Ờ thì super sunday VÁN CỜ MỘT NGƯỜI CHƠI Lần - TopicsExpress



          

Ờ thì super sunday VÁN CỜ MỘT NGƯỜI CHƠI Lần đầu tiên trong suốt 17 năm gắn bó với Arsenal và Premier League, Arsene Wenger bước vào Old Trafford mà không có Ferguson. Vắng một đại kình địch cũ, vắng một tri âm cũ, ván cờ đang bày của giáo sư người Pháp chỉ còn là ván cờ một người chơi với những buồn một nửa-vui một nửa… Khi những chai Bourgogne cất tiếng nói… “Bước ra ngoài khỏi khuôn khổ của những trận đấu, Arsene là một người bạn rất tuyệt. Chúng tôi có quá nhiều điểm đồng cảm được với nhau và có thể chém gió với nhau rất nhiều chủ đề, từ rượu vang cho tới muôn vàn thứ khác”. Đó là những gì mà sir Alex Ferguson mở đầu chương thứ 13 trong cuốn tự truyện của mình, chương mang tên ‘Thi thố cùng Wenger’. Nếu như cựu HLV M.U coi Mourinho như một ‘kình địch đặc biệt’, người ông vô cùng muốn kế nhiệm mình thì ông lại xem Wenger như một đối thủ thực sự, một người để thi thố, không chỉ ở trên sân cỏ mà còn ở ngoài đời. Ferguson khởi nghiệp bằng 2 quán rượu nhỏ ở quận Govan, Glasgow và khi ông làm HLV bóng đá, ông đã rời bỏ công việc kinh doanh ấy. Còn Wenger, ngược lại, bắt đầu kinh doanh hai quán rượu, một ở Pháp, một ở London khi ông đã thành danh là một HLV tài ba xuất chúng. Khi ông khai trương hai quán rượu đó, ông đã trả lời câu hỏi “Phải chăng vì mê rượu vang mà ông mở quán?” bằng một lời nói thật lòng: “thú thực, tôi mê rượu vang nhưng không bao giờ uống một mình. Tôi chỉ nhấm nháp rượu vang một mình khi trở về từ một trận cầu thất bại mà thôi”. Như vậy, lại một lần nữa trái ngược với Fergie, người uống rượu mừng các chiến thắng, Wenger nhấm nháp nỗi buồn thua trận như thể ông vừa nghiền ngẫm nó-vừa xoa dịu mình, với một đối tác duy nhất: những chai vang hảo hạng… “Lần đầu tiên Arsene dẫn quân tới Old Trafford, ông ấy đã tới văn phòng tôi. Câu chuyện bắt đầu rất thú vị, với rượu vang”, Fergie đã nói như thế về Wenger và lần đầu họ gặp gỡ nhau như những người bạn vượt ngoài những cuộc chơi bóng đá đơn thuần. Và kể từ đó, Ferguson vẫn hay tặng Wenger những chai Bourgogne hảo hạng có giá trị ít nhất 500-600 bảng Anh trước mỗi trận đụng độ M.U-Arsenal. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng Fergie làm thế để nhắc nhớ lại lần đầu tiên ông gặp Wenger. Nhưng Fergie cũng là một người túc trí đa mưu. Ông biết thừa thói quen uống rượu khi thua trận của Wenger và cũng có thể ông tặng món quà qúy với ý ngầm ám chỉ rằng “cầm lấy đi, về mà an ủi đêm nay, sau một thất bại khác nữa nhé”. Chẳng biết câu chuyện thật của việc tặng rượu là thế nào nhưng nó gợi nhắc đến cuộc đụng độ tuyệt diệu của Khổng Minh với Tư Mã Ý trong Tam quốc chí. Ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý dứt khoát không ra binh, Khổng Minh tặng Tư Mã cái hộp đựng áo yếm đàn bà. Cũng là quà đấy, mà lại là khích bác nhau đấy, cân não nhau đấy. Fergie hẳn cũng muốn cân não Wenger lắm, nhất là khi ông luôn nghĩ về Wenger với tâm thức muốn thi thố. Tất nhiên, Wenger không phải tay vừa, khi đã từng nhắc khéo trên báo rằng “ở tuổi ông ấy (Fergie), sự nóng nảy chỉ tổn hại đến tim mà thôi. Tôi rất lo ngại cho tình hình sức khoẻ của ông ta gần đây” trong một lần cả hai đấu khẩu với nhau kịch liệt hồi 2002. Cách nói của Wenger cũng sao mà giống việc Tư Mã Ý hỏi khéo ‘thừa tướng chẳng hay ăn uống thế nào?’ trong truyện Tam quốc ngày xưa. Thế mới thấy, rõ ràng, khi Fergie viết ‘Tôi luôn cảm thấy mình vô cùng hiểu Arsene’ trong cuốn tự truyện của mình, ông đã thật thà và dám chắc với điều mình nói lắm lắm… Bây giờ, không còn Fergie ở đó, ai tặng rượu cho Wenger đây? David Moyes chưa đủ tầm và đủ tuổi để làm chuyện đó. Nếu có đi nữa thì nó cũng kệch cỡm và dù rượu có đắt đến mấy đi nữa, có lẽ rượu ấy cũng nhàn nhạt mà thôi… Và khi người tri âm nhất đã vắng bóng Thực sự, không biết Wenger có ‘ưa thích’ Ferguson hay không và ông có đúng là người như Fergie nhận xét là ‘hoàn toàn thay đổi khi tiếng còi chấm dứt trận đấu nổi lên’ hay không. Đó là một câu hỏi mang bí ẩn lớn. Chỉ biết, Fergie thực tế không ưa gì Wenger lắm, nhất là qua những gì ông viết về Wenger trong tự truyện của mình. Song, có một điều khó có thể phủ nhận là Fergie hiểu rất rõ Wenger, đúng như ông đã nói. Với 17 năm đối đầu nhau, chắc chắn Fergie thừa thời gian để nhận ra tính cách của HLV người Pháp và ngược lại. Fergie rất khéo léo cáo buộc Wenger và những học trò của ông đã luôn theo đuổi cách hành xử ‘trí trá’. Điển hình, một tình huống bóng chạm tay nào đó mà trọng tài bỏ qua cho đội nhà chẳng hạn, Fergie nhận định rằng Wenger sẽ nói dối là ‘Tôi không nhìn thấy gì cả’ trong khi HLV người Scotland sẽ lựa chọn phương án ‘À, tôi sẽ về xem lại cho kỹ’. Đúng là Wenger có cái trí trá đó, cái trí trá rất Pháp, thứ mà người Anh không ưa gì lắm. Nhưng những người Arsenal lại cần một HLV như thế, một người đủ trí trá để chèo lái đội bóng và đối phó với những cầu thủ hư hỏng thời giữa thập niên 90. Chính Fergie còn phải thừa nhận, hồi đó Arsenal như một đám ăn chơi chuyên nghiệp và chỉ có Wenger mới dẹp loạn được để thiết lập lại kỷ luật cho cả đội. Và thậm chí, Fergie còn hiểu Wenger hơn nữa khi ông lý giải lý do vì sao Wenger hay phàn nàn về lịch thi đấu, về trọng tài ở giai đoạn mấy năm đầu ông làm việc ở Arsenal đến thế. Theo cựu HLV M.U, Wenger không phải là người thích nghi nhanh và chính những phàn nàn kia cho thấy Wenger đã phải vật lộn với việc thích nghi ở một môi trường bóng đá mới, với lịch đấu và số lượng trận đấu mỗi năm nhiều hơn hẳn những nơi ông đã đi qua. Có thể nói, Fergie quá hiểu Wenger, nếu không nói là hiểu đến mức đồng cảm thực sự. Có một chuyện khá vui mà Fergie kể lại rằng khi Wenger mới sang Premier League, Fergie đã hỏi Cantona rằng “triết lý bóng đá của ông này thế nào?” và nhận được câu trả lời “ông ấy là siêu phòng ngự, phòng ngự quá mức luôn”. Wenger đã khởi đầu với hàng thủ 5 người ở Arsenal nhưng Fergie lập tức nhận ra rằng đó là một đội bóng của tấn công chứ không phải phòng ngự tiêu cực. Và Fergie cũng không giấu diếm lòng mình khi viết rằng “Tôi phải thừa nhận, Arsenal là đội bóng chơi hấp dẫn tôi nhất, khiến tôi luôn muốn xem nhất”. Wenger đã chinh phục Fergie bằng cách đó, một cách âm thầm, với thành quả của cuộc chinh phục ấy đã kéo dài tận 17 năm và sẽ còn tiếp nối thêm về sau này… Và Wenger cũng không chỉ chinh phục Fergie bằng lối chơi trên sân của đội bóng mà bằng tất cả những thứ ông làm tại Arsenal. Fergie kể lại một kỷ niệm mà ông luôn nhớ. Đó là khi ông đưa M.U sang gặp Arsenal ở Highbury, ông bước vào phòng ăn trưa với sự ngỡ ngàng khi thấy nội thất các phòng của Highbury thay đổi rõ rệt. Ông thốt lên với trợ lý của mình “đẳng cấp, đẳng cấp thực sự” và nhận định nhanh “đây là ảnh hưởng từ chính Wenger, với những chi tiết đậm chất cá tính ông ấy”. Fergie đã đúng. Wenger tinh tế với Arsenal ở từng chi tiết một. Nhưng cái hay là Fergie đọc ra nó trong khi các HLV khác thì không. Đơn giản, khi đã là tri âm, đâu cần nói nhiều lời. Bây giờ, người tri âm ấy đã không ngồi trên băng ghế chỉ đạo để thi thố với Wenger nữa mà dự khán như một thành viên Ban Giám đốc M.U trên khán đài danh dự. Wenger ra sân chắc sẽ hướng lên đó gửi một lời chào nhưng chắc chắn ông sẽ thấy buồn dù Arsenal có thể sẽ thắng để củng cố ngôi đầu bảng. Dễ hiểu, người đánh cờ hay sẽ chỉ tìm đối thủ cao cờ. Không còn đối thủ cờ cao nữa, ván cờ còn gì vui? Chơi một mình, chỉ tâm tư thêm nặng mà thôi. Như khi ngôi sao lớn đã rơi bên kia đồi, Khổng Minh nằm xuống, Tư Mã Ý cũng chẳng còn nhiều hứng thú trên chiến địa nữa, dù ông biết rằng, chiến thắng ắt về với phía của ông, như một tất nhiên định mệnh…
Posted on: Sat, 09 Nov 2013 03:50:35 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015