Trung Quốc siết chặt vòng vây ASEAN trong chiêu bài - TopicsExpress



          

Trung Quốc siết chặt vòng vây ASEAN trong chiêu bài ‘ổn định’ Biển Đông 03/10/2013 Trung Quốc đã rất nhiều lần tạo chướng ngại vật trước các giải pháp có ý nghĩa đối với việc thiết lập hòa bình và ổn định trên Biển Đông, đồng thời đang tạo ra một vòng vây đối với ASEAN, học giả Ian Storey bình luận trên tờ Wall Street Journal ngày 2/10. Theo đánh giá của ông Ian Storey – thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), vấn đề tranh chấp Biển Đông liên tục được mang ra thảo luận trong thời gian qua dưới rất nhiều hội thảo, họp cấp cao, sự kiện quốc tế nhưng vẫn không đạt thêm được bước tiến nào. Kịch bản đó rất có thể lặp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tới đây tại Brunei bởi Trung Quốc đang sử dụng một cách thuần thục chiến thuật ngoại giao bắt nạt và bủa vây ASEAN. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh liên tiếp đưa ra các quy tắc đơn phương liên quan tới tranh chấp biển đảo. Trong khi một mặt cam kết “phát triển hòa bình” thì Trung Quốc lại lên gân “quyết không thỏa hiệp về những lợi ích cốt lõi” mà họ cho là của họ. Theo ông Ian, những lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc đang vơ vào bao gồm cả chủ quyền đối với Biển Đông. Nhằm chứng minh cho đường lối ngoại giao bắt nạt đó, ngay khi Philippines đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế và nhờ cậy tới sự can thiệp của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc lập tức ra đòn phản bác và khước từ mọi yêu cầu ra tòa từ phía Manila. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn cố chấp duy trì tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hơn 80% diện tích Biển Đông ẩn dưới “đường lưỡi bò” phi pháp. Theo Wall Street Journal, Trung Quốc vẫn luôn cho là mình đúng, nhưng không bao giờ đưa ra được những giải thích rõ ràng về việc đang thực hiện đúng pháp luật trên khu vực như thế nào. Thậm chí trong thời gian gần đây, các học giả cấp cao có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc còn tuyên bố trắng trợn: Bắc Kinh có quyền sở hữu tất cả các đảo san hô trong khu vực, có quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản trên Biển Đông, thậm chí còn vẽ ra một thứ quyền lực cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn bộ việc đi lại trên tuyến đường biển này! Điều này rõ ràng đi ngược lại hoàn toàn với UNCLOS và DOC mà Bắc Kinh đã đặt bút ký trước đó. Ngoài ra, hồi tháng 6, tuy rằng Trung Quốc bất ngờ đồng ý tham vấn COC với ASEAN nhưng tia hy vọng cho hòa bình khu vực vừa lóe lên thì đã bị lãnh đạo nước này rút lửa khi một mực cho rằng “cần xây dựng COC từng bước một” và yêu cầu các nước liên quan “tôn trọng lịch sử”. Có thể thấy một thứ lịch sử đang được các tàu tuần tra hải quân và bán quân sự đã thi nhau tô đậm trên khu vực. Một bước đi khác của Trung Quốc khi tỏ vẻ đồng thuận về COC là đồng ý tham vấn COC tại Tô Châu. Nhưng kết quả là quan điểm “từng bước một” của Bắc Kinh vẫn không có gì thay đổi; các kế hoạch, thời gian biểu rõ ràng cho tiến trình ký kết vẫn chưa được đưa ra một cách cụ thể. Dẫu vậy, truyền thông Trung Quốc vẫn ca tụng đây là bước đột phá trong việc tháo ngòi nổ trên Biển Đông, thậm chí còn ca ngợi Bắc Kinh đã “bật đèn xanh” cho ASEAN. Nhưng theo Wall Street Journal, hầu hết giới quan sát cả trong lẫn ngoài khu vực đều đánh giá đây chính là chiến thuật “đèn vàng” của Trung Quốc. Do vậy, ông Ian Storey khẳng định: cách thức Trung Quốc đang làm chỉ là chặn đứng các giải pháp được cho là có thể kiềm chế họ, mà không muốn hướng tới kết quả cuối cùng, hay nói cách khác, Bắc Kinh có thể đồng ý về quá trình tham vấn, nhưng sẽ không muốn đi tới kết quả nào. Điều đó rõ ràng không thể cải thiện được tình hình căng thẳng trên Biển Đông đang ngày càng dâng cao trước áp lực bành trướng của Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh chỉ muốn “lịch sử” là trọng tài của riêng họ.
Posted on: Thu, 03 Oct 2013 15:48:56 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015