Bài này copy từ net, chia sẽ cho những ai yêu Trịnh - TopicsExpress



          

Bài này copy từ net, chia sẽ cho những ai yêu Trịnh Công Sơn. Nhân đọc bài Tháp Cổ của Kim Tuấn, sao không đọc luôn bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn nhỉ? Bài này, như đã nói ở trước, hình như có liên hệ với bài Tháp Cổ của Kim Tuấn. Chuyện này thì chỉ có ba ông Kim Tuấn, Trịnh Công Sơn và Ðinh Cường thì rõ nhất. Nhờ đọc bài Tháp Cổ của Kim Tuấn mà mình biết cái tháp cổ trong bài Diễm Xưa chẳng phải là tháp chuông nhà thờ hay nhà chùa, mà là tháp cổ của Chàm. Với tôi, Trịnh Công Sơn không phải chỉ là nhạc sĩ mà còn là một thi sĩ với những bài thơ rất tuyệt. Diễm Xưa, vừa là thơ, vừa là nhạc, trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc; hoặc nói cách khác, thơ và nhạc trong bài này chỉ là một. Hiếm khi một nhạc sĩ đạt đến trình độ này. Ông phải vừa là nhạc sĩ vừa là thi sĩ thì mới có những bản thơ-nhạc đề huề như vầy: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Ðường dài hun hút cho mắt thêm sâu. Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua Trên bước chân em âm thầm lá đổ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa. Chiều nay còn mưa sao em không lại Nhỡ mai trong cơn đau vùi Làm sao có nhau Hằn lên nỗi đau Bước chân em xin về mau Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động Làm sao em biết bia đá không đau Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ðể người phiêu lãng quên mình lãng du (Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau). Nhỡ mai hay nhớ mãi? Hồi nhỏ xíu, tôi cứ nghĩ và hát là "Nhớ mãi". Lớn lên, tôi biết phải là "Nhỡ mai" thì mới hợp nghĩa trong câu. Nay, một vài tập nhạc vẫn in là "Nhớ mãi". Tôi không rõ là như thế nào. Khi hát, nghe như "nhớ mãi" nhưng đọc bài thơ, bạn sẽ thấy là "nhỡ mai" mới đúng. Chiều nay còn mưa sao em không lại? Lỡ mai này lúc khổ đau vì chia xa thì làm sao còn có nhau được! Có phải nghĩa của câu như thế chăng? "Nhỡ mai" (lỡ mai này) là nói theo giọng Bắc. Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng cũng nói giọng Bắc chứ. Không phải ông người Huế thì không dùng giọng Bắc trong một số trường hợp nào đó. Chúng ta đọc lại thử xem. Bài thơ thật hay nhưng có điểm có vẻ như vô lý đối với người ngoại cuộc. Chẳng hạn: Chiều nay còn mưa sao em không lại? Trời đất, yêu gì mà lạ kỳ rứa! Trời mưa mà bắt người ta lại! Sao không lội mưa mà đến thăm người đẹp mà bắt người đẹp phải đến thăm mình? Bệnh hoạn không ra mưa được chăng? Hay là đến nhà người yêu sẽ bị bố mẹ người yêu xua chó dữ rượt chạy không kịp? Hồi nhỏ, mỗi lần hát đến câu này, trong đầu tôi cứ nẩy lên cái nghi vấn đó. Trách cái ông tác giả sao mà... lười biếng, thụ động, làm oai, không biết galant gì hết trơn. Lớn lên mới hiểu. Hiểu thế nào đây? Một là, họ đã hứa với nhau rằng hễ trời mưa thì em đến chỗ hẹn của hai đứa (về nhà trễ bố mẹ có hỏi thì nói phải đụt mưa nhà người bạn); hai là, những chiều mưa là những chiều kỷ niệm của hai người nên khi mưa rơi thì thi nhân cứ kêu gào em đến, mong đợi em đến. Vì chỉ những chiều mưa buồn não nuột như thế, cơn thèm nhớ mới tăng lên gấp trăm lần. Cho nên người ta bất kể là thời tiết thế nào, cứ nằng nặc là phải có người yêu đến thăm mình kẻo mình sẽ đau, sẽ chết trong nỗi sầu nhớ tăng dần theo tiếng mưa. Yêu nhau mà lội mưa được để đến với nhau thì mới là yêu chứ. Như Phạm Thiên Thư nói đó: "Thôi em đừng ngại mưa mau Ðưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi" Chắc là hoàn cảnh của chàng sao đó mà không đến chỗ nàng được. Chỉ hẹn hò thôi. Nhưng hẹn hò ở đâu? Hẹn ở nơi cái tháp cổ ấy! Lại tháp cổ nữa! Không chừng Kim Tuấn đã mách cho Trịnh Công Sơn cái chỗ hẹn hò lý tưởng này đây? Lý tưởng đâu chẳng thấy, chỉ thấy kêu gào sướt mướt trong những chuyến mưa qua. Hẹn hò chi nơi cái tháp cổ ngậm hờn nghìn năm nhỉ? Có phải là chỗ trao duyên đâu! Thế mà cứ nghe, cứ hẹn chỗ đó. Vì nơi ấy, sông nước hữu tình, lòng người dễ bịn rịn quyến luyến nhau chứ còn thắng cảnh nào thuận lợi hơn? Nhưng ở đây, lại thêm một thi nhân thất tình, ngồi ca dưới mưa. Gịong than thở của Kim Tuấn tuy có uất nghẹn và rơi lệ nhưng đằm thắm, lặng lờ. Còn ở Trịnh Công Sơn, nỗi đau, niềm nhớ quặn lên từng hồi theo cơn mưa, khiến bật trào nên những tiếng gào. Trong nhạc, ngay ở chỗ "Chiều nay còn mưa sao em không lại?" thì đúng vào chỗ chuyển tông, lên giọng, nghe như hờn trách, giận dỗi ghê lắm. Mà rồi, Bước chân em xin về mau Về mau là về mau ở đâu? Về nhà em ư? Không lẽ anh xui em về nhà em để anh tiếp tục gào thét, mong đợi? Vậy về mau là từ trường về nhà, nhanh chân ghé đến chỗ hẹn hò. Em hãy về mau đến chỗ hẹn hò, nơi có anh đang ngóng đợi. Ðừng tưởng rằng lòng anh cũng lầm lì như mặt anh mà không biết khổ đau sầu muộn nhớ thương giận hờn nhé! Nhìn ra ngoài triền núi kìa, có những bia đá đang hứng từng đợt mưa tầm tã ngày đêm. Chúng nó cũng đau như lòng anh đau đấy! Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động Làm sao em biết bia đá không đau? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ðể người phiêu lãng quên mình lãng du Mưa rơi, rơi mãi như thế mà em không bao giờ ghé về nữa thì làm sao anh chịu đựng nổi. Cho nên, xin mưa hãy kéo qua miền đất rộng phía bên kia, đừng rơi xuống cái nơi hò hẹn này nữa. Ở đây, có thể hiểu hai cách. Thứ nhất, miền đất rộng chính là nơi thi nhân đang đứng chờ đợi người yêu đến; thứ hai, miền đất rộng là chỗ khác, xa hơn. Nếu là cách thứ nhất thì không hợp lý. Chẳng lẽ lại muốn mưa nhiều hơn nữa ở chỗ hò hẹn, dù rằng mưa sẽ là cái cớ để được gần nhau chốc lát. Cách thứ hai có vẻ hợp lý hơn. Nghĩa là thi nhân mong cho mưa kéo đi nơi khác. Như vậy thì người phiêu lãng mới quên được sự lãng du của mình. Là sao? Cuộc tình là một chuyến lãng du ư? Chuyến lãng du ấy trở nên huyền hoặc khó cưỡng khi có những chuyến mưa thay nhau rơi xuống? Có lẽ là vậy. Cho nên, chàng đứng nơi chỗ hò hẹn, muốn nói rằng, nếu mưa hoài thì phải có nhau; còn như không có nhau thì đừng mưa làm gì cho lòng thêm rũ rượi tan nát. Câu chuyện cũng đơn giản như thế, nhưng qua lời thơ và tiếng nhạc của thi nhân nhạc sĩ này, trở thành bản nhạc bất hủ, thích hợp cho bao cặp nhân tình đang tuổi hò hẹn trên quê hương, qua nhiều thế hệ, qua nhiều cơn mưa không tên tuổi, không ngày tháng, rơi trên những tháp cổ, tháp giáo đường, tháp chùa, và những bia đá biết đau trong nghĩa trang và những triền núi đậm ghi bao kỷ niệm... Giờ thì nghe Khánh Ly hát nè: nhaccuatui/bai-hat/diem-xua-khanh-ly.VUeaRZUqZG.html
Posted on: Sat, 29 Jun 2013 06:20:49 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015