Cái gì trói buộc con người Thích Đạt Ma Phổ - TopicsExpress



          

Cái gì trói buộc con người Thích Đạt Ma Phổ Giác Ai trói ta, ai buộc ta? - Ta tự trói, ta tự mở, không ai có thể mở dùm cho ta được, phải không các bạn. ĐÔI LỜI TÂM SỰ Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ làm nghề nông, trong nhà có nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà, còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày, trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chiều tối mới về, còn chó ta chỉ việc nằm phè ở nhà dòm chừng trong ngoài trước sau. Một hôm, trâu đi cày về, thấy chó nằm dài trước cửa nhà, mắt nhắm lim dim trông thật nhàn hạ, thoải mái, sung sướng làm trâu ganh tị, tức tối, muốn điên lên, bèn nói lời mỉa mai rằng: “chú chó nhà mày thật hạnh phúc quá, ăn rồi chỉ đi loanh quanh, lẫn quẩn trong xó nhà, lúc nào làm biếng thì nằm phè ra đó. Mày thật là có phước nhất nhà này”. Chó nhà ta nghe trâu nói lời hậm hực, nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ rằng trâu tuy to xác nhưng không có chút trí tuệ nào, mới phát ra những lời lẽ không được văn hóa như thế. Chó bèn nói với trâu rằng: “này anh trâu ơi, anh không thể nào hiểu hết hoàn cảnh của tôi đâu, tôi nào có sung sướng hạnh phúc gì như anh tưởng. Anh tuy làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đồng ruộng, nhưng còn có thời gian để nghỉ ngơi. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật ra tôi rất mệt mỏi và căng thẳng lắm. Tôi tuy nằm lim dim mà trong lòng lúc nào cũng lo sợ phập phòng, cứ phải nơm nớp không yên vì sợ mất mát đồ đạc của ông bà chủ, không dám lơ là hay chểnh mảng một chút nào. Nếu ngủ quên hay sơ ý để xảy ra mất trộm, thì tôi khó mà sống được yên thân. Đêm đêm, trong khi mọi người yên giấc ngủ ngon lành, thì tôi có được nghỉ ngơi gì đâu, tôi phải vểnh lỗ tai lớn ra để nghe ngóng, dòm ngó động tĩnh trước sau, đề phòng kẻ gian, hễ nghe có tiếng động gì thì phải sủa to lên để báo cho chủ nhà hay biết. Hôm nào, hai vợ chồng chủ nhà vui vẻ thì tôi được cho ăn no đủ một tí, khi hai người giận nhau hay buồn bực chuyện gì, họ đều trút đổ lên đầu tôi hết. Họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi như là con chó ghẻ vậy đó. Mỗi khi gia đình, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa, họ chửi tôi là đồ ngu dốt, “bộ mày mắt đui hả? Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ chửi rủa, đánh đập đuổi đi. Anh trâu à, anh thử suy nghĩ coi, anh và tôi ai sướng hơn ai?”. Trâu nhà ta nghe nói vậy mới hiểu được hoàn cảnh khổ tâm của chó, nên trong lòng rất ăn năn và hối hận vô cùng, bởi những lời nói xổ sàng, trịch thượng của mình. Trâu ta liền xin lỗi chó: “đúng là mày còn vất vả khổ sở hơn tao rất nhiều. Tao với mày tuy ở chung một nhà, mà chưa có một lần nào được trò chuyện tâm tình, nên mới hiểu lầm mà trách móc lẫn nhau. Bây giờ tao đã hiểu hết nỗi khổ niềm đau của mày rồi, tao nghe mày nói tao mới biết, cả hai chúng ta đều khổ cả, chẳng ai sung sướng gì đâu”. Đang nói chuyện với chó, trâu bỗng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn lên mà ước ao được như thế, rồi ngậm ngùi thương xót cho số phận của mình và chó, sao quá khổ sở nhọc nhằn, rồi tự than thở: “bọn chim trời, cá nước thật là diễm phúc và sung sướng làm sao. Chúng có thể tự do, tự tại bay lượn, bơi lội đó đây mà không bị ngăn ngại, không bị ai giam cầm, quản thúc, không phải làm việc nhọc nhằn, vất vả, không phải chịu nỗi khổ, niềm đau của kiếp làm tôi mọi cho con người. Giá mà chúng ta, có được cuộc sống vui vẻ như hai loài chim, cá thì vui sướng hạnh phúc biết chừng nào”. Khi ấy, một chú chim nghe lời trâu than vãn, bèn đáp lên lưng trâu mà nói rằng: “bác trâu ơi, bác đâu có biết, chúng cháu cũng chả sung sướng gì như bác nghĩ đâu. Tuy loài chim chúng cháu không phải trông nhà giữ cửa, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc kèm kẹp của con người, nhưng chúng cháu cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình, bác trâu ạ. Mạng sống chúng cháu luôn bị đe dọa từng ngày, chúng cháu lo sợ các chú chim lớn rình mò, chụp bắt đã đành, lại còn lo sợ những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng cháu bất cứ lúc nào không hay. Tổ của chúng cháu làm rất khó khăn, vất vả biết bao, chưa chắc đã ở được lâu ngày vì sự phá hoại của con người. Trứng chúng cháu sinh ra chưa kịp nở, thì đã bị con người lén lấy mất. Loài người lúc nào cũng biết thương yêu, chiều chuộng con cái của mình, nhưng nào biết thương hại các loài vật đâu. Các chú, các bác chỉ bị hành hạ làm lụng khổ sở nhọc nhằn đôi chút, còn chúng cháu lúc nào cũng sống trong lo âu sợ hãi, vì loài người hay tìm cách tước đoạt mạng sống của chúng cháu nữa. Các bác biết đó, đâu phải chết rồi là được yên thân, loài người tàn nhẫn hơn khi đem đi nhổ lông, vặt cánh, xẻ thịt, nấu nướng, làm đủ thứ các món thức ăn, thân thể chúng cháu bị tan nát rã rời. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ có trí khôn của mình nên mặc tình sát sinh, hại vật, nào có biết thương yêu, tôn trọng sự sống của muôn loài gì đâu. Các chú, các bác có cái khổ của các chú, các bác, còn chúng cháu cũng có cái khổ của chúng cháu, sống mà cứ phập phòng nơm nớp lo sợ trong từng phút giây, sống được ngày nào thì mừng cho ngày đó. Thật ra, trên cõi đời này không có loài vật nào được sung sướng cả, nếu có cũng phải trả một giá rất đắc đối với loài người vô liêm sỉ đó”. Bầy cá đang ở dưới nước, nãy giờ nghe bác trâu nói mình sung sướng, thoải mái quá, nên cũng không đồng ý mà vội vàng phân bua rằng: “Dạ, xin thưa với các bác, loài cá chúng con cũng không sung sướng hạnh phúc gì lắm đâu. Nhà cá chúng con thường bị loài người giăng lưới đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả hàng ngàn, hàng vạn con không sao kể hết tội lỗi của loài người. Chúng con lúc nào cũng sống trong lo âu, sợ hãi. Loài người rất khôn ngoan và mưu ma chước quỷ. Nơi nào có chúng con ở là loài người dùng đủ mọi cách câu giăng, lưới bắt, tát cho bằng được. Cá lớn, cá nhỏ gì chúng đều lượm sạch ráo, chẳng tha con nào. Bắt bằng tay, bằng lưới không được thì loài người dùng điện chích, bỏ thuốc độc, để bắt cho được hết loài cá chúng con, các bác ạ”. Trâu nghe chim và cá nói như vậy, mới cảm thấy thương hại cho các loài vật mà ngửa mặt lên trời, than oán thở dài: “Hóa ra các loài vật chúng ta ai cũng khổ hết. Tại sao thượng đế tạo ra nỗi bất công lớn lao thế này, chỉ có con người là được sống sung sướng, hạnh phúc nhất trên cõi đời này mà thôi”. Nói như thế rồi trâu ta buồn bã bỏ đi vào chuồng, nằm suy nghĩ mông lung về thân phận của nó và các loài vật khác sao mà khốn khổ quá. Nó nghĩ mà tức giận thượng đế vô cùng. Tại sao ông ta quá bất công, tàn nhẫn, bất cứ loài vật nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cho đến chúa tể sơn lâm hung dữ, ác độc lừng danh như loài cọp mà cũng bị loài người dùng trí khôn để khống chế. Trâu ta rống lên tiếng rống bi ai, não nuột: “Cuộc đời sao quá bất công, loài người được quyền ăn trên, ngồi trước, có tri thức, hiểu biết, mà tại sao tàn ác, nhẫn tâm đối xử tệ bạc với các loài vật thế này. Ấy vậy mà họ lại được ăn sung, mặc sướng, không phải chịu một sự đau khổ nào”. Đang lúc đó, bỗng trâu nghe rõ ràng tiếng quăng chén, bát, đĩa, muỗng cùng nhiều thứ đồ đạc khác trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết hai ông bà chủ đang lớn tiếng gây gỗ, cãi vã, chửi mắng lẫn nhau. Tiếng ông chủ gào lên trong cơn giận dữ: “Trời ơi, hãy ngó xuống mà coi, sao tôi phải chịu nhọc nhằn khổ sở đến như thế này, làm người gì mà không bằng con trâu, con chó trong nhà nữa. Con trâu đi cày còn có được thời gian để nghỉ ngơi, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu, đa đoan với nhiều công việc, nào là phải lo nhà cửa, vợ con, cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, đám tiệc, hội hè, đình đám, đủ thứ, làm quần quật suốt cả đêm ngày mà không có lúc nào rảnh rỗi, nghỉ ngơi. Tôi phải thức khuya, dậy sớm, đầu tắt mặt tối, làm lụng nhọc nhằn, vất vả khổ sở như vậy, là vì ai? Vậy mà bà vẫn không vừa ý, hài lòng, để cho tôi được yên thân một chút, hễ thấy mặt tôi là bà hạch sách, cằn nhằn, càm ràm, đủ thứ hết. Bà vừa phải thôi chứ, bà mà làm quá tôi sẽ cho cả nhà ra hết chuồng trâu mà ở, để cho vừa lòng hả dạ mấy người”. Nghe ông chủ nhà nổi nóng, to tiếng quát tháo ầm ỉ lên, trâu ta bỗng giật mình, bất giác mà ngậm ngùi than thở rằng: “ Té ra, cuộc sống trên cõi đời này đâu có ai hoàn toàn được sung sướng mà dám bảo đảm rằng mình không bao giờ nhọc nhằn, khổ sở đâu? Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật, ai cũng phải khổ hết, vì có thân này là có khổ”. Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh, sự nghiệp khác nhau. Từ người lãnh đạo đất nước cho đến thứ dân bần cùng đều phải làm việc để lo cơm áo, gạo tiền và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Người nắm cán cân công lý thì chịu trách nhiệm chung lo duy trì hài hòa bảo đảm đời sống an vui, hạnh phúc cho toàn dân. Binh sĩ lo bảo vệ biên cương, bờ cõi, an ninh quốc gia. Thương nhân lo kinh doanh, buôn bán. Nông dân và công nhân tích cực lao động, sản xuất. Tu sĩ lo gìn giữ đạo đức tâm linh để giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay hiện tại và cho cả tương lai. Chính vì thế, tu sĩ Phật giáo giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện tại. Họ không phải là những người lười biếng, ăn bám xã hội. Họ có trọng trách thiêng liêng, cao quý là giúp nhân loại chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Thế gian này, nếu con người sống không có nhân cách đạo đức tốt đẹp, không có luân thường đạo lý, thì xã hội sẽ là một bãi chiến trường đẫm máu, mà lịch sử loài người đã chứng minh thực tế rõ ràng. Từ mấy ngàn năm lịch sử, chiến tranh nhân loại xảy ra cũng vì lòng tham lam, ích kỷ của con người. Nhưng nếu trong cuộc sống, ai cũng có ý thức sống bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, mà cùng nhau chia vui, sớt khổ, hay làm những việc thiện lành, để đem lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại, thì thế gian này sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Ngược lại, con người sẽ chỉ làm khổ nhau, vì tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi; vì tâm si mê, ganh ghét, tật đố, sân hận, muốn bảo vệ quyền lợi cho chủ nghĩa cá nhân. Đó là một lẽ thực trong cuộc sống hiện tại, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng sinh, mà khuyên nhủ chúng ta không nên giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối hại người, và không dùng các chất độc hại, như rượu chè be bét, hút chích xì ke, ma túy, mà làm khổ đau cho nhau. Song, nếu quán chiếu theo tuệ giác của Thế tôn, thì thế gian này khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Khổ và vui như hai mặt lật úp của một bàn tay, đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa khắp cuộc đời chúng ta, không một ai có thể thoát được. Ngoại trừ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã vượt qua được mất, khen chê, tốt xấu lẫn khổ vui của cuộc đời, để thành tựu đạo quả giác ngộ, giải thoát dưới cội Bồ Đề. Ngài đã tìm ra chân lý kiếp người, và biết cách làm chủ bản thân, không bị lệ thuộc vào đấng thần linh, thượng đế ban phước, giáng họa. Cuộc sống này người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có những cái khổ của người giàu, và người nghèo có những cái khổ của người nghèo. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có những cái không được hài lòng, như ý. Ai cũng có những nỗi khổ về thân như nóng lạnh, bị muỗi mòng chích đốt. Trong gia đình, con người khổ vì phải sinh, già, bệnh, chết. Ngoài xã hội, con người khổ vì đấu tranh, giành giựt miếng ăn để sống, và đủ thứ nỗi khổ, niềm đau đến với con người: yêu thương, xa lìa nên khổ; lòng oán ghét mà ngày nào cũng gặp nhau là khổ; mong cầu mọi việc mà không được vừa ý cũng khổ. Khổ là một sự thật của muôn loài chúng sinh. Vậy, chúng ta muốn hết khổ thì phải làm cách nào? Có ai sống mà không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, không nhớ nhung, không sầu khổ hay không nuối tiếc, hy vọng một điều gì đó? Có ai sống mà không biết phiền muộn khổ đau, thất chí nản lòng, bi quan yếm thế, chán chường trong cô đơn tuyệt vọng? Có ai dám bảo đảm rằng ta hoàn toàn khỏe mạnh, thoải mái cả hai về mặt thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai, ngoài trừ các vị đại Bồ tát và chư Phật thị hiện vào đời để giáo hóa chúng sinh. Cho nên, Biển cả mênh mông sóng ngập trời. Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió Nhìn lại, cùng trong biển khổ thôi. Qua câu chuyện ngụ ngôn trên, sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời, chính là do nhân ham muốn luyến ái dục lạc, mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn, vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại, sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài, thì phải chịu quả báu khổ đau, cùng cực. Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại tranh giành, giết hại, ăn nuốt lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Thân đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham sân si; trong gia đình khổ vì phải lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu, ái ân xa lìa khổ, ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán thù ngày thêm chồng chất; còn hoàn cảnh phải khổ về thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, chiến tranh không có ngày cùng, vì sự ngu si, tham lam, mê muội của con người. Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt, vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta phải biết khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường hướng thượng, để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, nhờ giữ gìn năm giới của nhà Phật: không giết hại, trộm cướp, lường gạt, tà dâm, nói dối, và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke ma túy, để làm tổn hại cho nhân loại. Khi ta nhận biết cuộc đời là một trường đau khổ, và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người, từ vua chúa, quan quyền, cho đến dân đen, con đỏ. Những nỗi khổ, niềm đau trong kiếp người không biết bao giờ kể xiết, nó đeo đẳng chi phối đời sống của ta như bóng theo hình. Người nghèo phải khổ vì dãi nắng dầm mưa, đầu bán cho trời, lưng bán cho đất, nợ nần chồng chất, con cái thất học, bệnh tật đau yếu, vợ chồng ly tán. Người giàu phải khổ vì quyền cao chức trọng, sợ người tài giỏi hơn mình, luôn sống trong lo âu sợ hãi, sợ tiền tài bị mất mát, và nỗi khổ đau nhất là con cái bất hiếu, phá sản vì bê tha, nghiện ngập. Xét cho cùng, đã có thân này là có khổ; cho nên, ta cần phải cố gắng tu tâm dưỡng tánh, để biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Bản thân chúng tôi đã trải qua một thời si mê, dại dột như thế, nên phải chịu nhiều đau thương, thống khổ cùng cực, do thấy biết sai lầm với quan niệm chết là hết, không có nhân quả, nghiệp báo, tội phước gì. Nhờ gặp Phật pháp, dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy tổ cùng chư huynh đệ thiện hữu tri thức, tôi dần hồi có tỉnh giác, để làm mới lại chính mình mà vươn lên, vượt qua số phận tối tăm. Đức Phật vì lòng từ bi mà thương xót chúng sinh, nên đã chỉ ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ dạy phương pháp dứt khổ, để chúng ta cùng được sống trong bình yên, hạnh phúc. Khổ là một sự thật. Chúng tôi kính mong mọi người hãy nên chín chắn, suy xét kỹ càng, kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, để khi ta làm điều gì đều không làm tổn hại cho mình và người. Phần lớn, mọi người tìm đến chùa học hỏi, tu tập đều do gặp hoàn cảnh trắc trở, khổ đau trong đời sống hằng ngày. Mà khổ từ đâu ra? Từ sự chấp trước ham muốn luyến ái dục vọng mà ra cả. Đôi lời tâm sự chân thành, xin được kết nối yêu thương cùng với tất cả mọi người qua đề tài “ Cái gì trói buộc con người.” Kính ghi Phong Trần Cuồng Nhân Chúng tôi chú giải Kinh Pháp Cú không theo thứ tự từ trên xuống dưới, mà trích dẫn ngay phẩm ái dục, phân tích theo góc độ xưa và nay, để tự giúp mình tìm tòi, học hỏi và áp dụng tu tập, nhằm chuyển hóa thói quen thâm căn cố đế là ham muốn, đam mê luyến ái, khoái lạc tình dục. Chúng tôi không giải thích theo từng bài kệ một, mà phân tích thẳng vào sự tác hại của ái dục cùng dẫn chứng những câu chuyện Phật chỉ dạy cách diệt trừ ái dục. Kính mong tất cả chư huynh đệ pháp lữ gần xa đạt ý quên lời. Bởi đây là thói quen si mê nặng nề nhất của chúng tôi. Trong hiện đời, nó đã làm cho tôi điên đảo, vọng động, rơi vào vòng tù tội, và xém chết nhiều lần. Mãi đến khi chúng tôi được đầy đủ phúc duyên xuất gia tu học tại Thiền Viện Thường Chiếu, tôi vẫn bị dục vọng ham muốn luyến ái nam nữ cuốn hút nặng nề, xuýt chút nữa là tôi bị rơi rớt khổ lụy, bởi vì “tình xưa nghĩa cũ”. Chính vì vậy, tôi chọn phẩm ái dục trong Kinh Pháp Cú chú giải trước. Trong kinh diễn tả phẩm này như là chiếc lưới ái ân. Đức Phật thí dụ hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục. Chữ lưới được lặp lại hai lần là lưới ái và lưới dục. Trong bài 12 lời nguyền trong sám hối sáu căn tại Thiền Viện Thường Chiếu, có 6 nguyền là lưới ái lìa buộc ràng. Qua đó, chúng ta thấy, ái là gốc của luân hồi sinh tử, hễ còn ái là còn khổ đau, dứt ái, lìa được ái, thì ta một đời thong dong, tự tại, an nhiên giải thoát, không bị sự trói buộc của nó làm ta vô minh, đắm say, mê muội. Mới đọc qua bản kinh, chúng ta có cảm tưởng như bài kinh được dạy riêng cho người xuất gia, nhưng khi nghiên cứu kỹ, chúng ta thấy người cư sĩ tại gia cũng có thể áp dụng thực tập và hành trì. Những người tại gia, dù sống đời sống lứa đôi có tình yêu thương để duy trì giống nòi nhân loại, phải có vợ, có chồng, xây dựng hạnh phúc gia đình để phát triển tình yêu thương nhân loại, là chuyện đương nhiên trong đời sống xã hội, nhưng ta phải thương yêu như thế nào để không bị lưới ân ái hoàn toàn trói buộc, mà gây khổ đau và làm tan nát hạnh phúc gia đình. Đứng về phương diện hành trì để chuyển hóa luyến ái nam nữ thì người xuất gia dễ dàng thực tập hơn người tại gia, vì người xuất gia sống trong môi trường rất thuận lợi về mọi mặt. Những vị xuất gia tại Thiền Viện Thường Chiếu phải tự lao động công ích, tự làm, tự nấu ăn, tự dọn dẹp, sắp đặt mọi thứ công việc mà không bị lệ thuộc các Phật tử bên ngoài như các chùa khác. Quý thầy không được xem truyền hình, không được đọc sách báo, tiểu thuyết tình cảm, nên không thấy những hình ảnh khêu gợi ái dục trong phim ảnh hay sách báo. Do đó, tâm luyến ái dục vọng cũng bị hạn chế, và lần theo thời gian để từng bước chuyển hóa ái dục. Tuy có điều kiện thuận lợi trong việc tu học như vậy, nhưng lâu lâu quý thầy cũng bị cọp tha rồi ra đời lấy vợ, có ai hỏi thì đổ thừa tại nghiệp tôi nặng quá. Trên thực tế, một bên chịu, một bên không, thì làm sao có chuyện kết nối yêu thương; tại vì hai bên đều đồng ý thích thú nên mới cùng nắm tay nhau xây dựng tổ ấm gia đình. Ta thấy, luyến ái nam nữ là căn bệnh trầm kha từ vô thủy kiếp đến nay. Thế gian này thiếu nó thì không thể tồn tại, đời sống con người sẽ khô khan, cằn cỗi, chẳng ai thèm xây dựng đóng góp làm gì nữa. Chính tình yêu thương đó thúc đẩy con người sống, làm việc, phục vụ, để xây dựng hạnh phúc gia đình và bảo vệ nhau. Tình yêu tăng trưởng mãi thì chắc chắn sẽ đưa đến nhu cầu tình dục, và khi đi tới tình dục thì sẽ làm tan vỡ tất cả, nhất là đối với người xuất gia. Vì vậy, ta không thể coi thường, đừng tưởng là không sao, phải lo ngay mà đề phòng từ lúc ban đầu. Nếu đó là tình thầy trò thì không sao, nhưng nếu nó có hơi hướm của luyến ái, yêu thương, thì mình phải biết rõ nó sẽ dẫn tới những khoái lạc dục tính. Chuyện này đã có xảy ra trong đại chúng. Một vị thầy với một Phật tử nữ, hai người đã thường xuyên tiếp xúc qua lại bằng điện thoại và sự gặp gỡ hàng tuần, hàng tháng, rồi cuối cùng rũ nhau ra đi, xây dựng tổ ấm yêu thương. Vì vậy, mình phải thấy cho rõ, đây có phải là tình thầy trò hay không? Nếu nó có màu sắc của ái dục thì ta phải cẩn thận, nếu để nó làm ta nhớ thương mỗi khi không được tiếp xúc, nói chuyện, thì đây là nguyên nhân sẽ đưa ta tới sự gần gũi. Mới đầu, ta chỉ gặp gỡ, trao đổi, thưa hỏi đạo lý tu tập với tình thầy trò, nhưng với thời gian, nước ái sẽ thấm dần vào trong trí não, nên ta phải nhớ mình đã xuất gia, mình đã có chí nguyện đi theo sự nghiệp của Đức Thế Tôn, nên mình phải biết khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa. Muốn vượt qua sự luyến ái đó, chư huynh đệ phải biết quan tâm, khuyên nhủ, nhắc nhở lẫn nhau. Khi có ai nhắc nhở mình, thì mình phải chắp tay lại xin cám ơn người đó. Nếu làm được như thế, ta mới có năng lực làm chủ bản thân, vượt qua sự quyến rũ hấp dẫn của ái dục. Trong khi đó, người tại gia sống ở ngoài đời, phải tiếp xúc chung đụng nhiều thứ, lại không có những giới luật ngăn cản và bảo hộ, nên những hạt giống của ái dục rất dễ thấm vào lòng mọi người. Do đó, Phật chế ra giới cho người tại gia là không được tà dâm, để giúp Phật tử sống hạnh phúc lứa đôi một vợ một chồng. Đứng về phương diện đó mà nói thì tu tại gia và tu chợ, khó hơn tu chùa rất nhiều, vì người tại gia phải tiếp xúc, gặp gỡ thuờng xuyên để giữ mối quan hệ gia đình, bè bạn và giao dịch làm ăn trong xã hội. Con đường xuất gia vốn là con đường dễ dàng nhất để quý thầy cô có cơ hội chuyển hóa lưới ái dục. Tuy nói vậy, con đường chuyển hóa ái dục không đơn giản tí nào. Nếu không biết cách, nếu không quyết tâm dứt khoát xa lìa cội gốc luân hồi, sinh tử, thì sẽ trở thành con ma lơ lớ làm tổn hại nhiều người hơn, và làm mất đi giống nòi nhân loại, vì cái bệnh nam ái nam, nữ ái nữ. Đây là căn bệnh làm đau đầu thế giới loài người, nếu ở trong chùa mà như thế thì phá hủy đời người tu. Đây là loại ma của thời hiện đại, đang có chiều hướng gia tăng trong rất nhiều chùa. Quý thầy cô nếu không chịu nổi đời sống độc thân để tu hành, chuyển hóa ái dục, thì cứ ra đời lấy vợ, lấy chồng bình thường. Còn nếu ở trong chùa mà lơ lớ như thế thì tội lỗi biết chừng nào. Đối với người tại gia, cuộc sống cần có tình yêu thương nam nữ để xây dựng hạnh phúc gia đình, nên Phật vì lòng từ bi, thương xót chúng ta mà chế ra giới không tà dâm, sống chung thủy một vợ một chồng để đảm bảo hạnh phúc lứa đôi. Ái không phải chỉ là tình cảm giữa nam và nữ, mà nó còn có ý nghĩa khác là lòng nhân ái, là tình yêu thương nhân loại, là tình người trong cuộc sống. Chữ ái không có nghĩa là vướng mắc mà có nghĩa là thương yêu. Chữ dục đứng riêng có nghĩa là khao khát, thèm muốn, hay nói gọn lại là thèm khát. Khi hai chữ đứng riêng thì ta rất dễ hiểu, một bên là tình thương (ái) và một bên là ham muốn (dục). Nhưng khi gộp hai chữ lại thành chữ ái dục thì ta hơi khó hiểu, vì trong ái có dục, trong dục có ái. Đức Phật khuyên dạy người xuất gia hãy nên diệt trừ nguồn gốc ái dục. Vì ái là yêu thích, thương yêu, mến tiếc, luyến ái, tham ái, bám víu. Dục là sự ham muốn hưởng thụ dục lạc. Ái dục là lòng ham muốn, luyến ái, bám víu, tham cầu hưởng thụ mọi sự sung sướng thường tình đối với tất cả chúng sinh trên thế gian này. Cho nên có ba loại ái dục: 1. Ái dục theo ngũ trần nhục dục: Là năm cảnh trần sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trần là bụi dơ. Ngũ trần là năm cái có thể làm cho bụi dơ dính vào thân tâm ta. Mắt thấy sắc và bám vào đó rồi cho là đẹp xấu, dẫn đến thương yêu hay ghét bỏ, thích thì luyến ái tìm cách chiếm đoạt, ghét thì tìm cách hãm hại, hủy nhục nhau; tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. 2. Ái dục bám víu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm chết là hết, nên ta không cần quan tâm đến thiện ác, tội phước, nhân quả nghiệp báo gì cả, mà cứ lo hưởng thụ mọi lạc thú vật chất và sự giàu có trong hiện tại. 3. Ái dục bám víu theo khoái lạc vật chất, theo quan niệm thường kiến nghĩ rằng, những lạc thú và tài sản sẽ còn mãi với mình, lâu dài, vĩnh cửu, trường tồn, dù có chết rồi tái sinh cũng lại như thế. Kinh Pháp Cú Phật chỉ cho ta thấy rõ ái dục là nguồn gốc của mọi sự đau khổ trong đời, là sức mạnh hấp dẫn, thúc đẩy con người tìm sự thỏa mãn lòng ham muốn ích kỷ bằng mọi cách. Ái dục là cạm bẫy nguy hiểm nhất, vì khi được toại nguyện nó sẽ đem lại cảm giác khoái lạc, hay thỏa mãn đầy đủ cho con người. Chính vì vậy, lòng ham muốn ái dục của con người cứ thế tăng trưởng thêm mãi theo thời gian. Cho nên, không cần ai chỉ dạy mà ta vẫn bị ái dục lôi cuốn, hấp dẫn đến ngớ ngẩn người. Trong nhà thiền có câu chuyện “ con cọp dễ thương”. Thuở xưa, tại một đồi núi hoang vắng, có một thiền sư sống ẩn dật, tu hành nơi đây. Trong lúc hóa duyên, sư tình cờ gặp đứa bé nằm bên bìa rừng, khóc thét lên từng hồi; động lòng thương xót nên sư đem đứa bé về nuôi dưỡng. Chú bé lớn lên nhờ sự chăm sóc của thiền sư giàu lòng nhân ái, sống giữa rừng núi hoang vu không một bóng người qua lại. Thắm thoắt 18 năm đã trôi qua, chú bé giờ đây đã lớn khôn nhưng chưa bao giờ giáp mặt với con người. Bạn bè chú là những con thú rừng hiền lành như hươu, nai, khỉ, vượn, và các loài chim chóc khác. Tâm hồn chú trắng tinh như tờ giấy trắng với thiên nhiên đồi núi chập chùng, vui vẻ hài hòa với các loài thú yêu thương bé bỏng trong rừng sâu. Thiền sư thường nói với chú tiểu, ở trên đời này loài cọp là dữ hơn hết, chớ nên gần gũi nó, ai gần là bị nó nhai cho tan xương, nát thịt. Chú tiểu cũng hay hỏi chị em nhà hươu, nhà nai trong rừng loài nào là dữ nhất, cả hai đều đáp cọp là loài dữ nhất, nó chuyên ăn thịt các loài thú khác để bảo tồn mạng sống. Các loài thú trong rừng chỉ cần nghe hơi và tiếng rống của nó thôi, là sợ đến té đái cả bầy, anh hãy nên tránh xa nó ra. Một hôm, được tin người bạn đồng tu trong cơn bệnh nặng khó qua khỏi, Thiền sư liền quảy túi xuống núi cùng với đệ tử của mình. Chú tiểu chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hôm nay được dịp, chú ngắm nhìn đủ thứ màu sắc với nhiều hình ảnh đẹp trong thế giới con người. Trên đường trở về, hai thầy trò tình cờ gặp một thiếu nữ tuổi vừa trăng tròn, dáng người thon thả, xinh đẹp làm sao. Chú tiểu ngạc nhiên nhìn dáng vẻ xinh đẹp của người khác phái một cách say sưa, đắm đuối, đôi mắt chú cứ nhìn chăm chăm vào người con gái ấy như lạc vào mê hồn trận của cõi thần tiên. Thiền sư thấy thế bảo chú đệ tử đi nhanh về núi, kẻo trời tối. Chú tiểu ngớ ngẫn cả người ra mà hỏi, “dạ thưa thầy, đây là con gì vậy?” Thiền sư nhanh miệng nói, “cọp cái đó con, đi lẹ lên con ơi, kẻo cọp xơi bây giờ!”. Hai thầy trò cũng đã kịp về đến núi, trước khi trời tối. Kể từ đêm hôm đó, chú tiểu bắt đầu thao thức, trăn trở không sao ngủ được, chẳng thiết gì đến việc ăn, việc uống. Chú cứ nhớ mãi về hình ảnh con cọp cái đó sao mà dễ thương, xinh đẹp vô ngần, nhất là khi cười để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp. Bị sự dằn dặc bởi sức hấp dẫn lạ kỳ đó, chú tiểu không chịu nổi, cứ nhớ mãi hình ảnh và bóng dáng đó, làm con tim chú rung lên bần bật như muốn vỡ ra, chú ta đành đến thú thật với thiền sư: “Sư phụ ơi, sao con cứ nhớ đến con cọp cái đó quá chừng, thà con tìm gặp nó, để cho nó ăn thịt con cho rồi. Con thà chịu mất mạng, mà trong lòng cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng. Từ nhỏ đến giờ, con chưa từng trải qua cảm giác nhớ nhung, thương yêu, trìu mến, lạ lùng đến thế kia. Dạ thưa sư phụ, con phải làm sao đây?”. Chú tiểu kia đã bị tiếng sét ái tình làm rung động cả trái tim ngây thơ, hiền lành, chất phát của thuở nào. Thiền sư chỉ ú ớ vài tiếng mà không nói nên lời. Thiền Viện Thường Chiếu bây giờ có trên 100 vị thầy tu trẻ như thế, ít ra cũng có vài thầy xin nạp mạng mình cho cọp nhai nát xương chơi. Câu chuyện được tạm dừng, xin mời chư huynh đệ pháp lữ gần xa tự tìm ra đáp án cho chính mình. Chú tiểu đó có duyên ở núi tu hành, chưa từng biết con người là gì, ấy thế mà khi có duyên sự xuống núi cùng thầy, chỉ một lần thoáng thấy tuy chưa được tiếp xúc, đã ngớ ngẫn người như kẻ mất hồn. Chính vì vậy, ai dính mắc vào luyến ái, đam mê, tham muốn dục vọng, không biết chừng nào mới thoát ra được. Một khi đã nói đến sự luyến ái, tức là sự thèm khát và ham muốn về ái dục. Đã là con người, thật khó có thể thoát ly vĩnh viễn được ái dục, ngoài trừ các vị đại Bồ tát. Chính vì vậy, Phật đã đưa nhiều hình ảnh thí dụ sống động về sự tác hại của ái dục, mà khuyên người xuất gia phải cố gắng tu học cho tốt, để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Vậy, Phật có yêu thương không? Phật yêu thương còn nhiều hơn nữa, bởi trái tim của Phật vốn có tình yêu thương bình đẳng không giới hạn. Cho nên, ta phải thấy rằng, hễ là con ngườì thì ai cũng có hạt giống của tình dục. Trong tình yêu lúc nào cũng có gốc rễ của tình dục, vì sự thèm khát và ham muốn, nên ta luyến ái, yêu thương, chấp trước, bám víu vào đó, để thỏa mãn được khát vọng của mình. Ta tu tập là để chuyển hóa sự luyến ái, ham muốn cho riêng mình thành tình yêu thương chân thật vì mọi người. Khi ta đã chọn con đường xuất gia, con đường để chuyển hóa sự yêu thương, ích kỷ của riêng mình, thì ta phải khép lại cánh cửa ái ân, để mở rộng tình yêu thương rộng lớn cho tất cả chúng sinh. Như vậy không có nghĩa ta cho rằng ái ân là một tội ác. Ái ân là tình yêu thương của nhân loại, nhưng vì ta đã chọn cho mình một con đường để mở rộng tấm lòng nhân ái bằng tình yêu thương chân thật. Như chúng ta đã thấy, con đường thương yêu của Phật không hề bị hệ lụy, khổ đau, ràng buộc chi phối. Con đường này không làm cho ta phiền muộn khổ đau, nhờ ta biết đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân loại. Sau khi ta khôn ngoan, sáng suốt, lựa chọn con đường của Phật rồi, ta phải đóng kín lại cánh cửa ái ân, mở rộng cánh cửa bình đẳng yêu thương nhân loại. Đôi lời tâm sự chân thành vì tôi cũng từng là một chúng sinh si mê vô độ, say đắm luyến ái sắc dục nam nữ như cục nam châm khi gặp sắt. Tuy có duyên xuất gia nhưng vẫn chưa đủ sức làm chủ bản thân mỗi khi gặp người khác phái. Tôi vẫn biết mình còn yếu kém, dở tệ như thế, nên với tâm hổ thẹn trình bày ra đây, để chúng ta cùng cảm thông và tha thứ cho nhau, cùng ráng gắng tu tập nhiều hơn, để vượt qua luyến ái buộc ràng. Bản Kinh Pháp Cú do Tâm Minh - Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ phẩm “ái dục” gồm có 26 bài kệ. Chúng tôi chọn bản dịch này vì nghĩa lý đầy đủ, ý nghĩa sâu sắc theo lời Phật dạy để chú giải. (334) Sống đời say đắm buông lung Thì lòng ái dục vô cùng tăng nhanh Giống như giữa chốn rừng xanh Dây leo, cỏ dại mặc tình tràn lan, Đời người tiếp nối miên man Khác gì khỉ, vượn đang tham quả rừng Chuyền cây liên tục chẳng ngừng. (335) Nếu mà ở cõi trần gian Bị điều ái dục buộc ràng vây quanh Thời bao sầu khổ tăng nhanh Như là cỏ dại thỏa tình hứng mưa. (336) Đời này nếu bản thân ta Khi điều ái dục vượt qua chẳng màng Thời bao sầu khổ lìa tan Như mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen. (337) Điều Như Lai dạy các ngươi: "Lành thay cho kẻ họp nơi chốn này Nhổ cho sạch gốc rễ ngay Diệt trừ ái dục thẳng tay từ nguồn Như là nhổ rễ cỏ hoang Chớ nên để lũ Ma quân dục tình Quẩn quanh phá hoại tâm mình Như cơn nước lũ tung hoành bụi lau". (338) Đốn cây mà chẳng chịu đào Hết luôn gốc rễ bám vào đất sâu Thì cây lại mọc ra mau, Đoạn trừ ái dục khác nào đốn cây Đoạn cho căn gốc sạch ngay Nếu không khổ não mãi quay trở về. (339) Người ham ái dục luôn luôn Theo ba mươi sáu dòng tuôn bạo tàn Cuốn vào cảnh dục dễ dàng. Những người ái dục dâng tràn trong tâm Bị dòng ái dục cuốn phăng. (340) Dòng sông ái dục dâng tràn Như dây leo dại mọc lan khắp miền, Thấy dây leo mới nhô lên Dùng gươm trí tuệ diệt liền cho mau Diệt trừ tận gốc thật sâu. (341) Người đời ái dục thích ham Nên ưa rong ruổi theo làn sóng xô Ngụp chìm biển dục vô bờ Tuy cầu hạnh phúc khó mà thành công Vẫn còn trong chốn trầm luân Quẩn quanh sinh tử vẫy vùng thoát đâu. (342) Người mà ái dục bao trùm Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia Sa vào bẫy, sợ kể chi, Não phiền, ái dục chẳng lìa cho mau Khổ đau càng chịu dài lâu. (343) Người mà ái dục bao trùm Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia Sa vào bẫy, sợ kể chi, Tỳ Kheo ái dục gắng lìa cho mau (344) Người lìa ái dục, xuất gia Sống vui ở chốn rừng già, núi sâu Để rồi một sớm quay đầu Xuôi dòng ái dục thương đau về nhà, Kẻ hoàn tục đáng xót xa Cởi ra rồi lại tự ta trói vào. (345) Với người trí tuệ mở mang Dù cho trói buộc bằng phương tiện gì: Dây gai, cây, sắt sá chi Nào đâu vững chắc, chẳng hề bền lâu! Riêng lòng luyến ái khát khao Vợ con, châu báu quyện vào chẳng xa, Trói này sao gỡ cho ra! (346) Những người có trí nói rằng: "Dây này trói buộc ngày càng chắc thêm!" Dây tuy mềm mại, êm đềm Nhưng mà sao dễ nhận chìm người ta Khó mà tháo gỡ cho ra Thế nên người trí lìa xa dục tình Cắt dây luyến ái cho nhanh Tự mình giải thoát, tu hành bản thân. (347) Những người ái dục đắm chìm Xuôi dòng ái dục vào miền khổ đau Lọt vòng dây trói trước sau Tựa như con nhện mắc vào lưới giăng. Ai mà dứt mọi buộc ràng Không còn ái dục, chẳng vương não phiền. (348) Mặc cho quá khứ trôi đi Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai Rời mau bến thảm cuộc đời Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời Khi tâm đã giải thoát rồi Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần. (349) Người nào bị khuấy động nhiều Bởi tâm xấu ác, bởi điều bất lương Thường ham dục lạc vô cùng, Người mà dục lạc cầu mong tăng nhiều Tự mình một sớm một chiều Trói mình thêm chặt vào theo não phiền. (350) Ai vui vì chẳng còn vương Tư tưởng bất thiện, bất lương loại trừ, Xác thân bất tịnh suy tư Giữ gìn chánh niệm, thích ưa điều lành Sẽ trừ ái dục vây quanh Ma Vương ràng buộc phá nhanh dễ dàng. (351) Mục tiêu ai đạt tới nơi Không còn sợ hãi. Xa rời nhiễm ô Xa lìa ái dục êm ru Cắt đi gai chướng nhỏ to trong đời Mũi tên sinh tử nhổ rồi Thân này là cuối, luân hồi còn đâu. (352) Xa lìa ái dục tầm thường Không còn luyến tiếc vấn vương bận lòng Bao nhiêu giáo pháp tinh thông Lời văn, ý nghĩa vô cùng hiểu sâu Là người trí tuệ hàng đầu Vĩ nhân đáng kính, còn đâu luân hồi, Thân này là cuối cùng rồi. (353) Như Lai vượt tất cả rồi Lại còn thông suốt, sáng soi mọi bề Bao nhiêu trói buộc dứt lìa Thoát ly tất cả còn gì vấn vương Chú tâm trọn vẹn một đường Diệt đi ái dục tầm thường thế gian Tự mình chứng ngộ đạo vàng Ta còn xưng tụng ai làm thầy đây! (354) Coi như bố thí hàng đầu Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau, Coi như hương vị tối cao Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu Coi như hoan hỷ hàng đầu Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời, Người nào ái dục diệt rồi Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau. (355) Giàu sang, tài sản dồi dào Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi, Dễ gì hại được những người Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn, Chỉ vì ham muốn giàu sang Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành Hại thêm cả kẻ xung quanh. (356) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Tham lam gây hại nhiều hơn cho người, Tham lam ai đã lìa rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn. (357) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người, Ai lìa sân hận được rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn. (358) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Si mê gây hại nhiều hơn cho người, Si mê ai đã lìa rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn. (359) Cỏ hoang làm hại ruộng vườn Ái dục gây hại nhiều hơn cho người, Ai lìa ái dục được rồi Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng Hưởng về phước báu vô vàn. Bây giờ chúng ta từng tự tìm hiểu nghĩa lý của các bài kệ trên Phật muốn chỉ dạy chúng ta những gì: Nguyên nhân của khổ đau, luân hồi sinh tử là gì? Là sự chấp ngã bám víu vào sắc thân năm bảy chục ký lô này là ta, là của ta, do đó ta muốn chiếm hữu, cho nên từ đó ái dục bắt đầu phát sinh. Khi ta luyến ái, chấp trước, bám víu vào dục vọng, kể từ đó hạnh phúc hay đau khổ bắt đầu có mặt. (334) Sống đời say đắm buông lung Thì lòng ái dục vô cùng tăng nhanh Giống như giữa chốn rừng xanh Dây leo, cỏ dại mặc tình tràn lan, Đời người tiếp nối miên man Khác gì khỉ, vượn đang tham quả rừng Chuyền cây liên tục chẳng ngừng. (335) Nếu mà ở cõi trần gian Bị điều ái dục buộc ràng vây quanh Thời bao sầu khổ tăng nhanh Như là cỏ dại thỏa tình hứng mưa. (336) Đời này nếu bản thân ta Khi điều ái dục vượt qua chẳng màng Thời bao sầu khổ lìa tan Như mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen. (337) Điều Như Lai dạy các ngươi: "Lành thay cho kẻ họp nơi chốn này Nhổ cho sạch gốc rễ ngay Diệt trừ ái dục thẳng tay từ nguồn Như là nhổ rễ cỏ hoang Chớ nên để lũ Ma quân dục tình Quẩn quanh phá hoại tâm mình Như cơn nước lũ tung hoành bụi lau". Khi tâm ý ta bám víu vào ái dục, thì cây ái dục sẽ đâm chồi, trổ nhánh rất mau. Tâm ý duyên theo đối tượng ái dục sẽ làm cho lòng ta rạo rực bừng cháy trong tim, khi ấy ta cảm thấy luyến tiếc, nhớ nhung, xao xuyến, bồn chồn. Người hay dính mắc vào ái dục giống như loài vượn khỉ, chuyền từ cành cây này, sang cành cây khác, để tìm quả trái mà ăn. Ái dục buộc ta phải gánh chịu lấy nhiều khổ đau. Ái dục làm cho ta bị si mê, say đắm, dính mắc vào cuộc sống phàm tình ở thế gian này. Những lo lắng và sợ hãi do ái dục làm ta mê muội, tham đắm tăng trưởng theo ngày tháng, nó mọc kín, dày đặc như là các loài cỏ dại. Nếu ai ở đời này bị ái ân làm mê hoặc, thì sớm muộn gì cũng sẽ dính mắc vào khoái lạc tính dục. Nó sẽ làm cho ta lo lắng ngày càng nhiều hơn, giống như dòng nước rỉ chảy từng giọt nhỏ, nhưng rỉ mãi cũng đầy hồ. Vì thế ta phải biết cách chuyển hóa luyến ái, ham muốn dục vọng, để nó không làm cho ta sầu khổ, như nước không bao giờ thấm vào được lá sen. Người tu đạo muốn tâm ý được an ổn, nhẹ nhàng, thì phải quyết tâm dứt bỏ, xa lìa ái ân. Hết ân, hết ái thì không còn bị đọa lạc trong luân hồi sinh tử, không còn bị ái nhiễm mọi thứ dục vọng, thì ta sẽ thật sự bình yên, hạnh phúc. Biết được sự tác hại của ái dục rất ghê gớm, nó làm cuộc đời ta có nhiều thứ phải lo lắng, sợ hãi và đau buồn, khổ sở. Nhưng đau buồn và khổ sở hơn hết là cái buồn rầu lo lắng do tham muốn ái dục đem lại. Ái nặng tình sâu, ân nghĩa không xa lìa đến khi gần chết; chung quanh người thân thuộc tiếc nhớ khóc thương, làm cho ta thêm lo lắng, sầu khổ, khó bề ra đi. Do đó, ta phải biết cách chuyển hóa, buông bỏ được luyến ái ham muốn dục vọng, thì ta mới yên chí vững lòng duỗi thẳng hai chân mà ngủ. Ngay trong các bài kệ này, chúng ta đã thấy đây không phải là các bài kệ dành riêng cho người xuất gia. Người tại gia cũng có thể áp dụng tu tập được, vì người tại gia sống trong một hoàn cảnh có rất nhiều cơ hội bị quyến rũ dính mắc, đam mê vào ái ân, dục lạc. Sống trong chùa, mỗi thiền sinh đều được thầy tổ thương yêu, nhắc nhở, chỉ dạy, được thực tập hạnh buông xả luyến ái, vì có tăng thân bảo bọc, che chở. Đối với người tại gia, ta sống ngoài đời với bao nhiêu cám dỗ hấp dẫn của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng. Hằng ngày, ta đi tới chỗ làm để giao tiếp, gặp gỡ người này, người kia, nên ta dễ dàng bị cuốn hút bởi các lực hấp dẫn đó. Dù ta đã có vợ, có chồng, có con rồi, nhưng ta vẫn bị sự chi phối mãnh liệt của ái dục, như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, nên ta có lúc cũng muốn bỏ bà xã để chạy theo người yêu, bỏ ông xã để đến với người tình. Trong kinh, đức Phật dùng hình ảnh thí dụ rất hay, như con vượn chuyền từ cành này sang cành khác để tìm trái cây. Nó ăn một trái rồi, nhưng còn thèm khát, nên muốn tìm ăn một trái khác nữa. Ở ngoài đời, chuyện ngoại tình xảy ra rất nhiều. Sự thực tập đối với người tại gia còn khó hơn đối với người xuất gấp bội. Vì vậy, xuất gia là con đường dễ dàng nhất để ta từng bước chuyển hóa tâm dính mắc vào ái dục, ta không nên chờ cho đến già hết xí quách rồi mới xuất gia. Chính vì để giúp cho người tại gia, Phật mới chế giới không được tà dâm, để người tại gia ý thức được sự khổ đau do sự phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, mà giữ trọn vẹn giới pháp, sống một lòng chung thủy, không làm tổn hại cho ai. Nhưng người tại gia giữ được giới này rất là khó, vì đó là lòng tham muốn của đa số người nam do sự đam mê, ham thích của lạ, nên nó là nguyên nhân của bao điều tội lỗi. Ngày xưa, trong thời đại phong kiến, với quan niệm chồng chúa vợ tôi, nên kiếp chồng chung là một điều rất đau khổ đối với người phụ nữ. Từ khi đạo Phật có mặt trong cuộc đời, chuyện nam nữ bình đẳng về mọi phương diện đã lần hồi được thay đổi theo thời gian, nên việc xây dựng hạnh phúc gia đình hoàn toàn được tự do lựa chọn. Nhờ vậy, quan niệm chồng chúa vợ tôi hoặc theo tập cấp cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, vì áo làm sao mặc qua khỏi đầu, dần hồi được thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, đa số người nam không giữ được giới tà dâm, nên kiếp sống chung chồng của người con gái rất ư là khổ sở, từ đó tâm ganh ghét, ghen tuông, ích kỷ, tìm cách mưu hại lẫn nhau, chỉ vì không được thỏa mãn dục tính cho riêng mình, mà phải chịu chia sớt cho nhiều người. Đó là nổi khỗ, niềm đau của người sống kiếp chồng chung, còn tham luyến ái dục nặng nề. (338) Đốn cây mà chẳng chịu đào Hết luôn gốc rễ bám vào đất sâu Thì cây lại mọc ra mau, Đoạn trừ ái dục khác nào đốn cây Đoạn cho căn gốc sạch ngay Nếu không khổ não mãi quay trở về. (339) Người ham ái dục luôn luôn Theo ba mươi sáu dòng tuôn bạo tàn Cuốn vào cảnh dục dễ dàng. Những người ái dục dâng tràn trong tâm Bị dòng ái dục cuốn phăng. (340) Dòng sông ái dục dâng tràn Như dây leo dại mọc lan khắp miền, Thấy dây leo mới nhô lên Dùng gươm trí tuệ diệt liền cho mau Diệt trừ tận gốc thật sâu. (341) Người đời ái dục thích ham Nên ưa rong ruổi theo làn sóng xô Ngụp chìm biển dục vô bờ Tuy cầu hạnh phúc khó mà thành công Vẫn còn trong chốn trầm luân Quẩn quanh sinh tử vẫy vùng thoát đâu. (342) Người mà ái dục bao trùm Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia Sa vào bẫy, sợ kể chi, Não phiền, ái dục chẳng lìa cho mau Khổ đau càng chịu dài lâu. (343) Người mà ái dục bao trùm Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia Sa vào bẫy, sợ kể chi, Tỳ Kheo ái dục gắng lìa cho mau Niết Bàn giải thoát xa đâu. Là người xuất gia tu theo đạo giác ngộ giải thoát, ta không nên bám víu vào ái dục. Ta phải tìm cách diệt trừ tận nguồn gốc của cây ái dục, để rễ của nó không còn có khả năng đâm chồi lên được. Nếu ta diệt dục như việc cắt cỏ dại, thì sau khi được cắt rồi, cỏ dại lại mọc lên nhanh, và ra nhiều hơn trước nữa. Gốc cây ái dục sâu và vững, nó giống như một tập khí vậy. Tuy ta đã đốn ngang thân cây, nhưng lại không chịu đào bứng gốc, vì vậy cành lá tiếp tục nảy sinh ra trở lại. Tâm ái dục nếu chưa dứt trừ, thì cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn nguyên như cũ, khi gặp duyên sẽ phát sinh luyến tiếc, nhớ thương, mà làm đau khổ cho ta. Dòng suối tâm ý ấy cứ mặc tình trôi chảy, khiến cho những nút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt. Chỉ có tuệ giác chân thực của Thế tôn mới có khả năng phân biệt và thấy rõ được đìều này và giúp cho ta đoạn trừ được căn nguyên của nó, phát xuất từ tâm ý. Dòng suối ái dục thấm vào suy nghĩ, nhận thức của ta, phát triển mau chóng, lớn mạnh, quấn vào nhau, để ta khó bề rời xa. Nguồn suối ái dục như giếng sâu không đáy làm cho cái già và cái chết xảy đến nhanh chóng, nên các vị vua thời phong kiến ít có người nào chết già, sống thọ. Những cành nhánh của cây ái dục cứ tiếp tục sinh trưởng không dừng nghỉ, cũng bởi vì chúng được nuôi dưỡng bằng các thực phẩm thêm lớn lòng ham muốn ái dục. Khi ta mê mờ bởi những thực phẩm này, chúng nuôi dưỡng thêm sự oán hận, chúng kết thành nhiều tấm lưới để ràng buộc chúng ta lại, làm ta chịu khổ đau từ đời này sang kiếp nọ, không có ngày thôi dứt. Người thiếu sáng suốt và trí tuệ thì cứ nôn nóng muốn đi về hướng ấy hoài, mà không biết làm cách nào để thoát ra, vì nó theo ta như hình với bóng. (344) Người lìa ái dục, xuất gia Sống vui ở chốn rừng già, núi sâu Để rồi một sớm quay đầu Xuôi dòng ái dục thương đau về nhà, Kẻ hoàn tục đáng xót xa Cởi ra rồi lại tự ta trói vào. (345) Với người trí tuệ mở mang Dù cho trói buộc bằng phương tiện gì: Dây gai, cây, sắt sá chi Nào đâu vững chắc, chẳng hề bền lâu! Riêng lòng luyến ái khát khao Vợ con, châu báu quyện vào chẳng xa, Trói này sao gỡ cho ra! (346) Những người có trí nói rằng: Dây này trói buộc ngày càng chắc thêm Dây tuy mềm mại, êm đềm Nhưng mà sao dễ nhận chìm người ta Khó mà tháo gỡ cho ra Thế nên người trí lìa xa dục tình Cắt dây luyến ái cho nhanh Tự mình giải thoát, tu hành bản thân. Một chàng cư sĩ đã có vợ và con, ý thức được sự khổ não của đời sống gia đình, nên anh thỏa thuận với vợ để được xuất gia. Cô vợ đồng ý, anh ta được Phật tế độ và nhờ Phật chỉ dạy phương pháp diệt trừ ái dục. Sau đó, anh một mình tiến vào rừng sâu, thực hành hạnh buông xả suốt ba năm, nhưng không thành công, mà luôn khởi ý niệm thương nhớ về vợ con ngày càng mãnh liệt. Buồn quá, anh quyết định hoàn tục, trở về đời sống gia đình, vui vẻ sống bên con, bên vợ. Phật biết điều này, nên Người dùng thần lực đến gặp và khéo léo phương tiện để giúp đệ tử mình vượt qua đam mê luyến ái dục vọng. Kẻ bị tù đày làm súc sinh, quỷ đói hoặc bị đọa địa ngục nhưng có ngày ra khỏi, người vô minh, mê muội, vướng vào tiền bạc nhà cửa, luyến ái vợ con, biết chừng nào mới hết khổ đau bởi luân hồi, sinh tử. Nói xong, Phật dùng kệ để nhắc lại phương pháp hành trì: Như chặt cây mà không bứng rễ Cành nhánh vẫn mọc lại bình thường Muốn trừ ái dục si mê Bứng ngay rễ ý an nhiên thanh nhàn. Vị đệ tử sau khi nghe lời Phật dạy, thường xuyên quán chiếu tinh cần, nên một thời gian sau chứng quả giác ngộ giải thoát. Tâm tham ái dục vọng là một dòng chảy miên man vô tận, bởi các thói quen lâu đời do ta đã huân tập. Chính nó đã ăn sâu vào tâm thức của chúng ta, và theo ta từ vô thủy kiếp đến nay, chỉ cần ý khởi lên là tâm niệm thèm khát trong ta sẽ trỗi dậy vô cùng mãnh liệt. Nếu ta lơ là, bất giác một chút, thì nó nhanh chóng cuốn ta nhớ về dĩ vãng, quá khứ chung đụng ái ân, như vị tỳ kheo trên. Do chấp ngã thấy thân này là thật, nên ta dễ sinh kiêu mạn, và bám víu vào đó, dính mắc, chấp trước. Những tư duy và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm cho bản ngã lớn thêm, nên ta say mê, đắm đuối vào ái dục, không biết chừng nào mới thoát ra được. Phật dạy, ái dục từ tâm ý phát sinh, nó là đầu mối dẫn ta đi trong luân hồi sinh tử để chịu khổ đau. Muốn dứt trừ nó cũng không khó, chỉ cần ta chịu khó buông xả từng ý niệm khi nó phát sinh, và cứ như thế, ta cố gắng duy trì bền bỉ, chuyển hóa từng ý niệm. Đặc điểm của kinh là đức Phật sử dụng rất nhiều hình ảnh tuyệt diệu. Một trong số đó là hình ảnh con tằm kéo cái kén làm thành tù ngục để tự giam hãm nó. Trong một bản dịch khác đã dùng hình ảnh con nhện với cái lưới của nó. Tuy nhiên cả hai hình ảnh đều cùng diễn tả một hành động của kẻ thiếu trí tuệ, đó là tự giam mình trong tù ngục của dâm dục, cái nhà tù do chính họ tự tạo ra mà không phải ai khác. Người trí thì có khả năng chấm dứt và buông bỏ, không đoái hoài tới sắc dục, nên có thể diệt trừ được tất cả khổ nạn. Khi Phật còn tại thế, nhiều vị tỳ kheo đã chứng quả A La Hán nhờ quán về đề mục, “thân này gồm có 32 phần thể trược trong cơ thể”. Nhờ quán như vậy, nên ta bớt tham đắm vào sắc thân ô uế; do đó, ta không si mê, dính mắc, tham đắm vào ái dục. Chính ta tham muốn ái dục, nên chấp trước, bám víu vào đó, mà làm khổ đau cho nhau. Không một ai có thể phủ nhận sự hiện hữu của đau khổ trên cõi đời này. Đau khổ mà con người phải gánh chịu ngày hôm nay là hậu quả do chúng ta đã làm những nghiệp bất thiện trong quá khứ, chính lòng ham muốn ái dục là động cơ thúc đẩy ta hành động tạo nghiệp từ thân, miệng, ý. Cũng chính ái dục thúc đẩy con người luyến ái, bám víu, và dai dẳng đeo đuổi theo sự sống. Lòng khát khao ham muốn ấy lôi cuốn con người từ kiếp sống này đến kiếp sống khác, không có ngày thôi dứt. (347) Những người ái dục đắm chìm Xuôi dòng ái dục vào miền khổ đau Lọt vòng dây trói trước sau Tựa như con nhện mắc vào lưới giăng. Ai mà dứt mọi buộc ràng Không còn ái dục, chẳng vương não phiền. (348) Mặc cho quá khứ trôi đi Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai Rời mau bến thảm cuộc đời Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời Khi tâm đã giải thoát rồi Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần. (349) Người nào bị khuấy động nhiều Bởi tâm xấu ác, bởi điều bất lương Thường ham dục lạc vô cùng, Người mà dục lạc cầu mong tăng nhiều Tự mình một sớm một chiều Trói mình thêm chặt vào theo não phiền. (350) Ai vui vì chẳng còn vương Tư tưởng bất thiện, bất lương loại trừ, Xác thân bất tịnh suy tư Giữ gìn chánh niệm, thích ưa điều lành Sẽ trừ ái dục vây quanh Ma Vương ràng buộc phá nhanh dễ dàng. Kẻ có tâm ý buông luông, phóng đãng, khi nhìn vào một người khác phái sẽ cho đó là một cái gì tinh khiết, nên ham muốn thèm khát ái dục. Họ không biết rằng, sự tăng trưởng lớn mạnh của ái ân, sẽ đem tới nhiều hệ lụy khổ đau ràng buộc, giống như người phạm tội bị giam cầm trong lao ngục. Những ai biết vâng theo lời Phật dạy, thực tập chánh niệm tỉnh giác, sẽ có khả năng thấy được người khác phái kia là bất tịnh, không trong sạch; do đó, diệt trừ được tâm ham muốn, luyến ái, yêu thích, nên thoát khỏi tai ương của nhiều hệ lụy khổ đau. Ai bị chìm đắm và tự quấn mình trong chiếc lưới ái ân, tự che mình bằng chiếc dù ái dục, sẽ giống như con cá tự chui vào lưới, bị cái lưới ấy xiết chặt, giam hãm, không có ngày thoát ra. Ai xa lìa được tham muốn dục vọng, không đi theo vết xe của ái ân, thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ràng buộc, vì đam mê, dính mắc ái dục, do đó không còn bị bất cứ một cái gì làm hại được nữa. Khi Phật còn tại thế, gần thành Xá Vệ, có gia đình một ông trưởng rất giàu có, nhưng lại tham lam, bỏn sẻn, keo kiết, chẳng khi nào biết giúp đỡ một ai. Một hôm ông thèm món thịt gà xé phay, mới bảo gia nhân bắt một gà trống thiến to béo, mập mạp. Sau khi làm xong, ông cho người đóng kín cửa lại để vợ con ông cùng thưởng thức món ăn khoái khẩu này. Phật biết ông là người có duyên được độ, nên dùng thần thông đi thẳng vào nhà. Ông nhà giàu thấy thế liền quát tháo ầm ĩ lên, “Sa môn tu hành gì mà chẳng biết xấu hổ, nhà của người ta mà tự nhiên đi vào chẳng thèm hỏi ai hết”. Phật mới nói rằng, “tôi đi ăn xin đâu có gì là xấu hổ. Ông mới là người đáng xấu hổ, ăn thịt cha mình mà không hay, không biết”. Ông nhà giàu tức quá mới nói, “cha tôi chết đã lâu, tại sao Ngài dám nói bậy bạ như thế?” – “Con gà ông đang ăn là cha ruột của ông đó, vì si mê tham ái, luyến tiếc quá độ, mà sinh lại làm gà để cho ông và vợ con cùng làm thịt để ăn. Đến như vợ của ông bây giờ là mẹ của ông đời trước, vì yêu thương, ham thích ái ân, nên mới sinh lại làm vợ ông đó. Ông ngu si, mê muội, lấy cha làm oán thù, lấy mẹ làm ân ái vui vầy, mà không biết tu nhân tích đức, nên phải chịu nhiều hệ lụy khổ đau trong ba cõi sáu đường không có ngày thôi dứt”. Khi nghe Phật nói, trong lòng ông ăn năn, hối hận vô cùng, bèn quỳ xuống xin Phật chỉ bày. Phật dùng thần lực để ông nhớ lại quá khứ, nhờ vậy, ông phát tâm quy y và lãnh thọ năm giới. Phật nói, “nhân quả nghiệp báo luôn theo ta như bóng với hình, dù trăm kiếp, ngàn đời vẫn không mất; khi hội đủ nhân duyên, quả báo hoàn tự hiện. Tham ái, yêu thương, luyến chấp, nên vợ chồng, cha mẹ, người thân cứ như thế mà tái sinh trở lại; khi thì làm cha mẹ, khi thì làm vợ con, rồi cứ thế mà ăn nuốt, giết hại lẫn nhau từ đời này sang kiếp khác”. Như ông nhà giàu đó ăn thịt gà, mà không biết mình đang ăn thịt cha mình, bởi người cha ngày xưa vì thương yêu, luyến ái đứa con trai, nên bị sinh trở lại làm con gà trống thiến to béo, mập mạp. Rồi người mẹ của ông cũng vậy, vì yêu thương, luyến ái con, rốt cuộc sinh trở lại để làm vợ ông. Con người cứ như thế mà chịu khổ đau trong luân hồi sinh tử, từ đời này, sang kiếp nọ, mà không có ngày thôi dứt. Hạnh phúc thay! Gia đình ông trưởng giả nhờ có duyên gặp Phật mà thấy được nhân duyên các tiền kiếp trước, nhờ vậy, ông và gia đình phát tâm quy y Phật, làm người cư sĩ tại gia, giữ gìn năm giới pháp, quyết tâm ăn trường chay để tránh tội khổ giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Người tại gia khó khăn hơn trong việc dứt trừ ái dục trọn vẹn, nên phải biết cách điều hòa, hạn chế lòng ham muốn. Tuy có gia đình, vợ chồng con cái, nhưng Phật chế ra năm giới để giúp người tại gia tránh bớt những lỗi đáng tiếc, mà cố gắng sống tốt, để làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, người thân, phục vụ tốt cho xã hội và hộ trì cho Tam bảo. Không giết hại mà còn hay giúp người, cứu vật, là mở rộng lòng từ thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Không gian tham, trộm cướp, lường gạt của người khác, mà lại còn bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia; nhờ vậy, không có ai bị mất mát tiền bạc, tài sản, mà không phải lo lắng, sợ hãi. Vì không tà dâm nên vợ chồng sống vui vẻ, hạnh phúc, không phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Vì không nói dối để dụ dỗ, lường gạt người, nên ta sống ở đâu cũng được mọi người giúp đỡ, thương tưởng. Không rượu chè be bét, say sưa, nghiệp ngập, xì ke ma túy, thì ta thông minh, sáng suốt, mà không gây khổ đau cho nhau. Ái dục đối với người xuất gia thì phải dứt trừ, đối với người tại gia thì phải biết điều hòa chừng mực, không quá si mê, đắm đuối và ta phải luôn ý thức sự tác hại của nó còn hơn gông cùm, tù tội. Muốn ít, biết đủ, là phương pháp rèn luyện cho ta biết cách làm chủ ham muốn nhờ có trí tuệ sáng suốt mà vượt qua luới ái, lìa buộc ràng. daophatngaynay/vn/phat-phap/giao-phap/nq-nb-lh/12157-Cai-gi-troi-buoc-con-nguoi.html
Posted on: Wed, 12 Jun 2013 09:57:17 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015