Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn - TopicsExpress



          

Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính - các quy định tạo thuận lợi cho người nộp thuế Nội dung: Từ ngày 01/07/2013, cùng với việc áp dụng mức lương mới trong khu vực hành chính sự nghiệp, người nộp thuế (NNT) thu nhập cá nhân (TNCN) cũng được hưởng chính sách mới theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012. Những nội dung mới thể hiện quan điểm chia sẻ của Nhà nước đối với NNT cùng với các quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), cơ quan trả thu nhập và NNT đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ (Nghị định 65/2013) quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNCN và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. FinancePlus.vn xin giới thiệu với độc giả bài viết phân tích, bình luận về những nội dung nêu trên. 1- Cụ thể hóa việc giảm mức động viên thuế theo tinh thần khoan thư sức dân và tạo cơ sở pháp lý hình thành Quỹ hưu trí tự nguyện (hưu trí bổ sung) Kiên trì mục tiêu dài hạn của thuế TNCN, có tính đến thực tiễn hiện nay và những năm tới, Nghị định số 65/2013 cụ thể hóa tư tưởng khoan thư sức dân theo Luật số 26/2012, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hình thành và hoạt động của các định chế tài chính mới tham gia vào chương trình bảo đảm an sinh xã hội, như sau: Một là, giảm mức đóng góp thuế của cá nhân thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng/người lên mức 3,6 triệu đồng/tháng/người (khoản 4, điều 1, Luật số 26/2012). Ví dụ: Một cá nhân có 01 người phụ thuộc, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 220 nghìn đồng/tháng thì nay sẽ không phải nộp; với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng, trước đây nộp thuế 690 nghìn đồng, nay chỉ phải nộp 120 nghìn đồng/tháng. Hai là, khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ hưu trí tự nguyện (hưu trí bổ sung) thông qua 2 cơ chế ưu đãi cả đầu ra và đầu vào, đó là: (i) Cho phép cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện theo mức tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) – Quy định tại điểm a, khoản 1, điều 6 của Nghị định số 65/2013, được cụ thể hóa tại điểm 4.3 thuộc điều 7 Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo mức này, NNT không có người phụ thuộc và có tham gia chương trình hưu trí tự nguyện thì với mức thu nhập bình quân tháng là 10 triệu đồng thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Nghị định số 65/2013 cụ thể hóa tư tưởng khoan thư sức dân theo Luật số 26/2012, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hình thành và hoạt động của các định chế tài chính mới tham gia vào chương trình bảo đảm an sinh xã hội. (ii) Miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng – Quy định tại khoản 10, điều 4 Nghị định số 65/2013 và nội dung hướng dẫn tại khoản 10, điều 3 Thông tư hư??ng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, một cá nhân nếu tham gia cả chương trình BHXH bắt buộc và Quỹ hưu trí tự nguyện thì sau này sẽ có 2 sổ lương hưu và khi được nhận tiền hàng tháng thì đều được miễn thuế TNCN. 2- Quy định rõ các khoản phụ cấp, trợ cấp; một số khoản tiền nhận được do công việc đặc thù và những khoản lợi ích vật chất khác không tính vào thu nhập chịu thuế (TNCT) về tiền lương, tiền công. Thực tiễn thi hành Luật thuế TNCN những năm qua cho thấy việc phân định những khoản tiền nào tính vào TNCT, khoản nào không tính vào TNCT là rất phức tạp, gây tốn kém công sức và thời gian cho cơ quan chi trả và nếu không được hướng dẫn rõ sẽ dễ gây hiểu lầm, thắc mắc giữa những NNT. Khắc phục tình hình này, Nghị định 65/2013 và Thông tư hướng dẫn đã có các quy định minh bạch sau đây: Thứ nhất, quy định cụ thể các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp được loại trừ, không phải tính vào TNCT từ tiền lương, tiền công để cụ thể hóa điều 3 Luật Thuế TNCN số 04/2007 (được sửa đổi tại khoản 1 và 2 điều 1 của Luật số 26/2012). Qua rà soát các văn bản hiện hành về phụ cấp, trợ cấp cho thấy có loại mang ý nghĩa chính sách đền ơn đáp nghĩa (như phụ cấp người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh) nhưng cũng có loại mang tính chất bù đắp chi phí (như phụ cấp độc hại, phụ cấp khu vực); Có loại mang tính chất bảo trợ xã hội (như trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp). Bên cạnh đó, còn có những khoản phụ cấp, trợ cấp đối với những lĩnh vực công tác, ngành nghề đặc thù,… tuy được tính bằng tỷ lệ % trên tiền lương tối thiểu hoặc mức tiền cụ thể nhưng cũng mang tính chất bù đắp chi phí, không mang tính chất tăng thu nhập nên. Những loại phụ cấp nêu trên được Nghị định 65/2013 quy định theo kỹ thuật loại trừ không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân với điều kiện là những loại này phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp. Trong thực tế, cũng có không ít khoản có tên gọi là phụ cấp, trợ cấp gắn với vị trí công tác đang đảm nhiệm tại các DN, cơ quan trả thu nhập (như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp trách nhiệm của thành viên hội đồng quản trị, hội đồng quản lý…). Có trường hợp do Nhà nước quy định theo chế độ thang, bảng lương nhưng cũng không ít trường hợp do DN tự đặt ra với tên gọi “phụ cấp” và quyết định tự chi trả,... Đây là những loại phụ cấp mang bản chất là tiền lương, tiền công vì nó gắn liền với thời gian lao động, công việc đang thực hiện, cho nên cần phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân. Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan trả thu nhập, Nghị định số 65/2013 quy định theo cách loại trừ những khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định không tính vào thu nhập chịu thuế (Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có quy định liệt kê cụ thể trong bảng Phụ lục). Như vậy, những khoản tiền mà cá nhân nhận được có tên gọi là phụ cấp, trợ cấp nhưng không có trong bảng Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư thì đương nhiên phải tính vào TNCT. Thứ hai, hướng dẫn rõ một số khoản tiền tài trợ cho cá nhân hoặc tiền nhận được mang tính chất đặc thù không tính vào TNCT Trong quá trình thực thi Luật thuế TNCN từ năm 2009 đến nay, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư (sau khi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) để quy định một số khoản lợi ích mà cá nhân không phải tính vào TNCT. Để đảm bảo minh bạch chính sách, nay Chính phủ cho bổ sung điểm g mới vào cuối khoản 2 Điều 3 quy định cụ thể các khoản tiền không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân, đó là: - Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động dành cho bản thân người lao động và/hoặc thân nhân của người lao động (bố, mẹ, vợ/ chồng, con); - Khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể (ví dụ tiền khoán phương tiện đi lại cho các chức danh được chế độ quy định; - Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật (cá nhân được bố trí tiêu chuẩn nhà ở công vụ nhưng tự lo việc thuê nhà); - Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia, phục vụ hoạt động đảng, đoàn, Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước (thí dụ như tiền bỗi dưỡng hội họp thảo luận để đóng góp vào dự thảo hoặc thẩm định văn bản, văn kiện,…); - Khoản tiền ăn giữa ca do người sử dụng lao động chi trả cho người lao động không vượt quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu đơn vị trả thu nhập trực tiếp tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động). - Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần; - Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ. Thứ ba, thời điểm tính thuế, khấu trừ thuế TNCN đối với một số khoản lợi ích về bảo hiểm không bắt buộc, đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động chịu trách nhiệm đài thọ (trả hộ) cho cá nhân Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bắt buộc phải mua cho người lao động các loại bảo hiểm như: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đối với các loại bảo hiểm không bắt buộc thì DN có quyền thoả thuận mua cho người lao động, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế TNDN thì DN sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu có cam kết trong Hợp đồng lao động hoặc Thỏa ước lao động tập thể. Trường hợp này, người lao động không phải trả tiền nhưng được hưởng các quyền lợi bảo hiểm và đây là khoản lợi ích vật chất mà cá nhân được hưởng. Tại điểm đ khoản 2 điều 3 Luật Thuế TNCN có quy định các khoản lợi ích khác mà NNT nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền được xác định là TNCT. Điểm mới trong quy định tại Nghị định số 65/2013 không chỉ bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng BĐS hình thành trong tương lai mà còn bao gồm cả khoản thu nhập từ việc uỷ quyền quản lý BĐS mà người được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng BĐS hoặc có đủ quyền như người sở hữu BĐS theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng tránh thuế. Thực tế hiện nay, để khuyến khích người lao động gắn bó xây dựng DN nâng cao trách nhiệm với DN, thể hiện sự quan tâm đối với người lao động, có nhiều trường hợp chủ sử dụng lao động đã có chính sách mua thêm một số loại bảo hiểm khác cho người lao động như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe tự nguyện, đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện. Theo đó, cá nhân phải đạt được các yêu cầu, điều kiện đề ra trong quy chế của DN về thời gian làm việc, mức độ cống hiến thì mới được hưởng. Đặc thù của các loại bảo hiểm này là tại thời điểm mua, người lao động chưa thực nhận được khoản lợi ích này hoặc trường hợp người lao động nghỉ việc trước thời hạn kết thúc hợp đồng lao động đã cam kết với DN thì chưa chắc đã được hưởng khoản lợi ích đó. Bảo đảm nguyên tắc chỉ khi nào người lao động thực có lợi ích thì khi đó mới đánh thuế, Nghị định 65/2013 quy định rõ: Cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN ngay tại thời điểm DN mua bảo hiểm không bắt buộc hoặc DN đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động. Khi cá nhân thực tế nhận được tiền tích lũy từ công ty bảo hiểm, từ quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ mang tính chất an sinh xã hội thì lúc đó mới tính thuế. Để đơn giản trong quản lý thu thuế, đồng thời vừa khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm và định chế tài chính mới, vừa tạo cơ hội cho những cá nhân có trình độ cao, tay nghề giỏi được ưu đãi thuế, Nghị định quy định tỷ lệ khấu trừ thuế tại nguồn là 10% như đối với thu nhập vãng lai; Đồng thời và giao trách nhiệm khấu trừ thuế tại nguồn cho DN bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện khi thực hiện chi trả (gạch đầu dòng thứ 2 thuộc điểm đ, khoản 1, điều 3 của Nghị định 65/2013). Việc thực hiện khấu trừ thuế của các cơ quan này được quy định tại điểm i, khoản 1, điều 17, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. 3- Quy định một cách thống nhất, đồng bộ và minh bạch về TNCT, thu nhập được miễn thuế và cách tính thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) Thứ nhất, về thu nhập chịu thuế: Khoản 5, điều 3, Nghị định số 65/2013 quy định về TNCT đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS của cá nhân. Trong đó, đã quy định cụ thể đối với thu nhập phát sinh từ các loại BĐS được cá nhân chuyển nhượng cũng như hình thức chuyển nhượng BĐS đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội, đó là: (i) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; (ii) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; (iii) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước; (iv) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng BĐS dưới mọi hình thức. Điểm mới trong quy định tại Nghị định số 65/2013 không chỉ bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng BĐS hình thành trong tương lai (để bảo đảm thống nhất với pháp luật về kinh doanh BĐS), mà còn bao gồm cả khoản thu nhập từ việc uỷ quyền quản lý BĐS mà người được uỷ quyền có quyền chuyển nhượng BĐS hoặc có đủ quyền như người sở hữu BĐS theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế khả năng lợi dụng, tránh thuế. Thứ hai, về thu nhập được miễn thuế đối với nhà ở, đất ở duy nhất: Nhằm tạo điều kiện cho mọi cá nhân được cải thiện nhà ở, Luật thuế TNCN có quy định cá nhân có một nhà ở duy nhất hoặc có quyền sử dụng đất ở duy nhất tại Việt Nam nay phải chuyển nhượng thì được miễn thuế TNCN. Để bảo đảm việc thực hiện Luật được thống nhất, đúng chính sách và hạn chế tối đa những trường hợp trục lợi, Nghị định số 65/2013 quy định cụ thể các điều kiện: (i). Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó); (ii). Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày; (iii) Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ; Về việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở duy nhất sẽ do cá nhân chịu trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì sẽ không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thứ ba, về miễn thuế đối với chuyển nhượng, thừa kế, quà tặng là BĐS giữa người thân thuộc: Tại khoản 1 và khoản 4, điều 4 của Nghị định số 65/2013 có quy định cụ thể việc miễn thuế TNCN đối với các trường hợp chuyển nhượng, thừa kế và quà tặng là BĐS giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau. Tương tự như quy định đối với các trường hợp tính thuế, đối với BĐS được chuyển nhượng, thừa kế, quà tặng/cho giữa những người thân thuộc được miễn thuế theo quy định này sẽ bao gồm cả việc chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS. Thứ tư, quy định về cách tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS (các điều từ 18 đến 22 của Nghị định 65/2013): Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật thuế TNCN số 04/2007 thì sẽ có 2 phương pháp tính thuế đối với chuyển nhượng BĐS, đó là: (i) Áp dụng thuế suất 25% trên thu nhập (thực lãi), được xác định theo phương pháp giá bán trừ (-) giá mua và chi phí chuyển nhượng BĐS; (ii) Áp dụng thuế suất 2% trên giá bán trong trường hợp không xác định được giá mua (giá vốn) của BĐS được chuyển nhượng. Trước đây, Nghị định số 100/2008 mới chỉ có quy định về giá vốn đối với chuyển nhượng BĐS có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng và đất có nguồn gốc do Nhà nước giao nên phát sinh vướng mắc đối với nhiều trường hợp thực tế BĐS được chuyển nhượng có nguồn gốc khác như: BĐS được thừa kế, được cha ông để lại, đất được tặng/cho, đất được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất do hợp pháp hoá giấy tờ và được Nhà nước thừa nhận (cấp sổ đỏ)… Đã có nhiều trường hợp ách tắc tại bộ phận một cửa nhận hồ sơ giao dịch đất đai trong thời gian vừa qua khi NNT có nguyện vọng được nộp theo mức 2% giá bán cũng không được và muốn nộp 25% trên chênh lệch giá bán trừ (-) giá mua cũng không xong. Quy định mới của Nghị định số 65/2013 đã giải quyết được một cách căn bản các vướng mắc trong thực tiễn vừa qua trong việc xác định giá mua (giá vốn) để tính thuế đối với các trường hợp chuyển nhượng BĐS. Theo đó, những trường hợp BĐS không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng, không thuộc trường hợp đất do Nhà nước giao, hoặc do trúng đấu giá thì việc xác định giá vốn sẽ căn cứ vào chứng từ chứng minh thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS. Trường hợp cá nhân không có chứng từ chứng minh để xác định giá vốn của BĐS và các chứng từ hợp pháp xác định các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng (khỏa 2, điều 22 Nghị định 65/2013). Như vậy, có thể nói phần lớn các trường hợp chuyển nhượng BĐS sẽ được áp mức thuế suất 2% (chỉ bằng một nửa mức thuế chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/01/2009). Đối với các loại BĐS là nhà ở, được chuyển nhượng công trình xây dựng trên đất (kể cả loại hình thành trong tương lai) thì Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có quy định cụ thể việc áp dụng Bảng giá tính lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và các quy định của Bộ Xây dựng công bố, có hiệu lực tại thời điểm chuyển nhượng (quy định về suất vốn đầu tư xây dựng công trình, phân loại nhà, về tiêu chuẩn định mức xây dựng cơ bản, về xác định trị giá còn lại thực tế của công trình trên đất). 4- Quy định về xác định tiêu chí của cá nhân cư trú, mức tiền và mã số thuế khi xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh(GTGC) Về xác định tiêu chí của cá nhân cư trú Theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế TNCN thì NNT là cá nhân cư trú có nghĩa nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở trong nước và nước ngoài, cá nhân không cư trú chỉ phải nộp thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Tiêu chí xác định cư trú về thời gian hiện diện (183 ngày) đã được quy định ngay trong Luật, tiêu chí về thời hạn thuê nhà để ở tại Việt Nam sẽ được Chính phủ quy định. Điểm mới trong quy định tiêu chí về nơi ở được thể hiện trong Nghị định số 65/2013 và Thông tư hướng dẫn là thời gian có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế (trước đây là 90 ngày). Quy định này sẽ giải quyết được những bức xúc của người dân và cơ quan trả thu nhập khi không phải làm thêm các thủ tục hành chính không đáng có trước đây, đồng thời bảo đảm thực hiện được các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà chúng ta đã tham gia ký kết trong những trường hợp NNT là cá nhân cư trú của cả hai nước. Quy định mức tiền khi xác định người phụ thuộc được tính GTGC Mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân ( 9 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc mà NNT có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng cả về đối tượng và mức tiền (3,6 triệu đồng/tháng/người) cũng như việc điều chỉnh mức tiền khi có biến động giá đã được quy định trong Luật số 26/2012, quy định tại điều 12 Nghị định số 65/2013 chỉ nhắc lại điều luật. Theo quy định của Luật thì những người phụ thuộc chỉ được tính GTGC khi và chỉ khi người phụ thuộc không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới mức tiền do Chính phủ quy định. Phù hợp với thực tiễn và đề xuất của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xin ý kiến đóng góp vào dự thảo, tại khoản 4, điều 12 Nghị định 65/2013 đã quy định rõ người phụ thuộc được tính GTGC nếu trong năm có thu nhập bình quân tháng từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá mức 1.000.000 đồng (mức tiền quy định trước đây là 500.000 đồng). Trong khi đó, các loại giấy tờ cần thiết chứng minh người phụ thuộc sẽ được cụ thể hóa trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính trên cơ sở kế thừa những quy định đang được thực hiện thuận lợi trong thời gian vừa qua. Về cấp mã số (MS) cho người phụ thuộc Đây là quy định mới nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thuế thực hiện giám sát qua hệ thống dữ liệu của ngành thuế nhằm bảo đảm việc kê khai người phụ thuộc khi tính GTGC được chính xác, công bằng theo nguyên tắc của Luật thuế TNCN, đó là: Không giới hạn số người phụ thuộc nhưng mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ vào một NNT. Trên cơ sở hạ tầng thông tin của ngành thuế, việc cấp MS cho người phụ thuộc sẽ không gây thêm bất cứ thủ tục nào vì các thông tin của người phụ thuộc đã có sẵn trong mẫu khai của NNT. Với MS cấp cho người phụ thuộc, những người trong gia đình cũng được thuận lợi và minh bạch trong trường hợp có sự thay đổi việc kê khai tính GTGC giữa những người thân trong gia đình và cơ quan thuế cũng có thể giám sát được việc khai đó có trung thực hay không. 5- Quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán tạo thuận lợi cho NNT, bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy giao dịch của thị trường Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 của Luật thuế TNCN số 04/2007 thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp thuế suất 20% trên thực lãi nếu xác định được giá mua, giá bán và chi phí chuyển nhượng; trường hợp không xác định được chi phí và giá mua thì áp thuế 0,1% trên trị giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất 20% trên thực lãi (hoặc không phải nộp thuế khi bị lỗ), trước đây Nghị định số 100/2008 có quy định cá nhân muốn nộp thuế 20% trên thực lãi thì phải đăng ký với cơ quan thuế trước ngày 31/12 của năm trước. Để thực hiện quy định tại khoản 3 điều 1 của Luật số 26/2012, Nghị định 65/2013 có quy định mới tạo thuận lợi hơn cho NNT người nộp thuế, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân trong những trường hợp thị trường đi xuống, lãi mỏng hoặc không có lãi. Theo đó cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc kỳ tính thuế theo năm theo quy định tại khoản 2 điều 17 của Nghị định. Như vậy, quy trình tạm nộp thuế được xác định là: Khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng thì đơn vị trả thu nhập (công ty chứng khoán hoặc ngân hàng giám sát) tạm khấu trừ 0,1% trị giá; Hết năm, đơn vị chi trả sẽ cấp cho cá nhân các bản sao kê giao dịch làm chứng từ. Trên cơ sở đó cá nhân sẽ biết được số thuế đã nộp qua khấu trừ, xác định được có thực lãi nhiều hay ít và khi đó nếu có yêu cầu tính thuế 20% trên thực lãi thì thực hiện khai quyết toán theo thời hạn quy định (trước ngày 31/3 năm sau) mà không cần phải đăng ký trước. 6- Thuận lợi hơn cho NNT và cơ quan trả thu nhập trong khai thuế Để đơn giản thủ tục hành chính, Nghị định số 65/2013 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính có các quy định mới về khai thuế theo hướng: (i) Quy định khai, nộp thuế tháng đối với tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có thực hiện khấu trừ thuế đối với các khoản thu nhập mà tổng số thuế đã khấu trừ hàng tháng đạt từ 50 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp là đối tượng khai, nộp thuế GTGT theo quý (thì cũng sẽ khai thuế TNCN theo quý); (ii) Quy định khai thuế theo quy đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập không thuộc đối tượng khai, nộp thuế theo tháng và NNT là cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh. Khai thuế theo quý cũng được áp dụng và tạo thuận lợi cho NNT là cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có tính chất thường xuyên được trả từ nước ngoài hoặc do các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng chưa thực hiện khấu trừ thuế. (iii) Bổ sung vào diện khai thuế theo từng lần phát sinh đối với: Thu nhập phát sinh từ hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ của cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế cấp hoá đơn lẻ; Thu nhập phát sinh tại nước ngoài của cá nhân cư trú và thu nhập của cá nhân không cư trú phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận tại nước ngoài. (iv) Quy định về khai quyết toán thuế cũng tạo thuận lợi hơn cho NNT, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý thuế. Theo đó, Nghị định 65/2013 có bổ sung quy định không cần phải quyết toán thuế trong các trường hợp: Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp hàng quý mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau; Cá nhân, hộ kinh doanh chỉ có một nguồn thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này; Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ việc cho thuê nhà, quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo kê khai tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê; Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh thường xuyên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng/tháng đã được đơn vị chi trả khấu trừ thuế tại nguồn và Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng đã nộp thuế tại nơi có nhà cho thuê, có quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có nhu cầu quyết toán thuế. Tài liệu tham khảo: (1). Luật số 26/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007; (2). Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; (3) Nghị định của Chính phủ số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này
Posted on: Thu, 04 Jul 2013 19:24:20 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015