BẠN CÓ HIỂU BIẾT GÌ VỀ VIỆC ĐỐT NHANG CÚNG - TopicsExpress



          

BẠN CÓ HIỂU BIẾT GÌ VỀ VIỆC ĐỐT NHANG CÚNG PHẬT. BÀN VỀ VIỆC ĐỐT NHANG CÚNG PHẬT. Bộ Sức khoẻ cộng đồng Thái Lan vừa đưa ra hướng dẫn mới nhất về việc đốt nhang, trong đó đề cập những đám khói nhang phát ra ở các ngôi chùa có khả năng gây nguy hiểm đến sức khoẻ của con người. Trong bài phát biểu hôm thứ năm, ông Jurin Laksanawisit, Bộ trưởng Bộ y tế, vừa cho biết: khói toả ra từ các loại trầm hương và nhang cây, loại thường chủ yếu được dùng trong chùa, chứa nhiều benzen, butadiene và benzopyrene. Đấy là những chất được cho là nguyên nhân gây ra các loại bệnh như bệnh bạch cầu, ung thư phổi, ung thư da và bàng quang. Bộ khuyến cáo các chùa tránh đốt nhang ở những nơi kém thông thoáng, sử dụng nhang cây loại ngắn thay vì loại dài và nhanh chóng loại bỏ tàn nhang sau khi đốt. Các thành viên trong chùa nên tránh tiếp xúc lâu với khói nhang, rửa tay, rửa mặt sau khi làm các công việc liên quan đến nhang và phải thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm. Được biết việc thắp các loại nhang được tẩm hương thơm nồng này là một trong những nghi thức tôn giáo quan trọng của đất nước Phật giáo có hơn 37.000 ngôi chùa này. Càng ngày, người đi lễ chùa càng đông, nhất là vào những dịp lễ lớn thì người đông như hội. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì khi con người biết quy kính Tam bảo để hướng thiện và nuôi dưỡng mầm thiện lành thì xã hội và đất nước ngày càng thịnh phát hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người đi lễ chùa cũng là một thách thức lớn cho nhà chùa, vốn dĩ quen với tinh thần tùy duyên trong việc hướng dẫn, tổ chức Phật tử lễ bái, tụng niệm và tu tập. Vì thế, hiện có không ít vấn nạn đặt ra cho nhà chùa, trong đó việc đốt nhang quá nhiều, gây khói bụi ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo tâm lý bất an… đến nỗi khiến cho một số người ngại đi chùa vào các dịp lễ lớn, là một điển hình. Thực ra, việc đốt hương (hương cây-nhang, trầm hương) dâng lên Tam bảo để thể hiện lòng thành kính và nhờ làn khói hương mang lời cầu nguyện đến chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương là một lễ nghi có từ rất xa xưa. Nén nhang hay cành hoa là một trong những lễ phẩm quan trọng, tối thiểu nhất (lễ bạc lòng thành) để dâng cúng Phật. Do vậy, người đi lễ chùa (thường thì những người này chỉ đi chùa vào các lễ lớn, hay lúc bản thân hoặc gia đình có sự việc mà không phải là các Phật tử thuần thành tu học hàng ngày tại chùa và đạo tràng) nếu có điều kiện thì sắm lễ "mâm cao cỗ đầy" và ít nhất thì cũng mua một cành hoa, nén nhang làm lễ phẩm. Và điều thường thấy nhất là bao nhiêu bó nhang mang đến chùa đều được đốt hết và cắm từ điện Phật cho đến nhà Tổ, bàn thờ linh hay bất cứ chỗ nào có thể cắm được. Một người đốt nhang cho đến hàng trăm, hàng ngàn người đều đốt nhang theo cách như thế thì chùa chiền và những người đi lễ chùa khác không thể nào tránh khỏi ngột ngạt do khói hương gây ra. Chúng tôi thấy rằng, chùa chiền là trung tâm văn hóa, nơi sinh hoạt tu học, tôn nghiêm và thanh tịnh chứ không chỉ là nơi chuyên lễ bái cầu cúng như đền miếu. Do đó, đặt ra vấn đề tìm một giải pháp để hạn chế khói nhang, giữ cho môi trường chùa viện không bị ngột ngạt bởi khói nhang quá nhiều nhằm thuận lợi hơn cho việc học tập và chiêm nghiệm giáo pháp, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh là điều hợp lý và hết sức cần thiết. Bởi trong thực tế đã có một số Phật tử không dám lên chùa vào những ngày lễ lớn vì sợ khói nhang (gây khó thở, cay mắt). Mặt khác, một ngôi chùa mà bên ngoài eo sèo cảnh mua bán nhang đèn, bên trong quá nhiều nhang khói mù mịt, sân chùa vương vãi bao bì nhang đèn (một số bao nhang có in hình Phật) cùng với vô số người chen chúc khấn nguyện, lễ bái và cả nói cười v.v… thì thử hỏi làm sao mà có thể gọi là chốn thiền môn trang nghiêm thanh tịnh được? Người Phật tử muốn lên chùa để tịnh dưỡng tâm hồn cho thanh thản, mong mỏi được tiếp thu tuệ giác của giáo pháp thì chắc chắn sẽ không chọn những cảnh chùa mịt mù nhang khói này. Tuy nhiên, không phải ngôi chùa lớn nào cũng bị chìm ngập trong khói nhang. Tùy theo sự tổ chức, sắp xếp và giáo dục Phật tử của chư Tăng mà một số chùa lớn, dù có đông đảo Phật tử dự lễ vẫn tránh được khói nhang. Nhất là những ngôi chùa ở xứ Huế, tuy Phật tử đi tham dự các khóa lễ ở chùa rất đông, nhưng nhờ công trình giáo hóa của chư Tăng nên các Phật tử đem nhang đèn đến chùa, nếu thấy trên lư nhang vẫn còn cháy thì yên tâm lễ bái và tuyệt không đốt thêm. Nén nhang Phật tử mang đến cúng Phật sẽ được cất giữ để dâng cúng Phật trong một dịp khác. Nhờ thế mà mọi người ở chùa có thể hoàn toàn yên tâm hít thở không khí trong lành, không hề lo sợ khói nhang và có thể tụng kinh, đọc sách hay tịnh dưỡng thân tâm an lạc. Đốt nhang cúng Phật là một lễ nghi cần thiết trong Phật giáo nhưng nếu đốt quá nhiều đến ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tu học thì không nên. Để giảm bớt khói nhang, một số chùa đã cho người chủ động rút hết nhang đem đi dập tắt, hoặc để bát hương lớn ngoài trời nhằm cắm nhang ra ngoài v.v… nhìn chung đều mang tính tạm thời. Giải pháp căn cơ nhất cho vấn đề này chính là sự nỗ lực giáo dục của chư Tăng. Không nên để cho người đi chùa dâng hương, lễ bái tùy tiện theo thói quen mà cần phải tận tình hướng dẫn họ tuân theo nề nếp thiền môn quy củ. Trên điện Phật, đốt một cây nhang trầm hay xông một lò trầm hương là quá đầy đủ để tạo nên không gian tâm linh lý tưởng nhất cho việc lễ bái, cầu nguyện, lắng lòng thanh tịnh, thăng hoa tuệ giác và tâm linh. Hương trầm là một trong những sản phẩm rất phổ biến được dùng trong các quốc gia Á châu, đặc biệt trong các nghi lễ của Phật giáo và Lão giáo. Nhưng qua cuộc nghiên cứu gần đây, các khoa học gia ở Mỹ đã đưa ra bằng chứng cho thấy rằng khói hương có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Lin và những đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu khói hương cho biết: "Một cây hương có chứa các thành phần như 21% dược liệu và bột gỗ, 35% hương liệu thơm, 11% bột dính, 33% thanh tre". Và Lin đã cảnh báo rằng: "Không khí bị khói hương làm ô nhiễm trong các tự viện có ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe". Giống như khói thuốc lá và khói củi, khói hương có chứa các hoạt chất độc hại, chất đốt và các hợp chất hữu cơ như benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons có nguy cơ làm hại đến sức khỏe. Theo Cơ quan "Toxic Substances & Disease Registry", chất Toluen có thể gây ra nhức đầu, rối loạn và mất trí nhớ. Chất Xylen có thể gây ra nhức đầu, cơ bắp ít hoạt động, hoa mắt, rối loạn và thay đổi cảm giác cân bằng, dị ứng da, mắt, mũi và cổ họng; và gây ra khó thở. Khói hương độc gấp 4 lần so với khói thuốc lá. Hít thở khói hương có thể gây ra rối loại hệ hô hấp, dị ứng, khối u phát triển, bướu, đột biến gen… Nhang thơm tẩm hóa chất kịch độc: Nhiều loại nhang thơm được người sản xuất tẩm thêm hóa chất để hương cong đẹp, thơm. Các chuyên gia cho rằng loại nhang này khi thắp lên có thể gây mờ mắt người tiếp xúc. Cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Thoán (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) khá lớn, mỗi ngày sản xuất khoảng 100 bó hương. Nhiều ngày thiếu tăm, gia đình ông phải sang mua thêm từ các hộ khác. Ông Thoán cho biết, loại hóa chất được dùng để ngâm và tẩm vào tăm hương, chính là axit photphoric (H3PO4). Tùy theo yêu cầu của khách mà tẩm với nồng độ khác nhau. “Muốn hương cong đẹp thì trộn một lít axit H3PO4 vào 10-12 lít nước lã. Sau đó khuấy đều và nhúng, ủ 3- 5 phút rồi rút ra phơi, sau đó đem đến người làm hương để cho thịt hương vào”, ông Thoán tiết lộ. Theo ông Thoán, việc sử dụng này rất độc hại cho sức khỏe, nhưng thị trường bắt buộc nên người sản xuất phải làm. Cụ thể, các hóa chất này ảnh hưởng đến đường hô hấp và nếu chân tay lở loét ra thì chưa biết đến chừng nào khỏi. Ông Tàm, một người dân sống tại xã Quảng Phú Cầu cũng cho biết: “Tác hại của thuốc làm cong tàn là đánh lừa người tiêu dùng, còn tàn là ảo ảnh chứ không phải dùng hương cong là được nhiều lộc. Tôi ngửi mùi hương này thấy nhức đầu và chóng mặt, còn lúc đốt thành hương có độc hại hay không thì chưa ai biết được”. Trong khi đó, chủ một cơ sở sản xuất hương thắp khác ở Hà Nội cho biết, để tạo ra mùi thơm cho hương, một số nơi thường tẩm sẵn hóa chất vào keo hoặc bột toa. Chẳng hạn, mùi trầm được tẩm từ “tinh trầm” Diamond, Clock… Ông Tất Thắng, Giám đốc cơ sở sản xuất hương thắp Tất Thắng (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: Đến nay, chưa hề có bất cứ nghiên cứu được công bố rộng rãi liên quan tới mức độ độc hại, sự ảnh hưởng của những loại hóa chất đó tới sức khỏe của người sản xuất cũng như người sử dụng. Ông Thắng khẳng định: “Những loại hương bị tẩm hóa chất công nghiệp đang trôi nổi trên thị trường, khi đốt sẽ khiến những người xung quanh bị hắt hơi, cay mắt, ho, sổ mũi… Đáng lo ngại hơn nữa là sức khỏe của công nhân, những người trực tiếp phải tiếp xúc với loại hóa chất độc hại đó hàng ngày mà không hề hay biết”. Hiện nay chưa có nhà khoa học nào hay nghiên cứu nào cho rằng hóa chất ngâm tăm hương gây hại đến sức khỏe của người dân. Hơn nữa để sản xuất hương đậu tàn theo phương pháp cổ truyền mà uốn cong được thì rất khó, bởi nó còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết vào nguyên vật liệu. Cho nên sử dụng hóa chất là bắt buộc đối với người sản xuất. Theo tiến sĩ Nguyễn Công Ngữ - Viện Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Phát triển nông thôn: Khi ngâm tăm nhang vào H3PO4 các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ. H3PO4 kết hợp với xenlulo (thành phần chính của que tre, nứa) tạo thành estephotphat. Sau khi được phơi khô, nước sẽ bay hơi, trên tăm nhang chỉ còn estephotphat. Khi đốt nhang, nhiệt độ làm cho estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5), que nhang cháy nhanh hơn đồng thời kéo tàn nhang có hình cong tròn. Tuy nhiên, các chất khí được sinh ra trong quá trình đốt nhang sẽ có chất P2O5. “Sử dụng hóa chất bừa bãi và các loại mùn cưa được lấy từ các loại gỗ độc sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc mắt, khiến mắt mờ dần. Hít vào thường xuyên cũng ảnh hưởng đến niêm mạc hô hấp. Đặc biệt, các khí độc này tồn lại trong phổi sẽ gây bệnh hiểm nghèo, gây ung thư phổi và các bệnh khác”, ông Ngữ khuyến cáo. Còn theo ông Trần Phương Anh, Giám đốc cơ sở hương Phụng Nghi, để sản xuất hương đậu tàn theo phương pháp cổ truyền là hoàn toàn có thể được, nhưng chi phí sẽ đắt gấp 6 lần so với việc sử dụng hóa chất. “Giá của một bó nứa hiện nay khoảng 50.000 đồng. Nếu ngâm axit thì chỉ cần 50.000 đồng là đủ. Nhưng nếu muốn làm hương theo phương pháp cổ truyền thì lấy phần cật của cây nứa, tức là mỗi bó chỉ lấy được khoảng 1/3, nên chi phí để được một bó đã là 150.000 đồng. Sau khi ngâm nước suối xong chọn ra được khoảng một nửa số đó, tức là chi phí của một bó nứa rơi vào khoảng 300.000 đồng. Với chi phí cao như thế, nhiều cơ sở sản xuất đã dùng hóa chất rất rẻ mua ở ngoài thị trường để sản xuất”, ông Phương Anh phân tích.
Posted on: Sat, 14 Sep 2013 22:51:15 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015