CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI Khi chúng ta đã thấy - TopicsExpress



          

CHIẾN ĐẤU VỚI TỘI LỖI Khi chúng ta đã thấy những phẩm tính tốt và những khiếm khuyết của các loại tính khí và hiểu rằng việc đào tạo cá tính trước hết là nhiệm vụ của mỗi người, thì chúng ta đã chuẩn bị để nghiên cứu vấn đề liên quan tới việc hoán cải và sự tăng trưởng nhân đức. Ngay từ đầu, chúng ta không thể quá nhấn mạnh đến ảnh hưởng mạnh mẽ của khuynh hướng thiên về điều thiện và điều ác đã bám rễ trong chính tính tình của cá nhân, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhấn mạnh đến khả năng của mỗi người, nhờ ơn Chúa trợ giúp, có thể đạt tới sự hoàn thiện và trưởng thành Kitô giáo cách viên mãn. Đáng tiếc thay, vì hậu quả của nguyên tội, chính bản tính chúng ta đã bị thương tích, như lời Kinh Thánh, khuynh hướng về sự xấu xem ra làm chúng ta hướng về tội lỗi ngay từ lúc còn niên thiếu. Do đó, căng thẳng và đấu tranh xảy ra giữa tình yêu Thiên Chúa dẫn tới sự hoàn thiện, và tình yêu bản thân làm ta quay về với chính mình, với một tình yêu vị kỷ không phù hợp với tình yêu quảng đại là đức ái.[1] I. BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI Người ta đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau để mô tả tội lỗi. Định nghĩa của thánh Augustin thuộc loại cổ điển: tội là bất cứ tư tưởng lời nói hay việc làm chống lại Luật Chúa. Cựu Ước gọi tội lỗi là ngoại tình thiêng liêng (huỷ bỏ giao ước với Thiên Chúa) một loại tôn thờ ngẫu tượng (phục vụ những thần dối trá của lòng tự ái), hay đơn giản là không tuân theo những đòi hỏi của tôn giáo và đức ái. Tuy nhiên, Tân Ước trong khi vẫn duy trì khái niệm về tội như là sự vi phạm giao ước giữa Thiên Chúa và con người, còn nhấn mạnh hơn đến tội lỗi như một sự thất bại trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nó đem lại một nhãn quan mới về tội, nhấn mạnh đến tình bác ái huynh đệ (khía cạnh xã hội của tội), và cho thấy có một số tội gọi là tội quên sót hay bỏ không làm. Thánh Tôma Aquinô theo sát truyền thống Tin Mừng khi người khẳng định rằng: tội là sự xa rời cùng đích chân thật của con người, tội hình thành trong ý muốn, và do đó, mỗi tội dù với tên gọi là gì đi nữa, chủ yếu vẫn là một hành vi yêu mình đối nghịch với tình yêu Thiên Chúa.[2] Hiện nay, người ta đã cố gắng trình bày một nền thần học mới về tội, không bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng từ con người. Thực ra, đối với nhiều người, thuật ngữ "nhân học" hầu như đã thay thế từ ngữ "thần học". Nhưng tội, trong Thánh Kinh và thần học truyền thống chủ yếu vẫn là sự khiếm khuyết trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hiểu tội theo thần học, nghĩa là từ quan điểm của Thiên Chúa, chúng ta phải chuyển nó qua những gì thuộc về kinh nghiệm của chúng ta. Đó là lý do chúng ta nói về tội như một thứ bệnh tật hay là sự chết. Điều khó khăn là có một số thần học gia dùng khoa nhân học để loại bỏ hoàn toàn tội lỗi; những người khác ngụ ý rằng khi một người, về cơ bản đã chọn Thiên Chúa, thì người đó không thể phạm tội trọng được, và kết quả là không thể không đạt được cùng đích của mình. Trong khi những người khác coi Thiên Chúa như là Đấng từ bi tuyệt đối, hoặc cho rằng bao lâu người ta còn yêu mến Thiên Chúa, thì không cần đến với Bí tích Hoà Giải để được tha các tội trọng.[3] Cả ba quan điểm này đều sai lầm và phá huỷ mọi sự tiến bộ chân thật trong sự thánh thiện, làm mất sự hoán cải đích thực. "Theo quan điểm luân lý mới, nguyên tắc tuyệt đối duy nhất là yêu. Trong khi không có ý tranh luận về tất cả những phức tạp mà quan niệm này đưa ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng đối với quần chúng, e rằng không còn những tiêu chuẩn luân lý khách quan và không có những hành động được coi là hoàn toàn có tội. Trong giáo lý về tội, điều này dẫn đến việc từ chối đề cập đến Mười Điều Răn hoặc chối từ chấp nhận bất cứ hành động tội lỗi khách quan nào... Người ta thường tuyên bố rằng: Kitô giáo không phải là một bộ phận luân lý mới, nhưng là một đời sống mới trong Chúa Kitô. Nhưng đó là một sự quá giản đơn có thể dẫn đến một sự buông thả về luân lý... Giáo lý về tội định rõ một số hành động nào đó đáng trách về phương diện luân lý, và đấy là một khía cạnh cần thiết trong việc trình bày Kitô giáo."[4] Thiên Chúa là Tình Yêu, ngoài ra, Người còn có nhiều phẩm tính khác nữa. Chẳng hạn sự tôn kính có thể được gọi cách chính đáng là giới luật đầu tiên buộc mọi tạo vật. Sự tôn kính hay, nếu bạn muốn, sự kính sợ này đặt nền tảng trên sự thánh thiện và uy quyền của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa chỉ như là Tình yêu, chúng ta sẽ rơi vào một thái độ tình cảm, qua đó, Thiên Chúa chấp nhận cái nhìn của chúng ta về sự vật. Chúng ta hướng dẫn Thiên Chúa thay vì Người hướng dẫn chúng ta. Thực sự chúng ta đang ấp ủ lòng tự ái và ý riêng dưới một sự trá hình thiêng liêng. Chúng ta làm cho Thiên Chúa trở thành một người Cha hay nuông chiều. Người yêu chúng ta quá nên đã làm hư chúng ta, nhưng Thiên Chúa đâu phải như vậy... Và cũng vì thế mà Người không thể từ bỏ một phần của chính Người là chân lý không bao giờ thay đổi để đáp ứng cách nhìn chủ quan và cách suy tư mơ mộng của chúng ta.[5] Chúng tôi nhắc lại, yếu tố trọng tâm của đời sống mới trong Đức Kitô là tình yêu. Yêu Thiên Chúa, yêu mình và yêu tha nhân trong Thiên Chúa. Tội là sự từ khước, sự thất bại hay một sự bóp méo tình yêu là đức ái. Chúng ta thường phân biệt tội chủ quan và tội khách quan, thực sự tội luôn là tội của cá nhân. Hơn nữa, tội cá nhân đòi ý thức đầy đủ (cân nhắc kỹ lưỡng), tự do chọn lựa và hành động (tự nguyện). Sau cùng, tội có nhiều mức độ nghiêm trọng, vì thế chúng ta nói về những tội trọng (tội làm cho chết), và tội nhẹ (có thể tha thứ được). Những chi tiết thần học về tội như là những giới luật khác nhau buộc thành tội, những tội do việc làm hay bỏ không làm, và mức độ phạm tội, là những vấn đề dành cho các nhà thần học luân lý.[6] II. TỘI TRỌNG Thành ngữ "tội trọng" (Mortal sin) vẫn còn là một thành ngữ hữu ích bởi vì nó định rõ tội là sự chết; tội tiêu diệt đời sống ơn thánh trong tâm hồn hay đào sâu hố ngăn cách cá nhân với Thiên Chúa. Do đó, tội trọng là kẻ thù xấu nhất của đời sống người Kitô hữu, và là điều duy nhất tách chúng ta khỏi Thiên Chúa do sự huỷ diệt đời sống ân sủng trong chúng ta. Nếu một tội trọng có thể gây ra những hậu quả phá huỷ như thế thì không khó gì để tưởng tượng ra tình trạng đáng thương của những người sống trong tội trọng thường xuyên. Cũng giống như tất cả các thói quen khác, có thể thói quen phạm tội đã trở thành bản tính thứ hai đối với tội nhân, nên khó trở lại với đời sống nhân đức. Đúng hơn, tư cách cá nhân sẽ được định rõ bởi một hay nhiều mối tội đầu như kiêu ngạo, tham ăn, dâm ô, tham lam, lười biếng, ghen tương, giận dữ. Nói chung, chúng ta có thể phân biệt bốn loại tội nhân, và sự phân biệt này thật hữu ích cho các vị giải tội và những vị giảng thuyết, khi họ ý thức về những sự khác biệt đó, để có thể dùng những phương pháp tốt nhất mà hướng dẫn tội nhân hoán cải.[7] 1. Người phạm tội do vô tri Chúng ta không nói đến sự vô tri bất khả thắng, là vô tri có thể bào chữa cho tội nhân hoàn toàn khỏi chịu trách nhiệm trước hành vi tội lỗi, nhưng chúng ta đề cập đến sự vô tri do một sự giáo dục quá thờ ơ, hoặc do môi trường không chấp nhận ảnh hưởng tôn giáo. Những người sống trong những hoàn cảnh như thế thường có một chút nhận thức về sự xấu xa của tội. Họ ý thức rõ ràng những hành động như thế không đúng với đạo dức, dần dần, họ cũng cảm thấy hối hận. Trong bất cứ trường hợp nào, họ đều có thể phạm tội trọng với sự cân nhắc. Đồng thời trách nhiệm của những người như thế được giảm đi phần lớn trước mặt Thiên Chúa: Nếu họ ác cảm với một điều có vẻ không chính đáng hay tội lỗi đối với họ; nên dù có những ảnh hưởng ngoại tại, họ vẫn giữ được sự ngay thẳng căn bản và nhất là trong giờ chết, nếu họ nâng tâm hồn lên tới Chúa, lòng đầy thống hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, chắc chắn họ sẽ được phán xét với lòng từ bi nhân hậu. Nếu Đức Kitô khuyên chúng ta, kẻ xin nhiều sẽ được cho nhiều (Lc 12,48), thì thật có lý để nghĩ rằng những kẻ xin ít sẽ nhận được ít. Những tâm hồn như thế thường trở về với Thiên Chúa với một sự sẵn sàng tương đối khi có cơ hội. Bởi vì đời sống cẩu thả không phát sinh từ chính tính hiểm độc nhưng là do sự vô tri, bất cứ hoàn cảnh nào gây nên một ấn tượng cho tâm hồn và làm cho tâm hồn trở về với chính mình, hoàn cảnh ấy đủ để khiến họ trở về với Thiên Chúa. Cái chết của một thành viên trong gia đình, một bài giảng trong một dịp tĩnh tâm, hay gặp được một môi trường tôn giáo đủ để hướng dẫn những tâm hồn như thế đi đến những con đường ngay chính. Linh mục nào có nhiệm vụ coi sóc họ, phải tận tâm chu toàn việc huấn luyện về tôn giáo cho họ, kẻo họ lại trở về với tình trạng cũ.[8] 2. Người phạm tội do yếu đuối Loại tội nhân thứ hai gồm những người yếu đuối, thiếu sức mạnh ý chí, dễ hướng chiều về những thú vui nhục dục, tối dạ, lơ đễnh hoặc nhát đảm. Họ than khóc lỗi lầm của mình, họ khâm phục những người tốt và ước ao trở thành một trong những người đó, nhưng họ thiếu can đảm và nghị lực để thực hiện. Những tâm tình này không bào chữa cho họ khỏi tội; trái lại, họ đáng khiển trách hơn những người phạm tội vì không biết, vì họ phạm tội với sự hiểu biết rõ ràng hơn. Nhưng từ bản chất thì họ yếu đuối hoặc là độc ác. Người có nhiệm vụ về lợi ích thiêng liêng của họ, hướng dẫn họ lãnh nhận thường xuyên các bí tích, hồi tâm và tránh các dịp tội.[9] 3. Người phạm tội cách thản nhiên Loại tội thứ ba là những người phạm tội một cách thản nhiên, lạnh lùng không chút áy náy, họ thờ ơ đối với tiếng nói của lương tâm, họ khinh bỉ một cách có phương pháp đối với những lời khuyên bảo của những ai muốn giúp họ. Tất cả những điều này làm chai cứng con tim họ đến mức phải có một phép lạ thực sự của ân sủng thì họ mới trở về với con đường ngay thẳng. Có lẽ những phương tiện dẫn họ trở về với Thiên Chúa hữu hiệu nhất là khuyến khích họ tham dự vài hình thức linh thao với một nhóm người cùng nghề nghiệp hay cùng điều kiện xã hội; chẳng hạn tĩnh tâm, mục vụ giáo xứ, hay phong trào Cursillo. Thường đối với loại người này, việc cố gắng chân thành tham dự một hình thức linh thao, nhiều khi giúp họ nhận được nhiều hồng ân lớn lao của Chúa đang sẵn chờ họ ở đó, nhất là khi việc này được đề nghị cách tế nhị. Thỉnh thoảng xảy ra những cuộc trở lại gây kinh ngạc, những cuộc đổi đời tận căn và khởi sự một cuộc sống đạo đức, nhiệt thành nơi những người trước đây sống hoàn toàn quên Thiên Chúa. Vị linh mục nào có cơ hội trở thành khí cụ lòng thương xót của Thiên Chúa, phải lưu tâm đến hối nhân và với sự hướng dẫn khôn ngoan, thận trọng, cố gắng đảm bảo cho sự trở về với Thiên Chúa được dứt khoát và bền vững.[10] 4. Người phạm tội với sự hiểm độc tinh vi và cố chấp Loại tội nhân thứ bốn đáng trách nhất, những người này phạm tội với sự hiểm độc tinh vi và cố chấp quái gỡ. Khởi đầu, họ có thể là những tín hữu tốt nhưng dần dần, càng ngày họ càng sa đọa cho đến khi tâm hồn bị tội lỗi khuất phục hoàn toàn. Và rồi xảy ra những hậu quả không thể tránh được là phản bội và bỏ đạo. Những rào cản cuối cùng đã bị bẻ gãy và lúc này những người đó dễ mắc phải bất cứ loại hỗn loạn nào về đạo đức. Họ công kích tôn giáo và Giáo hội, và có thể gia nhập bè phái không Công giáo và nhiệt thành hăng say truyền bá giáo thuyết của nó nữa. Một người như thế đã chủ tâm đóng cửa lòng trước mọi khả năng trở về với Thiên Chúa, họ nói với bạn bè và thân hữu: “Nếu trong giờ chết tôi yêu cầu mời một linh mục giải tội, xin đừng mời ông ta đến, bởi vì tôi ở trong tình trạng mê sảng.” Cố gắng chinh phục những người này bằng sự thuyết giảng và khuyên bảo là điều vô ích. Sẽ không gây một ấn tượng nào trên họ lại còn có thể đem đến một hậu quả trái ngược. Phương pháp độc nhất phải dùng là phương pháp hoàn toàn siêu nhiên: cầu nguyện, giữ chay, kiên trì trông cậy vào Đức Trinh Nữ Maria. Sự trở về của họ cần có ơn đặc biệt của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa không luôn luôn ban như thế, mặc dù có nhiều lời cầu nguyện và khẩn khoản van nài. Dường như những tội nhân này đã làm mất hết sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và được tiền định trở nên bằng chứng sống động cho sự công bình nghiêm khắc của Thiên Chúa, bởi vì, họ đã lạm dụng lòng nhân từ của Người.[11] Chúng ta kết luận bằng một lời khẳng định của thánh Têrêsa về sự nghiêm trọng của tội nặng. “Có lần tôi đã nghe một vị linh hướng nói rằng, ngài không ngạc nhiên nhiều về một linh hồn mắc tội trọng đã làm, cho bằng về những gì họ đã không làm. Xin Chúa nhân từ cứu chúng ta khỏi sự dữ lớn lao ấy. Vì không có gì trong suốt cả cuộc sống chúng ta hoàn toàn đáng được gọi là sự dữ như sự dữ ấy, vì hậu quả của nó đem lại sự dữ đời đời.”[12] III. TỘI NHẸ 1. Phân loại 1.1. Phân biệt ba loại tội nhẹ Để phân biệt với tội trọng thì tội nhẹ đơn giản là một sự trệch đường và không phải hoàn toàn đi ngược lại với những cùng đích tối hậu. Nó là một thứ bệnh tật nhưng không nguy tử. Người phạm tội trọng giống như một người lữ hành quay lưng lại với đích phải tới và bắt đầu đi về hướng đối nghịch; trong khi người phạm tội nhẹ chỉ ra khỏi con đường thẳng nhưng không bỏ cuộc hành trình tiến về đích phải đến của mình. Chúng ta có thể phân biệt 3 loại tội nhẹ: - Những điều do chính bản chất của nó đã bao hàm một sự hỗn loạn hay trệch đường dù chỉ là một điều nhẹ, như một lời nói dối nhỏ mọn không làm thiệt hại ai. - Những điều do sự nhỏ mọn của vấn đề chỉ tạo nên một sự hỗn loạn không đáng kể như ăn cắp một món tiền nhỏ. - Những việc làm khi thiếu suy nghĩ chín chắn, hay thiếu ưng thuận hoàn toàn trong những vấn đề ở mặt khác là những tội trọng, như kêu danh Chúa cách vô cớ.[13] 1.2. Sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ Có sự khác biệt sâu xa giữa sự dữ của tội trọng và tội nhẹ, vì tội nhẹ không tạo nên một sự xúc phạm thực sự chống lại Thiên Chúa. Thánh Têrêsa nói về điều này: “Tôi đã suy nghĩ kỹ, xin Chúa đừng bao giờ để chúng ta phạm tội, dầu nhẹ đến đâu cũng vậy. Phạm tội chống lại Đấng Siêu Việt vĩ đại như thế và nhận thức rằng Người đang nhìn xem chúng ta, đối với tôi, điều đó xem ra là một tội ác cố tình, dường như người ta muốn nói: Lạy Chúa, mặc dù điều này làm mất lòng Chúa, nhưng con cũng sẽ làm điều đó. Con biết Chúa thấy điều đó và con biết Chúa không muốn con làm điều đó dù con hiểu như thế nhưng con muốn theo ý riêng và ước muốn của con hơn ý Chúa. Nếu chúng ta phạm một tội như thế dù nhẹ, đối với tôi, sự xúc phạm của chúng ta không phải nhỏ nhưng rất lớn.”[14] Do đó, cần phân biệt giữa tội nhẹ phạm vì yếu đuối, bất ngờ hay thiếu chủ ý và cân nhắc kỹ lưỡng với những tội phạm cách nhẫn tâm và hoàn toàn ý thức, chỉ có thứ tội này mới là điều làm mất lòng Chúa. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tránh được những tội nhẹ do yếu đuối và Thiên Chúa, Đấng biết rất rõ nắm đất sét nhờ đó ta được tạo thành, Người sẵn sàng tha thứ cho chúng ta những tội phạm vì yếu đuối. Điều duy nhất một người có thể làm là cố gắng hết sức để giảm bớt số tội và tránh sự ngã lòng. Thánh Salêsiô nói về hoàn cảnh này: “Mặc dù việc cảm thấy chán nản và hối hận vì đã phạm bất cứ lỗi lầm nào là điều hợp lý, nhưng sự nản lòng này không được là sự chua chát, giận dữ, gay gắt hay cáu kỉnh, đây là khuyết điểm lớn của những người thấy mình nóng giận lại trở thành bất nhẫn với các tính thiếu kiên nhẫn của mình, và trở nên tức giận vì thái độ giận dữ của mình. Giống như sự quở trách thân ái và ngọt ngào của một người cha gây nhiều ấn tượng trên đứa con hơn là cơn thịnh nộ và giận dữ của ông ta. Cũng vậy, nếu chúng ta trách cứ con tim chúng ta khi nó phạm lỗi với sự quở trách êm đềm, ngọt ngào, cảm thông hơn là giận dữ, và thức tỉnh con tim để sửa chữa, thì chúng ta sẽ thành công trong việc khơi dậy một lòng thống hối sâu xa hơn là khơi dậy sự bực bội, giận dữ và băn khoăn. Do đó, hãy hết sức chê ghét những xúc phạm làm mất lòng Chúa, can đảm và tin tưởng vào lòng thương xót của người, và hãy bắt đầu lại việc thực hành nhân đức mà ta đã bỏ.”[15] Nếu người ta hành động như thế, phản ứng mau lẹ chống lại những lỗi lầm do yếu đuối với một lòng thống hối sâu xa tràn đầy lòng hiền hoà, khiêm nhường và tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa, thì những yếu đuối này ít khi để lại dấu vết nào trong tâm hồn và chúng sẽ không tạo nên một chướng ngại trầm trọng trên con đường nên thánh của chúng ta. Nhưng khi phạm tội nhẹ cách nhẫn tâm, với suy nghĩ chín chắn và hoàn toàn ý thức thì chúng tạo nên một chướng ngại cho sự trọn lành.[16] Tu sĩ Dòng Tên người Pháp Louis Lallemant nói: “Người ta ngạc nhiên thấy nhiều tu sĩ sau khi đã sống 40 năm hay 50 năm trong tình trạng ân sủng... nhờ đó, nhận được mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần rất cao - tôi nói, người ta ngạc nhiên khi thấy đời sống của họ hoàn toàn theo tự nhiên; khi được sửa dạy hay khi nản lòng họ tỏ ra phẫn uất... họ lưu tâm nhiều đến lời chúc tụng, sự tôn kính, tán thưởng của thế gian, họ cảm thấy hạnh phúc và yêu thích tìm kiếm sự yên ủi và những gì thoả mãn tình yêu vị kỷ của họ. Không có lý do gì đáng ngạc nhiên - Tội nhẹ phạm liên tục sẽ ngăn cản hồng ân của Chúa Thánh Thần và không có gì lạ khi họ không đạt được hiệu lực của ân sủng. Thực ra, những hồng ân này lớn lên cùng với đức ái theo tập quán trong con người thể lý của họ, nhưng lại không thực sự lớn lên trong hành động và trong sự hoàn thiện phù hợp với lòng bác ái nhiệt thành và tăng thêm công trạng trong chúng ta, bởi vì tội nhẹ đối nghịch với sự nhiệt thành của đức ái làm trở ngại sức hoạt động của ơn Chúa Thánh Thần. Nếu những tu sĩ này cố gắng đạt tới sự thanh khiết của tâm hồn, thì sự nhiệt thành của đức ái sẽ càng ngày càng tăng lên trong họ và những hồng ân của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cách cư xử của họ, nhưng điều này là không bao giờ biểu hiện rõ ràng nơi họ, vì họ sống mà không hồi tâm, không lưu ý đến đời sống nội tâm, để cho khuynh hướng tự nhiên điều khiển và hướng dẫn mình, và chỉ tránh những tội trọng trong khi lại coi thường những điều nhỏ mọn.”[17] 2. Hậu quả của tội nhẹ Tội nhẹ có 4 hậu quả đặc biệt làm thiệt hại cho đời sống tâm linh: 2.1. Tội nhẹ tước đoạt nhiều ơn hiện sủng Nó tước đoạt của ta nhiều ơn hiện sủng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sự thiếu ơn sủng này, đôi khi dẫn đến hậu quả là chúng ta bị rơi vào những cám dỗ mà ta có thể tránh được nhờ ơn hiện sủng. Khi khác, nó có thể gây ra hậu quả là đánh mất một bước tiến mới mẻ trong đời sống tâm linh. Chỉ trong ánh sáng vĩnh cửu - và không có cách nào khác, chúng ta mới nhận ra được những gì chúng ta đã mất vì hậu quả của những tội mọn cố tình. 2.2. Tội nhẹ làm giảm lòng nhiệt thành phụng sự Chúa Nó làm giảm sự nhiệt thành của đức ái và sự quảng đại của con người trong việc phụng sự Chúa. Sự nhiệt thành và lòng quảng đại này giả định ước vọng chân thành đến sự trọn lành và cố gắng kiên trì để đạt được điều đó, những điều này không thể có nơi những người phạm tội mọn cố tình, bởi vì tội mọn cố tình bao hàm một sự từ bỏ lý tưởng cao cả và việc chủ tâm dừng lại trong khi chiến đấu để đạt tới sự thánh thiện ở bậc cao hơn. 2.3. Tội nhẹ làm gia tăng các trở ngại trong việc tập luyện các nhân đức Nó làm tăng khó khăn trong việc luyện tập nhân đức. Đây là kết quả của hai hậu quả trên. Bị tước đoạt nhiều ơn hiện sủng cần thiết để chúng ta tiếp tục con đường hoàn thiện, và bị suy yếu về lòng nhiệt thành và quảng đại phục vụ Thiên Chúa, linh hồn càng ngày càng mất đi năng lực thiêng liêng. Việc thực hiện nhân đức trở nên khó khăn hơn, nỗ lực cần để trưởng thành trong sự thánh thiện ngày càng kém đi và kinh nghiệm của những thất bại đã qua làm cho linh hồn mất nhuệ khí. 2.4. Tội nhẹ dễ dàng đưa đến tội trọng Đưa đến tội trọng. Điều này được chứng minh rõ trong Kinh Thánh: “Ai bỏ qua điều nhỏ mọn thì dần dần sẽ bị tước đoạt trần trụi.” (Hc 19,1). Kinh nghiệm cho thấy sự sa ngã cuối cùng của nhiều linh hồn đã khởi đầu bằng con đường này. Linh hồn hạ thấp hàng rào bảo vệ dần dần cho tới khi quân thù tiến vào chiếm lấy thành bằng một cuộc tấn công hung bạo. Để tránh tội và thói quen phạm tội nhẹ, người ta phải trung thành với việc xét mình - tổng quát và riêng biệt - tăng cường tinh thần hy sinh, trung thành với việc cầu nguyện, cẩn thủ sự trầm tĩnh nội tại và ngoại tại trong phạm vi mà bổn phận của bậc sống cho phép; vun trồng lòng sùng kính, hiếu thảo đối với Mẹ Maria; nhớ đến gương các thánh. Tránh tội nhẹ không phải là việc dễ, nhưng dù khó khăn, cũng có thể đạt được nhờ sự đấu tranh kiên trì và nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn.[18] IV. KHUYẾT ĐIỂM Chúng ta đã bàn đến ý nghĩa thần học của những khuyết điểm và đã xác định khuyết điểm luân lý khác với tội nhẹ. Một hành động tự bản chất tốt thì không hết tốt, ngay cả khi nó có thể tốt hơn. Trái lại, tội nhẹ là một cái gì đó xấu tự bản chất, nhưng là một sự xấu nhẹ. Tuy nhiên, khuyết điểm làm thiệt hại cho đời sống tâm linh và ngăn cản tâm hồn bay bổng tới sự thánh thiện. Thánh Gioan Thánh Giá bàn về vấn đề này khi người phân biệt giữa tội nhẹ và khuyết điểm: “Một số thói quen phạm những khuyết điểm tự ý, nếu không được chế ngự hoàn toàn, thì không những chúng ngăn cản việc đạt tới sự kết hiệp với Thiên Chúa mà còn ngăn cản sự tiến bộ trên đường hoàn thiện nữa. Những khuyết điểm đã thành thói quen, chẳng hạn: thói quen nói nhiều hoặc đôi chút quyến luyến mà chúng ta không bao giờ muốn chế ngự... Nếu tâm hồn quen bị ràng buộc, dù chỉ một trong số các khiếm khuyết đó, cũng gây ra một sự thiệt hại lớn cho việc phát triển và tiến tới trong đàng nhân đức, nói chi về những người hằng ngày sa ngã vào một số lớn những khuyết điểm và những tội nhẹ khác. Bao lâu còn trong tình trạng đó, sẽ không có khả năng tiến bộ trong sự hoàn thiện cho dù khuyết điểm đó hết sức sơ sài. Bởi vì, giống như một con chim dù bị buộc bởi một sợi dây mỏng manh hay bằng một sợi dây thừng chắc chắn, bao lâu nó chưa cắt đứt được sợi dây ấy, thì nó không thể bay lên được. Và vì thế, dù đã có được nhiều nhân đức, nếu linh hồn còn bị ràng buộc với bất cứ một điều gì cũng sẽ không đạt tới sự tự do để kết hiệp với Thiên Chúa.”[19]. Đạo lý này được Thánh Tôma xác nhận khi người bàn về sự gia tăng các tập quán. Theo thánh Tôma, Đức Ái và những tập quán phú bẩm khác chỉ tăng thêm do một hành động có cường độ mãnh liệt hơn do ơn hiện sủng đem đến, chính hành động đó tăng cường tập quán. Do đó, cầu nguyện hết sức quan trọng trong lãnh vực này, bởi vì phương thế độc nhất để chúng ta có thể lãnh nhận ơn hiện sủng là cầu xin tha thiết, vì hiện sủng không được ban do công trạng theo đúng nghĩa của từ này. Chính bản chất của khuyết điểm là một hành động hời hợt hoặc là cố ý khước từ một hành động mãnh liệt hơn. Do đó, nếu người ta không từ bỏ những khuyết điểm cố tình thường phạm thì không thể tiến tới trong sự hoàn thiện. Đây là lý do, tại sao trong thực tế có nhiều người có dư khả năng nên thánh mà lại thất bại, và đã có quá ít những vị thánh thực sự. Nhiều linh hồn sống thường xuyên trong ơn sủng của Chúa, không bao giờ phạm tội trọng và còn dùng mọi nỗ lực để tránh tội nhẹ. Tuy thế, họ vẫn đứng lì tại chỗ trong nhiều năm và không tiến bộ trong đàng thánh thiện. Chúng ta có thể giải thích hiện tượng này thế nào? Câu trả lời là họ đã không nỗ lực tránh những khuyết điểm cố tình, họ không cố gắng chặt đứt sợi dây mỏng manh buộc chặt họ với thế gian và ngăn cản họ bay lên đỉnh cao. Do đó, cần tiến hành một trận chiến không ngừng để chống lại những khuyết điểm cố tình nếu chúng ta luôn muốn đạt tới hiệp nhất hoàn toàn với Thiên Chúa. Linh hồn phải luôn vươn tới sự hoàn thiện cao hơn và cố gắng làm mọi việc cách tích cực tối đa. Đương nhiên, chúng tôi không muốn nói rằng, chúng ta phải ở trong tình trạng căng thẳng liên tục. Chúng ta đặc biệt muốn nói tới sự hoàn thiện của những động cơ dẫn chúng ta đến hành động: làm mọi sự với ý hướng ngay lành nhất có thể, với ước muốn mãnh liệt làm vinh danh Chúa, với sự phó thác hoàn toàn cho Chúa để Chúa Thánh Thần có thể hoàn thành việc điều khiển tâm hồn chúng ta và cùng hành động với ta theo ý Người. Như vậy, mục tiêu của chúng ta là sự biến đổi hoàn toàn trong Đức Kitô, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).[20] Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ
Posted on: Wed, 11 Sep 2013 00:50:23 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015