TỪ BI TRONG GIÁO-LÝ ĐẠO PHẬT Như chúng ta đã - TopicsExpress



          

TỪ BI TRONG GIÁO-LÝ ĐẠO PHẬT Như chúng ta đã thấy ở trên, Từ-Bi là động-lực chính đã thúc đẩy đức Phật tìm Đạo giải-thoát để cứu-độ chúng-sinh. Đức Phật không thể ngồi yên nhìn sự đau khổ hoành-hành trong đời sống, như người mẹ không thể ngồi yên khi nhìn thấy con đau. Càng thương con bao nhiêu, lại càng nỗ-lực tìm thầy chạy thuốc, quyết dứt trừ bệnh hoạn cho con. Sức lực của người mẹ chính là ở tình-thương. Nghị-lực, sức chịu đựng dẻo-dai, bền chặt của đức Phật trong khi vượt bao gian-lao, khổ cực để tìm Đạo cũng chính vì tình-thương lớn-lao đối với chúng-sinh vậy. Dựa lên kinh-nghiệm bản thân, đức Phật đã dạy: người tu hạnh Bồ-Tát phải lấy Từ-Bi làm gốc. Cây Bồ-Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu-hành lấy Từ-Bi, lợi-lạc hữu-tình làm lẽ sống. Giáo-lý của đức Phật tuy không xiết kể, tựu-trung đều nhắm đến ba điểm chính: BI, TRÍ, DŨNG. Mở rộng tình-thương, mở rộng trí-tuệ, mở rộng nghị-lực. Mở rộng cho đến khi nào không còn thấy có biên-giới nữa là thành Phật. Thiếu một trong ba điểm ấy, không bao giờ có thể thành chánh-quả. Người Phật-Tử có câu hát: "Trí không Bi là trí điêu xảo, Bi không Trí là Bi mù lòa". Bi và Trí cần được trau dồi, phát triển đồng đều với nhau: Trí làm cho Bi sáng-suốt, Bi làm cho Trí thuần lương. Trí và Bi là hai bánh của một chiếc xe. Một trong hai bánh rời ra là xe trúc đổ. Tình-thương ấy lại cần phải vô biên, không hạn cuộc. Nếu còn thấy giới hạn của tình-thương, thấy có người hay vật mình không thương được, thấy có kẻ thù, thì chưa phải là Từ-Bi. Cho nên trong phép Từ-Bi-Quán, người ta thường luyện hai cách: hoặc mở rộng tình-thương tuần tự đi từ những người thân trong gia-đình, cha, mẹ, vợ, con, dần dần đến thân thuộc, bạn-bè, rồi đến khi mình thấy thương kẻ thù như người thân nhất mới thôi; hoặc người ta trở ngược lại đi từ kẻ thù ghê gớm nhất dần dần đến kẻ thân nhất; khi thấy không còn phân-biệt giữa kẻ thù và người thân nhất mới thôi. Tình-thương ấy cũng không chỉ hạn cuộc trong phạm-vi nhân loại, mà còn lan đến muôn vật, cỏ cây, nghĩa là toàn-thể chúng-sinh, những gì có sự-sống. Vì sao lại phải thương-yêu chúng-sinh? - Vì chúng-sinh luân-hồi, lăn lộn trong sáu cảnh giới: thiên, nhân, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sanh, địa-ngục; tiếp nối không ngừng, khi làm thiên, khi làm người, khi xuống địa-ngục. Từ muôn triệu kiếp, chúng-sinh đối với nhau đã từng là cha mẹ, ông bà, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc của nhau, cho nên phải thương-yêu nhau. Mặc dù hình thức có khác nhau, nhưng sự sống chỉ là một. Sự sống đã là một, thì tình-thương sao lại phân chia? Làm đau khổ một phần nào, trong khía cạnh nào của sự sống, tất cũng là làm đau khổ sự sống của mình, vì sự sống của mình và của chúng-sinh là một. Trái lại, thương-yêu một sinh vật nào đó, cũng chính là thương-yêu mình. Đức Phật chủ-trương thuyết vô-ngã, quyết đập tan cái Ta giả-dối, cũng chính để chúng ta nhận rõ mình với người là một, " Ta" với " không phải Ta" vẫn như nhau, để chúng ta đừng nhận thấy Ta là của riêng ta, Ta là một khối riêng biệt mà chỉ thương riêng ta, và ghét người không thương ta. Khi đã không có biên-giới giữa mình với người nữa, tình-thương mới không có biên-giới, tình-thương mới toàn vẹn. Thương mà vẫn còn thấy ta với người là hai, là hai khối, thì tình-thương ấy vẫn có tầng, có bậc, có thân, có sơ, có ngăn, có cách. Người tu theo hạnh Từ-Bi không nói: " Ta với người tuy một mà hai", mà phải nói: " Ta với người tuy hai mà một", nghĩa là xóa cái " Dị" để đi đến cái " Đồng". Một con rắn mình rất dài, trong đêm tối đã cắn nhầm cái đuôi mình; càng cắn, càng đau, càng đau, càng tức giận cắn thêm, và cái trò lẩn-quẩn ấy cứ tiếp diễn mãi. Làm cho con rắn của sự sống, của cuộc đời, nhận thấy được cái đuôi mà nó đang cắn là của nó, đó là nhiệm-vụ của thuyết vô-ngã. Như thế, thuyết vô-ngã, tu hạnh vô-ngã, là những phương-tiện để thực-hiện tình thương rộng lớn vô-biên, là Từ-bi; chứ không phải Từ-bi là phương-tiện để đi đến cứu-cánh là vô-ngã. Chứng-minh ta là vô-ngã để làm gì? - Chính để thấy rằng Ta và chung quanh ta là một. Nhưng đức Phật không nói ra chữ Một, vì sợ nói Một người ta liên-tưởng đến chữ phản-nghĩa của nó là Hai, là Nhiều. Chính đức Phật đã nói: " Ta nguyện đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số đau khổ của chúng-sinh. Vì ta nguyện tế độ cho chúng-sinh nên mới nguyện thành Phật". Rõ ràng lắm: muốn thành Phật để cứu-độ chúng-sinh, chứ không phải cứu-độ chúng-sinh để thành Phật! Vì chứa chất một tình-thương bao la như thế, nên Phật đã có những lời dạy đệ-tử rất đẹp, có thể làm phương-châm cho muôn đời: " Không nên lấy oán báo oán, chỉ nên lấy ân báo oán". " Trong thế-gian nầy, chẳng phải lấy oán trừ được oán, chỉ lấy nhẫn mới trừ được oán"2 , Hay: " Với người dữ, ta nên ở lành, với người câu-nệ, ta không nên câu-nệ. Với người gian-tham, ta chớ nên gian-tham, Lấy Từ-Bi đáp lại nộ-khí, lấy thành-thực đáp lại điêu-ngoa, lấy lành đáp dữ"2. Không phải chỉ dạy suông, đức Phật đã hiểu thấu tâm-ý của những người nuôi dưỡng oán-thù trong tâm như thế nào, nên đã chỉ bày phương-pháp để tiêu-diệt oán-thù: " Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại và cướp đoạt của tôi. Nếu ai còn ôm-ấp tâm niệm ấy thời sự giận không thể nào dứt hết. Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Nếu ai đã bỏ được tâm niệm ấy thời sự oán giận tự nhiên san bằng." (Kinh Pháp Cú - Dhammapada) Moi nguoi tham khao nhe!
Posted on: Thu, 20 Jun 2013 08:01:36 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015