ. Dường như lâu lắm rồi cô bé chưa ngủ được. Nói rồi, người ta lại đóng cửa, còn lũ chúng tôi, hầu hết đều vùng dậy chạy đi, cách thật xa nhau ra, mỗi đứa đều tìm cho mình một góc riêng mà gieo mình vào nỗi sợ hãi không dám tiết lộ cho bất kì ai. Có những đứa không ghìm được, tiếng khóc bật ra, rồi nó ôm lấy đứa bạn thân của mình mà òa lên nức nở, nhưng lại có những kẻ chỉ lặng thầm để cho nước mắt rơi rồi đưa ống tay áo lên lau thật nhanh, hoặc đông cứng những cơ mặt của mình lại để không khóc. Như Khả Du có lẽ đã làm với những nỗi đau của cậu ấy. Phải rồi, nỗi ân hận của chúng tôi, nỗi đau đớn về tinh thần của chúng tôi khi sắp mất đi một người bạn, làm sao có thể so sánh được với nỗi đau về thể xác mà cậu ấy phải chịu đựng? Chúng tôi chỉ còn hai tháng, chỉ còn 60 ngày, còn 1440 giờ, 86400 phút hay 518400 giây để bù đắp những tổn thương, ghẻ lạnh và xa cách mà chúng tôi đã gây nên trong vòng ba năm trời, cũng là cậu ấy chỉ còn chừng ấy thời gian để sống, để hít thở và để nhìn ngắm thế giới. Thời gian, nó là gì, mà sao lại ít ỏi đến thế, sao lại cay nghiệt đến thế? Biết vậy, nhưng làm thế nào được? Cuộc đời, và mọi thứ vẫn tuần hoàn và trôi theo quy luật muôn đời, mãi mãi không thể thay đổi, vẫn ngày, rồi đến đêm, vẫn gió, rồi lại ngừng, vẫn mưa, rồi trời lại tạnh. Chỉ có điều, nắng vẫn tắt. Trời vẫn rợn ngợp một màu mây. - Tớ mở cửa sổ ra nhé! – Nguyên cười khoe chiếc răng khểnh với người đang nằm trên chiếc giường trắng – Tí nữa Dương chuối đến thì cậu sẽ lấy được bài tập. Chiếc rèm được kéo ra, cửa sổ mở toang. Ánh sáng nhàn nhạt hắt lên chiếc quạt trần, in thành ba vệt bóng dài trên cửa chính. Bệnh viện cấp Trung ương đã đưa cho chúng tôi một tập hồ sơ, ghi rõ rằng Khả Du bị ung thư phổi. Chính xác là giai đoạn cuối. Tập hồ sơ chấm dứt mọi hy vọng về một phép màu của lũ trẻ con tin vào ông Bụt. Họ chuyển Du về bệnh viện tỉnh để nhường chỗ cho những người khác, hay nói kiểu khác, họ ngầm bảo chúng tôi chuẩn bị khăn trắng và khói nhang. Chúng tôi hiểu, nhưng chẳng ai đả động gì tới chuyện ấy. Du vẫn luôn ở đây với chúng tôi cơ mà? Bệnh viện tỉnh nằm giữa một bên là đường quốc lộ, bên kia là cánh đồng tít tắp, và chúng tôi đã đặc biệt yêu cầu cho Du một phòng nằm ngay sát cánh đồng bắp cải đang đến thì thu hoạch. Du vẫn cùng mấy đứa con gái chúng tôi tưởng tượng những gì đã xảy ra với cánh đồng trước khi trồng những luống bắp cải kia. “Có lẽ là một đám cỏ mọc cao như sân bóng trường mình.” – Thu Linh tưởng tượng. Chúng tôi đều nghĩ về cái sân bóng trường lúc nhúc cỏ gà, cỏ ấu, vàng thành từng vạt. Hồi chúng tôi còn là lũ học sinh cấp I bé loắt choắt, cả đám vẫn thi thoảng nhảy sang vào giờ ra chơi và tiết thể dục để cấu những ngọn cỏ ấu hình giọt nước to bằng đốt tay út, tách ra và lấy những con sâu trắng bé xíu xiu ngoe nguẩy bên trong. Rồi khi đầu móng tay đen kẹt và chiếc áo trắng nhuốm màu nâu hết, thì chúng tôi thả đám cỏ ấu vào trong những chiếc vỏ bim bim rơi đầy phía ngoài sân và cất chúng trong ngăn bàn, khiến mỗi lần dọn dẹp lớp là cả một cơn ác mộng. “Toàn hoa dại nữa.” – Thắng chép miệng. Và trong đầu mỗi đứa lại hiện lên những ngày tháng tám đầu tiên quay về trường sau mấy tháng nghỉ hè, cả sân bóng trường đầy những bông hoa li ti trắng bắt đầu nở tung. Lũ năm cuối chúng tôi lại ùa ra đầy sân trường, ngắt những ngọn hoa lớn nhất, cao nhất, bó lại thành từng bó bằng một lá cỏ rồi tặng nhau, cọ vào mũi nhau, ném nhau và mở ra một “cuộc chiến hoa dại”, tung đầy lên tóc, cù nách, rồi cho cả vào trong áo của nhau. Mấy đứa mang điện thoại nhanh chóng cầm máy lên và chụp ảnh, những bức ảnh nhòe nhòe do chất lượng chụp kém đầy những cánh hoa li ti, đầy những tiếng cười trong vắt và những gương mặt ngố tàu không ăn hình khiến chủ nhân chúng khóc thét đòi xóa. Nhưng tất cả đều bị tung lên Facebook ngay ngày hôm ấy. “Rồi người ta đốt đi trong những ngọn khói trắng dày như mây.” – Tôi chống cằm vào thành cửa sổ. Lũ chúng tôi lại nhớ những buổi chiều muộn,bác lao công tưởng đám học sinh đã về hết mà không để ý đến đám lớp 9 còn ở lại tập nhảy múa hát hò cho để diễn trước trường ngày 20-11, bác gom cỏ lại thành một đống và bắt đầu đốt. Khói lan theo cơn gió, bay lên những khung cửa sổ đang mở trên tầng hai, xộc thẳng vào trong lớp chúng tôi với một mùi khét nồng nặc, khiến mấy đứa đang nhảy hăng cũng phải nhảy dựng lên, tìm tất cả cửa sổ và chốt chặt lại. Khói vẫn vươn lên nền trời xanh ngắt, còn phía dưới, tiếng nổ lép bép vẫn đều đều khi những lá cỏ xanh chuyển màu thành úa vàng rồi chỉ còn lại một đám tro đen đúa. Chúng tôi ho sặc sụa, rồi lại quay ra cười với nhau khanh khách. Còn giờ đây, chúng tôi chụm lại bên cửa sổ của một phòng bệnh, nhìn ra ngoài cánh đồng, ngắm những hòn đất nâu se lại trong cơn lạnh mùa đông, lắng nghe và im lặng nhìn những kỉ niệm ùa trở lại. Kí ức về ngôi trường, về những trò nghịch ngợm, về những người bạn, tưởng chừng như đã chôn chặt ở một chỗ nào đó xa lắm, hóa ra vẫn luôn ở đó, ở một nơi rất gần trong tâm trí, chỉ chờ người chạm đến và kéo nó quay lại. Ai cũng vậy thôi, kể cả những đứa tưởng chừng như luôn tự đặt mình vào một chỗ và không có chút mối ràng buộc nào với người khác như Khả Du.
Posted on: Sun, 30 Jun 2013 18:59:37 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015