Reuters (19-6-2013) cho biết tại cuộc triển lãm hàng - TopicsExpress



          

Reuters (19-6-2013) cho biết tại cuộc triển lãm hàng không Paris Air Show 2013 mới kết thúc, giới điều hành các hãng vũ khí và quan chức quân đội Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp báo để giới thiệu về các mặt hàng quân sự, đặc biệt trực thăng, chiến đấu cơ, hệ thống phòng thủ tên lửa, vệ tinh…. Viên chức cấp cao Không quân Mỹ Heidi Grant cho biết doanh số các thương vụ vũ khí của Không quân đã tăng từ 4,7 tỉ USD năm 2005 lên 38,5 tỉ USD năm 2012. Thời điểm hiện tại, Không quân đang giám sát 2.800 thương vụ vũ khí trị giá 138 tỉ USD tại 100 quốc gia. Các mặt hàng nóng đang được nước ngoài ưu chuộng là vận tải cơ C-17 của Boeing, vận tải cơ C-130JC của Lockheed Martin, UAV MQ-9 Reaper của General Atomics… Tuy nhiên, cần nói thêm, việc mua vũ khí của Mỹ không đơn giản. Không như Nga, Mỹ thường đưa các vấn đề râu ria rất ngoài lề chẳng hạn nhân quyền hoặc mức độ tin cậy mà Washington đánh giá nhằm vào đối tác khi bàn đến khả năng bán vũ khí. Nội các Obama hiện vẫn thực hiện chiến dịch thuyết phục Quốc hội tháo bớt hàng rào kiểm soát các thương vụ vũ khí. Chính phủ Obama diễn giải rằng việc giảm bớt rào cản đối với các loại vũ khí xuất khẩu sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ đồng thời tăng cường quan hệ với đồng minh. Lần đầu tiên Obama đề cập vấn đề này là vào tháng 8-2009 rồi nhắc lại trong diễn từ Thông điệp liên bang vào tháng 1-2011. Theo Defense Industry Daily, hiện có đến ba cơ quan phối hợp kiểm soát xuất khẩu vũ khí Mỹ. Cục an ninh công nghiệp thuộc Bộ thương mại là nơi giám sát xuất khẩu các mặt hàng thương mại có mục đích sử dụng kép (cho dân sự lẫn quân sự). Có nhiều danh sách liệt kê cụ thể các mặt hàng này nhưng danh sách Commerce Control/ Critical Commodities List (CCL) là quan trọng nhất. Trong khi đó, Bộ ngoại giao là nơi chuẩn y đơn hàng xuất khẩu vũ khí, căn cứ theo qui định International Traffic in Arms Regulations (ITAR) mà qui định này nằm trong khuôn khổ Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí (Arms Export Control Act - 22 U.S.C. 2778). Các mặt hàng chịu sự chi phối của ITAR là những thứ nằm trong danh sách United States Munitions List (USML). Chưa hết, còn có Cục kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ tài chính, nơi giám sát và thực thi các luật cấm vận kinh tế-mậu dịch (do vậy, bất cứ hợp đồng vũ khí nào dính dáng đến quốc gia đang bị Mỹ cấm vận chắc chắn sẽ không lọt qua được khỏi cửa khẩu Mỹ). Việc cùng lúc có nhiều cơ quan chức trách giám sát thương vụ xuất khẩu vũ khí như vậy là nhằm hạn chế tối đa tình trạng “lọt cửa” những kỹ thuật quân sự quan trọng đối với an ninh nước Mỹ, đặc biệt không để các loại hàng “nhạy cảm” rơi vào tay “kẻ xấu” (thiết bị có mục đích sử dụng kép có thể được bán cho Trung Quốc nhưng đồ chuyên dụng cho quân sự thì không). Chặng cuối cùng tại Bộ ngoại giao là cửa ra quan trọng nhất. Từ 2006-2008, Bộ ngoại giao Mỹ xử lý đến 13.000 giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Anh (chuẩn y 99,9%); và 4.000 giấy phép cho Úc trong cùng thời gian (trong số 100.000-120.000 đơn xin từ các công ty Mỹ lẫn công ty nước ngoài). Tiến trình rối rắm như vậy đã khiến Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates từng ta thán (ngày 20-4-2010): “Cách đây không lâu, một chiếc C-17 (Boeing) của không quân Anh đã nằm chết dí tại Úc, không phải bởi thiết bị cần thay không có mà bởi luật Mỹ yêu cầu Úc phải có giấy phép trước khi nhập phụ tùng về nước họ. Chúa ạ, đó lại là hai trong số đồng minh mạnh nhất của chúng ta cơ đấy!”. Trong thực tế, trước khi bản điều chỉnh chính thức liệt kê các mặt hàng cấm/hạn chế bán cho nước ngoài được tung ra, Washington đã bắt đầu nới lỏng ít nhiều luật xuất khẩu vũ khí. Ngày 24-1-2011, Bộ thương mại bắt đầu nhẹ tay hơn với Ấn Độ (bằng việc đưa nước này vào danh sách các nước được phép sở hữu công nghệ tên lửa của Mỹ). Cho đến trước khi có chuyến viếng thăm New Delhi của Obama vào tháng 11-2010, Ấn Độ còn bị cấm mua các mặt hàng nằm trong 11 hạng mục trong tổng cộng 16 hạng mục mà Bộ ngoại giao Mỹ qui định (trong khi đó, hầu hết các nước châu Âu chỉ bị giới hạn ở khoảng 4 hạng mục; và Canada chỉ 2). Cụ thể, Ấn Độ có mặt (trong danh sách hạn chế xuất khẩu vũ khí mà Bộ thương mại Mỹ qui định) ở tất cả ba hạng mục liên quan vũ khí hóa-sinh; 2 hạng mục liên quan an ninh quốc gia; 1 hạng mục liên quan công nghệ; 2 hạng mục liên quan tiêu chí ổn định khu vực… Những người ủng hộ điều chỉnh luật xuất khẩu vũ khí rõ ràng là đang “bức xúc” trước sự nhiêu khê của thủ tục hành chính cũng như đủ thứ qui định giám sát ngặt nghèo. Họ nói rằng luật hiện hành có quá nhiều chi tiết bất hợp lý, chẳng hạn việc bán bàn đạp phanh cho xe cứu hỏa ra nước ngoài thì chẳng bị ai dòm ngó nhưng bàn đạp phanh cho xe tăng M1A1 Abrams (ảnh) thì bị “hành” đến vã mồ hôi hột. Còn nữa, trong Munitions List (danh sách các mặt hàng vũ khí bị cấm/hạn chế bán cho nước ngoài của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ; có từ năm 1935), hiện vẫn còn liệt kê mặt hàng… xe lửa quân sự, thứ mà bây giờ chỉ có trong viện bảo tàng! Vấn đề thay đổi qui định xuất khẩu vũ khí theo hướng thoáng hơn còn một phần là do sức ép khách hàng. Ngày 17-1-2010, tờ Korea Times thuật rằng qui định nhiêu khê của Mỹ đã khiến Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc nâng cấp máy bay tuần tiễu hải quân P-3 Orion của hãng Lockheed Martin (ảnh). Dự án trị giá 550 triệu USD nâng cấp P-3 Orion đã mỏi cổ chờ hai năm nhưng Mỹ vẫn chưa cho phép cung cấp kỹ thuật EDO/ITT’s AN/ALR-95 ESM (giúp phát hiện tín hiệu điện trường)… Những ca cẩm tương tự cũng được nghe ở khách hàng Brazil, Canada, Ấn Độ…
Posted on: Mon, 24 Jun 2013 14:45:51 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015