Quản trị chiến lược - Tư duy của nhà chiến lược - TopicsExpress



          

Quản trị chiến lược - Tư duy của nhà chiến lược cấp cao Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Đây là câu tục ngữ đúng trong nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau. Kinh tế thị trường mở cửa cũng là lúc những cơ hội làm ăn liên tục xuất hiện. Người thành công phải là người có năng lực tư duy đặc biệt để có được tầm nhìn sâu rộng, hiểu rõ cách phát triển và biết huy động các nguồn lực nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình. Nghiên cứu về quản trị chiến lược chính là giúp con người tiếp cận được năng lực tư duy đặc biệt đó trong thời gian ngắn nhất. Lịch sử phát triển của Quản trị chiến lược bắt đầu cách đây hơn nửa thế kỉ, từ những năm 60 của thế kỉ XX. Qua thời gian, xoay quanh những kiến thức mà Michael E. Porter đã đề cập, các học giả trên thế giới đã hình thành nên nhiều quan điểm khác nhau về nội dung của Quản trị chiến lược(1). Xu hướng nổi trội trong thời gian gần đây là ngắn gọn, linh hoạt và phù hợp với việc chủ động trong học tập (active learning) (2). Nhìn một cách bao quát, Quản trị chiến lược không nhất thiết phải áp dụng trong môi trường kinh doanh mà kiến thức từ quản trị chiến lược có thể được vận dụng linh hoạt trong các môi trường khác nhau như quân sự, chính trị và cả cuộc sống hàng ngày. Đặc điểm của quản trị chiến lược là giúp con người phân định rõ việc nào chính, việc nào là phụ trong vô số các công việc cần phải giải quyết hằng ngày. Công tác phân định này thoạt tiên tưởng chừng rất đơn giản nhưng rất dễ khiến cho con người lầm lẫn đặc biệt là đối với những nhà quản lý không có tư duy tốt về quản trị chiến lược. Nói một cách khác, hiểu về quản trị chiến lược nghĩa là hiểu về cách lựa chọn về những công việc cần ưu tiên để xử lý trước, xử lý sau hoặc không cần phải bận tâm để xử lý. Phân định tốt công việc nhờ quản trị chiến lược không những giúp cá nhân tiết kiệm được thời gian và công sức mà còn giúp tập thể tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực về con người, tiền bạc, không gian làm việc. Vậy làm thế nào để lĩnh hội tốt kiến thức của quản trị chiến lược? Yêu cầu đầu tiên đó là tư duy phản biện (critical thinking). Tư duy phản biện chính là nền tảng cho việc sử dụng hiệu quả các công cụ phân tích trong quản trị chiến lược. Tuy nhiên, tư duy phản biện tốt còn phải nắm được cách thức ra quyết định vì thông thường, đứng trước nhiều lựa chọn, con người thường có xu hướng phân vân lưỡng lự (paradox of choice). Nói cách khác, quản trị chiến lược đòi hỏi ít nhất có hai điều kiện cần: tư duy phản biện và sự quyết đoán. Từ góc độ con người, quản trị chiến lược phù hợp với những người đam mê sự thành công và thích kiểm soát mọi việc theo ý muốn và khả năng của mình. Quản trị chiến lược tốt sẽ tạo ra sự khác biệt giữa một cá nhân so với các cá nhân khác. Đây là tiền đề lý tưởng cho việc phát huy năng lực lãnh đạo (leadership). Mặt khác, hạn chế của quản trị chiến lược là không thể kiểm soát được những yếu tố tâm sinh lý của con người. Tuy nhiên, nắm bắt được sự nhược điểm này sẽ giúp người sử dụng quản trị chiến lược khắc phục nhanh chóng các nhược điểm đó bằng những công cụ mang tính chuyên môn khác chẳng hạn như tâm lý học hoặc kinh tế học hành vi. Nói tóm lại, một con người thành công có thể thiếu một hoặc một vài thứ nhưng không thể thiếu khả năng quản trị chiến lược giỏi. Thậm chí một người nếu không đủ cơ hội để thành công thì khả năng quản trị chiến lược tốt cũng sẽ giúp người đó có cách nhìn tích cực hơn về cuộc sống và niềm tin sẽ ít bị ảnh hưởng hoặc lay chuyển hơn những người khác. Người giỏi nhất không phải là người làm tất cả nhưng nên là người hiểu tất cả. Hiểu tất cả đơn giản nhất là nhờ quản trị chiến lược vì ứng dụng của quản trị chiến lược trong cuộc sống là rất rộng rãi. Ví dụ, trong việc lựa chọn ngành học của một học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học, một học sinh có định hướng tốt về mặt chiến lược sẽ biết được ngành nào là ngành sẽ thiếu nhân lực sau bốn hoặc năm năm học đại học thay vì mãi chạy đua theo xu thế hiện tại của xã hội và tâm lý chung. Thế nhưng một ngành tốt với cơ hội việc làm khi ra trường lớn cũng chưa chắc đã mang lại những hiệu quả thật sự khả quan nếu trong quá trình học, người học không được tiếp xúc với môn học Quản trị chiến lược. Điều này đúng với đại bộ phận sinh viên nói chung và những sinh viên theo học chương trình quản trị kinh doanh nói riêng. Quản trị chiến lược không thể giúp người học trở thành người lãnh đạo trong một sớm một chiều nhưng chắc chắn tạo ra tư duy như một người quản lý cao cấp cho người được trải nghiệm. Đó không phải là một mệnh đề, đó là sự thật. Sưu tầm (1) Toby Harfield, Strategic Management and Michael Porter: a post modern reading, mngt.waikato.ac.nz/ejrot/Vol4_1/harfield.pdf (2) Gamble Thompson Peteraf, Essentials of Strategic Management: The Quest for Competitive Advantage, McGraw Hill, 2013
Posted on: Fri, 14 Jun 2013 05:20:27 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015