LẠNH LÙNG ( Bản chất bóng tối là sự ghi lại - TopicsExpress



          

LẠNH LÙNG ( Bản chất bóng tối là sự ghi lại trọn vẹn cái hình thể đã hứng toàn bộ ánh sáng để tạo ra nó. ) Vật vã mãi với những cơn gió mùa đông bắc đang gào rú tràn về, mà phải oằn oãi chạy trong tình trạng lắc ngang rất khó chịu, mãi sẩm tối, con tàu mới lết tới phao số không để tìm đường vào cảng tránh gió. Trên đường đi, nó còn phải tránh một cái xác tàu đắm nằm chềnh ềnh bên cạnh luồng từ hồi chiến tranh mà con người quá bận bịu hoặc chưa tập trung đủ sức lực để dọn đi. Cái cột tàu cong queo vẫn còn nhô khỏi mặt nước cùng cái mặt cabin ghẻ lở, dù thủy triều đã dâng cao, trông chẳng khác nào một kẻ sắp chết đuối đang cố vẫy gọi mà chẳng có ai cứu giúp. Khiến nó trở thành chỗ dựa cho những đợt sóng tàn khốc tự do đập vào, làm tung tóe không ngớt những đám bụi nước ngầu bọt trắng xóa. Dù đã quan sát thấy cảng bởi những dãy nhà kho đen nhẻm lô nhô phía trước, nhưng tuyệt nhiên không thấy một ánh điện nào lóe sáng. Sau chiến tranh, việc mất điện thường xuyên diễn ra như cơm bữa. Bến cảng này cũng trong tình trạng vậy. Hơn nữa, nó lại là một cảng xép nên ít tàu bè ghé lại. Vào chiều đông rét mướt buồn bã này, từ xa, trông nó chẳng khác gì một bãi tha ma khổng lồ. Cứ cái ngữ này, nếu không vào kịp để cập bến thì lại phải neo đậu chờ phía ngoài mất một đêm. Như thế sẽ rất bất tiện cho việc lên bờ "xả hơi" của đám thủy thủ vốn đã bị căng thẳng và giam hãm gần tuần lễ trên con tàu ọp ẹp, bẩn thỉu. Viên thuyền trưởng già sắp về hưu đi chuyến cuối cùng này là một người máu gái nổi tiếng. Tuy nhiên, ông lại rất giỏi về chuyên môn, nhất là nghệ thuật cập bến cực kỳ siêu đẳng mà không phải bất cứ thuyền trưởng nào cũng có được. Vì vậy, cả đám thủy thủ cứ hau háu tin chắc rằng ông không đời nào chịu neo phía ngoài trong đêm nay. Quả vậy, khi vào sâu trong luồng, sóng gió không còn ghê gớm nữa, được sự giúp sức của những quả phao tiêu đã tự động bật sáng nhấp nháy, ông hạ lệnh tăng tốc để con tàu phăm phăm hồ hởi lao nhanh về phía cầu tàu, mặc dù tầm nhìn xa đã rất hạn chế do trời đang tối sầm sập, làm nhòe mờ hẳn hình dạng những dãy đồi núi chập trùng mãi tít chân trời phía xa. Con tàu cất giọng bằng hồi còi dài như muốn báo rằng nó nhất định cập bến, để cho một nhân viên điều độ duy nhất của cảng đừng bỏ về nhà ăn cơm vì nhiều lần chờ đợi hụt. Khi đã giảm tốc để trớn tàu vươn vừa vặn đến ngang bến cảng, chưa đầy mười lăm phút đồng hồ, toàn bộ chiều dài của nó đã xáp vào và ngoan ngoãn hôn nhẹ những quả đệm cao su rách nát nham nhở được mắc suốt phía ngoài cầu tàu. Trong khi viên điều độ cảng và những thủy thủ còn đang gân cơ bắp để kéo mấy đường đỏi nilong dài và nặng để mắc vào mấy cột bích trên cầu tàu chưa xong, thì một tốp người hỗn độn đã nép sẵn từ bao giờ sau bức tường nhà kho bị đổ sập vì đạn pháo trong chiến tranh, họ chạy ùa ra, cố nhanh chóng tìm cách "chấm chí" chỗ của mình trên tàu. Nhìn kỹ, hóa ra họ toàn là dân buôn và gái điếm rẻ tiền. Mặc dù một thủy thủ trực ban đeo băng đỏ đã kiên quyết xua tay ngăn họ lại, nhưng như một lượn sóng, đám người cứ tràn qua be tàu khiến anh chàng này không làm gì được. Đã thế, một gái điếm còn ôm chặt anh ta và hô đồng bọn cứ nhào vô. Thật chẳng ra thể thống gì cả. Có lẽ tình trạng lộn xộn này chỉ hiện hữu ở nơi đây. Không biết do một nguồn thông tin nào mà lũ người này lại biết trước để đến đây chầu hẫu từ bao giờ. Khi đã hạ lệnh "tốp" máy xong, viên thuyền trưởng ra khỏi cửa nách ca bin, cúi xuống nhìn đám người phía dưới rồi mỉm cười : - Có thế mới vui chứ. Cảng này mà không có các em "tóc xanh mỏ đỏ" thì đêm nay lạnh lẽo buồn thiu. Cậu nào trực ban phải coi cabin cho cẩn thận. Còn phòng riêng thì mạnh ai nấy lo. Cứ vui vẻ "tự túc" nhé. Tớ đi tắm giặt rồi ăn cơm sớm để lấy sức tiếp các "em" chứ. Ông ta coi việc giai gái là sinh hoạt đương nhiên. Để biện hộ cho sự buông tuồng của mình, trong một lần ngẫu hứng, ông còn sang sảng chứng minh rằng trong thế chiến thứ hai, quân đội Nhật bản đã chẳng chuẩn bị hàng vạn gái điếm cho lính ngoài mặt trận đó sao. Ông ta cười và bảo trước khi cắt đứt tranh luận :" Thôi đi các anh ơi, quạ nào cũng đen cả mà cứ vờ vịt...". Với ông, nhu cầu bình thường đó phải được thỏa mãn triệt để ở chuyến đi biển cuối cùng trong đời này, trước khi trở về mái nhà với bà vợ già mà ông đã chán ngấy. Hầu như cả tàu, trừ rất ít người, trong đó có tôi, còn hầu hết đều hăm hở ngầm hưởng ứng trò chơi "mèo chuột" của ông. Ông nổi tiếng về việc này bất cứ mọi bến bờ nào mà tàu đã qua. Đến nỗi, khi nhìn thấy số hiệu và tên tàu lúc chập tối, cả đám gái điếm đã xôn xao mừng húm : - Bọn bay ơi ! Tàu của anh già sắp zô bến nè. Ngay từ chiều, ông đã sai người gọi bếp trưởng lên dặn dò : - Em nấu thêm cơm và thức ăn cho tươm tất. Chắc tụi "bớp"sẽ tụ hội ở tàu ta khá đông trong đêm nay. Khao chúng nó mà có sức để "làm việc". Bữa cơm tối đã dọn sẵn, trừ thuyền trưởng ăn trước, còn hầu hết mọi người đang tranh thủ buôn buôn bán bán tíu tít, chẳng ai thiết ăn uống gì. Vì vậy, tay bếp trưởng cứ phải ngồi canh chừng lũ gái điếm đang chầu chực đầy cả câu lạc bộ với những câu chuyện chớt nhả, sàm sỡ. Khi việc buôn bán xong thì trời đã tối mịt. Dân buôn rời tàu hết, chỉ còn lại gái điếm mà thôi, khoảng hơn chục đứa cỡ từ mười bẩy mười tám đến hai nhăm tuổi. Tôi nhìn chúng vui vẻ giả tạo vậy mà trong lòng đầy xót xa. Bữa cơm của cánh thủy thủ nghe chừng thật vui bởi vì mọi người đã bán xong hàng hóa của mình. Hơn nữa, bây giờ lại có "các em" sẵn sàng chờ đợi. Tất nhiên, cả lũ điếm cũng được dự phần. Xong bữa cơm, muốn để cho tiêu hóa bớt cái dạ dầy, một gã thủy thủ xách ra câu lạc bộ cái catxet và mở băng nhạc nhảy. Không khí như bốc lửa. Các ả điếm bắt đầu ưỡn ẹo, nhún nhảy trên một khoảng không gian rất chật hẹp. Còn đứa nào không nhảy thì thản nhiên ngồi tọt vào lòng các gã thủy thủ đang nhả khói thuốc phì phèo. Để tăng thêm phần kích động, một gã nào đấy vặn chiết áp hết cỡ. Bản nhạc dậm dật với những điệp khúc " Uỵch !...Chạt !...Bụp !..." làm tôi muốn nổ tung màng nhĩ và cảm thấy tức ngực bởi tiếng dội mạnh từ cái loa trong một không gian chật hẹp, đầy khói thuốc lá và tiếng cười khả ố. Tôi không thể ở đó thêm một giây nào nữa khi một gã lớn tiếng đưa ra lời đề nghị với bầy gái điếm : - Các em nhìn nắm tiền trên tay anh đây. Anh hứa sẽ thưởng cho ai cởi tất cả quần áo trần truồng ra và nhảy hết một bản nhạc. Nào !...ai nào ? * * * Tôi chợt nghĩ về những con người trên con tàu này. Vào đời thuyền trưởng trước, khi mà người chỉ huy có một cách sống nghiêm túc thì sao họ có vẻ có nền nếp vậy. Nhưng giờ đây khác hẳn. Ông thuyền trưởng già này đã cầy xới một luống đất khác. Những mầm hạt từ tay ông không chăm lo tưới tắm đã nhú những cái cây được phơi bầy bản chất thực của nó : Sự tham lam và dục vọng. Quả là hình nào thì bóng nấy. Có những kẻ cố giấu kỹ ý nghĩ ham muốn xác thân đàn bà lạ, đến hôm nay được sự cởi mở buông tuồng thì không thể giữ được nữa. Nó lòi ra như cái kim ẩn lâu ngày trong đám giẻ bỗng nhiên được một bàn tay bóp cho nháo nhào. Có những anh chàng, đầu tiên còn giả vờ giả vịt, làm bộ làm tịch có vẻ cao đạo lắm,sau rồi thấy cả tàu như "bốc hỏa" thì không thể chịu được, lúc đầu còn lợi dụng chỗ tối, đưa tay véo vào đùi non mấy em điếm, để đến nỗi bọn chúng phải ré lên, một lúc sau thì biến mất đi đằng nào, khiến cho tay thủy thủ trực ban quá giờ không có người nhận gác cứ gọi toáng lên suốt từ đầu tàu đến cuối tàu mà chẳng thấy anh chàng đâu sất. Chỉ có ma mới biết anh đang "ăn cỗ" ở đâu. Chuyện thì buồn cười lắm. Lúc đó cả tàu cứ rùng rùng như đánh trận. Số lượng gái điếm đã nhiều, hơn chục ả. Nhưng số đàn ông trên tàu cả thẩy hơn hai chục người. Mà riêng ông thuyền trưởng già một mình ẵm hai em rồi, thế thì làm sao không thiếu cho lũ đàn em. Thôi thì rối toáy lên. Có những gã chờ đợi như phát cuồng, cứ đứng ngoài một cánh cửa phòng đã khóa chặt mà đập rầm rầm, vừa đập vừa hô :" Mau ! mau lên nào. Để các em còn sang phòng tao nữa chứ ". Thật chẳng sung sướng gì cho kẻ bên trong. Tôi chợt nhớ lần ở quê, vợ tôi nuôi một đàn gà định giành đến tết. Thế quái nào chúng bị mắc dịch chết gần hết chỉ còn lại ba con. Một con mái và hai con sống lộc ngộc. Con gà sống nào cũng hết sức ve vãn con mái duy nhất làm người tình riêng mình. Lúc gặp cơn hứng, con đực nào đang dở dang đạp mái mà bị con kia trông thấy, liền tức khí nhẩy bổ lên tương cho một cú đá. Thế là cuộc tao ngộ chiến đẫm máu xảy ra không biết bao giờ mới ngừng, nếu không bị người cầm gậy can ngăn hoặc bị chó đuổi. Tôi nghĩ hoàn cảnh này chắc ít người trong đời được chứng kiến. Bởi vậy, thú thật, trong tiềm thức tôi về sau đâm ra không có lòng tin ở sự mô phạm nơi con người. Cái câu " Ban ngày quan lớn như thần. Ban đêm quan lớn tần mần như ma "chắc xuất hiện từ thời thượng cổ. Cho nên một ai đã nói :" Lời nói sinh ra để che dấu ý nghĩ. Còn áo quần diêm dúa thực ra chỉ để che đi tấm thân không trọn vẹn ", quả là chí lý. Còn tôi thì sao ? Phải chăng tôi hoàn toàn tư cách khi miêu tả câu chuyện này với ngụ ý tố cáo, phê phán người khác. Thực ra không phải. Chẳng qua tôi không thích "xô lô" với gái điếm. Tôi có hàng tá người tình nơi các bến bờ. Các nàng lọt vào mắt tôi do sự cộng hưởng một tần số sinh điện nào đó khiến tôi thích. Tôi muốn quan hệ kiểu đó cho có vẻ "văn hóa" hơn, an toàn hơn, đỡ chạm căn bệnh Sida hơn. Nó không có cảm giác nhầy nhụa bẩn thỉu khi biết rằng trước mình, người đàn bà kia đã qua bao người đàn ông xa lạ khác. Tuy nhiên, các quan hệ đó, tôi giấu kín như mèo giấu cứt. Tuyệt không ai biết. Có gì đâu, vì tôi sợ tiếng đồn đến tai vợ tôi thì gia đình đổ vỡ không gì hàn gắn được. Có lần, một anh bạn trong tàu mò lên phòng tôi chơi, buông lời than thở về việc nghe tin vợ ở nhà có nhân tình. Tôi hiểu trong lòng anh ta đau lắm, không thể chịu được nên muốn san sẻ với tôi cho vợi bớt. Chẳng biết khuyên nhủ như thế nào cho phải, tôi buông lời tặc lưỡi : - Thôi, nghĩ làm quái gì cho nặng đầu. Cũng như mày đi với bọn nhà thổ khắp các bến bờ vậy thôi. Vợ mày đâu có biết. Phải chấp nhận hoàn cảnh nghề nghiệp mà "chiến đấu" vì tương lai của các con thôi. Trong bất cứ cuộc chiến nào mà chẳng có sự hy sinh. Còn không thì "buông súng" để về nhà mà giữ vợ cho trọn vẹn. Anh bạn tôi nghe vậy thì im lặng không nói gì nữa. Hôm nay, anh ta đang bị cuốn vào cuộc chơi đầy phấn khích chẳng khác gì bị nhập đồng. Tôi châm một điếu thuốc rồi tha thẩn đi ra ngoài lan can tàu, muốn để cho làn gió lạnh như những mũi kim chích vào mặt, để cố quên đi cái không khí sặc mùi xác thịt bên trong tàu. Trời đã gió lại mưa nên càng rét dữ. Trên mặt bến cảng trống hoác, vắng ngắt, tối thui. Ngoài tàu tôi, cả bến cảng dài vài trăm mét không có một con tàu nào khác nữa. Chỉ có tiếng gió hú lồng lộn và những gợn sóng vỗ lóc bóc dưới chân cầu tàu nghe thật buồn bã. Từ tít xa ngoài cửa luồng, những phao tiêu hải đăng nhấp nháy một cách nhẫn nại nhưng đầy mệt mỏi. Đứng trước cầu thang là bóng hai người đàn ông trùm áo mưa kín mít. Một là trực ban tàu, một là người lạ. Tôi nghe loáng thoáng lời đối thoại của họ : - Tôi không cho anh lên tàu đâu. - Anh hai hổng cho em lên thì em đành đứng đây chờ thôi. - Chắc đêm nay , đám con gái không rút khỏi tàu. Để sáng mai hãy "điểm danh" - Chu cha! Hai giờ đêm thì em hết ca trực rồi - Nhưng tôi không thể cho anh lên được. Đó là lệnh của thuyền trưởng mà. - Em phải chờ bằng được để thu "lệ phí". Không đứa nào thoát được đâu. ........... Thì ra, tay bảo vệ cảng kiêm ma cô muốn "xé vé" qua cửa với bầy gái điếm mà gã đồng ý cho lên tàu để hành nghề. Quăng mẩu thuốc đã cháy gần hết, tôi bước nhanh về buồng, mở khóa rồi chui tọt vào trong, với tay tìm công tắc bật đèn. Tôi muốn tìm sự thư tĩnh với cuốn tiểu thuyết đang đọc dở từ đêm hôm qua còn mở trên bàn. Khác với những đêm hành trình trước, phải vừa đọc vừa đưa tay giữ ghì mép bàn để chống lại sóng lắc. Đêm nay, trong trạng thái cân bằng lặng lẽ của con tàu đã ở nơi tránh gió, tôi hy vọng sẽ đọc những chương tiếp theo với một sự chăm chú thú vị. Dễ chừng đến hơn giờ đồng hồ, đang mải mốt ngốn ngấu những dòng chữ, tôi bỗng giật mình vì có hai bàn tay ai đó bất ngờ bịt chặt đôi mắt. Kèm theo đó là giọng con gái : - Anh hai hiền khô à. Anh định để tụi em ế khách hay sao ? Tôi gỡ hai bàn tay còn thoảng mùi nước hoa rẻ tiền kia ra, đứng phắt dậy với cử chỉ bực tức : - Ai cho cô tự động mở cửa vào đây khi chưa được sự đồng ý ! Con bé như không có gì lạ vì thái độ của tôi, nó thẽ thọt : - Trời đất...Người ta nói muốn bạo hành với phụ nữ thì phải sử dụng đến nhành hoa đó nghen. Nhẹ nhàng một chút coi. Em yếu đuối lắm nhưng hông làm anh thất vọng đâu... Tôi xẵng giọng : - Cô ra ngoài cho tôi nhờ ! - Anh hai hè...Bên ngoài trời lạnh cóng. Trang phục của em nghèo quá. Em muốn nghỉ nhờ anh chút thôi...Thật là mệt quá trời... Nói rồi, nó cũng chẳng cần biết tôi sẽ nổi đóa ra sao. Rất tự nhiên, nó buông mình đánh phịch trên chiếc ghế đivăng duy nhất thay cho giường ngủ trong phòng làm việc của tôi với một sự mệt mỏi chán chường và cam chịu. Đôi mắt vô hồn nhìn chong chong vào chiếc bóng đèn trên trần phòng. Đột nhiên, nó buông một lời bâng quơ : - Mấy con đực buồng dưới vầy vò em suốt từ chập tối rồi chỉ thí cho em một gói mì tôm hạng bét. Bọn chúng quỵt rồi đuổi em ra mà em không làm sao được. Chẳng ai bênh em cả. Cô chua chát nhếch mép cười rồi nhắm nghiền mi mắt lại. Một ứa lệ nhỏ từ đó chậm rãi chảy xuống bên gò má đầy son phấn nhòe nhoẹt. Tôi vớ chiếc túi xách rẻ tiền của nó bên ghế, kéo phéc mơ tuya mở ra như muốn khẳng định lời nói đó có đúng không. Trong túi quả thật không có đồng tiền nào ngoài mấy bao cao su lòi ra. bên cạnh đó là một gói mỳ hiệu "hai tôm"bọc trong vỏ bao vàng xỉn. Thấy tôi có cử chỉ tự nhiên đó, nó nhỏm dậy : - Em đến trễ, chưa kịp ăn gì nên đói quá. Anh hai có chút nước sôi nào pha giùm em gói mỳ. Nói rồi nó giật nhẹ chiếc túi từ tay tôi, lôi gói mỳ quăng lên bàn rồi mở ngăn nách rút ra điếu thuốc châm lửa hút và thản nhiên phả khói bất nhã vào mặt tôi. Nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của nó, đặc biệt là dòng nước mắt, lòng tôi chùng xuống. Thấy thái độ tôi bớt căng thẳng, nó mở to đôi mắt ướt nhìn thẳng vào tôi nói tiếp : - Đêm nay em không có chỗ ngủ. Anh hai cho em ghé nhờ. Bù lại, anh có làm gì không thì em chiều. Em không lấy tiền của anh đâu nghen. Tôi im lặng nhìn kỹ nó. Bất giác, tự nhiên tôi nghĩ đến đứa con gái mình đang học đại học ngoài Hà nội và so sánh, có lẽ nó chỉ cỡ tuổi con tôi vậy. Một cảm giác buồn đau chợt nhói trong lòng. Trên khuôn mặt tuy non nớt nhưng có vẻ thập thành kia quả là bẩn thỉu vì lớp son phấn rẻ tiền nhòe nhoẹt càng có vẻ kinh tởm hơn khi nó điềm nhiên vén xống áo lên và gãi sành sạch vào các vết ngứa mẩn nhẹ nổi lên dưới làn da không lấy gì làm trắng trẻo dưới ánh sáng ngọn đèn vàng vọt hắt soi. - Anh ưng làm thì em cởi quần áo ra . Nhưng phải để em nuốt xong gói mỳ đã. Em cần nạp năng lượng mà. Nghe câu đó, tôi muốn đuổi nó ra ngay khỏi phòng. Có một điều gì đó lạ lùng của một nỗi xót thương mơ hồ khiến tôi không quyết định nổi hành động của mình. Thấy tôi yên lặng, nó rít một hơi khói thuốc dài rồi nói như ra lệnh : - Anh pha cho em gói mỳ. Tôi uể oải nhấc chiếc phích nước nóng, tìm một cái bát cùng hai gói mỳ khác trong thùng đựng của tôi và nói nhỏ nhẹ với nó : - Chú có thể cho cháu hai gói mỳ thì mới đủ bữa. Chắc từ chiều đến giờ cháu chưa ăn gì. Nó trố mắt nhìn tôi : - Chẳng có ai xưng hô với em thế cả. Quả thật hồi nãy, em đã lục tung phòng bếp tối mò mà chẳng còn thức gì ăn được. Chỉ đụng phải toàn gián và chuột. Thật kinh khiếp với con tàu này... Tôi chậm rãi bóc hai gói mỳ mác ngoại cho vào bát, đổ nước sôi rồi lấy một chiếc đĩa úp lên để chờ cho mỳ ngấm mềm ra, và nói : - Chắc cháu chỉ bằng tuổi con chú. - Mèng ơi ! mỳ của anh hai thơm quá. Thơm như tình cảm của anh vậy. Nè ! Anh đừng xưng hô chú cháu với em vậy nghe quê một cục. Trường hợp đó chỉ giành cho tình cảm gia đình. Mà thân phận em từ lâu đã đoạn tuyệt với nó rồi... Chẳng đợi cho bát mỳ kịp ngấm, nó nhướn tới, vớ đôi đũa rồi mở chiếc đĩa để hít hà trước khi cắm đầu ăn như sợ bị ai cướp mất. Tôi im lặng quan sát nó ăn và bật lửa châm một điếu thuốc. Chưa đầy mười phút, bát mỳ hết veo. Tiếp đến, nó nâng bát , ngửa cổ húp hết nước đến giọt cuối cùng. Xong, nó liếm môi và đưa những ngón tay có bôi móng đỏ choét lên quệt ngang những lấm tấm mồ hôi trên trán, khiến lớp bụi phấn càng nhòe nhoẹt như bôi hề . Nó nhởn nhơ nói tiếp : - Đã quá anh hai hè ! Nếu anh muốn "làm" em thì chờ cho mươi phút nữa. Em mới mắc bệnh đau bao tử. Cho em xin hớp nước tráng miệng nào. Tôi rót cho nó ly nước nóng và nghĩ cách tống khứ nó ra ngoài để muốn đọc tiếp cuốn sách. Con bé thấy tôi không nói gì, nghĩ rằng tôi ưng thuận bèn bất ngờ uốn tay, vươn thân mình để tuột chiếc áo chui đầu ra. Hai bầu vú nhẽo nhẹt hiện ra ngay lập tức vì không có áo lót. Đã thế, nó còn thản nhiên nói : - Anh hai hành sự đi. Em tuy là điếm nhưng luôn giữ lời hứa của mình. Em sòng phẳng để trang trải lòng tốt bất chợt của anh. Tôi nghiêm sắc mặt và dằn giọng : - Mặc ngay áo vào. Tao không cần. Mày chỉ đáng tuổi con tao thôi ! Nghe thấy tiếng quát, con bé lạ lùng dừng lại cử động nhưng vẫn để bầu vú thỗn thện nguyên đó. Tôi buộc phải nhắc lại : - Nhanh chóng mặc áo vào rồi ra khỏi đây ngay. Tôi đứng dậy mở cửa và chỉ tay ra phía ngoài. Một luồng gió lạnh từ ngoài sông ùa vào tàn nhẫn, khiến con bé vội vàng kéo tuột chiếc áo xuống để che đi bộ ngực hở hang. Nó bối rối nhìn tôi sợ sệt thực sự rồi rút hai chân lên ,co mình lại. Tôi nhìn con bé nghiêm lạnh. Một cảm giác bực bội pha lẫn xót thương trào lên khiến cho câu nói tiếp theo không còn căng như trước : - Cháu ăn uống xong rồi. Tôi yêu cầu ra ngoài để tôi còn đi nghỉ. Con bé mất hẳn thái độ chớt nhả. Nó nem nép nhìn tôi rồi vớ chiếc túi để đi ra ngoài. Chỉ chờ có thế, tôi đóng ập cửa lại , cài khóa rồi lấy chiếc khăn ướt để lau mặt chiếc đi văng nhằm tẩy uế mùi nước hoa của gái điếm mà tôi cảm thấy kinh kinh. Tôi châm một điếu thuốc nữa rồi ngồi thừ ra suy ngẫm vẩn vơ, chờ cho mặt đi văng bay hơi hết ẩm ướt. Bên ngoài mưa bất ngờ thốc mạnh. Nó rắc những hạt nước lã chã chảy nhễu trên bề mặt cửa kính cạnh căn phòng. Tôi có cảm tưởng đó là những dòng nước mắt của ai đó đang khóc gào. Nhìn đồng hồ, tôi không ngờ đã quá nửa đêm. Tâm trí tôi không còn thiết tha với việc đọc sách tiếp. Tôi với tay lôi chiếc chăn trong tủ, tắt đèn rồi buông mình xuống ghế nằm suy ngẫm. Hình ảnh con gái tôi lại chợt hiện lên trong một mối liên tưởng bởi sự ám ảnh. Liệu giữa chúng có sự giống nhau nào không và tôi tự khẳng định : Nếu mái nhà ấm cúng được gọi là gia đình của tôi chẳng may bị một tai ương gì khiến cho tan nát, thì kết cục như số phận con nhỏ này không có gì đáng ngạc nhiên. Lúc đó, con tôi sẽ trở thành miếng mồi ngon cho bao cái bẫy luôn luôn há ngoác mồm chờ sập. Tôi nghe có tiếng lục rục ở phòng dưới . Mặc dù sàn tàu ngăn cách như vậy nhưng vẫn có tiếng cười hô hố và tiếng ré của một phụ nữ nào đó vẳng lên. Tôi cố chợp mắt để xua đi những liên tưởng vớ vẩn. Bất chợt, tay nắm cửa phòng tôi lạch xạch động đậy như có ai đang cố vặn để mở ra . Tôi choàng dậy bật công tắc đèn, cẩn thận đứng bên vách cửa hỏi vọng : - Giờ này ai còn muốn hỏi gì, để mai đi. - Chú ơi !...Con rét quá, cho con vào nhờ ... Con sắp chết cóng rồi. Một tiếng nói con gái thì thào cầu khẩn. - Xuống dưới câu lạc bộ ấy. Phòng này không vào được . Tôi xẵng giọng. - Con đã mò xuống ấy rồi nhưng lạnh quá. Mà chuột nhiều ghê. Con quá sợ. Chúng cắn cả vào chân con... Chú ơi ! Chú thương con đi. Mấy anh hồi nãy xài con cũng đóng chặt cửa phòng ngủ rồi. Không ai cho con vô cả. Con muốn về cũng không được. Ngoài trời mưa nặng hạt. Nhà trọ chắc không ai mở cửa cho con. Vả lại con không còn một cắc nhỏ nào. Đêm nay xui xẻo quá chú ơi... Tiếp theo đó, cái tay nắm cửa lại bần bật khua lên như một sự hối thúc. Tôi bực dọc nhưng lưỡng lự bởi ý nghĩ về sự liên tưởng khi nãy lại hành hạ tôi :" Nếu con gái mình cũng trong hoàn cảnh này..." Tôi miễn cưỡng rút chốt cửa để xác định tình thế của nó. Cửa vừa hé, dưới ánh đèn vàng vọt hắt ra, thân hình con nhỏ co rúm lại một cách thảm hại. Đôi mắt đờ đẫn ngước nhìn tôi cầu cứu. Còn hai hàm răng thì không ngừng khua lập cập loạn xạ. Mái tóc nó rối tung, bơ phờ. Dằn lòng, tôi tránh lối để nó chui vào. Khác với thái độ bất cần lúc đầu, nó sợ sệt nhìn tôi : - Tùy chú cho con ngồi vào chỗ nào cũng được. Con đội ơn chú lắm. Chú đừng ngại con chôm đồ. Sáng mai trời quang con đi ngay. Một nỗi buồn ập đến, dâng đầy trong tôi khiến không nỡ để nó ở bên ngoài, thật tội nghiệp. Tôi không nói gì cả, buông mình xuống chiếc ghế đọc sách và đưa tay chỉ nó vào chiếc đi văng. - Con hổng dám chiếm chỗ của chú đâu. Con ngồi đây cũng được. Nó rên rỉ, tiếng khua lập cập trong hàm răng cũng bớt không như khi nãy. Như cái máy, tôi lại rút một điếu thuốc và châm lửa. Hai người không nói với nhau một câu nào nữa. Không khí buồn tẻ đau xót bao trùm. Những vòng khói thuốc lá cũng câm lặng lượn lờ như một nỗi suy tư trầm mặc. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ nói chuyện nghiêm túc với bất cứ một gái điếm nào. Chẳng lẽ cứ ngồi yên lặng với nhau như thế này đến suốt đêm ư. Còn tôi thì ngủ thế nào được với tình huống thế vậy. Đã cho nó vào rồi, tôi không có lòng nào đẩy nó trở ra ngoài được nữa. Tôi ngước mắt lên ô cửa kính để biết bên ngoài mưa vẫn không ngừng rơi. Nhìn những giọt nước tóe nhòe trên mặt kính, tôi biết chắc chắn gió đang gào rú thảm thiết. - Cháu bao nhiêu tuổi rồi ? Tôi ngập ngừng mở đầu. - Dạ, con mười tám. Nó thẽ thọt. - Cháu không có gia đình à ? - Ba con là lính ông Thiệu bị tử trận. Còn má và em con chạy di tản, nhiều năm nay hổng nghe tin tức chi. Chắc làm mồi cho cá rồi... - Chắc không ? - Con đâu dám giỡn chú. Khi bớt tiếng súng, con chạy kịp tới nhà thì mọi người đã đi hết cả rồi. - Từ đó đến nay cháu sống với ai ? - Hồi đầu cũng ở với mấy người bà con. Nhưng được vài năm thì hoàn cảnh ai cũng kẹt. Cứ ăn ở đợ mãi cũng cực. Lúc con mười hai tuổi, mọi người khuyên con nên tự bán vé số nuôi thân vì không ai muốn đeo con nữa. - Sao cháu không làm việc đó như bao người khác mà lại đi làm nghề này ? - Chú ơi, không phải con không muốn vậy nhưng cuộc đời dồn đẩy con mà con không chống đỡ được. Đến khi hiểu ra thì...( Nó bất chợt tủi thân khóc rấm rức ) Bây giờ, con chỉ mong sao sống qua ngày... Con khờ dại quá mà... Nghe thấy nó khóc, tôi cảm thấy mình hơi tàn nhẫn vì đã vô tình khoét vào vết thương chắc gì đã lên da non trong cõi lòng trống hoác của nó. Tôi im lặng, lòng chợt nhão ra khi quan sát nó. Có thể một nhỏ nhoi lòng thương người trong tôi trỗi dậy khiến tôi tin rằng hoàn cảnh đáng thương của nó đúng như thế. Chẳng lẽ tôi tiếp tục cật vấn nó mãi ư, để thỏa mãn hiếu kỳ trong tâm thức khi chưa tìm ra một cách gì giúp nó. Tôi nhẹ nhàng : - Thôi cháu đi nghỉ đi . Chú đọc sách đến sáng vậy. - Cảm tạ chú, con ngồi thế vầy cũng được. Tôi chuyển hướng : - Chú nghĩ rằng cháu không thể tiếp tục công việc này mãi được. Tương lai của cháu mờ mịt với một kết thúc đáng buồn. - Chú bảo con làm gì bây giờ ? Nó nhướng mắt nhìn tôi. - Cháu buộc phải lăn lộn kiếm sống. Tuy rằng rất gian lao nhưng lương thiện hơn. Ví như có một gánh hàng nho nhỏ nào đó chẳng hạn. - Con biết vậy và đã thử nhưng khó quá. Ngoài đời không đơn giản vậy đâu. Tất cả đều có luật giang hồ. Con yếu ớt lắm không vượt qua được. Người giúp con thì quá ít, còn kẻ muốn ấn con xuống hố sâu lại quá nhiều. Con chẳng khác nào một con chim nhỏ, luôn bị lùa vào bẫy... Cuộc đời tàn bạo lắm chú à. - Chú hiểu rằng không có gì đơn giản nhưng ai cũng vậy, bắt buộc phải vươn lên. - Con làm việc này chỉ mong kiếm cóp một số tiền rồi chuyển nghề, đi một nơi khác làm lại cuộc đời từ đầu. Con cũng ao ước có một tấm chồng lắm chú à. Nhưng hễ cứ kiếm được chút tiền nào lại bị ma cô lột hết. Nếu không lại chống đỡ với căn bệnh ập tới. Mọi thứ đều tiêu tan. Đôi khi con muốn uống một liều thuốc độc cho rồi đời. - Chú nghĩ cháu có thể vào một trung tâm phục hồi nhân phẩm nào đó. Khi nghe câu nói này của tôi, con nhỏ bất chợt thay đổi thái độ. Khuôn mặt nó bỗng nhếch nụ cười như một sự mai mỉa. Ánh mắt nó nhìn tôi có vẻ hài hước, thương hại. Nó buông một lời chua chát : - Chắc chú đọc nhiều báo chí quá hà ? Hình như nó không muốn nói chuyện với tôi nữa. Có lẽ sau một lúc lâu tiếp xúc, nó biết tôi không phải loại người tàn nhẫn. Tuy nhiên, bằng trực giác của một gái điếm đã bị đời giày xéo quá nhiều, nó không tin thế giới này còn có đạo đức thật. Đạo đức, với nó, chỉ là thứ đồ trang sức mỹ ký rẻ tiền. Tóm lại, nó thầm nghĩ tôi là kẻ ngô nghê. Rất có thể trước đây nửa tiếng, khi tôi nấu mì cho nó ăn, đẩy nó ra rồi lại mở cửa cho nó vào, thì hành động đó còn có thể gọi là một con người có chút lương tâm. Nhưng qua cuộc nói chuyện và đến đoạn đối thoại cuối cùng, khi nó được tôi ban cho những lời rao giảng về đạo đức thì sự nể phục của nó xẹp hẳn. Nhường vào đó là một kết luận dứt khoát : Tôi là kẻ giáo điều ngu xuẩn, chẳng hiểu một tí gì cái sự thực tàn bạo nghiệt ngã trên mặt đất này. Trong con người tôi luôn rành rẽ hai thái cực của thế giới con người. Một là đạo đức, hai là vô đạo đức. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu ra : Điều đó hoàn toàn không có ranh giới. Đạo đức là thứ quái gì ? Một thứ quan niệm của những ông thầy tu không bao giờ hiểu được nỗi thống khổ của nhân gian, khi cứ ra rả rao giảng khuyên họ hãy từ bỏ tham sân si để tiến tới cõi niết bàn cực lạc. Trong khi điều đó lại trái nghịch với ước muốn nếu không nói là tham vọng cố hữu của loài người khi muốn tiến triển. Thử hỏi có bao nhiêu người đi theo giáo lý của các nhà tu hành để cho xã hội tốt đẹp hơn. Tất cả chỉ là sạo xịa trơ tráo. Thuyết giáo thì cứ đầy cộp lên theo thời gian nhưng tội ác không vì thế mà biến đi. Chúng luôn song hành theo tỉ lệ thuận. Thế thì bắt buộc phải xét lại đạo đức. Đạo đức của ông thầy tu là ăn chay và rao giảng. Đạo đức của người nông phu là một nắng hai sương làm ra hạt thóc bằng bất kể giá nào. Đạo đức của người đồ tể là luôn mài sắc con dao nhọn để chọc tiết nhiều gia súc, gia cầm. Tất nhiên, việc đó phù hợp với hàng tỉ cái mồm cần phải nhai. Vì nếu ngừng ăn thì cả thế giới này sẽ chết. Đạo đức của người lính ngoài chiến trường là phải chắc ngón tay xiết cò súng để tiêu diệt được nhiều kẻ thù ( Mà thực chất là giết được nhiều người )... Thế thì đạo đức của tất cả gái điếm trên thế gian này phải làm sao phục vụ tận tụy cho thỏa mãn sự ham muốn của giống đực khi nó còn điên cuồng muốn giao phối. Điều đó hoàn toàn có lý. Những cái gì có lý đều là đạo đức. Nói tóm lại, tất cả mọi loại đạo đức trong xã hội đáng tôn kính của con người đang bắn nhau loạn xì ngậu khiến những người như nó đang phải chịu thảm họa không lối thoát. Ánh mắt của con bé không giấu nổi sự coi thường đối với tôi. Nó không muốn nói chuyện nữa và ngước mắt lên nhìn chiếc đồng hồ như muốn chờ đợi trời sáng mau để biến khỏi đây ngay , càng sớm càng tốt. Nó trở về cảm giác khi xác định thân phận hiện tại là sự nhờ vả chốc lát rồi tiếp tục hành trình của sự tồn tại đầy cam go, bất trắc như một định mệnh. Rõ ràng, tôi không thể nào cứu giúp nó được. Lời rao giảng, khuyên nhủ của tôi giống hệt khóa giảng bài của những ông thầy chùa trong một khoảng thời gian ngắn ngủi ngẫu hứng nào đó. Còn lại, họ làm những gì khác thì chỉ có ma mới biết được. Và những người nghe giảng thì chỉ lim dim mắt để ngây ngất trong khoảnh khắc đó thôi. Còn muốn tồn tại, họ phải trở về nguyên bản với đúng công việc của mình. Nói đúng hơn, lại trở về với thứ đạo đức của nghề nghiệp mình, cho dù không muốn. Trên tít cao xanh, chỉ có ông trời mới thấu hiểu và thông cảm với họ được. Thấy con nhỏ không muốn nói chuyện. Như một sự trùng hợp, cả mắt nó và tôi đều ngước lên cửa kính để xác định cường độ mưa.Những giọt nước không tóa loa thôi thúc như khi nãy. Chắc mưa đã ngớt. Tôi thấy lòng hào hiệp của một người đàn ông cần phải thể hiện. Phải nói thật, tôi có ý nghĩ này là bởi sự ám ảnh khi liên tưởng tới nó và đứa con gái tôi. điều đó dẫn tôi đưa ra một quyết định sẽ giúp nó như một minh chứng thực tế kèm theo lời khuyên nhủ khi nãy. Vả lại, trong tôi luôn tâm niệm : Ta hãy cứ giúp đời khi có thể, thì đời sẽ quay lại giúp ta, giúp con cháu ta. Hơn nữa, trong chuyến hành trình này, việc buôn bán giữa hai đầu bến đã cho tôi một cơ may. Tôi trúng quả đậm trong một phi vụ buôn bán. Vì vậy, nếu tôi có giúp nó một số tiền để làm mẹt hàng nhỏ với vài cây thuốc thì vốn liếng không hề hấn gì. Bởi vào những cơn phóng túng, tôi còn không ngần ngại chi cho các người tình khi họ ỏn ẻn, lúng liếng mắt ướt với tôi những số tiền còn nhiều hơn thế. Con nhỏ hình như muốn rút khỏi căn phòng này. Nó hiểu rằng sự nhờ vả đã đến giới hạn, không thể chèo kéo thêm. Nó xác định tôi là kẻ khác người chứ không phải người đạo đức. Rất có thể nó sẽ nôn ọe nếu tôi tiếp tục nói với nó chủ đề như khi nãy. Nó dị ứng với những biểu hiện được qui về định nghĩa đạo đức. Với nó, tất cả biểu hiện của hành động được gọi là đạo đức đều là giả dối, hay nói trắng ra là đạo đức giả. Mọi việc, tốt nhất, và chính xác nhất là im lặng để chấp nhận cùng với thời gian. Chờ cho lúc nó hé cửa phòng, thò đầu ra ngoài để thăm thưng mưa gió, tôi mở ngăn kéo bàn, thò tay vào đáy cùng để lôi ra chiếc ví, rút một số tiền vừa đủ với ý định cho nó. Khi con bé quay lại để cảm ơn và chào tôi trước khi đi, tôi dúi vào tay nó chỗ tiền : - Chú cho cháu số tiền ít ỏi này, hy vọng cháu cố gắng làm lại cuộc đời và thôi hẳn nghề này. Bất giác nó nhìn tôi bằng cái nhìn kỳ dị. Lúc đầu, tôi nghĩ nó sẽ vồ lấy, run rẩy rồi òa khóc, ôm lấy tôi như vị cứu tinh trong đời. Ngược lại, cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể định nghĩa nổi bản chất tình cảm của ánh mắt ấy. Nó vừa lạ lùng như bỗng dưng bắt gặp phải một quái vật đạo đức giả, vừa thương hại một kẻ dị hợm lạc loài, vừa căm thù bầm gan tím ruột mà chỉ có những nhà hiền triết mới cảm nhận thấu đáo được, vừa...vừa... Tóm lại, đó là thứ tình cảm hỗn độn nhất của một con người đã bị giày xéo đến tận cùng gót giầy khốn nạn. Mà chỉ có ở nơi đó, họ mới có thể hiểu chính xác cái giá giữa sự tồn tại và diệt vong là như thế nào. Điều đó thôi thúc họ hành động theo cách được gọi là lẽ phải của họ, lẽ phải của bóng tối. Đến nỗi, tất cả những sự từ bi ngẫu hứng và thừa mứa của thế giới loài người đến với họ chỉ là sự vớ vẩn, đôi khi gây nỗi đau căm thù đối với họ. Bởi họ cay đắng hiểu rằng : Cứu họ, không phải ai khác ngoài chính họ. Con bé nhìn tôi đến một lúc. Ánh mắt như loạt đạn lia thẳng vào tôi , khiến tôi chết trân, sững sờ. Tôi hiểu rằng lòng tốt của mình đã bị phản ứng tiêu cực. Tôi như ngã gục vì trước lúc đóng sập cửa, nó quăng lại câu nói, như tiếng thét ghê tởm : - Tôi là điếm ! đúng vậy ! Một nghề nhục nhã không che đậy với mục đích sinh tồn. Nhưng tôi không phải là kẻ hành khất. Ông nhớ kỹ chưa - Tôi không ngửa tay xin ông bố thí. Tôi là kẻ sòng phẳng... Tôi kinh sợ những lời khuyên nhủ của các người. Các người tưởng tôi vui thích với trò hành hạ bẩn thỉu của các người à ?. Tôi đang muốn tìm cách thoát thân mà không được đây. Nếu ông như những con đực ghê tởm kia thì tôi đã vồ lấy tiền của ông. Thậm chí tìm mọi cách để moi của ông nhiều hơn nữa. Nhưng ông đã làm tôi thất vọng. Lúc đầu, tôi nghĩ ông là con người có lòng tốt giúp đỡ tôi. Nếu ông dừng ở đó thì quá tuyệt vời. Điều đó sẽ như một kỷ niệm đẹp khiến tôi không tàn bạo trả thù đời nữa. Rất tiếc, ông lại là một nhà thuyết giáo trước khi bố thí ít ỏi. Ông đã hiện nguyên hình là kẻ đạo đức giả. Cá nhân ông làm sao giúp được tôi và hàng vạn những con điếm khốn khổ khác thoát khỏi bùn nhơ tanh tưởi ? ! !... Tôi ngớ người. Trên mặt ô cửa, mưa lại rắc hạt mạnh hơn. Nước mưa chảy dài trên mặt kính như cơn khóc dữ dội của nỗi khổ đau ghê gớm, không thể diễn tả như thế nào được. Nhưng ta chỉ xót xa cảm nhận trong sự im lặng bởi sự ngăn cách của tấm kính đã phân rõ ràng ra hai thế giới. Một bên là an toàn trong ấm áp. Còn phía ngoài ta - Bên kia ô cửa kính, là thế giới của sự lạnh lẽo, nghèo khổ và đầy bất trắc. Tôi chỉ nghe thấy tiếng gió rít mạnh và hơi lạnh thấu xương khi con bé nghiến răng đóng sập cánh cửa phòng lại. Nhưng vì nhát đóng quá mạnh, cái cửa phòng vốn không lấy gì chắc lắm lại bung ra, khiến âm thanh của gió hú và nhiệt độ lạnh lẽo mới xác định bản chất thực tại bên ngoài. Đó là thế giới giành cho lũ gái điếm rẻ tiền như con nhỏ đó,đối lập với hơi ấm trong căn phòng của tôi, thế giới của sự yên tĩnh, an toàn và đầy đủ. Và từ cái thế giới này, tôi đã tuôn ra lời nhủ khuyên và những đồng tiền bố thí. Tiếng chạy của con nhỏ xa dần rồi mất hút. Thân hình tàn tạ, mảnh mai của nó bị bóng đêm đen kịt trên mặt bến cảng nuốt chửng gọn ghẽ, chẳng khác nào như chui vào miệng con quái vật vô hình khổng lồ vậy. Còn tôi chết lặng sững sờ. Cầm số tiền trên tay, tôi cố hiểu tại sao nó lại đối xử với tôi như vậy. Thật là bất công với một hành động được coi là đạo đức. Bây giờ và có lẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ cố hiểu nhưng không biết có hiểu được không. * * * Các bạn sẽ nói lớn khi đọc xong câu chuyện này bằng một từ gọn lỏn :" Phịa !". Tôi hoàn toàn không bắt các bạn phải tin rằng điều đó có thực không. Nhưng tôi mong các bạn suy ngẫm một chút, chầm chậm thôi, như khi chúng ta đang nhâm nhi một ly cà phê nóng hổi vậy. ( Mùa đông năm 1986 ) TRẦN HUY ĐỨC _____________________________________
Posted on: Thu, 05 Sep 2013 23:04:48 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015