Ngày thứ sáu (28-06-2013) - Trang suy niệm Thứ năm, 27 - TopicsExpress



          

Ngày thứ sáu (28-06-2013) - Trang suy niệm Thứ năm, 27 Tháng 6 2013 07:11 Lời Chúa Hôm Nay Thứ Sáu Ngày 28/06/2013 Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm C BÀI ĐỌC I: St 17, 1. 9-10. 15-22 "Mọi đứa con sẽ chịu cắt bì để làm dấu giao ước. Sara sẽ sinh cho ngươi đứa con trai". Trích sách Sáng Thế. Khi Abram vừa được chín mươi chín tuổi, Chúa hiện ra với ông và phán bảo ông rằng: "Ta là Chúa toàn năng, hãy đi trước mặt Ta và hãy nên trọn lành". Chúa lại phán bảo Abraham rằng: "Vậy ngươi và dòng dõi ngươi qua muôn thế hệ, hãy giữ giao ước của Ta. Đây là giao ước phải giữ giữa Ta với ngươi, nghĩa là dòng dõi ngươi sau này: Tất cả con trai của các ngươi sẽ chịu cắt bì". Chúa lại bảo Abraham rằng: "Ngươi sẽ không còn gọi Sarai vợ ngươi là Sarai nữa, nhưng gọi là Sara. Ta sẽ chúc phúc cho Sara; và Sara sẽ sinh một con trai; Ta sẽ chúc phúc đứa con đó, nó sẽ làm đầu nhiều dân, và do nó sẽ sinh ra nhiều vua nhiều nước". Abraham cúi mặt cười, nghĩ trong lòng rằng: "Già đã trăm tuổi mà còn có con được sao? Sara đã chín mươi tuổi sẽ sinh con ư?" Rồi ông thưa cùng Chúa: "Xin Chúa cho Ismael được sống trước mặt Chúa!" Chúa phán bảo Abraham rằng: "Sara vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai, ngươi đặt tên nó là Isaac. Ta sẽ lập giao ước muôn đời với nó và dòng dõi nó. Ta cũng nghe lời ngươi cầu cho Ismael: này Ta sẽ chúc phúc cho nó sinh sản nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai tướng quân, và Ta sẽ làm cho nó nên một dân tộc lớn. Còn lời giao ước của Ta chỉ ký kết với Isaac, do Sara sẽ sinh ra cho ngươi mùa này sang năm". Sau khi nói hết lời cùng Abraham, Thiên Chúa biến đi. Đó là lời Chúa. ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5 Đáp: Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa (c. 4). 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp. 2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn; con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Đáp. 3) Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn. - Đáp. ALLELUIA: Ga 8, 12 Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia. PHÚC ÂM: Mt 8, 1-4 "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết". Đó là lời Chúa. ++++++++++++++++++ 28/06/13 THỨ SÁU TUẦN 12 TN Th. Irênê, giám mục, tử đạo Mt 8,1-4 NẾU CHÚA MUỐN “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3) Suy niệm: Nhu cầu của con người thì bất tận, không bao giờ hết, mà đã có nhu cầu thì luôn mong muốn được thỏa mãn. Vì thế mà con người luôn đi tìm kiếm mọi cách để lấp đầy những nhu cầu ấy. Không những thế, người ta còn coi thần linh như một thứ công cụ để đáp ứng những nhu cầu đời sống của mình. Cứ nhìn cảnh cả rừng người chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp cả lên nhau để “cướp ấn” “giành lộc” tại các đền chùa trong những dịp đầu năm, lễ hội sẽ thấy rõ. Lời Chúa hôm nay kể lại thái độ của người bị bệnh phong cho biết phải cầu xin thế nào cho đúng đắn. Anh ta rất muốn được khỏi bệnh phong, anh cũng cầu xin cho được khỏi bệnh nhưng với một điều kiện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch.” Mời Bạn: Có lẽ bạn và tôi cũng có thói quen “xin bằng được” nhưng không phải cho ý Chúa được thể hiện mà là xin cho được như ý của mình. Bạn cứ cầu xin vì Chúa muốn như thế (x. Mt 7.7-11; 18,19; Ga 14,13-14; 16,24-26), nhưng khi cầu xin bạn hãy nói như anh bị bệnh phong: “Nếu Chúa muốn” và bạn hãy xin: “Xin cho ý Chúa được thể hiện.” Chia sẻ: Điều gì bạn đang cần mà bạn nghĩ rằng cũng hợp với ý Chúa? Bạn hãy cầu xin Chúa về điều đó. Sống Lời Chúa: Sau giờ kinh tối gia đình, bạn thinh lặng cầu xin Chúa cho gia đình mình điều mà bạn nghĩ hợp với ý Chúa nhất. Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con thấy thánh ý Chúa trong những lúc gặp khó khăn, để con luôn biết nói với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trong mọi lúc. Nhưng cũng xin thêm cho con lòng can đảm để có thể trung thành với thánh ý Chúa suốt đời con. Amen. (5 Phút Lời Chúa) ++++++++++++++++++ Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu 28 THÁNG SÁU Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5). Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người. Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao! - suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II - Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác LIFT UP YOUR HEARTS Daily Meditations by Pope John Paul II +++++++++++++++++ Lời Chúa Trong Gia Đình Ngày 28-6 Thánh Irênê, giám mục tử đạo St 17,1.9-10.15-22; Mt 8, 1-4 LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người mắc bệnh phong bái lạy Chúa Giêsu, xin được chữa lành. “Người giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi.’ Lập tức, anh được sạch bệnh phong.” (Mt 8,3) Trong thời Chúa Giêsu, người Do-thái có luật không được tiếp xúc hay chạm đến người mắc bệnh phong, nếu vi phạm đều bị ô-uế và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Chúa Giêsu đã vì tình yêu, và với quyền năng của Ngài, Ngài đã cứu chữa người bị bệnh phong với cử chỉ là đã đụng vào anh ta. Điều này giúp cho chúng ta thấy được mọi sự kêu cứu Ngài, và được Ngài đụng chạm đến, thì người đó có sự biến đổi nên tốt. Ước gì trong cuộc sống của chúng ta luôn chạy đến kêu cứu Ngài, để được Ngài biến đổi đời sống của chúng ta mỗi ngày thêm tốt hơn. Mạnh Phương +++++++++++++++++ Gương Thánh nhân Ngày 28-06 Thánh IRENÊ Gíam mục, Tử Đạo (Thế kỷ II) Thánh Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô: - "Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa. Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm: - "Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng". Như vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài "Adversus Haereses" của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có. Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây. Năm 177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội. Thánh Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật : - "Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống .... Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản". Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là "Anh sáng bên trời Tây". Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác. Hoàng đế Seltinô - Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài. (daminhvn.net) +++++++++++++++++ 28 Tháng Sáu Ngợi Khen Con Người Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm. Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ. Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua. Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta". Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người". Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa. Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mãi nụ cười của cảm thông, tha thứ và yêu thương. (Lẽ Sống) ++++++++++++++++++ Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Sáu Tuần 12 TN1, Năm lẻ *** GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Có những điều tuy không thể làm được bởi con người; nhưng luôn có thể làm bởi Thiên Chúa; chẳng hạn: làm cho có mưa có nắng, cho người cao niên được sinh con, chữa lành các bệnh tật mà con người phải bó tay đầu hàng. Lý do đơn giản: chẳng có gì là chuyện không thể đối với Thiên Chúa. Các Bài Đọc hôm nay tường thuật 2 phép lạ chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật việc Thiên Chúa làm cho tổ-phụ Abraham. Ngài cho ông có con trong khi cả ông và vợ ông đã quá tuổi sinh con, và Ngài lập giao ước với ông và giòng dõi của ông. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành một người bị bệnh phong hủi, khi thấy anh biểu lộ một niềm tin vững mạnh vào Ngài. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 1/ Bài đọc I: Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. 1.1/ Giao Ước Thiên Chúa làm với tổ-phụ Abraham: Khi ông Abram được chín mươi chín tuổi, Đức Chúa hiện ra với ông và phán: "Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo.' (1) Giao ước được ký kết, không phải chỉ với một mình Abraham, nhưng còn với toàn giòng dõi ông: Thiên Chúa phán với ông Abraham: "Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và giòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với giòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì.' Dấu hiệu bề ngoài của giao ước là mọi đàn ông con trai của người Do-thái sẽ phải chịu cắt bì. (2) Thiên Chúa đổi tên cho hai ông bà: Thiên Chúa phán với ông Abraham: "Sarai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Sarai nữa, nhưng tên nó sẽ là Sarah.' Abram có nghĩa "cha được tôn vinh" thành Abraham, có nghĩa "cha của nhiều dân tộc." Sarai có nghĩa "công chúa" thành Sarah, có nghĩa "mẹ của nhiều dân tộc." 1.2/ Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một người con trai: 'Ta sẽ chúc phúc cho nó (Sarah), Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó.' (1) Ông Abraham không hiểu lời hứa ban con của Thiên Chúa: Ông Abraham cúi rạp xuống; ông cười và nghĩ bụng: "Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Sarah đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?" Ông nghĩ chắc Thiên Chúa muốn nói tới Ismael, người con ông có với Hagar, nàng hầu của bà Sarah, nên Abraham thưa với Thiên Chúa: "Ước chi Ismael được sống trước nhan Ngài!" (2) Thiên Chúa cắt nghĩa rõ ràng lời hứa ban con của Ngài: Nhưng Thiên Chúa phán: "Không đâu! Chính Sarah, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho giòng dõi nó sau này. Còn về Ismael, Ta nghe lời ngươi xin: Này Ta chúc phúc cho nó, Ta sẽ cho nó sinh sôi nảy nở ra nhiều, thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai hoàng tử, Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn. Nhưng giao ước của Ta thì Ta lập với Isaac, đứa con mà Sarah sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm." 2/ Phúc Âm: "Tôi muốn, anh sạch đi." 2.1/ Phép lạ Chúa chữa người phong hủi: (1) Người phong hủi biết cách xin: Ông tiến lại, bái lạy Người và nói: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chỉ với câu một ngắn ngủi, ông đã lột tả được hai điều quan trọng: + Ông luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Khi nói "nếu Ngài muốn," ông cũng biết điều đối ngược có thể xảy ra là Thiên Chúa có thể không muốn, và ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để chịu bệnh. Con người không biết chuyện tương lai nên không biết cách xin làm sao cho đúng; vì thế, điều khôn ngoan là cứ việc xin, nhưng phải khôn ngoan cho thêm câu như người phong hủi hôm nay "nếu Ngài muốn." Lý do: có thể những điều con người muốn sẽ đưa họ đến chỗ thiệt hại hơn; chẳng hạn, nguy hiểm cho phần linh hồn. Thiên Chúa biết những gì ích lợi cho con cái, Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. + Ông tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự: Khi nói "Ngài có thể làm cho tôi được sạch," người phong hủi không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Đây là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh, như Chúa Giêsu vẫn thường đòi hỏi nơi bệnh nhân. (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Thấy cách biểu lộ niềm tin và lối sống của người phong hủi, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Đây là hành động rất can đảm và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì Lề Luật ngăn cấm không cho sự tiếp xúc giữa người lành mạnh và người bị phong hủi. Khi Chúa Giêsu giơ tay đụng anh, Ngài đã làm cho mình trở nên không thanh sạch. Người không thanh sạch bị ngăn cấm không được vào Đền Thờ; nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho anh đã thắng vượt tất cả những ràng buộc của Lề Luật. Tiên tri Isaiah diễn tả rất hay về lòng thương xót như sau: 'Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta' (Isa 53:4a). 2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: (1) "Coi chừng, đừng nói với ai cả:' Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người. (2) 'Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5). ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: - Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài. - Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài. Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Posted on: Fri, 28 Jun 2013 04:11:38 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015