NGOẠI TRUYỆN 3 Sr: Nhanambook Gió hoen lệ sắt se mai - TopicsExpress



          

NGOẠI TRUYỆN 3 Sr: Nhanambook Gió hoen lệ sắt se mai rụng Năm Ung Chính thứ tám. Tháng Tư về nghìn tía tàn phai, hoa rụng tàn hồng thanh hạnh nhỏ. Đây không phải là mùa rực rỡ nhất ở Tử Cấm Thành, nhưng đối với người Mông Cổ thường cư trú nơi đất bắc thì khung cảnh này đã đẹp như mộng như ảo rồi. Ngói xanh tường đỏ thuỳ liễu rủ, nước biếc dưới cầu uốn nhà ta, yến sồ bay tiếng oanh xa, mỗi nét vẻ đều vô cùng mới mẻ. Tất cả toát lên sắc thái mơ màng, phong cảnh tú lệ vẫn được miêu tả trong thơ Hán này thật khiến cả tâm hồn và thể xác người ta ngất ngây. Y Nhĩ Căn Giác La Đạt Lan Đài, ngoài mặt cũng say sưa thưởng thức phong cảnh như mọi người, nhưng lòng thi thoảng bị kéo căng như sợi dây đàn. Nghe đồn Ung Chính vui giận thất thường, khắc bạc nghiệt ngã, thủ đoạn lại tàn khốc, từ anh em ruột thịt đến ông cậu là Long Khoa Đa đều không ai được hưởng kết cục tốt đẹp. Lần này ông ta phá lệ cho phép bọn họ vào kinh tấn kiến, rốt cục là ân hay uy, là phúc hay hoạ còn chưa rõ được. Hoàng thượng đặc cách cho gã vào nghỉ ở vườn Viên Minh, ăn uống khoản đãi như thượng khách, nhưng mãi không tiếp kiến, chỉ có Tứ a ca Hoằng Lịch đến gặp một lần, dặn rằng: - Gần đây Hoàng a ma bận rộn sự vụ, e rằng vài hôm nữa mới gặp vương tử được. Vương tử hẵng du ngoạn các nơi trong kinh vài hôm, hễ cần bất kỳ thứ gì thì cứ sai cung nhân đi tìm ta. Đạt Lan Đài thấp thỏm trong lòng, không nắm bắt được tâm tư dự định của hoàng đế, bèn dặn tuỳ tùng hầu cận là Ô Ân Kỳ Đa uống rượu chuyện trò với các thị vệ quanh đấy. Vung ngân lượng ra, cuối cùng cũng thu về được vài tin tức trong cuộc nhàn đàm, thì ra người thân nhất của thánh thượng là Thập tam vương gia bệnh nặng. Đạt Lan Đài càng thêm ưu tư. Nghe đồn Ung Chính độc đoán chuyên quyền, người duy nhất có khả năng xoay chuyển tâm ý ông ta là Thập tam vương gia. Chuyến này trước khi lai kinh yết kiến, phụ vương đã dặn riêng gã, nếu gặp phải chuyện phúc hoạ khó lường thì có thể đến cầu cứu Thập tam vương gia. Lại một ngày nữa trôi qua, Hoàng thượng vẫn chưa triệu kiến, Đạt Lan Đài lại không dám cáo từ, tâm trạng vô cùng u ám. Ngồi trong phòng lật đến nửa quyển thi từ của Đường Bá Hổ, gã đẩy mở cửa sổ thì trông thấy vầng trăng tròn chênh chếch. Cùng làn gió đêm, hương hoa thoảng tới từng chặp. Đúng là “trăng ngời như nước, rọi hoa thơm[1]”, gã bèn lững thững rời phòng đi dạo. Đến bờ hồ mới phát hiện ra mình vẫn mặc áo ngủ. Bấy giờ đêm khuya người vắng, gã lại không ngại lạnh, vì thế cũng không bận tâm, ngồi luôn xuống bên hồ sen, ngắm lá xanh san sát đang rập rờn trong gió. Tiếc rằng cảnh tượng “sắc nắng ươm sen đỏ lạ thường[2]” phải đến tháng Bảy mới có, gã không thưởng ngoạn được rồi. Chợt nghe nước oàm oạp, lá sen trồi động, tựa hồ có vật gì sắp nhô lên khỏi đáy. Đạt Lan Đài chăm chú đợi, tay hườm sẵn lực, đến khi nhìn rõ thì ngây ngẩn cả người. Dưới bóng trăng vằng vặc, ánh bạc tràn trề, một thiếu nữ đội nước ngoi lên, tóc đen nhay nháy dính bết vào mặt, bờ vai thon ẩn hiện dưới lần áo mỏng ướt sũng, khoé mắt đầu mày trĩu nặng ai sầu, nước đọng lấm tấm trên mặt hệt như giọt lệ nhân ngư. Trông thấy Đạt Lan Đài, thiếu nữ cũng ngẩn người, đứng mãi ở hồ nước. Muôn vòng sóng bạc loang rộng quanh chân cô, phía sau là hàng vạn lá sen rung rinh theo gió. Đạt Lan Đài sực nhớ đến một câu thơ của người Hán, “Ngời như trời hồng dâng ráng sớm, rạng như sen thắm rẽ sóng xanh[3]”. Từ đằng xa chợt vang tiếng bước chân. Đạt Lan Đài choàng tỉnh, nơi đây là Viên Minh viên, biệt uyển của Thiên Khả Hãn[4]. Người Mãn từ ngày nhập quan đã chịu ảnh hưởng tập tục của người Hán, rất chú ý giữ khoảng cách giữa nam và nữ, nếu để người ta bắt gặp gã đang ăn bận thế này thì giải thích thế nào cũng không thoả đáng được, tự mình phiền phức đã đành, chỉ e còn chuốc hoạ cho bộ tộc. Thiếu nữ tựa hồ nhận ra nỗi lo của gã, chợt nhoẻn cười, đặt đầu ngón trỏ lên môi làm hiệu im lặng rồi từ từ chìm xuống đáy nước. Bóng người biến mất, chỉ còn sóng gợn lăn tăn. Đạt Lan Đài yên tâm, đồng thời lại thấy hẫng hụt mất mát. Một tốp thái giám canh đêm xách đèn lồng đi đến, Đạt Lan Đài vội tránh vào bóng đổ của tàng cây. Đợi đám người đi qua rồi, gã quay trở lại bên hồ, đứng hồi lâu mà chỉ nghe tiếng lá sen sột soạt khi gió mát lùa qua. Mộng nhỉ, ảo chăng? Cuối cùng Đạt Lan Đài cũng nhận được thánh chỉ, Ung Chính triệu kiến gã sau buổi chầu sớm. Gã thầm thấp thỏm, nhưng ngoài mặt gắng giữ vẻ thản nhiên. Đến khi gặp Ung Chính, Đạt Lan Đài ngấm ngầm kinh ngạc. Vì nghe đồn đại khá nhiều, những tưởng tướng mạo phải dữ tợn lắm, nào ngờ lại là một người đàn ông nhợt nhạt gầy gò. Gã không dám nhìn kỹ, cung kính dâng lễ vật phụ vương gửi biếu. Cứ nghĩ Ung Chính sẽ hỏi thăm chính sự trong bộ tộc mình, nhưng ông ta chỉ đàm đạo toàn chuyện gia đình: - Phụ nương và nương thân khanh có khoẻ không? - Đều khoẻ ạ. - Hoa trên thảo nguyên chắc mới bắt đầu nở nhỉ? - Vâng ạ. Khi thần lên đường, cỏ mới chưa chớm móng ngựa, buổi đêm hàn khí vẫn dày. - Đúng rồi. Phải đến tháng Bảy tháng Tám thì ban đêm mới dễ chịu, không lạnh cũng không nóng. - Vâng, mẫu thân thần thích nhất là dùng cơm tối xong thì ra ngoài cưỡi ngựa. Ung Chính im lặng một lát, Đạt Lan Đài thấp thỏm, không biết mình đã nói sai điều gì, bèn kín đáo liếc Bảo thân vương Hoằng Lịch. Hoằng Lịch hơi lắc đầu, ra ý đừng lo. Chỉ tích tắc, Ung Chính lại cười hỏi: - Cầu hôn là ý của phụ vương hay mẫu thân khanh? Cầu hôn đã là việc một năm về trước, Hoàng thượng mãi không hồi đáp nên phụ vương cũng không dám đả động nữa rồi, chẳng ngờ hôm nay lại nhắc lại việc này. Đạt Lan Đài cân nhắc rất nhanh, và thận trọng trả lời: - Là ý của mẫu thân thần. Phụ vương vốn không dám vọng tưởng, nhưng không cưỡng được tài thuyết phục của mẫu thân, vì thế mới mạo muội dâng tấu. - Mãn Mông thông gia là quy chế từ xưa, có gì mà vọng tưởng với không vọng tưởng, chỉ tại trẫm không có cô con nào ở lứa gả chồng. Nhưng lại có một đứa còn quý hơn cả con… - Hoàng a ma! Hoằng Lịch đột nhiên xen vào, tựa hồ không tán đồng. Ung Chính lặng lẽ liếc chàng, Hoằng Lịch tái mặt cúi đầu xuống. - Con gái của Thập tam vương gia từ nhỏ đã lớn lên bên trẫm, tính tình… Đạt Lan Đài tưởng rằng sẽ nghe thấy những câu như “tính tình hiền hậu, cung cách đoan trang”, không ngờ Ung Chính nghĩ ngợi một lát thì không nói nữa, giọng điệu lại lẫn ý cười cợt: - Trẫm đắn đo rất lâu, cuối cùng quyết định gả nó cho huynh trưởng khanh. Đạt Lan Đài không hiểu lòng mình có cảm giác gì, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra mừng rỡ, quỳ xuống tạ ơn: - Khấu tạ thánh ân Hoàng thượng. Ung Chính điềm đạm nói: - Khanh lui đi! Chẳng mấy khi vào kinh, ở lại chơi thêm vài ngày rồi hẵng về. - Đội ơn Hoàng thượng! Đợi Ung Chính đi rồi, Đạt Lan Đài mới dám đứng dậy, định nói chuyện với Hoằng Lịch thì phát hiện ra sắc mặt chàng rất u ám, bèn thăm dò: - Vương gia? Hoằng Lịch nhìn gã, gượng cười: - Cung hỉ! Đạt Lan Đài cười nói: - Tạ ơn vương gia! Hai người chuyện phiếm vài câu, mỗi bên nặng một tâm sự, rồi ai đi đường nấy. Buổi tối, chân bước đưa chân, Đạt Lan Đài lại đến đến bên hồ, ngắm trăng sáng, trong lòng chộn rộn. Là anh em cùng cha cùng mẹ, chỉ nhờ sinh ra trước vài năm, một người được đặt tên là A Tư Lan, biệt hiệu Hùng sư, người còn lại gọi là Đạt Lan Đài, cha mẹ chỉ cần gã trường thọ. Sóng nước lăn tăn, lá sen lay động, Đạt Lan Đài bất thần buột miệng: “Cô nương!” Không ai đáp lời, khiến gã tưởng mình nghe lầm. Một lúc lâu sau, từ trong bãi sen có tiếng nói phẫn nộ vọng ra: - Ngươi là ai? Vì sao lại ở đây? Giọng nghẹn ngào, nghe như vừa khóc. Đạt Lan Đài hỏi: - Cô bị chủ tử trách mắng à? - Ta đi đây! Tiếng nước oàm oạp, lá sen dạt ra. - Cô nương, chính ta quấy rầy cô. Để ta đi cho. Nhưng không ai trả lời, chỉ có gió nhẹ thổi qua, lá sen khua lạt sạt. Đạt Lan Đài đứng mãi trên bờ, khi vầng trăng bò lên giữa trời mới chậm rãi trở về. Tinh mơ hôm sau, Đạt Lan Đài quyết định đi thăm Thập tam vương gia, coi như làm trọn lệ bộ xã giao. Đến phủ đệ cầu kiến mới biết Hoàng thượng đã hạ chỉ nghiêm cấm quan viên các cấp tới thăm hỏi, Đạt Lan Đài bèn quay về. Bấy giờ một đầy tớ lớn tuổi vừa từ xe ngựa bước xuống chuẩn bị vào nhà, trông thấy trang phục gã thì hỏi: - Ngài là vương tử của bộ tộc Y Nhĩ Căn Giác La? Đạt Lan Đài không dám khinh mạn, bèn lễ phép trả lời: - Đúng thế. Đối phương vội thỉnh an: - Nô tài là Tam Tài, hầu cận Thập tam vương gia, không biết vương tử thân đến nên đón rước chậm trễ. Xin mời vào. Đạt Lan Đài theo vào, vừa đi vừa hỏi chuyện. Tam Tài nói: - Hoàng thượng muốn để vương gia tĩnh tâm dưỡng bệnh nên đặc biệt hạ chỉ cấm quan lại các cấp đến thăm hỏi, riêng vương tử thì chắc chắn là gia muốn gặp. Đang thả bước giữa đình đài lầu các, chợt nghe tiếng cãi cọ: - Em nói với Hoàng a ma đi! Nếu em không muốn, Hoàng a ma sẽ không bắt em xuất giá đâu. - Em chẳng có gì muốn hay không cả. Đằng nào đến tuổi thì cũng phải xuất giá thôi. - Nhưng đối tượng mặt mũi ra sao còn chưa gặp, phẩm cách tính tình lại hoàn toàn không biết. - Có mấy cô gái được gặp phu quân rồi mới xuất giá đây? - Em không lo hắn đối xử tệ bạc với em à? - Em mang họ Ái Tân Giác La. Nếu người đó dám ngược đãi em, hoàng bá bá và các anh cũng chẳng cho phép nào. - Nhưng đấy là Mông Cổ ở ngoài ngàn dặm, không phải ở kinh thành, cho dù hắn bắt nạt em thì ta cũng không thể trừng trị giúp em được. Em ngoan, mau cầu xin Hoàng a ma! Ta và Tứ ca thật không nỡ gả em đi nơi xa xôi như thế. - Hoàng bá bá rất kiên quyết, các anh không phải lo lắng. Nhất định hoàng bá bá đã tìm hiểu người đó cặn kẽ rồi mới tứ hôn – Giọng cô gái mềm xuống, mềm như thế nhưng lại khiến người ta cảm nhận được sự não nề và bất lực trong lòng. Nhất thời, Đạt Lan Đài không biết nên tiến vào hay lùi ra, bèn đưa mắt nhìn Tam Tài. Nhưng Tam Tài mỉm cười tỉnh bơ, tựa hồ không nghe thấy gì cả. Đạt Lan Đài sực hiểu, cái tên nô tài này không ngại để gã nghe thấy. Người chưa bước qua cửa, cảnh cáo đã vào trước rồi. Hoằng Trú hét lên: - Vì sao em không chịu khẩn nài Hoàng a ma huỷ bỏ hôn sự? Tử Cấm Thành có gì không tốt chứ? - Bệnh của a ma em… Các anh lẽ nào không hiểu? Hoàng bá bá muốn a ma yên lòng, em cũng không muốn để a ma lo lắng. Tam Tài bước nặng chân, làm lễ thỉnh an Hoằng Lịch và Hoằng Trú: - Tứ a ca, Ngũ a ca cát tường! Đạt Lan Đài vương tử đến bái kiến vương gia. Đạt Lan Đài vội vàng thỉnh an Hoằng Lịch: - Vương gia cát tường! - Đứng lên đi! – Hoằng Lịch lãnh đạm nói. Hoằng Trú thì trợn trạo nhìn Đạt Lan Đài, nộ khí bừng bừng hầm hầm bỏ đi. Cô gái trong đình sớm đã quay gót theo hành lang. Đạt Lan Đài chỉ trông thấy cái bóng thướt tha xuyên qua hàng thuỳ liễu. Hoằng Lịch cười nói với Đạt Lan Đài: - Vừa lúc ta cũng đến thăm vương thúc, chúng ta cùng vào nào! Hai người sánh vai bước đi. Đạt Lan Đài thông làu thi từ của người Hán, hợp với Hoằng Lịch, nên hai bên trò chuyện rất sôi nổi. Trông thấy họ, Thập tam vương gia định ngồi dậy. Hoằng Lịch vội đến bên sập, giữ lấy ông: - Vương thúc đừng làm thế. Hoàng a ma mà biết thì sẽ mắng con đấy! Chàng lại lấy gối mềm, kéo chăn đắp, đứng bên sập hầu hạ Thập tam vương gia, không mảy may lộ vẻ cao ngạo của hoàng tử, chưa kể chàng đang là người mà tất cả ngầm hiểu sẽ là thiên tử tương lai. Đạt Lan Đài quan sát và âm thầm ghi nhớ. Thập tam vương gia, tuy khuôn mặt hốc hác nhưng tinh thần lại rất phấn chấn. Đạt Lan Đài cười thưa: - Khi cháu lên đường, phụ vương và mẫu thân nhắc cháu rằng nếu gặp được vương gia thì nhắn với người, họ luôn đợi người ở thảo nguyên. Nếu rảnh rỗi, nhất thiết mời vương gia đi tái ngoại một lần, tuấn mã và mỹ tửu đều đang chờ cố nhân. Thập tam vương gia cười lớn, tiếng cười chưa dứt đã ho sù sụ. Hoằng Lịch vội đấm lưng cho ông ta. Thập tam vương gia cười nói: - Đã hai mươi năm phụ vương và mẫu thân cháu chưa gặp ta, nên không biết cố nhân này không phải là cố nhân ấy nữa rồi. Nếu gặp ta thật, chỉ e sẽ ngạc nhiên thốt lên, lão già thảm hại này là ai thế? Lời lẽ tuy cảm khái, nhưng vì giọng người nói không hề tang thương nên người nghe cũng không lấy làm phiền muộn lắm, Đạt Lan Đài cười đáp: - Phong thái của vương gia thì chắc chắn vẫn nguyên vẹn như năm xưa. Phụ vương và mẫu thân cháu lại luôn nhung nhớ vương gia, không khi nào có chuyện không nhận ra đâu. Thập tam vương gia chỉ cười, hỏi han cặn kẽ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống ngày thường của phụ vương và mẫu thân gã, chuyện trò tao nhã thú vị, Đạt Lan Đài cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều so với khi hầu chuyện Ung Chính, mà ở Thập tam vương gia lại toát ra một thứ khí chất bình đạm hiền hoà, khiến người ta tự nhiên mong muốn được gần gũi ông, chứ không có ý đề phòng hay nghi kỵ. Hệt như gặp một trưởng bối thân thuộc, Đạt Lan Đài vui miệng kể hết những chuyện lặt vặt ngày thường, ngay cả tính khí vùng vằng bướng bỉnh của mẫu thân cũng không giấu. Thập tam vương gia mỉm cười lắng nghe, ánh mắt ấm áp. Đạt Lan Đài đang hào hứng tâm sự, chợt có tiếng nhạc tịch tịch tang tang cất lên. Hoằng Lịch cười nói: - Thừa Hoan đang đuổi chúng ta đấy! Thập tam vương gia cũng cười, nhìn Đạt Lan Đài, ngẫm nghĩ một lát rồi dặn: - Thực ra nhắn nhủ thế nào cũng không trọn ý được, nhưng là người làm cha làm mẹ nên luôn luôn lo âu trong lòng. Cháu về nói với mẹ, ta gửi gắm con gái cho bà ấy. Đạt Lan Đài ngẩn người, vội đứng dậy cung kính đáp: - Nhất định cháu sẽ chuyển lời lại cho mẫu thân. Thập tam vương gia gật đầu, ôn tồn nói: - Cháu về đi! Đạt Lan Đài hành lễ cáo lui, trông khuôn mặt tiều tuỵ của Thập tam vương gia, lòng bỗng thương cảm, chỉ e… không được bao nhiêu ngày nữa rồi. Gã cùng Hoằng Lịch bước ra, thoáng thấy một cô gái ôm đàn đi lướt qua hành lang sơn son. Đạt Lan Đài không dám nhìn kỹ, khoé mắt chỉ bắt được dáng nhìn nghiêng yểu điệu. Đi chưa được bao xa thì tiếng đàn tính tang lại vang lên, nghe yên ả xa xăm. Đạt Lan Đài cảm thấy tâm hồn thư thái, bèn tán thưởng: - Sách nói âm điệu cổ cầm có thể khiến người ta tập trung đầu óc, giải toả ưu phiền, hôm nay được nghe mới biết quả nhiên là thật. Hoằng Lịch lãnh đạm nói: - Đây không phải cổ cầm, mà là tranh cầm. Thập tam thúc thích nghe đàn tranh, vì thế cách cách theo học đàn tranh từ nhỏ. Đạt Lan Đài ngẩn người, mỉm cười: - Tại tôi kiến thức nông cạn, không phân biệt được tiếng cổ cầm và tranh cầm. Hoằng Lịch cười nhạt: - Chẳng có gì. Ta cũng chưa chắc nghe ra tiếng mã đầu cầm và hồ cầm. Đạt Lan Đài về tới Mông Cổ thì trong tộc đã nhận được thánh chỉ cho biết Hoàng thượng chấp thuận chuyện hôn nhân, ai nấy đều hân hoan chúc mừng. Mẫu thân phấn khởi khác thường, vừa gặp là cho mọi người lui hết để hỏi chuyện riêng: - Nghe nói con đến yết kiến Thập tam vương gia, ông ấy khoẻ không? Con có nói là chúng ta mời vương gia về thảo nguyên không? Ông ấy bằng lòng chứ? - Vương gia ốm lặng lắm, e rằng chỉ gượng được vài ba tháng nữa. Phụ vương thường kể Thập tam vương gia dẻo dai tráng kiện, thuật cưỡi ngựa và bắn cung đều rất siêu việt, nên con còn mang theo một cánh cung cứng để làm lễ vật. Về sau mới biết ông khác xa tưởng tượng của mình, chắc vì bị bệnh tật giày vò nên đừng nói kéo cung, ngay đi lại cũng khó khăn rồi. - Gì cơ? – Mẫu thân lảo đảo, mặt trắng bệch ra. Đạt Lan Đài vội đỡ bà ngồi xuống. Mẫu thân ngồi chết sững một lúc, lại hỏi: - Thập tam vương gia có nói gì không? - Ông ấy nói gửi gắm con gái cho mẫu thân. Mắt mẫu thân trào lệ, bà quay mặt đi: - Con đi đường chắc cũng mệt. Về nghỉ ngơi cho khoẻ. Đạt Lan Đài cung kính hành lễ rồi cáo lui, qua khoé mắt liếc thấy lệ tuôn ròng ròng trên má mẫu thân. Ước chừng hơn một tháng sau, có tin gửi tới báo Thập tam vương gia bệnh nặng đã qua đời. Đạt Lan Đài tuy hơi bùi ngùi, nhưng đằng nào cũng chẳng phải bạn bè thân thích, không đến nỗi vật mình vật mẩy. Nhưng mẫu thân thì đau đớn muôn phần, vừa nghe tin liền oà ra khóc trước mặt mọi người, khóc đến lạc cả giọng, khóc đến gần ngất xỉu trong lòng phụ vương. Về sau, bất chấp sự phản đối của mọi người, bà khăng khăng đòi lập linh đường, hạ lệnh cho đại ca trông linh cho Thập tam vương gia theo đúng lễ con rể cha vợ, bản thân bà cũng ngày ngày tới linh đường cúng bái. Đạt Lan Đài rất ngạc nhiên, song không dám hỏi nhiều, chỉ đến trông linh cho Thập tam vương gia theo đúng lễ con cháu. Một đêm khuya, gã nghe loáng thoáng tiếng hát vọng tới, không giống giai điệu Mông Cổ, nổi tính hiếu kỳ lần theo hướng tiếng ca, thì trông thấy mẫu thẫn bận áo đỏ thắm đang hát trước linh vị Thập tam vương gia. Chân tình vời vợi như đồng cỏ Chẳng ngại chi mưa gió dạn dày Trời quang mây tạnh có ngày Nắng soi muôn dặm sum vầy hai ta. Chân tình như mai hoa nở nộ Băng giá kia cũng khó dập vùi Dù bao lạnh lẽo chìm trôi… Mẫu thân vừa hát vừa múa nhẹ tay áo, từ từ cuốn mình theo một vũ khúc. Hát đến đoạn sau, giọng bà nghẹn ngào lúng búng, không hát tiếp được nữa. Thình lình có tiếng mã đầu cầm vang lên, nối vào giai điệu mà mẫu thân vừa hát, cứ thế tiếp tục tấu một cách u hoài. Đạt Lan Đài nhìn xem thì nhận ra là phụ vương, không hiểu ông đến tự bao giờ, đang ngồi xếp bằng trên sàn linh đường, kéo mã đầu cầm. Mẫu thân trông thấy phụ vương, động tác có phần gượng gạo, nhưng phụ thân vẫn chăm chú kéo đàn: - Mẫn Mẫn, múa tiếp đi. Chúng ta cùng tiễn anh ấy một chặng cuối. Phụ vương cất cao tiếng hát, giọng hát hùng tráng ngập đầy bi thương: Tuyết xoáy lại mênh mang gió bấc Cành hàn mai cô độc giữa trời Toả hương chỉ bởi một người Yêu không tiếc hận tình ngời trong tim… Mẫu thân xoay chầm chậm, nước mắt chảy như mưa, thả mình vào một điệu vũ mỹ lệ mà đau thương. Dáng điệu bà không còn thanh thoát linh hoạt như thời thiếu nữ, bước chân thi thoảng còn lỗi nhịp, lúc ấy phụ vương lại kéo dài tiếng đàn mã đầu cầm, âm thanh nhẩn nha đợi mẫu thân bắt vào đúng bước. Đạt Lan Đài khẽ khàng rời đi. Gã không biết câu chuyện giữa phụ thân, mẫu thân và Thập tam vương gia, nhưng gã có thể nhận ra nỗi đau đớn của mẫu thân, nỗi đau đớn của phụ thân. Gã bắt đầu lờ mờ hiểu nguyên nhân Thập tam gia và Thiên Khả Hãn cho cách cách hứa hôn với đại ca, có lẽ họ muốn cô ấy cũng được như mẫu thân gã, mãi mãi là bông hoa cao quý nhất trên thảo nguyên. Có người đàn ông sẵn lòng tặng cả thảo nguyên khi nàng muốn ruổi ngựa, sẵn lòng kéo mã đầu cầm khi nàng muốn nhảy múa, và chầm chậm đợi nàng khi nàng lạc bước chân. Mẫn Mẫn múa xong, tiếng mã đầu cầm vẫn chưa dừng. Nhiều năm nay, cô không còn hát bài này, cũng không còn múa điệu múa này nữa. Cô không hiểu vì sao chỉ nghe một lần mà Tá Ưng nhớ được. Bản thân cô, bây giờ chỉ nhớ láng máng, không thể mường tượng được tiếng sáo năm xưa, tưởng đâu hơn hai mươi năm trước, điệu nhạc mà cô nghe thấy lại chính là tiếng mã đầu cầm. Cô bước đến bên Tá Ưng, chầm chậm ngồi xuống, đầu ngả vào vai gã. Tiếng mã đầu cầm vẫn rền rĩ như khóc như than. Tá Ưng hôn nhẹ lên trán Mẫn Mẫn, nói với linh vị của Thập tam gia: - Anh yên lòng đi nhé! Tôi và Mẫn Mẫn sẽ thay anh chăm sóc Thừa Hoan.
Posted on: Sat, 22 Jun 2013 15:15:16 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015