MỘT SỐ CHÚ Ý DÀNH CHO SINH VIÊN K57 THỂ HIỆN ĐỒ ÁN - TopicsExpress



          

MỘT SỐ CHÚ Ý DÀNH CHO SINH VIÊN K57 THỂ HIỆN ĐỒ ÁN DÂN DỤNG 1 KTS. NGÔ VIỆT ANH Giảng viên Khoa Kiến trúc & quy hoạch, Đại học Xây dựng 1. VỀ QUY CÁCH BỐ CỤC BẢN VẼ, KHỔ GIẤY: - Thể hiện trên 1 TỜ GIẤY A1 (có kẻ khung tên ở góc dưới bên phải – theo quy cách khung tên đã học ở năm 1) - SV chú ý việc bố cục các bản vẽ trong 1 tờ giấy, tránh việc lộn xộn, gây chồng chéo hoặc loãng bản vẽ. Hướng dẫn: nên thực hiện việc bố cục trước, tư duy sắp xếp các bản vẽ đúng tỷ lệ ra giấy nháp hoặc giấy can, rồi mới vẽ trên tờ giấy chính thức. Để một bản vẽ đồ án đẹp, nên có tư duy về thiết kế poster: phần nào là phần chính, tiêu đề (text) đặt ở đâu? Bản vẽ chính, phối cảnh chính đặt ở đâu? (VD: Phối cảnh là hình ảnh trực quan đầu tiên của người xem khi nhìn vào một đồ án, nên vẽ đẹp, cẩn thận và đặt ở vị trí thuận tiện và là điểm nhìn đầu tiên của người xem khi nhìn vào một đồ án) - Muốn đồ án đẹp, phải có tư duy trình bày, bố cục ngay từ đầu, tưởng tượng ra tờ đồ án của mình trước khi bắt tay vào thể hiện cuối cùng. Sắp xếp các bản vẽ trong một tờ đồ án cũng giống như việc sắp xếp, thiết kế, dàn trang mỹ thuật của một tờ poster/ tạp chí. 2. VỀ KHỐI LƯỢNG – TRÌNH BÀY TRONG CÁC BẢN VẼ KỸ THUẬT: a. Tổng mặt bằng - Trước hết yêu cầu có các bản vẽ thể hiện được sự phân tích hiện trạng khu đất: Cây xanh, Cảnh quan, Hướng gió, Hướng nắng, Giao thông, Xã hội, v.v… Thể hiện bằng Bản vẽ phân tích, tránh tình trạng Viết văn, Miêu tả. - Từ các bản vẽ hiện trạng mới đưa ra được các Đề xuất có tính logic cho Tổng mặt bằng: Tại sao lại đặt công trình vào vị trí đó ở trên khu đất? Tại sao công trình lại có hình dạng, tính chất như vậy? - Trong bản vẽ Tổng mặt bằng, yêu cầu gồm: o Khu đất, chỉ giới đường đỏ o Các đường giao thông tiếp giáp trong khu vực lân cận (không vẽ tổng mặt bằng chỉ trơ trọi mỗi khu đất xây dựng) o Công trình đặt chính xác, có định vị chính xác trong khu đất. o Các yếu tố cảnh quan xunh quanh: Bãi đậu xe, Cây cối, Vườn hoa, Ghế đá, Yếu tố công cộng (nếu có), v.v… o Ghi chú chính xác. o Tổng mặt bằng vẽ ở tỉ lệ yêu cầu của đồ án này đã bao gồm có bóng đổ. o Hoa gió. b. Mặt bằng o Bản vẽ thể hiện được đúng hệ thống các nét: Nét cắt, nét thấy, nét khuất, v.v… Thể hiện vật liệu chính xác (gạch, gỗ, đá, thép, kính...?) o Với các mặt bằng phân chia theo hệ trục phải vẽ hệ thống trục định vị chính xác. o Vẽ CHI TIẾT MẶT BẰNG NỘI THẤT: bàn, ghế, cửa, các thiết bị WC, bếp… theo đúng quy chuẩn và kích thước thật. o Một vấn đề SV làm đồ án 1 lúng túng đó là hệ thống Cửa và lối đi giao thông: Chú ý các tiêu chuẩn về cửa đi, cửa sổ, lối đi… vẽ theo đúng kích thước tiêu chuẩn đã cung cấp số liệu. Nên hạn chế diện tích hành lang, hệ thống cửa và tường ngăn phức tạp, chằng chịt, các hệ thống giao thông rắc rối, thừa thãi; khuyến khích tư duy thiết kế theo lối không gian mở, thông thoáng, không gian đa năng. Chú ý thể hiện cửa sổ và việc mở cửa sổ trong các bản vẽ (SV rất hay quên vẽ cửa). o Trong mặt bằng nhất thiết phải có các ghi chú như: Tên khu vực/ tên phòng, Code cao độ nền, Bản vẽ phải được DIM đánh kích thước chính xác và đầy đủ theo quy định (đã học ở năm 1)…Trên mặt bằng cũng phải thể hiện nhát cắt của mặt cắt đi qua đâu. c. Mặt cắt o Bản vẽ thể hiện được đúng hệ thống các nét: Nét cắt, nét thấy, nét khuất, v.v… Thể hiện vật liệu bên trong chính xác (bêtong, gạch, gỗ, sắt, v.v…). Thể hiện được ý tưởng kết cấu nâng đỡ của công trình (hệ dầm, cột, hệ giàn không gian, v.v… tùy ý tưởng của SV) o Cắt đầy đủ và thể hiện đủ các phần của công trình. Tránh tính trạng phối cảnh vẽ một đằng, mặt cắt, mặt đứng thể hiện một nẻo. o Phải có đánh kích thước đầy đủ, cao độ code, ghi chú vật liệu… và ký hiệu theo trục (ví dụ Mặt cắt A-A) d. Mặt đứng o Thể hiện chi tiết, cụ thể để hình dung về các mặt bên của công trình. Chú ý thể hiện vật liệu, đường nét, bóng đổ,… Đánh kích thước, cao độ đầy đủ. o Mặt đứng được ký hiệu theo trục (ví dụ Mặt đứng 1-1) hoặc theo hướng nhìn (ví dụ Mặt đứng hướng Tây Nam) e. Yêu cầu chung các bản vẽ kỹ thuật: o Tất cả các bản vẽ phải vẽ theo chuẩn tỉ lệ, tránh vẽ “quạ”, vẽ “bịa”, vẽ ẩu, khi vẽ sai tỷ lệ giảng viên sẽ dễ dàng nhận thấy ngay. Suy nghĩ cẩn thận và có trách nhiệm trước khi vẽ. o Vẽ bằng Thước kẻ, thước Gote, Bút kim, bút Rotting cẩn thận, chau chuốt. Bản vẽ thể hiện phải cẩn thận, đầy đủ giống như môn Cơ sở kiến trúc đã học năm 1. o Có sự thống nhất nội dung giữa các bản vẽ kỹ thuật, tránh tình trạng có những chi tiết xuất hiện ở bản vẽ này nhưng “quên” ở bản vẽ khác. Muốn làm được như vậy luôn luôn phải tưởng tượng và xử lý công trình dưới dạng 3 chiều. 3. VỀ CÁC BẢN VẼ PHỐI CẢNH, TIỂU CẢNH o Vẽ đẹp, trau chuốt, sử dụng nhuần nhuyễn bút kim – đệm mực nho như đã được học. Sử dụng các thủ pháp diễn họa nét thanh/ nét đậm, nét run, nét mỹ thuật, dựng hình bằng điểm tụ hoặc bằng các phương pháp mỹ thuật khác, miễn sao đẹp và thể hiện được ý tưởng. o Các hình vẽ công trình cũng như bối cảnh, cây cối, người, v.v… phải được thể hiện nghiêm túc, chững chạc. Đặc biệt chú ý tới tỷ lệ, tương quan (tỷ lệ người với công trình? Tỷ lệ cây cối với công trình?...) o Phối cảnh phải thể hiện được đầy đủ nhất ý tưởng kiến trúc của công trình. 4. VỀ MÔ HÌNH: o Nộp kèm mô hình (theo quy định) được cộng tối đa 0.5 điểm. o Rất khuyến khích việc nghiên cứu thiết kế bằng mô hình (nghiên cứu từ đầu, tìm hiểu về hình khối, làm mô hình cả khu đất, tập nghiên cứu đặt công trình vào khu đất dưới dạng 3 chiều…) o Tuy nhiên SV tránh tình trạng trong tuần thể hiện đồ án cuối lại tập trung vào làm mô hình (lấy 0.5 điểm) mà sao nhãng, giảm chất lượng phần thể hiện giấy của đồ án (Vì lúc đó mô hình lại không còn mang tính nghiên cứu, tìm tòi nữa, chỉ là hình thức, đối phó kiếm điểm nên không còn nhiều tác dụng). o Từ đồ án sau trở đi nên tập thói quen nghiên cứu không gian từ 3 chiều bằng phương pháp mô hình. o Nghiêm cấm vẽ máy hoặc mọi cách thể hiện bằng máy tính (vẽ autocad, 3Dsmax,… in mờ lên giấy) Mọi trường hợp bị phát hiện sẽ xử lý rất nặng. Ngoài ra nhấn mạnh: kỹ năng vẽ tay, kỹ năng phát triển ý mới là điều quan trọng để các bạn SV học và trau dồi nếu muốn làm Kiến trúc sư. Các vấn đề skill, technic vẽ máy chỉ là thuần công cụ và vào thời điểm này là vô giá trị. Trên đây chỉ là một vài yêu cầu cơ bản nhất dành cho SV trong việc thể hiện đồ án dân dụng 1 – đồ án đầu tiên, nên nhiều điều còn đơn giản & chưa yêu cầu quá cao. Chính vì vậy SV chú ý tập trung đảm bảo ĐẦY ĐỦ các yêu cầu thể hiện trên cho toàn bộ đồ án. Nếu đồ án – về phần quy cách thể hiện - đảm bảo được đầy đủ các nội dung trên mới được Đạt. Chúc các em làm bài tốt!
Posted on: Tue, 17 Sep 2013 23:48:03 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015