[ TỰ TRUYỆN SIR ALEX FERGUSON ] Chương 1: Rooney, một - TopicsExpress



          

[ TỰ TRUYỆN SIR ALEX FERGUSON ] Chương 1: Rooney, một thiên tài nổi loạn “Họ đánh cắp thằng bé của tôi” Tất cả những gì mà chúng tôi biết về Wayne Rooney khi cậu ta còn ở Everton có thể được gói gọn trong một mệnh đề: đây là một người đàn ông đang được đặt nhầm chỗ và phải chơi bóng ở tuyến trẻ. Walter Smith, trợ lý cũ của tôi, cho rằng Rooney là cầu thủ xuất sắc nhất mà ông ấy từng thấy và khuyên tôi phải ký HĐ với Rooney ngay lập tức. Không lâu sau đó thì cậu ta ghi bàn thắng lịch sử vào lưới Arsenal, được gọi vào ĐTQG và ghi bàn thắng quốc tế đầu tiên khi chưa tròn 18 tuổi. Đó là tháng 8/2004 và chúng tôi vừa thi đấu với Everton. Bill Kenwright (Chủ tịch của Everton) đang khóc. Ngồi trong văn phòng của tôi và khóc. Ở đó còn có David Moyes, David Gill và tôi. Bill vừa khóc vừa gọi điện cho mẹ của ông ấy: “Họ đang đánh cắp thằng bé của tôi, đánh cắp thằng bé của tôi”. Và ông ta đưa điện thoại cho tôi: “Đừng hy vọng sẽ mua được nó với giá rẻ. Thằng bé đó đáng giá tới 45 triệu bảng đấy”, tôi nghe thấy một giọng nữ ở đầu dây bên kia. “Họ đang đùa chắc?”, tôi nghĩ thế, bởi Bill là một nhà sản xuất nghệ thuật nổi tiếng. Có thể họ đang gài bẫy tôi để nâng giá lên. Nhưng đó là sự thật. Không dễ để mua được tài năng trẻ hứa hẹn nhất của bóng đá Anh, và thậm chí David Moyes còn cứng rắn hơn Bill trong các cuộc đàm phán. Cuối cùng thì chúng tôi đồng ý với cái giá 25 triệu bảng kèm theo một số điều khoản phụ. Nước mắt của Kenwright cũng khô và các cuộc thương lượng cũng kết thúc. Thời gian đầu suôn sẻ Wayne đặt bút ký vào bản HĐ khi kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2004 chỉ còn 7 giờ nữa là đóng cửa. Khi đến đây (M.U) thì cậu ta đã không thi đấu trong vòng 40 ngày có lẻ và cũng chỉ tham gia một vài buổi tập. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc tiếp đón Fenerbahce ở Champions League, 28 ngày sau khi Wayne trở thành một cầu thủ M.U, là thời điểm phù hợp để cậu ấy ra mắt. Kết quả rất tuyệt vời: Wayne lập một hat-trick trong chiến thắng 6-2. Sau đó tình trạng thể lực của cậu ta giảm xuống đôi chút và cũng dễ hiểu là Wayne không có màn trình diễn nào tương tự như thế nữa trong suốt nhiều tuần. Nhưng niềm tin mà tôi đặt vào cậu ta không hề giảm vì Wayne sở hữu một tài năng thiên bẩm, rất nghiêm túc với nghề nghiệp và luôn khao khát được chơi bóng. Cậu ta thậm chí không muốn nghỉ ngơi, bởi Wayne là mẫu cầu thủ mà tập càng nhiều, đá càng khỏe. Wayne khá “dày cơm” và rất khó có thể hình dung ra cảnh cậu ta vẫn chơi bóng đến giữa những năm 30 tuổi như Scholes hay Giggs, tuy nhiên ngay từ khi cậu ta gia hạn hợp đồng với chúng tôi vào tháng 10/2010 thì tôi đã cho rằng Wayne sẽ kết thúc sự nghiệp trong vai trò một tiền vệ. Trong mắt tôi thì Wayne không phải là người tiếp thu nhanh nhất và ít khi hấp thụ các ý tưởng hay phương pháp mới một cách nhanh chóng trong những buổi tập. nhưng cậu ta có một bản năng bóng đá tuyệt vời. Wayne chỉ cần thời gian để trưởng thành. Suốt những năm đầu tiên, tôi hiếm khi phải nổi cáu với cậu ta. Ngoài một số pha xoạc bóng ngớ ngẩn trên sân cỏ, Wayne không gây ra rắc rối gì khác nữa. Những rắc rối bắt đầu Nhưng đến ngày 14/8/2010 thì Wayne thông báo với chúng tôi rằng cậu ta sẽ không gia hạn HĐ. Đó là một cú sốc lớn, bởi kế hoạch ban đầu là các bên sẽ ngồi lại với nhau sau VCK World Cup để thảo luận về một bản HĐ mới. Hồi Wayne 17 tuổi thì tôi có thể chấp nhận sự xốc nổi này, nhưng 7 năm đã qua và cậu ta không còn là trẻ con nữa. Sau đó, vào tháng Mười, Rooney đến gặp tôi trong một bộ dạng nhút nhát như cừu non. Tôi cảm thấy những gì mà cậu ta sắp nói đã được lập trình sẵn. Khi cậu ta nói rằng chúng tôi không có đủ tham vọng, tôi trả lời: “Trong 20 năm gần nhất, có lần nào chúng ta không cạnh tranh chức VĐQG? Trong 3 hay 4 năm gần nhất, chúng ta đã vào đến mấy trận chung kết Champions League?”. Tôi cho cậu ta biết rằng những lời phàn nàn kể trên là cực kỳ vô lý. Wayne nói rằng chúng tôi nên theo đuổi Mesut Ozil, người mới chuyển sang Real Madrid từ Werder Bremen. Tôi trả lời rằng đó không phải là việc của cậu ta. Việc của cậu ta là thi đấu cho tốt, còn tôi mới là người lựa chọn đội hình. Vài ngày sau đó, trước khi chúng tôi đá với Bursaspor, Wayne đưa ra một thông cáo báo chí dài dằng dặc và tôi cũng không hiểu hết cậu ta muốn nói gì, nhưng tôi đoán rằng cậu ta đang tìm cách xây dựng lại quan hệ với tôi và các CĐV. Trong buổi họp báo sau trận, tôi tìm cách bênh vực cậu ta. Chúng tôi luôn luôn làm như thế với tất cả các cầu thủ, không riêng gì Wayne Rooney. Đây là Manchester United, một CLB đã xây dựng lịch sử của mình dựa trên sự tin tưởng giữa các cầu thủ và HLV. Chúng tôi đã làm như thế từ thời Sir Matt Busby. Ryan Giggs đã được hưởng lợi, Paul Scholes đã được hưởng lợi từ chuyện đó và bây giờ đến lượt Wayne. Sau đó cậu ta ở lại, trở thành một trong những người được trả lương cao nhất nước, và đến xin lỗi tôi. Tôi bảo cậu ta:“hãy xin lỗi các CĐV ấy”. Một số cầu thủ không hài lòng vì chuyện của Wayne, nhưng số khác thì chẳng buồn quan tâm. Tuy nhiên với các CĐV thì khác, đã có dấu hiệu cho thấy họ không còn tin vào Wayne nữa. Chừng nào cậu ta còn ghi bàn thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng trong những thời khắc khó khăn thì bóng ma của “vụ việc 2010” lại trở lại. Một số CĐV đã ủng hộ M.U được hơn 50 năm và họ không thể tha thứ cho bất kỳ ai tỏ ra kém trung thành với CLB. Rất ít cầu thủ muốn rời M.U và các CĐV không thể hiểu nổi vì sao một ai đó lại muốn ra đi hoặc lại chỉ trích chính sách chuyển nhượng của CLB. Sau đó, vào mùa Đông năm 2011, tôi lại phải dùng các biện pháp kỷ luật với Wayne. Cậu ta đi chơi đêm cùng với Jonny Evans và Darron Gibson để ăn mừng thắng lợi 5-0 trước Wigan, và tôi phạt cậu ta một tuần lương kèm theo án treo giò nội bộ: Wayne sẽ không được ra sân trong trận gặp Blackburn sau đó. Wayne cần phải cẩn thận. Cậu ta sở hữu những phẩm chất tuyệt vời, nhưng nếu không có thể lực tốt thì chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Cứ nhìn cách Ronaldo hay Giggs chăm sóc cơ thể của họ mà học. Trong mùa giải cuối cùng của tôi, khi Wayne bị cho ngồi ngoài một số lần, tôi cảm thấy cậu ta đã đánh mất một chút sắc bén và gặp nhiều khó khăn trong các pha tranh chấp. Dần dần, cậu ta không còn đủ sức để đá trọn vẹn 90 phút và có dấu hiệu đuối sức về cuối trận. Ngày đầu tiên sau khi chúng tôi giành chức VĐ Premier League, Wayne đến gặp tôi và đòi được ra đi. Cậu ta không thích cảnh phải ngồi ngoài và nhường chỗ cho người khác. Paul Stretford cũng nói điều tương tự với David Gill. Lần này thì tôi có thể hiểu được: một số cầu thủ sẵn sàng ở lại CLB cả đời, một số người khác luôn cần những thử thách mới. Khát vọng chiến đấu và tỏa sáng trong Wayne vẫn chưa chấm dứt, và tôi để cậu ta tự đi thảo luận về tương lai với David Moyes. Chương 2: Barcelona – Nhỏ mới là đẹp Barca vĩ đại Đội Barcelona đã đánh bại chúng tôi ở Wembley trong trận chung kết Champions League năm 2011 mạnh hơn rất nhiều so với phiên bản năm 2009 ở Rome. Năm 2011, Barca đang ở đỉnh cao của họ và chơi bóng với một sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Tôi không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng mình đang sở hữu một đội bóng xuất sắc, nhưng lại phải gặp một đối thủ còn mạnh mẽ hơn. Tôi ước gì mình có thể đá lại trận đấu ở Rome ngay ngày hôm sau, bởi bầu không khí trên sân Olimpico năm đó thực sự là rất tuyệt vời, và bởi đó là lần đầu tiên tôi thất bại trong một trận chung kết cúp châu Âu, sau 5 lần góp mặt. Phải nhận huy chương dành cho người về nhì là một trải nghiệm rất đau đớn, nhất là khi bạn biết rằng mình có thể làm tốt hơn. Dũng cảm là một điều tối cần thiết để chống lại đội Barca ấy. Họ là đội bóng xuất sắc nhất trong thế hệ này, giống như Real Madrid trong những năm 1950-60 hay AC Milan trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Đúng là tôi có tiếc nuối khi để thua họ, nhưng ghen tị thì không. Hai trận thua Nếu chơi thiên về phòng ngự hơn thì chúng tôi đều đã có thể gây nhiều khó dễ hơn cho Barca, nhưng tôi đã bước vào một giai đoạn mà những thắng lợi xấu xí chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ở vòng bán kết năm 2008, tôi từng bố trí phòng ngự rất sâu và khiến bản thân mình cũng như các CĐV trải qua những phút giây cực kỳ căng thẳng. Tôi muốn xây dựng một hình ảnh tích cực hơn trong các cuộc đối đầu với Barca, và chúng tôi thua một phần cũng vì thế. Nhưng lẽ ra chúng tôi đã không thua trận đó. Không phải là không có cách để ngăn chặn các cầu thủ Barca, kể cả Messi. 12 tháng trước, trong trận lượt đi vòng bán kết, chúng tôi đã xếp Tevez đá tiền đạo lùi và Ronaldo đá trung phong để nâng cao khả năng giữ bóng. Lần này tôi cũng làm điều tương tự, và kế hoạch của tôi là ngay khi M.U có bóng thì Tevez sẽ lùi xuống nhận bóng còn Ronaldo di chuyển để tìm khoảng trống bứt phá. Đáng tiếc là họ còn bận làm khán giả và tôi đã nói rõ với họ trong giờ nghỉ giải lao: “Các cậu đang đứng xem trận đấu. Chúng ta chẳng tổ chức được đợt phản công nào cả”. Một lý do quan trọng khác, bây giờ tôi sẽ tiết lộ, là khách sạn ở Rome. Phòng của chúng tôi không có ánh sáng tự nhiên và thức ăn được đưa lên rất muộn, khi chúng đã nguội ngắt. Người ta phớt lờ đầu bếp mà tôi mang theo, và đến buổi sáng trước khi diễn ra trận đấu thì 2 hoặc 3 cầu thủ của tôi cảm thấy khó chịu, trong đó có Ryan Giggs. Barca có 4 cầu thủ đẳng cấp thế giới: Pique, hai tiền vệ trung tâm và Messi. Người ta thường xuyên đánh giá Pique thấp hơn khả năng thực tế của cậu ấy, nhưng Guardiola đã bảo tôi rằng Pique là chữ ký tốt nhất mà ông ấy từng thực hiện. Pique có thể giữ nhịp trận đấu, truyền sự tự tin cho các đồng đội, đồng thời có thể chuyền bóng rất chính xác và phát động tấn công từ tuyến dưới. Giống như cái cách mà một người thợ câu thả mồi vào dòng nước, Xavi cũng chuyền bóng cho Iniesta ở một tốc độ vừa phải và gieo vào đầu đối thủ một hy vọng rằng họ có thể cắt được bóng. Nhưng ngay khi các cầu thủ của tôi lao vào, họ sẽ nhận ra đó là một cái bẫy: tốc độ và hướng đi của quả bóng khiến cho việc chạm vào bóng trở nên bất khả thi. Barca quá giỏi trong việc tạo ra những ảo tưởng kiểu như vậy. Hai năm sau, chúng tôi gặp lại Barca và tôi chưa bao giờ thấy quá trình chuẩn bị diễn ra tốt đến như thế. Chúng tôi đã rèn luyện các phương án đối phó trong suốt 10 ngày liền, nhưng không hiểu vì sao mà Antonio Valencia lại bị đông cứng vào đêm hôm đó và không gây được khó khăn gì cho Abidal. Cả Michael Carrick cũng đã chơi không đúng với kỳ vọng. Đó là trận đấu mà Dimitar Berbatov không có tên trong danh sách. Nếu phải chọn một “siêu dự bị”, người có thể làm bàn trong những phút cuối thì tôi thà tin vào Michael Owen còn hơn. Sự lựa chọn này chưa chắc đã công bằng với Berbatov, nhưng tôi buộc phải làm như vậy. Cậu ta, một cách khá ngạc nhiên, rất thiếu niềm tin vào bản thân và thậm chí còn kém tự tin hơn Hernandez. Thực ra thì Berbatov có khả năng, và tôi đã quyết định không bán cậu ta trong mùa hè 2011 dù nhận được không ít lời đề nghị (chúng tôi vừa bỏ ra 30 triệu bảng cho Berbatov và tôi không muốn cắt lỗ chỉ sau vài trận đấu không như ý muốn), nhưng cậu ta gần như chỉ đi bộ mỗi khi mất bóng và đó là điều không thể chấp nhận được ở đây. Sau khi thua Barca lần thứ hai, tôi đã tự hỏi rằng vấn đề của M.U là gì? Tất nhiên là một số cầu thủ đã thi đấu dưới khả năng, một phần vì họ quen với việc chúng tôi luôn kiểm soát được nhiều bóng. Ngoài ra tôi cũng mắc một sai lầm ở giờ nghỉ. Tôi chỉ nghĩ đến việc giành chiến thắng và yêu cầu Rooney khai thác các khoảng trống ở hai biên, nhưng tôi đã quên mất rằng đây là Barcelona, đội bóng thường xuyên ra đòn quyết định vào khoảng thời gian 15 phút đầu hiệp hai. Lẽ ra tôi nên bảo Park theo kèm Messi còn Rooney dịch sang biên trái. Khi đó chúng tôi vẫn có thể phản công, dù Busquets sẽ được tự do và chúng tôi có thể bị dồn về sát vòng cấm địa. Chuẩn bị cho tương lai Những ngày sau đó tôi đã trao đổi rất kỹ với Paul Scholes và Gary Neville về chất lượng đào tạo ở học viện của M.U. Kết quả là chúng tôi vẫn đủ sức sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc, không thua kém thì lứa cầu thủ trẻ của Barca. Thiago ở cùng đẳng cấp với Welbeck và Cleverley, nhưng phần còn lại ở La Masia thì không có gì đáng ngại. Với Scholes và Neville, tôi để họ nghiên cứu CLB một cách tổng thể và sau đó ba chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để đánh giá sức mạnh thực sự của M.U. Tôi đặt một trọng trách khá lớn lên họ, bởi Scholes và Neville biết rõ hơn ai hết về những phẩm chất cần có để trở thành một “Quỷ đỏ”. Đưa những cầu thủ xuất sắc nhất của mình lên các vị trí cao hơn cũng là điều tôi luôn luôn muốn làm. Lúc đó, ở trong BHL của M.U có Brian McClair, Mick Phelan, Paul McGuinness, Jim Ryan và Tony Whelan. Tất cả đều là người cũ của M.U. Và Scholes cũng luôn đưa ra những ý kiến rất tuyệt vời, không bao giờ do dự: khi chúng tôi có vấn đề với Ruud Van Nistelrooy, Paul đã xác định rất rõ rằng chúng tôi không thể để Ruud gây rắc rối thêm nữa. Gary hỏi: “Chắc không, Scholesy?” – chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của cậu ta mà thôi. Chương 3: Mourinho – Địch thủ “đặc biệt” Đối thủ khó nhằn Tôi đã hỏi Carlos (Queiroz, trợ lý cũ của Ferguson – ND) về Jose và Carlos nói rằng anh ta là một người cực, cực kỳ thông minh. Jose từng là học trò của Carlos tại một học viện bóng đá ở BĐN. “Học sinh xuất sắc nhất của tôi, với một khoảng cách rất xa so với những người còn lại”, Carlos bảo. Khi đã nắm được thông tin về đối thủ, tôi bắt đầu quan sát cái cách Jose đối mặt với cơn sóng của sự kỳ vọng mà mình tự tạo ra: cơn sóng đã mang anh ta từ Porto đến London để làm việc cho Roman Abramovich. Tôi phát hiện ra rằng, nếu Jose là một người lướt ván, thì anh ta có thể cưỡi trên sóng lâu hơn bất kỳ ai và sẽ là một điều không thông minh nếu như tấn công anh ta bằng các đòn tâm lý. Tôi sẽ phải tìm ra một giải pháp khác để “xử lý” Jose. Từ tháng 8/2004 đến tháng 5/2006, chúng tôi chỉ giành duy nhất một danh hiệu: Cúp Liên đoàn 2006. Chelsea đã lên ngôi VĐ Premier League trong cả hai mùa giải đó, và khi mà Arsenal sa sút thì tiền bạc của Abramovich cùng với kỹ năng huấn luyện của Jose là trở ngại lớn nhất trên con đường tái lập vinh quang của chúng tôi. Thông thường, chương trình tập luyện của chúng tôi sẽ ưu tiên việc đạt điểm rơi phong độ vào nửa sau của mùa giải. Chúng tôi luôn biết cách chiến thắng trong những tháng cuối mùa, và bên cạnh sức mạnh tinh thần thì đằng sau đó còn có các lý do về khoa học nữa. Nhưng chỉ trong mùa thu năm 2004, Chelsea đã dẫn trước 6 điểm và chúng tôi không bao giờ có thể san lấp khoảng cách đó. Một khi đã tạo được lợi thế dẫn đầu, Jose luôn chơi rất chặt chẽ và hướng đến những chiến thắng tối thiểu 1-0, 2-1. Chelsea được tổ chức tốt hơn trước rất nhiều, rất khó để khoan thủng và thực tế là tôi không thắng nổi trận nào ở Stamford Bridge sau khi Mourinho đến. Người bạn tâm giao Chúng tôi đã gặp nhau trong chiến dịch Champions League 2003-04. Tôi có vài lời qua tiếng lại với anh ta ở cuối trận lượt đi, nhưng thực ra tôi vẫn thường có bất đồng với các HLV đối địch trong lần đầu gặp mặt. Tôi từng mâu thuẫn nghiêm trọng với George Graham khi ông ấy mới dẫn dắt Arsenal, tuy nhiên sau đó chúng tôi vẫn trở thành bạn tốt. Với Jose cũng vậy, anh ta rất biết cách giao tiếp . Tôi nhận ra rằng sự tức giận của mình chủ yếu xuất phát từ việc một số cầu thủ Porto liên tục ăn vạ và Roy Keane có vẻ như bị đuổi oan, nên không cần thiết phải trút chúng lên người Jose. Về pha ăn mừng của Jose ở Old Trafford sau đó, tôi cũng từng làm vậy khi chúng tôi ghi bàn vào lưới Sheffield Wednesday. Trượt trên cỏ bằng đầu gối. Tôi ngưỡng mộ những người dám thể hiện cảm xúc của mình, bởi điều đó chứng tỏ rằng họ sống chết với trận đấu. Trong trận lượt về, trọng tài đã hành động rất kỳ quặc. Khi trận đấu còn 3 hay 4 phút nữa, hậu vệ đối phương phạm lỗi với Ronaldo và trọng tài biên đã phất cờ nhưng tay trọng tài chính người Nga vẫn không thổi phạt. Porto lấy được bóng và ghi bàn trong đợt tấn công ngay sau đó. (Tuy nhiên) tôi vẫn chúc mừng Jose sau trận đấu, bởi khi một ai đó đánh bại bạn thì tìm ra cách thức để nói lời chúc may mắn là vô cùng quan trọng. Chúng tôi chia sẻ một ly rượu vang và tôi nói với anh ta: “Cậu gặp may đấy, nhưng chúc may mắn ở vòng sau”. Lần tiếp theo đến đây, anh ta mang theo một chai Barca-Velha, và dần dần đó trở thành một truyền thống. Tuy nhiên tôi không hiểu vì sao rượu ở Chelsea lại rất tệ. Có lần tôi nói với Abramovich: “Đó là nước tẩy rửa chứ rượu cái nỗi gì”. Một tuần sau, ông ta gửi cho tôi một thùng Tignanello, một trong những loại rượu ngon nhất. Chiến thắng đó là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Jose, một sự khẳng định tài năng. Tôi nhớ rằng mình từng nói với anh ta hồi năm 2008: “Tôi không biết bao giờ mình sẽ giải nghệ. Mọi chuyện trở nên khó khăn khi người ta già đi, bởi họ sợ hãi trước viễn cảnh phải về hưu”. Jose bảo: “Đừng giải nghệ, ông là động lực để tôi phấn đấu”. Anh ta bảo mình còn có một vài thử thách khác phải hoàn thành, nhưng rồi chắc chắn sẽ quay lại nước Anh. Hành trình của Mourinho Tất cả mọi người mà tôi biết đều nói rằng Jose có quan hệ đặc biệt tốt với các cầu thủ. Anh ta là một người dễ mến, hài hước và có thể tự châm biếm bản thân mình. Tôi không chắc rằng Wenger hay Benitez có khả năng đó. Nhưng công việc ở Real Madrid vẫn là thách thức khó khăn nhất trong đời huấn luyện của Jose. Tất cả các HLV từng làm việc ở đó đều phải tuân theo triết lý bóng đá của Real, triết lý “galacticos”. Liệu Jose có thể áp đặt tư duy bóng đá của mình không? Ngay từ đầu, Jose đã cho thấy rằng mình không có ý định áp dụng lối chơi tấn công mang tính trình diễn, bởi anh ta biết đó không phải là công thức để thành công trong bóng đá hiện đại. Barcelona tấn công rất đẹp mắt, nhưng họ cũng rất tích cực đuổi theo quả bóng mỗi khi đánh mất nó. Trong giai đoạn mà Real vào chung kết Champions League 3 lần trong 5 năm, họ có Fernando Hierro ở hàng thủ, Iker Casillas trong khung thành và Claude Makelele ở giữa sân để bẻ gãy mọi đợt lên bóng của đối phương. Jose là một người thực dụng, không cần phải bàn cãi. Điểm khởi đầu trong triết lý bóng đá của anh ta là đảm bảo rằng đội nhà không thua. Khi Inter gặp Barcelona ở bán kết Champions League, anh ta biết rằng Barcelona sẽ tìm cách giữ vững quyền kiểm soát khu vực giữa sân. Nếu bạn chơi với 4 tiền vệ thì họ sẽ bố trí 5 người, nếu bạn chơi 6 tiền vệ thì họ sẽ xếp 7 người vào đó. Đó là cách để họ luân chuyển bóng liên tục y như vòng quay ngựa gỗ, khiến bạn quay mòng mòng, chóng mặt và thậm chí ngã vào quả bóng. Nhưng Jose có vũ khí riêng cho đội của mình, chủ yếu là sự tập trung và khả năng chọn vị trí. Messi ở đâu thì Esteban Cambiasso sẽ ở đó: nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên nó là một phần trong bản kế hoạch phòng ngự mà tất cả các vị trí sẽ được kết nối với nhau, và mang lại hiệu quả một cách thần kỳ. Nhưng tất cả những chuyện đó đều diễn ra sau cuộc chiến của chúng tôi ở Premier League vào giữa những năm 2000. Chức vô địch giúp Chelsea có được một cú hích lớn về mặt tâm lý, còn tôi rơi vào hoang mang và không hiểu mình còn có thể xây dựng được một đội bóng đủ sức giành chức VĐ Premier League 3 lần liên tiếp nữa không. Chúng tôi bị loại khỏi Champions League ngay từ vòng bảng, người ta nghi ngờ tôi đã hết thời, Roy Keane ra đi sau khi gây ra một vụ rắc rối lớn, Vidic nói với tôi rằng anh ta có thể sẽ được triệu tập đi nghĩa vụ quân sự cho Serbia trong cuộc xung đột với Kosovo, Pique – một cầu thủ cực kỳ xuất sắc – muốn trở về Barcelona… Rất khó khăn, nhưng rồi mọi thứ cũng dần trở lại quỹ đạo mà chữ ký của Michael Carrick là một đóng góp quan trọng. (Tiếc là) khi tôi ra đi thì Mourinho mới trở lại Chelsea, nơi từng là sân nhà cho cầu thủ nước ngoài mà tôi yêu thích nhất – tất nhiên là bên ngoài Man United. Gianfranco Zola là một phép màu. Chương 4: Van Persie – “Cậu cứ chỉ đạo chúng nó” Xuất sắc như Van Persie M.U chẳng còn xa lạ gì với những tài năng cá nhân xuất chúng, nhưng chúng tôi vẫn cần không ít thời gian để nhận ra Robin Van Persie thực sự giỏi như thế nào. Sự thông minh và nhạy bén trong những pha chạy chỗ của anh ấy là điều không dễ dàng để theo kịp, ngay cả với những tiền vệ xuất sắc nhất của tôi. Ban đầu thì Paul Scholes và Michael Carrick, hai trong số những chân chuyền giỏi nhất mà tôi có, gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp tốc độ di chuyển của Van Persie (để đưa bóng tới đúng vị trí). Robin là ngôi sao rực rỡ nhất trong mùa giải cuối cùng của tôi với tư cách HLV trưởng Manchester United, mùa bóng mà chúng tôi trở thành CLB đầu tiên giành được tới 25 chiến thắng trong 30 vòng đầu mùa. Phần thưởng cho điều đó là chức VĐQG thứ 20, và chúng tôi đòi lại danh hiệu Premier League từ tay Man City sớm 4 vòng đấu. Van Persie là chữ ký lớn cuối cùng của tôi và những bàn thắng của anh ấy, không ít trong số đó cực kỳ đặc biệt, đã mang đến một hiệu ứng “kiểu Cantona” cho một đội bóng vốn đã có chất lượng rất cao. Nếu chúng tôi có một thói quen xấu trong mùa giải 2012-13 thì đó là chuyền bóng quá nhiều ở giữa sân: các cầu thủ cứ chuyền đi rồi chuyền lại, chuyền chỉ để mà chuyền. Với Van Persie, chúng tôi học được rằng mình cần phải tung ra các đường chuyền sớm hơn (khi đối phương chưa kịp lùi về) để xuyên thủng hàng phòng ngự đối thủ. Cho đến khi chúng tôi học được điều đó, chúng tôi không thể tận dụng hết khả năng di chuyển kỳ diệu và bản năng sát thủ của Van Persie. Nhưng dần dần chúng tôi cũng làm được và bắt đầu thu được kết quả. Nếu Wayne Rooney nhận được bóng ở vị trí tiền vệ tấn công, cậu ta có thể chắc chắn 100% rằng Van Persie đang chạy chỗ, tìm kiếm và lao vào các khoảng trống. Robin luôn đứng chính xác ở vị trí mà tôi muốn cậu ta hiện diện. Thủ lĩnh mới của phòng thay đồ Chương trình tập luyện đầu mùa của cậu ấy với Arsenal chỉ bao gồm vẻn vẹn 21 phút đá giao hữu với Cologne nên Robin không đạt được thể lực tốt nhất, nhưng những phẩm chất cần thiết thì đã ở đó và tôi cực kỳ ấn tượng với cậu ta ngay từ những phút đầu. Tôi nói với Robin rằng: “Đừng ngại hướng dẫn và chỉ đạo các cầu thủ khác. Cậu là thủ lĩnh ở Arsenal và nếu những người ở đây không chuyền bóng cho cậu, cứ xử lý họ”. Cậu ta tỏ ra trầm lặng hơn so với kỳ vọng của tôi, nhưng uy lực từ cái chân trái của Robin thì có thể làm đông cứng các thủ môn đội bạn. Người ta vẫn thường hỏi tôi vì sao lại để Robin – một trung phong – thực hiện các quả phạt góc, trong khi lẽ ra anh ta nên ở trong vòng cấm địa. Câu trả lời là vì những quả phạt góc từ bên phía cánh phải của cậu ta lợi hại một cách khủng khiếp. Howard Wilkinson từng nói với tôi rằng số bàn thắng được ghi sau những tình huống cố định đang sụt giảm, nhưng chúng tôi đã ghi tới 10 bàn từ phạt góc chỉ trong nửa đầu mùa 2012/13. Phần còn lại của đội bóng không xem Robin là người ngoài, là một cầu thủ Arsenal đang xâm phạm lãnh địa của họ. Họ chỉ yêu cầu người mới phải chiến đấu hết mình và tôn trọng truyền thống của phòng thay đồ. Tôi còn nhớ khi Veron mới đến CLB, tất cả các cầu thủ đã rời sân tập để bắt tay với anh ấy. Họ luôn luôn thân thiện như vậy. Hoặc ít nhất thì những cầu thủ xuất sắc, những người đủ sức xoay chuyển cục diện trong các tình huống khó khăn, luôn được chào đón một cách nồng nhiệt nhất. Giống như tất cả những người khác trong làng bóng đá, tôi cũng biết rằng hợp đồng của Van Persie chuẩn bị hết hạn, nhưng tôi cảm thấy rằng Arsenal sẽ đạt được một thỏa thuận để giữ chân anh ấy. Tuy nhiên đến cuối mùa 2011/12, càng ngày tôi càng có cảm giác rằng Robin sẽ không ở lại Bắc London. Người đại diện của anh ấy liên hệ với chúng tôi. Vào thời điểm đó thì họ cũng đã trao đổi với Man City, nhưng thông điệp mà tôi nhận được là Robin sẽ rất, rất hứng thú với viễn cảnh khoác áo M.U. Cuối cùng thì Robin cũng từ chối Man City và cuộc đua chỉ diễn ra giữa chúng tôi với Juventus, đội bóng đã đề nghị một mức lương khổng lồ để đưa anh ấy đến Turin. Các cuộc thương lượng Sau đó chúng tôi bắt đầu làm việc với Arsenal về khả năng thực hiện một vụ chuyển nhượng. Từ tháng 4 David Gill đã gọi điện cho Ivan Gazidis - GĐĐH của Arsenal - hàng chục lần, nhưng phía Arsenal nói rằng họ có thể thuyết phục Van Persie ký HĐ mới. Những cuộc điện thoại như thế kéo dài khá lâu và cuối cùng thì David cho rằng tôi nên gọi trực tiếp cho Arsene Wenger, bởi ông ta là người có tiếng nói cuối cùng trong các vụ mua bán. Đến lúc đó thì rõ ràng là Van Persie muốn ra đi. Thái độ của Arsene là: tại sao chúng tôi phải bán cho Manchester United, trong khi chúng tôi có thể kiếm được 30 triệu bảng từ Man City hoặc Juventus? Tôi nói rằng Robin không hề muốn đến Man City. Ngoài ra Arsene chắc hẳn cũng không muốn mất một cầu thủ nữa vào tay Man City, sau khi đã bán Kolo Toure, Gael Clichy, Emmanuel Adebayor và Samir Nasri cho họ. Có lẽ ông ta không thích mô hình hoạt động của Man City, và mặc dù chúng tôi đã có nhiều mâu thuẫn trong những năm qua thì tôi nghĩ Arsene vẫn đánh giá cao cách mà Manchester United được vận hành. Tôi được biết là Van Persie đã nói với Wenger rằng anh ta chỉ muốn đến Man United (sau này, anh ta nói với tôi rằng giấc mơ của tất cả các cầu thủ Hà Lan là được khoác áo M.U). Arsene muốn 25 triệu bảng, nhưng chúng tôi chỉ định trả 20 triệu. Tôi khẳng định rằng mình sẽ không chấp nhận cái giá 25 triệu. Arsene hỏi tôi có thể trả cao nhất là bao nhiêu. Trả lời: 22 triệu. Arsenal đồng ý với mức phí 22,5 triệu bảng, cộng thêm 1,5 triệu nữa nếu chúng tôi giành chức VĐ Champions League hoặc Premier League trong thời hạn HĐ của Van Persie. Deal done (thế là xong). Tôi vẫn nhớ Arsene bảo tôi rằng “Ông không biết mình đã lấy được một cầu thủ giỏi như thế nào đâu”. Thực ra tôi từng xem Van Persie thi đấu khi anh ấy mới 16 tuổi, nhưng Arsenal đã đánh bại chúng tôi và giành được chữ ký của Robin từ Feyenoord. Tôi nghĩ đến Cantona, Ronaldo và Giggs, liệu Robin có thể giỏi hơn họ không?. Nhưng Van Persie thực sự là phi thường. Cú volley bóng sống sau đường chuyền dài của Rooney trong trận thắng Aston Villa 3-0 là rất đặc biệt: một cầu thủ bình thường có thể làm thế 100 lần trong các buổi tập và may ra thì thành công được một lần. Với Van Persie thì đó là chuyện thường ngày: mùa trước anh ấy cũng ghi một bàn tương tự trong trận Arsenal – Everton. Shinji Kagawa là một món hời khác trong kỳ chuyển nhượng đó, một cầu thủ có tư duy bóng đá cực kỳ nhạy bén. Chúng tôi quyết định chưa vội chiêu mộ anh ấy sau mùa giải đầu tiên trong màu áo Dortmund, bởi thỉnh thoảng các cầu thủ vẫn có một mùa bóng xuất thần nhưng sau đó không còn duy trì được phong độ. Hè năm 2012, tôi và Mike Phelan đến Berlin để theo dõi trận chung kết Cúp QG Đức (nơi tôi gặp và nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel). Gia đình Glazer rất sẵn lòng bỏ tiền ra cho Van Persie và Robert Lewandowski hoặc Kagaw, nhưng Dortmund từ chối bán Lewandowski. Chương 5: Cạnh tranh với Wenger Trên sân bóng và trong cuộc đời Thực ra đôi lúc tôi cũng bị ảnh hưởng bởi trận đấu. Hồi còn dẫn dắt St.Mirren và để thua Raith Rovers, tôi từng từ chối bắt tay HLV Bertie Paton của đối thủ cho dù chúng tôi là bạn tốt ngoài đời và đã biết nhau từ khi còn ở Dunfermline. Bertie phản ứng lại ngay sau đó, và tôi nhận ra rằng mình đã sai: cuộc sống không chỉ có bóng đá. Bây giờ thì tôi và Wenger có mối quan hệ rất thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, nhưng chúng tôi cũng từng có không ít mâu thuẫn. Đầu tiên là việc ông ấy tỏ ra không hài lòng khi thấy tôi phàn nàn về lịch thi đấu. Tôi đáp trả ngay lập tức: “Ông ta vừa mới tới từ Nhật Bản thì biết cái quái gì (rằng lịch thi đấu rất dày đặc)?”, và tôi đã đúng. Suốt hai năm sau đó, Arsene luôn kêu ca về mật độ thi đấu dày đặc ở Premier League. Nếu một HLV nước ngoài đến đây và nghĩ rằng mình có thể chơi 55 trận/mùa mà không cần xoay vòng đội hình thì ông ta đang tự lừa dối bản thân mình. Dần dần thì Arsene mới học được cách thích nghi và vượt qua được cú sốc của việc ra sân vào thứ Bảy, thứ Tư rồi lại thứ Bảy. Năm 2010, ông ta bất ngờ chỉ trích Paul Scholes và nói với cánh nhà báo rằng cậu ấy có “một mặt xấu xa”. Chẳng có lý do gì để Wenger nói thế cả, bởi tuần đó chúng tôi không đá với Arsenal và cũng không có mâu thuẫn gì đáng kể. Scholes đã giành 10 chức VĐ Premier League và 1 Champions League, thế rồi Wenger nói về “mặt xấu xa” của cậu ta. Không thể tin nổi. Ảo tưởng của Wenger Lần đầu tiên Arsenal đến làm khách ở Old Trafford, ông ấy đã đến văn phòng của tôi và ấn tượng ban đầu là tương đối tốt. Rắc rối chỉ bắt đầu khi ông ấy – dù sở hữu một đội hình tương đối mạnh - thua trận. Ông ấy cảm thấy rất khó khăn để chấp nhận rằng sai lầm thuộc về mình và luôn tìm cách đổ lỗi cho đối thủ vì đã chơi quá rắn. Wenger không chịu nhận ra rằng các đội bóng khác cũng sẽ áp dụng thứ bóng đá quyết liệt không kém với Arsenal, và luôn luôn mặc định rằng không ai được phép tung ra các cú tắc bóng với cầu thủ của ông ấy. Các cầu thủ có thể khiến bạn bất ngờ. Họ có thể chơi hay ngoài mong đợi, nhưng cũng có thể chơi tệ hơn so với dự kiến. Trong những trận cầu căng thẳng, một cầu thủ nào đó có thể đánh mất sự bình tĩnh, nhưng Arsene không thể hiểu được điều đó. Ông ấy không hiểu rằng sự yếu đuối ở bên trong tâm hồn bạn có thể khiến bạn thất bại. Tôi không nói rằng HLV nhìn thấy tất cả mọi thứ diễn ra trên sân bóng, nhưng chúng tôi nhìn thấy hầu hết và tôi không thường sử dụng câu nói cửa miệng của Arsene rằng “Tôi không nhìn thấy nó” (khi nói về một tình huống gây tranh cãi). Tôi hay nói rằng “Để tôi xem lại đã”. Đó chỉ là một mệnh đề hết sức cơ bản, nhưng nó sẽ giúp kéo dài thời gian. Chỉ sau vài ngày, một điều gì đó sẽ diễn ra và người ta sẽ không còn chú ý đến bạn nữa. Cuộc chiến pizza Mặc dù Arsene không bao giờ đến uống chút gì cùng tôi sau các trận đấu, trợ lý Pat Rice vẫn thường vượt qua ranh giới để dùng vài ly. Cho đến khi diễn ra “cuộc chiến pizza” ở Old Trafford. Tôi nhớ rằng Ruud Van Nistelrooy đã vào phòng tôi và phàn nàn rằng Wenger nói một số lời khó nghe với cậu ta. Ngay lập tức tôi lao tới bảo Arsene: “Hãy để các cầu thủ của tôi yên. Đi mà quan tâm đến cầu thủ của ông ấy”. Wenger đang mất kiểm soát vì vừa thua trận. Ông ta cực kỳ tức giận và siết chặt hai nắm tay. Tôi đang nắm giữ quyền chủ động, tôi biết điều đó. Tôi nhớ Arsene từng nói rằng ông ta đã có cơ hội ký HĐ với Ruud, nhưng cuối cùng lại quyết định rằng cậu ta không đủ trình độ để chơi cho Arsenal. Tôi đồng ý với ông ta rằng Van Nistelrooy có thể không phải là một cầu thủ xuất sắc, nhưng anh ấy là một cây làm bàn vĩ đại. Điều tiếp theo mà tôi biết là pizza đã phủ khắp người mình. Chúng tôi vẫn đặt thức ăn trong phòng thay đồ của đội khách sau tất cả các trận đấu (hầu hết các CLB đều làm thế). Pizza, gà… và thức ăn của Arsenal là tuyệt vời nhất. Người ta nói Cesc Fabregas đã ném pizza vào tôi, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn không biết thủ phạm là ai. Hành lang bên ngoài phòng thay đồ trở thành một đống hỗn loạn. Arsenal đã hy vọng nâng chuỗi bất bại lên 50 trận liên tiếp, nhưng có vẻ như trận thua ấy đã khiến Wenger quẫn trí. Sự cố ngày hôm đó đã tạo ra một sự chia rẽ giữa chúng tôi, và Pat Rice cũng không đến uống chút gì sau các trận đấu nữa. Phải đến sau trận bán kết Champions League năm 2009 thì mọi chuyện mới được hàn gắn, khi Arsene mời chúng tôi vào phòng để nói lời chúc mừng. Tôi có một công thức riêng để đối phó với thất bại. Sau khi “sấy” các cầu thủ, trên đường ra dự buổi họp báo tôi sẽ nói với mình rằng “Quên chúng đi. Cuộc chơi kết thúc rồi”. Tôi luôn luôn làm thế. Dù là ai đến phòng của tôi sau trận đấu, tôi cũng đón tiếp họ một cách vui vẻ. Không giận dữ, không lạnh lùng. Không đổ lỗi cho trọng tài. Mỗi khi có ai đó chọc vào mắt chúng tôi (đánh bại M.U – ND), chúng tôi đều chấp nhận thử thách đó và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ tiến xa hơn. Tôi không chắc rằng nếu không có những động lực ấy thì tôi có thể yêu thích công việc này đến thế hay không. Bắt bài Arsenal Trong những năm về sau tôi đã đọc được suy nghĩ của Arsene. Chúng tôi không cần phải giành bóng trong chân họ, chỉ cần ngăn chặn các đường chuyền là đủ. Khi Fabregas nhận bóng trong tư thế quay lưng với khung thành, cậu ta sẽ tìm người để bật tường và chạy vòng ra sau lưng hậu vệ. Nên tôi bảo các cầu thủ: “Theo sát người nào đang di chuyển, và cắt đường chuyền”. Barcelona được tổ chức tốt hơn rất nhiều so với Arsenal, bởi khi đánh mất bóng thì tất cả các cầu thủ sẽ lao vào đoạt lại nó, điều mà Arsenal không có đủ nhiệt tình để thực hiện. Hình ảnh yếu đuối của Arsenal trong những năm cuối của tôi ở M.U được phản ánh rất rõ trong các cầu thủ mà Wenger mang về. Samir Nasri xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng, thế là Arsene mua anh ta. Rosicky xuất hiện, Arshavin xuất hiện… thế là Arsene mua họ, vì họ là mẫu cầu thủ mà ông ấy thích. Khi bạn có quá nhiều cầu thủ (có phần ẻo lả) như thế thì có điều gì đó không ổn, bởi ngay cả chúng tôi cũng cần phải có những người cơ bắp, mạnh mẽ trong đội hình. Về sau, Aaron Ramsey nói rằng cậu ta chọn Arsenal vì họ đào tạo ra nhiều tài năng trẻ hơn chúng tôi. Tôi nghĩ “Thằng đó đang sống ở hành tinh nào thế?”. Có lẽ cậu nhóc đó đã bị “tẩy não” để nói những điều như vậy, bởi chúng tôi đã sản sinh ra Giggs, Neville, Scholes, Fletcher, O’Shea, Wes Brown, Welbeck… còn cầu thủ duy nhất thực sự trưởng thành từ lò đào tạo của Arsenal là Jack Wilshere. Lại là một cuộc ganh đua. Tôi đã luôn tranh đấu với Wenger trong suốt 17 năm, và bây giờ vẫn vậy. ....Tiếp tục cập nhật.... #CNT
Posted on: Tue, 29 Oct 2013 16:34:04 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015