Vua Lương Vũ Đế (464-549), tên thật là Tiêu Diễn, - TopicsExpress



          

Vua Lương Vũ Đế (464-549), tên thật là Tiêu Diễn, tự là Thúc Đạt, vốn là cháu đời thứ 25 của Tướng quốc Tiêu Hà, triều Hán. Là hoàng đế nhưng Lương Vũ Đế rất cần kiệm, thường mặc áo vải, đi giầy cỏ, đầu quấn khăn vuông, một chiếc mũ đội đến 3 năm, tấm trải giường dùng đến 2 năm mới thay. Là vua trăm họ nhưng Lương Vũ Đế sống như một vị tăng tu khổ hạnh. Mỗi ngày lo việc chính sự đến canh 4 mới nghỉ, tay chân đều nứt nẻ. Lại rất say mê thư pháp, công phu rất cao được bao đời truyền tụng. Từ năm 50 tuổi, Lương Vũ Đế đã bỏ rượu hoàn toàn, không gần nữ sắc, thường nói rằng: "Trẫm từ khi 50 tuổi đã không còn gần nữ nhân nữa", có lẽ nhờ đó mà được trường thọ đến 86 tuổi chỉ thua vua Càn Long (89 tuổi). Hội kiến Đạt Ma tổ sư Năm Phổ Thông thứ 8 (527), Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) từ Thiên Trúc theo đường biển sang Nam Hải (Quảng Châu, Quảng Đông ngày nay). Lương Vũ Đế nghe danh rất ngưỡng mộ bèn cho sứ đến thỉnh về kinh đô Kim Lăng (Nam Kinh). Khi gặp mặt, Lương Vũ Đế có vẻ đắc ý, hỏi Đạt Ma rằng: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm lo xây chùa độ tăng vô số, in kinh hành thiện không ngừng, xin hỏi như vậy được công đức gì?". Đạt Ma tổ sư đáp: "Chẳng có công đức!". Câu trả lời của Đạt Ma như gáo nước lạnh tát vào mặt, Lương Vũ Đế hỏi: Tại sao? Tổ đáp: "Là vì hữu lậu (*). Tuy xem ra như có công đức, nhưng không phải công đức chân thật". Lại hỏi: "Như thế nào là công đức chân thật?". Tổ đáp: "Chứng ngộ thể tính của trí tuệ, thực tướng vô tướng, bản lai vốn không tịch, viên minh, vi diệu. Công đức tự tính không thể lấy cách của thế tục mà cầu được". Lương Vũ Đế không lĩnh hội được gì cả, tỏ vẻ không vui, nên Đạt Ma từ giã đi về phía Bắc đến Thiếu lâm tự ở Tung Sơn diện bích truyền giáo. Sùng bái Phật giáo Từ thế kỷ thứ IV, V, Phật giáo phát triển rất mạnh ở Trung Hoa. Lương Vũ Đế cật lực tôn sùng Phật giáo, khuyến khích xuất gia, tạo lập chùa chiền, xem đây là phương thức "tạo phước báo" để ngôi vị được trường cửu. Chính Lương Vũ Đế là người đề xướng "ăn chay trường" trong triều đình, sau đó ăn chay trở thành "đại giới" bắt buộc trong Phật giáo đại thừa ở Trung Hoa và những nước bị Hán hóa. Tương truyền, có lần Lương Vũ Đế tìm đến một vị cao tăng, hỏi rằng: "Ta nay được làm hoàng đế, nhờ hòa thượng xem tiền kiếp ta đã làm được việc tốt gì mà tích được phước lớn thế này". Vị cao tăng nhập định xong, nói: "Kiếp trước của hoàng thượng là một tiều phu. Một lần đang đốn củi trên núi thì gặp mưa lớn, người bèn chạy vào một ngôi miếu hoang đổ nát trú mưa. Cảnh tượng trong miếu hoang tàn, tượng Phật bị gió tạt mưa sa rất thê lương, hoàng thượng thấy cảnh ấy bất giác phát thiện tâm, nghĩ cách che chở cho tượng Phật. Người lúc ấy rất nghèo, bèn dùng cái nón cỏ duy nhất của mình đặt lên đầu tượng Phật để che mưa. Nhờ phước báo đó mà người được làm hoàng đế kiếp này". Lương Vũ Đế nghe xong rất vui, nói rằng: "Một chiếc nón cỏ có thể được làm hoàng đế, vậy ta cho toàn dân tạo chùa miếu, đúc Phật tượng thật nhiều, như vậy thì sẽ giữ được ngôi vị vĩnh viễn". Bèn lệnh cho toàn quốc tập trung nhân lực, tài lực xây dựng rất nhiều chùa chiền. 3 năm sau Lương Vũ Đế tìm lại vị cao tăng, hỏi: "Ta làm như vậy có thể giữ vững được sơn hà?". Tăng đáp: "Không thể, không chỉ không được lâu dài mà còn chóng mất". Vua hỏi tại sao, tăng đáp rằng: "Hành động của người trong tiền kiếp là do vô vi vô cầu mà làm nên được đại phước, còn lần này là do cưỡng cầu mà làm nên vô phước". 4 lần xuất gia Sau khi lên ngôi, Lương Vũ Đế lập điện Chính Giác trong cung, thỉnh đại pháp sư Tuệ Ước làm nghi thức thụ giới cho mình, sau đó lại còn 4 lần xuất gia vào chùa. Lần thứ nhất là ngày 28 tháng 3 năm Phổ Thông thứ 8 (527), Lương Vũ Đế lên chùa Đồng Thái xuất gia đầu Phật. Làm hòa thượng được 4 ngày thì triều đình cử người đến đón về. Theo thông lệ, hòa thượng hoàn tục phải bỏ một số tiền cho chùa gọi là "chuộc người", dù hoàng đế cũng không ngoại lệ. Lần thứ hai là ngày 15 tháng 9 năm Đại Thông thứ 3 (529), Lương Vũ Đế cởi hoàng bào, đắp tăng y, xuất gia ở chùa Đồng Thái, giảng kinh Niết Bàn, được 12 ngày thì triều thần chuộc về. Lần thứ ba là ngày 10 tháng 4 năm Đại Đồng thứ 25 (546), 1 tháng sau thì được chuộc về. Ngay hôm đón về, một tòa tháp trong chùa Đồng Thái bỗng nhiên bốc cháy, Lương Vũ Đế nói đó là do ma quỷ làm, hạ chỉ rằng: "Đạo càng cao thì ma lại càng thịnh. Cần phải tạo tháp cho thật cao mới có thể trấn áp được tà khí của ma quỷ". Lần thứ tư là ngày 3 tháng 3 năm Thái Thanh nguyên niên (547), lúc này Lương Vũ Đế đã 84 tuổi nhưng vẫn kiên quyết xuất gia ở chùa Đồng Thái, được 37 ngày thì triều thần đến chuộc về. Lương Vũ Đế 4 lần xuất gia, tổng số tiền triều đình phải nộp cho chùa để chuộc vị "hoàng đế bồ tát" này lên đến 400 triệu tiền. Hoàng đế chết đói trong cung Nếu không bị loạn Hầu Cảnh làm cho chết đói thì Lương Vũ Đế chắc chắn còn sống lâu hơn nữa. Hầu Cảnh vốn là tướng Đông Ngụy, năm 547 đầu hàng Lương Vũ Đế. Do Lương Vũ Đế chỉ lo Phật sự, bỏ bê quốc sự, năm 548 Hầu Cảnh cấu kết với Tiêu Chính Đức dấy binh làm phản, vây phủ Đài Thành, Kim Lăng. Tháng 2 năm 549, Lương Vũ Đế trong Đài thành binh tận lương tuyệt, vô cùng nguy khốn. Hoàng đế phải trèo lên nóc hoàng cung bắt trứng chim, chim non mà ăn, không lâu sau thì chẳng còn gì ăn được nữa, chết đói ở Đài thành. Lương Vũ Đế qua đời, triều Nam Lương mất, 480 ngôi chùa do hoàng đế tạo dựng trở nên hoang phế điêu tàn. Thi sĩ Đỗ Mục đời Đường, khi đi qua Giang Nam đã cám cảnh viết: "Oanh kêu mười dặm biếc hồng Bên thôn quán rượu gió tung bay cờ Bốn trăm chùa cũ triều xưa Lâu đài bao chốn gió mưa mịt mùng". LDĐ: Chú thích: Hửu lậu(*) là làm việc thiện với tâm tính toán vụ lợi nên chỉ có phước hữu lậu, là phước nhỏ của thế gian. Vô lậu là Làm điều thiện với tâm chân thành, làm vì nghĩa chứ không vì tham cầu điều gì mới được phước vô lậu, là phước đức lớn của trời. Read more: Đạo học - Thần bí học - Thần thông học - Diễn đàn vutruhuyenbi • View topic - Công án Thiền: Phật là gì? * vutruhuyenbi/forum/viewtopic.php?f=36&t=9019#ixzz2XdJJQSAQ
Posted on: Sat, 29 Jun 2013 18:59:37 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015