Gia đình Trần Huỳnh Duy Thức lại kêu oan Cập - TopicsExpress



          

Gia đình Trần Huỳnh Duy Thức lại kêu oan Cập nhật: 07:48 GMT - thứ sáu, 19 tháng 7, 2013 Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị án tù 16 năm, thêm 5 năm quản chế Thân phụ nhà hoạt động dân chủ bị cầm tù Trần Huỳnh Duy Thức vừa gửi đơn kêu oan lần thứ 4 lên Chủ tịch nước Việt Nam. Trong thư gửi tới BBC, ông Trần Văn Huỳnh viết đã bốn năm trôi qua kể từ ngày "con trai tôi bị bắt và giam cầm" vì tội Lật đổ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Ông Huỳnh cho biết trong năm 2011, ông đã có ba lần gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước, lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết. Bên cạnh đó ông cũng gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội, Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. "Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp hay động thái nào từ những người nhận. Ngược lại, trong vòng 10 tháng qua, Thức đã hai lần bị đưa vào biệt giam với lần gần đây nhất trong những điều kiện đối xử khắc nghiệt, đi ngược lại với pháp luật trong nước lẫn các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết." Ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng một sỗ tù chính trị khác đang bị giam tại Trại giam Xuân Lộc, hay còn được gọi là Trại Z30A, của Bộ Công an. Đơn kêu oan của ông Trần Văn Huỳnh, lần này gửi tới Chủ tịch Trương Tấn Sang, viết: "Từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013, Thức đã bị giam giữ riêng biệt trong một phòng nhỏ đóng kín cửa liên tục, chỉ trừ thời gian trại giam phát bữa ăn". "Gần đây, trong liên tiếp 10 ngày từ 24/5 đến 2/6/2013, con tôi bị đưa vào biệt giam trong một buồng rất nhỏ chỉ 4m2, không có ánh sáng, rất dơ bẩn và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh do nhiều năm không được lau dọn vệ sinh, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm trắng không có thức ăn và chỉ được 1 lít nước cho mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt." Gia đình ông Huỳnh cho rằng các điều kiện đối đãi như trên là "bất công, không nhân đạo, hạ thấp phẩm giá con người và vi phạm điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, điều 7 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cùng các quy định thuộc Quy chế Tổ chức trại giam (ban hành kèm Nghị định số 60-CP ngày 16-9-1993 của Chính phủ)". Lá đơn cũng nói ngày 23/11/2012, một thông cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận rằng việc bỏ tù ông Trần Huỳnh Duy Thức và ba người khác trong cùng vụ án "là tùy tiện và vi phạm điều 9, 19 và 21 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên ký kết”. Nhóm Công tác này đã "yêu cầu Việt Nam trao trả tự do cho 4 công dân trên và bồi thường cho họ". Án oan sai Đơn của ông Trần Văn Huỳnh "khẩn thiết kính mong Chủ tịch cứu xét lại vụ án, giải oan cho con tôi cùng các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của Nhóm Công tác chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) để con tôi và những công dân có trách nhiệm với Tổ quốc khác sớm được đoàn tụ với gia đình và đóng góp sức mình cho sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước". "Con tôi bị đưa vào biệt giam trong một buồng rất nhỏ chỉ 4m2, không có ánh sáng, rất dơ bẩn và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh do nhiều năm không được lau dọn vệ sinh, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm trắng không có thức ăn và chỉ được 1 lít nước cho mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt." Ông Trần Văn Huỳnh Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức ra tòa lần đầu hôm 20/01/2010, cùng các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong vụ xét xử được cho là phản ánh thái độ không khoan nhượng của chính quyền Việt Nam trước các quan điểm chính trị đối kháng, nhất là trong thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11. Các vị trên đều bị buộc tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ông Thức kiên quyết không nhận tội và lãnh bản án nặng nhất là 16 năm tù giam và 5 năm quản chế tại gia. Tòa phúc thẩm hôm 11/05/2010 giữ nguyên bản án này. Tới nay hai ông Lê Thăng Long và Lê Công Định đã được trả tự do, trong khi ông Thức và Nguyễn Tiến Trung vẫn còn đang thực hiện án tù. Đi kèm với đơn, ông Trần Văn Huỳnh cũng gửi danh sách 10 người mà ông nói là "các công dân Việt Nam đang chịu án oan sai khác đã có kết luận của UNWGAD", trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý và blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày). Tin cho hay ông Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực tới ngày thứ 27 trong tù. bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130719_tranhuynhduythuc_petition.shtml --- Phải thay đổi ngay cách cư xử với tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm (Viết nhân lời kêu gọi trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Cầu, thỉnh nguyện thư trả tự do cho 35 blogger, lời kêu cứu tính mạng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực) Hoàng Hưng 1/ Việt Nam không có tù nhân chính trị? Nhà nước luôn luôn khẳng định nước này không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, mà chỉ có người phạm pháp bị tù. Một sự ngụy biện giả dối không ai tin nổi. Chỉ cần xem định nghĩa sơ giản nhất về tù nhân chính trị trong Wikipedia tiếng Việt là đủ hiểu: “Tù nhân chính trị hay Phạm nhân chính trị, chính trị phạm là một người bị giam giữ trong nhà tù hay quản thúc tại gia do hình ảnh hay chính kiến, hành động của người này bị chính quyền xem là đe dọa hay thách thức đến quyền lực của chính quyền hay an ninh và chủ quyền quốc gia. Đây cũng là trường hợp một phạm nhân chính trị bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý. Một tù phạm chính trị cũng có thể là tù nhân lương tâm bị tước quyền tại ngoại hầu tra có bảo lãnh và quyền được tha theo lời hứa danh dự. Trong nhiều án, tòa án sẽ đưa ra các chứng cứ ngụy tạo để che giấu tính chất chính trị của vụ án để tránh bị quốc tế và dư luận trong quốc gia đó lên án là vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến”. Bản thân tôi từng là một “tù nhân chính trị” nhưng sau đó bị bóp méo thành tù hình sự. Ngày 17 tháng 8 năm 1982, tôi vừa đi lấy tập bản thảo thơ Về Kinh Bắc do nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng, thì bị công an dàn cảnh “nghi ăn cắp xe đạp” để bắt giữ giữa đường, giải về đồn Hàng Bạc Hà Nội. Tại đây, họ lục túi xách của tôi, lấy đi tập thơ và đọc lệnh: “Bắt và khám xét khẩn cấp vì lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Tiếp đó, họ khám nhà tôi và thu được một số trang nhật ký bằng văn vần có nội dung nghi ngờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nghi ngờ “ngày mai tươi đẹp” của đất nước. Trong tù, một điều tra viên cấp tá cáo buộc tôi vào tội chính trị. Tôi cãi: “Tôi đâu có làm chính trị?”. Ông ta trả lời rất đơn giản: “Những việc làm của anh không phải vì tiền, thì là vì chính trị chứ gì nữa!”. Thế là tôi được đi “tập trung cải tạo”. Trong trại “cải tạo” Thanh Cẩm, Thanh Hoá, tôi bị giam ở dãy lán bên phải (mật danh là dãy tù B) dành cho tù chính trị (người có tư tưởng “phản động”, người chống đối chính quyền, người vượt biên, gián điệp Tàu, người Tàu khả nghi ở ven biên phía Bắc sau sự kiện chiến tranh biên giới Việt-Trung, sĩ quan công chức chế độ Sài Gòn) (không kể các tuyên úy công giáo giam riêng ở khu lán trên cao mà tù gọi đùa là “khu Vatican”) để phân biệt rõ với tù hình sự ở dãy lán bên trái (tù A) (hai mật danh A/B có thể tôi lộn cái nọ sang cái kia, các bạn tù khác sửa lại giùm nếu sai). Thế nhưng, khi ra tù sau 39 tháng, tôi nhận được tờ giấy “Ra trại” với tội danh “lưu truyền văn hoá phẩm đồi trụy” (!!!). Họ cẩn thận phòng xa lắm, lỡ sau này tôi có cơ hội “kiện cáo, xin xỏ” gì đó với quốc tế, thì chẳng hề có bằng chứng mình là “tù nhân chính trị”. Các ông anh của tôi trong vụ án “Xét lại chống Đảng” thập niên 1960 còn không được cấp bất cứ giấy tờ gì chứng minh đã bị giam giữ. Bác sĩ Phan Thế Vấn bị giam 5 năm + quản chế 6 năm, sau thống nhất được bạn cũ lúc này là Giám đốc Sở Y tế Sài Gòn nhận vào làm việc, nhưng không qua nổi Phòng Tổ chức chỉ vì anh không làm sao chứng minh được bằng giấy tờ thời gian 11 năm ấy đã làm gì, ở đâu. Tức là “lý lịch không rõ ràng” (!!!). Cho nên giờ đây, Trần Khải Thanh Thủy bị tù vì tội “hành hung”, Điếu Cày, Lê Quốc Quân bị tù vì tội “trốn thuế” thì quá dễ hiểu! 2/ Vì sao nhiều tù nhân chính trị hiện nay bị đối xử khắc nghiệt? (Trường hợp Cù Huy Hà Vũ có một số tiện nghi trong tù là hết sức đặc biệt, không hề đại diện cho điều kiện của tù chính trị nói chung mà chẳng qua do gia thế của ông. Cũng hơi giống các cha tuyên úy trong trại cải tạo có chế độ riêng, là nhờ thế lực của Vatican). Có khả năng: Có những “cai tù” bản chất côn đồ muốn trừng trị những tù nhân cứng đầu để ra oai. Nhưng nhiều cáo buộc của những người đã ra tù, kể cả những hồi ký của các cựu “cải tạo viên”, đến cáo buộc của thân nhân những người đang ở tù, khiến ta phải nghĩ đến một chủ trương nhất quán từ cấp cao: Trừng trị những tù nhân chính trị vẫn giữ vững lập trường, khí tiết để buộc họ phải đầu hàng, vừa chứng tỏ quyền lực của nhà cầm quyền, vừa trừ mầm “hậu hoạ” khi họ ra tù. Những người cộng sản Việt Nam trước đây là chính trị phạm trong nhà tù thực dân, nhiều người đã bị tra tấn, hành hạ dã man; có thể vì thế đến lượt họ cai trị, họ áp dụng lại “kinh nghiệm” nhà tù của thực dân? Hoặc “trả thù đời” theo kiểu mấy ông bố bà mẹ lý luận với con cái: Đời tao khổ cực, nay chúng mày khổ thế đã ăn thua gì? Nhưng họ lại quên cái kinh nghiệm lớn lao này của chính họ: Đối với những người có lý tuởng thì “gian lao rèn luyện tinh thần thêm hăng”! Biết bao người đã biến nhà tù thành trường học? Biết bao người sau khi ra tù đã vững vàng hơn, kiên định hơn, mưu lược hơn, chiến đấu hữu hiệu hơn? 3/ Chính quyền độc tài có toan tính rất “cận thị” Số người bất đồng chính kiến chiếm tỷ lệ quá nhỏ bé trong dân chúng, có trùm chăn bóp cổ họ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số đông! Toan tính quá đát từ lâu với thời đại Internet! Những vụ chấn động toàn cầu Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, Lê Quốc Quân chuẩn bị ra toà… vừa qua vẫn chưa làm họ mở mắt hay sao? 4/ Ở các nước không độc tài (cộng sản?), chính trị phạm nói chung được đối xử ưu ái hơn hẳn tù thường phạm. Vì hai lý do: Xét về tình, họ không phạm tội ác gì hết, họ không phải kẻ xấu xét theo tiêu chuẩn đạo đức luân lý, mà chỉ mang “tội” có niềm tin, lý tưởng, chính kiến khác với đường lối chính thống hiện hành. Xét về lý, họ chính là hạt giống chính trị của tương lai, chỉ cần đất nước có sự thay đổi về đường lối, chính họ sẽ là thành phần lãnh đạo quốc gia. Không hiếm tên tuổi những chính trị phạm sau này sẽ lừng lẫy thế giới trong cương vị người đứng đầu nhà nước: Aung San Suu Kyi, Benazir Bhutto, Benigno Aquino, Kim Đại Trọng, Nelson Mandela… 5/ Tóm lại: Phải thay đổi ngay cách cư xử với tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Kể cả thay đổi cách hành xử với những người bất đồng chính kiến, “tù nhân dự bị” nói chung. Không thiếu gì cách văn minh, nhân đạo để ngăn ngừa nguy cơ bạo loạn, lật đổ. Một trong những cách đó là đối xử tử tế, tôn trọng luật pháp trong xử sự với lực lượng đối lập ôn hoà, chỉ như thế mới có thể chứng tỏ cho nhân dân trong nước và dư luận quốc tế thấy tính chính danh của một Nhà nước pháp quyền. Cần chỉ thị, giáo dục lại cho các cai tù nhận thức mới này và cho phép một tổ chức xã hội dân sự làm công việc của Uỷ ban Cải thiện Chế độ Lao tù từng làm dưới chế độ mà chính quyền hiện nay thường miệt thị là “Ngụy quyền”. Nếu không, e khó tránh bị lịch sử mai đây gọi là “Siêu Ngụy”. H.H. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Posted on: Sun, 21 Jul 2013 16:49:10 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015