Tự do trong định kiến PN - Một người phụ nữ - TopicsExpress



          

Tự do trong định kiến PN - Một người phụ nữ nhập cư trở thành nữ thủ tướng đầu tiên, sau 26 đời cái ghế thủ tướng được mặc định là độc quyền của nam giới. Đó có thể xem như một biểu tượng của bình đẳng giới, của khả năng phấn đấu ở phụ nữ và sự công nhận rất tự do, không định kiến của cộng đồng. Chỉ có điều, kết cục của biểu tượng này là một cuộc lật đổ, không khỏi khiến người ta ngậm ngùi một cách cổ hủ: “đau đớn thay, phận đàn bà…”. Nhìn lại những câu chuyện, những sự kiện trong suốt mấy năm cầm quyền của nữ thủ tướng Úc, thấy rằng bầu không khí của xã hội đó thật sự mang màu sắc “tự do”. Tự do đến mức việc tên bà thủ tướng bị một công dân đem đặt tên cho món ăn trong một sự kiện gây quỹ chính trị: “chim cút chiên Julia Gillard: ngực nhỏ đùi bự”. Cách đặt tên đậm màu chế giễu trần trụi này được tung lên mạng. Việc này thậm chí không thể nghĩ tới trong một không khí xã hội khác. Điều “tự do” hơn nữa là bà thủ tướng đã không e ngại gì, thẳng thừng đối thoại, lên án, gọi thẳng việc táo tợn bình luận cơ thể mình đến mức xúc phạm như trên là một hành vi kỳ thị giới tính. Khẩu chiến chính trị đặt trên nền giới tính, khiến người đọc tự nghĩ: à nếu như ở xứ mình sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó, mà cũng chẳng bao giờ có việc chuyện đó xảy ra rồi lại đem ra nói qua nói lại công khai, người ta sẽ tránh đi vì nhiều lý do, sẽ âm thầm xử trí… Trong một lần đến thăm một trường học, nữ thủ tướng bị ném bánh mì sandwich vào người, may mà tránh được. Mỉm cười đối chọi với ống kính phóng viên, bà nói “chắc bọn trẻ nghĩ rằng tôi đang đói”! Lại trong một show phỏng vấn truyền hình trực tiếp, phỏng vấn nữ thủ tướng chứ không phải là một bà nội trợ bình dân, người dẫn chương trình đã hỏi huỵch toẹt rằng bạn trai của bà có phải là “gay” không? Và đối diện với câu hỏi mà ít người phụ nữ nào - dù bình thường bé mọn - có thể giữ được bình tĩnh, bà thủ tướng giải thích rằng, bà gặp ông ấy trước khi trở thành thủ tướng, và bà thấy ông ấy - một người thợ làm tóc - là “hoàn toàn bình thường”! Việc một nguyên thủ quốc gia yêu một người thợ làm tóc cũng cổ tích như chuyện hoàng tử yêu cô gái mồ côi bần hàn, mà bà thì không lập gia đình, mà ông lại vẫn chỉ là người tình thôi, mà vẫn thoải mái trả lời thẳng thắn những câu hỏi rất riêng tư… Tự do đến thế còn gì nữa! Cứ ngỡ rằng “tự do” ấy đã mở ra cánh cửa thần kỳ khiến một người phụ nữ nhập cư, với tất cả khả năng và nghị lực phấn đấu, với khát khao quyết liệt của mình, trở thành nữ thủ tướng như một hệ quả tất yếu. Nhưng nhìn lại ba năm tại vị của người phụ nữ ấy, mới thấy đó là một quãng đường dài trầy trật vượt qua bao trở ngại, khó khăn, thách thức, khi sự bất bình đẳng hiện diện nơi nơi, không phải bằng những lề luật mà bằng những thành lũy định kiến có gốc rễ sâu thẳm và vững chắc trong tâm trí con người. Dù đã hy sinh một phần cuộc sống riêng, tập trung tâm trí, công sức cho sự nghiệp, người phụ nữ ấy vẫn bị đánh giá khá khắt khe - sự khắt khe mà các chính trị gia chắc không gặp phải nếu họ là nam giới. Người ta kỳ vọng những chính sách mềm như lụa, nhưng phải hiệu quả vượt bậc! Bất kỳ sự cứng rắn nào cũng sẽ không sao nếu bạn là đàn ông, nhưng một người phụ nữ tỏ ra cương quyết liền bị gọi là “bà đầm thép”, là “mụ phù thủy”. Margaret Thatcher ngày trước chắc cũng phải trải qua rất nhiều gian khó để chấp nhận sự chỉ trích này trong một tâm thế chiến đấu thường xuyên. Dù sao thì Julia Gillard vẫn đơn độc quá! Không lập gia đình, không sinh con… có thể là một chọn lựa dũng cảm nhằm tập trung sức lực cho mục tiêu cao cả, nhưng ngay cả trong con mắt người cùng giới - ví dụ là một phụ nữ Việt Nam như mình - thì đó là sự thiếu hụt đi một sức mạnh đáng kể, một chỗ dựa vững chắc. Người phụ nữ không có gia đình hậu thuẫn luôn có gì đó mong manh, dễ bị tổn thương, nhất là khi họ phải “phơi mình” trên quá nhiều mặt trận. Hỏi chị Hai nghĩ gì về vụ “chim cút chiên”, chị Hai cười, đàn bà mà, ở trên cao xa mấy thì người ta vẫn ngó vòng này vòng nọ, vẫn nhớ đó là một người đàn bà. Thôi em ơi, đòi bình đẳng làm sao được. Chức tước, quan trọng như… nữ thủ tướng nọ, mà còn không bình đẳng nổi vì chỗ nhỏ chỗ to, huống gì tới mình chỉ là mấy bà nội trợ quèn xó bếp! Những định kiến ăn sâu vào nhận thức đã thủ tiêu sự tự do thực sự, và thậm chí còn tạo điều kiện cho sự tự do xâm hại đến quyền riêng tư cơ bản của con người. Chị Hai làm mình nghĩ, thà định kiến cứ mang hẳn một màu sắc rất… định kiến nào đó, ví như cái bảng cấm màu đỏ, vậy mà còn dễ đối phó, còn hơn cái định kiến trong suốt, tưởng như tự do, mà thực ra là một sự đánh lừa. Khi sự bất bình đẳng còn được nhận ra, còn được tranh đấu để san bằng, loại bỏ, vẫn tốt hơn một sự bất bình đẳng đã được cho rằng không còn nữa, nhưng thực ra vẫn hiện diện bằng trăm ngàn cách nghĩ, cách hành xử ngụy biện khác nhau. Julia Gillard đã rời khỏi chính trường. Nhưng nước Úc sẽ nhớ người phụ nữ đầu tiên đã để lại một phần giới tính của mình trên con đường gập ghềnh của các đảng phái cầm quyền chính trị. Số phận của những kẻ tiên phong thường không mấy êm đềm, nhất là khi đó lại là phụ nữ. Cuộc lật đổ đã cho thấy: vẫn chưa có sự bình đẳng thực sự - sự bình đẳng mang lại tự do cho phụ nữ - trong một xã hội tưởng chừng như rất “tự do”. Hoàng Mai
Posted on: Tue, 02 Jul 2013 02:59:51 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015