Tự truyện Alex Ferguson (Chương 10): Cuộc cách mạng - TopicsExpress



          

Tự truyện Alex Ferguson (Chương 10): Cuộc cách mạng khó khăn nhất Ngay cả Sir Alex Ferguson cũng từng phải trải qua một giai đoạn thất bại từ 2004-2006. Nhưng ông đã tái cơ cấu thành công đội bóng và có lẽ đó là một bài học tốt cho David Moyes. Những năm khó khăn Một làn gió đổi thay đang đến. Quãng thời gian từ mùa hè 2004 đến tháng 5/2006 là một trong những thời kỳ “hạn hán danh hiệu” nhất của tôi. Chúng tôi giành được Cúp FA năm 2004 và Cúp Liên đoàn một năm sau đó, nhưng Arsenal và Chelsea mới là những nhà VĐQG trong giai đoạn đó. Trước khi Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney đủ trưởng thành để trở thành hạt nhân của đội hình M.U VĐ Champions League 2008, chúng tôi đã phải trải qua một chặng đường khó khăn. David Beckham chuyển sang Real Madrid, Veron đến khoác áo Chelsea và Barthez được thay thế bởi Tim Howard trong khung gỗ. Kleberson, David Bellion và Eric Djemba-Djemba là những chữ ký mới khác. Có lẽ là cả Ronaldinho nữa, nếu như anh ta không bất ngờ thay đổi 180 độ (đã đồng ý, nhưng rồi lại từ chối lời đề nghị của chúng tôi). Bạn không thể né tránh sự thật. Chúng tôi đã sai lầm khi cố gắng mua về những cầu thủ đã thành danh. Kleberson là nhà vô địch thế giới cùng Brazil và mới 24 tuổi, Veron đã khẳng định được thương hiệu trên toàn thế giới còn Djemba-Djemba cũng đang thi đấu không tệ ở Pháp. Những bản hợp đồng đó được thực hiện một cách quá dễ dàng. Tôi không thích những chữ ký dễ dàng. Tôi muốn bên bán phải chiến đấu đến cùng để giữ chân cầu thủ mà tôi muốn mua, bởi điều đó chứng tỏ rằng đó là một bản HĐ có giá trị. Ẩn số trong khung gỗ Chúng tôi cũng bị bất ngờ khi Peter Schmeichel chỉ thông báo quyết định rời M.U vào đầu mùa giải 1998-99 và phải vội vàng tìm người thay thế. Đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với Mark Bosnich, nhưng sau đó các trợ lý của tôi cảm thấy trình độ của anh ta không có gì ấn tượng. Tôi quay sang Edwin Van der Sar, nhưng khi tôi nói điều đó với chủ tịch -Martin Edwards thì nhận được phản hồi là: “Alex, tôi xin lỗi. Tôi đã nhất trí với Bosnich rồi”. Tôi tôn trọng quyết định của Martin, nhưng đó là một thương vụ tồi tệ. Chất lượng tập luyện cũng như nền tảng thể lực của Bosnich thua xa mức mà chúng tôi chờ đợi. Đã thế anh ta lại còn tham ăn như một con ngựa: sandwich, súp, thịt bò… không có gì trong thực đơn là Bosnich không ăn. Tôi bảo anh ta: “Vì Chúa, chúng tôi đang giúp cậu giảm cân, tại sao cậu lại lao vào ăn những thứ đó?”. “Tôi đang chết đói đây” – anh ta trả lời. Có một lần, khi chúng tôi quay về Manchester sau trận đấu, Mark vẫn tiếp tục gọi điện đến một nhà hàng Trung Quốc để đặt món ăn. Tôi không thể cải tạo nổi anh ta. Lẽ ra tôi nên mua Van der Sar để thế chỗ Schmeichel, bởi anh ấy sẽ thi đấu cho đến tận những năm cuối cùng của tôi ở M.U. Tôi không nên lãng phí tiền bạc vào Massimo Taibi hay Barthez, một thủ môn giỏi nhưng thường xuyên bị phân tâm bởi những vấn đề cá nhân. Sau này tôi mới thấy rằng đẳng cấp của Van der Sar không kém gì Schmeichel. Nhờ thể lực tuyệt hảo, Schmeichel có thể thực hiện những pha cứu thua không thể tin nổi, còn giá trị của Van der Sar nằm ở sự tỉnh táo và khả năng tổ chức hàng thủ. Anh ấy có thể chỉ đạo tốt những người xung quanh, còn Schmeichel có một mối quan hệ khá kỳ quặc với bộ đôi trung vệ Bruce – Pallister. Bên ngoài sân bóng thì họ là bạn tốt, nhưng mỗi khi vào sân Schmeichel sẽ la hét ầm ĩ, Bruce sẽ bảo: “Quay về khung thành đi, thằng người Đức kia” và Schmeichel sẽ lại thanh minh rằng mình không phải người Đức. Chuyển giao thế hệ Đội bóng đang trong quá trình chuyển giao thế hệ. Không dễ để nhìn ra điều đó từ trước, và đột nhiên bạn sẽ thấy rằng mình không có sự thay thế cần thiết. Sau này tôi đã rút kinh nghiệm và lên kế hoạch từ rất sớm. Trong giai đoạn đó, Peter Kenyon là người phụ trách vấn đề chuyển nhượng. Tôi rất thích Patrick Vieira và có lần tôi bảo Peter gọi điện cho Arsenal để hỏi mua cậu ta. Peter nói rằng ông ta đã gọi, nhưng khi tôi đề cập đến chuyện đó với PCT Arsenal David Dein thì ông ta lại ra vẻ chẳng hiểu gì cả. Một trong hai người đã nói dối, nhưng đến giờ tôi vẫn không biết đó là ai. Tôi phải thừa nhận rằng mình luôn gặp khó khăn khi làm việc với các cầu thủ Argentina, những người có lòng tự hào dân tộc rất lớn và không cố gắng giao tiếp bằng tiếng Anh. Những cầu thủ mà tôi từng huấn luyện chỉ biết nói duy nhất từ “Mister” (có nghĩa là “quý ông” trong tiếng Anh, nhưng là cách mà người Italia, TBN và Nam Mỹ gọi các HLV bóng đá – ND). Tuy nhiên Veron đúng là một siêu cầu thủ, thông minh và có sức bền rất tốt. Cậu ta sử dụng tốt cả hai chân, kiểm soát bóng tốt, có tầm quan sát tốt và không e ngại va chạm. Vấn đề duy nhất chỉ là tôi không biết xếp cậu ta vào vị trí nào trên sân. Veron luôn đuổi theo quả bóng khắp mọi nơi, và nếu xuất phát ở trung tâm hàng tiền vệ thì cậu ta thường kết thúc trận đấu trong vai trò trung phong, tiền vệ cánh phải hoặc trái. Dù có huấn luyện Veron thêm một trăm năm nữa thì tôi cũng không biết sử dụng cậu ta như thế nào. Có người gợi ý cho tôi bố trí Veron đá tiền vệ trụ ngay phía trước hai trung vệ, vị trí mà cậu ta từng tỏa sáng ở Lazio nhưng tôi trả lời: “Anh mơ chắc? Nếu cậu ta không thể giữ vững các vị trí khác, làm thế nào mà cậu ta chịu đứng im ở đó được?”.Từng có những lời đồn đại rằng Veron xung đột với các cầu thủ khác, nhưng tôi không nghĩ thế, một phần vì cậu ta cũng không bao giờ nói chuyện với ai. Kế hoạch dài hơi Không lâu sau đó David Gill gọi điện thông báo với tôi rằng Kenyon sẽ sang Chelsea. David thế chỗ và đó là một bước tiến lớn. Tôi nghĩ Kenyon đã cố gắng ôm đồm quá nhiều thứ và không thể hoàn tất nhiệm vụ quan trọng nhất: dứt điểm các vụ chuyển nhượng. David là GĐĐH giỏi nhất mà tôi từng làm việc cùng, và mặc dù Martin Edwards luôn luôn ủng hộ tôi thì tôi vẫn phải nhận lương khá thấp cho tới khi David nhậm chức. Được đánh giá cao trong công việc là điều rất quan trọng, và cho dù những lời khen là rất có giá trị thì sự ghi nhận bằng tiền bạc cũng cần thiết không kém. Sau những vụ chuyển nhượng không thành công vừa nêu, tôi quyết định rằng mình phải xây dựng M.U thành một môi trường mà các tài năng trẻ có thể phát triển. Tôi muốn mua những cầu thủ trẻ, những người mới ngoài 20 tuổi và có thể gắn bó lâu dài với CLB. Chúng tôi không muốn rơi vào tình cảnh cả đội bóng cùng nhau già đi, như bài học mà chúng tôi từng trải qua với Andy Cole, Dwight Yorke, Teddy Sheringham – tất cả đều đã trên dưới 30 tuổi – vào đầu những năm 2000. Bước ngoặt diễn ra khi chúng tôi chiêu mộ được Ronaldo và Rooney, những cầu thủ xuất chúng trên cả phương diện kỹ thuật lẫn tinh thần thi đấu. Sức mạnh tinh thần là một nhân tố rất quan trọng mỗi khi M.U xem xét đến việc mua một cầu thủ. Liệu anh ta có chịu được sức ép từ các CĐV ở Old Trafford, từ giới truyền thông vốn nổi tiếng là rất kém kiên nhẫn? Với những cầu thủ trưởng thành ở nước Anh thì chúng tôi nắm rõ quá trình trưởng thành và tính cách của họ, nhưng với các cầu thủ ngoại thì rủi ro hơn. Louis Saha là một tiền đạo rất giỏi, nhưng cậu ta không bao giờ vượt qua được áp lực ở Old Trafford nên liên tục dính chấn thương. Khi cái đầu bạn có vấn đề thì cơ bắp cũng thế. Rất may là chúng tôi đã biết tất cả về Ronaldo trước khi ký HĐ với cậu ấy, và Evra cùng Vidic là hai chữ ký tuyệt vời khác. Ở Manchester United, bạn không cần phải sợ hãi trước thất bại và càng không được phép để các thất bại đánh gục mình. Phải đi qua con đường đó, bước qua đường hầm, ra sân và tiếp tục chiến đấu để giành lấy thắng lợi. (Bongdatoancau)
Posted on: Tue, 05 Nov 2013 00:35:21 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015