HÈN Thái Bá Tân - Nhà báo? - Gần như thế, - anh - TopicsExpress



          

HÈN Thái Bá Tân - Nhà báo? - Gần như thế, - anh đáp. - Chính xác hơn, tôi viết văn. - Nghe kêu đấy. Nghĩa là thêm một anh đạo đức giả nữa mò đến cái địa ngục thiên đường này. Xin chúc mừng. Dẫu sao thì ở địa ngục hay thiên đường, người ta vẫn cần có bạn. Mà tôi thì ở đây một mình đến phát ngấy lên rồi. Ðoạn, ông ta chìa bàn tay thô kệch, đen trũi và đầy lông lá cho anh. Anh thấy khó chịu với con người bỗ bã có vẻ ngoài khác thường này: béo, lùn, cụt một chân, tóc bù xù đốm bạc và nét mặt dữ tợn. Cánh tay phải xăm hình chiếc neo khổng lồ. Trên hơn một chút là trái tim với mũi tên xuyên qua. Anh đoán bên trong chiếc áo phông cáu bẩn chắc còn nhiều hình xăm ấn tượng khác. "Thêm miếng vải đen che một mắt thì sẽ là tên cướp biển chính hiệu!" anh nghĩ. Anh vừa từ Sài Gòn bay ra Côn Ðảo, được bố trí ở ngôi nhà to nhất trên đảo. Nó vốn là tư dinh của bao đời chúa đảo người Pháp ngày trước. Bây giờ là nhà ở và nơi làm việc của trưởng đảo cách mạng. Khi anh đến chẳng có ai, ngoài con người đang ngồi trước mặt. - Còn ông? - Tôi là Cướp Biển. Tên chứ không phải nghề. - Ông kia đáp, có vẻ thích thú. - Nhưng tôi hiền, đừng lo. Tôi là nhà hải dương học từ Nha Trang ra, cắm chốt ở đây lâu rồi. Trước lặn dưới biển nghiên cứu biển, nay cá mập xin mất một chân, đành nằm cạn, nghiên cứu cạn. - Sao ông gọi tôi đạo đức giả? - Vì năm ngoái một nhà báo như anh ra đây rồi viết một bài tôi không thể gọi bằng cái tên nào khác. Còn tởm hơn cả nói láo. Nhưng lần này thì tôi quyết giúp anh không phạm sai lầm đó. - Tôi không định viết bài báo nào cả, cũng chẳng hề muốn thành kẻ đạo đức giả. - Vậy anh ra đây làm gì ? - Ðể tận mắt thấy Côn Ðảo, và nếu có thể, tìm hiểu thêm về nó. - Vậy thì gặp may rồi đấy. Tôi là người thích hợp nhất cho anh trong việc này. Có điều xin nói trước: Tôi lắm lời lắm. Chả là bao lâu rồi không có người để nói chuyện mà. Lúc nào không muốn nghe, cứ thẳng thừng ngắt lời. Tôi không tự ái đâu. Tôi còn thích ra lệnh cho người khác nữa. Bây giờ thì anh đi tắm rửa, nghỉ ngơi đi. Phòng số ba, cạnh phòng tôi. Bà Bảy sẽ nấu cơm cho anh. Còn cô Lý, chủ nhiệm kiêm lễ tân, kiêm làm phòng ở đây thì đang ốm nằm ở trạm xá. Chắc tuần nữa mới về. Tối hôm ấy cô Lý về, nhưng sáng hôm sau anh mới thấy mặt. Ðó là một cô gái đặc sệt Nam Bộ thời kháng chiến, từ bộ bà ba màu đen, chiếc khăn rằn đến giọng nói, cử chỉ. Anh lấy làm lạ sao bây giờ cô vẫn ăn mặc kiểu ấy. Cứ như vừa từ R ra. Cô nhỏ người, thon lẳn, nét mặt buồn buồn, ít nói và hay e thẹn. Toàn bộ con người cô toát ra cái gì đấy rất dịu dàng. "Một cô gái thật xinh và dễ thương", anh nghĩ. Nhưng vừa kịp trao đổi với cô mấy lời thì ông Cướp Biển đã lôi anh đi. Gọi là "làm một vòng tham quan quanh đảo". * - Tù đấy, - ông Cướp Biển bảo anh khi họ đi ngang một tốp người đang chơi bóng chuyền. - Tù? - anh ngạc nhiên hỏi. - Ở Côn Ðảo bây giờ vẫn còn tù à? - Còn chứ. Nhiều. Không phải tù chính trị hay hình sự, mà tù bất đắc dĩ. Bọn thuyền nhân vượt biên ấy mà. Nhiều đứa vì gặp bão, hết xăng. Nhiều đứa tưởng đây đã là đất tự do, reo hò ầm lên cho đến khi nhìn thấy công an ta. Thế là hòn đảo này phải nuôi báo cô chúng. Hàng ngày đúng giờ đi làm, cuốc xới nhăng nhít gì đấy ngoài Bãi Dương, đúng giờ về điểm danh, chơi bóng, ăn cơm và đi ngủ. Chẳng giam giữ, chẳng quần áo tù, chẳng phải lo canh gác. Chúng còn chạy đi đâu được nữa? Có cấp thuyền cho cũng chịu. Ấy là nói thuyền nhỏ, tất nhiên. Chốc sau, chỉ tay vào một người đàn ông to béo ngồi bán nước trong quán, ông Cướp Biển lại nói: - Cũng tù đấy. Chính xác hơn là cựu tù hình sự chế độ cũ. Quá nguy hiểm và chưa hết hạn thụ án nên còn phải ở đây. Loại này cũng nhiều. Liền lúc ấy một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi đạp xe đi ngang, tóc húi cua, dáng gầy gò khắc khổ, mặc bộ quần áo bộ đội mới và rộng thùng thình. Ông Cướp Biển cúi chào cung kính, rồi quay sang bảo anh: - Cũng tù nốt. Tù chính trị khổ sai. Bây giờ là chúa đảo cách mạng. Ðã hơn ba mươi năm thâm niên ở đây. Vì không có người, vì am hiểu nơi này nên bị người ta yêu cầu ở lại, sau khi về thăm quê đúng một tháng. Không gia đình, không vợ con. Nói chuyện với "cụ" vui lắm. Cứ như người của cái thời cách mạng cách đây ba bốn chục năm. Tháng trước "cụ" vừa ban lệnh cấm uống rượu, cấm để tóc dài, cấm mặc quần loe. Và nhiều lệnh cấm khác. Không tin à? Rồi sẽ biết. - Như bác nói thì ở đây toàn tù. - Ðúng thế, trừ mấy ông công an, một đơn vị bộ đội đóng tít trên núi và những người như tớ, cậu và cô Lý. À mà đừng léng phéng rủ cô ấy đi chơi đấy nhé. Ông trưởng đảo sẽ bắt hai người lấy nhau đấy. - Rồi ông hạ giọng nói thêm: - Tội nghiệp con bé. Suy cho cùng, nó cũng là tù nốt... - Sao lại vậy? - anh ngạc nhiên hỏi. - Vì năm bảy lăm cô ấy tới đây theo lời kêu gọi ra xây dựng đảo anh hùng, tưởng sáu tháng, một năm, ai dè bây giờ hơn bảy năm rồi vẫn chưa được về đất liền... - Vì sao? - Vì không ai chịu ra thay. Tự ý bỏ về thì vướng Ðoàn, Ðảng. Ðịnh đào ngũ à? - Nhưng không thể kéo dài mãi thế được. Còn chồng con người ta và bao nhiêu chuyện khác nữa. - Ðúng vậy. Thế mới gọi là tù. Cả ông trưởng đảo cũng tù nốt. Ấy là nói theo cách văn vẻ. Chỉ tớ và cậu thì không. Cậu sẽ bay về Sài Gòn chuyến bay thứ năm tuần tới. Tớ muốn về lúc nào cũng được, nhưng không về. Tớ ghét đất liền. Vả lại còn công việc. Lúc ấy trời đã xế chiều. Họ ngồi trên tảng đá lớn nhìn ra biển, ngắm mặt trời lặn và nói chuyện. Chủ yếu ông Cướp Biển nói, anh chỉ nghe. Gió thổi nhẹ. Nước biển ở đây sâu và có màu xanh tím. Phía xa xa lác đác một vài con thuyền, không hiểu thuyền đánh cá hay thuyền gì. Nếu không có câu chuyện vừa rồi về những người tù đủ loại và lịch sử rùng rợn của hòn đảo, thì có thể nói đây là nơi tuyệt đẹp. Chí ít cũng là một địa điểm du lịch lý tưởng trong tương lai, với bãi biển cát mịn trắng phau và những dãy núi, những hàng dừa thơ mộng. Ông Cướp Biển quả "rất hiền" như ông nói, lại xởi lởi, hay chuyện. Chắc túm được anh, ông mừng lắm. Ông kể nhiều điều thú vị về hòn đảo này, đặc biệt về các loài tôm cá và san hô, là cái thực tình anh chẳng quan tâm mấy. Không hiểu đúng sai thế nào, nhưng theo ông cho biết thì cái tên Côn Ðảo bắt nguồn từ chữ "Condore" của người Pháp trước đây. Mà Condore lại là chữ đọc chệch của "Cundur", cái tên được người Ả-RẬP đặt cho hòn đảo này vào thế kỷ thứ chín. Nghĩa là từ xa xưa nó đã từng in dấu chân của không chỉ các nhà hằng hải phiêu lưu Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Pháp, mà cả đại diện của xứ Trung Ðông ít ai ngờ tới. Thậm chí cả Marco Polo cũng từng có mặt ở đây. - Vào năm 1294, cả đoàn tàu gồm 14 chiếc của nhà thám hiểm lừng danh người Bồ Ðào Nha này ghé vào Côn Ðảo để tránh một cơn bão khủng khiếp trước đó đã làm chìm tám chiếc tàu khác của ông. Vậy mà sau một mất mát to lớn như thế, ông còn đủ cảm hứng ghi vào nhật ký (sau này viết lại thành những câu chuyện ly kỳ nổi tiếng thế giới) hai chữ "thần tiên" khi nói về hòn đảo xa lạ này. - Ông Cướp Biển vừa hào hứng nói, vừa chỉ ngón tay trỏ múp míp lên trời, như muốn thề rằng ông không phịa. Anh tin ông, không chỉ vì các con số và tên người cụ thể, mà vì ông có vẻ hiểu biết rất nhiều về hòn đảo nơi ông bị "cầm tù" lâu nay. - Chưa hết. Cậu là nhà văn, chắc phải thú vị lắm khi tớ cho biết điều này nữa. Tin hay không thì tùy, chứ từng có một nhà thơ lớn châu Âu thời Phục Hưng đã tới Côn Ðảo và viết những vần thơ lai láng về nó. Ngạc nhiên à? Nói có sách, mách có chứng nhé. Cậu đã bao giờ nghe nhắc đến TẬP "Os Lusiadas" của nhà thơ vĩ đại Bồ Ðào Nha Luis Vaz de Campes chưa? Chưa? Thế mà ông ta đã viết nó ở đây đấy, viết vào giữa những năm sáu mươi của thế kỷ mười sáu. Một phần hay tất cả tớ không biết chính xác. Có thể ông ta viết chính nơi ta đang ngồi. Sau đó tàu ông gặp bão, chìm ở cửa sông Tiền. Thế mà bản thảo tác phẩm "Os Lusiadas" bất hủ ấy vẫn được giữ nguyên vẹn và lưu truyền đến tận ngày nay. Nó là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên của phương Tây nói về Việt Nam. Tớ định sau này có dịp ra Hà Nội sẽ đến các thư viện lớn, nếu có thì đọc xem sao. Tớ biết tiếng Bồ đấy. Cậu lại không tin? Chả là tớ từng làm chuyên gia ở nggôla mấy năm. Dạy trung học thôi chứ chẳng liên quan gì đến biển. - Sao bác biết được những chuyện ấy? Tôi chẳng thấy sách báo ta nói gì cả. - Thì tớ đã bảo tớ biết tiếng Bồ mà lại. Dạo ở nggôla, nội chiến, chẳng dạy dỗ gì được, tớ lên thủ đô nằm dài cả mấy tháng trời và vào thư viện đọc sách. Ngẫu nhiên đọc rồi biết. Thế thôi. Có thể sách báo mình cũng viết nhưng tớ và cậu không đọc nên không biết. Hôm sau, lúc đi dạo một mình vào buổi sáng sớm, anh phát hiện thêm một điều lý thú nữa về Côn Ðảo mà ông Cướp Biển không biết hoặc quên chưa nói. Trong ngôi nhà gạch to lớn một cách nặng nề sát bờ biển anh thấy có tấm biển bằng đồng đã han gỉ với dòng chữ tiếng Pháp: "Nơi đây nhạc sĩ vĩ đại Camille Saint -Saens đã sống và làm việc từ ngày 20 tháng Ba tới 19 tháng Tư năm 1895". Sau này anh biết thêm là trong quãng thời gian ấy ông đã hoàn tất vở ôpêra nổi tiếng "Brunechilda", và rằng ông tới Côn Ðảo theo lời mời của bạn ông, lúc đó đang làm chúa đảo ở đây. - Tớ mà còn không biết chuyện ấy! Biết nhiều nữa là khác. - Ông Cướp Biển vội nói khi anh kể với ông. - Ðừng hỏi vì sao tớ biết, nhưng cứ tin đi, rằng con tàu "Fair Margaret" chuyên chạy tuyến Macxây - Sài Gòn và ngược lại, hôm ấy chỉ vì cái ông nhạc sĩ đó mà phá lộ trình, dừng lại ở Côn Ðảo những nửa ngày. Trên tàu người ta thổi kèn tiễn ông lên bờ. Trên bờ, ông bạn chúa đảo bắt lính bồng súng đứng thành hai hàng dài từ cầu tàu cho đến tận nhà khách, nơi có chiếc đàn dương cầm loại lớn màu trắng được ông ta đưa từ đất liền ra đang chờ sẵn. Không có các thiếu nữ Việt Nam xinh đẹp tặng hoa cho khách quí, vì lúc ấy ở đây chỉ toàn tù chính trị, nhưng hai cô con chúa đảo đã làm việc này. Cái tay thực dân khét tiếng ấy cũng mê âm nhạc và quí người tài. Nghe nói trong một tháng nhạc sĩ ở đây, hắn cố tình để ông không nhìn thấy nhà tù và tù nhân, thế mà ông ấy vẫn làm quen được và tranh luận khá nhiều về triết học, chính trị với một nhà cách mạng người bản xứ. Nghe nói ông đã xin tên chúa đảo thả ông ta ra nhưng hắn không chịu. Cũng có thể hắn nghe và làm theo mà ta không biết. * Họ lặng lẽ đi bên nhau, đôi lúc tay cầm tay. Mới tám giờ rưỡi mà con đường rải nhựa và cũng là đường phố duy nhất chạy men theo bờ biển Côn Ðảo chẳng còn ai ngoài họ. Các tù nhân bất đắc dĩ đã đi ngủ từ lâu theo kẻng. Hàng quán không có, do vậy không có cả tiếng nhạc và tiếng ồn. Chỉ thấp thoáng đây đó một vài ngọn đèn mờ còn tù mù hơn cả ánh trăng tròn và rất to kề sát mặt nước. Cuối cùng họ dừng lại ở mép ngoài cầu tàu 787. Nghe nói nó có cái tên này là vì 787 người tù đã bỏ mạng khi cõng đá từ trên núi cao xuống xây nó năm nào. Mặt cầu tàu gồ ghề những hòn đá tròn khiến khi đi anh có cảm giác rờn rợn như đang dẫm lên đầu 787 người đã chết. - Có phải em ngần ngại mãi không chịu đi chơi với anh vì ở đây có quy định đã đi chơi là phải lấy nhau không? - anh hỏi, nửa đùa nửa thật. Lý không đáp ngay, vẫn im lặng đi bên anh, mắt không ngắm đêm trăng tuyệt đẹp trên biển mà thường cúi nhìn xuống đất, tay mân mê tà áo phin trắng mà anh để ý cô chỉ mặc những lần đi dạo cùng anh. Ban ngày cô luôn mặc bộ bà ba quen thuộc. Ðôi lúc quàng cả khăn rằn. - Bác Thắng (ông Cướp Biển) đùa đấy thôi. Anh biết rồi còn gì. - Cuối cùng cô lí nhí nói. Bất chợt ngước lên nhìn anh, cô hỏi: - Thế anh không sợ đi chơi thế này sẽ bị bắt phải lấy em à? Anh phá lên cười, vòng tay ôm vai cô, định hôn nhưng cô né ra, dù trước đấy họ đã từng hôn nhau. - Anh đang mong bị bắt làm thế đây. Mà rồi không bị bắt, anh cũng sẽ lấy em và đưa em về đất liền. Về tận Hà Nội cơ. - Vì thực sự yêu em hay chỉ vì thương em bị tù ở đây như anh nói? - Cả hai. Em đồng ý chứ? Lý không đáp, chỉ lặng lẽ quay về phía anh. Anh dịu dàng áp hai tay vào má cô, nâng lên. Dưới ánh trăng rằm, khuôn mặt cô thật đẹp. Hơi nước biển và ánh trăng tạo thành một màng mỏng kỳ ảo nửa xanh nửa vàng phủ lên mái tóc cô. Họ không nói gì thêm, chầm chậm bước đi. Những gì cần nói đã được nói từ trước. Cả đảo đã biết hết mọi chuyện, kể cả ông trưởng đảo nghiêm khắc. Ông chỉ cười, đó là dấu hiệu tán thành. Còn ông Cướp Biển trong chuyện này thì rõ ràng giữ một vai trò rất quan trọng. Vai trò người làm mối, và ông đã thành công mĩ mãn. Ông giới thiệu họ với nhau, khích lệ, bố trí họ đi chơi. Khi thấy công việc có vẻ tiến triển, chính ông thu xếp để anh nhỡ hai chuyến bay vào đất liền. Chuyến thứ ba tự anh xin hoãn vì tình yêu đã xuất hiện và anh muốn ở lại thêm với cô một tuần nữa. Thứ năm tới, tức là đúng một tháng sau khi tới đảo, anh về Hà Nội thưa chuyện với bố mẹ, một tháng nữa sẽ quay lại cùng Lý về Minh Hải xin phép gia đình cô. Bao giờ cưới bàn sau. Anh đã nói chắc chắn với cô như vậy, với sự chân thành và bồng bột của tuổi trẻ. Ðây không phải mối tình đầu của anh, nhưng là mối tình sét đánh. Anh yêu Lý, yêu từ cái nhìn đầu tiên như người ta vẫn nói, và tin vào tình yêu ấy, không chút tính toán hơn thiệt. Ðêm trước ngày lên đường, ông Cướp Biển đùa bảo anh: - Cậu mà không lấy cái Lý thì liệu, thằng cướp biển này sẽ không tha đâu! Nhớ lấy. Anh chỉ cười, không tin chuyện ấy có thể xẩy ra. Ở sân bay, anh hôn Lý trước mặt mọi người, nhấn thêm một dấu khẳng định nữa cho quyết tâm không gì lay chuyển được của mình. - Một tháng nữa anh sẽ quay lại với em. * Từ ấy đến nay đã hai mươi năm trôi qua. Anh đã là một người đàn ông chững chạc, thậm chí một nhà khoa học nổi tiếng. Tự lúc nào không biết, anh đã thành ông. Ông có vợ và hai con đang học đại học. Việc công, việc tư đều suôn sẻ. Ông chẳng có gì phải than phiền về cuộc đời mình, chỉ tiếc vợ ông không phải cô Lý, và điều này làm ông buồn, đôi khi xấu hổ. Ông đã không quay lại với cô sau một tháng như đã hứa. Chẳng bao giờ quay lại. Chẳng gặp cô thêm lần nào. Gia đình ông, vốn thuộc loại danh giá và ít nhiều phong kiến ở Hà Nội, đã kịch liệt phản đối khi ông xin phép cưới Lý, một cô gái được coi là không môn đăng hộ đối , làm cấp dưỡng ở tít ngoài Côn Ðảo , không ai biết lai lịch thế nào, thậm chí học hết lớp mấy cũng chẳng rõ! Ông nhất quyết không chịu và mấy lần dọa bỏ nhà ra đi. Nhưng rồi mọi người thuyết phục, bà mẹ suốt ngày than khóc van xin - một đòn tâm lý lợi hại và luôn có kết quả. Cuối cùng, trước khi hết cái thời hạn một tháng đã hứa, ông gửi Lý một bức thư với vẻn vẹn dòng chữ "Hãy tha thứ cho anh, bố mẹ anh không đồng ý". Ông không muốn viết dài, vả lại cũng chẳng biết viết gì thêm. Chưa đầy một tháng sau, ông nhận được thư của ông Cướp Biển với duy nhất một chữ "Hèn!" Chữ ấy được viết hoa, tô đậm ngay chính giữa tờ giấy. Sau đấy họ chẳng liên hệ gì hay biết tin gì về nhau nữa. Cùng năm tháng, ông cũng nguôi ngoai dần, chỉ thỉnh thoảng nhớ về cô với chút ít lương tâm cắn rứt. Ông biết ông thật có lỗi với Lý. Bằng sự đầu hàng quá nhanh chóng và hèn nhát như vậy, ông đã gây cho cô đau khổ, có thể cả phiền toái khi tiếp tục sống ở Côn Ðảo. Ông Cướp Biển chỉ dùng một từ mà nói đúng thực trạng con người ông lúc ấy. Hèn! Vâng, ông xử sự như một thằng hèn. Nếu can đảm hơn, kiên quyết hơn, ông đã không bỏ rơi cô, có thể không bỏ rơi cả hạnh phúc cuộc đời mình. Ông thực sự yêu Lý, yêu khuôn mặt xinh đẹp được ánh trăng và hơi biển phủ nhẹ một màng xanh vàng kỳ ảo đêm ấy. Nếu không hèn, ông đã với tới được cái đẹp kỳ ảo ấy. Sống ở đời, ông biết, ai cũng phạm sai lầm, nhưng sai lầm dưới dạng hèn nhát thuộc phạm trù khác, phức tạp hơn và cũng khó tha thứ hơn. Có thể một ngày nào đấy ông sẽ quên không nghĩ tới Lý và ông Cướp Biển nữa, nhưng chữ "hèn" ông ta dành cho ông thì chắc chắn còn ám ảnh suốt đời... * Lúc này ông đang ở Côn Ðảo. Ông tới đây bằng trực thăng như nhiều khách du lịch khác, và ở khách sạn có điều hòa chứ không phải tư dinh các chúa đảo người Pháp. Côn Ðảo đã thay đổi nhiều, đến mức không còn nhận ra nổi. Cầu tàu 787 nơi ông đang ngồi không còn những viên đá tròn gồ ghề như đầu tử tù ngày xưa ông tưởng tượng. Không còn cô Lý mặc áo bà ba, quàng khăn rằn. Không còn ông Cướp Biển bỗ bã mà tốt bụng. Nhưng vẫn còn đó những lời ông kể về nhà thơ Bồ Ðào Nha thời Phục Hưng cùng bản trường ca bất hủ ông viết ở đây. Còn đó tấm biển đồng nói về nhạc sĩ Camille Saint-Saens vĩ đại. Ông nhắm mắt, hình dung thấy nhạc sĩ đang mỉm cười bước từ tàu "Fair Margaret" xuống, và giữa hai hàng lính bồng súng đứng nghiêm, ông đi về phía chiếc đàn dương cầm lớn màu trắng ... Còn đó tiếng sóng biển rì rào và mặt trăng, cũng tròn và sáng như đêm nào ông ở đây cùng Lý. Ông khum hai bàn tay, giơ cao nâng ánh trăng. Hơi nước và ánh trăng cũng phủ nhẹ lên tay ông một màng mỏng màu xanh vàng kỳ ảo. Thật tiếc, trong đôi tay đã không còn khuôn mặt xinh đẹp của người ông yêu. Cái còn lại bây giờ là một sự trống rỗng, cả trong tay lẫn trong lòng ông. Cuối cùng, cả sự trống rỗng ấy cũng biến mất để nhường chỗ cho một cảm giác chua xót. Cảm giác rằng mình là một thằng hèn. Hà Nội, 12. 8. 2001
Posted on: Tue, 23 Jul 2013 04:03:32 +0000

Trending Topics



Recently Viewed Topics




© 2015