Việt Nam chính thức phê chuẩn MLC 2006 Theo thông báo - TopicsExpress



          

Việt Nam chính thức phê chuẩn MLC 2006 Theo thông báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là quốc gia mới nhất (quốc gia thứ 40) phê chuẩn Công ước Lao động Hàng hải năm 2006 (MLC). Như vậy, từ ngày 20 tháng 8 năm 2013, Công ước MLC chính thức có hiệu lực áp dụng đối với Việt Nam. Các bên liên quan trong ngành hàng hải nước ta đang rất tích cực chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Công ước. Trước đây Việt Nam chưa từng tham gia bất kỳ công ước nào của ILO trong lĩnh vực hàng hải. Bằng nguồn lực của mình, theo sự ủy quyền của Chính phủ một số nước, trong nhiều năm qua Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) đã thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và chứng nhận cho số lượng khá lớn tàu mang cờ quốc tịch của các nước này theo quy định của Công ước ILO 92 và 133 về khu vực sinh hoạt của thuyền viên, Công ước ILO 32 và 152 và an toàn của thiết bị nâng sử dụng trên tàu, Công ước ILO 68 về cung cấp lương thực và thực phẩm cho thuyền viên. Ngay từ giữa năm 2006, thông qua hệ thống tác nghiệp và kinh nghiệm gần 50 năm thực hiện công tác phân cấp, kiểm tra theo luật định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu biển, đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý an toàn và an ninh hàng hải, VR đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các hiệp hội chủ tàu, hiệp hội người đi biển, các doanh nghiệp vận tải biển nghiên cứu và chuẩn bị cho việc triển khai MLC, góp phần đảm bảo cho việc sẵn sàng thực hiện Công ước của đội tàu biển Việt Nam và các tàu thuộc sở hữu của các công ty vận tải biển Việt Nam mang cờ quốc tịch nước ngoài, bao gồm: - Thành lập nhóm chuyên trách nghiên cứu triển khai Công ước với sự tham gia của các chuyên gia và các bộ phận liên quan bên trong và ngoài VR; - Biên dịch Công ước MLC và các hướng dẫn liên quan của ILO sang tiếng Việt, biên soạn các tài liệu hướng dẫn cho các đối tượng áp dụng Công ước, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận tải biển và các cơ sở đào tạo, cung ứng thuyền viên; - Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, VR đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan (các vụ của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Hàng hải Việt Nam, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hội Người đi biển Việt Nam) chuẩn bị các báo cáo nghiên cứu, xúc tiến các thủ tục để Việt Nam phê chuẩn Công ước; - Tiến hành việc nghiên cứu phân tích hiện trạng pháp luật và các quy định của Việt Nam hiện hành so với yêu cầu của Công ước để đề xuất các sửa đổi, bổ sung cần thiết; Dự thảo và tham gia quá trình xây dựng dự thảo các sửa đổi thông tư, quy định, quy chuẩn,… liên quan đến việc triển khai Công ước; - Phổ biến và hướng dẫn cho các nhà máy đóng tàu, công ty vận tải biển và các cơ sở cung cấp thuyền viên chuẩn bị thực hiện Công ước; - Cử các chuyên gia tham gia các hội nghị, hội thảo và khóa tập huấn liên quan đến lao động hàng hải của ILO; - Đào tạo các chuyên gia và đánh giá viên lao động hàng hải theo tiêu chuẩn của ILO, với sự hỗ trợ và hợp tác của ILO và các tổ chức đăng kiểm quốc tế hàng đầu thế giới như Đăng kiểm Anh (LR), Đăng kiểm Pháp (BV), Đăng kiểm Na Uy (DnV) và Đăng kiểm Hàn Quốc (KRS); - Xây dựng các quy trình, hướng dẫn, danh mục đánh giá, các biểu mẫu và phần mềm cần thiết phục vụ cho quá trình đánh giá và chứng nhận tàu; - Đề nghị các nước đã phê chuẩn Công ước MLC (Panama, Tuvalu, Kribati, …) ủy quyền cho VR thực hiện các công việc liên quan đến đánh giá, chứng nhận và phê duyệt theo quy định của Công ước đối với các tàu mang cờ quốc tịch của các nước này; - Thực hiện việc đánh giá và chứng nhận theo Công ước MLC cho các tàu mang cờ quốc tịch Panama và Kribati. Thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ năm 2013 do Bộ Giao thông vận tải giao, VR đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bố trí khu vực sinh hoạt của thuyền viên phù hợp với quy định của Công ước MLC 2006, bao gồm các quy định về khu vực sinh hoạt và phương tiện giải trí trên tàu dành cho thuyền viên, điều kiện chiếu sáng, thông gió, kiểm soát nhiệt độ, chấn động, tiếng ồn, phương tiện vệ sinh, phương tiện y tế và an toàn lao động trên tàu. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đã được Bộ Giao thông vận tải ký ban ngày 02 tháng 5 năm 2013, và sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 11 năm 2013. Theo yêu cầu tự nguyện của khách hàng, Nhóm chuyên trách MLC của VR đã kết hợp với tổ chức đăng kiểm LR và DnV tiến hành đánh giá khảo sát (Pilot Audit) hệ thống quản lý lao động hàng hải của một số công ty vận tải biển và tàu Việt Nam, để từ đó xác định các vấn đề cần hoàn thiện và chuẩn bị các công việc cần thiết khác. Kết quả đánh giá cho thấy hệ thống quản lý lao động hàng hải của các công ty và tàu được đánh giá hoàn toàn đáp ứng thỏa mãn quy định của Công ước MLC và sẵn sàng đi vào vận hành từ ngày 20 tháng 8 năm 2013.
Posted on: Sun, 21 Jul 2013 06:49:39 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015