Quốc hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp của Chính phủ - TopicsExpress



          

Quốc hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp của Chính phủ liên bang Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Là một định chế quyền lực theo mô hình lưỡng viện, gồm Viện Dân biểu (House of Representatives) hay Hạ Nghị viện, và Thượng Nghị viện (Senate). Viện Dân biểu có 435 thành viên, mỗi dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử, phục vụ trong nhiệm kỳ hai năm. Số dân biểu đại diện cho mỗi tiểu bang được ấn định theo tỷ lệ dân số. Ngược lại, tại Thượng viện, số thượng nghị sĩ đại diện cho mỗi tiểu bang là hai người, không tính theo tỷ lệ dân số. Như vậy có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, phục vụ theo nhiệm kỳ sáu năm. Thành viên của cả hai viện đều được người dân bầu trực tiếp. Tại một số bang, thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm quyền khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ. Hiến pháp dành cho Quốc hội quyền lập pháp liên bang; các quyền này được liệt kê rõ ràng trong hiến pháp; những quyền hạn khác được dành cho tiểu bang hay nhân dân, trừ khi có ấn định nào khác trong hiến pháp. Quyền lực to lớn của quốc hội bao gồm thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy trong lãnh vực thương mại giữa các tiểu bang và với nước ngoài, đánh thuế, thiết lập các toà án trực thuộc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, duy trì quân lực và tuyên chiến. Trong qui trình thông qua các dự luật, cả hai viện có quyền ngang bằng nhau. Thượng viện Hoa kỳ không chỉ đơn giản là "một thiết chế kiểm tra" như một số định chế tương tự trong hệ thống lập pháp lưỡng viện tại nhiều quốc gia khác. Cả hai viện đều đặt trụ sở tại Điện Capitol, Washington, D.C Lịch sử Những Điều khoản Liên hiệp, theo đó Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ mới giành độc lập được điều hành, qui định Quốc hội là thiết chế một viện, mỗi tiểu bang có số đại biểu bằng nhau. Sự thiếu hiệu quả của Chính phủ liên bang theo thể chế này dẫn đến việc triệu tập Quốc hội lập hiến năm 1787; tất cả các bang, ngoại trừ Rhode Island, cử đại biểu đến tham dự. Một trong những vấn đề gây chia rẽ tại đây là cơ cấu của quốc hội. Kế hoạch Virginia của James Madison chủ trương một quốc hội lưỡng viện; hạ viện được người dân bầu trực tiếp, thượng viện được bầu bởi hạ viện và số đại biểu được ấn định theo tỷ lệ dân số. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ từ các bang lớn như Virginia, Massachusetts và Pennsylvania. Trong khi đó, các bang nhỏ hơn ủng hộ Kế hoạch Jersey, chủ trương quốc hội một viện với số đại biểu bằng nhau cho mỗi tiểu bang. Dần dần, một đề án mang tính thoả hiệp gọi là Connecticut hay Đại Thỏa hiệp, được hình thành. Theo đó, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền có thể xảy ra ở cấp liên bang, Hiến pháp xác lập nguyên tắc phân quyền với quyền lực được phân bổ cho ba nhánh: hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Hơn nữa, nhánh lập pháp được qui định theo mô hình lưỡng viện để bảo đảm nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau và cân bằng quyền lực.[1] Một viện (viện dân biểu) có số đại biểu theo tỷ lệ dân số, trong khi viện còn lại (thượng viện) có số đại biểu bằng nhau, và để duy trì quyền lực của tiểu bang, viện lập pháp tiểu bang, chứ không phải người dân, bầu chọn các thượng nghị sĩ. Hiến chương được thông qua bởi chín trong số mười ba tiểu bang và có hiệu lực từ ngày 4 tháng 3 năm 1789. Thế kỷ 19 chứng kiến những tranh chấp thường xuyên xảy ra giữa hai viện. Trong hầu hết nửa đầu thế kỷ 19, Thượng viện giữ được thế cân bằng giữa miền Bắc chủ trương tự do và miền Nam chủ trương sở hữu nô lệ, trong khi số lượng các tiểu bang còn ngang nhau. Ngược lại, tại Hạ viện, vì miền Bắc đông dân hơn nên nắm quyền kiểm soát. Một điển hình cho tình trạng này là dự luật Wilmot Proviso, cấm sở hữu nô lệ trong khu vực chiếm được trong chiến tranh Mỹ - Mễ, được ủng hộ tại Hạ viện nhưng bị chặn lại tại Thượng viện. Những tranh chấp về vấn đề nô lệ và về các vấn đề khác ngày càng trở nên trầm trọng cho đến khi bùng nổ cuộc Nội chiến (1861–1865), sau khi các tiểu bang miền Nam quyết định tách rời khỏi liên bang. Miền Nam bị thất trận và chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Trong Thời kỳ Tái thiết, cả hai viện đều ở dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hoà, được nhiều người Mỹ nối kết với chiến thắng trong cuộc nội chiến. Thời kỳ Tái thiết chấm dứt vào năm 1877 để bắt đầu một giai đoạn mới, Thời kỳ Hoàng kim (Gilded Age) của phát triển và hưng thịnh; vào lúc này, bắt đầu một sự chia rẽ sâu sắc trong lòng các cử tri, khi họ phải chọn lựa giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà. Cũng phát sinh nhiều bất bình về việc dành quyền bầu thượng nghị sĩ cho các viện lập pháp tiểu bang. Các cuộc bầu cử Thượng viện thường bị vấy bẩn bởi những vụ mua chuộc và tham nhũng; trong một số trường hợp, sự liên kết giữa hai viện của các viện lập pháp tiểu bang ngăn chặn các cuộc bầu cử thượng viện (Delaware không có đại diện tại thượng viện trong bốn năm vì Viện lập pháp Delaware bị ngăn cản khi tiến hành bầu thượng nghị sĩ). Cuối cùng, Tu chính án thứ 17, được thông qua năm 1913, cho phép bầu trực tiếp các thượng nghị sĩ. Thời gian đầu thế kỷ chứng kiến sự tỏa sáng của các nhà lãnh đạo tại cả hai viện của Quốc hội. Tại Hạ viện, vị thế của Chủ tịch (Speaker) ngày càng nâng cao, lên đến đỉnh điểm với nhiệm kỳ của Joseph Gurney Cannon. Dù các nhà lãnh đạo tại Thượng viện không giành được nhiều quyền lực như chủ tịch hạ viện, các thượng nghị sĩ tự gây dựng cho mình thanh thế lớn lao. Đặc biệt là chủ tịch các uỷ ban tại cả hai viện thường có nhiều ảnh hưởng đáng kể cho đến khi có những cải cách được tiến hành vào những năm 1970. Trong ba nhiệm kỳ lâu dài của tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933–1945), đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện Quốc hội, có lúc chiếm hai phần ba số ghế trong cả hai viện. Các dự luật cho chương trình New Deal được Quốc hội thông qua đều đến từ Tòa Bạch Ốc thay vì được các nghị sĩ đệ trình.[2] Song, sau khi xảy ra vụ Watergate và những vụ lạm quyền khác của chính phủ Nixon, Quốc hội bắt đầu tái khẳng định quyền lực của mình trong chức năng làm luật và giám sát hành pháp.[2] Trong thập niên kế tiếp, có sự phân phối đồng đều hơn cho đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa thắng trong kỳ bầu cử năm 1946, nhưng lại thất bại hai năm sau đó; đến khi Dwight D. Eisenhower đắc cử tổng thống năm 1952, Đảng Cộng hòa giành đa số ở cả hai viện. Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử năm 1954 các đảng viên Dân chủ lại giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội trong suốt 40 năm kế tiếp; Đảng Cộng hòa chỉ kiểm soát Thượng viện một lần trong sáu năm (1981-1987). Kể từ kỳ tuyển cử năm 1994, các đảng viên Cộng hoà đã ào ạt chiếm lại quyền lực dưới sự lãnh đạo của Newt Gingrich cho đến năm 2006, ngoại trừ giai đoạn từ năm 2001 đến 2002, khi Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Năm 2006, Đảng Dân chủ tái lập thế đa số ở Viện Dân biểu. Đến Quốc hội khóa 110 (2007-2008), các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát Thượng viện với 51 - 49 ghế. Thành phần Điện Capitol, Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ Hạ viện, hay Viện dân biểu, có 435 thành viên đại diện cho 50 tiểu bang. Những đại biểu này được bầu chọn từ các bang dựa trên số dân, nhưng mỗi bang có quyền có ít nhất là một đại diện tại Hạ viện. Các dân biểu được bầu từ một khu vực cử tri riêng lẻ gọi là hạt bầu cử (congressional district). Mỗi tiểu bang có thể sắp xếp các hạt bầu cử để đáp ứng những đòi hỏi của pháp luật như mỗi hạt bầu cử phải có số dân xấp xỉ ngang nhau. Nhiệm kỳ cho các dân biểu là hai năm. Hiến pháp không dành quyền đại diện cho Đặc khu Columbia (District of Columbia) và các vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Quốc hội cho phép họ bầu các đại biểu hoặc ủy viên quốc hội (Resident Commissioner) với quyền tham dự và tranh luận tại các phiên họp của Quốc hội, nhưng không có quyền biểu quyết. Các dân biểu phục vụ với nhiệm kỳ hai năm trong khi nhiệm kỳ dành cho Resident Commissioner là bốn năm. Đặc khu Columbia, Samoa, Guam, quần đảo Virgin thuộc Mỹ, mỗi nơi có một đại biểu. Riêng Puerto Rico bầu cho mình một Resident Commissioner. Thượng viện có 100 thành viên, mỗi tiểu bang có quyền gởi đến Thượng viện hai thượng nghị sĩ đại diện cho mình. Thượng nghị sĩ được bầu bởi cử tri, không phải từ một hạt bầu cử, mà là của toàn bang. Nhiệm kỳ dành cho thượng nghị sĩ là sáu năm, được sắp xếp sao cho cứ mỗi hai năm có một phần ba số ghế tại Thượng viện được bầu lại, và làm thế nào để hai ghế đại diện cho một tiểu bang không phải bị bầu lại trong cùng một kỳ tuyển cử. Đặc khu Columbia và các lãnh thổ khác không có đại diện tại Thượng viện. Đại thể, các đảng Cộng hòa và Dân chủ chọn ứng cử viên cho các cuộc bầu cử chính. Các cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11 vào những năm chẵn. Các cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức bất cứ lúc nào có chỗ khuyết; riêng đối với các ghế khuyết tại Thượng viện, thống đốc tiểu bang thường giành quyền bổ nhiệm một thượng nghị sĩ tạm quyền cho đến khi có bầu cử. Hiến pháp dành cho Hạ viện quyền bầu chức Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Với quyền hạn rộng lớn, chủ tịch hạ viện có thể kiểm soát chiều hướng của các cuộc tranh luận và tạo lập các tiền lệ cho Hạ viện. Thông thường, Chủ tịch Hạ viện không chủ tọa các cuộc tranh luận, thay vào đó, nhiệm vụ này được giao cho các thành viên khác. Chủ tịch Hạ viện thường thường là lãnh tụ của đảng đa số. Tuy nhiên có một lãnh tụ khác thuộc đảng đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ được gọi là Lãnh tụ Đa số của Hạ viện Hoa Kỳ. Phó Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiên là Chủ tịch Thượng viện; chủ tịch thượng viện không bầu phiếu trừ khi số phiếu bầu tại Thượng viện ngang nhau. Thượng viện cũng bầu ra một chủ tịch tạm quyền trong trường hợp Phó Tổng thống vắng mặt. Cả Phó Tổng thống lẫn chủ tịch tạm quyền đều không chủ tọa các phiên họp, nhiệm vụ này được đảm trách bởi các thượng nghị sĩ khác. Quyền hạn của chủ tịch tạm quyền ít hơn nhiều so với quyền hạn của Chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Thượng viện tạm quyền không phải là người đứng đầu phe đa số. Tại thượng viện, Lãnh tụ phe đa số (Majority Leader) là người có ảnh hưởng lớn nhất. Chủ tịch Thượng viện Joe Biden. Thành viên của cả hai viện thường biểu quyết bằng miệng; họ sẽ hô to "aye" hay "no", và chủ tọa phiên họp sẽ công bố kết quả. Dù vậy, Hiến pháp cũng qui định phải tổ chức biểu quyết bằng phiếu, nếu có yêu cầu của một phần năm số thành viên đang có mặt. Thông thường, biểu quyết bằng phiếu sẽ được tiến hành nếu kết quả của cuộc biểu quyết bằng miệng không rõ ràng, hoặc vấn đề được biểu quyết là chủ đề đang gây tranh cãi. Thượng viện biểu quyết bằng miệng theo cách tuần tự; một thư ký xướng tên các thượng nghị sĩ từng người một, người được xướng tên sẽ hô to "aye" hoặc "no". Bình thường, dân biểu tại Hạ viện sử dụng các thiết bị điện tử để biểu quyết. Nhiệm kỳ Trước đây, nhiệm kỳ của Quốc hội bắt đầu vào ngày 4 tháng 3 của năm lẻ. Vì vậy, có một thời gian "tê liệt" tính từ cuộc tuyển cử vào tháng 11 cho đến lúc các tân nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức. Tu chính án thứ 20, được thông qua vào năm 1933, rút ngắn thời gian tê liệt này bằng cách ấn định thời điểm khởi đầu nhiệm kỳ của Quốc hội là giữa trưa ngày 3 tháng 1 của năm lẻ. Để bắt đầu nhiệm kỳ mới, toàn thể hạ nghị sĩ và một phần ba thượng nghị sĩ (vừa đắc cử trong cuộc tuyển cử tháng 11 năm trước) tiến hành tuyên thệ. Họ sẽ đọc lời tuyên thệ: "Tôi long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa kỳ chống lại mọi kẻ thù, trong và ngoài nước; tôi tin tưởng và trung thành với Hiến pháp; tôi nhận lãnh trách nhiệm này cách tự nguyện, không hề dè dặt, cũng không né tránh; tôi sẽ tận tụy hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của trọng trách mà tôi sắp đảm nhận; Cầu xin Chúa phù hộ tôi". Hạ viện sẽ tiến hành bầu Chủ tịch mới trong khi chủ tịch tạm quyền của Thượng viện chỉ tiếp tục công việc của mình từ trước. Quốc hội tổ chức hai "kỳ họp" cho mỗi nhiệm kỳ, mỗi kỳ họp kéo dài một năm, bắt đầu vào ngày 3 tháng 1 (hoặc một ngày nào khác theo sự chọn lựa của Quốc hội). Vào một thời điểm được chọn trong hai tháng đầu của mỗi kỳ họp, tổng thống sẽ đọc Diễn văn Liên bang, thẩm định tình hình quốc gia và phác thảo những dự luật sẽ trình quốc hội. Bài diễn văn này là một ứng dụng theo hình mẫu của Bài diễn văn của Vương quyền, được tuyên đọc bởi quốc vương nước Anh. Thomas Jefferson đã đình chỉ thông lệ này, và những tổng thống kế nhiệm tiếp bước ông, bằng cách hằng năm gởi một thông điệp viết sẵn đến quốc hội. Năm 1913, tổng thống Woodrow Wilson phục hồi thông lệ cũ khi ông đích thân đến đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội; từ đó đến nay, ít có tổng thống nào muốn trách né công việc này. Chức năng Hoa Kỳ Great Seal of the United States (obverse).svg Chính trị và chính phủ Hoa Kỳ Chính phủ liên bang[hiện] Lập pháp[hiện] Hành pháp[hiện] Tư pháp[hiện] Bầu cử[hiện] Đảng phái[hiện] Chính quyền tiểu bang[hiện] Nghị sĩ Quốc hội thường đệ trình các dự luật theo yêu cầu của những nhóm vận động hành lang (lobbyist). Các nhóm này vận động để thông qua hoặc bác bỏ các dự luật ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong một số trường hợp, các nhóm này soạn thảo dự luật và nhờ một nghị sĩ đệ trình. Các nhóm vận động hành lang quốc hội phải đăng ký vào cơ sở dữ liệu trung ương. Những nhóm vận động hành lang làm việc cho các tổ chức chính trị, các công ty, chính quyền tiểu bang, chính quyền nước ngoài và nhiều nhóm khác. Năm 2005, có đến 35 000 người vận động hành lang đã đăng ký, gấp đôi số lượng năm 2000.[3] Nhiều nhà vận động hành lang nổi trội từng là thành viên quốc hội, những người khác có thân nhân là các nghị sĩ đương nhiệm, điển hình là Harry Reid, Dennis Hastert, cựu Dân biểu Tom DeLay, và Roy Blunt đều có người thân trong gia đình đang làm việc các nhóm vận động hành lang.[4] Thành viên của cả hai viện đều có thể đệ trình dự luật, nhưng hiến pháp qui định "Tất cả dự luật nhằm nâng cao lợi tức phải xuất phát từ Hạ viện". Vì vậy, Thượng viện không có quyền đề xuất luật đánh thuế. Hơn nữa, Hạ viện cho rằng Thượng viện cũng không có quyền đệ trình luật ngân sách liên bang. Dù Thượng viện tỏ vẻ nghi ngờ về cách giải thích này của Hạ viện, mỗi lần Thượng viện trình luật ngân sách đều bị Hạ viện từ chối xem xét. Mặc dù không được đệ trình các dự luật này, Thượng viện lại có quyền sửa đổi hay bác bỏ chúng. Mỗi dự luật đều phải trải qua một số giai đoạn tại mỗi viện; trước tiên, nó phải được xem xét bởi một uỷ ban. Các trình tự lập pháp phải được xem xét bởi các uỷ ban thường trực, mỗi uỷ ban có thẩm quyền trong một lãnh vực riêng biệt chẳng hạn như nông nghiệp hay ngân sách. Hạ viện có 20 uỷ ban thường trực, trong khi con số này tại Thượng viện là 16. Trong một số trường hợp, các dự luật có thể được đệ trình các uỷ ban đặc biệt (xem xét các lãnh vực chuyên môn hẹp hơn các uỷ ban thường trực). Các uỷ ban được phép tổ chức các cuộc điều trần và thu thập chứng cớ khi xem xét các dự luật. Các uỷ ban cũng có thể sửa đổi dự luật, nhưng chỉ có toàn thể thượng viện hoặc toàn thể hạ viện mới có quyền chấp nhận hoặc bác bỏ các dự luật. Sau khi xem xét và thảo luận, uỷ ban sẽ bỏ phiếu quyết định xem có nên trình dự luật trước toàn viện hay không. Khi được đệ trình bởi uỷ ban, dự luật sẽ được xem xét bởi toàn viện. Tại đây, dự luật có thể bị sửa đổi (qui trình này có thể khác biệt đôi chút giữa hai viện). Cuối cùng là biểu quyết. Các chính đảng thường không thể kiểm soát cách bỏ phiếu của các nghị sĩ của hai viện Quốc hội. Thanh danh cá nhân, tiến trình gây quỹ bầu cử, và chiến dịch vận động tranh cử đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tuyển cử; chỉ có sự ủng hộ từ đảng phái chính trị là không đủ. Vì các nghị sĩ không muốn dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức đảng, họ thường tỏ ra độc lập với giới lãnh đạo đảng. Vì vậy giới lãnh đạo đảng tại quốc hội thường áp dụng chiến thuật "bắt và thả", để có thể thông qua những dự luật quan trọng cần đến sự ủng hộ của các nghị sĩ thiếu hợp tác. Họ sẽ "bắt" một nghị sĩ, áp lực người này ủng hộ thông qua dự luật, ngay cả khi nó không được cử tri của nghị sĩ này ưa thích. Rồi thì, sau khi đủ phiếu để thông qua, họ sẽ "thả", để người này tự do lựa chọn lập trường cho mình khi biểu quyết. Bằng cách này, các nghị sĩ có thể tránh gây ác cảm với các nhóm quyền lợi đặc biệt thường có nhiều ảnh hưởng, trong khi vẫn tỏ ra trung thành với đảng của mình. Một khi một dự luật được thông qua tại một viện, nó sẽ được gởi đến viện kia; tại đó, nó có thể được thông qua, hoặc bị bác bỏ, hoặc bị sửa đổi. Để một dự luật có thể trở thành luật, cả hai viện phải đồng thuận về văn bản của dự luật. Nếu dự luật đã bị sửa đổi, thì một uỷ ban thương thảo sẽ vào cuộc (thành phần bao gồm thành viên của cả hai viện), và cố soạn ra một văn bản chung để trình hai viện; nếu được thông qua, nó sẽ thành luật; còn ngược lại, xem như thất bại. Tổng thống Ronald Reagan đã có lần nhận xét cách châm biếm "Nếu đem một quả cam và một quả táo giao cho uỷ ban thương thảo, họ sẽ cho ra một quả lê".[5] Sau khi được thông qua tại hai viện, dự luật sẽ được trình tổng thống. Tổng thống có thể chọn ký ban hành, nó sẽ trở thành luật; hoặc tổng thống có thể chọn phủ quyết, gởi trả về Quốc hội kèm theo lời phản kháng. Trong trường hợp này, dự luật chỉ có thể trở thành luật nếu cả hai viện biểu quyết với hai phần ba số phiếu để vô hiệu hoá sự phủ quyết của tổng thống. Sau cùng, còn có một chọn lựa khác cho tổng thống, là không làm gì hết, không ký ban hành, cũng không phủ quyết. Trong trường hợp này, Hiến pháp có qui định dự luật sẽ tự động trở thành luật sau mười ngày (không tính ngày chủ nhật). Tuy nhiên, nếu quốc hội chấm dứt kỳ họp trong mười ngày này, dự luật sẽ không thể trở thành luật. Vì vậy, tổng thống có thể phủ quyết một dự luật được thông qua vào cuối kỳ họp của quốc hội bằng cách lơ nó đi; thủ thuật này được gọi là pocket veto. Quyền hạn Khoản 8 của điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập các quyền hạn của quốc hội. Những quyền quan trọng nhất gồm quyền đánh thuế và thu thuế, vay mượn, quy định về thương mại giữa các tiểu bang và với nước ngoài, đúc và in tiền, thiết lập các tòa án trực thuộc Tối cao Pháp viện, phát triển và duy trì quân lực, và tuyên chiến. Quốc hội cũng có một số quyền hạn khác thêm vào các quyền kể trên. Hơn nữa, điều khoản "mềm dẻo" trong hiến pháp cho phép quốc hội làm "tất cả luật cần thiết và đúng đắn để hành xử" các quyền khác của mình. Tối cao Pháp viện đã giải thích điều khoản cần thiết và đúng đắn này cách cởi mở, cho phép quốc hội gia tăng quyền hạn của mình. Hơn nữa, các phần khác của hiến pháp cung cấp thêm cho quốc hội một số quyền phụ trội chẳng hạn như quốc hội có quyền thêm vào liên bang các tiểu bang mới (Điều 4). Những quyền khác cũng được đề cập tại các tu chính án. Khoản 9 của điều 1 qui định một số giới hạn cho thẩm quyền của quốc hội như không được đình hoãn quyền công dân khiếu nại trong thời gian bị bắt giữ (trừ trường hợp tham gia phiến loạn hoặc đất nước đang bị xâm lăng), không được thông qua luật cho phép bắt giữ mà không xét xử, không được thông qua các luật có tính hồi tố, cũng không có quyền ban tặng các tước hiệu quí tộc. Một số giới hạn khác được qui định bởi các tu chính án, đặc biệt là Dự luật về các quyền. Hiến pháp không công khai cho phép tòa án hành xử quyền tài phán chung thẩm (quyền bác bỏ luật dựa trên sự thẩm định luật ấy là vi hiến). Tuy nhiên, khái niệm này được chấp nhận bởi một vài đại biểu như Alexander Hamilton khi ông đề cập và trình bày nó trong Federalist No. 78. Năm 1803, Tối cao Pháp viện, dưới sự lãnh đạo của Chánh án John Marshall, thiết lập thẩm quyền hợp pháp cho quyền tài phán chung thẩm khi phán quyết vụ Marbury chống Madison. Sau vụ này, trong hơn 50 năm tòa tối cao không vô hiệu hóa đạo luật nào của quốc hội cho đến năm 1857, khi xảy ra vụ án Dred Scott chống Sandford. Từ đó đến nay, có nhiều đạo luật được thông qua bởi quốc hội bị tuyên bố là vi hiến. Thế cân bằng Ảnh hưởng của quốc hội đối với tổng thống thăng trầm theo dòng lịch sử. Cả ngành hành pháp lẫn ngành lập pháp đều không muốn kiểm soát chính quyền cho đến nửa cuối thế kỷ 19, khi cán cân quyền lực nghiêng về phía quốc hội. Vụ luận tội Andrew Jonhnson, cùng với việc thiếu hiệu quả của hầu hết tổng thống trong Thời kỳ Hoàng kim khiến chức vụ này ngày càng suy yếu so với quyền lực của quốc hội. Cuối thế kỷ 19, tổng thống Grover Cleveland cố gắng phục hồi quyền lực của ngành hành pháp, phủ quyết hơn 400 dự luật chỉ trong nhiệm kỳ đầu của ông. Thế kỷ 20 chứng kiến sự trỗi dậy của quyền lực tổng thống trong các nhiệm kỳ của Theodore Roosevelt (1901–09), Woodrow Wilson (1913–21), Franklin D. Roosevelt (1933–45), Richard Nixon (1969–74), Ronald Reagan (1981–89), và George W. Bush (2001–).[6] Gần đây, dù quốc hội đã cố gắng hạn chế các quyền của tổng thống bằng những đạo luật như Congressional Budget and Impoundment Control Act năm 1974 và War Powers Resolution, tổng thống vẫn có thể duy trì cho mình quyền lực lớn hơn thời thế kỷ 19.[6] Một trong những chức trách không lập pháp quan trọng nhất của quốc hội là đìều tra và giám sát nhánh hành pháp. Quyền này được uỷ nhiệm cho các uỷ ban - thường trực, đặc biệt, tuyển chọn hoặc liên viện (thành viên đến từ hai viện). Các cuộc điều tra được tiến hành để thu thập thông tin phục vụ công tác lập pháp, kiểm tra tính hiệu quả của các đạo luật đã được thông qua, và để tra vấn về phẩm chất và thành tích của các thành viên và các viên chức của hai nhánh còn lại trong hệ thống tam quyền phân lập của Chính phủ Hoa Kỳ. Các uỷ ban có quyền tổ chức những buổi điều trần, và nếu cần, có quyền bắt buộc các cá nhân ra làm chứng bằng cách ra trát triệu tập nhân chứng. Nhân chứng nào từ chối ra làm chứng có thể bị buộc tội khinh mạn, còn ai làm chứng dối sẽ bị buộc tội man khai. Hầu hết các cuộc điều trần đều tiến hành công khai; các cuộc điều trần quan trọng thường thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiến pháp dành cho Viện Dân biểu quyền luận tội các viên chức liên bang (cả hành pháp và tư pháp) về "tội phản quốc, hối lộ, các tội hình sự và hạnh kiểm xấu". Thượng viện có quyền xét xử các vụ luận tội. Một đa số tương đối (quá bán) tại Hạ viện là đủ để luận tội một viên chức, nhưng phải cần có đa số tuyệt đối (hai phần ba) tại Thượng viện mới có thể buộc tội. Một viên chức bị buộc tội đương nhiên bị bãi nhiệm; hơn nữa, Thượng viện có thể ngăn cấm người này giữ các chức vụ công quyền trong tương lai. Không có biện pháp chế tài nào được cho phép trong khi tiến hành luận tội. Trong lịch sử Hoa Kỳ, Viện Dân biểu đã luận tội 16 viên chức, trong đó có 7 người bị buộc tội (một người từ nhiệm trước khi vụ xét xử tại Thượng viện hoàn tất). Chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ bị đem ra luận tội, Andrew Johnson vào năm 1868, và Bill Clinton năm 1999. Cả hai vụ xét xử đều kết thúc với quyết định tha bổng; trong trường hợp của Johnson, chỉ thiếu một phiếu để có đủ đa số hai phần ba hầu Thượng viện có thể buộc tội tổng thống. Theo Tu chính án 12, quốc hội có quyền phá vỡ thế bế tắc của cử tri đoàn. Nếu không có ứng viên nào giành đủ đa số phiếu của cử tri đoàn, Hạ viện sẽ bầu chọn tổng thống từ ba ứng viên có số phiếu cao nhất của cử tri đoàn. Tương tự, nếu không có ứng viên phó tổng thống nào có đủ đa số phiếu của cử tri đoàn, Thượng viện sẽ chọn một trong hai người có số phiếu cao nhất. Có một số quyền Hiến pháp chỉ dành riêng cho Thượng viện. Tổng thống không thể bổ nhiệm các viên chức chính phủ, thẩm phán và những viên chức cao cấp khác mà không có "sự cố vấn và đồng ý" của Thượng viện. Thượng viện thường phê chuẩn các ứng viên do tổng thống đề cử, nhưng việc bác bỏ không phải là không thường xảy ra. Thêm vào đó, tổng thống chỉ có thể phê chuẩn các hiệp ước khi có sự đồng thuận của đa số hai phần ba tại Thượng viện. Các Ủy ban Quốc hội Một buổi họp của Uỷ ban Tài chính Hạ viện Không thể mong đợi các thành viên Quốc hội là chuyên gia về mọi lãnh vực thuộc thẩm quyền cứu xét của Quốc hội.[7] Do đó, các ủy ban được thành lập nhằm cung cấp các thông tin vô giá cho Quốc hội, bằng cách xem xét các vấn đề cần thảo luận rồi tường trình cho Quốc hội. Trong qui trình làm việc, thành viên các ủy ban đưa ra ý kiến chuyên môn về các vấn đề đang xem xét. Các ý kiến này luôn được viện dẫn trong những cuộc tranh luận của quốc hội để xét xem có nên chấp nhận các đề nghị phủ quyết của các uỷ ban hay không. Quốc hội phân bổ chức trách làm luật, giám sát, và nội chính cho khoảng 200 ủy ban và tiểu ban. Trong lĩnh vực chuyên môn được giao phó, các đơn vị này có nhiệm vụ thu thập thông tin, so sánh và thẩm định các chọn lựa thay thế, nhận diện và tiên báo các hệ quả bất lợi của các chính sách và giải pháp, tuyển chọn, ấn định và tường trình các giải pháp cho thượng viện hoặc hạ viện xem xét, giám sát việc thực thi pháp luật của hành pháp, và điều tra những tố giác về các hành vi sai trái.[8] Việc ấn định lĩnh vực chuyên môn cho thành viên các ủy ban phụ thuộc vào tầm quan trọng của các vấn đề ảnh hưởng đến hạt bầu cử hoặc tiểu bang họ đại diện, cũng như vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của từng người.[9] Các thượng nghị sĩ đại diện cho cùng một tiểu bang thường tránh dẫm chân lên nhau khi chọn phục vụ trong các ủy ban hoặc tiểu ban.[10] Phục vụ cử tri Một trong những chức trách chính của thượng nghị sĩ hoặc dân biểu là phục vụ cử tri trong khu vực bầu cử. Các nghị sĩ thường nhận hàng ngàn lá thư, cuộc gọi, và e-mail từ cử tri để bày tỏ quan điểm, hoặc sự bất bình đối với lập trường hoặc phiếu bầu của nghị sĩ ấy tại quốc hội. Nhiều cử tri yêu cầu họ giải quyết các khó khăn, hoặc giải đáp thắc mắc. Các thành viên quốc hội đều cố xây dựng một hình ảnh tích cực tại các hạt bầu cử, thay vì để cử tri than phiền về mình. Như thế, trách nhiệm của họ là đáp ứng, xông xáo để giúp đỡ cử tri lúc họ gặp nhiều phiền phức khi tiếp cận bộ máy hành chính. Đây là lúc các nghị sĩ quốc hội và nhân viên của họ thực thi chức năng thanh tra nhà nước cấp liên bang. Trong thực tế, chức trách không chính thức này ngày càng làm tiêu tốn nhiều thì giờ mà các nghị sĩ có thể dành cho việc chuẩn bị hoặc xem xét các dự luật.[11] Cũng cần biết rằng thành viên quốc hội đương nhiệm có nhiều quyền lực hơn hầu hết các thanh tra nhà nước cấp liên bang. Như Morris Fiorina nhận xét, sự tham gia của nhánh lập pháp vào qui trình thanh tra dẫn đến một thuận lợi chính: các thành viên Quốc hội thực thi “quyền kiểm soát trên điều mà các viên chức nhà nước quan tâm nhiều nhất – gia tăng ngân sách và thẩm quyền điều hành các chương trình mới.”[12] Đây là loại hình quyền lực tác động đến bộ máy hành chính mà các cơ quan thanh tra không hề có. Đặc quyền Hiến pháp ban cho nghị sĩ lưỡng viện quyền không bị bắt giữ trong mọi tình huống ngoại trừ khi phạm tội phản quốc, các trọng tội và tội gây rối. Đặc quyền miễn trừ này được áp dụng cho các nghị sĩ "trong khi đang tham dự các phiên họp của quốc hội, khi đang trên đường đến dự họp và khi trở về".[13] Hạ viện ban hành các qui định nghiêm nhặt nhằm bảo vệ quyền này; một hạ nghị sĩ không được phép khước từ quyền đặc miễn tài phán trừ khi có sự cho phép của toàn thể hạ viện. Qui định của thượng viện ít nghiêm nhặt hơn, cho phép các thượng nghị sĩ khước từ đặc quyền này khi họ thấy thích hợp. Hiến pháp cũng bảo đảm quyền tự do tranh luận tại hai viện, "các nghị sĩ không bị xét hỏi về những điều họ phát biểu hay tranh luận tại quốc hội". Do đó, một nghị sĩ sẽ không bị truy tố vì tội vu khống hoặc phỉ báng vì những nhận xét người này đưa ra tại quốc hội. Tuy nhiên, mỗi viện đều lập ra các qui định nhằm hạn chế các phát biểu có mục đích xúc phạm người khác, và có biện pháp chế tài đối với các nghị sĩ vi phạm. Từ năm 1789 đến 1815, thành viên Quốc hội chỉ nhận 6 USD cho mỗi ngày họp. Từ năm 1815, họ được trả 1 500 USD mỗi năm.[14][15] Đến năm 2006, thành viên Quốc hội nhận 165 200 USD mỗi năm,[15] trong khi các nhà lãnh đạo trong quốc hội được trả 183 500 USD. Lương hằng năm của Chủ tịch Hạ viện là 212 100 USD, trong khi lương của Chủ tịch tạm quyền của Thượng viện năm 2006 chỉ là 183 500, ngang bằng mức lương của Lãnh tụ phe Đa số và Thiểu số của cả hai viện.[16] Một đặc quyền khác được dành cho các thành viên Quốc hội là quyền sử dụng Thư viện Quốc hội. Một trong những nhiệm vụ của thư viện khổng lồ này là phục vụ các nghị sĩ và nhân viên quốc hội. Để thực thi nhiệm vụ này, cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội cung cấp những sưu khảo chi tiết, cập nhật, và phi đảng phái cho các thượng nghị sĩ, dân biểu, và nhân viên của họ nhằm giúp họ hoàn thành các chức trách thường nhật. Ngăn cản công tác của quốc hội là một tội hình sự chiếu theo luật liên bang, được biết đến như là tội khinh mạn quốc hội. Quốc hội có quyền truy tố các cá nhân về tội khinh mạn; nhưng không thể áp đặt bất cứ hình phạt nào. Hệ thống tư pháp sẽ xét xử theo trình tự thông thường dành cho một vụ án hình sự. Nếu bị buộc tội, bị cáo có thể nhận mức án bị giam giữ lên đến một năm.
Posted on: Fri, 23 Aug 2013 16:21:28 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015