Mỗi năm, khi mùa Vu Lan về lại, biết bao gia đình - TopicsExpress



          

Mỗi năm, khi mùa Vu Lan về lại, biết bao gia đình trên thế giới như ấm lại bởi tấm lòng hiếu thảo của những người con hướng về các đấng sinh thành; nhất là khi sự trơ lì vô cảm, sự hờ hững vô ơn đang khiến sa mạc lan rộng trên cõi thế. Mùa Vu Lan như một cơn mưa tưới thấm những vùng đời sỏi đá, để từ đó ươm mầm cho sự thương yêu, qua chữ HIẾU. Người Á Đông luôn cho rằng trong trăm nết thì chữ Hiếu đứng đầu. Bách hạnh hiếu vi tiên! Hiếu đứng đầu trăm nết, như Bát nhã Ba la mật đứng đầu lục độ. Đứng đầu ở đây có nghĩa là làm nền tảng. Không có nền tảng thì tất cả đều sụp đổ. Trong lục Ba-la-mật, nhờ có Bát nhã Ba-la-mật mà năm Ba-la-mật kia (trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định) mới tựu thành được tinh thể vô biên của chúng. Cũng vậy, nếu một người sống không có chữ Hiếu thì mọi cái gọi là đức hạnh hay hy sinh của người đó, nếu có, đều chỉ là con số không rỗng tuếch, hay chỉ để lòe đời. Không phải ngẫu nhiên mà trong Nho giáo, kinh Hiếu lại được đặt ngang lên tầm một cuốn kinh, để được sánh ngang với kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Thi, kinh Nhạc v.v… Cùng đích là của Khổng giáo là đạo Nhân, xem vạn vật hồn nhiên nhất thể, rộng yêu thương tất cả mọi người; nhưng đức Khổng biết con người khó có thể trực tiếp đến đạo Nhân nên Ngài phải dạy cho con người hiếu để, từ đó làm nền tảng đi đến đạo Nhân. Không Hiếu mà đòi đạt Nhân là vọng tưởng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong một tôn giáo tìm cầu giải thoát, tưởng chừng như siêu việt cả thế gian như đạo Phật, sự tích đức Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ lại trở thành một huyển thoại sống mãi trong lòng những ai xem chữ Hiếu là chuẩn mực của đạo đức làm người. Một người không sống hiếu thảo được với cha mẹ mà nghĩ rằng mình là người có thể yêu nhân dân hay phục vụ nhân loại, thì đó là chỉ là tự lừa mình và dối đời. Yêu nhân loại, yêu nhân dân dễ lắm vì chẳng có gì là cụ thể cả. Nói như người phương Tây thì “Everything means nothing” (Tất cả có nghĩa là không có gì cả). Yêu cái gì mang tính chung chung thì vô cùng dễ, yêu cái cụ thể mới khó. Trong đạo làm người, cái cụ thể đó nằm một cách cụ thể trong chữ Hiếu. Yêu con cái là lẽ tự nhiên thường tình vì “nước mắt chảy xuống”, theo cách nói bình dị của dân gian. Điều đó thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể hiểu! Chỉ khi “hiểu” được điều đó thì ta mới có thể để “nước mắt chảy ngược” mà sống hiếu thảo với mẹ cha. Bởi vậy, nên yêu cha, yêu mẹ là nền tảng thực sự của một người văn hóa. Nhân thân nan đắc. Được mang hình hài của con người giữa nhân gian là một điều vô cùng may mắn, vì thân người khó có được, giữa dòng trầm luân sinh tử luân hồi. Cho nên những ai cư xử vô đạo với cha mẹ là đã đánh mất điều may mắn đó, vì họ tự đưa mình xuống thấp hơn cõi người. Đạo lý phương Đông không bao giờ cho phép người con trực tiếp lên án cha mẹ, đừng nói chi đến chuyện đối xử vô đạo hay nhẫn tâm tàn hại, cho dẫu đó là những người mang trọng tội. Đạo lý, nếu cần phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guồng máy xã hội, sẽ được thực hiện bởi Trời, bởi phép nước hoặc bởi một người nào khác. Trong sách Mạnh Tử, ông Đào Ứng đã giả định một vấn đề nan giải để đề nghị Mạnh Tử đưa ra được giải pháp. Ông Cổ Tẩu –cha vua Thuấn- là người cực ác, giết người phải tội chết, ông Cao Dao là người chấp pháp muốn bắt ông Cổ Tẩu để xử tử theo luật pháp, thì vua Thuấn phải xử lý thế nào? Vua Thuấn là con, xét về tình thì dĩ nhiên phải bảo vệ cho cha là đạo trời; nhưng vua Thuấn lại là vua, nên xét về lý thì theo luật phải xử tội cha để duy trì trật tự xã hội là đạo người. Mạnh Tử đã đề xuất một giải pháp mang tính điều hòa âu xa, đượm đầy ý nghĩa nhân văn cao viễn, mà mãi đến ngày nay vẫn còn là bài học kinh điển về đạo lý làm người : “Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ như bỏ một đôi dép rách, lén đưa cha đi trốn, lần theo bờ biển mà ở, suốt đời vui vẻ, vui mà quên đi thiên hạ” [2] Trong mọi nền văn học, triết học nhân loại có lẽ khó có một giải pháp nào hay hơn được nữa. Tìm được sự hòa điệu cho mâu thuẫn giữa lý và tình, giữa hiếu và tình, giữa hạnh phúc và trách nhiệm … vẫn luôn là vấn đề nan giải muôn thuở của con người. Lắm khi bước được ra khỏi vòng tranh chấp, con người đã thấy đời đổ tan hoang với những nỗi lòng thê thiết. Nếu vua Thuấn cứ căn cứ theo luật pháp cho phép ông Cao Dao xử tử cha mình, cho đúng với nghĩa “pháp bất vị thân” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã hội, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu vãn được trong nền đạo lý làm người cho muôn ngàn thế hệ mai sau. Tấm lòng của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến, mà lắm khi cuộc sống xô bồ trong thực tế nghiệt ngã đã khiến chúng ta không nhận ra điều đó, để đến khi nhận ra được thì có khi chỉ còn ôm một mối hận trong đời. Trong bộ phim The Edge of Heaven của nhà văn Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Fatik Akin, nhân vật chính Nejat – một giáo sư văn học, do một ngộ nhận mà giận cha mình không muốn nhìn mặt. Cho đến khi vào ngày lễ Eid Al-Adha của những người Thổ để tưởng nhớ sự tích Ibrahim tuân theo lệnh của Thượng Đế, hiến tế con trai độc nhất của mình là Ishmael cho Ngài (tức câu chuyện Abraham hiến tế con mình là Isaac trong kinh Cựu ước), anh nhớ lại thuở bé, khi nghe câu chuyện đó, Nejat đã hỏi cha anh sẽ làm gì nếu Thượng đế bắt ông phải làm như vậy, thì người cha trả lời: “Cha thà làm kẻ thù của Thượng Đế chứ không bao giờ làm tổn thương đến con của cha” (I’d rather make an enemy of God than harm my child)[3]. Chỉ một hồi tưởng đó đủ để Nejat tìm được sự hòa giải với cha mình, khi ngồi trên bãi biển để đợi cha về. Câu trả lời đó nói lên được tất cả tấm lòng của những người làm mẹ, làm cha trong khắp thiên hạ. Liệu có một lý tưởng nào cao cả hơn, có tấm lòng nào lớn lao hơn câu nói đó? Khi còn học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), cô giáo dạy văn cho chúng tôi làm một bài văn nghị luận về một câu nói của cụ Tú dặn con lúc lâm chung, trong tác phẩm “Nửa chừng xuân” của nhà văn Khái Hưng : “Ở đời không có gì xấu hơn sự quên ơn. Cừu nhân, ta không sợ bằng ân nhân. Ta chỉ lo sẽ xảy ra sự gì khiến ta không thể trả được ơn, chứ đối với kẻ thù thì không có khí giới nào mạnh bằng lòng hữu ái. Lòng hữu ái ấy, nếu ta đem ra đối đãi với ân nhân thì chẳng hóa ra ta đặt ân nhân ta ngang hàng với kẻ địch của ta ư?” Từ những lời cô giảng, lớn lên tôi mới thấm thía thêm rằng, đối với một cừu nhân ta có thể quên đi như quên một thứ gì đó xấu xa, nhơ bẩn trong đời, chẳng có gì đáng phải bận tâm thêm nữa; nhưng đối với ân nhân mà không báo đền được thì buồn và ray rức lắm. Mà sống trong đời, có mấy ai lại không chịu ơn người khác? Sống, có nghĩa là ta đang mang ơn cuộc đời. Chừng nào ta còn tồn tại trong “cõi người ta” thì ta cứ mãi mang ơn về tất cả những gì ta đang hưởng thụ được. Ta phải lao động để sống, cũng chính là để trả ơn đời. Con người sẽ sống tốt đẹp hơn nếu luôn nhớ rằng mình đang nhận nhiều ân huệ, và trân trọng những ân huệ đó. Nhưng trước hết và trên hết, có một mối ân sâu mà ta nhận ngay khi vừa mở mắt chào đời, và cả đời ta không thể nào báo đáp được, dù chỉ trong muôn một : đó là công ơn Cha Mẹ. Phật giáo đã ảnh hưởng sâu xa đến nền đạo lý Việt Nam qua bài ca dao tuyệt diệu: Cha già là Phật Thích Ca Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm Nhớ ngày xá tội vong nhân Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành. Trong tác phẩm Cổ học tinh hoa, cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc cũng có ghi lại một câu chuyện rất giản dị mà vô cùng cảm động: Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân. Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu để đến hầu bậc Vô Tế. Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng: -Được gặp bậc Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật. Ông hỏi: - Phật ở đâu? Lão tăng nói: - Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy. Dương Phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội khoác chăn, đi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bây giờ ông trông ra, thì hình dáng Phật mà lão tăng đã nói chuyện cho nghe. Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa. Báo hiếu cha mẹ là bài học vỡ lòng cho mọi sự tri ân. Nền tảng để con người sống cho ra một con người, để góp phần xây dựng nên một xã hội bình ổn chỉ có thể là chữ Hiếu. Chỉ khi chúng ta biết trân trọng công ơn cha mẹ theo tinh thần bài ca dao đó và câu chuyện trên thì ta mới cảm nhận được vẻ đẹp của sự tri ân, rồi ta mới cảm nhận được ân huệ của cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng tự lừa gạt mình và đừng để bị lừa gạt bởi những danh từ kêu to nhưng sáo rỗng về lý tưởng, về tình yêu dành cho nhân loại, một khi chúng ta sống chưa xứng đáng là một người con. Chỉ khi nào ta sống xứng đáng là một Người Con thì ta mới có nền tảng đạo lý để tập sống xứng đáng như một Con Người. Hiếu đạo trong Nho giáo và Phật giáo Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con (Ca dao) Trong chúng ta ai từng lớn lên mà không một lần được nghe câu ca dao đó, ai từng lớn lên mà không một lần được chìm đắm trong lời ru con ngọt ngào đó. Công lao cha mẹ sinh thành dưỡng dục, đạo làm con sao có thể quên. Hiếu đạo vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc ta, giá trị ấy, tinh thần ấy được giữ gìn, được bảo tồn và phát huy qua bao thế hệ đã trở nên bất biến, vĩnh hằng. Cũng như thế, đạo Phật với triết lí nhân sinh cao cả, với phương châm “Đạo pháp bất ly thế gian pháp” Phật giáo cũng mang trong mình giá trị nhân văn sâu sắc ấy. Hiếu đạo trong Phật giáo cũng rất gần gũi với hiếu đạo trong truyền thống dân gian, là sự thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên, dạy con người ta biết hướng về cội nguồn. Trước đây đã có rất nhiều bài viết bàn về chữ hiếu trong đạo Phật, chúng tôi chỉ muốn góp một tiếng nói nhỏ về vấn đề này, cũng là để bày tỏ lòng tri ân đối với đấng sinh thành. Người phương Đông vốn coi trọng các giá trị đạo đức truyền thống, coi các chuẩn mực đạo đức là thước đo nhân cách con người. Cách ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều trong vòng luân thường đạo lí. Trong đó mối quan hệ trong gia đình đặc biệt được đề cao, bởi vì đó là nguồn gốc, rường cột là nền tảng cho các mối quan hệ khác. Trong quan hệ gia đình thì chữ hiếu lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng, không đơn thuần chỉ là hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ, mà hơn thế, suy rộng ra chữ hiếu còn bao gồm các mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình dòng tộc, là sự ghi nhận, sự tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà tổ tiên, của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Đạo hiếu được bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, là sự bày tỏ, đền đáp công lao dưỡng dục trời bể của mẹ cha, người đã đem lại cho ta sự sống, nâng đỡ ta từ những bước đi đầu tiên. Đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ là để báo đền ân đức, nhưng không có nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ được ăn no, mặc ấm, được ở nơi nhà cao cửa rộng, phụng dưỡng cha mẹ không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần không để cha mẹ phải lo lắng, phiền muộn. Đức Khổng tử dạy rằng: “Phụ mẫu tại bất viễn du; du tất hữu phương”.(Luận ngữ - Lý Nhân) Nghĩa là: “Cha mẹ còn sống chớ đi chơi xa; nếu đi xa phải có nơi nhất định”. Điều đó, vừa là để cha mẹ khỏi lo lắng về mình, vừa là để nếu cha mẹ có mệnh hệ gì thì còn có chỗ mà báo tin cho con cái. Hiếu đạo phải được thực hiện thường xuyên, thể hiện từ những sinh hoạt đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày “Sắc nan! Hữu sự, đệ tử phục kì lao, hữu tửu tự, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ? ”(Luận ngữ - Vi Chính). Nghĩa là: “Giữ sắc mặt tươi tỉnh thật khó lắm thay! Khi có việc, con em hết lòng phụng sự, có cơm rượu mời cha anh xơi trước, người ta đều làm như vậy, há có thể coi là hiếu chăng?”. Người ta có thể lo cho cha mẹ nơi ăn chốn ở, nhưng quan trọng hơn là phải giữ được thái độ cung kính ở sắc mặt luôn tươi vui, dù khó khăn cũng không nề ngại. Đó mới đúng là người con có hiếu. Hiếu đạo được gây dựng dựa trên gốc là “thành” và thể hiện ra ở “kính”. Hiếu quý là ở lòng thành và sự kính trọng. Đó là vì: “Kim chi hiếu giả thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ ” (Luận ngữ - Vi Chính). Nghĩa là “Ngày nay những kẻ tự xưng là hiếu đều nói rằng mình đã nuôi nổi cha mẹ. Đến như loài chó, ngựa người ta còn nuôi được. Chẳng kính lấy gì mà phân biệt”. Cũng như thế, khi cha mẹ xế bóng, đạo làm con phải lo được chu toàn, nhưng không phải vì thế mà báo hiếu cha mẹ bằng mâm cao cỗ đầy, bằng phung phí xa hoa. “Tang trí hồ ai; nhi chỉ”(Luận ngữ - Tử Trương). Nghĩa là: “Việc tang cốt ở sự thương xót, chỉ như vậy mà thôi”. Như vậy cũng đủ thể hiện là người con có hiếu rồi. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, về già đều trong vòng “sinh, lão bệnh, tử ”, hay nói như đạo Phật là ở trong vòng luân hồi. Chúng ta là con được cha mẹ sinh dưỡng, rồi đến lúc dựng vợ gả chồng, lại làm cha làm mẹ, cứ như thế từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính vì vậy mà chúng ta báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên cũng là để sau này nhận lại được sự báo ân, báo hiếu ấy. Lúc cha mẹ còn hết lòng thành kính phụng sự “Phụ mẫu chi niên bất khả bất tri dã; nhất tắc dĩ hỉ, nhất tắc dĩ cụ” (Luận ngữ - Lý Nhân). Nghĩa là: “Tuổi của cha mẹ, làm con không thể không biết; vừa là để vui mừng, vừa là để lo lắng”. Vui mừng vì cha mẹ được thêm tuổi trời, nhưng lại lo lắng vì cha mẹ sắp phải đi xa, không còn được phụng dưỡng nữa. Thêm nữa, không chỉ lo cho cha mẹ mà còn phải biết lo lắng cho chính bản thân mình, cũng là để cho cha mẹ bớt đi phần lo ấy. Tăng tử, lúc sắp mất gọi đệ tử đến bên nói rằng: “Khải dư túc, khải dư thủ! Thi vân: Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lí bạc băng. Nhi kim nhi hậu, ngô tư miễn phù” (Luận ngữ - Thái Bá). Nghĩa là: Hãy cởi dải chân cho ta, hãy cởi dải tay cho ta! Kinh Thi có câu rằng: Hết sức giữ gìn, như xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng. Từ nay về sau ta có thể tránh được rồi đây”. Thân thể ta là do cha mẹ sinh ra há lại không thể giữ gìn hay sao, Tăng tử sai học trò kiểm tra lại chân tay mình trước khi mất cũng là để biết rằng mình đã không làm trái đạo hiếu. Đến khi cha mẹ không còn, việc tang tế không cầu kì mà cốt ở lòng thương xót, làm tròn được trí nguyện mà cha mẹ hòng mong muốn. Bởi vậy Đức Khổng tử cũng dạy: “Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ”(Luận ngữ - Lý Nhân). Nghĩa là: “Cha mất ba năm, mà người con không thay đổi chí hướng (cha đã căn dặn), thì có thể coi là người có hiếu vậy. Người xưa rất coi trọng đạo hiếu, vậy nên những bậc đại hiếu, chí hiếu trong thiên hạ đều rất được đề cao coi trọng, được người đời ca tụng, là tấm gương cho bao đời sau. Ngược lại những kẻ làm con mà bất hiếu, bị xã hội chê trách, bị người đời lên án, và sẽ phải nhận một hậu quả tất yếu. Đạo hiếu không có sự phân biệt trong xã hội, không kể đó là người sang hay kẻ hèn, người ở địa vị xã hội cao hay thấp mà cốt ở sự thể hiện lòng hiếu thảo của mình mà thôi.Trong lịch sử, trong dân gian hay trong văn học đều có rất nhiều những tấm gương như thế. Đạo Phật có mặt ở nước ta từ hàng ngàn năm, với sự từ bi nhân ái, với những giá trị nhân văn sâu sắc, trong đó đặc biệt đề cao đạo Hiếu như một triết lí nhân sinh, như một truyền thống tốt đẹp của mình. Phật giáo phổ độ khắp chúng sinh, bởi vậy hiếu đạo trong đạo Phật cũng mang một ý bao quát, ngoài việc báo ân cha mẹ, Phật giáo còn đề cập đến: Ân thầy cô: Là ơn người đã dạy dỗ, mang lại cho ta kiến thức. Ân Quốc gia xã hội: Là ơn đảm bảo cho ta cuộc sống hoà bình, ổn định Ân chúng sinh đồng bào: Là ơn những người đã sản xuất ra của cải vật chất, giúp chúng ta tồn tại. Đó chính là “Tứ ân” trong đạo Phật. Lễ báo hiếu trong đạo Phật được gọi là lễ Vu lan. Tích Vu lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên. Tích này được chép trong kinh Vu lan bồn. Chữ Vu lan bồn phiên âm từ chữ Sanskrit (Phạn) là Ularnbana. Người Trung Hoa dịch nghĩa là Giải đảo huyền (Tội treo ngược người). Mẹ của ngài Mục-kiền-liên gây nhiều nghiệp chướng, thấy ai tu thiện thì sinh lòng ghen ghét muốn hại, không thích gần gũi hiền nhân, phỉ báng Phật - Pháp - Tăng. Nói lời thô lỗ, chẳng tin tội phước, không sợ báo ứng nhãn tiền. Thích thờ cúng quỷ thần, tin theo tà pháp giết hại sinh vật, rượu thịt tế tự mong cầu phúc thọ. Đến khi chết bị đày xuống tầng cuối cùng của địa ngục, chịu hình phạt khắp mình tua tủa dao đâm, toàn thân lửa cháy đỏ rực, cổ mang gông sắt nặng nề, thân hình gày ốm trơ xương. Ngài liền cầu xin đức Phật cách giải cứu cho mẹ mình khỏi kiếp nạn. Đức Phật dạy rằng: “Ông hãy chí thành lễ bái cúng dường chư Tăng, xin chư Tăng hợp lực dùng sức mạnh của hàng ngàn tâm thanh tịnh và lòng từ bi quảng đại, đưa tư tưởng lành xuống cõi âm, cho mẹ ông tiếp thị sức màu, bỏ hết tham, sân, si, ích kỉ, tính của loài ngã quỷ, thì mới mong chuyển kiếp”(Kinh Vu lan bồn). Tôn giả Mục-kiền-liên nhất tâm vâng theo, quả nhiên đã cứu được vong hồn mẹ ông thoát khỏi kiếp ngã quỷ, sinh về cảnh giới an lành. Như vậy ngày Vu lan là ngày của Phật tử đền ơn đáp nghĩa đến chùa cầu thỉnh chư Tăng, sau ba tháng an cư thanh tịnh, chú nguyện cho vong nhân của mình thoát khỏi cảnh đoạ đày tăm tối của địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, đồng thời cầu nguyện cho tất cả người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như Tôn giả Mục-kiền-liên đã làm khi cứu mẹ. Từ câu chuyện về đức hiếu của ngài Mục-kiền-liên, Đức Phật đã dạy chúng ta về hiếu hạnh trong khắp chúng sanh, công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục là thiêng liêng nhất không gì so sánh được, và đạo làm con phải thực hiện tròn bổn phận của mình. Đức Phật dạy rằng: “Đạo làm con phải thực hiện 5 bổn phận: Luôn cung kính và vâng lời cha mẹ; Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu; Gìn giữ thanh danh và truyền thống gia đình; Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời” (Trường Bộ Kinh - IV). Đức Phật cũng nói ta được như ngày hôm nay là nhờ công ơn cha mẹ, vậy nên người muốn học đạo không thể không hiếu với cha mẹ. Và sự tu nhân tích đức, lòng hiếu thảo đó sẽ được đền đáp bằng sự chứng quả giải thoát. “Ta tự nhớ nhiều kiếp trong quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, cho đến đem thân mạng để cứu giúp cha mẹ, do công đức như vậy, các tầng trời làm vị Thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương” (Kinh Hiền Ngu). Mục tiêu của đạo Phật là đưa con người đến sự giác ngộ, đến sự giải thoát an lạc, vì thế người con có tấm lòng chí thành chí hiếu, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ, mà còn làm cho cha mẹ thoát khỏi những cội rễ “vô minh” quay về với con đường quang minh sáng lạng, cầu siêu đưa cha mẹ thoát khỏi khổ ải nơi địa ngục đến cảnh giới an lành. Khi cha mẹ chưa an trú trong Chánh pháp, làm sao giúp đỡ, dẫn dắt cha mẹ an trú trong Chánh pháp, cha mẹ chưa an trú trong điều lành thì làm sao đưa cha mẹ an trú trong điều lành. Như vậy cha mẹ không những được hưởng phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn được hưởng phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền muộn, xa lánh thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sinh tử. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Ấy mới gọi là: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu” (Cha mẹ được giải thoát lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo). Nhưng phải làm thế nào để giúp cha mẹ đạt được điều đó? Đức Phật đã dạy rằng: “Nếu gia đình nào có người con biết Bố thí, biết Ái ngữ, biết Lợi hành, biết Đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con” (Kinh Trường A-hàm). Người biết bố thí là người luôn đem tâm hoan hỉ bố thí cho mọi người, đó không cứ phải là vật chất hay tiền bạc, nhiều khi sự bố thí ấy chỉ là một cử chỉ một nụ cười nhưng cũng đem lại cho mọi người sự an vui, tiêu tan sự đau khổ. Và như thế người con biết bố thí là người con biết hiếu thảo với cha mẹ. Thứ hai là ái ngữ, tức là lời nói nhẹ nhàng, cung kính. Điều này rất dễ mà cũng rất khó làm, người con đối với cha mẹ lúc nào cũng thể hiện được ái ngữ, đấy là đã làm tròn đạo hiếu vậy. Thứ ba là lợi hành, nghĩa là biết làm điều có ích, cho mình, cho gia đình, cho xã hội. Nếu người con không biết lợi hành thì làm sao cha mẹ có thể được hưởng sự hiếu kính. Thứ tư là đồng sự, cùng nhau làm lụng, cùng nhau chia sẻ sự đùm bọc yêu thương, đó chính là bày tỏ lòng hiếu kính vậy. Đấy là khi cha mẹ còn sống, còn khi cha mẹ “hoa khai cực lạc”, đạo làm con lại càng cần thực hiện đầy đủ hạnh tu Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự. Đó cũng là để cho cha mẹ được siêu thoát, được đến cõi thanh bình cực lạc. Thế nhưng không phải trên thế gian này không còn những người con bất hiếu, vì sự “lầm đường lạc lối” mà sa vào bến mê, quên đi công lao cha mẹ sinh dưỡng, phạm vào tội “nghịch tử” bất hiếu. Như Đức Phật đã dạy: “Thế Tôn lấy một ít đất trên móng tay rồi nói với các Tỳ khiêu: Các ngươi nghĩ thế nào? Đất trên đầu móng tay ta hay đất trên trái đất này nhiều. Các Tỳ khiêu trả lời: Bạch Thế Tôn đất trên đầu móng tay Người quả là rất ít so với đất trên trái đất. Cũng thế ấy, này các Tỳ khiêu, chúng sinh có hiếu đối với cha mẹ thì rất ít so với chúng sinh bất hiếu như đất trên trái đất”(Kinh Tương Ưng Bộ). Vậy nên chúng sinh cần sớm tỉnh ngộ, theo con đường chân tu để thoát khỏi cảnh đoạ đày muôn kiếp về sau. Mở rộng hơn về triết lí nhân sinh, đạo Phật còn đề cập đến ân thầy cô dạy dỗ, ân quốc gia xã hội, ân chúng sinh đồng bào. Nếu cha mẹ là người sinh dưỡng ra ta thì thầy cô là người đem lại cho ta sự hiểu biết, trang bị cho ta kiến thức về cuộc sống, về hành vi ứng xử. .Điều này còn đặc biệt có ý nghĩa với những người xuất gia tu hành. Bởi vì người thầy dạy đạo là người dẫn dắt ta trên con đường tu tập, hướng ta tới sự giải thoát, để đạt đến cõi niết bàn. Đạo Phật cũng đề cập đến ân quốc gia xã hội đã cho ta cuộc sống yên bình, ổn định, ân chúng sinh đồng bào đã sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống chúng ta.Tại sao đạo Phật lại đề cập đến những ân đức này? Đó là bởi vì con người không thể tồn tại chỉ như là một cá nhân đơn lẻ, mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội, cần có sự gắn kết giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ xã hội. Chúng ta biết và chịu ơn tất cả mọi người, từ người nông dân trồng lúa để cho ta có cái ăn, người nuôi tằm dệt vải để ta có cái mặc và biết bao ngành nghề khác để phục vụ ta trong cuộc sống đời thường. Chúng ta cũng chịu ơn cỏ cây hoa lá, chim muông đã cho ta môi trường thanh sạch….Đó là vì thảy chúng sinh đều có quan hệ thân thuộc lẫn nhau. Vậy nên Đức Phật đã dạy chúng ta hãy mở rộng lòng thương đến khắp chúng sinh, không sát hại sinh vật để thoả mãn nhu cầu của riêng mình. Hoà mình với đạo lí truyền thống của dân tộc, đức hiếu hạnh trong đạo Phật hướng con người về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thực hiện đức hiếu hạnh là đáp đền “Tứ trọng ân đức” và như thế tâm hồn con người được nuôi dưỡng trong sự thánh thiện, mà người người được hưởng an lạc, nhà nhà trong cảnh thái bình, thập loại chúng sinh được dẫn dắt, được nương nhờ nơi cửa Phật từ bi. Âu cũng là sự giữ gìn và phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới, như Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra./. Đạo Phật Và Chữ Hiếu Mỗi năm, vào dịp lễ Vu Lan, chúng ta đều tập hợp đông đủ ở đây, để cùng đọc lại những lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu, thân tình nhắc nhủ nhau thực hiện những lời dạy đó một cách trọn vẹn trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Trước hết, tôi xin phép nhắc lại một đặc điểm của tôn giáo chúng ta là nói đi đôi với làm. Người Phật tử không nói dối. Nói mà không làm là một hình thức nói dối. Đức Phật từng dạy rằng, nói lời hay mà không làm, cũng không khác gì hoa đẹp mà không có hương (Kinh Pháp Cú). Đối với cha mẹ, chúng ta phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ tuổi già, đau ốm, cần tới sự săn sóc ân cần của chúng ta. Đức Phật từng dạy rằng, săn sóc người ốm cũng như săn sóc Đức Phật. Nếu người ốm đó lại chính là cha mẹ chúng ta, thì sự săn sóc phải ân cần chu đáo gấp trăm ngàn lần. Đáng tiếc rằng, ở thế gian, người ta thường không làm được như vậy. Cha mẹ già, đau ốm thưòng bị con cháu bỏ rơi. Chúng ta là Phật Tử, chúng ta tuyệt đối không được làm thế bởi vì làm thế không những trái với đạo lý thông thường của thế gian mà cũng trái với lời chính Đức Phật dạy. Trái đến hai lần, trái lời Phật dạy phải săn sóc người ốm, trái lời Phật dạy phải hiếu kính cha mẹ, phải săn sóc người ốm như chính là săn sóc Đức Phật. Hiếu kính cha mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Nhiều ca dao tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con Hoặc: Trải bao gian khổ không sờn Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền. Đạo Phật vào Việt Nam, lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp đó: Đêm đêm khấn nguyện Phật trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 1. Đức Phật tán thán công ơn cha mẹ là to lớn khó lòng đền đáp. Đó là những câu ca dao Việt Nam, mà hầu như mọi người chúng ta đều thuộc lòng. Thế nhưng lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu còn cụ thể hơn nhiều, hình ảnh mà Đức Phật dùng làm ví dụ sinh động hơn nhiều: Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chứng không phải là nước trong bốn biển (Tương Ưng II, 208). Đức Phật lại nói tiếp: Có hai hạng người, naỳ các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha... (Tăng Chi I, 75). Rồi Đức Phật giải thích, vì sao công ơn cha mẹ đối với con cái to lớn đến thế. Vì cớ sao? Ví rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này (Tăng Chi I, 75). 2. Gia đình có con cái hiếu thảo với cha mẹ được Phật tán thán ngang bằng với Phạm Thiên Đức Phật nhắc nhủ chúng ta hiếu kính cha mẹ, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, bởi vì làm như vậy cũng không đủ để trả ơn cha mẹ, nhưng theo đúng quy luật nhân quả của nhà Phật, công đức của người con hiếu thảo cũng đã vô cùng to lớn rồi. Và Đức Phật đã tán thán công đức của những gia đình hiếu thuận, và những người con hiếu thuận như sau: Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường. Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa vói mẹ cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời (Tăng Chi I, 147). Đức Phật là bậc trí tuệ, bậc giác ngộ lớn, không gì không biết, không gì không thấy. Nhân thế nào quả thế nào, Đức Phật biết rõ, thấy rõ như trong lòng bàn tay. Những điều Phật biết, Phật thấy, chúng ta không biết không thấy, hoặc chỉ biết và thấy một cách đại khái. Công đức, quả báo cuả những gia đình, những con cái hiếu thuận với cha mẹ, thực là lớn lao vô cùng, nhưng chỉ có Đức Phật mới thấy rõ, biết rõ và giảng giải lại cho tất cả chúng ta được biết một cách thật là sinh động và cụ thể. Thi hào Nguyễn Du tác giả truyện Kiều, có câu: Dù xây chín đợt phù đồ Không bằng làm phúc cứu cho một người. Thông hiểu lời Đức Phật về chữ Hiếu, chúng ta cũng có thể nói: Dù xây chín đợt phù đồ Không bằng hiếu thuận mẹ cha một ngày. Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái không phải hiếu thuận mẹ cha một ngày mà cả đời mình. Một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha (Tăng Chi I, 75). Phật dạy rằng gia đình nào hiếu kính cha mẹ thì cũng không khác gì Phạm Thiên. Không khác gì bậc Đạo sư thời xưa, và xứng đáng được cúng dường. Ý nghĩa của những ví dụ ấy như thế nào? Những người Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo, ngày xưa xem Phạm Thiên (Brahma) như là vị Thần tối thượng của họ, còn theo đạo Phât, Phạm Thiên là cõi trời Dục giới và Sắc giới. Đức Phật đánh giá gia đình nào có con cái hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì cõi trời Phạm Thiên vậy, và những người sống trong gia đình như thế cũng giống như chư Thiên ở cõi trời Phạm Thiên vậy. Kính lễ, tán thán những người con hiếu thảo không khác gì kính lễ, tán thán Phạm Thiên. Và sống trong những gia đình hiếu thuận với cha mẹ, cũng tức là sống hạnh phúc, an lạc không khác gì sống ở cõi trời Phạm Thiên. Các bậc Đạo sư thời xưa được tôn quý như là các bậc Thầy hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh cho dân chúng. Đức Phật tán thán những ngưòi con hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì các bậc Đạo sư thời xưa. Vì cớ sao? Chính là vì, gương sáng hiếu thuận cha mẹ cũng là gương sáng của cuộc sống tâm linh và đạo đức cao cả. Và bởi lẽ, những người con hiếu thảo với cha mẹ, được Đức Phật coi trọng như Phạm Thiên, như các bậc đạo sư thời xưa cho nên họ cũng xứng đáng được cúng dường. Ngưòi Ấn Độ ngày xưa xem lửa như một vị Thần mà họ gọi là thần Agni. Họ có tập tục tế lửa. Anh em ông Ca-Diếp, trước khi quy y Phật, vốn là những người theo đạo tế Thần lửa. Nhưng Đức Phật dạy rằng, cha và mẹ chính là lửa đáng cung kính và cúng dường vì cha và mẹ đem lại sự sống cho con cái, cũng như lửa đem lại ánh sánt ấm áp và sức sống cho muôn loài. Đức Phật dạy: Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà la môn, những người mẹ, những người cha của người ấy. Này, Bà la môn đáng gọi là lửa đáng cung kính (Tăng Chi I, 74). Đức Phật lại nói rằng, nguời con hiếu thuận với cha mẹ, cung kính, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do chính sức mình làm ra một cách hợp pháp, thì cha mẹ cũng thương mến lại người con, và nói về con mình với những lời tốt đẹp: Mong rằng, nó được sống lâu! Mong rằng thọ mạng nó được che chở lâu dài! (Tăng chi II, 106). 3. Con cái hiếu thuận với cha mẹ sẽ được sanh Thiên Và Đức Phật nói thêm là một ngưòi con, được cha mẹ thương mến nhờ vậy, sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều và lâu dài. Những người con như thế sau khi mạng chung, sẽ được sanh lên các cõi Trời, ở đây, sẽ được sống sung sướng, an lạc, một đời sống sung sướng an lạc mà loài người chúng ta không tưởng tượng nổi: Thờ mẹ cha đúng pháp, Buôn bán đúng, thật thà, Gia chủ không phóng dật, Được sanh Tự Quang Thiên (Kinh Tập, Sutta Nipata). Tự Quang Thiên là một cõi trời, trong đó chúng sanh có thân hình đẹp đẽ chói sáng. Trong bài kệ trên của kinh Sutta Nipata, chúng ta chú ý câu: Thờ cha mẹ đúng pháp, Buôn bán đúng, thật thà.... 4. Thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp Hiếu thuận, thờ kính cha mẹ là điều tốt lành, như Đức Phật tán thán, nhưng phải thờ kính, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do tự mình làm ra đúng pháp chứ không phải là phi pháp, phi đạo đức. Sát sinh, lấy của không cho, nói dối, nói ác, nói chia rẽ, làm các tà hạnh để có nhiều tiền của đem phụng dưỡng mẹ cha, đó là điều rất không tốt đẹp mà Đức Phật cũng như các vị đệ tử của Ngài khuyên răn đừng có làm. Chúng ta chú ý lời sau đây của Đức Phật nói với thanh niên Bà la môn Mahànàma: Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử, với những tài sản do nổ lực tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ... (Tăng Chi II, 106). Ngài Xá Lợi Phất, trong kinh Dhananjàni (Trung Bộ II, 540), cũng nói rõ ý tứ của Phật là phải làm điều lành, không làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ: Này Dharanjàni, nhà người nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ, làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là một ngưòi vì cha mẹ, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, thì ai tốt đẹp hơn?. Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Và ngài Sàriputta kết luận: Này, Dhananjàni, có những hành động khác, có nhận, đúng pháp, với những hành động này, có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm các điều ác, làm các điều lành. Những người làm các điều ác để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không thể tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình. Và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và bào chữa cho những hành vi bất chánh của mình. Kinh Dhananjani tiếp đó, giải thích rõ, các con cái, vì mẹ cha mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo, kể cả đọa địa ngục, và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ, cho nên không chịu quả báo, không đọa địa ngục. 5. Khuyến khích cha mẹ có lòng tin chơn chánh, giới hạnh chân chánh, bố thí và trí tuệ chân chánh. Một vấn đề được đặt ra là, theo đạo Phật, con cái làm thế nào để trả ơn đầy đủ cho cha mẹ? Bởi vì, như Đức Phật dạy, con cái dù mộg bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, dù có làm 100 năm đi nữa, thì cũng không đủ để đền đáp công ơn cha mẹ, tuy rằng người con hiếu thảo vẫn được quả báo lớn và sau khi mệnh chung, sẽ sanh lên cõi trời. Đức Phật trả lời rõ ràng vấn đề này trong Tăng Chi bộ kinh, tập I, trang 75: Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với cuả cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha. Vì sao Đức Phật lại dạy như vậy? Đấy là do công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái như trời, như biển, cho nên không thể nào lấy của cải vật chất để bù đắp lại được. Vả chăng, mọi của cải vật chất, đều vô thường biến hoại, nay còn mai mất, không có giá trị trường cửu. Trái lại, cha mẹ không có lòng tin đối với Tam Bảo, dối với chánh pháp, mà con cái biết hưóng dẫn, khuyến khích cha mẹ có được lòng tin; nếu cha mẹ làm điều ác, mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ làm điều lành, nếu cha mẹ keo kiệt, xan tham mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ bố thí; nếu cha mẹ có ác kiến, tà kiến và sống theo ác kiến, tà kiến mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ từ bỏ ác kiến; tà kiến, có được chánh tri kiến và sống theo chánh tri kiến thì những con cái đó đã làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha. Tất nhiên, con cái muốn làm được như vậy, tự mình phải có đức tin chân chánh, tin ở Tam Bảo, tin ở chánh pháp; tự mình phải là ngưòi tốt lành và làm các điều tốt lành, tự mình thực hành các pháp bố thí: bố thí tài sản, bố thí pháp, bố thí vô úy (tức là sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ người khác để họ khỏi sợ hãi), và bố thí tùy hỉ (tức là luôn luôn làm cho người khác vui vẻ, và chia xẻ niềm vui với họ), tự mình học, tu đúng pháp để có trí tuệ chân chánh, hiểu biết chân chánh, khuyến khích cha mẹ bỏ điều ác làm điều lành, hoan hỷ bố thí và có trí tuệ chân chánh, một người con như vậy được Đức Phật tán thán là đã trả ơn đủ cho cha và mẹ. Chúng ta cần chú ý là: Tự mình không tin thì làm sao xây dựng được lòng tin cho cha mẹ hay người khác được? Tự mình không làm điều lành, không bố thí, không có trí tuệt thì làm sao khuyến khích cha mẹ và người khác làm điều lành, bố thí và có trí tuệ được? 6. Những người con xuất gia đều là con cái chí hiếu. Ở đây, luôn tiện tôi muốn trả lời một thắc mắc, mà những theo đạo Nho thừng hay nêu lên đối với đạo Phật. Họ cho rằng, những người xuất gia, từ bỏ gia đình, cầu đạo giải thoát, đều là những người con bất hiếu. Đó là những thắc mắc của những người không hiểu gì về lý tưởng xuất gia của đạo Phật. Xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân, xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ những tình cảm hẹp hòi vị kỷ gắn liền với danh lợi thế gian, từ bỏ tham, sân, si. Xuất gia là chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ, đều là người thân tất cả, đều là cha mẹ, anh, em, con cái ruột thịt của mình, đức Phật, được tôn gọi là đấng từ phụ, nghĩa là Cha lành, vì Ngài yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ thương yêu người con một của mình. Người xuất gia cũng vậy, noi gương Đức Phật, xem toàn bộ xã hội như là gia đình của mình, mọi ngưòi trong xã hội đều là bà con thân thiết, đều như cha mẹ, anh em, con cái ruột thịt của mình. Nhưng điều quan trọng là người xuất gia báo hiếu bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin, khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, bố thí và tu học chánh pháp, có được trí tuệ chân chánh. Và như vậy, theo lời Phật dạy, chính là báo hiếu cha mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Đức Phật dạy rằng, lòng tin là sức mạnh. Vì vậy, đem lại cho cha mẹ lòng tin, tức là đem lại cho cha mẹ sức mạnh. Đức Phật dạy: Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện: thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này (Tăng Chi II, 49) Cần chú ý là Đức Phật tán thán lòng tin không phải vì lòng tin, mà vì lòng tin dẫn tới giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ. Con cái đem lại lòng tin cho cha mẹ, cũng tức là đem lại cho cha mẹ giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ. 7. Truyện dân gian Nam Hải Quan Âm: Diệu Thiện trả ơn cha mẹ bằng cách độ thoát cho cha mẹ Trong chuyện dân gian Việt Nam, có truyện thơ Nam Hải Quan Âm rất được ưa chuộng. Đây là truyện một công chúa xuất gia độ thoát cho vua cha là người rất hung ác, một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ, tóm tắt toàn bộ ý tứ của truyện: Chân như Đạo Phật rất mầu, Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài. Đạo Phật có một quan niệm rất rộng lớn, phóng khoáng đối với hiếu và nhân. Hiêu là độ thoát được cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ thoát khỏi vòng tội lỗi, mê lầm, đến với giới hạnh và trí tuệ. Còn nhân là độ thoát tất cả mọi loài, mọi chúng sanh, hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi vòng tội lỗi và mê lầm đến với giới hạnh và trí tuệ. Truyện tả cảnh núi Hương Tích nơi Phật khuyên công chúa Ấn Độ sang đấy tu hành: Đức Phật mới chỉ đường tu Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn Gần bể Nam Việt thanh nhàn Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành Núi cao ngân ngất mịt mù Âm thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây Trên thì năm sắc từng mây Dưới thì bể nước trong vầy như gương Cá chim chầu tại tĩnh đường Hạc thưòng hiếu quả, hươu thường dâng hoa. Và chính tại núi Hương Tích naỳ, công chúa đã tu hành thành đạo quả và: Trên thời hiếu báo sanh thành, Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta Bà 8. Truyện Quan Âm Thị Kính: Tiểu Kỉnh Tâm đối đãi với con Thị Mầu như con của mình Khác với truyện Nam Hải Quan Âm, truyện Quan Âm Thị Kính giới thiệu một nét khác của người xuất gia theo đạo Phật: Tiểu Kỉnh Tâm xem con của Thị Mầu như là con của mình không khác, bởi vì như Đức Phật dạy, người xuất gia phải có lòng từ rộng lớn, phải thương yêu tất cả mọi chúng sanh như là người mẹ thương yêu con một của mình vậy. Tiểu Kính Tâm mặc dù bị Thị Mầu vu oan, nhưng lại hết lòng nuôi con Thị Mầu, chu đáo tận tình như con đẻ. Kỉnh Tâm tuy xuất gia ở chùa nhưng lòng vẫn nhớ cha mẹ vẫn không khuây: Bạch Vân khuất nẻo xa xa Song thân ta đấy là nhà phải không? (Quan Âm Thị Kính). Người xuất gia không phải cắt đứt tình cảm đối với cha mẹ, gia đình, thân thuộc. Người xuất gia chỉ đặt tình cảm dió trên một bình diện rộng lớn hơn, với một mức độ thắm thiết và sâu sắc hơn. Chúng ta hãy nghe sư cụ chùa Vân, hát theo điệu kể hạnh, những lời ca về Tiểu Kính Tâm thành Phật Quam Âm, độ được mẹ cha, cứu được con thơ: Nay bà Thị Kính hóa duyên Nam mô Phật độ vô biên hằng hà Hóa thân được cả mẹ cha, Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ, Thế gian trông thấy sờ sờ... Như vậy Kỉnh Tâm xuất gia tu đạo Phật, đã đền đáp đầy đủ công ơn cha mẹ, giúp đời cứu người, chữ hiếu chữ nhân đều vẹn toàn. Truyện Quan Âm Thị Kính kết thúc bằng hình ảnh Đức Phâạt Thiên Tôn hiện ra cho mọi người được thấy, phán truyền cho mọi người biết tin Tiểu Kỉnh Tâm đã thành Phật Quan Âm, cha mẹ Kỉnh Tâm đều được độ thoát, thậm chí cả chàng Thiện Sĩ, chồng cũ của Kỉnh Tâm và con của Thị Mầu cũng được nhờ ơn: Giữa trời một đóa tường vân Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn Vần vần tỏ rạng tường loan Tràng phan, bảo cái giao hoan âm thầm Truyền cho nào tiểu Kỉnh Tâm Thị thăng làm Phật Quân Âm tức thì Lại thương đến đứa tiểu nhi, Lên tay cho đứng liền bấy giờ Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ Cho làm vẹt đứng nhờ một bên Độ cho hai khóm xuân huyên, Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa. Siêu thăng thoát cả một nhà Từ đây phước đẳng hà sa vô cùng. Truyện Quan Âm Nam Hải cũng như truyện Quan Âm Thị Kính đều có nội dung báo hiếu, theo quan niệm đúng đắn và rộng lớn của đạo Phật. Đạo Phật là đạo giải thoát. Con cái, báo hiếu cha mẹ, không phải chỉ phụng dưỡng cha mẹ bằng tất của cải vật chất, mà còn giúp cho cha mẹ có được lòng tin chân chính, giới hạnh chân chính, trí tuệ chân cháng, hiểu biết thế nào là đạo giải thoát và sống theo nếp đạo giải thoát. Đó là nghĩa chữ Hiếu theo đạo của chúng ta. Là Phật tử, mọi người chúng ta hãy cố gắng, sống trọn vẹn theo đạo Phật như lời đức Phật dạy. Không những chúng ta nói như vậy mà chúng ta làm như vậy, sống như vậy. Không những bản thân chúng ta sống như vậy, làm như vậy, mà chúng ta còn khuyến hkích, hướng dẫn con cái, bạn bè, người thân, tất cả mọi người mọi đều biểu như vậy, sống như vậy, làm như vậy. Mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là những gia đình hiếu thuận, trong đó con cái hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ săn sóc, dạy dỗ con cái, vợ chồng thương yêu, kính trọng lẫn nhau, anh chị em sống hòa thuận vui vẻ với nhau. Mọi gia đình như vậy, Đức Phật xem ngang hàng với cõi trời Phạm Thiên, là cõi trời cao nhất của Dục giới và Sắc giới. Những người sống trong những gia đình như thế, Đức Phật xem ngang hàng với các Phạm Thiên, sống ở cõi đời Phạm Thiên, xứng đáng được mọi người tán thán, cung kính, cúng dường. 9. Số con cái không hiếu thảo nhiều hơn số con cái hiếu thảo Hiếu thảo với cha mẹ có công đức lớn như vậy, lại phù hợp với đạo lý thế gian cũng như với đạo lý nhà Phật. Ấy thế mà vô lý thay, ở đời: Mẹ nuôi con, như trời như bể, Con nuôi mẹ, con kể từng ngày. Ở đời, số người con hiếu thảo thường ít hơn số con người con bất hiếu. Số người sống thuận với đạo lý thế gian và Đạo Phật thường ít hơn là số người sống ngược với đạo lý thế gian và đạo lý nhà Phật. Chính vì vậy mà ở đời, số người bất hạnh có nhiều hơn số người hạnh phúc. Khi so sánh số người con bất hiếu ở đời quá nhiều, và số người con có hiếu ở đời quá ít, Đức Phật đã dùng ví dụ sinh động sau đây: Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay mà bảo các bậc Tỳ kheo: Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo! Cái nào là nhiều hơn, một ít đất ta lấy trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này? Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: Còn ít hơn là một ít đất ta lấy trên đầu móng tay hay quả đất lớn này? Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay... Cũng vậy, này các Tỳ kheo! Ít hơn là chúng sanh có hiếu kính với mẹ, và nhiều hơn là chúng sanh không hiếu kính với mẹ. Cũng vậy, ít hơn là chúng sanh có hiếu kính với cha, và nhiều hơn là chúng sanh không hiếu kính với cha... 10. Đức Phật cũng nhắc nhủ người cha, người mẹ phải có bổn phận với con cái Khi Đức Phật khuyên bảo con gái phải hết lòng kính yêu phụng dưỡng cha mẹ, Ngài cũng không quên nhắc nhủ về bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Trong kinh Giáo thọ Thi ca la việt (Trường bộ kinh IV, 188b) Đức Phật dạy: Người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái: ngăn chặn con điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của cải thừa tự cho con. Với một bậc đại giác ngộ, đại trí tuệ như Phật, những lời dạy của Ngài bao giờ cũng hết tình, hết nhẽ. Là người cha, người mẹ, là con cái của các gia đình Phật Tử, chúng ta hãy suy ngẫm, ôn kỹ những lời dạy chí lý chí tình của Đức Phật về chữ Hiếu, và thực hiện những lời dạy dỗ một cách trọn vẹn trong mọi gia đình chúng ta, trong đời sống hàng ngày của chúng ta. 11. Tất cả gia đình Phật tử phải là những gia đình hiếu thuận. Vì sao Đức Phật lại nói những con bất hiếu là số nhiều, những nguời con hiếu thảo là số ít? Đức Phật nói như vậy là để răn dạy chúng sanh, cũng như bà mẹ Việt Nam thường nói: Nước mắt chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược, cha mẹ bao giờ cũng thương con hơn là con thương cha mẹ. Nhưng các gia đình Phật tử chúng ta không thể sống theo nếp sống tầm thường và phản đạo lý đó của thế gian được. Không phải chỉ là số nhiều mà tất cả gia đình Phật tử hằng lui tới Thiền viện Vạn Hạnh, Viện nghiên cứu Phật học và Trường Cao cấp Phật học này đều phải là những gia đình hiếu thảo và hòa thuận, đều là những cõi Trời Phạm Thiên trên cõi thế này, xứng đáng được mọi người tán thán, ngợi khen, được các gia đình không phải Phật tử học tập, noi theo. Nhân ngày lễ Vu Lan truyền thống, tôi thành tâm cầu nguyện để cho trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn này, mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là một điểm sáng, tỏa sáng, rực sáng vì ánh sáng bao giờ cũng đẩy lui bóng tối, tình thương bao giờ cũng chiến thắng tội ác, trí tuệ bao giờ cũng khuất phục dốt nát và si mê, hạnh phúc và đạo đức bao giờ cũng vượt lên trên bất hạnh và phi đạo đức. Chúc quý vị một mùa Vu Lan hoan hỷ. Chúc các gia đình quý vị được an lạc và toả sáng như cõi trời Phạm Thiên.
Posted on: Sat, 23 Nov 2013 02:40:51 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015