PHẬT PHÁP VÀ NHÂN SINH : Phật giáo và nhân sinh, đề - TopicsExpress



          

PHẬT PHÁP VÀ NHÂN SINH : Phật giáo và nhân sinh, đề tài này tương đối dễ triển khai, bởi vì trong mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút chúng ta đều hiện hữu trong cuộc nhân sinh, mỗi hoạt động của chúng ta cũng đều phản ánh nhân sinh. Nói cách khác, Phật giáo chính là nhân sinh quan triệt để. 1. KHÔNG MƠ HỒ Đối với vấn đề nhân sinh, theo Phật giáo thì chúng ta không được mơ hồ, tức là không được hiểu biết sai lầm về bản thân và xã hội. Cơ thể của chúng ta chịu sự chi phối của định luật vô thường, thân thể này thật sự không phải là một vật trong sạch. Ví như chúng ta bị cảm cúm, sổ mũi thì các thứ nước mũi, đàm giải thải ra, hoặc là đau bụng thổ tả .vv… Theo quan niệm của Phật giáo, không có cái gì gọi là “mỹ nữ” cả, mỹ nữ chỉ là một cái xác. Nếu như chúng ta tách riêng ra từng bộ phận của cơ thể đó thì chúng ta sẽ thấy chúng là những vật gì? Và trong từng bộ phận đó chúng ta có còn tìm thấy mỹ nữ ở trong đó hay không? Nói cách khác, Phật giáo chính là sự hiểu biết chân chính, không được mơ hồ đối với bản thân, sự vật, hiện tượng mà cần phải thấy rõ được bản chất của các sự vật hiện tượng. Như vậy, đối với một người học Phật, sau khi đã học hỏi nghiên cứu thấu đáo về vũ trụ và nhân sinh, thì không có việc gì có thể lừa gạt được người đó, và họ không bao giờ bị mê mờ trước các sự vật, hiện tượng. Ví như nói những người con gái, vì muốn mãi mãi được trẻ đẹp mà mỗi ngày họ phải lãng phí thời gian đến mấy giờ đồng hồ để trang điểm cho thân thể. Hôm nay trang điểm, rồi ngày mai lại phải trang điểm, thế nhưng sự thật thì sắc đẹp có giữ gìn mãi mãi được đâu? Tôi thường nghĩ, nếu như những người con gái đó cứ tiêu tốn thời gian để trang điểm cho sắc đẹp giả tạo của mình thì họ quả là những người rất đáng thương. 2. THẾ GIAN KHÔNG CÓ GÌ LÀ THẬT CỦA MÌNH Các bậc Thánh nhân đã từng nói với chúng ta rằng: “Thế gian chỉ để chúng ta sử dụng, chứ không phải là sở hữu của ta”. Điều này nghĩa là: bất kỳ vật nào ở trong thế gian này cũng chỉ là vật tạm thời mà ta mượn để sử dụng mà thôi, thật sự thì không có vật gì vĩnh viễn tồn tại. Giả như hôm nay bạn có rất nhiều tiền, nhưng sau khi bạn chết rồi thì tiền cũng không còn là của bạn nữa. Hoặc như hôm nay bạn có một chiếc giường ngủ thật đẹp và thường ngày bạn rất thích nằm ở trên đó, nhưng sau khi bạn chết, lập tức bạn bị người ta bưng đặt vào quan tài và sau đó sẽ đưa đến lò hỏa táng, và chiếc giường đó bạn cũng không mang theo được. Và ngày nay con cái của bạn rất mực hiếu thuận, nhưng rồi một ngày kia bạn cũng phải lìa xa chúng mà đi vào cõi thiên thu. Điều này nói lên rằng: “Cảnh tốt cũng vô thường”. Trên cuộc đời này không có một vật nào thường hằng cả, vì thế mới nói “thế gian vi ngã sở dụng”, nghĩa là chúng ta chỉ tạm thời mượn chúng để sử dụng mà thôi. Và “phi ngã sở hữu”, chính là nói trên cuộc đời này không có cái gì là của ta. Bây giờ trong túi bạn tạm thời có tiền, nhưng biết đâu ngày mai lại nằm trong túi của tôi, rồi ngày kia lại nằm trong ngân hàng? Và biết đâu một tai nạn bất ngờ đến với bạn thì tiền kia đâu còn là của bạn nữa? Vì thế, người học Phật không nên ỷ thế mình có nhiều tiền mà sinh tâm kiêu ngạo, và cũng không nên vì thấy mình nghèo mà lại tự ty mặc cảm. Trong cuộc sống, một ngày ăn no ba bữa cơm canh đạm bạc, cuộc sống yên ổn thanh bình thì đó cũng là một cuộc sống tốt vậy. Nhân vì mọi người không hiểu rõ chân lý, không biết quý trọng sinh mạng, cho nên đức Phật dạy: “Sự nghèo nàn về tâm linh chính là sự bần cùng đáng sợ nhất của kiếp người. Người khốn cùng nhất trên thế giới này không phải là người không có tiền mà chính là người không có trí tuệ”. Không có trí tuệ thì bạn chính là một kẻ bần cùng, còn không có tiền bạn nhất định không phải là môt người bần cùng. Kính thưa quý vị! Hôm nay quý vị nghe tôi thuyết giảng Phật pháp, có phải là quý vị giàu có hơn những người có nhiều tiền phải không? 3. THƯỞNG THỨC MỘT ĐÓA HOA Đối với một người tu hành thì khi nhìn một bông hoa, người ấy sẽ thưởng thức được một cách trọn vẹn cái đẹp của bông hoa, bởi vì người ấy có được sự chánh niệm. Chánh niệm là chất liệu thắp sáng hiện hữu. Một người có chánh niệm nghĩa là khi đang nhìn thấy bông hoa thì trong nội tâm người ấy không bận suy nghĩ về bất kì một việc nào khác, mà người đó tập trung ý thức của mình vào bông hoa để nhận diện được sự hiện hữu mầu nhiệm của bông hoa ngay trong giờ phút hiện tại. Trong cuộc sống chúng ta cần phải có sự tri túc, tức là biết đủ đối với bản thân. Bởi vì có tri túc là chúng ta không có sự tham cầu đối với thế gian này, ngay đó chúng ta mới có niềm vui từ nội tâm. Khi có niềm vui từ nội tâm, chúng ta mới cảm nhận được những giá trị của hạnh phúc hiện hữu quanh ta. Còn nếu không thì chúng ta cứ bị tham lam, danh vọng, ganh ghét, đau khổ .vv… chi phối mà không bao giờ tự mình cảm nhận được những hạnh phúc trong cuộc sống. Tục ngữ nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, nghĩa là con người chúng ta khi không còn lòng tham thì nhân cách sẽ tự cao đẹp. Một người mà khi trong lòng không còn tham cầu thì phẩm hạnh của người ấy tự nhiên sẽ cao siêu, mà không cần phải có người tâng bốc hay dua nịnh. Lại nói: “Vô dục tắc cương”, nghĩa là không ham muốn thì sẽ là cương trực, vững chãi. Thật vậy, một người không ham muốn thì họ sẽ không bị kiêng kỵ bất cứ điều gì, lời nói của người ấy luôn là một lời nói ngay thẳng, không bao giờ phải quanh co, dua nịnh người khác.. 4. MỌI VIỆC DO TÂM Những người tu học Phật pháp, điều thiết yếu nhất là phải bình tâm trước tất cả mọi việc, mọi hoàn cảnh. Cho dù đang đối diện với bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải bình tĩnh, để quán sát nhận xét. Có như vậy, chúng ta mới có được sự nhận định và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn. Và như thế thì cho dù gặp phải hoàn cảnh nào chúng ta cũng có được sự an lạc và vững chãi. Vì thế mới nói “cảnh vốn không tốt xấu, chỉ do tâm tạo nên”. Hoàn cảnh vốn nó không tự nói là tốt hay là xấu. Giả sử hôm nay tâm tình của chúng ta đang rất vui vẻ hạnh phúc thì chúng ta cảm thấy tất cả mọi việc đều là vui cả, nhưng nếu như hiện tại tâm tình của chúng ta không tốt thì gặp bất cứ chuyện gì chúng ta cũng cảm thấy không tốt cả. Nói tóm lại, tất cả đều là vấn đề của nội tâm chúng ta chứ không phải là do ngoại cảnh. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm nói “nếu có người muốn biết tất cả Phật ba đời, nên quán pháp giới tánh, tất cả do tâm tạo” (nhược nhân dục liễu tri tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo). Điều này có nghĩa là: “Nếu như có người nào muốn hiểu rõ được tất cả chư Phật ở khắp trong mười phương, suốt cả ba đời đã thành Phật như thế nào thì hãy quán chiếu vào “tánh của Pháp giới”, nghĩa là hãy quán chiếu để thấy rõ tất cả vũ trụ vạn vật, tất cả đều do tâm tạo ra, đều nhân nơi tâm mà hiện hữu. Vì thế, sự nghèo nàn về tâm linh chính là sự nghèo nàn đáng sợ nhất của cuộc sống con người. Cho nên, kính thưa quý vị, chúng ta có thể thiếu thốn về vật chất, tiền bạc, nhưng nhất định chúng ta không thể thiếu về trí tuệ. 5. NHÂN DUYÊN BA ĐỜI Theo quan điểm của Phật giáo thì sinh mạng của con người tương tục từ quá khứ đến hiện tại cho tới tương lai, hay nói gọn là “tam thế quan niệm”. Phật giáo dùng quan điểm này để giải thích “sinh” từ đâu mà tới. Nguồn gốc của “sinh” chính là “nghiệp lực”, tức là năng lực của nghiệp hay “sức mạnh của sự tạo tác”. Chính sự tạo tác, hành động này của chúng ta đã tạo thành một năng lực dẫn dắt chúng ta và đó chính là “nghiệp lực”, và đương nhiên “nghiệp lực” của người này sẽ không giống với người kia, vì thế nên trong cuộc sống mới có sự khác biệt giữa mọi người. Giả sử như trong đời trước anh đã sát sinh quá nhiều, nhất định đời này anh sẽ bị đoản mạng, hay trong cuộc sống hiện tại mà chúng ta làm quá nhiều việc ác thì ngay trong cuộc sống này ta cũng không có hạnh phúc, an lạc và nhất định đời sau chúng ta sẽ phải thọ nhận những quả báo đau khổ. Đó chính là: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa Thiện căn ở tại lòng ta Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. 6. VÌ SAO CHÚNG TA LẠI PHẢI ĐẦU THAI? Vì sao chúng ta lại phải đầu thai? Bởi vì do những vọng tưởng của chúng ta liên tục không chấm dứt, chúng ta cứ mãi chấp chặt vào những ý niệm hơn thua, được mất, những tranh đua danh lợi… mà không bao giờ dừng nghỉ, vì thế chúng ta nhất định sẽ bị đầu thai trở lại. Sự tham đắm cũng có rất nhiều thứ. Có người thì đam mê đối với tiền bạc, có người thì đam mê nữ sắc, có người lại suốt ngày chỉ biết có ăn và ngủ, có người thì chạy theo danh vọng, địa vị, lợi dưỡng… Người nào tham ăn, tham ngủ thì kiếp sau nhất định sẽ là bà con thân quyến của loài heo. Ở đây, chúng ta phải hiểu cũng có thể sẽ trực tiếp đầu thai làm heo, nhưng có thể sẽ đầu thai làm người nhưng lại mang đầy đủ bản chất của loài heo. Đối với người đam mê theo sắc đẹp thì kiếp sau sẽ đầu thai làm loài chim oanh vũ. Loài chim oanh vũ này có bộ lông rất đẹp, và chúng rất yêu thích bộ lông tuyệt đẹp của mình. Đó chính là do những hạt giống của sự đam mê tham đắm tạo nên. Ngược lại, với các bậc Thánh nhân thì khác, họ không bao giờ tham đắm đối với sắc đẹp, lợi danh… bởi vì các bậc Thánh với trí tuệ của sự tu tập, các Ngài thấy rõ được thế gian này từ con người cho đến tất cả mọi sự, mọi vật đều chuyển biến vô thường, tất cả đều do nhân duyên mà sinh, mà đã có sinh, đã vô thường thì nhất định chúng sẽ không tồn tại mãi mãi. Nếu chúng ta cứ tham đắm, chấp trước vào sắc thân của ta, sắc thân của người, tham đắm vào danh lợi hơn thua… thì nhất định chúng ta sẽ bị khổ đau. Vì thế mà nói: “Người đã ngộ so với người chưa ngộ khác nhau rất lớn; người có tu tập so với người không tu tập khác nhau rất nhiều”. 7. QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI và HIỆN TẠI Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về những điều mà đức Phật đã dạy. Phật dạy: “Do thiếu hiểu biết, con người thường thích nhớ tưởng đến quá khứ, để cho những ký ức trong quá khứ trở về làm lay động tâm thức của ta trong cuộc sống hiện tại”. Chúng ta vẫn luôn luôn luôn hồi tưởng về quá khứ, hồi tưởng về những tang thương, những khổ đau, những niềm vui và những vinh quang của quá khứ. Chúng ta cứ sống với những ký ức của quá khứ thì đó là một loại chấp trước. Chúng ta đang sống trong hiện tại mà lại kỳ vọng về tương lai, thế nhưng tương lai của chúng ta thì ta lại chưa biết. Thế nên, đức Phật dạy: “Hãy luôn luôn nắm vững và sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ có được sự an lạc vĩnh hằng”. Ví dụ như ngày hôm nay, tại sân vận động này, số lượng thính giả đến nghe pháp có thể hơn hai mươi ngàn người. Nếu như ngay bây giờ quý vị nghe Phật pháp rồi ứng dụng ngay vào trong sự chuyển hóa nội tâm của quý vị, bằng cách quý vị hãy lắng đọng tâm tư chú tâm nghe pháp và buông bỏ hết những hồi ức của quá khứ, không chấp trước vọng tưởng đến tương lai, nhất định quý vị sẽ có được an lạc hạnh phúc ngay trong giờ phút này. Trong cuộc sống, bất kỳ việc gì xảy đến cho chúng ta, chúng ta cũng không nên than vãn rằng trong quá khứ mình đã như thế này thế kia, hay nghĩ rằng tương lai mình sẽ như thế này thế kia, mà chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật trong hiện tại đang xảy ra với chúng ta để có cách giải quyết cho thật tốt. Vì cho dù chúng ta có suy nghĩ thế nào về quá khứ hay tương lai thì sự thật trong hiện tại vẫn đang xảy ra với chúng ta. Trong kinh Người Biết Sống Một Mình, đức Phật cũng đã từng dạy: “Đừng tìm về quá Đừng tưởng tới tương lai Quá khứ đã không còn Tương lai thì chưa tới Hãy quán chiếu sự sống Trong giờ phút hiện tại Bậc thức giả an trú Vững chãi và thảnh thơi Phải tinh tiến hôm nay Kẻo ngày mai không kịp Cái chết đến bất ngờ Không thể nào mặc cả…” Vậy chúng ta hãy vững vàng chấp nhận mọi sự mọi việc xảy đến với mình và tìm cách giải quyết sự việc một cách tốt nhất. Điều cần thiết là chúng ta phải có lòng tin đối với bản thân, và tận tâm tận lực giải quyết công việc thì cho dù người khác có phê bình, công kích chúng ta bao nhiêu đi nữa cũng không quan trọng. 8. TIẾP NHẬN SỰ PHÊ BÌNH Con người chúng ta rất là kỳ lạ. Đang khi bạn có tiền, mọi người muốn phê bình bạn; và khi bạn không có tiền, người khác cũng sẽ phê bình bạn. Khi bạn thành công, mọi người tìm cách phê bình bạn, mà khi bạn thất bại người khác lại cũng muốn phê bình bạn. Đức Phật dạy: “Trên thế gian không có người nào sẽ không bị người khác phê bình”. Vì thế, đối với những nghịch cảnh, mọi người cần phải xem đó là một điều tự nhiên, mỗi người cần phải tiếp nhận mọi sự phê bình để có thể quán sát lại những hành động của bản thân. Đứng từ góc độ của một người tiếp nhận sự phê bình mà nói, thì trên cuộc đời này, sự cung kính hay hủy báng của người khác, sự vinh nhục hay đúng sai của một người hay của một sự việc đều không có một tiêu chuẩn chính xác nào cả. Vì thế, chúng ta cần phải luôn luôn giữ gìn tâm ý của mình, luôn luôn giữ vững chánh niệm trong tâm để không bị tám ngonï gió của thế gian là lợi ích (lợi), hao tổn (suy), chê bai (hủy), khen ngợi (dự), ca tụng (xưng), chỉ trích (cơ), đau khổ (khổ), vui vẻ (lạc) làm cho lay động. Trong bất kỳ thời gian, hoàn cảnh, nơi chốn nào, chúng ta cũng cần phải tu tập giữ gìn tâm ý, phải luôn luôn bình tĩnh, an tường, tâm trí luôn luôn tự tại, an lạc 9. TRUY CẦU MỘT CÁCH SAI LẦM Đức Phật dạy: “Sở dĩ con người chúng ta bị khổ đau nhiều chính vì chúng ta thường tìm cầu một cách sai lầm”. Do không hiểu rõ sự lý, con người suốtngày cứ sống trong đau khổ. Sự thật, không có ai làm cho chúng ta đau khổ, mà chính bản thân chúng ta tự làm cho mình đau khổ mà thôi. Quý vị hãy quán xét lại trong tâm của mình đi, xem thử ai đã làm cho quý vị đau khổ? Chỉ có là khi quý vị làm một việc xấu thì bản thân của quý vị đã mang vào một nhân xấu, và tự trong tâm quý vị đang tự trách mình khiến cho bản thân cảm thấy ân hận, đau khổ. Cho nên nói: “Con người sở dĩ đau khổ, chính do sự tìm cầu, hành động sai lầm của bản thân”. Chúng ta tìm cầu tiền bạc, bởi vì tiền bạc cũng quan trọng. Như bản thân chúng tôi đây, cũng có nhu cầu về tiền bạc, chẳng hạn như cần tiền để mua vé máy bay đến đây. Thế nhưng, tiền chỉ có tính quan trọng tương đối, không phải là quan trọng tuyệt đối. Khi bạn đang cần tiền thì tiền rất quan trọng, khi bạn đã có nhiều tiền và gởi tiền trong ngân hàng thì lúc đó chỉ là một cuốn sổ hay là một con số hoặc là một chiếc cạc mà thôi, như vậy tiền hoàn toàn không có tính nhu cầu tuyệt đối. 10. KHÔNG THẸN VỚI LÒNG Trong cuộc sống, làm bất kỳ một việc gì, chúng ta cần phải hỏi lại lương tâm của chính mình, xem thử mình có làm sai việc gì không? Chúng ta cần phải hỏi lại tự bản thân chứ không phải hỏi người khác. Vì Phật dạy chúng ta phải chịu trách nhiệm với tất cả những việc mà chúng ta đã làm. Nếu chúng ta thật sự không có sai lầm thì cho dù người khác có phỉ báng, công kích hay tìm cách nói xấu, chúng ta vẫn an nhiên bất động, hay cho dù có người tỏ thái độ thương hại ta thì cũng vậy thôi, bởi vì bản thân chúng ta thấy rõ mình không thẹn với lòng đối với những việc mình đã làm. Lương tâm ở trong lòng mỗi người, đó chính là một vị quan tòa tốt nhất. Chúng ta có thể dối gạt, che giấu người khác, dối gạt cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, hay dối gạt cả với đất nước…, nhưng chúng ta không thể dối gạt được lương tâm của mình. Lương tâm của mỗi người chính là sự trong sạch nhất của nội tâm người ấy. Trong suốt hai mươi bốn giờ, lương tâm luôn là vị quan thanh liêm, phán xét mọi hành động của chúng ta. Nhân quả chính là ở đây, tuyệt đối không sai chạy. Nó còn ghi chép đầy đủ và chính xác hơn cả chiếc máy vi tính chính xác nhất mà không có loại virut nào có thể phá hoại được. Chỉ cần chúng ta không thẹn với lòng thì chúng ta sẽ không bận lòng với những phê bình hay chỉ trích của người khác. Đây chính là chúng ta đạt được sự an ổn và định tĩnh của nội tâm vậy. 11. HẠNH PHÚC TỪ ĐÂU ĐẾN? Làm người chúng ta không nên bàn đến chuyện của người khác. Trong nhà mình, chúng ta không nên bàn luận nhà người khác. Không nên bàn luận nhà người khác tốt hay không tốt. Một người mà suốt từ sáng đến tối cứ luôn nói đến chuyện thị phi, đúng sai của thiên hạ rồi mong cho mình được an lạc hạnh phúc thì làm sao mà có được an lạc hạnh phúc? Suốt ngày chỉ nói người này sai, người kia không đúng, còn bản thân mình thì quá sai quấy mà lại không biết, lại cứ cho rằng người khác không tốt. Con người chúng ta có một nhược điểm rất đáng thương, đó là không nhìn thấy lỗi của mình mà chỉ nhìn thấy lỗi của người khác. Điều này cũng giống như trên mặt của mình đang bị rất nhiều bùn đất dính phải, mình lại không thấy, mà mình lại nhìn thấy một vết bẩn trên mặt của người khác, rồi lại chê cười người khác rằng: “Trên mặt của anh có vết bẩn, thật là tức cười”. Nhưng khi đó, người kia sẽ nói lại với chúng ta: “Tôi chỉ có một vết thôi, còn anh bị cả mặt sao anh lại không thấy?”. Con người thường không tự thấy được mặt thật của mình, mà lại rất chú ý đến việc làm của người khác, có khi lại chú ý rất nhiều nữa là khác. Khuyết điểm của bản thân thì không thấy, lại mỗi ngày đều phê bình sự tốt xấu của người, mỗi ngày đều mãi chê bai trách cứ người khác. Chúng ta thật kỳ lạ, tự đem những khuyết điểm của người khác làm phiền não cho bản thân, tự mình chuốc khổ cho mình. Vì thế nên nói: “Người có trí tuệ thì tùy lúc, tùy nơi đều có thể sống an lạc, vui vẻ. Chỉ cần chúng ta xả bỏ tâm tình, không nên để ý đến chuyện thị phi của người khác, chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện hữu hết sức nhiệm mầu của vạn vật trong trời đất, như thế tự thân ta sẽ có được sự an lạc, nhẹ nhàng. Còn nếu chúng ta không buông xả được những tâm tình của mình, mà cứ vướng mắc vào những hơn thua được mất của cuộc đời, thì làm sao chúng ta sống có hạnh phúc và an lạc? Đức Phật dạy: “Không ai có thể đem lại sự đau khổ cho ta mà chính chúng ta tự gây đau khổ cho bản thân mình”. Lại nói: “Người nào hy vọng người khác đem hạnh phúc đến cho mình thì cũng giống như một người ăn mày đi xin thức ăn của người khác vậy, thật là khổ sở”. Bởi vì không phải người khác có thể đem hạnh phúc cho chúng ta, mà chính chính chúng ta tự tạo ra vậy. An lạc, hạnh phúc có được chính là nhờ vào sự giải thoát, tự tại, sự siêu việt, xả bỏ, không chấp trước phiền não của chúng ta trước mọi hoàn cảnh. Tất cả đều dựa vào bản thân mình. Bất luận người khác có cho ta bao nhiêu của cải đi nữa, cũng không cho ta được sự an lạc và hạnh phúc. Thế nên, dưới cái nhìn của nhân duyên sinh, những sự việc xảy ra không phải là chúng ta cứ nhắm mắt thuận theo đó, không biết làm gì, mà chính là trong cái nhìn duyên sinh ấy, chúng ta tích cực chủ động để cải biến, làm thay đổi chiều hướng của sự việc, thay đổi chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội, tạo ra những cơ hội tốt, những nhân duyên tốt để trong quan hệ giữa người với người có được những mối liên hệ tốt đẹp, cùng nhau xây dựng một cuộc sống mà trong đó mọi người biết tin tưởng, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, không ai dối gạt ai, không ai tìm cách hại ai. Đó chính là chúng ta cùng tạo nhân duyên xây dựng cuộc sống an lạc, xây dựng cõi Tịnh độ ngay trong cuộc đời này. 12. NHÌN LẠI BẢN THÂN Quý vị nên biết chỉ có trí tuệ và tình thương xuất phát từ nội tâm, chúng ta mới có được hạnh phúc và an lạc trong cuộc sống hiện tại. Người học Phật, cần thiết nhất chính là mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây phải luôn luôn chú ý đến hành vi của bản thân. Cần phải thực tập và luôn luôn duy trì chánh niệm trong mỗi lời nói, cử chỉ, hành vi và suy nghĩ của mình, nghĩa là phải luôn luôn ý thức được mình đang làm gì, nói gì và suy nghĩ gì. Nếu như hằng ngày chúng ta chỉ chú ý đến những khuyết điểm, sai lầm của người khác, chúng ta sẽ không có thời gian để nhìn lại bản thân, và như thế chúng ta chưa phải là một Phật tử đúng nghĩa. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni không bao giờ dạy chúng ta suốt ngày hãy nhìn vào khuyết điểm, lỗi lầm của người khác, Ngài chỉ dạy chúng ta hằng ngày hãy quán chiếu, nhìn lại bản thân của chính mình, nhìn lại những khuyết điểm, sai lầm, những yếu kém của bản thân mình để sửa đổi hoàn thiện. 13. THA THỨ và BAO DUNG Chúng tôi chân thành khuyên quý vị, sau khi học Phật rồi, quý vị không nên công kích người khác, không nên làm tổn thương người khác, mà đối với một sự việc nào xảy đến với người khác, mình không nên vội vàng lên án hay chỉ trích mà hãy thử đặt mình vào vị thế của người đó để suy nghĩ. Làm như thế chúng ta mới có thể nhận ra rằng: “Sở dĩ hôm nay người ấy hành động như vậy, nhất định là có cái lý của họ”. Vì thế, người xưa đã nói: “Người nào có khả năng dung nạp những ý kiến khác với kiến giải của mình thì mới có thể thành tựu được sự vĩ đại của bản thân”. Nói một cách đơn giản, một người bình thường thì không đủ sự rộng lượng để dung nạp những ý kiến khác với ý kiến của bản thân. Chẳng hạn như cách nhìn của tôi khác với quý vị, lập tức tôi sẽ tìm cách công kích quý vị. Còn quý vị thì tìm biện pháp để đánh gục chúng tôi, và trong khi đang tận sức tìm biện pháp mà chưa có thì lại sinh tâm hủy báng, gây tạo thị phi. Con người chúng ta thật là đáng thương như thế đó! Nếu có thể bao dung đối với cách nhìn của những người bất đồng ý kiến, chúng ta mới chính là con người vĩ đại. Chúng ta thường phạm một lỗi lầm nghiêm trọng, đó là hay xem thường người khác. Bất luận bạn là vương tôn công tử, là người buôn bán, người hầu, người làm công tác vệ sinh… tất cả cũng đều tốt cả. Trong mối quan hệ tồn tại xã hội, mỗi người đều có một công việc tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, tùy theo sự phân công lao động xã hội. Tuy mỗi người mỗi ngành nghề khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là: cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta cần phải hiểu rõ trong vũ trụ này, một ngọn cỏ, một bông hoa hay một viên đá... tất cả đều có không gian sinh tồn của nó, huống gì là con người. Vì thế, chúng ta cần phải tôn trọng người khác, phải biết dung nạp người khác. Nếu như chúng ta cứ nhìn nhận người khác qua lăng kính của sự xấu xa, thì nhất định người khác không thể nhìn nhận chúng ta bằng lăng kính tốt đẹp được. Và, quý vị thử nghĩ xem, trong cuộc đời này mà ai ai cũng cho người khác là xấu cả thì thử hỏi, thế giới này sẽ như thế nào? Trên thế giới này, không phải ai cũng đều là Thánh nhân, vì thế chúng ta không nên chú ý phê bình người khác, càng không nên công kích và làm thương tổn người khác, bởi vì làm như thế, chính bản thân chúng ta sẽ là người chịu nhận sự đau khổ và bất an nhiều nhất. Chúng ta cũng không cần phải bận tâm đến chuyện thị phi của người khác. Sự đúng sai, tốt xấu… của mọi người sẽ được sự phán xét công bằng của quy luật nhân quả. 14. BÌNH THƯỜNG Kính thưa quý vị! Chúng ta thường tự nói với bản thân, rằng mình là một con người bình thường, nói như thế không phải là tự khinh khi bản thân mình mà đó chính là phương pháp tự xây dựng và hoàn thiện bản thân. Bởi vì khi chúng ta biết bản thân mình là một con người bình thường không có gì đặc biệt, chúng ta mới có thể nỗ lực học hỏi, tiếp thu ý kiến, tôn trọng người khác để hoàn thiện bản thân. Còn nếu chúng ta tự cho mình là một người đặc biệt, là người tài giỏi thì chúng ta sẽ xem thường tất cả mọi người, xem thường tất cả mọi ý kiến, trở thành một người cao ngạo, mục hạ vô nhân. Vì thế, người nào mà luôn tự biết tôn trọng người khác, biết nhìn nhận những thiếu sót của bản thân, biết nhận mình là một người bình thường trong cuộc đời này thì đó là một người ưu việt. Thưa quý vị! Nếu chúng ta tự cho mình là một người siêu việt hơn mọi người thì khi có một ai đó có ý kiến phê bình về chúng ta, chúng ta sẽ rất đau khổ. Nếu như trong cuộc sống mà người khác đả kích quý vị, nhưng quý vị vẫn an nhiên không bị lay động bởi sự đả kích của người khác thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Cho nên trong cuộc sống, dù người khác có công kích mình, mình nhất định cũng không nên công kích lại người. Vì thế, chúng ta hãy làm một người bình thường trên thế giới này, một người không có gì đặc biệt, không có gì siêu việt và đừng có chấp trước vào sự khen tặng, vào những vinh quang tạm thời của cuộc đời thì nhất định chúng ta sẽ có những ngày tháng sống an lạc hạnh phúc. Người nào hiểu được vấn đề và làm một con người bình thường, sống một cuộc đời bình thản, thì đó chính là người hạnh phúc nhất trên cuộc đời này. Bất kỳ người nào cũng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được, nếu như sống mà chúng ta cứ chờ đợi vào sự tán thưởng của người khác thì đó quả là một sự mong cầu viễn vông. Nó không ích lợi gì mà còn tăng thêm sự đau khổ cho ta mà thôi. 15. TÁN THÁN, TÙY HỶ Phật giáo thường nói về vấn đề “tùy hỷ công đức, xưng tán Như Lai”, nghĩa là đối với bất kỳ việc gì mà người khác có sự thành công thì chúng ta cần phải chung vui và ủng hộ cho sự thành công đó, không nên tìm cách chê bai hay ganh tỵ. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải dùng tấm lòng thương yêu, lòng hòa nhã, lòng nhẫn nhục; lời nói thương yêu, lời nói hòa nhã, lời nói có tính chất xây dựng để thương yêu và quan tâm đến mọi người. Vì thế, nhất định quý vị phải ghi nhớ: “Khen ngợi người khác cần phải khen ngợi trước đông đảo mọi người, còn góp ý xây dựng hay chỉ trích người khác thì cần phải tế nhị và kín đáo”. Đức Phật đã dạy: “Người nào mà suốt ngày chỉ chú ý đến khuyết điểm của người khác thì bản thân người đó tràn đầy khuyết điểm, bởi vì người ấy không có thời gian để nhìn lại mình, để thấy được những sai sót, khuyết điểm của bản thân mà đã lãng phí thời gian vào sự chê bai và chỉ trích người khác”. Nếu suốt ngày chúng ta cứ mãi chú ý đến những hành vi của người khác, và chỉ thấy toàn khuyết điểm của người khác, chúng ta sẽ được lợi gì? Phải chăng, cái mà chúng ta được đó chính là đem những phiền não, rác rưởi của người khác về làm tài sản của mình. Như thế, chính chúng ta tự làm ô uế nội tâm trong sạch của chúng ta. Nội tâm chúng ta vốn thanh tịnh, bản thân ta vốn có thể an nhiên tự tại, nhưng chính vì chúng ta đã ngu muội chú ý đến thị phi của người mà tự mình chuốc khổ cho mình, thật là đáng trách! 16. THAY ĐỔI TỰ THÂN Đức Phật đã dạy: “Chúng ta hãy thay đổi bản thân, khi có đủ năng lực mới nên làm thay đổi người khác”. Nho gia cũng nói: “Ta đây một ngày ba lần tự thức tỉnh mình”, trước hết cần phải tu thân, tiếp theo là tề gia và sau đó mới bình thiên hạ. Hôm nay chúng ta bị khổ đau là vì sao? Chính vì chúng ta đang luôn luôn nghĩ đến chuyện tìm lỗi người khác, chúng ta muốn làm người khác thay đổi. Chồng thì muốn vợ phải thay đổi, vợ lại muốn chồng phải thay đổi, hai người không ai chịu nhường nhịn ai, không ai chấp nhận tự thay đổi bản thân, cứ như thế dẫn đến những tranh chấp và đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đức Phật có dạy: “Chúng ta không thể bắt buộc mọi người trên thế giới này theo một tiêu chuẩn đồng nhất được, mỗi người có một tiêu chuẩn của riêng mình. Tiêu chuẩn không giống nhau, tư tưởng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, từ đó cách nhìn nhận về vấn đề cũng khác nhau”. Vì thế, trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta cần phải biết tôn trọng quyết định của người khác, của đoàn thể. Trong cuộc sống, sinh hoạt của đoàn thể, khi mà ý kiến của chúng ta khác với ý kiến chung của mọi người thì chúng ta cần phải biết tôn trọng ý kiến chung của đoàn thể. Làm như thế, chúng ta vừa biết tôn trọng ý kiến của mọi người, vừa thể hiện tình đoàn kết. Trong Phật giáo, chúng ta luôn luôn đề cao tinh thần hòa hợp và đoàn kết. 17. KHÔNG NÊN MƠ TƯỞNG VIỄN VÔNG Bất kỳ một sự việc gì chúng ta cũng cần phải có thời gian để tìm hiểu chân tướng của nó, đừng có vội vàng hấp tấp, không nên quá ảo tưởng và cũng không nên chấp trước đam mê vào những việc, những điều mà mình muốn nhưng không đạt được. Còn nếu như hai người vẫn chưa hiểu được nhau, chưa thông cảm những yếu kém của nhau, nhưng vì bất kỳ lý do nào đó mà hai người cùng tiến đến hôn nhân thì đó thật là một bi kịch. Bởi vì sau khi kết hôn, giữa hai người sẽ không ai chịu nhường nhịn ai, ai cũng cho mình là nhân vật quan trọng, thế rồi cứ suốt ngày tranh cãi lẫn nhau, thậm chí người con trai còn thô bạo sử dụng vũ lực đối với cô gái. Vì sao vậy? Bởi vì giữa hai người đã không có sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau mà lại đi đến hôn nhân. Hôn nhân đã không được xây dựng trên nền tảng của sự thương yêu, hiểu biết thật sự mà lại xây dựng trên những hào nhoáng bên ngoài của nhau, hoặc vì lý do nào đó mà thiếu đi sự hiểu biết và thương yêu thông cảm nhau thật sự thì đó chính là bi kịch của hôn nhân. Vì thế, trước khi tiến đến hôn nhân, mọi người cần phải tìm hiểu nhau, nhất là phải biết rằng, tình yêu, hạnh phúc gia đình cần phải xây dựng trên tình thương và sự hiểu biết, chia sẻ và thông cảm lẫn nhau. 18. BIẾT ĐỦ Thưa quý vị! Trong cuộc sống, nếu cái gì không đạt được thì chúng ta cũng không nên cưỡng cầu, bởi vì làm như thế chúng ta sẽ tự gây cho bản thân mình rất nhiều đau khổ, và đó cũng chính là nguồn gốc của những khổ đau mà con người đã gây ra cho nhau trong cuộc sống. Đối với những điều, những sự việc gì mà chúng ta không có được hoặc không đạt được, chúng ta cũng đừng cho rằng những cái đó là đẹp nhất, là hay nhất, ngoài ra không còn cái nào hơn cả. Trong cuộc sống, còn rất nhiều điều mầu nhiệm mà vì thiếu sự hiểu biết, chúng ta đã không nhận ra được. Bất kỳ một sự việc nào chúng ta cũng không nên quá ảo tưởng về nó. Không nên thần thánh hóa một con người, cũng không nên trông cậy người khác có thể đem hạnh phúc, an lạc đến cho bản thân mình. Chúng ta cần phải dựa vào chính bản thân chúng ta, dựa vào cái tâm ít ham muốn và biết đủ của chúng ta thì nhất định hằng ngày, chúng ta sẽ có được sự an lạc và hạnh phúc thật sự. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng đã dạy: “Có ít ham muốn là có Niết bàn”. Chúng ta cần phải quán xét nội tâm của mình, cần phải làm chủ được bản thân, đừng vọng tưởng ở bên ngoài. Hạnh phúc hay khổ đau đều do chúng ta tự quyết định, đừng bao giờ tìm cầu hạnh phúc cho bản thân từ người khác, bởi vì như thế cũng giống như một người trong nhà của mình có rất nhiều của cải, thế nhưng không biết mà lại đi xin ăn ở đầu đường xó chợ, thật là đáng thương vậy. Nếu như chúng ta hiểu rõ được về sự thật của cuộc đời, chúng ta không chấp trước đam mê vào những danh lợi hư ảo, không mơ tưởng hão huyền, không vọng ngoại tìm cầu mà an trú trong sự biết đủ của tự thân, vui với sự an lạc của nội tâm, như thế chính ta là người an lạc hạnh phúc nhất trên đời này vậy. 19. HIẾN TẶNG Đức Phật từng dạy chúng ta: “Hãy lấy sự hiến tặng làm niềm vui”. Chúng ta cần phải biết rằng “hạnh phúc chính là sự cho đi chứ không phải là sự chiếm đoạt”. Nếu chúng ta luôn luôn biết sống vì người khác, nhất định khi chúng ta đi đến nơi nào, sống ở đâu, cũng đều được mọi người hoan nghênh, tiếp đón. Chúng ta thường có tánh tự tôn, tự ái rất cao, luôn cho mình là nhân vật trung tâm, là người quan trọng, và lúc nào cũng muốn mọi người hãy tuân theo ý kiến của mình; luôn cho mình là đúng và công việc của mình là quan trọng, còn công việc của người khác là thứ yếu. Sự thật thì trong xã hội, mỗi người đều có một công việc riêng, không ai có thể tự cho rằng công việc của mình là quan trọng, cao đẹp hơn người khác. Tôi ví dụ như một bác sĩ, công việc của họ là cứu chữa mọi người. Đó là một công việc vô cùng cao quý. Thế nhưng, có những bác sĩ chỉ biết đến tiền mà thôi, kê toa thuốc cho bệnh nhân mà lại theo lợi nhuận phần trăm của các nhà phân phối thuốc, vậy thì những bác sĩ ấy có đáng tôn trọng hay không? Còn đối với những người lao công, những công nhân vệ sinh thì chúng ta có thể cho rằng công việc của họ là hạ đẳng được sao? Những người chuyên đi làm sạch đường phố, chuyên dọn sạch những dơ bẩn của xã hội mà chúng ta lại cho rằng nghề của họ là thấp kém được sao? Vì thế, nghề nghiệp vốn không có phân chia cao thấp, mà chỉ có con người tốt hay không tốt mà thôi. Cho nên, trong đối nhân xử thế, chúng ta cần phải biết tôn trọng mọi người, phải biết rằng hạnh phúc của bản thân chính là làm cho mọi người hạnh phúc. Nếu như người nào mà mỗi ngày đều dùng thái độ thương yêu, hòa nhã để đối xử với mọi người, không kiêu căng, tự tôn, không gây tổn hại cho người khác, mà luôn luôn tán thán mọi người, nhất định rằng nhân cách của người đó sẽ ngày một thăng hoa. Giá trị của con người, của cuộc sống, của cuộc đời không phải ở việc chúng ta chiếm dụng được bao nhiêu, mà chính là chúng ta đã hiến tặng cho người nhiều hay ít. 20. NHỮNG LAO NGỤC của các HIỆN TƯỢNG Người xưa nói: “Tất cả các hiện tượng đều là những ngục tù giam hãm chúng ta”. Trong cuộc sống, chúng ta không chỉ tham tiền, mà còn đam mê sắc đẹp, danh lợi, tham ăn, tham ngủ… Lòng tham của con người thật không cùng tận. Chưa có thì muốn có, có rồi lại muốn có nhiều hơn. Thế nhưng, chúng ta lại không biết rằng tham tiền thì sẽ bị khổ vì tiền, tham sắc thì sẽ bị khổ vì sắc, tham danh tất sẽ bị khổ vì danh… Vì vậy, nếu chúng ta không chịu tu tập để dứt trừ lòng tham từ trong nội tâm, chúng ta mãi mãi sẽ bị phiền não, khổ đau chi phối. Thế nên, chỉ cần chúng ta không chấm dứt sự hướng ngoại, không dứt trừ những tâm niệm dựa bắt vào các hiện tượng thì chúng ta sẽ mãi mãi bị chướng ngại, sẽ luôn bị sợ hãi, phiền não chi phối và sẽ không bao giờ có được sự tự tại, giải thoát. 21. SIÊU VIỆT TỰ NGà Đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Làm người, điều trọng yếu không phải là mưu cầu cho bản thân được nhiều của cải vật chất, cái chính là làm sao trong cuộc sống, chúng ta có được sự quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần, có được sự an tĩnh của nội tâm, làm chủ được bản thân trong mọi hoàn cảnh, hay nói rõ hơn chính là chúng ta cần phải có trí tuệ. Bởi vì, trong thực tế, không thiếu những người giàu có mà vẫn khổ đau, không thiếu những người giàu có mà bị người đời gắng cho danh hiệu là trọc phú, tức những kẻ giàu có bẩn thỉu. Thật vậy, sự giàu có mà được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu của người khác thì đúng là giàu có bẩn thỉu. Giàu có bằng cách tham nhũng, hối lộ thì đúng là không hơn gì những kẻ cướp của giết người. Thế nhưng, vì sao người ta lại luôn luôn tìm mọi cách để làm giàu một cách bất chánh như vậy? Là vì những con người đó thiếu trí tuệ, họ đã để cho lòng tham lam dắt dẫn. Suốt ngày từ sáng đến tối, họ chỉ biết là làm sao để có được thật nhiều tiền, bất kể có được bằng cách nào. Những người như thế thật đáng tôi nghiệp, bởi vì họ không bao giờ có được hạnh phúc, không bao giờ có được giây phút an lạc, cho đến lúc từ giã cuộc đời, họ cũng ra đi trong sự đau khổ. Chúng ta cần phải biết rằng, thân thể là gốc của mọi thống khổ. Lão tử nói: “Ta có cái hoạn lớn vì ta có thân này”. Vì có thân thể này nên mới nói “thân là gốc khổ, tâm là rừng tội”. Nhưng vì sao có thân là có khổ? Sự thực, ngoài những cái khổ do sự thay đổi của các điều kiện tự nhiên thì cái khổ chính và nhiều nhất là cái khổ do con người tự tạo đối với bản thân và cả những người xung quanh mình. Đó chính là sự chấp ngã, nghĩa là chúng ta đã lầm chấp thân này thật là của ta, thế rồi để cung phụng cho cái ta đó, chúng ta đã không ngừng tìm mọi cách để cung phụng cho cái thân giả tạm của mình. Cũng vì sự chấp ngã đó mà con người đã không ngừng tạo bao nhiêu việc ác, không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích tìm cầu cho mình từ của cải vật chất cho đến địa vị danh vọng. Cho nên người xưa đã nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”â. Và trong thực tế, những cuộc chiến tranh phi nghĩa của những kẻ tự xưng mình là văn minh, tiến bộ gây ra cho những đất nước, những người dân vô tội, tất cả cũng không ngoài lòng tham và sự chấp ngã, cái ngã được nhân danh là vì mục đích khai hóa, mục đích mang lại công bằng cho mọi người. Làm người, chúng ta nhất định phải dùng trí tuệ để quán xét mọi sự mọi việc và nhất là quán xét bản thân chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi chúng ta cần phải dành thời gian nhìn lại bản thân mình, nhìn lại những suy nghĩ, hành động, lời nói và việc làm của mình. Có như thế, chúng ta mới có thể thấy được những suy nghĩ, hành động, lời nói của mình là đúng hay sai; những việc chúng ta làm, những điều chúng ta nói có gây ra khổ đau cho người khác hay không? Có mang tính cách xây dựng hay không? Có đem đến hạnh phúc an lạc cho người khác hay không? Những suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta có được xuất phát từ sự hiểu biết và tình thương hay không? Hay lại phát xuất từ lòng tham, sự tức giận và sự ngu dốt. Nếu chúng ta có nhìn lại bản thân mình thì chúng ta mới có cơ hội thấy được những yếu kém của bản thân, những sai lầm của mình, và như thế chúng ta mới có đủ trí tuệ để vượt lên sự chấp thủ sai lầm về ngã, về cái tôi của mình. 22. PHẬT GIÁO và TRIẾT HỌC Phật giáo lại không như vậy, chúng ta có thể chứng minh được điều này thông qua bốn yếu tố Tín, Giải, Hành, Chứng trong Phật giáo. Hiện tại, chúng ta tin tưởng tuyệt đối đức Phật là một người có trí tuệ toàn vẹn, là một bậc giác ngộ. Chúng ta tin tưởng đối với đức Phật, đó gọi là Tín. Tiếp theo là Giải, chính là hiểu rõ chân lý, hiểu rõ lời Phật dạy. Thứ ba là Hành, nghĩa là sau khi đã hiểu những lới Phật dạy thì chúng ta phải thực hành những lời dạy ấy trong cuộc sống của bản thân và cộng đồng. Trong khi chúng ta thực hành những lời dạy ấy thì chính tự thân chúng ta chứng nghiệm được những lợi ích do sự thực hành đưa đến, đó gọi là Chứng. Như vậy, những lời dạy của đức Phật là những phương pháp thực hành mà mỗi chúng ta ai cũng có thể chứng nghiệm được qua sự thực hành của bản thân, chứ Phật pháp không phải là những lời nói suông, không phải là những mệnh đề lý luận hay suy đoán. Vì thế, có thể khẳng định, nếu đứng trên góc độ của triết học mà xét thì trong Phật giáo có tính chất triết học, nhưng Phật giáo không phải là thuần tuý triết học, vì triết học là quá trình tư duy, lý luận, suy đoán còn Phật giáo là sự thể chứng, là thực nghiệm 23. THIỀN, SỰ SIÊU VIỆT của TÂM LINH Nguyên nhân chủ yếu nhất của mọi phiền não chính là chúng ta thiếu sự tu tập của nội tâm. Chúng ta thiếu sự tu tập cho nên những tư duy của mình thường gây ra phiền não cho chính bản thân mình. Thiền sẽ giúp chúng ta có được sự an tĩnh nội tại, giúp chúng ta có được những tư duy đúng, những nhận xét đúng về bản chất của mọi sự vật hiện tượng. Vì thế, mỗi một người chúng ta cần phải học và thực hành thiền để có được sự siêu việt về tâm linh. Vậy, thiền là gì? Thiền chính là phương pháp luyện tâm. Thực hành thiền chính là chúng ta làm chủ được tâm của mình trong mọi hoàn cảnh, là chúng ta ý thức được mình đang làm gì, đang nghĩ gì và đang nói gì trong giây phút hiện tại, thấy rõ được những chuyển biến của các sự vật hiện tượng trong cuộc sống, thấy rõ được bản chất vô thường và vô ngã của vạn pháp. Vì thế, thiền là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của tất cả mọi người trên cuộc đời này, nếu như mọi người muốn xây dựng một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy những khổ đau mà con người gây ra cho nhau chính là do con người thiếu chánh niệm, nghĩa là thiếu chất liệu của thiền trong hành động của bản thân. Bởi vì có chánh niệm, nghĩa là có chất liệu của thiền, mọi người sẽ ý thức được những việc làm của mình và có trách nhiệm đối với những việc làm đó. Và khi mà con người ai ai cũng có ý thức, có trách nhiệm đối với những việc làm của mình thì người đó sẽ không bao giờ gây đau khổ cho người khác, mà ngược lại họ sẽ luôn luôn tìm cách làm cho người khác được hạnh phúc. Quý vị có thể thấy rõ điều này trong cuộc sống của gia đình mình. Nếu trong một gia đình mà vợ không hiểu được chồng, chồng không hiểu được vợ, và cha mẹ, con cái không hiểu được nhau thì gia đình đó sẽ như thế nào? Trong một gia đình mà mọi người không ý thức được sự hiện diện của mỗi thành viên là những yếu tố xây dựng nên hạnh phúc của gia đình, không ý thức được rằng mình có hạnh phúc khi và chỉ khi những thành viên trong gia đình mình có hạnh phúc thì những gia đình đó là những gia đình đau khổ. Do mỗi người chúng ta thiếu thực tập thiền trong cuộc sống cho nên chúng ta đã tự gây ra đau khổ cho bản thân và cho cả mọi người quanh ta. Có thực tập thiền, chúng ta mới có thể an nhiên vượt qua những biến chuyển của cuộc đời. Thực tập thiền trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của mọi sự vật hiện tượng, chúng ta mới thong dong tự tại trong cuộc sống vô thường biến chuyển này. Và chính nhờ sự thực tập đó, chúng ta mới không bị những hơn thua, được mất… làm lay động. Như vậy, chúng ta sống trong vô thường mà không bị vô thường chi phối. Đó chính là sự siêu việt của tâm linh hay nói cách khác đó chính là thiền. Những người tu học Phật pháp cần phải thực tập thiền. Muốn có sự đạt ngộ, chứng ngộ thì không thể không thực hành thiền trong quá trình tu tập. Thiền chính là mạch sống, là tinh hoa của Phật giáo. Có thiền mới có trí tuệ giải thoát. 24. ĐEM NIỀM VUI ĐẾN CHO MỌI NGƯỜI Đức Phật dạy: “Nếu như người nào luôn luôn đem niềm vui đến cho người khác thì nhất định người đó là một người rất hạnh phúc”, và “những người sống theo nguyên tắc không làm tổn hại đến các loài chúng sinh thì đó là những người có phước đức nhất”. Điều này có nghĩa là chúng ta sống trong cuộc đời, không nên làm những việc bất chánh như sát sinh, giết người cướp của, bắt cóc, tống tiền… Trong kinh, đức Phật cũng đã từng dạy: “Làm cho chúng sinh hoan hỷ cũng chính là làm cho chư Phật hoan hỷ”. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải làm cho mọi người sống tin tưởng nhau, sống vui vẻ và tràn đầy hy vọng. Chúng ta làm cho người khác được an vui thì cũng chính là mình tự làm cho mình được an vui, bởi vì khi mình đem niềm vui đến cho người khác thì chính lúc ấy, trong lòng của chúng ta hoàn toàn không có sự phiền não, khổ đau. Chúng ta đem niềm vui đến cho mọi người thì trong tâm chúng ta cũng tràn đầy niềm vui và đó cũng chính là tấm lòng của chư Phật, Bồ-tát. Nghĩa là một tấm lòng vì hạnh phúc an lạc của mọi người, mọi loài và hoàn toàn không có lợi ích riêng tư mà chỉ thuần một vị: đó là tấm lòng thương yêu tất cả mọi loài. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta cần phải “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”. 25. LÀM CHỦ BẢN THÂN Phật dạy: “Trong cuộc sống của chúng ta, không có kẻ thù nào đáng sợ bằng chính lòng tham, sự tật đố, sự sân hận của chính bản thân chúng ta. Điều đáng sợ nhất của con người chính là những tư tưởng bất chính, những thói hư tật xấu tiềm ẩn chính trong con người, bởi vì chính những thứ này thường làm cho người ta không còn làm chủ được chính mình”. Vì thế, trên thế giới này, kẻ thù lớn nhất của chúng ta cũng chính là bản thân chúng ta. Chúng ta cần phải có sự tu tập để chuyển hóa bản thân, chuyển hóa những hạt giống bất thiện trong ta trở thành những hạt giống của tình thưong yêu và sự hiểu biết. Phật cũng dạy: “Chúng ta cần phải hiểu rõ về hoàn cảnh môi trường của mình đang sống để điều chỉnh bản thân sao cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Nếu như một người sống ở một nơi nào đó mà không hiểu được môi trường, phong tục tập quán… của nơi đó thì nhất định người đó sẽ sớm bị đào thải”. Chúng ta không thể làm cho thế giới này thái bình bằng cách sửa chữa, uốn nắn tất cả mọi người trên thế giới trở thành hiền lương được. Cũng giống như chúng ta không thể làm cho tất cả những núi sông, ao hồ… trên trái đất này trở thành đất bằng được. Trên thế giới này, mỗi quốc gia sẽ có một nền văn hóa, phong tục… riêng. Và trong cùng một quốc gia, mỗi nơi cũng có phong tục, văn hóa riêng của từng nơi ấy. Vì thế, một người học Phật pháp, chúng ta phải biết ứng dụng phương pháp tùy duyên bất biến một cách linh hoạt. Chúng ta phải áp dụng giáo lý Phật Đà vào trong cuộc sống tu tập bản thân, làm lợi lạc mọi người một cách uyển chuyển để đưa Phật giáo vào cuộc sống xã hội, để Phật giáo hóa xã hội. Thế nhưng, áp dụng giáo lý tùy duyên cũng cần phải có một niềm tin vững chắc vào Phật pháp, phải có được nội tâm vững chãi, phải có năng lượng của sự tu tập đủ mạnh để làm chủ được tâm mình. Nếu không, chúng ta đi vào đời với mục đích Phật hóa xã hội nhưng cuối cùng lại bị thế tục hóa bản thân chúng ta. Không Phật hóa được xã hội mà ngược lại bị thế tục hóa Phật giáo thì thật là vô cùng nguy hiểm. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu nội tâm của chúng ta luôn luôn hòa nhã, nhẹ nhàng thì nhất định chúng ta sẽ có được sự an lạc hạnh phúc. Muốn sống được an lạc như thế, chúng ta cần phải thực tập hạnh buông xả. Người nào buông xả được những cảm giác, những hỷ nộ, ái ố của bản thân, buông xả những ý niệm về danh lợi, được mất, hơn thua của cuộc đời… người đó sẽ là những người hạnh phúc nhất. Vì thế nên nói: “Tâm bình thế giới bình, tâm tịnh quốc độ tịnh”. Muốn thế giới được hòa bình thì trước hết, mỗi người cần phải làm cho tâm mình được bình thản, phải làm chủ được bản thân mình trong mọi hoàn cảnh. Còn nếu như trong lòng chúng ta tràn đầy thù hận, tràn đầy sự hiếu chiến mà lại nói rằng đi giúp người khác có tự do bình đẳng, hạnh phúc thì quả thật, điều đó giống như xây lâu đài trên cát vậy. 26. BÌNH TĨNH, KHÔNG SÂN HẬN Đức Phật dạy: “Khi chúng ta có những sai lầm, nếu như mọi người có ý nhắc nhở, khuyên bảo thì chúng ta không nên tức giận, không nên ôm giận trong lòng hoặc lớn tiếng tranh cãi. Nếu làm được như thế chúng ta sẽ sửa chữa được nhiều khuyết điểm để hoàn thiện bản thân. Khi trong lòng chúng ta không được vui, hoặc những khi chúng ta bị kích động thì nhất định, chúng ta không nên vội vàng quyết định bất kỳ một việc nào cả. Có những khi chỉ vì một sai lầm nhất thời mà suốt cả đời chúng ta hối hận không hết”. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta cần phải luôn luôn bình tĩnh, làm chủ bản thân đừng để sự tức giận chi phối. Cần phải dùng trí tuệ để soi xét sự việc, soi xét bản thân. Đối với mọi việc cần phải có sự suy xét kỹ càng, hợp tình hợp lý rồi mới quyết định. Quyết định như thế chúng ta mới tránh được những sai lầm, tránh được những hối hận về sau. Trong cuộc sống, chúng ta cần thực hành đức tính nhẫn nhịn, tha thứ và bao dung, bởi vì chính những đức tính này giúp chúng ta có đựơc những quyết định đúng đắn. Chúng ta cần phải biết đồng cảm, biết chia sẻ với những khó khăn của người khác, không nên có ý niệm bới lông tìm vết, cần phải hiểu người và nhất là phải biết tha thứ đối với những sai lầm của người khác. Chúng ta biết những yếu kém, những khuyết điểm của người khác thì ngay trong bản thân của ta cũng có, nhưng vì chúng ta không tự thấy được khuyết điểm của mình mà thôi, cũng giống như con mắt thấy được mọi vật nhưng lại không nhìn thấy chính nó. Khi thấy người khác sai lầm thì hãy nên nhìn lại bản thân mình, đó mới là người có trí tuệ. Đức Phật dạy: “Tức giận người khác thì cũng giống như người đi lạc vào núi không có đường ra”. Sự tức giận ấy không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm bản thân mệt mỏi, tâm trí rối loạn. Quý vị nên nhớ, một lời nói gây đau khổ cho người tác hại còn hơn dùng mũi tên để bắn người nữa. Vì sao vậy? Bởi vì mũi tên bắn trúng, tuy đau thật, nhưng chúng ta có thể nhổ ra và dùng thuốc làm cho nó lành lại. Còn những lời nói ác, vết thương trong lòng do những lời nói ác gây ra thì khó mà chữa trị được. Và có khi chỉ vì một lời nói thiếu chánh niệm, một lời nói thiếu chất liệu của sự xây dựng, của tình thương yêu và sự hiểu biết mà làm cho gia đình ly tán, bạn bè chia cách, dòng họ thù hận lẫn nhau. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta cần phải giữ gìn chánh niệm trong lời nói của mình. 27. TỪ BI, NGUYỆN LỰC Đức Phật dạy: “Biện pháp chinh phục kẻ thù tốt nhất chính là dùng tình thương, lòng nhân từ và sự tha thứ”. Đối với đức tin, đức Phật cũng đã dạy: “Tín ngưỡng phải thông qua trí tuệ, không phải bằng cảm tình. Tín ngưỡng nếu có trí tuệ thì mới bền vững, vì thế không nên dùng cảm tình để đến với tín ngưỡng tôn giáo”. Trong cuộc sống làm người, chúng ta không nên hằng ngày cứ mãi chú ý đến người khác, mà chúng ta nên để thời gian nhìn lại xem mình còn nhiều công việc chưa hoàn thành, cần phải tập trung tinh thần để hoàn thành những tâm nguyện của bản thân, bởi vì mỗi người chúng ta sống cần phải có những tâm nguyện và cố gắng hoàn thành những tâm nguyện ấy, không nên bàn luận đến chuyện của người, không nên làm thương tổn người khác. Chúng ta cần phải thường xuyên nhìn lại mình, nhận ra những khuyết điểm, những yếu kém của bản thân để chuyển hóa, sửa đổi và hoàn thiện. Nếu chúng ta suốt ngày cứ chú ý đến những sai lầm của người khác thì chúng ta sẽ dễ dàng tức giận đối với người, như thế chúng ta sẽ luôn luôn sống trong sự tức giận và khổ đau. Con người chúng ta cũng thật là kỳ lạ, đó là rất dễ nhìn thấy lỗi của người nhưng lại không nhìn thấy lỗi của mình. Vì thế, là những người học Phật, quý vị cần phải luôn biết nhìn lại mình. Hãy luôn luôn nhớ kỹ điều này: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, nghĩa là: “Ngồi yên thì nên nhìn lại những sai lầm của mình, nói chuyện thì không nên bàn đến lỗi của người khác”. 28. HIỂU RÕ CUỘC SỐNG TỰ TẠI GIẢI THOÁT Trong cuộc sống, chúng ta bị khổ đau, bị luân hồi chính là vì chúng ta không hiểu rõ được mặt thật của cuộc đời. Do không hiểu được mặt thật của cuộc đời cho nên chúng ta mới sinh tâm đam mê và chấp trước, khi chúng ta còn đam mê chấp trước thì không bao giờ chúng ta được giải thoát. Thế nên, là một người học Phật, chúng ta cần phải xả bỏ tất cả mọi vọng tưởng, chấp trước sai lầm và thường nuôi dưỡng đức tánh từ bi, thiểu dục, tri túc để làm tăng thêm niềm hỷ lạc trong tâm của mình. Dùng trí tuệ Phật pháp để quán chiếu tất cả các pháp, thấu triệt được chân tướng của vũ trụ vạn hữu, thấu triệt được sự sinh diệt biến chuyển, duyên sinh vô ngã của các pháp. Được như thế, chúng ta mới có được sự an lạc, giải thoát, tự tại trong cuộc sống. 29. NGHIỆP LỰC và SỰ LUÂN HỒI Nói đơn giản, sự sống và chết của mỗi chúng ta đều do một sức mạnh dẫn dắt, sức mạnh này không phải là thượng đế, hay thần linh, ma quỷ, mà trong Phật giáo gọi đó là nghiệp lực, tức là sức mạnh của nghiệp. Vậy nghiệp là gì và nghiệp lực là gì? Chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị hiểu rõ vào phần sau. Vì sao chúng ta lại bị luân hồi? Kỳ thật thì mỗi ngày chúng ta đều đang luân hồi. Nếu nói rộng ra thì luân hồi bao gồm từ quá khứ, đến hiện tại và tới vị lai. Nhưng nếu nói chính xác thì trong từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày của cuộc sống chúng ta đều đang trải qua sự luân hồi. Luân hồi chính là sự vận chuyển, thay đổi một cách liên tục. Nói rằng chúng ta đang luân hồi trong từng phút, từng giây chính là nói đến sự thay đổi trong từng ý niệm, từng ý nghĩ của chúng ta. Những suy nghĩ, tư duy của chúng ta thay đổi liên tục, hết ý niệm này đến ý niệm khác không có lúc nào dừng nghỉ. Hôm nay chúng ta đang vui nhưng ngày mai chưa hẳn đã vui, hoặc bây giờ vui nhưng lát nữa không nhất định sẽ còn vui nữa. Hay hiện tại ta rất đau khổ nhưng không phải là ta sẽ mãi đau khổ. Sự biến đổi liên tục trong từng ý niệm của chúng ta đó chính là sự luân hồi. Sự chuyển đổi từ đời sống này sang đời sống khác cũng gọi là luân hồi. Sự thay đổi liên tục từng ý niệm đó, chúng ta cũng không làm chủ được, và sự chuyển tiếp của cuộc sống (tái sinh) chúng ta cũng không làm chủ được. 30. NHỮNG ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH SỰ LUÂN HỒI Thứ nhất: Sức mạnh của ý niệm Trước hết, vì chúng ta không làm chủ được ý niệm của mình nên chúng ta bị luân hồi. Nếu chúng ta không buông bỏ được những tâm niệm chấp trước, tham đắm, những tâm niệm phiền não… thì những tâm niệm đó luôn nhiễu loạn nội tâm của chúng ta, và đến giờ phút lâm chung chúng ta không làm chủ được tâm niệm của mình, mà bị chúng nhiễu loạn, đến nỗi có người khi chết mắt cũng còn mở trừng trừng vì còn lo lắng đủ điều, không buông xả được những sự chấp trước. Mỗi người chúng ta khi mạng chung đều dựa vào tâm niệm của bản thân lúc đó mà ra đi. Người không có sự tu tập thì không có biện pháp để điều phục tâm thức của mình. Nếu như khi sắp mạng chung mà sinh tâm tức giận và cứ giữ chặt tâm niệm đó thì nhất định khi chết, người ấy sẽ đọa vào địa ngục. Người có tâm tham lam sâu nặng thì mạng chung sẽ đầu thai trong loài ngạ quỷ. Người giàu có nhưng khi sống lại tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ những người thiếu may mắn… khi mạng chung sẽ bị đọa vào ngạ quỷ… tất cả đều do tâm tham lam bỏn xẻn ích kỷ mà ra. Những người ngu si, không có trí tuệ, lúc nào cũng mơ mơ hồ hồ, có người khuyên bảo tu học Phật pháp mà không chịu tu, lại còn chê bai, phỉ báng, thì khi mạng chung, sẽ đầu thai làm các loài súc sinh. Súc sinh thì không có trí tuệ. Thế nên, chính tâm niệm của chúng ta quyết định sự luân hồi của chúng ta. Nếu chúng ta siêng năng tu tập, chuyển hóa nội tâm, siêng năng làm việc thiện, siêng năng niệm Phật... thì khi mạng chung, nhất định chúng ta sẽ được sinh về những cõi thiện, những cảnh giới an lành của chư Phật. Còn nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta chuyên làm những việc lợi mình, hại người như trộm cắp, tham những, giết người, cướp của… thì khi mạng chung, chúng ta sẽ bị đầu thai vào những cảnh giới xấu ác, đau khổ, bởi vì chúng ta đã tạo những hạt nhân xấu ác ấy. Vậy, điều thứ nhất quyết định sự luân hồi của chúng ta chính là vì chúng ta không làm chủ được ý niệm của mình. Thứ hai: Tập khí (thói quen) Điều thứ hai: “Vì sao chúng ta bị luân hồi? Đó chính là vì tập khí (thói quen)”. Nói tập khí, có lẽ có nhiều người còn chưa hiểu. Tập khí, nói đơn giản, đó là thói quen, hay nói theo ngôn ngữ của tâm lý học thì đó là “ý thức quán tính”, là một loại hoạt động rất tự nhiên của ý thức. Tôi lấy ví dụ, trong cuộc sống chúng ta, có nhiều người rất dễ nổi giận. Những người đó họ vẫn biết tức giận là một điều không tốt, thế nhưng khi người khác có điều gì làm cho họ không vừa ý, dù là những điều nhỏ nhặt, họ cũng sinh lòng tức giận. Sự tức giận của họ đã trở thành một thói quen, nếu không tức giận thì họ rất khó chịu. Cho dù không ai muốn hơn thua với họ, họ cũng tức giận, đó là do những người ấy không khống chế được những thói quen của họ. Có những người tuy rất giàu có, không thiếu tiền bạc, nhưng khi đi mua hàng hay vào các siêu thị, họ vẫn tìm cách lấy trộm một món hàng hay một vật dụng nào đó, cho dù vật đó giá trị không bao nhiêu. Thói quen đó thật khó đoạn trừ Mọi người ai cũng có những tập khí. Tập khí của mỗi người cũng mỗi khác. Chẳng hạn, phụ nữ thì thích trang điểm, thích được người khác chiều chuộng v.v… còn nam giới thì lại có thói quen thích đánh bạc, uống rượu v.v… Thế nhưng, tất cả đều có một điểm chung là những tập khí ấy làm cho mọi người phải khổ sở. Nếu chúng ta có những tập khí quá nặng thì phải xem bản thân có đủ trí tuệ để đoạn trừ nó hay không? Nếu chúng ta không có trí tuệ thì nhất định không thể đoạn trừ những tập khí xấu ác của chính mình. Và như vậy, những tập khí đó sẽ là nhân tố căn bản quyết định sự luân hồi của chúng ta. Đó là một loại sức mạnh mà nếu như không có trí tuệ, thì không có loại sức mạnh nào có thể cản trở nó được. Tập khí đúng là rất khó đoạn trừ, nhưng không có nghĩa là không đoạn trừ được. Điều cần thiết là chúng ta có nhận diện được những thói quen xấu (tập khí) trong ta để đoạn trừ nó hay không mà thôI. Thứ ba: Nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp) Thứ ba, vì sao chúng ta bị luân hồi? Đó chính là chúng ta bị sự chi phối của nghiệp lực. Nghiệp và nghiệp lực có sự khác nhau hay không? Khi nói đến nghiệp, đó là chúng ta đứng trên phương diện “nhân” mà nói, còn khi nói nghiệp lực là chúng ta đứng trên phương diện quả để nói. Vì thế, chúng ta thường nói đến “tạo nghiệp”, chứ ít khi nói tạo “nghiệp lực”. Thực tế, chúng ta thường nói như thế cũng chưa hoàn toàn chính xác, vì khi chúng ta tạo nghiệp thì chính ngay lúc đó đã hình thành một sức mạnh mà chúng ta gọi là lực. Và, chính sức mạnh này chi phối sự luân hồi của chúng ta. Vì thế, nghiệp và nghiệp lực không phải là một, nhưng cũng chẳng phải hai. Vậy, nghiệp là gì? “Nghiệp” là từ được dịch nghĩa từ chữ Karma của tiếng Phạn, có nghĩa là hành động có tác ý. Vậy, nghiệp là sự tạo tác, là hành động có tác ý. Vậy, hành động thiện, tức là những ý nghĩ, những lời nói và những tạo tác cụ thể bằng tay chân của chúng ta mà đem lại lợi ích cho bản thân, cho mọi người và không gây tổn hại cho bất kỳ ai về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, thì được gọi là nghiệp thiện. Ngược lại, những ý nghĩ, lời nói và việc làm chỉ đem lại lợi ích cho bản thân mà lại gây tổn hại cho người khác về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần thì đó chính là nghiệp bất thiện, hay còn gọi là nghiệp ác. Như thế, nghiệp thiện hay nghiệp ác chính là do bản thân chúng ta tự tạo, chứ không phải do một đấng tối cao nào có quyền ban phát hay bắt buộc. Bởi vì chính bản thân chúng ta là chủ nhân của nghiệp, tức là chủ nhân của những việc làm của chúng ta, và chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với những việc mà chúng ta đã làm. Nghiệp – hành động có ý thức của chúng ta, thực hiện trong một quá trình lâu dài thì sẽ tạo thành một sức mạnh gọi là nghiệp lực. Ví dụ như một người hút thuốc lá lâu ngày sẽ thành thói quen, đến khi gặp thuốc lá người ấy sẽ hút liền, dầu cho bác sĩ hay người thân khuyên can hút thuốc có hại cho sức khỏe, người ấy cũng không nghe mặc dù họ vẫn biết những lời khuyên trên là đúng. Cho đến uống rượi, nói dối, lừa gạt, hay làm những việc bất thiện v.v… tất cả những việc đó cũng giống như vậy. Ngược lại, những người chuyên giúp đỡ người khác, luôn luôn sống vì mọi người, luôn luôn siêng năng làm việc thiện, thì bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng sẵn sàng làm việc lợi ích cho người mà không có bất kỳ một điều kiện nào. Qua đó, chúng ta cũng thấy được năng lực của nghiệp là rất lớn. Như vậy, nghiệp lực, hay còn gọi là sức mạnh của nghiệp, có khả năng dẫn dắt chúng ta đi đầu thai. Vì vậy, chúng ta sẽ được sinh vào cảnh giới vui sướng hay bị đọa vào cảnh giới khổ đau, chính là do những việc làm của chúng ta quyết định. Những hành động của chúng ta trải qua thời gian sẽ tạo thành nghiệp lực dẫn dắt chúng ta. Nghiệp lực này còn chuẩn xác hơn cả máy vi tính, cho nên chúng ta không thể trốn chạy được những kết quả của những hành động do bản thân mình đã làm. Thế nên trong cuộc sống, chúng tôi khuyên quý vị hãy biết sống cho trọn vẹn một kiếp làm người, đó là: hiếu thuận đối với cha mẹ, hòa thuận với anh em, cung kính với người trên, nghĩa khí, tin tưởng với bạn bè, giúp đỡ người già yếu, neo đơn, thiếu may mắn... nghĩa là quý vị cần phải áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày. Thứ tư: Nguyện lực Cuối cùng, điều quyết định sự luân hồi của chúng ta chính là “nguyện lực”. Nếu chúng ta là một người tu tập, thực hành theo lời Phật dạy thì trong quá trình tu tập, mỗi người sẽ có những sự phát nguyện khác nhau. Có người thì phát nguyện sinh về thế giới Cực Lạc, có người thì nguyện sinh về cung trời Đâu Suất hoặc các quốc độ khác, cho đến phát nguyện sinh trở lại cuộc đời này để cứu độ, hướng dẫn chúng sinh tu tập… Chỉ cần chúng ta tu tập có đầy đủ năng lực, nguyện lực kiên cường thì tùy theo nguyện lực mà tự thân chúng ta sẽ đạt được. Ví dụ, hiện tại chúng ta đang tu hành pháp môn Tịnh độ, xưng niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà, thì chỉ cần chúng ta có đầy đủ tín tâm, nguyện lực và sự thực hành, nhất định chúng ta sẽ sinh về thế giới Cực Lạc mà không phải hoài nghi gì cả. Phần trước chúng ta có nói đến nguyên nhân của sự luân hồi là do sức mạnh của ý niệm, tập khí và thói quen. Ba thứ đó do vì chúng ta đều không làm chủ được chúng nên bị luân hồi. Ngược lại, đối với nguyện lực thì chúng ta luân hồi đó là tùy theo quyết định của bản thân mỗi chúng ta, và luân hồi ở đây là do hạnh nguyện, là xuất phát từ lòng từ bi chứ không phải là bị chìm đắm. Điều này chỉ có những người có sự tu tập thâm sâu mới có khả năng làm được.
Posted on: Mon, 01 Jul 2013 19:32:10 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015