Trong quyển nhật ký đã ố vàng được người em gái, - TopicsExpress



          

Trong quyển nhật ký đã ố vàng được người em gái, bà Khương Băng Kính giữ lại như một kỷ vật gia đình còn có bức thư của chị Thùy gửi anh Hưng. Bức thư được gia đình tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối năm 2009 và đang được trưng bày trong triển lãm Những kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Quân khu 4 (Nghệ An). Mong tâm hồn anh không chỉ có lửa đạn Chị Thùy đã mong vậy suốt chặng đường dài từ Hà Nội vào Nam, suốt ba năm ở chiến trường. Giữa những trận bom khắc nghiệt, dường như người con gái này vẫn mong người yêu quay đầu nhìn về phía chị. “Đừng trách tôi nghe đồng chí! Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, của những người chiến sĩ giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương - Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim... Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá... Anh có khỏe không? Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn...?”. Thùy yêu, anh cũng yêu, nhưng anh im lặng. Giữa những loạt bom đạn, Thùy vẫn viết thư cho anh. “Chiều nay ở đây và ở đó ta cùng đang trong cuộc chiến đấu nóng bỏng, ta cùng chung nhịp thở của những người đồng chí vào sinh ra tử có nhau, vậy mà... sao lại xa cách đến thế này hở người đồng chí yêu thương?”. Lá thư viết ngày 17-3-1969. Bức thư đã xuyên qua lửa đạn của chiến trường Quảng Ngãi khốc liệt, theo chân người lính trong từng trận đánh rồi cùng anh lên đường ra Bắc. Nó nằm gọn trong quyển nhật ký ố vàng của Khương Thế Hưng được người em gái giữ lại sau ngày anh mất. Trong thư, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn ghi vào những dòng nhật ký của mình viết ngày 9-3-1969. Dòng nhật ký đó nói hộ những suy tư của chị giữa chiến trường khắc nghiệt. “9-3-69. Gặp anh Tấn, bỗng nhiên mình thấy có cái gì bứt rứt không yên. Cái gì? Nỗi buồn, nỗi nhớ, hay nỗi oán trách hay cái gì mình cũng không rõ nữa, chỉ thấy lòng xao động một cách không bình thường. Anh Tấn đã gợi lại cho mình những điều mà lâu nay một phần vì bận rộn, một phần vì cố ý mình đã quên đi. M. ơi! Ta thực sự xa nhau rồi đó ư? Anh Tấn về không đem một thông tin nào của anh cả. Anh ở đâu? Sao em cảm thấy trái tim mình rỉ máu, vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?”. Vậy mà Thùy vẫn nuôi hi vọng, vẫn mong một ngày tình yêu lại nở hoa trên mảnh đất Đức Phổ cằn cỗi vì chiến tranh. “... Cái gì của chín năm qua không phải dễ mất đi dù người ta có muốn dứt bỏ nó. Người ta là ai? Là anh, là em hay những dư luận đang bao bọc cả hai đứa mình? Anh xác định đi, ai cũng có trong đó cả anh à... Vậy mà gốc rễ của yêu thương hình như vẫn còn nằm sâu trong lòng đất, vẫn còn sức sống, vẫn có thể đâm chồi nẩy lộc nếu mùa xuân lại về với những hạt mưa xuân mát lạnh trên má người con gái năm xưa”. Và anh không muốn người yêu phải đợi Nếu chị Thùy còn sống, chị sẽ đọc được những dòng thơ day dứt này: Những người đi chiến đấu/ Không muốn nặng thêm khẩu súng/ Một mối tình quá xa/ Và nhất là/ Nỗi ân hận quá nhiều/ Bắt một người yêu/ phải đợi... Thơ trích từ bài thơ Một mối tình được viết năm 1967, trước cả bức thư Thùy gửi cho anh Hưng. Tình yêu với Đặng Thùy Trâm, anh Hưng giữ lại cho riêng mình, chỉ có một người biết - đó là cha anh: nhà thơ Khương Hữu Dụng. Từ chiến trường xa xôi, anh Hưng vẫn kể cho cha câu chuyện tình yêu thầm kín của mình. Người em gái của anh Hưng cho biết những vần thơ này nhà thơ Khương Hữu Dụng viết thay tâm sự của người con trai ở chiến trường xa. Gấp trong cuốn nhật ký của anh Khương Thế Hưng còn có bức thư của nhà thơ Khương Hữu Dụng gửi năm 1968. Bức thư có đoạn viết: “Việc riêng của con, tùy con quyết định. Nếu Thùy hiểu con theo đúng với cái đáng hiểu thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu đó chỉ là một ước mơ đã xa vời không khớp với cái hiện thực hiện nay thì giải quyết như con là đúng. Ba không phong kiến mà cũng không lý tưởng hóa. Con đã khôn lớn già dặn nhiều trong cuộc chiến. Ba tin ở con hoàn toàn trong việc giải quyết mọi vấn đề kể cả vấn đề yêu đương, chỉ nhắc con đừng quá cứng nhắc mà thành máy móc tả khuynh”. Năm 1966 Thùy vào chiến trường. Anh gặp chị khi trong mình đã có hàng chục vết thương. Anh tránh mặt. Năm 1970, Thùy hi sinh, anh Hưng cũng bị thương nặng phải chuyển ra Bắc. Những dòng này được chị Thanh Hằng (cán bộ sưu tầm các kỷ vật chiến tranh của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) chép lại từ cuốn nhật ký của anh Khương Thế Hưng mà gia đình đang cất giữ. Dòng nhật ký được viết sau ngày anh Hưng biết tin bác sĩ Đặng Thùy Trâm hi sinh. “Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Âm thanh là không khí đối lưu? Nó dồn đi nơi nào đó, nơi xa kia thành chân không? Có phải vậy đâu, mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng... Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi! Anh đuối sức. Và anh đau khổ...”.
Posted on: Fri, 19 Jul 2013 11:44:07 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015