Người thầy đầu tiên Tên tác phẩm : Người thầy - TopicsExpress



          

Người thầy đầu tiên Tên tác phẩm : Người thầy đầu tiên Tác giả : Aitmatov Lời giới thiệu: Người thầy đầu tiên (tiếng Nga:Первый учитель) là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Chinghiz Aitmatov, sáng tác năm 1962. Nội dung truyện được đặt vào bối cảnh vùng quê hẻo lánh của Kyrgyzstan. Thời đó, trình độ phát triển ở đây còn thấp, tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng nề, phụ nữ bị coi thường, trẻ mồ côi bị rẻ rúng. Cô bé Altynai mồ côi sống trong gia đình chú thím ở làng Kurkureu, chẳng được học hành ,và phải chịu sự giám sát, sai khiến hà khắc của bà thím. Duishen được Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cử về làng để mở trường, đã kịp thời cứu giúp, cho em đến trường học. Sau này Altynai trở thành nữ viện sĩ Altynai Sulaimanova, còn thầy Duishen về già đi đưa thư.. Làng Kukurêu chúng tôi nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đá đổ xuống. Phía dưới làng tôi là thung lũng Đất vàng, là cánh thảo nguyên Ca-dắc-xtan mênh mông nằm giữa các nhánh của rặng núi Đen và con đường sắt làm thành một cái thảm màu băng qua đồng bằng chạy tít đến chân trời phía tây. Phía trên làng tôi, giữa một ngọn đồi, có hai cây phong lớn. Tôi biết chúng từ thuở bắt đầu biết mình. Dù ai đi từ phía nào đến làng Kukurêu chúng tôi cũng đều trông thấy hai cây phong đó trước tiên; chúng luôn luôn hiện ra trước mắt hệt như những ngọn hải đăng đặt trên núi. Thậm chí tôi cũng không biết giải thích ra sao: phải chăng người ta vẫn đặc biệt trân trọng nâng niu những ấn tượng thời thơ ấu hay vì do có liên quan đến nghề hoạ sĩ của tôi, nhưng cứ mỗi lần về quê, khi xuống xe lửa đi qua thảo nguyên về làng, tôi đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy. Dù chúng có cao đến đâu chăng nữa, đứng xa thế cũng khó lòng trông thấy ngay được, nhưng tôi thì bao giờ cũng cảm biết được chúng, lúc nào cũng nhìn rõ. Đã bao lần tôi từ những chốn xa xôi trở về Kukurêu và lần nào tôi cũng thì thầm với một nỗi buồn da diết: “Ta sắp được thấy chúng chưa, hai cây phong sinh đôi ấy? Mong sao chóng về tới làng, chóng lên đồi mà đến với hai cây phong. Rồi sau đó cứ đứng dưới gốc cây để nghe mãi tiếng lá reo cho đến khi say sưa ngây ngất”. HAI CÂY PHONG Trong làng tôi không thiếu gì các loại cây, nhưng hai cây phong này khác hẳn: chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, một tâm hồn chan chứa những lời ca êm dịu. Dù ta có tới đây vào lúc nào, ban ngày hay ban đêm, chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau. Có khi tưởng chừng như một làn sóng thuỷ triều dâng lên vỗ vào bãi cát, có khi lại nghe như một tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm truyển qua lá cành như một đám lửa vô hình, có khi hai cây phong bỗng im bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một hơi như thương tiếc người nào. Và khi mây đen kéo đến cùng với bão giông, xô gãy cành, tỉa trụi lá, hai cây phong nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc chảy rừng rực. . thường. Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh… Vào cuối năm học, trước khi bắt đầu nghỉ hè là bọn con trai chúng tôi lại chạy ào lên đây phá tổ chim. Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền... Chúng tôi nép mình ngồi trên các cành cây suy nghĩ: đã phải đấy là nơi tận cùng thế giới chưa, hay phía sau vẫn còn có bầu trời ấy, những đám mây, những đồng cỏ và sông ngòi như thế này? Chúng tôi náu mình trên các cành cây, lắng nghe những tiếng gió ảo huyền và tiếng lá cây đáp lại lời gió, thì thầm to nhỏ về những miền đất bí ẩn đầy sức quyến rũ lẩn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia. Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, trong tiếng xạc xào không ngớt ấy tôi cố hình dung ra những miền xa lạ kia. Thuở ấy chỉ có một điều tôi chưa hề nghĩ đến: ai là người đã trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy đã ước mơ gì, đã nói những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này? ...................... Thầy Đuysen nói: - Thầy sẽ chịu trách nhiệm về em. Em ở tạm nhà bác Kartanbai với thầy. Và lúc nào cũng phải đi theo thầy. Chắc hẳn lúc ấy tôi không còn chút máu mặt nào nữa. Thầy Đuysen lấy tay nâng cằm tôi lên, nhìn thẳng vào mắt tôi và mỉm cười như mọi khi: - Antưnai, em đừng sợ! - Thầy vừa cười vừa nói. - Thầy còn ở bên em, thì em không phải sợ ai cả. Em cứ học đi, cứ đến trường như cũ và đừng nghĩ ngợi gì… Vì thầy vẫn biết là em nhát lắm. Và nhân đây thầy kể cho Antưnai nghe một câu chuyện mà thầy đã định kể từ lâu – thầy Đuysen lại phì cười, hẳn đang nhớ lại điều gì ngộ nghĩnh – Chắc em còn nhớ có lần cụ Kartanbai dậy thật sớm và biến đi mất ấy. Té ra cụ đi mời… cụ dẫn ai về nhà em có biết không? Dẫn bà lang Giainakôva về. Thầy hỏi: “Làm gì thế bác?”. Cụ trả lời là: “Ấy để cho bà ấy cúng bái một chút đi gọi hồn nó về, không thì con bé sợ quá hồn xiêu phách lạc đi đâu mất”. Thầy nói: “Mời bà ấy ra đi, không lại phải cúng cho bà ấy một con cừu mất thôi. Mà nào nhà mình có giàu có gì cho cam. Ngựa cũng chả có mà cúng, có mỗi con thì cúng bầy chó sói mất rồi…”. Còn em thì lúc đó đang ngủ say. Thế là thầy đuổi cổ được mụ thầy cúng ra khỏi nhà. Về sau cụ Kartanbai giận thầy suốt một tuần lễ, không thèm trò chuyện với thầy. Ông cụ nói: “Tôi già cả thế này mà anh còn chơi khăm tôi”. Nhưng ông cụ, bà cụ là những người phúc hậu, hiếm có những người tốt như thế. Thôi bây giờ ta về đi, Antưnai… Dù tôi có cố gắng can đảm lên bao nhiêu cho thầy Đuysen khỏi bận tâm, những ý nghĩ lo sợ cũng vẫn không buông tha tôi. Vì bất thần lúc nào thím tôi cũng có thể đến cưỡng bức lôi tôi đi. Rồi ở nhà họ muốn làm gì thì làm, không ai ở trong làng cấm được họ cả. Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ được vì mải lo nghĩ tới tai hoạ sắp đến. Tất nhiên thầy Đuysen hiểu rõ tâm trạng tôi. Cũng có thể vì muốn xua đuổi những ý nghĩ đen tối đó của tôi nên ngày hôm sau thầy mang về trường hai cây phong nhỏ. Sau buổi học, thầy cầm tay tôi dẫn sang một bên. Thầy mỉm một nụ cười bí ẩn và bảo tôi: - Antưnai, bây giờ thầy với em cùng làm chung một việc. Hai cây phong này thầy mang về cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thông thái. Thầy tin như vậy, em ạ, số phận em nhất định sẽ như thế. Em bây giờ trẻ măng như một thân cây non, như đôi cây phong nhỏ này. Antưnai ạ, ta sẽ tự tay trồng lấy hai cây phong này. Và mong sao em sẽ tìm thấy hạnh phúc trong học tập, ngôi sao nhỏ trong sáng của thầy ạ… Hai cây phong ấy còn non, vừa cao bằng người tôi, thân biêng biếc. Và khi hai chúng tôi đã trồng xuống khoảng đất cạnh trường, từ chân núi đưa lên một làn gió nhẹ, lần đầu tiên chạm vào những khóm lá bé lăn tăn như thổi một luồng sinh khí vào chúng. Mấy khóm lá run rẩy, hai cây phong bắt đầu lay động, đung đưa… - Em trông, đẹp chưa kìa! – Đuysen cười, lùi lại ngắm. – Bây giờ ta hãy đào một đường dẫn nước ở ngọn suối đằng kia về. Rồi em sẽ thấy hai cây phong của chúng ta đẹp đến nhường nào! Chúng nó sẽ đứng trên ngọn đồi này, sát cánh nhau như hai anh em. Và mọi người sẽ luôn luôn nhìn thấy chúng và những người lành sẽ thấy lòng vui lên khi nhìn thấy chúng. Đến khi ấy cả cuộc sống cũng sẽ khác, Antưnai ạ. Tất cả những gì đẹp nhất đều hãy còn ở phía trước… Ngay cả bây giờ tôi cũng không sao tìm được những lời lẽ có thể nói lên ít nhiều lòng cảm kích của tôi trước tâm hồn cao thượng của Đuysen. Còn khi ấy, tôi chỉ đứng yên nhìn thầy. Tôi nhìn Đuysen như thể lần đầu tiên tôi được thấy hết vẻ đẹp sáng ngời trên gương mặt thầy, tấm lòng trìu mến và trung hậu ánh lên trong đôi mắt thầy, dường như trước kia tôi chưa từng biết đôi bàn tay của thầy mạnh mẽ và khéo léo như thế nào trong lao động, nụ cười trong sáng của thầy có có sức sưởi ấm lòng người đến nhường nào. Và trong lòng tôi, như một đợt sóng nồng nàn, bỗng cuộn lên một tình cảm mới mẻ mà tôi chưa hề biết, từ một thế giới xa lạ nào lan tới. Và cả tâm hồn tôi như vươn mạnh đến Đuysen, để nói với người: “Thầy ơi, em cảm ơn thầy đã sinh ra với một tâm hồn đẹp đẽ như vậy…Em muốn ôm hôn thầy!” Nhưng tôi e ngại không dám nói lên những lời ấy. Đáng lẽ tôi nói ra mới phải.
Posted on: Tue, 19 Nov 2013 11:02:57 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015