Người Việt ở Thái: Trải bao thăng trầm Đã có - TopicsExpress



          

Người Việt ở Thái: Trải bao thăng trầm Đã có nhiều thế hệ người Việt di cư sang đất Thái, từ tận thế kỷ XV do quan hệ giao thương và có cả những tù binh trong chiến tranh. Lớp người gần đây hơn và số phận của họ cũng trôi nổi cùng số phận dân tộc Việt trong nửa cuối thế kỷ 20, là khoảng 5 – 6 vạn người Việt tản cư từ Lào sang Thái năm 1946, khi Pháp trở lại Đông Dương và đưa quân đánh sang Lào. Chính phủ Thái lúc này của Thủ tướng Pridi Phanomyong, người có cảm tình với phong trào Việt Minh, đã giúp đỡ để số người này ở lại các tỉnh đông bắc, được cư trú, làm ăn. Thời cuộc Trong thời gian này, nhiều chiến khu của Việt Minh cũng được thành lập trên đất Thái. Ông Mai Văn Khai, 84 tuổi, sinh ra ở Lào và đi theo bộ đội Lào từ năm 18 tuổi, kể lại việc xây dựng các đơn vị Việt kiều tại Thái Lan. “Ông được Trung ương Hội Việt kiều cứu nước giao đi tổ chức 5, 10 gia đình thành Hội cứu nước. Kiều bào ở đây trong hai cuộc chiến tranh rất đoàn kết để ủng hộ kháng chiến.” Sang năm 1947, đảo chính xảy ra ở Thái, đưa tướng Phibun Songkhram lên nắm quyền. Chính phủ mới sau đó công nhận chính phủ Bảo Đại và đến năm 1951, buộc phái đoàn đại diện của VN Dân chủ Cộng hòa đóng cửa văn phòng ở Bangkok. Suốt thời gian chiến tranh Việt Nam và cho cả đến đầu thập niên 1990, chính phủ Thái vẫn xem cộng đồng Việt Nam ở các tỉnh đông bắc là đe dọa về an ninh. Chính phủ miền Bắc thì xem Thái Lan là “phản động” vì thân Mỹ và chỉ công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Có lúc, năm 1964, đài phát thanh Hà Nội và Bắc Kinh loan báo “Phong trào Độc lập Thái Lan” đã được thành lập để “giải phóng” nước Thái. Những người Việt di cư bị dồn về sống ở bốn tỉnh đông bắc (trong đó có Nong Khai) và một tỉnh gần Bangkok vào năm 1950, bị cấm kinh doanh 28 nghề. Tổ chức của đảng Cộng sản Việt Nam, vốn đã hoạt động ở Thái từ trước 1945, cũng muốn giữ những người di cư ở lại khu vực chiến lược gần mạn sông Mekong giáp ranh với Lào. Thái Lan có lúc nghĩ đến việc tản bớt cộng đồng người Việt sang các vùng khác, nhưng một phần vì lo ngại ảnh hưởng của Bắc Việt sẽ lan xa hơn trong nước Thái, nên chính phủ Thái cuối cùng quyết định vẫn dồn người Việt di cư ở các tỉnh đông bắc trong lúc chờ có thỏa thuận đưa họ hồi hương. Gian nan Một thỏa thuận ký năm 1959 đã đưa hơn bốn vạn người Việt hồi hương về lại miền Bắc Việt Nam từ 1960 đến 1964, nhưng vẫn còn nhiều người ở lại đất Thái. Sách vở tiếng Việt đã nói nhiều đến các phong trào “Nở hoa đánh Mỹ”, “Dũng sĩ diệt Mỹ” trong công đồng người Việt ở Thái thời kì chiến tranh. Thậm chí hàng trăm triệu baht đã được người Việt ở đây gửi về cho miền Bắc. Nhưng những cực khổ của người Việt ở Thái cũng là một mảng khác cần nhắc tới. Theo lời kể của một số người đã sống ở Thái Lan từ 50, 60 năm qua, thì có dạo hồi thập niên 1950, chính phủ Thái mở hai đợt kêu gọi người Việt nhập quốc tịch Thái. Nhưng các tổ chức cách mạng Bắc Việt hoạt động trên đất Thái khi ấy vận động bà con không nhập tịch, và hầu hết đã nghe theo. Một người không muốn nêu tên, đã sống ở Nong Khai nửa thế kỷ nhưng mới đây mới được nhận giấy chứng nhận quyền thường trú, nói với tôi: “Trung ương vận động bà con không nhập tịch, vì khi đã có giấy Thái, người ta có thể muốn đi sống tỉnh nào thì đi, không còn tập trung làm thành tổ chức được.” Ông nói “Trung ương đã rất sáng suốt” khi vận động bà con làm như vậy, tuy thế, trong nhiều người đến ngày nay vẫn nuôi một cảm giác oán không tiện nói ra về một “cơ hội để mất.” Có hai cách thức kiểm soát chính của chính phủ Thái đối với những người Việt còn ở lại: khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận thường trú (vẫn được ở lại Thái, nhưng là người ‘vô tổ quốc’ về mặt giấy tờ), và hạn chế đi lại. Có lẽ nỗi khổ lớn nhất của nhiều người Việt ở Thái Lan là việc họ không được nhập tịch. Trong nhiều năm, những người Việt không có giấy tờ của Thái, mỗi lần muốn rời khỏi địa phương nơi họ cư trú, là phải xin giấy của cảnh sát địa phương. Thậm chí, nếu lên Bangkok chữa bệnh cũng phải có giấy bác sĩ chứng nhận là ở quê bệnh này không chữa được. Bà Trần Thị Loan, 50 tuổi, sinh ra ở Thái Lan sau khi bố mẹ của bà chạy sang lánh nạn chiến tranh. Bà kể: “Mẹ của tôi là con ông giáo ở Sài Gòn, sang Lào dạy học. Đến lúc phải tản cư thì sang đây.” Bà cho biết mặc dù sinh ra tại Thái, nhưng đến năm 27 tuổi bà mới được nhập tịch. Vươn lên Cụ bà Lương Vỵ bảo đời sống người Việt ở Thái bảo “40 năm là khổ, phải 20 năm trở lại đây mới được sướng.” “Hết giai đoạn bắt bớ, thì nó lại tẩy chay kinh tế, không cho người Việt buôn bán chung với người Thái. Có dạo nó đưa tin ăn thức ăn VN thì bộ phận của đàn ông teo lại, bác bán phở mà không có ai vào ăn.” Một điều mừng đối với tôi trong chuyến gặp người Việt ở Nong Khai lần này là nghe mọi người kể đời sống nói chung đã có của ăn của để. Ở Nong Khai có những nhà của người Việt to không kém gì các biệt thự ở Sài Gòn hay Hà Nội. Người Việt ở đây buôn bán khá thành công. Đơn cử như bà Lương Vỵ, sau nhiều năm cực khổ, nay bà là chủ một cửa hàng nem nướng đông khách, thuê mướn gần 100 nhân viên. Nhiều người cũng được nhận giấy thường trú, con cái được nhập tịch Thái. Nhưng một số thì vẫn tiếp tục chờ xin giấy tờ. Và nguyện vọng lớn nhất của nhiều người dân ở đây là làm sao có đủ giấy tờ và sức khỏe để được về thăm quê cũ, như lời ông Mai Văn Khai. “Nguyện vọng lớn nhất của họ là được về thăm quê hương. Có những người xin giấy vẫn chưa được, người thì đã qua đời. Mọi người mong về thăm quê lắm.”
Posted on: Tue, 13 Aug 2013 13:22:13 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015