Viettel loay hoay giải quyết tàn dư của EVN Telecom Tập - TopicsExpress



          

Viettel loay hoay giải quyết tàn dư của EVN Telecom Tập đoàn Viettel cho hay nếu không thỏa thuận được các hợp đồng cũ với đối tác của EVN Telecom trước đây, họ sẵn sàng đưa các bất đồng ra tòa để được giải quyết. Hơn một năm rưỡi sau ngày tiếp nhận EVN Telecom, Viettel vẫn chưa giải quyết hết nghĩa vụ nợ nần còn lại của doanh nghiệp viễn thông từng thuộc Tập đoàn Điện lực. Đến nay, Tập đoàn Viễn thông Quân đội vẫn chưa có được thỏa thuận với 5 công ty ký hợp đồng cho thuê trạm thu phát sóng (BTS) với EVN Telecom. Sau nhiều lần dàn xếp bất thành, đại diện Viettel cho biết đơn vị sẵn sàng ra tòa để giải quyết, nhất định không "thỏa hiệp". Còn khoảng 200 trạm BTS do EVN Telecom thuê từ trước mà Viettel vẫn chưa tháo dỡ được. Sở hữu thêm gần 9.000 trạm BTS của EVN Telecom sau khi tiếp nhận nguyên trạng đầu năm 2012, Viettel nhận thấy nhiều vị trí đặt trạm phát sóng trùng lặp với quy hoạch hiện có. "Nếu tiếp tục giữ các vị trí trên sẽ không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể phá vỡ hệ thống hạ tầng mạng lưới chung của toàn mạng Viettel, kèm theo các khoản kinh phí duy trì gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn Nhà nước giao", phía tập đoàn lập luận. Bên cạnh đó, EVN Telecom trước đây sử dụng nền mạng CDMA, khác với công nghệ GSM mà Viettel đang dùng nên không tương thích về thiết bị. "Nếu đấu nối cùng vị trí sẽ gây can nhiễu tín hiệu, sụp đổ quy hoạch tổng thể", phía nhà mạng quân đội nhận định. Do vậy, tháng 7/2012, Viettel đã gửi thông báo cho các đối tác thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với các vị trí trạm phát sóng không phù hợp. Đa phần các công ty có hợp đồng xây dựng và cho thuê thiết bị với EVN Telecom trước đây chấp thuận, còn 5 doanh nghiệp đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Các đơn vị này cho rằng yêu cầu tháo dỡ trạm BTS của Viettel là không phù hợp, thậm chí "ép họ lâm vào tình trạng phá sản". Trong hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng, đại diện các doanh nghiệp cho hay đã vay vốn ngân hàng, cổ đông và cá nhân để xây dựng các trạm thu phát sóng, đồng thời đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm cho EVN Telecom thuê lại. Chi phí hệ thống và thiết bị ban đầu từ 250 - 400 triệu đồng mỗi trạm, chưa kể phí thuê địa điểm đặt trạm vài chục triệu đồng mỗi năm. Chưa hết, dù đã được nghiệm thu và sử dụng từ năm 2010 nhưng đến đầu năm 2012 (thời điểm chuyển giao cho Viettel), EVN Telecom vẫn chưa trả tiền xây và thuê trạm cho nhà thầu và doanh nghiệp. Không được thanh toán, các đơn vị đối tác thiếu tiền trả ngân hàng và cả thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong số các trạm cho thuê, nhiều vị trí đã được trả tiền thuê mặt bằng cho nhà dân đến hết 2013, thậm chí là 2014, trong khi Viettel thanh lý hợp đồng ngày 31/12/2012. Trao đổi với VnExpress.net, đại diện các doanh nghiệp khẳng định Viettel chưa thanh toán tiền cho họ. Ông Hà Huy Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tư vấn và đầu tư viễn thông tin học InCom (một trong số các doanh nghiệp còn vướng mắc hợp đồng với Viettel) nói: "Viettel tuyên bố không còn nợ là không đúng sự thực. Trong văn bản gửi đến các doanh nghiệp ngày 18/3/2013, Viettel đề xuất nếu đồng ý thanh lý hợp đồng sẽ được trả mọi công nợ đến ngày 31/12/2012, còn không thì sẽ chẳng thanh toán. Như vậy Viettel vẫn còn nợ chúng tôi". Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Hoa Phát, đơn vị có nhiều trạm BTS ký hợp đồng chưa được giải quyết trong vụ việc này chia sẻ: "Các công ty chúng tôi vay tiền từ cá nhân, cổ đông, giờ đang phải nợ tiền nhà trạm của dân. Điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn rắc rối cho cả người dân. Nhiều nhà chỉ trông đợi vào tiền cho thuê vị trí, nay họ mãi không nhận được thanh toán nên có lúc thiếu kiềm chế". Bên cạnh đó, chuyện Viettel đòi thanh lý, dỡ trạm BTS vì "vị trí không phù hợp do trùng lặp" cũng không được các đối tác xem nguyên nhân. "Trước khi ký hợp đồng bàn giao 3 bên giữa EVN Telecom - Viettel - doanh nghiệp xã hội hóa, Viettel đã khảo sát kỹ mạng lưới của đối tác, biết trước các vị trí trùng lặp rồi mới ký kết. Như vậy đâu thể nói đến lúc này mới biết?", ông Hoàng Thăng - Giám đốc công ty cổ phần viễn thông CSC đặt nghi vấn. Hiện 5 doanh nghiệp thuộc danh sách "cố tình không phối hợp" mà Viettel đưa ra đang sở hữu 156 trạm BTS cho chính tập đoàn này thuê (trước là EVN Telecom thuê), với tổng tiền hơn 60 tỷ đồng. Thêm cả chi phí cho vị trí đặt trạm, mỗi năm số tiền tăng thêm khoảng 15 tỷ đồng, chưa kể lãi vay khiến các công ty đang lâm vào cảnh khó khăn, một số đơn vị trên bờ phá sản. "Trong số các đơn vị phải đồng ý thanh lý hợp đồng, đa phần vì không gánh nổi nợ nên phải hy sinh tiền đầu tư chưa thu được vốn, chấp nhận mất trắng để nhận khoản thanh toán nhất định", một giám đốc chia sẻ. Ông cũng khẳng định nếu phải nhờ đến tòa án giải quyết, các doanh nghiệp sẵn sàng đến cùng. Phía Viettel khẳng định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ quy hoạch lại hạ tầng mạng lưới tiếp nhận từ EVN Telecom cho phù hợp, tránh lãng phí và đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tập đoàn cho rằng một trong những công việc phải thực hiện trong quá trình tiếp nhận EVN Telecom là "thanh lý, chấm dứt hợp đồng với đối tác tại các vị trí nhà trạm không còn phù hợp với quy hoạch hạ tầng mạng lưới". Bên cạnh đó, điều khoản về chấm dứt hợp đồng trong văn bản ký kết của EVN Telecom với đối tác cũng quy định về vấn đề này. Viettel trích điểm d khoản 2 Điều 10 trong mẫu văn bản chung cho các hợp đồng kinh tế của EVN Telecom và các đơn vị xây dựng nhà trạm cho thuê. Theo đó, "do những điều kiện khách quan như, bao gồm nhưng không giới hạn: không đảm bảo nguồn điện cung cấp cho trạm thông tin di động; vị trí đặt trạm không còn phù hợp để phát sóng thông tin di động cho khu vực. Trong trường hợp này, bên A sẽ thông báo cho bên B trước ít nhất ba (3) tháng và sẽ không phải chịu bất kỳ một chi phí nào khác cho bên B khi chấm dứt hợp đồng và (các) đơn hàng liên quan". Đồng thời, tập đoàn quân đội cũng nhấn mạnh đến lúc này họ không nợ tiền thuê nhà đặt trạm bất kỳ doanh nghiệp nào có thỏa thuận với EVN Telecom trước đây. Viettel xem những công ty chưa thống nhất được hợp đồng là "cố tình không phối hợp và đưa ra những yêu cầu đòi bồi thường không có cơ sở pháp lý hay quy định tại bất cứ văn bản thỏa thuận nào". Những đơn vị hợp tác thì được hỗ trợ để thu hồi thiết bị, hoàn trả mặt bằng, đồng thời nhận thanh toán tiền thuê cho đến khi thu hồi xong. "Trước vấn đề không thỏa thuận được giữa 2 bên, Viettel đã đề nghị và sẵn sàng đưa các vấn đề chưa thống nhất ra giải quyết tại cơ quan tố tụng theo đúng điều khoản về giải quyết tranh chấp ghi trong hợp đồng", Viettel cho biết.
Posted on: Sun, 07 Jul 2013 10:20:14 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015