462. CHUYỆN VƯƠNG TỬ SAMVARA (Tiền thân Samvara) Quả - TopicsExpress



          

462. CHUYỆN VƯƠNG TỬ SAMVARA (Tiền thân Samvara) Quả xưa thánh thượng đã tinh tường.., Chuyện này bậc Ðạo Sư kể lại trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo không giữ tinh tấn. Chúng ta biết đây là một thiện gia nam tử ở Xá-vệ, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết Pháp, người này từ bỏ thế tục. Ðang khi hoàn thành mọi nhiệm vụ do các giáo sư và các vị giáo thọ đề ra, người ấy vừa học thuộc lòng các chi phần của Giới bổn Patimokka. Sau năm năm ông nói: - Khi nào ta đã được chỉ dạy pháp môn nhập thiền định, ta sẽ vào an trú trong rừng. Sau đó, ông từ giã các giáo sư, tiến vào một làng ở biên địa trong vương quốc Kosala. Dân chúng hài lòng với cách ăn ở của ông, nên ông dựng am lá ở đó được cung phụng đầy đủ. Vào mùa mưa, với nhiệt tâm tinh cần, nỗ lực phấn đấu, ông cố gắng đạt đến thiền định trong vòng ba tháng, song chẳng đạt được chút gì từ việc này cả. Sau đó ông suy nghĩ: "Quả thật ta là người đầy nhiệt tâm đối với các thế gian pháp nhất trong bốn hạng người được bậc Ðạo Sư thuyết giảng. Ta còn làm gì nữa với đời sống trong rừng?" Rồi ông lại nghĩ thầm: "Ta sẽ trở về Kỳ Viên, trong lúc chiêm ngưỡng hảo tướng của đức Như Lai và nghe giọng Ngài thuyết Pháp dịu ngọt như mật, ta sẽ sống cả đời tại đó". Thế là người ấy giảm sút lòng tinh tấn, và lên đường lần hồi đi đến Kỳ Viên. Các giáo sư và các vị giám hộ của ông, cùng bạn bè thân thuộc hỏi ông về nguyên nhân trở về đây. Ông bảo cho các vị kia biết, đại chúng đều chê trách ông về việc này và chất vấn ông tại sao lại làm như vậy. Sau đó đại chúng dẫn ông đến yết kiến bậc Ðại Sư. - Này các Tỷ-kheo - bậc Ðạo sư hỏi - tại sao các ông dẫn một Tỷ-kheo đến đây mà kẻ ấy không muốn? Tăng chúng đáp: - Tỷ-kheo này đã đến đây vì ông đã giảm sút tinh tấn. - Việc này có đúng như họ nói với Ta chăng? Bậc Ðạo sư hỏi. - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Người ấy đáp. Bậc Ðạo sư bảo: - Này Tỷ-kheo, tại sao ông không còn tinh tấn nữa? Ðối với một người yếu kém và lười biếng, không có quả vị cao cả nào dành cho y trong giáo pháp này, y cũng không thể đạt Thánh quả. Chỉ những kẻ nào nỗ lực tinh cần mới hoàn thành việc ấy được. Ngày xưa ông đầy đủ dũng lực, lại dễ dạy bảo và vì thế dù là nhỏ tuổi nhất trong đám cả trăm vương tử của vua Ba-la-nại, ông cũng đã chiếm được chiếc lọng trắng nhờ tuân theo đúng lời giáo huấn của các bậc hiền nhân. Nói vậy xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ. Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, vị trẻ tuổi nhất trong số một trăm vương tử của ngài tên là vương tử Samvara. Vua giao mỗi con trai ngài cho một vị cận thần đảm trách cùng với lời chỉ dẫn để dạy mỗi người những môn học cần phải học tập. Vị cận thần dạy cho vương tử Samavara là Bồ-tát, ngài thật sáng suốt, học rộng, làm tròn nhiệm vụ như người cha đối với vương tử kia. Trong khi mỗi vị vương tử được giáo dục như thế, các cận thần thường đem họ đến để vua cha thăm viếng. Ngài ban cho mỗi vị một thị trấn và truyền lệnh ra đi nhận chức. Khi vương tử Samvara hoàn thành mọi việc học tập, chàng hỏi Bồ-tát: - Thưa dưỡng phụ, nếu phụ vương đưa con đến một thị trấn thì con phải làm gì? Ngài đáp: - Này con, khi con được ban cho một thị trấn, con phải từ chối và tâu: "Tâu phụ vương, con là con út trong nhà, nếu đi nữa thì sẽ không còn ai dưới chân phụ vương, nên con muốn ở lại nơi đang sống đây dưới chân phụ vương thôi". Rồi một ngày kia, khi vương tử Samvara đến đảnh lễ ngài và đang đứng một bên, vua hỏi chàng: - Này vương nhi, con đã học tập xong chưa? - Tâu phụ vương, đã xong. - Vậy con hãy lựa một thị trấn. - Tâu phụ vương, nếu vậy thì quanh mình phụ vương sẽ trống vắng, vương nhi xin ở lại dưới chân phụ vương, chứ không đi đâu khác. Vua rất hoan hỷ và bằng lòng ngay. Sau khi chàng ở lại bêm mình vua cha, chàng hỏi Bồ-tát: - Thưa dưỡng phụ, con phải làm gì nữa? Ngài bảo: - Hãy xin vua cha một ngự viên cũ. Vương tử đồng ý và xin một hoa viên với số hoa quả trồng tại đó, chàng kết bạn cùng những người thế lực trong kinh thành. Chàng lại hỏi phải làm gì nữa. Bồ-tát bảo: - Hãy xin vua cha cho phép phân phát tiền của khắp kinh thành. Chàng làm theo và không hề bỏ quên một người nào, chàng phân phát tiền của khắp kinh thành. Chàng lại hỏi ý kiến Bồ-tát và sau khi xin vua cha chấp thuận, chàng phân phát thực phẩm trong cung điện, bọn nô tỳ, bầy ngựa và quân lính, không sót nơi nào; đối với sứ giả các nước ngoài đến, chàng sắp đặt nơi ăn chốn ở cho họ, chàng ấn định thuế má cho các thương nhân, mọi việc gì cần thu xếp, chàng đều làm một mình cả. Như vậy theo lời khuyên của bậc Ðại sĩ, chàng kết bạn với mọi người, cả những người sống trong gia đình cho đến những người không gia đình, mọi người trong kinh thành, các triều thần của quốc độ này cho đến đám ngoại nhân, nhờ sức thu hút của chàng kết hợp bằng hữu lại với chàng như thể một sợi dây sắt: chàng được mọi người yêu mến thiết thân. Ðến khi vua lâm trọng bệnh trên vương sàng, triều thần hỏi ngài: - Tâu chúa thượng, khi chúa thượng băng hà, chúng thần sẽ trao chiếc lọng trắng cho ai? Ngài đáp: - Này các hiền khanh, các vương tử của ta đều có quyền được chiếc lọng trắng, song các khanh hãy trao nó cho người nào làm hài lòng các khanh. Vì vậy sau khi ngài băng hà, và khi lễ tang đã được cử hành xong, vào ngày thứ bảy, quần thần tụ họp lại và bảo: - Tiên vương ra lệnh cho chúng ta trao chiếc lọng trắng cho người nào làm vừa lòng chúng ta. Vậy người mà tâm chúng ta hằng ao ước chính là vương tử Samvara. Cho nên đại chúng giương chiếc lọng trắng che lên đầu chàng cùng với các dây tua bằng vàng, và chàng được cả vương tộc hộ tống lên ngôi. Ðại vương Samvara tuân thủ lời khuyên răn của Bồ-tát nên cai trị rất đúng Chánh pháp. Còn chín mươi chín vị vương tử hay tin vua cha từ trần và chiếc lọng trắng đã giương lên cho vương tử Samvara. Các vị bảo: - Nhưng nó là em út trong nhà, chiếc lọng không thuộc về nó được. Chúng ta hãy giương chiếc lọng lên cho vị huynh trưởng của chúng ta. Họ đều tập họp mọi lực lượng lại, và gởi thư đến Samvara, buộc chàng hoàn trả chiếc lọng nếu không thì sẽ giao chiến, sau đó các vị bao vây kinh thành. Vua báo tin này với Bồ-tát và hỏi phải làm gì bây giờ. Ngài đáp: - Này đại vương, ngài không nên gây chiến với các vương huynh. Hãy chia bạc vàng của vua cha thành một trăm phần, rồi chín mươi chín phần đến các vương huynh cùng thông điệp này: "Xin hãy nhận phần tài sản của phụ vương vì tiểu đệ không muốn gây chiến với các vương huynh". Vua liền làm như thế. Sau đo vị huynh trưởng, thái tử Uposatha, triệu tập các vương tử kia lại bảo: - Này các hiền đệ, không ai có khả năng chiến thắng vị vua này được, và đây lại là em út của ta. Mặc dù trước đây, đó là kẻ thù của ta, nay không phải như vậy nữa, mà em ta gởi vàng bạc đến chúng ta, không muốn gây chiến với chúng ta. Giờ đây chúng ta không thể nào cùng một lúc giương cao chiếc lọng lên cho mọi người được, chúng ta hãy giương lọng lên cho một người thôi, hãy để một mình em út ta làm vua, vậy khi chúng ta gặp em ta, chúng ta sẽ giao trả vàng bạc của vương tộc cho em ta, và trở về thị trấn của mình. Sau đó tất cả các vị ấy ngưng việc vây hãm kinh thành và đi vào trong thành, không còn là thù địch nữa. Vua bảo triều thần ra nghênh tiếp các vị và đại chúng đi đón các vương tử ấy. Các vương tử cùng đoàn tùy tùng đông đảo đi bộ vào, bước lên các bậc thềm của cung điện, hết sức khúm núm trước đại vương Samvara và ngồi xuống một chỗ thấp. Còn vua Samvara ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng trông ngài thật uy nghi cao cả và rực rỡ huy hoàng; bất cứ nơi nào ngài nhìn đến, đại chúng đều rúng động toàn thân. Thái tử Uposatha chiêm ngưỡng cảnh nguy nga lộng lẫy của đại vương Samvara, nghĩ thầm: "Ta chắc phụ vương ta biết rõ là vương tử Samvara sẽ làm vua sau khi ngài băng hà, nên ngài đã ban cho chúng ta các thị trấn mà chẳng cho vương đệ ta vùng nào cả". Sau đó chàng ngâm ba vần kệ nói với vua: 1. Quả xưa thánh thượng đã tinh tường, Bản chất tính tình của đại vương, Ân đã ban nhiều vương tử khác, Ðại vương lại chẳng được ban phần. 2. Chính là vương phụ lúc sinh thời, Hay lúc thành tiên, đến cõi trời, Vì thấy lợi nhiều cho quốc độ, Nên vương tộc đã thuận theo lời. 3. Hãy nói lực gì, Sam-va-ra, Ðại vương vượt hẳn cả hoàng gia, Sao vương huynh lại không đoàn kết, Ðể chiếm ngôi cao của đệ à? Nghe vậy vua Samvara ngâm sáu vần kệ giải thích đặc tính của ngài: 4. Ta chẳng bao giờ miễn cưỡng dâng Những gì xứng với đại hiền nhân, Sẵn sàng ban tặng đầy trân trọng, Ðảnh lễ, ta quỳ xuống dưới chân. 5. Ta chẳng tỵ hiềm, muốn học luôn Mọi điều đức hạnh hợp công bằng, Các hiền nhân dạy điều lương thiện Trong ấy các ngài thấy lạc hoan. 6. Ta vẫn thường nghe sự bảo ban Của nhiều bậc trí, đại hiền nhân, Tâm hồn ta hướng về lương thiện, Ta chẳng coi thường lời dạy răn. 7. Voi chiến cùng nhiều đạo mã xa, Bộ binh và vệ sĩ vương gia, Ta không hề bớt phần công nhật, Mà trả tiền lương đủ mọi nhà. 8. Quý tộc danh gia vẫn đến hầu, Quân sư tài trí thật là cao, Họ thường khen ngợi rằng lương thực, Quả thật Ba-la-nại rất giàu. 9. Thịnh vượng như vậy, các lái buôn, Từ nhiều quốc độ tới lui luôn, Ta che chở chúng - Này vương tử, Sự thật, hiền huynh đã tỏ tường. Thái tử Uposatha nghe kể rõ đức tính của vua liền ngâm hai vần kệ: 10. Ðạo đức vượt hơn gia tộc mình, Và em cai trị thật công bình, Sam-va tài trí càng cao trọng, Phục lạc ban đều các đại huynh. 11. Vương huynh rày bảo vệ kho tàng, Vương đệ sau này sẽ vạn an, Tránh khỏi quân thù như Ðế Thích Mình vàng tránh các La-hầu-vương. Vua Samvara tiếp đãi các vương huynh rất trọng thể. Các vị ở lại cùng vua một tháng rưỡi, rồi bảo vua: - Tâu đại vương, chúng thần muốn đi xem có trộm cướp nào đặt chân lên lãnh thổ của chúng thần chăng. Cầu mong triều đại này được vạn vạn phúc! Các vị ấy lại ra về lãnh thổ của mọi người. Còn vua theo lời dạy của Bồ-tát, nên khi mạng chung, ngài đi lên cộng trú với hội chúng ở Thiên giới. Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài nói thêm: - Này Tỷ-kheo, xưa kia ông đã theo lời dạy bảo, tại sao nay ông lại không tiếp tục nỗ lực tinh cần? Rồi Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân: - Thời ấy, Tỷ-kheo này là vua Samvara, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là thái tử Uposatha, các vị trưởng lão và cao niên là các vương huynh kia, các đệ tử của đức Phật là đám tùy tùng của các vị ấy, và Ta chính là vị cận thần đã khuyến giáo vua. -ooOoo-
Posted on: Fri, 21 Jun 2013 14:39:08 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015