Mùng 2 tháng 9 - Quốc khánh nước Cộng hòa xã Hội - TopicsExpress



          

Mùng 2 tháng 9 - Quốc khánh nước Cộng hòa xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, mình lại lên đường đảm nhận vai trò cầu nối chuyên chở yêu thương. Và lần này điểm đến là gia đình bệnh nhân Hà Văn Thiêm sống ở xóm Đải, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thực ra, một tuần ba lần gặp Thiêm ở viện tỉnh khi mình và Thiêm cùng ca lọc máu thì không khó gì để mình chuyển tới em món quà mà cháu Trần Lê Bảo Quyên đã khẩn khoản mong mẹ cháu cho phép cháu ủng hộ chú Thiêm và các em - con của chú. Thế nhưng, mình vẫn quyết định vượt qua quãng đường 60km/ lượt để tới tận nhà Thiêm, trao tận tay em món quà vô cùng yêu thương và ấm áp này. Dẫu rằng biết là sẽ mệt, sẽ nhiều khó khăn và rủi ro (vì mình đang ốm, mệt lại hôm nay là thời điểm cách 2 ngày không được lọc máu nên người rất oải) mình vẫn quyết tâm lên đường chỉ bởi vì mình muốn chuyển tới Thiêm và vợ em một thông điệp: Phải cố gắng lên trong bất cứ hoàn cảnh nào! Đúng là như vậy, nếu mình không cố gắng, không nỗ lực thì mọi sự cứu giúp từ bên ngoài sẽ trở thành vô nghĩa. Bản thân mình và gia đình mới là nơi quyết định đến sự sống và chất lượng sống của mỗi bệnh nhân chạy thận, không ai có thể làm thay họ điều đó. Khi mắc phải căn bệnh có vào mà chẳng có ngày ra, tiền thì chẳng làm ra trong khi tiền tiêu thì...hơn núi tất yếu lâu dài sẽ nảy sinh maau thuẫn và xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Đã có không ít bi kịch xảy ra trong gia đình có người chạy thận khiến nhiều bệnh nhân phải chọn cho mình một cái chết đau đớn như nhảy lầu, lao vào tầu, nhảy xuống sông, uống thuốc sâu tự vẫn..... Thực tế, với bệnh nhân thận nhân tạo chỉ cần dừng chạy hai tuần là đã cầm chắc cái chết, vậy tại sao họ vẫn tìm đến những cái chết đớn đau như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là họ đã bế tắc, họ đã cùng đường, họ không nhìn thấy tương lai hoặc họ đã trở thành người thừa, thành kẻ ăn bám, thành gánh nặng của chính nơi lẽ ra phải là chỗ dựa chắc chắn nhất của họ. Nhiều gia đình, lúc đầu khi mới có người thân bị thì hết lòng, hết sức cứu chữa, lâu dần sinh chán nản, thậm chí đối xử tệ bạc với chính người thân của họ. Thay vì đã bệnh trọng rồi phải yêu thương, cưu mang, thậm chí nhường nhịn thì nhiều gia đình lại hắt hủi, quay lưng và coi người thân mang bệnh ấy như một gánh nặng của mình. Trong khi bản thân người bệnh trong tâm tư, tình cảm lúc nào cũng nặng trĩu một nỗi buồn, họ dễ tự ái, hay tự ti và rất dễ tổn thương, đôi khi cỉ vì một câu nói của những người ruột thịt của họ. Vậy nên, hơn ai hết, mỗi người bệnh phải cố gắng để sống, để chiến đấu khi còn có thể để không (hoặc bớt) trở thành gánh nặng của gia đình. Nếu ta không cố gắng, không phát huy tinh thần tự lực, cứ trông chờ tất cả vào người thân từ việc lớn đến việc bé thì tất yếu đến một lúc nào đó….tất cả sẽ chán ghét lẫn nhau. Không phải ai cũng hiếu được căn bệnh của chúng ta, không phải ai cũng có thể thông cảm, đồng cảm với chúng ta, cho dù ngay cả đó là người thân yêu của ta…Thế nên hoặc là ta phải nói ra, hoặc là ta phái cố gắng vận động trong khả năng của mình, có sức thì làm nhiều, ít sức thì làm ít, làm những việc nhẹ nhàng. Chỉ có như thế, chỉ có lao động (bằng cách này hay cách khác) ta mới bớt đi cảm giác tự ti, mặc cảm và thấy sự sống của mình có ý nghĩa hơn. Với Thiêm, tuy nghèo khó nhưng tuổi vẫn còn trẻ, sức vẫn ít nhiều còn do Thiêm còn trẻ, vậy nên em phải quyết tâm vượt lên! Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nghĩ rằng mình còn hạnh phúc hơn nhiều người, mình còn có người vợ tảo tần và hai đứa con trai kháu khỉnh. Nếu so sức vóc thì bản thân mình còn bé nhỏ hơn Thiêm rất nhiều. Đã thế, số năm chạy chạy thận của mình lại gấp 9 lần của Thiêm, vậy mà mình vẫn đi lại như con thoi, làm việc như….trâu điên thì không có lý do gì mà Thiêm lại…..lười nhác cả. Qua chuyến đi này mình cũng muốn gửi một thông điệp nữa tới Nga – người vợ của Thiêm là hãy cố gắng để sống, để yêu thương và lo cho Thiêm khi còn có thể! Đối với Thiêm lúc này gia đình thân yêu chính là điểm tựa, là động lực số một giúp Thiêm tiếp tục chiến đấu với bệnh tật để duy trì sự sống. Thiêm có thể không làm ra tiền, có thể trở thành gánh nặng cho Nga, song Thiêm còn ngày nào là Nga còn chồng ngày đó, con của Nga còn có bố ngày đó, là già đình còn một cái đích để sống ngày đó! Không có lý do gì mà những người dưng nước lã thấy hoàn cảnh của Thiêm, thấy bệnh bệnh của Thiêm còn thương yêu Thiêm nhiều như vậy mà tổ ấm của Thiêm lại không hết lòng với Thiêm! Mỗi một chuyến đi là thêm một lần trải nghiệm, mỗi một lần đảm nhiệm vai trò cầu nối là một lần thấy cuộc đời thật tươi đẹp và tự nhủ bản thân mình cũng phải quyết tâm hơn nữa để sống một cuộc đời thật đẹp! Nhìn ánh mắt con trẻ khi nhận những hộp bánh mà chị Bảo Quyên trao tặng vui như chính mình được nhận quà vậy! Trước khi về vợ chồng Thiêm ra tận ngõ tiễn mình và luôn miệng nói anh cho vợ chồng em gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đặc biệt là chị Trần Châu Giang và cháu Bảo Quyên đã yêu thương và sẻ chia với chúng em và các cháu! Chúng em hữa sẽ cố gắng để không phụ lòng thương yêu mà cả cộng đồng đã dành cho trong những ngày qua!
Posted on: Mon, 01 Sep 2014 15:17:13 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015