Truyền thông Trung Quốc cố ý “gài” dư luận hiểu - TopicsExpress



          

Truyền thông Trung Quốc cố ý “gài” dư luận hiểu lầm Việt Nam Thời báo Hoàn Cầu, ngày 16/10 dẫn nguồn tờ New York Times nói rằng chuyến công du Đông Nam Á của lãnh đạo Trung Quốc (ông Tập Cận Bình dự APEC, thăm Indonesia, Malaysia và ông Lý Khắc Cường dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei, thăm Thái Lan, Việt Nam) đã khiến vai trò của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Đông Nam Á lần này trở nên mờ nhạt. Tờ New York Times được Hoàn Cầu dẫn nguồn đánh giá, những năm gần đây Việt Nam tăng cường phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Mỹ và đón tiếp nhiều quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc sang thăm. Dự kiến cuối năm nay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ đến thăm Việt Nam. Bên cạnh đó, tờ báo này cũng đưa ra nhận định rằng những thỏa thuận chung giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa đạt được cho thấy Việt Nam không chỉ dũng cảm đối mặt với Trung Quốc mà còn chủ trương chung sống hòa bình với nước này. Kế đến, Mạng Sina, hôm qua lại trích nguồn tin báo Độc lập nước Nga cho rằng Việt Nam và Trung Quốc nỗ lực giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình. Quyết định thành lập Nhóm công tác cùng nhau nghiên cứu khai thác biển Đông có thể coi là bước đột phá mang tính lịch sử, thể hiện rõ hai nước đã thỏa thuận nhất thiết phải chung sống “hòa bình”. Nhìn cách đưa tin lập lờ của truyền thông Trung Quốc về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho thấy họ đang cố tính bẻ lái dư luận khu vực và quốc tế hiểu lầm rằng Việt Nam đang đi đêm với Trung Quốc. Bất chấp một thực tế Việt Nam luôn chủ trương nhất quán giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đi với nước này để chống nước kia. Như Thủ tướng đã từng thẳng thắn đưa ra quan điểm tại Đối thoại Shangri-La 12 và Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68: “Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, theo đuổi và thực hiện nguyên tắc độc lập tự chủ, không bao giờ liên minh với một nước khác để chống lại nước thứ ba…”. Cũng như, tại Đối thoại Shangri-La 12, khi Thiếu tướng Yao Yun Zhu (học viện Kỹ thuật Quân sự Trung Quốc) khiêu khích với lối hỏi xách mé: “Cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào trên biển Đông?”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhẹ nhàng đáp trả: “Những diễn biến gần đây trên thực tế mọi người có mặt tại đây đều đã biết là nước nào, tôi xin không nhắc lại”. Ở đây, cái khó của Việt Nam là giữ được trung đạo (trung lập và chính nghĩa)! chính cái minh triết trung đạo ấy đã đảm bảo cho quá trình phác thảo đường lối “không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực, nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển”. Đây cũng chính là sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích: Cần phải nhắc lại rằng từ xưa đến nay Trung Quốc vấn muốn thực hiện chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” đã có từ thời Đặng Tiểu Bình và bây giờ Tập Cận Bình nhắc lại và không có gì thay đổi. Và tất nhiên không ai có thể chấp nhận chủ trương này. Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc. Trong thỏa thuận chung hai bên đạt được lần này họ không thể đưa câu “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” vào Tuyên bố chung, thay vào đó Trung Quốc đồng ý “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên”. Theo tôi phía Trung Quốc coi đây là “bước đột phá” vì theo cách hiểu của họ, điều này đồng nghĩa với việc yêu sách vô lý của họ ở Biển Đông họ vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi. Thời báo Hoàn Cầu hay một số tờ báo khác của Trung Quốc cũng lợi dụng điểm này để cho rằng việc Việt Nam đồng ý về mặt nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận quan điểm của Trung Quốc hòng gây hiểu lầm trong dư luận, chia rẽ nội khối ASEAN khi khiến cho các bên nghĩ rằng Việt Nam “đi đêm” với Trung Quốc. Không bao giờ có chuyện đó, bởi đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, “không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên” không có nghĩa là ta thừa nhận chủ trương, lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với những thỏa thuận chung đã đạt được giữa hai bên là một thắng lợi trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, nhưng cách đưa tin lèo lái dư luận của một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đang làm méo mó, biến dạng thành quả ấy nhằm chia rẽ các quan hệ hợp tác quốc tế và khu vực. Dẫu biết rằng Trung Quốc được coi là bậc thầy của chiêu thức “Khi lời nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì cuối cùng nó sẽ trở thành sự thật”. Nhưng giờ thời thế đã khác, tiếng nói của Việt Nam cũng khác, đã có trọng lượng và uy tín hơn rất nhiều. Vậy nên một khi đã tuyên bố chung trước quốc tế, thì khi thất tín, Trung Quốc ắt sẽ phải trả giá đắt!
Posted on: Sat, 19 Oct 2013 18:00:20 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015