Vì áp lực công bố quốc tế quá lớn, nên các dịch - TopicsExpress



          

Vì áp lực công bố quốc tế quá lớn, nên các dịch vụ viết mướn nở rộ ở China. Từ viết mướn, các công ti này tiến lên một bước nữa là cung cấp dịch vụ nghiên cứu và công bố quốc tế. Sự phát triển quá nhanh đến mức độ kĩ nghệ viết mướn trở thành một chợ trời. Trong cái chợ trời học thuật này, nhà khoa học không làm gì cả mà vẫn có tên trong bài báo khoa học. Tập san Science vừa có một bài phóng sự điều tra cái chợ trời học thuật ở China rất đáng đọc. Phóng viên của Science, trong vai một “khách hàng” đang cần có bài báo khoa học, tìm đến công ti Wanfang Huizhi. Công ti này giải thích rằng họ là môi giới cho một nguồn khác; nguồn đó đã có sẵn bài báo khoa học, và họ sẵn sàng bán cho khách hàng với cái giá 14,800 USD. Nếu muốn đứng tên tác giả chính thì cái giá là 26,300 USD. (Lương của một assistant professor ở China là khoảng 5,000-10,000 USD/năm). Dĩ nhiên, sau khi mua bài báo, khách hàng sẽ đứng tên tác giả đầu của bài báo khoa học. Nói cách khác, tác giả này không làm nghiên cứu gì cả, mà chỉ bỏ tiền ra mua bài báo! Có công ti còn quảng cáo một cách bắt mắt rằng: “It’s unbelievable: you can publish SCI papers without doing experiments” (Điều khó tin: bạn có thể công bố bài báo trên SCI mà không cần làm thí nghiệm) Có công ti còn quảng cáo rằng họ có “quan hệ” với ban biên tập của các tập san khoa học nên có thể đảm bảo công bố bài báo một dễ dàng. Dĩ nhiên là phải với một cái giá. Một công ti khác (có tên là H&G IES) cho biết họ có thể lo từ A đến Z, tức từ việc thu thập, phân tích dữ liệu đến công bố, và khách hàng không cần làm gì cả. Ngay cả bài báo sau khi đã qua bình duyệt và sắp công bố, họ vẫn có thể kinh doanh. Các công ti sẽ đem bài báo đi “chào hàng” rằng bài báo sắp được công bố, và họ sẵn sàng thêm tên tác giả với một cái giá nào đó, và giá cả tuỳ theo vị trí trong bài báo. Đọc qua bài phóng sự, chúng ta phải rùng mình và kinh ngạc cách làm tiền của các “công ti học thuật” của China. Thật ra, phải nói là họ có những cách kinh doanh rất sáng tạo và độc đáo mà người tử tế và có đạo đức khoa học không thể nào nghĩ ra. Có công ti còn cho biết họ có chi nhánh ở Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, và Việt Nam. China là một nước lớn, và hiện nay đang đứng hàng số 2 về số bài báo khoa học. Những công ti này đang làm vẩn đục khoa học China và quan trọng hơn là gây tác hại đến khoa học thế giới.
Posted on: Mon, 02 Dec 2013 15:48:09 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015