VIẾT VĂN HÓA-VĂN NGHỆ NƯỚC NGOÀI: KHÓ HAY DỄ! Có - TopicsExpress



          

VIẾT VĂN HÓA-VĂN NGHỆ NƯỚC NGOÀI: KHÓ HAY DỄ! Có gì khó! Chỉ cần Internet, biết chút đỉnh tiếng Anh, biết cách gõ máy tính và gửi nhận e-mail, thế là đã có thể trở thành nhà bình luận điện ảnh hoặc phê bình ca nhạc nước ngoài! Sự phát triển báo chí cùng khuynh hướng bùng nổ thông tin giải trí nhắm đến đối tượng trẻ đang tạo ra nhiều cây bút văn hóa-văn nghệ như vậy. Có gì không ổn? Chưa ăn chả cá Lã Vọng, sao dám tán phét ẩm thực Hà thành? Thông tin văn hóa-văn nghệ thế giới trên nhiều tờ báo hiện nay đã và tiếp tục theo vài chủ trương: 1/ Có chút màu mè hoa lá cho tươi mát (việc sử dụng ảnh bốc lửa của diễn viên-ca sĩ trong nước mặc nhiên bị cấm như một thứ luật bất thành văn nhưng dùng hình hở hang ngồn ngộn của nghệ sĩ nước ngoài gần như được thả lỏng, miễn đừng quá “sốc”). 2/ Trong bối cảnh hội nhập khi thị trường giải trí được mở cửa cho nhập khẩu sản phẩm nước ngoài, cũng phải có thông tin liên quan thời sự văn hóa-văn nghệ nước ngoài theo nhu cầu thực tế từ độc giả (đặc biệt đối tượng trẻ). 3/ Sử dụng bài giải trí nước ngoài – trong vài trường hợp – được thực hiện như biện pháp chữa cháy khi thông tin văn hóa-văn nghệ trong nước chẳng có gì hấp dẫn. Cả ba xu hướng trên – nếu đúng – đều cho thấy việc đánh giá thông tin giải trí nước ngoài là không thật sự quan trọng và điều này dẫn đến quan điểm dễ dãi trong sử dụng đề tài cũng như người viết. Trong thực tế, viết văn hóa-văn nghệ nước ngoài không quá phức tạp nhưng cũng đừng nghĩ nó đơn giản. Bạn không cần phải là nhà nhân trắc học vẫn có dịch ngon lành đề tài về hoa hậu thế giới nhưng nhất thiết người viết phải có kiến thức nền về văn hóa-văn nghệ mới có thể không dịch sai đề tài liên quan. Dịch đề tài văn hóa-văn nghệ không thể “dịch chay”, tức không cần biết chút gì về điện ảnh hoặc ca nhạc mà vẫn có thể “rinh nguyên con” từ bài viết nào đó từ Reuters hoặc CNN. Làm như thế, sai là điều khó tránh. Cần nhấn mạnh, hầu hết bài viết văn hóa-văn nghệ từ bản gốc đều được xử lý theo cách: tác giả thường mặc nhiên cho rằng người đọc (trong nước họ) đã biết ít nhiều về đề tài (chẳng hạn về sự phân biệt màu da trong lịch sử Oscar); cho nên họ diễn giải vấn đề theo lối nặng về bình luận và nói sâu hơn về cái mà độc giả của họ đã ít nhiều am tường. Nếu người dịch đụng bài viết kiểu này mà dịch chay thì sai do mù mờ kiến thức là tất nhiên. Kiến thức nền trong văn hóa-văn nghệ nước ngoài được tạo ra từ quá trình dài theo dõi thời sự để liên tục cập nhật những gì mình đã biết hoặc đã quên, cũng như duy trì bền bỉ thói quen xem phim hoặc nghe đĩa từ năm này sang năm kia, chứ không phải thu lượm được từ vài giờ lùng sục trên Internet. Hãy thử hình dung thế này: một cây bút người Nhật chẳng hạn (biết tiếng Việt và… biết truy cập Internet!) – chẳng rành ất giáp gì về dòng chảy đương đại nhạc trẻ Việt Nam – mà lại dịch sang tiếng Nhật một bài báo trên Thanh Niên hoặc Tuổi Trẻ về đề tài này thì làm sao anh ta có thể cảm nhận hoặc hiểu thấu đáo hết vấn đề?! Sẽ là rất ngớ ngẩn và ấu trĩ chẳng hạn khi một cây bút người Mỹ chỉ nghe phong phanh rằng có một ca sĩ nổi tiếng lắm ở Việt Nam tên Lam Trường mà dám bình luận về sự nghiệp âm nhạc Lam Trường! Nó cũng giống như bạn phải thật sự ăn món chả cá Lã Vọng mới có thể miêu tả lại được cảm giác thú vị của món ăn, chứ không thể bốc phét về món chả cá trong khi thậm chí chưa thấy đĩa chả cá trông như thế nào! Vài món “thượng hảo hạng”! Ngoài ra, một chút vốn liếng tiếng Anh cũng chưa đủ. Có thể nêu một ví dụ. Trên tờ Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy số 764 (12-11-2005), tác giả một bài điện ảnh đã viết như sau: “Một trong những phim “thử” đi theo xu hướng này đầu tiên trong mùa phim cuối năm là Jarhead (4-11), nói về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Gulf năm 1991 đến một nhóm người ở Marines”. Chẳng ai nói “cuộc chiến tranh Gulf” cả. Độc giả Việt Nam chỉ nghe quen tai cụm từ “cuộc chiến Vùng Vịnh”; và cũng chẳng ai dùng “một nhóm người ở Marines” vì người ta biết rằng “marines” ở đây là thủy quân lục chiến Mỹ! Cũng tác giả này, ngay ở phần khởi, đã viết: “Dường như sự thất bại của một mùa hè toàn những phim giải trí vô nghĩa với những pha hành động, những trò chọc cười cũ mèm đã khiến Hollywood quyết định thực hiện những phim mang một thông điệp sâu sắc nào đó”. Bình luận thế này thì cực loạn! Thứ nhất, không phải vì sau “sự thất bại của một mùa hè toàn những phim giải trí vô nghĩa” mà Hollywood mới hối hả bắt tay để “quyết định thực hiện những phim mang một thông điệp sâu sắc nào đó”. Xin nhấn mạnh, kế hoạch sản xuất của công nghiệp điện ảnh Mỹ là một qui trình dài hơi, được lên lịch từ nhiều tháng hoặc nhiều năm chứ chẳng phải ngồi với nhau vài giờ và bàn bạc chớp nhoáng là đã có thể tung ra sản phẩm như sản xuất hàng loạt mì ăn liền (từ khi kế hoạch dựng phim cho đến khi ra mắt bộ phim Memoirs of a geisha do đạo diễn Rob Marshall thực hiện, hãng Columbia Pictures đã mất đến 5 năm). Việc sản xuất tác phẩm điện ảnh luôn mất thời gian, bởi: tiến trình thương lượng giữa đạo diễn và hãng phim (về giá trị hợp đồng…); qui trình chỉnh sửa kịch bản; tìm-chọn diễn viên (casting); chọn địa điểm phim trường; dựng cảnh; thiết kế phục trang và vô số linh tinh khác… Làm thế nào chỉ sau một mùa hè ảm đạm mà Hollywood có thể tung ra ngay những tác phẩm đẳng cấp như North Country, Munich hoặc Good Night and Good Luck vào tháng 11 và 12 cùng năm! Hơn nữa, cần lưu ý chi tiết rằng Hollywood vài năm gần đây có khuynh hướng sản xuất phim giải trí vào mùa hè và tung phim nặng chất nghệ thuật vào cuối năm cốt nhằm dự tranh Oscar. Chưa hết, ở phần cuối bài, tác giả viết: “Mặc dù những năm gần đây, Liên hoan Oscar trao giải Phim hay nhất cho nhiều phim thương mại siêu phẩm…”. Có lẽ báo chí khắp thế giới chỉ có bài báo này gọi giải điện ảnh của Viện hàn lâm khoa học-nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ là “Liên hoan Oscar”. Giải điện ảnh Mỹ chưa bao giờ là một festival hay bất cứ gì nhộn nhịp tương tự! Nó là một buổi lễ công bố những tác phẩm điện ảnh giá trị nhất hàng năm và hoàn toàn không mang tính hội chợ “tụm năm túm bảy, cả làng đều vui” như Liên hoan phim Cannes (bán và mua phim là hoạt động bên lề truyền thống của LHP Cannes)! Cách dùng trên khiến liên tưởng đến một “nhà phê bình” khác cách đây không lâu cũng gọi chương trình Nghệ sĩ trong tháng của kênh ca nhạc MTV (MTV Artist of the month) là “giải thưởng MTV trong tháng”. Đây là chương trình thuần túy được ban biên tập MTV chọn và giới thiệu một gương mặt/nhóm nổi bật, phát thường xuyên trong suốt tháng đó, chứ chẳng trao giải giếc gì. Mà viết như vậy cũng còn trật ở việc chưa phân biệt được khái niệm “giải” (award) và “giải thưởng” (prize). Award (như của Oscar) là một sự công nhận mang giá trị tinh thần trong khi Prize (như của Nobel) còn đi kèm một tưởng thưởng tài vật. Xin mở ngoặc, bài viết này thật ra không phải vạch lá tìm sâu (chỉ nêu vài thí dụ; còn rất nhiều trường hợp sai khác) và cũng chẳng nhằm làm mất uy tín các đồng nghiệp trẻ, bởi cây bút được dẫn chứng trên tờ SGGP Thứ Bảy thật ra đã “hành đạo” nhiều năm nay rồi và “bôn tẩu giang hồ” trên khá nhiều tờ báo. Nếu có kiến thức nền, người ta chắc chắn biết rằng một số bài báo nước ngoài về văn hóa-văn nghệ thật ra là kỹ thuật tiếp thị của tập đoàn thông tin-giải trí nào đó. Không phải tự nhiên mà CNN hoặc tạp chí Time viết khen một ca sĩ vừa tung ra album mới do hãng đĩa Warner Music sản xuất. Cả CNN, Time và Warner Music đều chung một tập đoàn (AOL Time Warner); và tất nhiên việc dùng công cụ thông tin mình để quảng bá sản phẩm của chính họ là điều hoàn toàn có thể hiểu được (kiểu như “mèo khen mèo dài đuôi”). Dịch một bài viết như vậy (nếu chưa nghe album để biết thực hư thế nào) hóa ra chẳng phải tự đi tiếp thị không công cho người khác là gì! Hơn nữa, đã xảy ra ít nhất một trường hợp một hãng phim bị cáo buộc “nặn” ra cây bút bình luận để quảng cáo cho sản phẩm họ. Tháng 8-2005, hãng Sony Pictures phải chấp nhận bồi thường 1,5 triệu USD khi bị tố cáo “chế ra” một nhà bình luận tên “David Manning” chuyên viết bài khen những phim do Sony Pictures sản xuất. Cuối cùng mọi việc vỡ nhẽ rằng chẳng có nhân vật thật nào tên “David Manning” và tất cả bài báo ký tên này thật ra được thai nghén từ bộ phận tiếp thị-quảng cáo của Sony Pictures! (ngộ nhỡ không biết mà dịch bài của “David Manning” thì quả là hố to!). Cuối cùng, yếu tố văn hóa địa phương cũng là một vấn đề nữa. Cần biết rằng sở dĩ cơn sốt hip-hop bùng nổ là vì nó xuất thân từ thành phần da màu (Mỹ), sự tồn tại của nó là phục vụ trực tiếp cho cộng đồng da màu và do đó việc lăngxê nó trên các phương tiện thông tin trong khuôn khổ chiến dịch quảng cáo tại Mỹ là chuyện hoàn toàn có lý do. Dịch lại thứ “của nợ” này làm gì? Việt Nam đâu có cộng đồng Mỹ đen! Mà thứ nhạc chửi thề này (rap) hay ho gì cho cam! Để cho độc giả trẻ được “ăn” ngon miệng hơn… Giới trẻ hiện nay, đặc biệt dân thành phố, thật ra rất am hiểu về văn hóa-văn nghệ nước ngoài. Kỹ năng lướt web và tự lùng sục-sưu tầm thông tin liên quan thần tượng của họ phải nói là đáng nể. Do đó, họ có thể chỉ ra vanh vách những lỗi sai – nếu có – khi đọc đề tài dính dáng lĩnh vực mình hiểu biết. Trong khi đó, thật “không công bằng” khi nhiều tờ báo vẫn xem nhẹ mảng văn hóa-văn nghệ nước ngoài (lép vế hơn rất nhiều so với văn hóa-văn nghệ trong nước) – thể hiện ở việc (vài tờ báo) không hề có biên tập viên chuyên môn. Công tác biên tập vẫn được giao cho biên tập viên văn hóa-văn nghệ nói chung mà một số người này dường như không thật giỏi mảng nước ngoài; và do vậy, nhiều lỗi sai như kể ở trên đều lọt tuốt luốt qua cửa biên tập! ….. Bài đã đăng trên tờ Nghề Báo (Tp.HCM) thời chị Hà Phương còn làm tổng biên tập, số ra ngày mấy không nhớ. Hồi đó ký bút danh “Đoan Thư”. Nhiều năm rồi nhưng nay thấy tình trạng búa xua vẫn còn nên post lại.
Posted on: Thu, 20 Jun 2013 13:24:54 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015