SƠN MÀI TRUYỀN THỐNG BÌNH DƯƠNG CÁI HAY CÁI ĐẸP - TopicsExpress



          

SƠN MÀI TRUYỀN THỐNG BÌNH DƯƠNG CÁI HAY CÁI ĐẸP CẦN ĐƯỢC LƯU TRUYỀN Nghề sơn và nghệ thuật sơn mài đã khẳng định vị trí trên đất Bình Dương hơn ba thế kỷ, dù có những lúc thăng trầm, thử thách tưởng không thể vượt qua, tuy nhiên cho đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Trên thực tế, sơn mài Bình Dương đã có nhiều thay đổi về kỹ thuật, chất liệu và nghệ thuật so với trước kia, đến nay hiện hữu căn bản tựu trung gồm ba loại hình chính: Thứ nhất là các sản phẩm sơn mài truyền thống mang giá trị độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc vì thế được gìn giữ và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác theo dòng lưu chuyển của thời gian. Đây là nghệ thuật nghề sơn hình thành và phát triển lâu dài trong tiến trình lịch sử của một vùng đất được thử thách, tôi luyện và kết tinh thành những giá trị nghệ thuật đặc sắc về nhiều phương diện. Từ chất liệu sơn ta truyền thống được pha chế và sử dụng xuyên suốt từ khâu đầu cho đến khâu cuối, nguyên vật liệu tận dụng nguồn thiên nhiên có sẳn trong nước, cốt vóc chủ yếu sử dụng gỗ tự nhiên cho đến nội dung đề tài thường theo khuynh hướng tả thực xoay quanh cuôc sống con người, phong cảnh quê hương Bình Dương, Việt Nam. Tiêu biểu là lớp họa sĩ, nghệ nhân thế hệ trước, có kỹ thuật pha chế sơn chín đặc sắc dùng cẩn, vẽ như: Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Nguyễn Hữu Sang, Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Văn Tuyền, Trần Văn Nam, Trương Văn Cang, Trương Ngọc Lợi (Bảy Bửu)… Thứ hai là loại hình sơn mài mới phát triển từ sau những năm 1990, theo đà phát triển của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam cùng với nền khoa học công nghệ phát triển ào ạt, với máy móc thiết bị, nguyên liệu nhập ngoại phong phú giúp người làm nghề nhất là nghề sơn mài tại Bình Dương dễ dàng lựa chọn, áp dụng các phương thức tối ưu nhất theo tiêu chí: “sản xuất nhanh- số lượng nhiều- giá thành hạ”. Cho nên chất liệu sử dụng hoàn toàn được làm từ chất liệu sơn công nghiệp như: sơn tinh luyện dầu hạt điều, sơn polycite có nguồn gốc xuất xứ Nhật Bản, nhựa polyuréthian từ Đài Loan, Trung Quốc. Chất liệu vẽ có sơn Bạch Tuyết (Việt Nam), Toa (Thái Lan)… cùng một số nguyên liệu vàng, bạc lá (không phải bạc mà là thiết) hoặc bột nhũ, màu bột… được sản xuất tại Việt Nam chất lượng có một số nguồn góc không rõ ràng. Cốt vóc đã có rất nhiều thay đổi, hầu hết sản phẩm dạng tròn đều sử dụng fiberglass, dạng thẳng có MDF (Medium-density fiberboard) dùng keo hóa chất gia công ép, đổ khuôn. Gỗ quý (Giáng hương, Gõ, Trắc, Cẩm lai) không còn sử dụng, thay thế vào đó là gỗ Tràm, Xoan, Xà cừ, cao su... (qua ngâm, tẩm, sấy bằng hóa chất) được sử dụng phổ biến như bàn, ghế, kệ, tủ… . Nội dung đề tài truyền thống ngày một hiếm dần, thêm vào đó với hình thức trang trí mới được thể hiện phổ biến bên cạnh các khuynh hướng có gốc gác ngoại lai như sao chép các tác phẩm của các danh họa do khách hàng yêu cầu: Picasso, Vangogh, salvador Daili, Pollock… ngày càng trở nên quen thuộc hơn với khách hàng, trở thành một bộ phận hữu cơ trong các sản phẩm sơn mài Bình Dương do các Cty, Xí nghiệp, cơ sở sơn mài tập trung chủ yếu tại xã Tương Bình Hiệp sản xuất và cung ứng. Thứ ba là dòng tranh sơn mài nghệ thuật do lớp họa sĩ đa phần là giảng viên trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, những người yêu mến nghệ thuật sơn ta truyền thống tham gia sáng tác, tham gia triển lãm (hầu như không đạt hiệu quả về mặt kinh tế), chủ yếu do sự đam mê và lòng yêu mến thiết tha mong muốn lưu giữ và phát triển chất liệu nghệ thuật truyền thống. Dòng tranh này đã có nhiều sáng tạo thay đổi về mặt tạo hình từ kết quả của sự giao lưu văn hóa nghệ thuật mang tính toàn cầu, mà Thành phố Hồ Chí Minh là cầu nối chuyển tiếp thổi luồn sinh khí mới vào đất Bình Dương thông qua các họa sĩ được đào tạo bài bản trường lớp có trình độ lý luận và sáng tác chuyên ngành. Các trường phái, thể loại hiện đại, đương đại được vận dụng, đây cũng là gạch nối từ nghệ thuật truyền thống với văn hóa nghệ thuật phương Tây. Loại hình sơn mài mỹ thuật đã làm phong phú thêm cho nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương, với nhiều phương pháp kỹ thuật mới lạ được vận dụng mang giá trị biểu đạt cao như: tạo gân, chồng màu, đắp nổi, khoét trũng, dây rắc sơn, tạo nhăn… được thể hiện kết hợp trên một tác phẩm đã ít nhiều đem lại diện mạo mới cho nghệ thuật sơn mài Bình Dương qua các kỳ triển lãm trong, ngoài tỉnh, khu vực VII, toàn quốc…đạt nhiều giải thưởng cao thông qua nhiều họa sĩ có uy tín như: Nguyễn Chí Chánh, Lê Xuân Trường, Thái Kim Điền, Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Tấn Công, Huỳnh Đức Hiếu… Trở lại trước năm 1975, xưởng Sơn mài Thành Lễ với hơn 60 năm thành lập đã vang danh bởi những sản phẩm sơn mài truyền thống xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới với giá trị nghệ thuật và chất lượng cao. Một làng Sơn mài Tương Bình Hiệp có lịch sử nghề gần 300 năm mang đậm chất dân gian trong từng sản phẩm có dấu ấn của nhiều thế hệ tạo thành với vẻ đẹp riêng được hình thành bởi nét văn hóa làng mạc, bên lũy tre mộc mạc bình vị trong từng hơi thở cuộc sống quần tụ của nhiều thế hệ thay nhau tôn tạo, gìn giữ. Trường Mỹ nghệ Thực hành Thủ Dầu Một là điểm son trong việc đào tạo nghề phục vụ nghề được thành lập từ năm đầu thế kỷ XX (1901) đánh dấu bước phát triển đào tạo chuyển tiếp từ hình thức cha truyền con nối sang đào tạo chính quy và cũng chính nơi đây đã sản sinh ra hàng loạt những nghệ nhân, họa sĩ sơn mài tài hoa, tên tuổi làm rạng danh đất Thủ như: Trương Văn Thanh, Nguyễn Văn Lễ, Nguyễn Văn Tuyền, Trần Văn Nam , Nguyễn Văn Thạnh, Trần Văn Khiêm, Hồ Văn Sa, Hồ Hữu Thủ… Từ khi nền kinh tế thị trường được mở ra (1986), nghề sơn mài truyền thống Bình Dương đối mặt với không ít thách thức khó khăn, mà có thể khẳng định càng lúc khó khăn càng tăng cấp khi thị trường xuất khẩu truyền thống đã bị mất, thì các sản phẩm sơn mài truyền thống rơi vào khủng hoảng trầm trọng, ngày một hiếm dần và mất hút trên thị trường, đây là những sản phẩm từng là niềm tự hào của chúng ta về vẻ đẹp và sức sáng tạo của cha ông. Thì từ sau những năm 1990 sơn mài Bình Dương như lạc lõng giữa đêm tối, sờ soạn tìm lối ra gặp rất nhiều khó khăn lẫn tai tiếng. Theo như Họa sĩ Hồ Hữu Thủ từng than thở một cách đau lòng: “sơn mài Bình Dương sau Năm 1975 đã từng có một giai đoạn tan nát”. Phải thừa nhận trong giai đoạn này do áp dụng các loại nguyên liệu mới trong sản xuất mà hầu như các nhà sản xuất không mấy ai hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, kỹ thuật sản xuất chỉ trong cậy duy nhất vào vẻ hào nhoáng, bóng láng bên ngoài. Tất nhiên điều gì đến sẽ đến với hàng loạt các lô hàng sơn mài xuất khầu bị trả về bởi sản phẩm không đạt chất lượng do co rút, bong tróc, nứt tét… uy tín không còn, hợp đồng bị hủy, nhiều người phá sản chán nản rồi bỏ nghề, tìm nghề khác kiếm sống. Tuy nhiên đó mới chỉ là những thiệt hại về mặt kinh tế, còn về môi trường, sức khỏe con người thì sao?, trước tình hình sử dụng toàn nguyên liệu có nguồn gốc từ hóa chất (sơn hạt điều, nhựa PU, sơn Toa, Polycite…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người làm nghề và môi trường xung quanh một phần do ý thức của người làm nghề, phần do kinh tế eo hẹp không đủ sức trang bị hệ thống xử lý môi trường, chính vì vậy nhà nước đã nhiều lần khuyến cáo trong vài năm trở lại đây. Cho đến nay mặc dù có nhiều cố gắng hỗ trợ của các ngành các cấp trong việc xúc tiến thương mại cùng với nổ lực của bản thân từng doanh nghiệp, bên cạnh đó dù lực lượng sản xuất sơn mài ở Bình Dương giảm rất nhiều so với thời phồn thịnh nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao. “Đời sống kinh tế vẫn còn bấp bên do lợi nhuận thấp, người bỏ nghề ngày càng nhiều, khách hàng ngày càng ít đi, giá nguyên liệu tăng từng ngày” đó là tâm sự của Ông Bùi Văn Thanh, Giám đốc Công ty Sơn mài XK Thanh Long. Như trên đã nêu những giá trị truyền thống trong đó có nghệ thuật sơn mài Bình Dương đã hình thành và phát triển hơn 300 năm. Đỉnh cao của thời kỳ vàng son vào thập kỷ 40 – 60 đã nổi tiếng trong và ngoài nước, bằng chất liệu, nghệ thuât nổi tiếng. Đây mới chính là cái hay, cái đẹp của sơn mài được làm bằng “sơn ta” cần phải được trân trọng, gìn giữ và tôn tạo. Đã đến lúc cần gióng tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo các cấp, các cơ quan chuyên ngành, những người đang làm nghề cũng như những ai đã, đang từng sống bằng nghề và yêu nghề sơn mài truyền thống Bình Dương nên nhớ rằng: “ bảo tồn và phát triển những cái nổi tiếng, chứ không phải cái tai tiếng”. Và tin tưởng rằng tương lai không xa nghề và nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương sẽ quay về và phát triển trở lại bởi cái hay, cái đẹp vừa lung linh, huyền ảo vừa sâu thẳm, mượt mà làm say mê lòng người vốn có của nó.
Posted on: Thu, 25 Jul 2013 01:42:26 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015