Đau thần kinh toạ là một triệu chứng thường do - TopicsExpress



          

Đau thần kinh toạ là một triệu chứng thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra. Hàng năm, cứ 1.000 người dân thì có 5 người mắc bệnh này. Trong số những người mới bị lần đầu tiên thì có 60% - 80% tự khỏi, hoặc có thể điều trị khỏi bằng các phương pháp bảo tồn trong vòng 6 tuần. Số còn lại phải nhờ đến can thiệp ngoại khoa. Mổ hở là phương pháp điều trị ngoại khoa kinh điển, là tiêu chuẩn vàng, giúp nhiều người bệnh lấy lại khả năng làm việc và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, mổ hở cũng chứa đựng một tỷ lệ nguy cơ rủi ro nhất định, tuy nhỏ nhưng có thể dẫn đến tàn phế suất đời, thậm chí tử vong. Vì vậy, các nhà nghiên cứu luôn tìm tòi các phương pháp ít xâm lần hơn. Các phương pháp mổ nội soi, lấy nhân đệm qua da, chích men phân huỷ nhân nhầy, thấu nhiệt bằng sóng radio v.v. lần lượt ra đời. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Ý tưởng sử dụng laser để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống nảy sinh vào đầu những năm 1980. GS. Daniel Choy và các cộng sự đã tiến hành nhiều thí nghiện in vitro và trên động vật để chứng minh tính đúng đắn của ý tưởng đó, đặt cơ sở khoa học cho kỹ thuật Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da (Percutaneous Laser Disc Decompression) mà ngày nay chúng ta gọi một cách vắn tắt là PLDD. Nguyên lý PLDD dựa trên khái niệm hệ thuỷ lực kín của đĩa đệm. Hệ thống này gồm nhân nhầy, là một chất keo có hàm lượng nước cao, được bao bọc bởi bao xơ cứng, không đàn hồi. Đối với một hệ như vậy, chỉ một sự tăng nhẹ thể tích nước cũng làm cho áp suất nội đĩa tăng lên rất nhiều. Ngược lại, một sự giảm nhẹ hàm lượng nước cũng kéo theo sự sụt giảm áp suất lớn. Thí nghiêm in vitro cho thấy khi thể tích nhân nhầy tăng 1 ml thì áp suất nội đĩa tăng 312 kPa (3,1 atm!). Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị là một công nhân người Thổ Nhĩ Kỳ, bị thoát vị ở đĩa đệm L4-L5. Cas can thiệp được hai giáo sư Choy và Ascher tiến hành tại Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện thần kinh thực hành Graz thuộc Trường đại học Karl-Franzens, Graz, Áo vào tháng 2 năm 1986. Sau khi phóng 600J năng lượng từ laser Nd:YAG thì bệnh nhân hết đau và thủ thuật kết thúc. Năm 1991 Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép cho kỹ thuật PLDD. Đến năm 2002, khoảng 35.000 bệnh nhân đã được điều trị tại nhiều trung tâm trên thế giới (trong đó có Việt Nam). GS. Peter Wolf Ascher là một trong những bác sỹ tiên phong đưa laser vào ngành phẫu thuật thần kinh. Từ năm 1975 ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu áp dụng laser CO2 vào các cuộc mổ sọ não. Từ năm 1978, laser CO2 và laser Nd:YAG đã được áp dụng tại Bệnh viện thần kinh thực hành Graz, nơi ông là giám đốc. Bức xạ laser Nd:YAG có ưu thế là truyền dẫn được bằng dây quang dẫn silica. Kết hợp với các phương tiện nội soi, laser Nd:YAG cho phép phẫu thuật các tổn thương sâu trong cơ thể với tổn thương mô lành tối thiểu. GS. Ascher nổi tiếng với các cas phẩu thuật nội soi sọ não và cột sống bằng laser, là một trong những thành viên sáng lập Hội Laser Y học và Ngoại khoa Quốc tế. Kỹ thuật tiến hành Để thực hiện kỹ thuật PLDD, sau khi gây tê cục bộ, phẫu thuật viên đưa một kim chọc tuỷ từ phía sau bên (đối với đĩa đệm cột sống thắt lưng) hay trước bên (đối với đĩa đệm cột sống cổ) vào nhân nhầy đĩa đệm. Một dây dẫn silica đường kính 400 micromet được luồn qua kim vào nhân nhầy. Tuỳ vào tình trạng đĩa đệm mà bức xạ laser được phát với công suất và năng lượng thích hợp, làm giảm áp suất nội đĩa đến mức đủ giải phóng chèn ép thần kinh. Hiệu quả lâu dài Một câu hỏi đặt ra là liệu chổ nhân nhầy bị bốc bay có được tổng hợp lại và tình trạng thoát vị trở lại như cũ? Đây là một câu hỏi chính đáng. Và đúng là tình trạng thoát vị có thể xuất hiện lại như cũ, nếu nhân nhầy chỉ bị lấy đi một cách đơn giản, chẳng hạn chọc hút bằng các phương tiện cơ học. Đối với kỹ thuật PLDD tình hình hoàn toàn khác. Thực tế thì đĩa đệm không phải là một cấu trúc hoàn toàn kín, mà giữa đĩa đệm và môi trường bên ngoài vẫn có sự trao đổi nước và các dưỡng chất, chất thải, mạnh nhất là qua các đĩa tận cùng, hay còn gọi là mâm sụn của hai đốt sống liền kề trên và dưới đĩa đệm. Áp suất nội đĩa cao là do hàm lượng nước nhân nhầy cao, bởi thành phần cấu trúc của nó chứa tỷ lệ lớn các glicoprotein, là những loại protein có tính háo nước cao. Trong quá trình can thiệp PLDD năng lượng laser không chỉ bốc bay nhân nhầy mà còn tạo ra một vùng protein biến tính nhiệt. Vùng biến tính này sẽ dần dần được đào thải và thay vào đó là mô xơ, có thành phần chủ yếu là collagen kỵ nước. Vì vậy hàm lượng nước của nhân nhầy được duy trì ở mức độ thấp một cách ổn định, giúp duy trì hiệu quả can thiệp.
Posted on: Sat, 06 Jul 2013 03:20:13 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015