Không về họp khóa được, đành post lại blog cũ cùng - TopicsExpress



          

Không về họp khóa được, đành post lại blog cũ cùng ôn lại một thời ở trường Phan Dân nội trú Mấy năm gần đây trong mỗi dịp về quê, thỉnh thoảng mình lại ngang qua trường cũ, ngang qua thôi, không vào. Cũng không phải quá thiếu thời gian, cũng không phải mình đã quên hết mọi thứ nhưng nỗi lưu luyến chỉ nằm trong ký ức. Cách đây khoảng 7, 8 năm gì đó, mình về trường, lúc đó trường đã được xây mới, khung cảnh thay đổi, cảm thấy mình như người lạ. Sau này mỗi năm đi qua một khác, trường càng quy mô bề thế hơn, nhìn từ ngoài vào không thấy những mái nhà ngói đen xịt- từng là nơi trú ngụ của thầy trò trường Phan, quanh trường nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Có lẽ mình là người có tư tưởng cực kỳ cổ hủ, "đi ngược với sự tiến bộ của xã hội", vì cơ sở vật chất của trường được nâng lên, thế hệ sau được học trong điều kiện tốt là điều đáng mừng chứ, vậy mà mình cứ luyến tiếc mãi. Tìm mãi nét quen thuộc của quá khứ: những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, xộc xệch giữa những hàng phi lao, bể nước cũ để đổ rác, ao trường nước xanh sẫm, khoảng đất trũng quanh trường ngập đầy nước mưa...mà không thể thấy. Không biết mong muốn phản tiến bộ ấy còn có ở trong ai nữa không nhưng nó rất lớn trong tâm trí mình vì mình từng là Dân Nội Trú ! Mà nội trú trường Phan Bội Châu thì càng đặc biệt. Năm mình học lớp mười (năm đầu tiên mình vào trường) là năm cuối cùng của chế độ ăn tập thể. Bao giờ cũng là canh rau muống (rau muống trồng tại trường), cá trích kho muối, thuần tuý muối , đậu phụ. Bây giờ mình luôn nhớ mùi vị của món cá trích bởi có hôm mình cảm nhận mùi cá trích trong nồi nước uống tập thể. Cô nấu ăn ơi, dù các món ăn đều dở như nhau nhưng cháu không quên nét cười thân tình của cô khi cho cháu thêm miếng cháy đáy nồi. Chỉ một chút váng mỡ trên bề mặt nồi canh mà sao chỉ trong vòng một năm, cơm nội trú biến cháu từ một cô bé nhỏ nhắn thành một hình tròn lông lốc. Điều kiện sinh hoạt ở nội trú hồi đó tuy kham khổ nhưng bù lại là sự tự do. Giường tầng, các thanh leo đen bẩn, nhẵn thín vì đã có nhiều thế hệ leo trèo.Giường dưới cẩn thận thường giăng tấm nilon che bụi hoặc ngăn một số thứ không mong muốn từ tầng trên rơi xuống, do vậy mình thích ở giường trên hơn.Một số nàng dán ảnh diễn viên điện ảnh lên tường, một số nàng viết lên những câu thể hiện mình. Hồi đó mình chẳng bao giờ sang phòng nam chơi nên không biết con trai thường dán gì lên tường, (có sang cũng chỉ vì đi theo bọn to mồm cãi nhau). Nói chung dân nội trú có thời gian thoải mái, tự do, tất nhiên là tự do trong khuôn khổ, mọi người đều tập trung vào việc học, hoặc ai đó có ý định chơi trội, tỏ vẻ "trên tiền" thì dễ bị xa lánh. Rất nhiều bạn sinh ra ở thành phố Vinh lúc đó thích vào nội trú chơi, giường của mình cũng là nơi thay áo dài, nghỉ trưa của khối nàng. Dân nội trú giờ rỗi tương đối ưa trò trò bói tay, đoán tướng. Lớp mình có một nàng giờ nghỉ trưa hay vào giường mình nằm và cười ha hả, dân nội trú phán: với tiếng cười này, chắc chắn chị ấy sau này sẽ trở thành bà chủ (đúng luôn!). Nhưng dân nội trú (thôi từ đây xin viết tắt là DNT) cũng hay comment, nếu gặp vị khách nào khoác lác, khó chịu, các nàng lại nhắc một câu của Raxun Gamzatop: "Khách thì nhìn từ phía nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là cái lưng" !!! Khổ nhất là quanh trường có mấy thằng mất dạy hay đi lang thang, chúng bẻ mấy cành hoa thược dược trong vườn hoa của trường ném vào giường DNT và nói: Tặng các em. Có giường còn bị nó "tè" từ ngoài cửa sổ vào, chủ nhân vác chiếu đi giặt khóc rưng rức. Lại may quá, mình ở tầng 2! Tệ hơn, khoảng đất đằng sau dãy nhà mình ở lại trở thành nơi "Tướng lên Đài" (nói lái) của nhiều nam học sinh vào giờ giải lao. Có lần mình cùng mấy đứa ở nhà học ôn đội tuyển thì nghe tiếng trống trường, lập tức kèm theo tiếng chân lạo xạo và "mưa". Một cậu nào đó hỏi: Ta (chúng mình) ...ái a ri (thế này) bọn nội trú có chịu được không?, cậu khác đáp: Sợ chi (sợ gì), ta ...ái chết hấn (bọn ấy) thì thôi. Căm quá, đứa bạn gái mình định cầm mấy cục gạch vụn ném, mình phải can ngăn. Rỗi thời gian, nước thoải mái,DNT nhìn chung siêng tắm thế nhưng hay bị thiên hạ nghi ngờ ở bẩn, có một người hỏi bọn mình: "chăn của bây(chúng mày) có rận không?" Chẳng lẽ lại nói cho cô biết, bọn em sạch quá mức cần thiết, mới bước vào cuộc sống tập thể, con gái đứa nào cũng tỏ ra mình sạch sẽ nhất nên giặt chăn chiếu thường xuyên như giặt quần áo, thế nên chiếu nội trú hay bị đen. Nhớ đó, đen là do thâm nước, do sạch đấy nhé! Một khu vực không thể không ấn tượng là nhà vệ sinh.(cách chỗ ở đến vài trăm mét). Thực ra chất lượng nhà vệ sinh là sự thể hiện rõ ràng sự tiến bộ văn minh, phản ánh sự chênh lệch trình độ phát triển của đô thị và nông thôn. Lúc đó vào thời điểm nửa sau thập kỷ 90 của TK 20, DNT và các thầy cô sống tại các dãy nhà cấp 4 được sử dụng nhà vệ sinh bán tự hoại. Cái loại "bán" này không có giấy toalet tự hoại như bây giờ, nó có sọt (thùng đan bằng tre) để đựng giấy sau khi "hoàn thành nhiệm vụ", có một cái bể nước to cùng một cái cán gỗ buộc vào một cái gầu lớn. Nhưng với loại "bán" dở dở ương ương này rất khó xử lý, nhất là khi mất nước, ôi chao không thể tả, có người lại không thèm dội nước cơ . Quen với sự bẩn này nên thường trước khi bước vào nơi này, mình phải nhắm mắt nín thở dội ào một cái cho yên tâm, thế là một hôm: Một hôm, như bao hôm khác, trước một cái cửa không đóng chặt mà khép hờ, không một tiếng ho hay vò giấy báo hiệu, mình cầm cán gỗ chao gầu, mạnh tay thúc cả đầu gầu nước vào cửa để dội, một khuôn mặt đỏ lừ hiện ra cùng một nắm đấm gân guốc. Ôi, mẹ ơi, mặt người này rất quen, thôi rồi, mình ba chân bốn cẳng chạy về thay quần áo để hy vọng anh ta không nhận ra đó là mình. Phải mất mấy tháng hễ thấy dáng anh già là mình tìm đường thoát cho đỡ ngượng. Mất nước, nhà vệ sinh bẩn, nhà tắm (kiểu nhà tắm xưa chuyên dùng để tắm không có bồn cầu)cũng đã biến thành nhà vệ sinh cho nhiều kẻ thiếu ý thức và nhát gan (có thể dân xung quanh trường vào và cũng có thể dân trong trường). Vừa vác xô chậu vào định tắm đã thấy "hiện thực tươi rói" của cha nào để lại đó, liên tục mấy tháng ròng,cơ cực lắm!!!Đến nỗi suýt xảy ra cãi vã vì trong bữa ăn có đứa nhắc đến từ "nhà tắm". Đến nỗi khu tập thể có dán giấy truy tìm thủ phạm, kết quả tình trạng không khắc phục, giấy bị bóc luôn, chắc thủ phạm bóc giấy yết thị sử dụng luôn, không cái dại nào bằng cái dại nào! Khổ thế nhưng DNT vô tình được thầy giáo an ủi, rằng một thập kỷ trước đó, thế hệ các anh chị các em phải ăn ngô độn, ngày xưa chưa có nhà vệ sinh tự hoại, chỉ thấy ngô toàn ngô, thương lắm các em à. Vậy ra DNT mình vẫn sướng vì không ai biết mình ăn gì Còn yêu thì sao? Nghe nói thời các anh chị yêu nhiều mà, đến lứa nội trú của mình chẳng thấy nhiều chuyện yêu đương. Có một nàng học giỏi (học sinh giỏi toán quốc gia), da trắng, chân dài (ngay từ lớp 10 đã cao 1m65), mặt xinh như mộng nhưng hồi đó nàng mải học, không tham gia mấy vụ cãi cọ, buôn chuyện lìu tìu, không thấy nàng thích ai. Có một nàng cũng yêu sớm, học cũng tốt nhưng DNT lại coi đó là chuyện để buôn mới lạ chớ. Riêng phòng nội trú nữ năm mình học lớp 12, không có chuyện tình nào! Thế mà nhà trường lo, cứ bắt tháo riđô bằng được. Không có riđô, nếu có khách không biết làm thế nào để thay quần áo trong trường hợp phải đi ra ngoài. Chuyện yêu là chuyện đáng cười và ngạc nhiên lúc ấy. Ví như có lần mình trở về nội trú bảo: "Lúc nãy có hai người đàn ông phải đánh nhau vì chị đấy!" Các em tròn mắt: "Hả, chị kể đi". À, lúc nãy chị đợi bắt xe ôm từ chợ Vinh về Hưng Nguyên, có một gã xe ôm đến mời, chị vừa ngồi lên xe vừa kêu đắt, xe chuẩn bị nổ máy sau đó lại có một gã khác đến mời chào với mức giá rẻ hơn, chị trèo xuống định nhảy lên xe rẻ hơn, chủ xe trước giơ nắm đấm : mi muốn tranh giành khách hả, tau (tao) cho mi biết; chủ xe sau hùng hổ: Mi là thằng mô ?(mày là thằng nào)Tau cho mi chết liền. Đấm một cú bụi áo quần bay mù mịt, hôi nữa, chị sợ quá, anh ơi, đừng đấm, em nỏ (chẳng) đi xe anh mô (nào) cả. Tưởng là chị mập đã yêu? Thầy giáo chủ nhiệm lúc đó vẫn khuyến khích yêu mà, thầy ví tình yêu Kim Trọng-Thuý Kiều buổi ban đầu như một sinh thể đỏ hỏn. Các em nam nội trú khá hơn, nhân nói chuyện này mình kể lại chuyện chiếc xe đạp. Mình có một cái xe đạp tòng tọc, thường được bạn bè gọi là xe Huskley, mấy bận mặc áo dài trắng, xích xe tự động cuốn tà áo vào dây vào lớp luyn không tài nào giặt sạch, xe kêu long tong, chuông thì câm lặng. Chiếc xe này thường xếp ngoài cùng, không khoá nhưng qua mấy đợt đột nhập của đạo chích, mấy cái xe mini nằm trong cùng, khoá cẩn thận thì mất, xe mình không mất, nhưng bị kẻ trộm thô bạo xô ngã xuống sàn để chọn xe phía trong. Ghét tên trộm quá, chẳng chịu lấy xe mình gì cả, nhưng may nhờ có nó các em nam nội trú mới có phương tiện đi mua rau và cá biển ở chợ Cửa Đông, các em hay mượn chị Hiền, bà chị luôn sẵn lòng, giữ gì cái xe ấy. Tường phòng nam phòng nữ sát nhau, ko cách âm, nói gì cũng nghe. "Đi tán gái tối nay lấy xe nào?" "Mượn xe chị Hiền". "Không, tán gái dứt khoát không mượn xe chị Hiền" Hoá ra xe chị Hiền chuyên dụng cho việc mua cá thôi, bọn này cáo thật Không yêu mà vẫn bình văn thơ tình yêu hay như thường. Không có chuyện tình nhưng vẫn bói cho nhau, chồng tương lai sẽ như thế nào? Ở tuổi ấy, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày mình sẽ lấy chồng, cũng như nhiều đứa bạn bè khác cùng trường, mình ấp ủ ước mơ đạt học sinh giỏi toàn quốc (Entry "Học văn" của Mayflower nhắc lại kỷ niệm một thời), có phải là phù phiếm không May? Mình nghĩ không phải là phù phiếm đâu, nó ghi nhận một nỗ lực trong vô số những nỗ lực, giải nhất như May đáng tự hào lắm chứ. Dân trường Phan rất nhiều người thành đạt, nổi danh, trong đó nhiều người là DNT, thầy cô khích lệ bọn mình. Còn mình chỉ đến những điều giản dị thôi. Ở tuổi ấy, buổi tối mùa hè, mình lang thang trên những con đường nhỏ, ngửa cổ đón gió hào phóng quạt qua hàng phi lao, không biết mai mình sẽ trở thành một người ra sao. Có khi đi qua hàng hoa quả thèm quá bảo với bạn ước chi nhanh chóng đi học ĐH, đi làm lấy tiền mua hoa quả ăn cho đã đời. Mình xa xôi nghĩ về cuộc sống ở Hà Nội... Những ngày mưa, khoảng đất trũng nước dềnh lên, ếch nhái kêu rả rích, giờ có khoai nướng ăn ngon bây hầy (chúng mày nhỉ) Làm sao quên những ngày mùa đông, bầu trời trắng se sắt, trăng nhạt nhoà qua ô cửa. Chị em lặng lẽ nhìn nhau không dám động đến từ "buồn". Liên ơi, em có nhớ chị không, chị Chuyền lớp toán nữa? Bãi đất trường Phan xưa là nghĩa trang người chết đói năm 1945, sợ không? Có sợ, nhưng quen rồi, nhất là nghe gió đêm ù ù thổi. Nên buổi tối DNT hay thức cùng nhau để học cho vui, ăn cơm tối xong dặn nhau: Chị ơi, 5 rưỡi gọi em, em ơi 4 giờ gọi chị. Buồn cười có mấy đứa thức học khuya, 12 h, 1 h sáng mới đi ngủ đánh thức bọn đi ngủ sớm hơn: 5 h rồi dậy đi, trời mùa đông 5 h sáng cũng như 12 h tối, cả bọn rào rào ra đánh răng, rửa mặt, tập thể dục, chuẩn bị đến trường, đợi cả 2 tiếng sau trời vẫn tối om mới biết bị lừa. Ngủ ngon lắm, hoặc không muốn chui ra khỏi chỗ nằm, mỗi tội hay bị bà bán xôi gọi sớm, đập cửa ầm ầm: "Bây ơi, ăn xôi đi". Không lạ tai lắm với những cuộc đối thoại kiểu thế này: "Bà ơi, 300 xôi được từng ni răng 500 được ít rứa" (300VND xôi được ngần này sao 500 lại được ít thế?). Nhưng từ những nếp nhà cũ, ẩm thấp, những khoảng sân ngập nước mùa mưa, những bữa ăn còn thiếu chất, rất nhiều những tài văn chương, cây bút tên tuổi ra đời. Không gian ấy có lẽ giàu sức gợi hơn. Hình như thế hệ sau, (học tập và sinh hoạt trong một điều kiện mới, hiện đại) giỏi giang, năng động, thực tế hơn nhưng cũng nổi danh trên văn đàn ít hơn. Các em khôn!
Posted on: Fri, 30 Aug 2013 19:18:25 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015