Mai nộp bài thi: từ hình ảnh người mẹ, người - TopicsExpress



          

Mai nộp bài thi: từ hình ảnh người mẹ, người chị,.. viết về vai trò người phụ nữ..., Mình viết đôi điều về người bà quá cố của mình: TÂM SỰ VỚI BÀ Ngày xưa cháu nghĩ: bà thích ăn đầu cá vì mỗi lần ăn cá, bà thường bẻ ăn trước cái đầu. Ngày xưa cháu nghĩ: Bà thích ăn khoai khô vì mỗi lần cơm hấp khoai khô, bà thường xới cho mình một chén đầy toàn khhoai trước rồi mới xới cho con cháu. Cháu cũng nghĩ bà thích ăn xơ mít hơn là múi mít vì múi bà chia hết cho cháu, bà chỉ ăn xơ. Xơ mít kho chung với cá cũng chỉ mình bà ăn. Nhà có 9 người, có miếng gì ngon, bà chỉ chia 8? Cháu không thể hiểu bà sức đâu mà làm việc quần quật ngày đêm như thế. Suốt ngần ấy năm sống với bà, cháu không hề biết bà thức dậy lúc mấy giờ và đi ngủ lúc mấy giờ, chỉ biết sáng nào cũng có sẵn một nồi khoai lang nóng cùng ít muối vừng, có khi là cá kho hay tép rang.. Nhà sạch, sân cổng sach. Cuốc cào ven thuổng, vài cái áo tơi hay những gì cần thiết cho công việc đồng áng của bố mẹ ngày hôm đó bà để gọn gàng giữa sân cùng với vài bình nước chè xanh. Miền Trung quê mình quanh năm hạn hán, lụt lội và bão tố. Đá sỏi đất cằn vậy mà gần ba sào vườn nhà ta cây cối vẫn xanh tươi, cây nào cũng sai trĩu quả thật là một điều kỳ diệu. Xung quanh vườn là bốn bờ tre cùng với cây buị san sát. Bà dùng cuốc, thuổng đào bốn bờ mương rộng sâu, thẳng tắp như địa đạo xung quanh để ngăn không cho rễ tre lấn sang vườn. Bốn bờ mương này đã gắn với bao kỷ niệm tuổi thơ của chúng cháu: Trốn tìm, đuổi bắt, chơi trò mẹ con hạy tụ tập đánh bài mỗi buổi trưa hè. Ngày xưa cháu cũng nghĩ: bà rất thích trèo cây vì cháu thấy bà thường hay trèo lên cây xi lau* trước cổng rong nhánh, chặt cành, hết cây này bà lại trèo lên cây khác. Cành xi lau, cành tre, cây căng, cây bốm, cây móc, mù tru, trập trội... bà chặt gọn gàng, phơi khô, bó thành từng bó gác lên tra* chuồng trâu, chuồng lợn để đun nấu cho cả năm. Từng bụi mây quấn lằng nhằng trên thân tre, bà rút xuống từng cây một, bóc hết lớp vỏ đầy gai, chẻ ra đan ghế, đan rổ rá, nức thúng mủng, mẹt. Cây tre già bà chặt xuống, chẻ ra, đêm đêm bà lại ngồi đan sàng, dần, nong, nia, vót đũa, chẻ lạt, chẻ tăm. Bà ơi! Ước chi giờ này cháu có cái chõng tre được đan bằng tre cật vàng óng, xung quang nức viền bằng mây để cháu thả lưng cảm nhận cái êm, cái mát sau một ngày làm việc căng thẳng. Bà đi buôn chè tận Cẩm Mỵ, Cẩm Duệ. Bà đi bộ hơn 20 cây số. Phải dậy từ khi nào để rạng sáng bắt đầu cắt chè hả bà. Mua chè xong còn gánh về nhúng nước, bó lạt, gánh xuống chợ Hôm* bán kịp trong ngày để sáng mai còn đi chuyến khác. Cháu nhớ mãi câu chuyện bà kể: “Có hôm trăng non bà tưởng trời sáng, bà hốt hoảng quảy triêng* chạy không kịp cầm theo vài củ khoai lang. Bà chạy một mình giữa đêm mà không biết có đúng đường không. Chạy miết không thấy trời sáng cũng không biết mình đã tới đâu. Bà nằm bên vệ đường ngủ. ghe tiếng gà gáy bà mới tỉnh giấc, thở phào và yên tâm là mình không lỡ mất ngày buôn. Giờ đây, “Cháu khôn – Bà chết mất rồi”. Cháu đã chưa một lần đấm lưng, xoa bóp cho bà, chưa một lần hai tay bưng bát chè xanh mời bà cho tử tế, chưa một lần thò đũa dành gắp cái đầu cá để lại phần nạc cho bà. Mỗi lần ăn cơm hấp khoai là cứ càu nhàu, thậm chí còn mút cơm ăn nhả khoai cho chó. Giá như một lần, một lần thôi cháu cùng bà ăn xơ mít trong nồi cá kho, một lần ra vườn cùng bà sắp những cành củi, ngồi quạt cho bà những lúc nắng trưa hay dậy sớm ngồi bên bếp lửa với bà thì cháu đã không ân hận thế này. Trước đây, đã nhiều lần nghĩ về bà nhưng chưa lần nào cháu khóc, chỉ đến khi làm vợ, làm mẹ cháu mới thấu hiểu. Không có bà, không có người phụ nữ chân yếu tay mềm này liệu chúng cháu có ngày hôm nay không? Cháu đã khóc bà ạ. Giọt nước mắt muộn màng. Cháu đã mốn nói gì đó với bà trước lúc bà đi xa nhưng ngày đó cháu mới sinh bé Bê được 3 ngày không về được. Cháu ôm con khóc. Thương bà và ân hận. Giá gì bà sống lại để cháu có thể nói hết nỗi lòng, có thể chăm sóc, bù đắp cho bà với đạo lý của một đứa cháu nội. Bà ơi! Bà hãy yên giấc ngàn thu. EaYông, ngày 6 tháng 11 năm 2013 Nguyễn Thị Cảnh
Posted on: Wed, 06 Nov 2013 18:48:15 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015