NPK láo nháo đủ kiểu Bây giờ hễ ra đại lý phân - TopicsExpress



          

NPK láo nháo đủ kiểu Bây giờ hễ ra đại lý phân bón là gặp NPK với đủ loại công thức, giá cả vô chừng. Chất lượng tốt cũng có nhưng lôm côm không phải ít. Các cơ quan chức năng cứ phạt, NPK kém chất lượng vẫn cứ tồn tại dài dài. Tại sao vậy? Ngay tại địa bàn TP.HCM, số liệu cung cấp từ Phòng Nông nghiệp của Sở NN-PTNT cho biết có đến 150 DN SXKD phân bón, trong đó hết phân nửa là SX NPK. Tại Đồng Nai có 30 DN thì có gần 1/3 là SX phân NPK. Tại Bình Dương có 20 DN thì cũng có phân nửa SX NPK. Trong đó nhiều Cty mới nghe tên thôi cứ tưởng như liên doanh với nước ngoài để SX phân bón NPK cao cấp như phân bón Hà Lan, Việt Mỹ, Việt Pháp, Liên bang Đức (TP.HCM), Việt-Nauy (Đồng Nai)... nhưng thật ra các sản phẩm làm ra đều từ công nghệ phối trộn từ nguyên liệu nhập khẩu (trừ urê). Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện có 4 loại phân NPK được các DN tập trung SX chính là 20-20-15 với giá bình quân khoảng 700 ngàn/bao 50 kg, sau đó là 16-16-8; 17-7-17 và 18-8-16 có giá thấp hơn chút đỉnh do được nhiều nông dân sử dụng. Ông T.H.S, từng làm chủ một cơ sở SX phân bón NPK “cuốc xẻng” nay đã giải nghệ tiết lộ, hiện loại phân NPK 20-20-15 nếu chạy đúng công thức thì giá thành phải là gần 11,5 ngàn/kg, muốn có lãi phải bán giá từ 12-13 ngàn/kg trở lên. Thế nhưng nhiều DN chỉ chạy có 70-80% công thức nên họ giao đại lý giá nào cũng được, chỉ cần 9-10 ngàn/kg là mình “chết”, họ “sống” khỏe. Hàng họ kém chất lượng, nếu cơ quan chức năng phát hiện phạt cao lắm là 40 triệu, cũng chỉ “gãi ngứa”, bởi họ chỉ cần bán 1.000 tấn phân NPK kém chất lượng là cầm chắc lãi 1 tỷ đồng trong tay (lãi ít nhất 1.000 đ/kg). Nhưng bán cả năm đâu chỉ 1.000 tấn, cứ túc tắc “ăn chia” với các đại lý thật dày, thậm chí cho đại lý “ăn” 2 triệu đồng/tấn thì 1 năm bán ra bèo lắm cũng đạt 2-3 ngàn tấn. Vị chi bỏ túi 2-3 tỷ ngon ơ! Thế nên, thời bây giờ nhiều DN không quan tâm đến nhà máy, mặt bằng SX, thậm chí không cần cả con người và văn phòng làm việc, chỉ cần “nổ” nhiều và lận lưng ít vốn, mua nguyên liệu N, SA, DAP, kali trôi nổi trên thị trường đem gia công, đóng gói 1 tấn NPK chỉ có 300 ngàn (tức 300 đ/kg). Sau đó, đặt tên sản phẩm cho thật oách, thậm chí “nhái” lại tên một số sản phẩn NPK của một số Cty đàn anh khác đang bán chạy trên thị trường để ăn theo là được. Thế nên, thật không thể tin được có những Cty từng có nghề truyền thống như in ấn, may mặc, thức ăn gia súc, xây dựng như Ngân Gia Nhật (Bình Chánh), May thêu Lan Anh (quận 3, TP.HCM), NaVy (Tân Bình, TP.HCM)... cũng chuyển sang SX phân NPK! Cty Đầu tư-TM-DV Minh Phát (KP 7, P.Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM) chẳng hạn. GĐ là ông Vũ Ngọc Sơn, vốn xuất thân từ một cán bộ tiếp thị bán thức ăn thủy sản ở vùng sông nước ĐBSCL. Năm 2010, thấy làm phân bón NPK dễ ăn, ông hùn vốn cùng với 3 đối tác khác mở Cty, thuê xưởng trộn NPK nho nhỏ ở Long An. Tuy nhiên, để khuếch trương thanh thế, ông còn “nổ” thêm còn có 1 phòng nghiên cứu chuyên về phân bón với các chuyên gia đầu ngành hóa chất của người Đức và một nhà máy rộng 500 m2 ở số 40, đường Hồ Văn Tặng, huyện Củ Chi (TP.HCM) khiến nhiều DN trong ngành phân bón phải “ớn lạnh”. Ban đầu, Cty Minh Phát “nhái” thương hiệu Lion Thái (Sư Tử Thái) của Cty Lion Thái (KCN tỉnh Bình Thuận) thành Lion Đức (phân NPK hữu cơ) nhưng sau đó bị kiện thì Lion Đức “biến tướng” thành Bio Đức. Tuy ra đời được 3 năm nhưng sản phẩm NPK của Cty này khá phong phú, bán chạy trên thị trường nhờ giá rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại. Tuy nhiên, chất lượng phân NPK của Cty Minh Phát lại có vấn đề. Năm 2012, bị tỉnh Bình Phước phạt 55 triệu. Riêng với Cty TNHH Con cò vàng (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM) do bà Nguyễn Kim Thoa làm GĐ mà tiền thân của nó là “Con nai vàng” của TCty Nông nghiệp Sài Gòn (DN nhà nước) thì đặc biệt hơn. Bởi tất cả cơ sở vật chất máy móc của “Con cò vàng” hiện nay hầu hết đều dựa trên nền tảng của “Con nai vàng” trước đây cũng do chính bà Thoa làm GĐ. Tuy mới thành lập cách đây khoảng 6 năm nhưng bà Thoa luôn vỗ ngực xưng “Con cò vàng” là Cty SX phân bón có từ trước năm 1975 (!?). Điều đáng nói là, “Con cò vàng” là tên thương mại sản phẩm NPK 20-20-15 của Cty Phân bón Baconco (liên doanh với Pháp, trụ sở tại KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT)) được nông dân ưa chuộng. Dựa trên thương hiệu nổi tiếng đó, bà Thoa lấy tên “Con cò vàng” đặt cho sản phẩm NPK của mình và vẽ logo thành “3 con cò bay”, “chất lượng vàng”, “công nghệ Pháp quốc” nhằm đánh lừa bà con nông dân. Tuy nhiên, trong thực tế thì phân NPK không hẳn đạt “chất lượng vàng” như bà Thoa “tưởng tượng”. Bởi hầu như năm nào NPK Con cò vàng cũng bị ngành chức năng “trảm” do chất lượng kém. Cụ thể, năm 2011, tỉnh Tây Ninh xử phạt 50 triệu đồng đối với loại phân NPK 16-16-8; năm 2012, tỉnh Gia Lai xử phạt tiếp 91 triệu đồng cũng phân NPK tại một đại lý trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku. Còn năm 2013, theo nguồn tin từ đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai ngày 23/7, chỉ riêng NPK 17-7-17 “Con cò vàng”, sau khi lấy mẫu phân tích hàm lượng đạm chỉ có 13,1% trên 17% chỉ tiêu công bố, “ăn gian” đến 23% đạm nguyên chất trong 1 tấn sản phẩm. Với kiểu này, bà Thoa từng tự phong “Bà hoàng của nhà nông” không hiểu phải “khóc” hay “mếu”? Chị Trương Thị Bắc, một nông dân ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú cho hay, NPK kém chất lượng thấy rõ rệt nhất là sau khi bón phân, tưới nước sẽ có hiện tượng phân không chịu tan, vón cục như đất sét. Nhưng khi đến đại lý khiếu nại thì thua cuộc vì không đủ cơ sở chứng minh. “Tui từng khiếu nại phân NPK “Trâu nằm” của Cty Thiên Ngưu (ấp 4, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, TP.HCM) vì bón cây không phát triển. Thậm chí lấy một nắm phân gạn lọc qua mấy lần nước mà nó vẫn không tan!” - chị Bắc bức xúc nói. + “Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ra quyết định xử phạt từ 40-45 triệu đồng, đồng thời yêu cầu phải có trách nhiệm thu hồi tái chế toàn bộ số lượng phân bón NPK kém chất lượng đối với các DN gồm: Phân NPK cao cấp Japan 16-6-18+TE của Cty CP Phân bón Phúc Hưng (số 19, Liên khu 2-5, P.Bình Trị Đông, huyện Bình Tân, TP.HCM); phân Agrilong NPK 20-20-15+TE của Cty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina (KCN Hòa Hiệp, Đông Hòa, Phú Yên); phân NPK cao cấp 25-20-10 TE và NPK 16-16-8-13S+TE đều của Cty CP Phân bón và dịch vụ tổng hợp Bình Định (QL1A, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định); phân NPK Sittophat 17-9-17-12Sio2+TE (“chuyên dùng” cho cây thanh long) của Cty TNHH Sitto VN (số 4, Đường 3A, KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)..” (Nguồn: Chi cục QLTT tỉnh Bình Thuận). + “Hiện nay trên thị trường có trên 1.000 loại phân nên việc lấy mẫu phân tích rất tốn kém (giá phân tích khoảng 450 ngàn/mẫu). Trong khi đó, quy trình lấy mẫu, phân tích, xử lý cũng không có tác dụng ngăn chặn việc tiêu thụ phân bón kém chất lượng. Từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả mất hơn một tháng, đủ thời gian để các đại lý bán tống ra thị trường. Do đó, khi có kết quả phân tích thì phần lớn lượng phân bón kém chất lượng đã bán hết sạch rồi” (một đại diện Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai). Nguồn: nongnghiep.vn
Posted on: Mon, 29 Jul 2013 06:12:41 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015