SỨC MẠNH CỦA SỰ TỬ TẾ Chương 5 GIÚP KẺ THÙ KHI - TopicsExpress



          

SỨC MẠNH CỦA SỰ TỬ TẾ Chương 5 GIÚP KẺ THÙ KHI MỚI VÀO LÀM VIỆC trong nhành truyền hình, Marla gặp một ông sếp rất hắc ám. “Ông ta cứ một mực thúc nhân viên phải làm việc đến hết chịu nổi mới thôi. Người ta phải bỏ việc vì kiệt sức thì ông ta mướn người khác,” Marla kể. Chỉ riêng việc ông ta cắt đặt một y tá mang theo các ống B12 để chích cho người bị đuối sức là đủ biết đó đúng thật một lão chủ nô! Trong mấy năm kế tiếp, Marla chuyển từ bộ phận phát triển sang bộ phận sản xuất; giờ đây chị đã trở thành chức sức cao cấp của một trong những studio chính ở Hollywood. Ta có thể hình dung ra cảnh Marla đã ngạc nhiên thế nào khi vài năm sau chị được biết ông sếp cũ đang phải săn đón chị. Mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn, bây giờ chị mới là người có quyền chấp nhận hay bác bỏ ý kiến của ông sếp cũ. “Ồ, quá đã! Sướng thật! Thế là cơ hội được đáp trả những gì ông ta đã làm với tôi và với những người dưới quyền hồi đó! Nhưng rồi tôi nghe tiếng mẹ văng vẳng đâu đây: Hãy hạ gục họ bằng lòng tốt của con.” Đó chính xác là những gì Marla đã làm. “Bạn có thể thấy vẻ nghi ngại trong ánh mắt ông ta khi tôi đích thân rót cà phê mời thay vì sai trợ lí của mình. Ông ta thực sự hoang mang khi tôi hởi han về con cái ông ta,” chị kể. “Thế rồi, khi trò chuyện đã có đà, tôi để ông ta dốc hết tâm can, còn tôi chỉ chăm chú lắng nghe.” May cho Marla là ý tưởng của ông sếp cũ chả ra sao nên chị có thể bác bỏ một cách công tâm. Nhưng chị vẫn viết cho ông ta một lời nhắn lịch sự, cảm ơn vì đã mất thời gian và cho ông ta biết rằng ông có thể đến chỗ chị bất kì lúc nào. Mấy năm sau, Marla chuẩn bị cho một thương vụ truyền hình rất lớn. “Tôi hoàn toàn đắm đuối với dự án này có thể đưa sự nghiệp của tôi lên một nấc mới,” Marla nói. Thế nên chị mới tá hoả khi biết mình phải trình bày với ai – chính là ông sếp cũ! “Lần này thì quyền sinh quyền sát nằm trong tay ông ta, nhưng nhớ lần trước đã vượt qua ông ta bằng lòng tốt của mình nên tôi đảo ngươic được tình thế trong mối quan hệ này,” Marla nói. “Trong khi tôi biết chắc chắn ông ta chả hiền lành gì, thế nhưng ông ta lại tỏ ra rất tôn trọng tôi và – quan trọng hơn cả - ông ta đã nhất trí với thương vụ mà tôi đang cần! Chưa bao giờ tôi cảm thấy vui mừng vì đã nghe lời mẹ mà cưỡng lại mong muốn trả thù đến thế!” Marla đã nắm được cái nguyên lí vốn đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc, cũng như trong cuộc sống: giúp đối thủ của mình có thể là một trong những điều quan trọng nhất mà ta làm được cho chính mình. Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá có tổng bằng không. Năm nào cũng có tổng thống, có người thắng giải Oscar cho phim hay nhất, có nhà quán quân mười môn phối hợp của năm ấy. Nhưng cho dù các sự kiện đó có lên trang nhất các báo thì phần lớn cuộc sống cũng không phải trăng đen rõ ràng như vậy. Chẳng có mấy phụ nự nhận được giải thưởng Người Vợ Nhà Quê Giỏi Nhất Trong Vai Phụ. Nền văn hoá của chúng ta xúi chúng ta chống lại nhau. Giới kinh doanh đọc các loại báo chí thương mại để tìm cách bày binh bố trận nhằm giúp công ty mình hạ được đối thủ. Các bậc cha mẹ nhảy vào những cuộc đấu quyết liệt để con cái mình được học trong những trường mầm non tốt nhất. Chúng ta coi những người cùng theo đuổi một thứ như ta là kẻ thù. Chính vì vậy nên khi nghe ai đó nói người khác gặp may thì đôi lúc ta thấy mình chùn chân một chút. Khi ta thấy đối phương xui xẻo thì đôi lúc ta lại có cảm giác phởn phơ. Nhưng nói cho cùng thì ai là kẻ thù? Trên đời này, số người mà ta có thể thực sự coi là kẻ thù vốn ít lắm. Ừ thì Osama Bin Laden là một, thế nhưng hầu hết những người mà ta coi là “kẻ thù” thực ra chỉ là những người làm tổn thương cái tôi của ta thôi, đại để như tay đồng nghiệp ngáng đường thăng tiến của ta, hay gã bạn trai dở chứng bỏ rơi ta. Chính vì vậy mà chuyện li hôn mới ghê gớm đến thế. Chẳng ai thèm quan tâm xem người nào có được bộ sưu tập các CD về những tiết mục hay nhát của Barry Manilow – các cặp đã chia tay quay qua chửi bới nhau chỉ vì bị chạm tự ái. Một khi đã biết cách dẹp bỏ tự ái và không để bụng thù dai, bạn sẽ thấy mình làm tốt hơn hẳn. Bởi vì phần lớn cuộc đời không phải là chuyện tôi đấu với anh, mà phần lớn thời gian chúng ta sẽ làm việc trong cùng một đội. Chúng ta hợp tác với nhau. Có thế mới gọi là nền văn minh. Chỉ có một tổng thống thôi, nhưng lại cso đến 535 thành viên hạ viện để cùng vận hành nhánh lập pháp của nước Mỹ. Bạn và đồng nghiệp của mình có thể tham gia vào cuộc thi đua xem ai có chỉ số bán hang tốt nhất, nhưng rốt lại cả hai đều làm cho tốt nếu muốn doanh thu – và cả giá cổ phiếu – của công ty mình tăng lên. Cái cách gia hạn hợp đồng của diễn viên trong chương trình truyền hình ăn khách Friends là một minh chứng tuyệt vời cho điều đó. Họ hiểu rằng có thể tăng cường sức mạnh thương thuyết của mình – và cả túi tiền – nếu họ thương lượng tiền thù lao theo cả nhóm, trong đó, các diễn viên đều được hưởng thù lao ngang nhau. Họ có thể chành chọe nhau về chuyện Jennifer Aniston hay Lisa Kudrow là ngôi sao của show diễn. Nhưng không, họ dẹp bỏ bảng xếp hạng và kéo dài cuộc sống của show diễn. Và dĩ nhiên, họ đã thắng đậm! TẠI SAO HỢP TÁC LẠI THẮNG CẠNH TRANH? Để hiểu rõ hơn vì sao hợp tác lại là một chiến lược mạnh mẽ dường ấy, hãy nghĩ đến một thí nghiệm tâm lí quen thuộc gọi là “Canh bạc của tên tù.” Trong thí nghiệm này có hai người chơi và một là chủ nhà băng. Mỗi người chơi có hai lá bài, một là ghi “hợp tác,” lá còn lại ghi “bỏ”. Mỗi người chơi phải tự quyết định xem mình có nên hợp tác hay không mà chẳng biết người kia quyết định thế nào. Nếu cả hai hợp tác với nhau thì mỗi người ăn 300 đôla. Nếu cả hai đều bỏ thì mỗi người bị trừ 10 đôla. Như vậy là có sự khuyến khích hợp tác, nếu có hai người chơi có quyết định giống nhau. Tuy nhiên, nếu một người hợp tác mà người kia bỏ thì người bỏ sẽ ăm 500 đôla, còn người hợp tác bị trừ 100 ddoola “ngu phí.” Thoạt nhìn thì có vẻ như cứ bỏ là hay nhất, vì nếu được thì được lớn còn nếu thua thì thu nhỏ. Thực ra bỏ là lựa chọn hay nhất – nếu chỉ chơi một lần. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy: Khi chơi nhiều lần, người ta lại chọn hợp tác với nhau. Đây là trò chơi tự khống chế - không ai có thể bỏ hoài mà không bị bên kia bỏ lại. Hai người chơi sẽ nhanh chóng nhận ra, rằng chiến lược hay nhất để bảo đảm thành công là quên đi món tiền thưởng 500 đôla to vật vã, hãy cứ đều đặn cùng ăn 300 đôla thôi. Bất kì đã từng mua hay bán thứ gì đó trên eBay thì đểu hiểu nguyên tắc này. Giả dụ như bạn muốn bán cái độc bình cũ của bà ngoại, rất đẹp, nhưng bị sứt mất một miếng lởn phía sau. Nếu chẳng đả động gì đến vết sứt thì bạn sẽ bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu bạn làm vậy thì đừng có mong bán được thứ gì trên mạng nữa, vì eBay đã tạo ra một cách trừng phạt kẻ lừa đảo tưởng thưởng cho những ai chịu hợp tác – thể thức phản hồi. Kẻ bán người mua hàng ngày đều thông báo giá cả các giao dịch của mình, cho biết họ nghĩ đối tác có trung thực và chơi đẹp hay không. Người nhận được cái bình bị sứt kia chắc chắn sẽ thông báo rằng bạn chào hàng không trung thực, và sẽ còn rất ít người muốn làm ăn với bạn. Cả trên eBay lẫn trong cuộc sống, chơi xấu thì không được bền. Vì gần như trong cả cuộc đời mình, bạn làm ăn với người ta đâu chỉ một lần rồi thôi. Vậy chứ ta nên làm gì trước khi gặp một đối tác làm ăn tiềm năng, hay trước một cuộc hẹn với người lạ? Ta Google họ chứ sao. Trong thời đại thông tin tức thời ngày nay, bạn mà chơi xấu người khác thì chẳng thể nào thoát được đâu. Cũng vậy, hệ thống liên lạc tức thời của chúng ta cũng có thể giúp người có uy tín đàng hoàng tác động đến cả bạn lẫn thù. Dưới đây là một số chiến thuật mà sau nhiều năm chúng tôi rút ra được để hợp tác với người khác, ngay cả kẻ thù cũng trở thành đồng minh và bè bạn. HÃY TRƯỢT THEO CHƯƠNG TRÌNH TỐT NHẤT CỦA BẠN Là một người máu mê trượt băng, Robin biết rằng cách tốt nhất để chiến thắng là trượt theo chương trình tốt nhất của mình. Những người trượt băng đều biết, trong lúc thi đấu mà cứ lăm lăm nhìn đối thủ cũng chả ích lợi gì, vì người ta trượt giỏi hay dở thì mình chẳng thể làm gì để thay đổi được. Bạn chỉ có thể chiến thắng dựa vào những gì mình thể hiện. Bất cứ lúc nào bạn nghĩ, “À, nó sắp làm thế này nên mình cũng phải làm thế này!” đều mất công vô ích. Điều đó chỉ tổ làm xói mòn lòng tự tin của bạn mà thôi. Và sự thực là, nếu đối thủ của bạn có bị ngã trong cú xoay người thì điều đó cũng chẳng giúp được gì cho bạn cả. Chúng ta ai cũng phát ra một lượng năng lượng nhất định mỗi ngày. Vậy thì bạn muốn dùng số năng lượng đó như thế nào – hoàn thiện cuộc chơi của mình hay phá ai đó? Mỗi lần lên đài với đối thủ, bạn phải rời mắt khỏi giải thưởng ngay. Dành toàn bộ thời giờ của mình để đấu với ai đó là cách nhanh nhất khiến bạn bị thua trong làm ăn, bởi vì bạn chẳng còn chút cố gắng nào để xây dựng cái gì nữa cả. Bạn phát tán ra năng lượng chỉ để nhằm hạ được ai đó. Thật là tốn công vô ích, mà chẳng đi đến đâu.Chúng tôi mới phát hiện ra cách áp dụng quy tắc trượt băng vào việc làm ăn khi một công ty thực phẩm lớn mời The Kaplan Thaler Group, cùng một hãng khác, làm giá cho một thương vụ mới. Khách hàng muốn chúng tôi phối hợp làm việc và chia sẻ thông tin. Thế là chúng tôi tham gia những buổi hội ý tìm kiếm chung, mặc dù là hai công ty riêng rẽ và đang cạnh tranh với nhau. Thế nhưng oái oăm ở chỗ: khách hàng muốn có một người điều phối dòng thông tin – để bảo đảm mọi người đều nhận được tất cả các e-mail, fax, lịch họp các thứ, và họ giao cho Robin vai trò này, Robin kể: Tất nhiên tôi được yêu cầu phải khách quan, nhưng làm sao tôi có thể hoàn toàn khách quan cho được? Tôi có đặc quyền lựa chọn thông tin để chia sẻ với nhóm kia cơ mà. Tôi có quyền quyết định xem họ được dự cuộc họp nào và không được dự cuộc nào. Có gì thì chỉ cần “Ơ, chị không nhận được e-mail của tôi à? Lạ nhỉ,” là xong. Chúng tôi rất quyết chí phải có được thương vụ này; mà người bên hãng kia rất thông minh và giỏi giang. Tuy vậy, chúng tôi đã quyết định dứt khoát ngay từ ngày đầu. Chúng tôi không được phép xao nhãng khỏi công việc, dù chỉ là một giây. Nếu chỉ dành thời gian để tính toán xem làm sao qua mặt đối thủ, hay lừa được họ thì sẽ chẳng đem lại điều gì ngoài việc làm tăng thêm nguy cơ thua cuộc cho mình. Thế nên chúng tôi đã chia sẻ mọi thông tin nhận được và mời họ tham dự tất cả các buổi họp. Chúng tôi cũng chẳng hề hé răng khi nghe nói một trong các giám đốc của đối thủ đã bay đến trụ sở của khách hàng, ở bên bờ tây, để “gặp kín” phó chủ tịch điều hành. Chúng tôi dẹp hết mưu mẹo ra khỏi đầu và chỉ tiếp tục công việc của mình mà thôi. Rồi thời điểm quyết định cũng đến: chúng tôi nhận được cuộc gọi và thẳng thầu. Tuy là công ty kia vốn đã có quan hệ chặt chẽ với khách hàng từ trước, nhưng rốt cuộc chính công việc – chứ không phải mưu lược – đã đem công việc đến cho chúng tôi. Chúng tôi còn chiếm được sự ngưỡng mộ của khách hàng vì khả năng làm việc ăn ý với đối thủ. Tất nhiên, đôi khi việc có đối thủ sẽ khiến ta càng hăng hái hơn. Quả thật các tay đua lúc thi đấu thường chạy nhanh hơn lúc tập. Nhưng ngay cả trong những cuộc đua chỉ hơn kém nhau nửa bước chân thì cũng có cách xử sự “hiền” đấy. Hãy nhớ về vụ đụng nhau của Mary Decker và Zola Budd trong trận chung kết chạy 3.000m nữ ở Olympic mùa hè 1984. Cô gái Mỹ, Mary Decker , được trông chờ sẽ là người chiến thắng, thế nhưng cô gái gốc Nam Phi thi đấu trong màu áo Liên hiệp Anh, Zola Budd, cũng là một đối thủ đáng gờm. Ở mức 1.700m, Budd vô tình cắt mặt Decker khiến cho Decker bị ngã. Budd vẫn tiếp tục chạy trong khi Decker nằm trên đường đua mà khóc. Budd về thứ bảy trong tiếng la ó của người xem. Và Budd chẳng bao giờ phục hồi lại được thanh danh đã bị mình làm cho sứt mẻ. Hãy nghĩ xem cuộc đời Budd sẽ thay đổi thế nào nếu trong khoảnh khắc quyết định ấy cô dừng lại và cố gắng nâng Decker dậy? Cô sẽ không giành huy chương vàng, nhưng sẽ là người hung của cả thế giới. HÃY KHEN NGỢI ĐỐI THỦ Trong cuộc đua tọa đàm National Press Club năm 2005, Newt Gingrich đã ca ngợi thượng nghị sĩ Hillary Clinton, nào là “Thượng nghĩ sĩ Clinton hoàn toàn đúng!” hay “Hillary quá đúng trong đường lối mà bà vạch ra.” Có chuyện gì vậy? Vào giữ những năm 1990, Gringrich – bấy giờ là lãnh tụ phe đa số trong nghị viện – đã bác bỏ dự luật chăm sóc sức khỏe của bà Clinton và kêu gọi luận tôi chồng bà. Sao giờ tự nhiên lại thân nhau thế? Té ra là hai cựu thù đã nhất trí với nhau trong nhiều vấn đề về chính chăm sóc sức khỏe, cũng như tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Còn cách nào tốt hơn để phát đi thông điệp của mình ngoài cách quay ra khen nhau? Newt và Hillary nhận ra, trong các vấn đề này, nếu hợp sức với nhau sẽ có lợi hơn là đấu đá. Chúng ta vẫn biết rằng đó không phải là tín hiệu về sự hòa hoãn lâu dài của hai phe. Cộng hòa và Dân chủ, nhưng nếu thỉnh thoảng Newt và Hillary lại có thể hợp sức với nhau thì chắc chắn tất cả chúng ta cũng có thể tìm được tiếng nói chung với những người vốn bị coi là kẻ thù của chúng ta. Giới chóp bu của Sony và Samsung cũng đã hiểu ra điều đó. Hai nhà sản xuất thiết bị điện tử này đã cạnh tranh nhau quyệt liệt trong nhiều năm. Trên thực tế, thành công của hai công ty này chính là niềm tự hào của hai dân tộc Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi hai cồng ty bắt đầu làm việc cùng nhau để tạo ra loại TV màn hình phẳng. Những người đứng đầu hia công ty này cho rằng, mỗi bên đều có lợi nhờ vào thế mạnh của bên kia. Samsung có công nghệ tiến tiến hơn, nhưng Sony lại nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng dụng những công nghệ đó vào sản phẩm. Cùng nhau làm việc, cả hai cùng cải thiện được chất lượng của tất cả sản phẩm của mình. Một khi bạn đã thôi không còn nghĩ cứ mỗi người thắng loại cso một kẻ thua thì rất có thể sẽ nảy sinh những điều kì diệu. Nhìn Ba Giọng Tenor mà xem. Giới opera được biết nhờ những ngôi sao của nó; ai có thể ngờ là ba ngôi sao lớn nhất của opera lại cùng nhau lên sân khấu chứ? Nhưng khi Luciano Paravotti, Placido Domingo và Jose Carreras cùng đứng dưới ánh đèn thì chính họ càng làm cho vinh quang của mình tăng vọt, tạo nên một album nhạc cổ điển độc nhất vô nhị trong lịch sử. ĐỐI XỬ VỚI ĐỐI THỦ HÔM NAY NHƯ MỘT ĐỒNG MINH CỦA NGÀY MAI Trong cuộc chiến tranh cách mạng, George Washington đã yêu cầu lính của mình phải đối xử tốt với các tù binh. Đến cả tù binh cũng cảm thấy choáng khi được đối xử nhân đạo như thế. Trong cuốn Washingtons Crossing, nhà sử học David Hackett Fischer đã trích dẫn một mệnh lệnh Washington gửi cho trung tướng Samuel Blachley Webb: “Ngài chịu trách nhiệm trông nom binh lính quân đội Anh…Hãy đối xử nhân đạo với họ, không được để cho họ có lí do gì trách cứ rằng chúng ta cũng bắt chước tấm gương tàn bạo của quân Anh trong việc đối xử với những đồng đội không may cho chúng ta…Chu cấp mọi thứ cần thiết cho họ trên đường đi.” Washington không đơn thuần là một kẻ thượng võ. Ông biết những từ binh kia nằm trong số những công dân tiềm năng đầu tiên của Hợp Chủng Quốc non trẻ. Ông muốn họ chạy sang hàng ngũ quân thuộc địa. Và rồi sau chiến tranh, nhiều tù binh đã làm như vậy thật. Vị khai quốc của nước Mỹ đã nghĩ xa hơn hầu hết chúng ta. Bởi lẽ trong xã hội cạnh tranh quyết liệt như ngày nay, chúng ta rất dễ quên mất rằng người ta vẫn thường đổi bên liên tục. Cầu thủ bóng chày của thành phố bạn nháy sang chơi cho đội đối thủ truyền kiếp. Bạn thân nhất của bạn trong công ty vốn làm việc cho công ty đối thủ trực tiếp. Thế mà ta vẫn cứ sồn sồn lên, làm như thể các đối thủ của ta sẽ mãi mãi là kẻ thù không bằng. Trong thế giới thực, quan hệ bạn – thù cứ thay đổi xoành xoạch. Gải dụ như trong nghề của mình, chúng tôi cạnh tranh trực tiếp với các hãng khác để giành việc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng những công ty kia có thể là những người bạn quý giá. Thành ra, mặc dù chúng tôi đấu với nhau vì một mối hàng nào đó, nhưng vẫn thường xuyên giúp nhau tiếp cận những mối hàng mà chúng tôi không cạnh tranh nổi. Bạn của chúng tôi bên Leo Burnett đã chỉ đường cho chúng tôi đến U.S.Bank sau khi họ không thể theo được thương vụ này. Chúng tôi giới thieeuk một hãng hàng không cho bạn mình – là Kenvin Roberts - ở Saatchi vì chúng tôi đã có được công việc của Continental Airline rồi. Trong làm ăn, thực ra chẳng có gì gọi là kẻ thù cả. Và chính vì vậy mà chẳng có lời ra tiếng vào nào khi Robin rời công ty cũ sang giúp Linda lập ra Kaplan Thaler Group, Robin kể: Một đồng nghiệp cũ đã cười nhạo hãng mới của chúng tôi, bảo rằng, “Tôi cá là họ sẽ sớm sập tiệm thôi”. Câu nói đó làm tôi cáu lắm, và ý định đánh trả cứ thôi thúc tôi suốt. Thế nhưng may mà tôi đã không làm thế. Maasynawm sau thì cso dịp “trả nợ” khi tôi trở lại thăm công ty cũ. Một vài nhân viên giỏi nhất của hãng đã kéo tôi ra một chỗ hỏi, “Bên chị có chỗ nào cho bọn tôi không?” Thế là tôi thuê họ. Bây giờ họ là vốn quý giá của chúng tôi. Hồi đó mà tôi ăn miếng trả miếng với chủ cũ thì làm gì có cơ hội gặp lại các đồng nghiệp cũ và có được tài năng của họ! LÀM BẠN TRƯỚC KHI HỌ CÓ THỂ TRỞ THÀNH KẺ THÙ Khi xuống tàu sang Oxford để bắt đầu nhập học theo chương trình học bổng Rhodes, Bill Clinton đã đi bắt tay từng người trên tàu. Khi có người hỏi vì sao lại làm thế, ông đã trả lời rằng sau này ông muốn trở thành tổng thống Mỹ nên chắc sẽ cần phải có nhiều bạn bè. Bill Clinton biết rằng “ta cần phải có bạn bè” để tiến lên trong thế giới này. Chúng ta ai cũng vậy. Cho nên cứ làm bạn với đối thủ của mình ngay từ bây giờ đi – trước khi họ có cơ hội trở thành kẻ thù của mình. Trong ngành quảng cáo, khách hàng thuê các công ty điều tra để kiểm định sản phẩm quảng cáo của hãng. Các công ty điều tra có quyền sinh quyền sát đối với những ý tưởng của hãng. Cánh sáng tác bên hãng thường cảm thấy lời phán của nhà điều tra chẳng khác gì gáo nước dội xuống các ý tưởng của mình, khiến cho chúng kém độc đáo hẳn. Có thể bạn đang khoái chí về chiến dịch quảng cáo mới rất xuất sắc của mình thì bỗng nhiên lại rơi ngay từ trên mây xuống chỉ vì một câu của nhà điều tra, “Không, tôi rất tiếc, có ba bà bên New Jersey không khoái đoạn quảng cáo của các vị.” Thật là tức anh ách, mà tự nhiên còn nảy sinh mối hận nữa chứ. Chúng tôi cũng như thế cho tới khi – thông qua quan hệ với Aflac – chúng tôi bắt đầu làm việc với một người tên là Gerry Lukeman. Gerry là chủ tịch danh dự của Ipsos-ASI, một công ty đảm đương phần lớn việc thử mẫu trong công nghiệp. Rồi chúng tôi chợt nghĩ: Tại sao mình lại biến ông ấy thành kẻ thù chứ? Ông ấy có thể giúp mình cơ mà. Thế là chúng tôi đã làm một việc hết sức lạ đời trong nghề của mình – nhờ ông ấy xem qua kịch bản trước khi tiến hành làm thử. Ông đã cho chúng tôi lời tư vấn tuyệt vời, và sau đó chúng tôi lại tiếp tục tạo ra một chiến dịch đột phá. Khi có ai đó chê bai hay bài bác ý tưởng của bạn thì bạn có thể coi họ là kẻ thủ - hoặc cũng có thể coi họ là người thúc bạn phải làm thật tốt. Vào những năm 1950, khi Rod Serling muốn sản xuất một series kịch truyền hình với những chủ đề như phân biệt chủng tộc, bài Do thái và nạn nghèo đói, thì mạng truyền hình đã tư chối thẳng thừng. Thế là Serling bèn giấu các vở kịch luân lí của mình vào thế giới khoa học giả tưởng,tạo ra chương trình truyền hình ăn khách Vùng Tối Sáng. “Kẻ thù” của ông ở mạng truyền hình rốt cuộc đã xúm vào giúp ông tạo ra một series còn hay và nổi tiếng hơn nhiều so với một chương trình luân lí dạy đời. Chính vì vậy mà trong mỗi cuộc đối đầu, kẻ thù của bạn biết đâu lại chính là đồng minh tốt nhất của bạn đấy. ĐƯA KẺ THÙ VỀ PHE MÌNH Một trong những nguyên nhân giúp đảng Cộng hòa khá lên trong những năm gần đây là vì họ rất giỏi uốn nắn vấn đề tranh cãi. Dân Mỹ hầu hết đều ủng hộ “thuế bất động sản” vì thấy nó có ve như chỉ đánh vào những người giàu có. Thế nhưng, khi phe Cộng hòa nắm được các thành viên của giới truyền thông rồi, chính phủ bắt đầu gọi nó là “thuế chết”, và thế là sự ủng hộ loại thuế đó lập tức giảm hẳn – đấy, tất cả người dân mỸ đang có trải nghiệm đó đấy. Phe Cộng hòa không còn gọi là “nóng lên toàn cầu” nữa – bây giờ họ dung cụm từ “thay đổi khí hậu”. Những người tin vào thuyết sáng tạo trong tiến hóa được mô tả là theo "thiết kế thông minh” Dù bạn có đồng minh với đảng Cộng hòa hay không thì cũng rút ra được một bài học từ cách làm chính trị rất thành công đó.Đừng bảo với người ta là bạn phản đối cái gì – mà hãy nói cho họ biết bạn ủng hộ cái gì. Bạn có thể uốn lại bất kì câu thoại nào để lôi kéo người đối diện về phe mình. Như Jay Leno bảo chúng tôi, “Các vị có thể nói Đóng cái cửa sổ chết tiệt kia lại, hoặc nói Ở đây có vẻ lạnh nhỉ? Thực ra sẽ có tác dụng hơn, vì lúc đó bạn chỉ đơn thuần là hỏi một câu mà người ta có thể trả lời.” Bạn cũng có thể biến việc đóng cửa sổ thành ý tưởng của người ta, và chúng tôi đã hiểu ra rằng đó chính là một trong những cách tốt nhất để người khác chấp nhận ý tưởng của bạn. Nếu có một khách hàng nào đó không thích đoạn quảng cáo mà chúng tôi cho là tuyệt vời thì chúng tôi sẽ hỏi họ có cách gì để làm cho nó hay hơn không. Nếu thích ý tưởng của họ thì chúng tôi sẽ bảo, “Thế mà tôi không nghĩ ra. Đưa ý tưởng của anh vào đoạn quảng cáo này thì chắc sẽ hay hơn hẳn đấy.” Một khi ý tưởng của họ được đưa vào rồi thì họ sẽ chấp nhận nó – và dĩ nhiên là sẽ ủng họ nó hết mình. ĐỐI VỚI THIỆN Ý Có những cử chỉ thật đơn giản như vẫy chào, đem một bó hoa đến dự tiệc, cụng ly. Nhưng xuất xứ của những cử chỉ ấy lại ẩn chứa một điều gì đó nằm rất sâu trong bản chất con người. Mỗi cử chỉ được tạo ra để nhắn với người khác rằng, “Tôi không có ác ý.” Tổ tiên chúng ta giơ hai tay lên vẫy chào để cho thấy họ không cầm vũ khí. Người ta mang quà đến nhà hàng xóm để bày tỏ ý định tốt khi bước vào lãnh địa của người khác. Và các vại bia được cụng vào nhau để bia tóe lên hòa lẫn vào nhau, chứng tỏ chẳng ai bị bỏ thuốc độc cả. Con người vốn là loài thận trọng. Chính vì thế nên mới cần làm một việc nho nhỏ để giúp người ta thư thái và chứng tỏ mình là bạn. Ngôn ngữ hình thể của bạn có thể nói lên rất nhiều điều về mặt này, Có nhiều cách để bảo với người ta rằng, “Tôi không cầm vũ khí.” Rời khỏi bàn và đến ngồi cạnh khách là một. Dùng ngôn ngữ cử chỉ cởi mở - không bắt chéo chân tay – là hai. Hơi nghiêng đầu là có ý “Tôi rất quan tâm.” Mở hai lòng bàn tay ra nghĩa là “Tôi sẽ thẳng thắn với anh.” Một cách nữa để nhận biết về sự chân thành và thẳng thắn là quan sát bọn trẻ, giống như Linda và chồng cô, Fred, đã nhận ra điều đó ở giải cờ vưa học dinh toàn quốc USCF. Cuộc thi giành danh hiệu cấp một diễn ra giữa hai cậu bé. Một đứa đang dẫn trước khá xa. Nhưng nó đã có một sai lầm rất đáng trách: sau khi đi một nước, nó quên không dừng đồng hồ của mình. Nếu không phát hiện ra sai lầm này thì thời gian của nó sẽ hết và nó sẽ thua. Các huấn luyện viên sốt ruột đi đi lại lại quanh phòng. Người xem im phăng phắc. Không một ai được phép nhắc thằng bé về chuyện cái đồng hồ. Người duy nhất trong phòng được phép làm điều đó chính là đối thủ của nó, cũng là một thằng bé sáu tuổi như nó, ngồi phía bên kia bàn và có toàn quyền làm như vậy. Nhưng sao thằng bé kia lại phải làm thế chứ? Nếu đối thủ của nó quên dừng đồng hồ thì nó sẽ thắng cơ mà. Trong lúc đồng hồ vẫn tích tắc chạy, ai nấy đều nín thở. Thế rồi thằng bé bên kia bàn chồm người sang thì thào vào tai đối thủ, và thằng bé bên này lập tức dừng đồng hộ lại, tiếp tục thi đấu và giành chiến thắng. Thằng bé bị thua là Michael, con trai của Linda và Fred. Sau này có một đứa trong bọn trẻ hỏi Michael, “Này, cậu có biết là nếu im lặng thì cậu đã thắng rồi không?” Nó đáp, “Tớ không muốn thắng kiểu đó. Như vậy đâu phải là thắng.” Vợ chồng tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào về thằng bé như trong giây phút đó. Một tuần sau, trong buổi họp toàn trường mà cả phụ huynh cũng được mời dự, huấn luyện viên trưởng môn cờ vua nói, “Tôi muốn vinh danh một người là nhà vô địch chân chính.” Đoạn ông quay sang Michael. Mọi người trong phòng đứng dậy, Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất trong đời bé Michael. Và cuối cùng nó cũng có được cái mình muốn – niềm tự hào được tuyên dương là người chiến thắng, là tấm gương cho các học sinh khác. THỰC HÀNH * Hãy nghĩ tới người làm bạn bực mình nhất. Rồi sau đó cố tìm ra một điều thực sự tốt để nói về anh ta. Lần tới gặp anh ta bạn hãy nói điều đó ra. Lặp lại việc này với người làm bạn bực thứ nhì thứ ba và cứ thế. * Điểm ra ba kẻ thù đầu sổ của bạn. Với mỗi người, hãy viết ra những gì bạn có thể làm để giúp họ mà không ảnh hưởng đến công việc, hay chiến dịch của mình, vân vân. Khi có cơ hội thì hãy đề nghị giúp họ nhé. * Mỗi tuần bạn hãy dành ta một ngày để “nói thoải mái.” Không đọc tạp chí kinh doanh, các mục làm ăn trên báo hay các website nội bộ mà bạn ưa thích – hay bất kì thứ gì làm cho bạn phải đem mình ra so đo với người khác. Dần dần tăng lên hai ngày một tuần cứ thế, cứ thế.
Posted on: Tue, 25 Jun 2013 03:08:47 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015