ĐỨNG ĐẦU CHÍNH MÌNH (Nhân đọc Chuyện trò của Cao - TopicsExpress



          

ĐỨNG ĐẦU CHÍNH MÌNH (Nhân đọc Chuyện trò của Cao Huy Thuần) Đã đăng Báo ĐL cuối tuần số 12, ngày 14/4/2013 Người đứng đầu, tất nhiên là người có vai trò rất quan trọng, không ai phủ nhận điều đó. Người đứng đầu giỏi giang, có năng lực có thể làm thay đổi cục diện, xoay chuyển tình thế. Trong những tình huống khó khăn, người đứng đầu phải là người đứng mũi chịu sào, thể hiện sự quyết đoán và bản lĩnh. Trách nhiệm nặng nề như thế nhưng không ít người trong chúng ta đều mong muốn vươn lên vị trí của người đứng đầu. Tham vọng quyền lực và khẳng định bản thân cũng là tham vọng phổ biến và hoàn toàn chính đáng. Vấn đề ở chỗ là khát vọng đạt được quyền lực không phải bằng mọi giá. Chính vì thế, chủ thể nắm quyền lực không phải ai cũng có được sự tôn trọng của cộng đồng như nhau. Trong tác phẩm “Thăng trầm quyền lực”, Alvin Toffler đã đưa ra một cách tiếp cận mới về “quyền lực” khi xem xét sự vận động và phát triển của quyền lực đi từ bạo lực, đến của cải, rồi đến tri thức. Ông coi quyền lực đạt được bằng tri thức là thứ quyền lực có phẩm chất cao nhất và cơ hội được chia đều cho tất cả. Khi con đường dẫn tới quyền lực không dựa trên sự bình đẳng về cơ hội, thậm chí bằng những thủ đoạn, toan tính cá nhân thì quyền lực sẽ dễ bị tha hóa. Theo lẽ thường, những người nắm giữ vị trí quyền lực, nhất là người đứng đầu thường thích được nghe những lời tán thưởng hơn là những lời phê phán, chỉ trích. Những tiếng vỗ tay tán thưởng của người khác sẽ ve vuốt tính tự mãn của người đứng đầu và rồi chính họ cũng tự tán thưởng bản thân mình, cho rằng mình đã thành công. Nhưng hạnh phúc của chúng ta chắc gì được mang lại bằng những tiếng vỗ tay của người khác? Đứng đầu thiên hạ chắc gì đã hạnh phúc bằng đứng đầu chính ta? Để tự chủ được bản thân mình, chính là để sống đẹp, sống có ích với thế giới xung quanh. Nhưng hơn thế, tự chủ chính là để chế ngự những dục vọng, ham muốn xấu...để dấn thân vào xã hội mà vẫn thảnh thơi, thanh thản trong lòng. Nhà giáo Cao Huy Thuần cho rằng: Giáo dục để nghe tiếng vỗ tay là giáo dục biết nhận. Giáo dục để nghe tiếng cười tự lòng mình, là giáo dục để biết cho. Biết cho, ấy là biết quên mình. Quên mình thì an lạc. An lạc thì thành công trong cuộc đời./.
Posted on: Mon, 02 Sep 2013 15:28:08 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015